Thời gian chầm chậm trôi đi, khí trời Thanh Đảo dần ấm lên, chúng tôi thường đến bờ biển chơi. Hai chúng tôi ngày càng thân mật khắng khít, giống như anh em ruột thịt vậy. Tôi nghĩ nguyên nhân là do bối cảnh gia đình của chúng tôi tương tự nhau.
Sinh nhật âm lịch của Lý Ngôn Tiếu rơi vào mùa hè, lúc anh sinh nhật mười hai tuổi, chúng tôi ra bờ biển bơi. Anh cởi quần áo, tôi thấy anh cái mặc quần lót đỏ chót, cũng là vì năm nay là năm tuổi của anh. Tôi cười đến suýt chút đã chết đuối, nói thẳng là nhìn anh quê chết được.
Lần đó bờ biển có rất nhiều sứa, tôi may mắn không bị trúng chiêu, nhưng vai Lý Ngôn Tiếu bị sứa quét qua một cái, lưu lại một lằn máu đỏ tươi, làm anh đau đến rút gân, cuối cùng tôi phải ôm anh kéo lên bờ.
Về sau trên vai Lý Ngôn Tiếu để lại một vết sẹo dữ tợn, con sứa ăn ngon như thế, không ngờ nó ở trong biển lại lợi hại đến vậy. Lý Ngôn Tiếu nói những con sứa đó tới để báo thù, bởi vì anh thích nhất là món sứa trộn cải trắng.
“Ngu Cơ” đã thật sự đổi sang hát bản mẫu hí rồi, tôi nhìn cô mặc quân phục tinh thần phấn chấn hát hồng ca, nét đẹp ngày xưa hoàn toàn bị che mất làm tôi vô cùng tiếc nuối. Nhưng ngược lại Lý Ngôn Tiếu không hát bản mẫu hí, tôi thấy anh vẫn diễn thiếu niên Chu Du. Có người muốn tố giác anh với cấp trên, nhưng xét lại dù sao anh cũng chỉ là một đứa trẻ vị thành niên chưa hiểu chuyện nên được bỏ qua.
Liên Vân Cảng ngàn dặm ngút ngàn bên kia vẫn như cũ không chút tin tức. Cảm giác nhớ nhà tôi ôm ấp bấy lâu dường như đã phai nhạt ít nhiều, có lẽ bởi vì trong lòng còn ước định với Lý Ngôn Tiếu.
Có khi tôi nghĩ nếu như mẹ tôi cũng hát hí khúc, liệu bà có thể cắt tóc ngắn đi hát hồng ca hay không? Có lẽ sẽ không, con người mẹ quá cứng rắn, quả thật rất giống với Lý Ngôn Tiếu. Nghĩ thế, tôi lại âm thầm lo lắng. Trong thư có nói mọi người đang viết kiểm điểm trong trại tạm giam, mẹ lại là người quật cường như thế, nhất định sẽ không “nhận sai”, như vậy tình cảnh của mẹ không chừng sẽ càng ngày càng khó.
Nháy mắt đã đến lúc nghỉ hè.
Học sinh chúng tôi đều phải thi cuối kỳ, bài thi này quyết định chúng tôi được lên lớp hay không. Có ba môn thi: Ngữ văn, toán và lao động. Nghĩ đến cũng lạ, từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với văn học, nhưng môn tôi thích nhất lại là toán, bất kể đề bài khó dễ ra sao tôi đều có thể làm được, vì thế thầy giáo đặc biệt yêu thích tôi.
Trong ba môn này, tôi tổng cộng bị mất sáu điểm, trong đó toán đạt một trăm điểm.
Hiệu trưởng Trương rất coi trọng tôi, muốn cho tôi nhảy thêm một lớp, trực tiếp vào lớp năm. Tôi đồng ý, âm thầm cảm thấy kiêu ngạo. Nhưng tôi tính một chút, chờ tôi lên đến cấp hai thì Lý Ngôn Tiếu đã tốt nghiệp rồi.
Lúc ấy anh cũng gần tới tuổi “lên núi xuống nông thôn”, chẳng phải sẽ không còn ai chơi với tôi sao? Nhưng nghĩ lại chỉ là mình buồn lo vô cớ, chuyện gì đến cũng sẽ đến, trốn không được chẳng bằng cứ đối mặt, chấp nhận nó đi.
Mùa hè này, tôi tình cờ biết được chuyện của Lý Ngôn Tiếu và Lý Tĩnh Tư, sau khi nghe xong thì tôi cũng bừng tỉnh đại ngộ.
Trước kia Lý Ngôn Tiếu do một tay hiệu trưởng Trương dạy dỗ, trong lớp thành tích của anh là giỏi nhất, được cô coi như thiên tài, lại hiểu lễ phép, mặt mày sáng sủa, khí chất nho nhã nên được cô đặc biệt chú ý.
Lúc đầu cô không có ý gì, chỉ là vì Lý Tĩnh Tư học tập kém cỏi nên cô nhờ Lý Ngôn Tiếu đến nhà, để Lý Tĩnh Tư có thể học theo “thiên tài trong dòng họ Lý.”
Về sau hiệu trưởng Trương phát hiện con gái mình rất thích Lý Ngôn Tiếu, thế là muốn chuyện này sớm định, thành thì tốt, không thành thì thôi.
Khi đó người làm việc nhà nước có giác ngộ cao, hiệu trưởng Trương cũng là con nhà gia thế, Lý Ngôn Tiếu và Lý Tĩnh Tư đều là “cẩu tể tử”, phỏng chừng người ta muốn đào gốc rễ manh mối cũng không thấy chút hồng, ngược lại hai “cẩu tể tử” có vẻ rất hợp nhau. Hiệu trưởng Trương đến nhà Lý Ngôn Tiếu nói chuyện, người lớn trong nhà anh không nói đồng ý cũng không nói phản đối.
Thế nên Lý Ngôn Tiếu và Lý Tĩnh Tư như trước làm bạn bè, hiệu trưởng Trương cũng ủng hộ, hoan nghênh Lý Ngôn Tiếu đến nhà làm khách.
Trách không được vì sao Lý Ngôn Tiếu không chịu nói với tôi, chuyện này tôi vừa nghe đã cảm thấy không vui rồi.
Tôi vô cùng bực bội, ấn tượng của tôi với Lý Tĩnh Tư không phải rất tốt, nhưng Lý Ngôn Tiếu là bạn tốt nhất của tôi, không có sự đồng ý của tôi, Ngôn Tiếu có thể cưới chị sao? Nhưng nghĩ lại, bạn tốt nhất thì thế nào, chuyện cưới hỏi là của người ta, đến người nhà còn không quản thì bạn bè có thể nói được gì?
Hơn nữa tôi cũng cảm thấy rất kỳ quái, Lý Ngôn Tiếu xem ra không thích Lý Tĩnh Tư, vì sao lại còn muốn tới lui với người ta? Tôi nghĩ nửa ngày, mới nhớ tới ngày đó chúng tôi đi bán chiếu, trên đường Lý Ngôn Tiếu đã nói với tôi rồi.
Anh vốn muốn sau khi tốt nghiệp sẽ cắt đứt với Lý Tĩnh Tư, dù sao hiệu trưởng cấp hai không còn là hiệu trưởng Trương nữa. Nhưng do muốn xếp lớp cho tôi nên anh nghĩ tới chuyện nhờ cô Trương giúp đỡ, thế mới có chuyện đến nhà thăm hỏi hôm ấy.
Còn việc bán chiếu cũng bởi vì tôi, vì Lý Tĩnh Tư giúp tôi, Lý Ngôn Tiếu phải trả người ta một món ân tình nên đành phải giúp chị.
Thì ra, Lý Ngôn Tiếu cứ tới tới lui lui với Lý Tĩnh Tư đều là vì tôi. Trong lòng tôi lại càng ghét Lý Tĩnh Tư – mặc dù chị đã giúp tôi lại càng tự trách – mặc dù tôi không làm sai chuyện gì càng đau lòng cho Lý Ngôn Tiếu – mặc dù đó là lựa chọn của chính anh.
Con người cứ mâu thuẫn như thế đấy.
Tựu trường, tôi được nhảy thẳng lên lớp năm. Chỉ là chương trình học khó hơn một chút, nhưng cái này không thắng được tôi. Cô Trương khen tôi rất thông minh, cuối cùng còn thêm một câu, giống như Ngôn Tiếu vậy. Lý Tĩnh Tư bên cạnh mỉm cười, tôi càng nhìn chị lại càng phát ghét, cảm thấy nụ cười của chị không còn thuần khiết như trước nữa.
Về sau không còn phải ngày ngày nhìn thấy Mã Què, tôi được thở một hơi dài nhẹ nhõm. Lớp năm không có tiểu ác bá, điều này làm tôi càng thêm yên tâm. Nhưng tám tuổi đã học lớp năm, tôi không biết có ai như thế không.
Thời gian đi học cứ bình bình đạm đạm trôi qua. Tuy thường phải đến quảng trường nghe “chỉ thị”, tuy cuộc sống của chúng tôi vẫn thẩm thấu chính trị như trước, nhưng tôi đã dần quen rồi. Thoáng cái Vương Câu Đắc Nhi đã học đến lớp hai, học phí là do tôi trả. Tôi cảm thấy khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng xa, là do tôi trưởng thành sớm hay cậu còn quá ngây thơ? Tuổi thơ luôn trôi qua một cách chóng vánh, chớp mắt tôi lại thêm một tuổi, bây giờ tôi đã học lớp sáu rồi, rất nhanh sẽ đến cấp hai.
Tôi mong đợi lên cấp hai để có thể gặp Lý Ngôn Tiếu, nhưng khi tôi đến cấp hai, anh lại lên cấp ba. Chính giữa ba năm này giống như có khoảng cách rất xa, không cách nào vượt qua cũng không cho tôi đuổi kịp.
Còn một việc đáng nhắc là phát âm của Vương Câu Đắc Nhi đã tốt hơn nhiều, nói chuyện cũng lưu loát hơn trước rồi. Tôi không biết làm sao cậu ta có thể sửa được.
Trước đó trong bản “Chỉ thị của Mao Chủ tịch” đầu tiên yêu cầu thanh niên có văn hóa phải lên núi xuống nông thôn. Quả nhiên, mùa thu năm nay đã lục tục đưa đến vài thanh niên.
Không có ai ở nhà Lý Ngôn Tiếu, ngược lại nhà chú và thím được nghênh đón một thanh niên văn hóa. Nhắc đến cũng trùng hợp ghê, anh ta cũng họ Lý, tên là Lý Á Hàn, tôi không biết có phải vì nguyên nhân này mà anh đến Lý Gia Trang hay không. Trong Lý Gia Trang có rất nhiều người họ Lý, những người bên cạnh tôi đều mang họ Lý cả.
Lúc ấy anh ta mười tám tuổi, đeo mắt kính, thoạt nhìn rất nhã nhặn. Anh vừa mới tốt nghiệp trung học, nhưng do bối cảnh gia đình không tốt, lại chịu ảnh hưởng của làn sóng văn cách nên anh không được học lên đại học. Nhưng tôi thấy anh dường như không có điểm gì là không vui, hỏi tới thì anh bảo thật ra mình không phải là người thích học tập, có lên đại học hay không cũng không sao cả.
Người ta thường nói con nít luôn thích chơi với người lớn hơn, tôi và Vương Câu Đắc Nhi đều rất vui khi trong nhà có thêm một anh trai. Tuy ban ngày anh phải đến chỗ lao động với chú và thím, nhưng thời gian nghỉ ngơi chúng tôi liền có thêm một người bạn.
Phòng ngủ của anh ở bên cạnh phòng chú và thím, thím giúp anh thu dọn đồ đạc, vừa dọn vừa hỏi: “Á Hàn là người nơi nào nhỉ?”
“Người Giang Tô ạ.”
Tôi hơi kinh ngạc, thím lại hỏi tiếp: “Ở đâu của Giang Tô?”
“Liên Vân Khu.”
Câu trả lời này làm tôi lắp bắp kinh hãi, Vương Câu Đắc Nhi lại không có phản ứng gì, tôi nghĩ chắc cậu đã quên cố hương Liên Vân Cảng của mình mất rồi. Tôi mở to hai mắt nhìn Lý Á Hàn, Liên Vân Cảng và Liên Vân Khu có quan hệ như Thanh Đảo và Hoàng Đảo vậy.
Tôi cứ mãi ngẩn người, thím giống như không chú tâm nghe, qua một hồi lâu mới kịp phản ứng: “Ơ, vậy cả ba đứa đều là đồng hương rồi!” Nói xong thím chỉ tôi và Vương Câu Đắc Nhi.
Đến lúc này tôi mới khép miệng lại đươc, Lý Á Hàn nhìn nhìn chúng tôi, cũng không có biểu lộ tình cảm gì cả. Tệ thật, tôi nghĩ thầm, người này chỉ mới vừa vào cửa nhà chúng tôi mà lúc nhìn chúng tôi cứ như không để vào mắt vậy. Nếu như đổi lại là Lý Ngôn Tiếu, lúc này chắc chắn anh đã cười một cái rồi.
Hơn nữa, sự xuất hiện của Lý Á Hàn lập tức khơi gợi nỗi nhớ nhà trong tôi, cái loại nhớ nhung mãnh liệt này cứ như núi lửa sục sôi, làm sao cũng không nén xuống được. Thật ra trước giờ nó vẫn thế, chưa bao giờ thay đổi, chỉ có điều bây giờ đã là năm , tôi cũng sắp qua sinh nhật chín tuổi rồi, nỗi nhớ ấy được tôi đặt vào chỗ sâu nhất trong trí nhớ đã hai năm trời.
Vào ngày hôm sau khi Lý Á Hàn tới, Lý Ngôn Tiếu hỏi tôi: “Nhà em có người đến phải không?”
“Đúng vậy.”
Bàn tay anh đặt trên vai tôi vỗ vỗ, mỉm cười, tôi không biết anh có ý gì, Lý Ngôn Tiếu luôn có một phương thức biểu đạt của riêng anh.
Dù sao chỉ là một người khách đến ở, tôi phải đi học vẫn đi học, đánh đàn vẫn đánh đàn, sinh hoạt không bị rối loạn chút nào.
Nhưng tôi cảm thấy trong lòng Lý Ngôn Tiếu có vẻ không vui. Tôi vẫn luôn viết thư về nhà, mặc dù không có hồi âm. Sau khi Lý Á Hàn đến, tôi viết thư càng nhiều lần, hầu như một tháng hai phong thư. Nếu có chữ tôi không biết mà lười tra tự điển, cũng không muốn tìm Lý Ngôn Tiếu, lúc ấy có thể hỏi Lý Á Hàn.
Tóm lại bởi vì thế mà thời gian ở chung của tôi và Lý Ngôn Tiếu ít nhiều gì đã bị giảm đi một chút, Lý Ngôn Tiếu rất nhạy cảm, anh nhất định đã nhận ra. Huống chi còn có cái tính đại thiếu gia kia nữa, làm sao mà chịu được vắng vẻ, việc này trong mắt anh giống như bị đánh vào mặt vậy.
Vì vậy tôi cố gắng dành nhiều thời gian đến nhà Lý Ngôn Tiếu, lúc cùng Lý Á Hàn nói chuyện cũng đều là buổi tối trước khi ngủ. Lúc ấy Lý Ngôn Tiếu sẽ không đến tìm tôi.
Mãi đến khi Lý Á Hàn ở nhà được mấy tuần, chúng tôi mới dần thân hơn. Cả ngày anh đều mang bộ dáng như người cõi trên, có một loại người đọc sách suốt ngày cứ thừ người đờ đẫn như thế. Thật ra tôi nghĩ người như vậy không tốt lắm, đúng hơn là khi làm việc, hay qua lại với người khác sẽ rất không đáng tin.
Chúng tôi chỉ nói với nhau duy nhất một chủ đề, đó là cố hương.
Lý Á Hàn học trung học ở Thanh Đảo, cả nhà anh đều ở gần đây, Liên Vân Khu là nơi anh sinh ra, cũng là nơi anh sống lúc nhỏ. Chúng tôi trò chuyện về Liên Vân Khu và Liên Vân Cảng, nói mãi cũng chẳng hết chuyện. Tôi vừa tròn chín tuổi, cách ước định mười hai tuổi với Lý Ngôn Tiếu còn những ba năm. Ba năm này tôi phải trải qua thế nào đây?
Tôi thường xuyên thấy Lý Á Hàn ngồi bên bàn viết sách, tôi hỏi anh đang làm gì, anh bảo tương lai muốn làm một nhà văn. Tôi đứng trong bóng tối bĩu môi tỏ vẻ khinh thường, tôi cảm thấy trên người anh còn thiếu thứ gọi là nhiệt tình và kiên trì.
Vào một ngày cuối tuần, tôi cùng Vương Câu Đắc Nhi và Nữu Nhi đi chơi xung quanh, bắt gặp có thứ gì bị ngâm dưới giếng. Vương Câu Đắc Nhi nhìn thoáng qua, “A” một tiếng.
Chúng tôi đều tụm đầu lại xem, tôi nhìn thoáng qua thì đầu óc ong ong, cảm giác như muốn té xỉu. Vương Câu Đắc Nhi vội vàng đỡ tôi, tránh cho tôi rơi xuống giếng.
Thứ dưới giếng, rõ ràng là thi thể của một đứa bé – cuống rốn còn chưa cắt, hẳn là con riêng nhà ai bị ném bỏ, hoặc đứa bé đó bị tàn tật, cũng có thể là bé gái bị bỏ rơi.
Thi thể giống như bị ngâm nước rất lâu rồi, toàn thân sưng vù cả lên, trong suốt như bong bóng thổi căng. Tôi thật bội phục Vương Câu Đắc Nhi và Nữu Nhi, nhất là Nữu Nhi, không biểu hiện một chút sợ hãi nào mà còn hăng hái đứng xem, Nữu Nhi còn nói một câu: “Cái này có mùi gì vậy nhỉ?”
Tôi nghe xong thì choáng váng mặt mày, chỉ cảm thấy buồn nôn đến cực điểm, vô thức che mũi chạy sang chỗ khác. Dựa vào gốc cây ven đường không ngừng nôn, trong mắt tôi chỉ còn lại thi thể bị ngâm nước sưng phù kia.
Tôi thừa nhận từ nhỏ mình đã rất nhát gan, tuy không tin ma quỷ nhưng không dám nhìn mấy cảnh chết chóc, nhất là máu. Lần trước Lý Ngôn Tiếu bị chọi gạch vỡ đầu, tôi xém chút đã ngất đi rồi.
Trước kia lúc còn ở Liên Vân Cảng, trong trấn chúng tôi xảy ra tai nạn xe cộ, một chiếc xe buýt nghiền nát bốn đứa trẻ dưới bánh xe, lúc đó tôi theo mọi người đi xem, chỉ thấy một đống trắng đỏ vàng trộn lẫn, nhìn kỹ thì vô thức kêu lên một tiếng, đấy chẳng phải là não bị văng ra sao?
Lúc ấy tôi sợ đến mức hồn phi phách tán, hai ba ngày sau linh hồn nhỏ bé của tôi vẫn chưa trở về, cuối cùng phải uống đất sét trắng nấu với nước mới như kỳ tích mà tốt lên.
Trẻ con không đáng một đồng, mỗi nhà dường như đều có ba bốn đứa, chỉ cần có thể ăn no bụng là đã cảm tạ trời đất lắm rồi, hơi đâu mà quản chuyện giáo dục nữa. Trẻ nhỏ bị bệnh chết, người lớn trong nhà cũng không quá đau lòng, mỗi ngày từ đội sản xuất trở về đếm qua một lượt không mất đứa nào là coi như êm đẹp. Cho nên ở đây xuất hiện một thi thể trẻ sơ sinh như vầy cũng không phải chuyện lạ lùng gì.
Vương Câu Đắc Nhi và Nữu Nhi nhặt đá chọi vào đứa bé, thoáng cái trong giếng truyền đến âm thanh kỳ quái. Tôi không cách nào tiếp tục tưởng tượng nữa, không biết lòng dạ bọn họ có phải làm bằng sắt đá hay không. Tôi che miệng lại, thiếu chút nữa lại nôn ra, nhanh chóng chạy về nhà.
Vương Câu Đắc Nhi ở phía sau gọi với tới: “Sao gan cậu nhỏ thế, cậu cố gắng luyện gan đi!”
Trong nháy mắt đã tới cơ hội luyện gan rồi, hai ngày trước, trường trung học Lý Gia Trang xảy ra một chuyện động trời.
Trong cuộc đời tôi lần đầu được thấy xe cứu thương, bởi vì Lý Gia Trang có quy mô rất lớn nên cũng có một cái bệnh viện Lý Gia Trang, ở đó có xe cứu thương. Bệnh viện so với trạm xá có quy mô lớn hơn, cách trường học của chúng tôi không xa.
Ở trường cấp ba của Lý Ngôn Tiếu, lúc nghỉ giải lao có hai nam sinh vì chuyện lông gà vỏ tỏi mà đâm ra cãi cọ, sau đó càng cãi càng dữ, cuối cùng phát triển thành đánh nhau, một trong hai người nóng lên thì rút dao gọt trái cây ra đâm một nhát vào ngực người kia, đâm ngay giữa tim.
Nam sinh kia gục xuống đất không dậy nổi, lúc này nam sinh cầm dao mới ý thức được mình đã gây chuyện lớn rồi.
Tôi tuy chăm học thật nhưng mỗi tháng đều trốn học ít nhất một lần. Lần này tôi không chút do dự lén chuồn đi, sau đó đến bệnh viện nhìn thử. Muốn đến bệnh viện phải đi ngang nhà, thế là tôi gọi thêm Lý Á Hàn đang trong nhà cùng đi hóng chuyện.
Đến bệnh viện, chúng tôi lại lén lút trèo tường vào, phía sau bệnh viện có một căn phòng nhỏ, nơi đó là nhà xác, pháp y đang ở đâu đó giải phẫu nạn nhân. Căn phòng nhỏ chỉ có một bóng đèn, chúng tôi lén thò đầu nhìn xung quanh, thì ra pháp ý đang giải phẫu ở trong này.
Giải phẫu, hẳn là một công việc rất đáng sợ, nhưng tôi không cảm thấy có vấn đề gì? Tôi nghĩ thầm, có phải gan của mình đã luyện thành rồi không?
Qua một lúc lâu, chân của tôi đã tê rần thì pháp y đột nhiên đứng lên, bưng một chậu nước đi ra cửa. Hai chúng tôi nhanh chóng nghiêng người, trốn đến căn phòng nhỏ bên cạnh.
Pháp y không trông thấy chúng tôi, đem chậu nước đổ ào ào ra bên ngoài, tôi tập trung nhìn vào – cái đó đâu phải nước, rõ ràng là một chậu máu lớn! Chậu máu kia không còn tươi nữa, đã sắp biến thành màu đen rồi, bên trong còn có một ít vật thể rắn, hẳn là – trời ạ, tôi không đám tin vào suy nghĩ của mình, bảo sao vừa mới vào đã nhìn thấy đất ở trước cửa phòng có màu nâu là lạ, nguyên nhân chính là do những chậu máu như thế giội ra.
Chân của tôi đã nhũn cả rồi, lại còn cảm thấy buồn nôn, tôi vội vàng che miệng mình lại. Lý Á Hàn bên cạnh ngược lại rất trấn tĩnh, đẩy mắt kính, trên mặt mang theo một tia kinh ngạc.
Pháp y lại bưng chậu đi vào, tôi vừa định bảo Lý Á Hàn về nhà, pháp y lại đẩy một cái xe ra. Tôi vội trốn vào lần nữa, nhìn nhìn, trên xe đẩy là một người, người đó chắc là nam sinh kia rồi? Chỗ ngực của anh ta bị đâm một nhát, giải phẫu xong thì máu me đầm đìa, phần thịt xung quanh đều bị mổ ra…
Quan sát với khoảng cách gần như vậy, tôi cảm thấy rất kinh khủng và choáng váng, lại muốn nôn, đồ ăn trong bụng đều chạy lên cổ họng cả rồi.
Sau khi pháp y đi xa, chúng tôi hoảng hốt chạy bừa, tay chân tôi mềm nhũn không nhấc nổi. Lý Á Hàn tuổi lớn, vóc dáng cao hơn tôi, anh nghiêng người một cái nhanh chóng bay qua bức tường.
Vóc dáng của tôi tương đối thấp, nhưng giơ tay lên cũng chạm được thành tường, đối với việc trèo tường không thành vấn đề. Đầu óc tôi vẫn còn choáng váng, cố gắng ngẩng đầu nhìn – cái tường này sao cao thế nhở, lúc tới đâu có cảm thấy cao như này đâu.
Lý Á Hàn đã nhảy qua, bên kia không có chút động tĩnh nào, anh ta là người làm việc không đáng tin, sẽ không một mình đi luôn chứ? Có điều tôi nghĩ, gọi anh quay lại thì làm gì? Nếu bảo anh quay lại kéo tôi lên cũng không thực tế nhỉ.
Tôi cắn răng trèo lên, ngón tay truyền đến đau đớn kịch liệt. Trong bụng cứ quặn lên từng cơn giống như lại chuẩn bị nôn, nhưng tôi không cách nào che miệng lại, tại thời khắc tiến thoái lưỡng nan thế này, tôi vẫn chọn rút ra một tay che miệng, thân thể lập tức mất thăng bằng, nặng nề ngã xuống, ngã vào một bụi cỏ. Hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy là bầu trời của Lý Gia Trang.
Chương sau →