Tôi lùa vội tô hủ tiếu gõ, ngấu nghiến ổ bánh mì, nuốt ừng ực hai ly trà đá, hùng hục chạy về nhà cho khỏi cơn mưa. Dông đang kéo đến đen xì cả bầu trời. Tôi thẫn thờ trước ngã ba Mạt - Sụ. Mắt hoa lên. Phía cuối con đường Sụ tỏa nắng hoa vàng là bóng dáng người ấy. Người ấy buông mình tự nhiên bên khung đàn trắng buốt. Mái tóc đen óng ả xõa trên phím đàn tạo thành một dòng sông bất tận. Bờ môi dịu ngọt như tia nắng nhẹ ban mai xuân. Đôi mắt huyền bí long lanh như hạt trân châu đẹp nhất, quý nhất của Long Vương. Đôi mắt sóng sánh bên hàng mi cong vút như dòng suối trong róc rách ru êm bờ đá rêu xanh. Đôi chân thon dài, đôi tay búp măng, làn da mịn màng. Người ấy là bông hoa sữa đầu cành đung đưa dịu hiền trước gió đượm sắc hương trời.
Tôi lắc đầu, dụi mắt lia lịa. Nếu không có vài giọt mưa lưa thưa chắc tôi tưởng đây là sự thật. Tôi nhìn xuống chân- một đôi dép tổ ong dính đầy đất cát, dơ hầy. Bàn tay thô ráp, sưng vù, da sần sùi, đen xì lì. Gương mặt cáu bẩn. Quần áo lếch thếch như ăn mày. Tôi cúi mặt, cắm đầu rẽ trái.
Về tới phòng tôi nằm vật ra, mình mẩy rã rời, chân tay đau nhức, lưng mỏi oằn oại. Nỗi nhớ nhà xộc vào từng thớ thịt, nhức nhối đến từng khớp xương, len lỏi vào óc. Tôi nhớ gương mặt tiều tụy, gầy gầy xương xương của mẹ, và nét buồn lãng mạn lay lắt trên gương mặt người ấy. Mặt tôi nóng bừng bừng, khi nghĩ đến cảnh mẹ run run cầm bức thư của đứa con không ra gì để lại.
Nó không dám nhìn mặt mẹ mà chỉ dám lẳng lặng quay lưng đi. Nó sợ nó không đủ can đảm xa mẹ. Tiền nó gửi về cho mẹ không biết mẹ có dám tiêu xài? Có dám mua thuốc bổ mắt không. Nước mắt nó rơi lã chã xuống sàn từ lúc nào không hay.
Từ nhỏ tới lớn mẹ là thần y của tôi, thế nhưng bản thân mẹ lại bỏ lơ. Không có con bên cạnh mẹ càng phải dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân hơn nhé. Con đã lớn rồi, con biết tự chăm sóc cho mình mà. Mẹ không cần lo đâu. Tôi viết thư biện bạch cho sự bất hiếu của mình.
"Con là thằng bất hiếu. Mình là người vô dụng. Thằng tồi. Chỉ biết lặng nhìn những người mình thương yêu khổ sở mà chẳng làm được gì."
Học ở ngôi trường tầm thường này không ngán ngẩm như tôi tưởng. Lũ ong ruồi làm hề chuyên nghiệp bày ra đủ trò tiêu khiển, lố bịch. Tôi cười nhạt trước những câu nói ngu ngơ, thiếu suy nghĩ, lố bịch của chúng. Tôi che dấu nét mặt khinh bỉ bằng nụ cười ngây thơ.
Giáo viên dạy toàn những thứ tôi đã biết. Thậm chí tôi tự hỏi, những thứ lý thuyết nhảm nhí không cần thiết này có cần phải nhai đi nhai lại trong chương trình học không. Ai nhớ? Tôi chăm chú nghe giảng, giả vờ hăng say: "TẺ NHẠT, VỚ VẨN". Bao giờ mới đến mùa xuân, còn phải qua cái mùa đông. Giờ mới là mùa thu tháng chín tựu trường. Mà thời gian có gì quan trọng. Vẫn thế thôi...
Tôi ngồi đầu bàn nhất cùng với một con ruồi và hai con ong. Ngồi chung! Không dễ chịu chút nào. Tôi muốn lấy phấn phân chia ranh giới với chúng.
Không tưởng mình lại có cơ hội chung vai sát cánh với dân nghèo. Phòng học tối tăm, ẩm thấp. Không máy lạnh, quạt rì rì, quay như không quay. Mạng nhện bám đầy trần. Không hiểu nổi thành phố nổi tiếng nhất nước lại còn tồn tại cái trường học tồi đến thế. Các buổi học đều kết thúc một cách thê thảm bằng tiếng trống ầm ầm inh tai. Ô có lẽ nguyên nhân khiến tôi không làm từ thiện cho ngôi trường này là vì tiếng trống không đúng lúc. Về thôi! Tôi chuẩn bị chuồn thật nhanh thì cô chủ nhiệm hớt hải chạy vào lớp chặn lại:
- Bạn Doanh Nghi sức khỏe không tốt!
Cả lớp nhốn nháo. Cứ làm như tôi bị bệnh hiểm nghèo.
Cô vẫy tay cho cả lớp trật tự:
- ... nên không thể đảm nhiệm chức lớp trưởng. Lớp ta bầu lớp trưởng mới nào.
Tôi vén tóc mái ra khỏi trán, khẽ nhìn cô bình thản, cảm kích, lễ phép xin về trước.
Ra khỏi cửa, tôi nhíu mày. RA LÀ THẾ. Lại là bàn tay của ba. Làm lớp trưởng tôi sẽ phải tiếp xúc, hòa nhập với dân nghèo. Ở Mỹ ba còn làm được nói chi ở đây. Nước cờ ba đi lúc nào cũng đầy mưu tính và chuẩn xác. Vậy việc lãng phí thời gian ở đây để phục vụ cho vụ án toan tính gì mới đây ba?