“Đã có tin tức gì của ngài Đồng chưa?”
“Nghe nói ngài ấy đã trở về Hán Khẩu an toàn rồi.” Vân Thăng ghé lại thì
thầm, “Hồng Toàn Căn đã chết.”
Ánh đèn chớp động trong mắt Ngân Xuyên: “Dù đây là chuyện người một
nhà thanh lý lẫn nhau, còn kiếm được một khoản tiền nho nhỏ, nhưng dù
sao tôi cũng đã nợ ân tình của ngài Đồng.”
“Cậu cả, nghe nói trước khi đi cậu sẽ đính hôn với cô Vân?”
Ngân Xuyên nhướng mày: “Ai nói vậy? Cậu tôi sao?”
Vân Thăng liếc sang phía khác: “Cô Vân dò hỏi tôi, hỏi xem bệnh của cậu
có khá hơn không, quần áo mới đã may xong chưa.”
Ngân Xuyên nhìn Phan Thịnh Đường chằm chằm, trùng hợp thay, ông ta
cũng đưa mắt nhìn về phía anh. Hai cặp mắt giao nhau trong thoáng chốc,
lòng Ngân Xuyên rét lạnh.
Phụ nữ, lại là phụ nữ. Một Địch Huệ Lan, rồi lại thêm một Vân Lang.
Người phụ nữ nào cũng vậy, dù cao quý, dù ti tiện, thì cũng đều là tờ séc
được Phan Thịnh Đường ông dùng để mưu cầu lợi ích, khống chế kẻ khác.
Anh quay người nói với Vân Thăng: “Anh bảo em Vân lên phòng nghỉ lầu
hai đi, tôi có chuyện muốn nói với em ấy.”
Vân Lang khẽ nâng váy, khựng lại trước chiếc gương treo nơi góc ngoặt
tầng hai, thiếu nữ trong gương có làn da trắng muốt trong suốt, cánh mũi
xinh xắn, đôi mắt nhỏ dài đẹp tuyệt vời, sao mà dịu dàng ôn hòa… Cô
nghiêm mặt, mong sao cho giống một người phụ nữ trưởng thành, hồi lâu
sau lại khẽ cong môi, nở nụ cười xinh đẹp yêu kiều, ý cười dần đậm, nhuộm
đỏ cả gò má.
Ánh đèn như nước chảy, cô hít sâu một hơi, khẽ khàng đẩy cửa phòng nghỉ.
Ngân Xuyên đang ngồi trước cửa, cúi đầu nghịch hộp thuốc lá màu bạc
trong tay, những gốc cây ngoài cửa lay động đổ bóng vào phòng, ánh sáng
phản chiếu nét dịu dàng trên gương mặt anh, nghe tiếng bước chân của cô,
anh khẽ ngẩng đầu lên, lẳng lặng nhìn cô gái nọ.
“Anh Cảnh Sâm.” Cô khẽ thốt, gò má ửng hồng, “Anh đã khỏe hơn chưa?
Có còn ho không?”
Anh nói: “Không có tác dụng gì đâu.”
Vân Lang kinh ngạc nhìn anh.
“Sự quan tâm và yêu mến của em không có tác dụng gì với tôi đâu. Em bỏ
cuộc đi.”
Vành mắt Vân Lang đỏ hoe: “Anh… anh đang nói gì vậy? Em không
hiểu.”
“Chắc em cũng nghe tin chúng ta chuẩn bị đính hôn rồi đúng không?” Anh
nói, ánh mắt thản nhiên như không.
Cô không khỏi lùi về sau một bước.
Anh luôn đối xử dịu dàng với cô, đôi khi còn lộ vẻ thân thiết. Ngày thường,
đám bạn cười đùa với nhau cũng hay bảo hai người họ môn đăng hộ đối, tài
mạo xứng đôi, có thể kết thành cặp vợ chồng thân càng thêm thân, mà cô
mến mộ anh từ nhỏ, nhưng lại chưa bao giờ cảm nhận được khoảng cách và
sự đề phòng lạnh băng trong vẻ mặt và lời nói của anh như giờ phút này.
Cô khẽ chạm mu bàn tay vào sợi dây chuyền ngọc trai trên cổ, cóng rét như
mưa lạnh, cô căng thẳng siết lấy sợi dây, trái tim chùng xuống, cô sợ anh sẽ
nói ra những lời khiến cô thất vọng.
Ngân Xuyên trịnh trọng đứng dậy: “Dù trên danh nghĩa chúng ta là họ
hàng với nhau, nhưng em không hề hiểu tôi.
Hôm nay tôi sẽ nói cho em nghe về chuyện của tôi. Chắc em cũng biết,
ngày mẹ chưa qua đời, cha tôi quanh năm không về nhà, cưới vợ lẽ ở Hán
Khẩu, sau khi mẹ mất bà ấy mới được đưa lên làm cả, bà vợ lẽ này là bác
của em, cũng chính là người mẹ hiện tại của tôi.”
Vân Lang gật đầu.
“Cha mẹ tôi bên nhau thì ít xa nhau thì nhiều, bà đã phải sống những ngày
tháng vô cùng cô độc. Em Vân, nếu chúng ta kết hôn, có thể em sẽ còn
đáng thương hơn cả mẹ tôi. Ít nhiều gì cha tôi cũng có tình cảm với mẹ, mà
tôi thì thậm chí còn không có tình anh em với em.”
Vân Lang cố nén lệ, bả vai bắt đầu run rẩy.
“Mọi người đều muốn gán ghép chúng ta với nhau, cha tôi bảo muốn tôi
đính hôn với em trước khi đi du học,” anh bất lực nhắm mắt, “nếu tôi đồng
ý có lẽ mọi người đều sẽ vui mừng. Nhưng em Vân, tôi không muốn hại
em. Thật sự rất xin lỗi vì đã phụ lòng em.”
“Tại sao kết hôn với em lại là làm hại em?” Cô vô cùng đau khổ, “Sao anh
dám chắc chắn tới vậy?”
“Tôi không có quyền làm chủ ở cái nhà này, nếu không phải vì em trai tôi
bị thương, chuyện ở hiệu buôn Tây mấy ngày này đã chẳng đến lượt tôi
nhúng tay vào. Tôi vốn là kẻ không có tiền đồ, người ta sắp xếp sao thì tôi
làm vậy. Em luôn được cha mẹ chú bác yêu mến, cậu rất yêu thương chiều
chuộng em, nếu em có mở miệng từ chối mối hôn sự này thì chắc chắn cậu
cũng sẽ không để em chịu thiệt thòi. Tôi mong em có thể chủ động cự tuyệt
cuộc hôn nhân này, như vậy hai chúng ta không ai phải khó xử cả.”
Anh nói nhiều tới vậy, ban đầu Vân Lang còn ôm đôi chút ảo tưởng,
thương xót người anh họ từ nhỏ đã không có mẹ, không có thân thích để
nương tựa. Có khi anh không chịu kết hôn cùng mình là do tự ti, nhưng
nghe đến đoạn cuối, cô mới chắc chắn anh đang có ý cự tuyệt hoàn toàn, cô
cảm thấy lòng mình đau khổ, rối như tơ vò.
Ngân Xuyên dịu dàng nói: “Em là một cô gái tốt, về sau chắc chắn em sẽ
gặp được người thật lòng yêu em, thật lòng thương em.”
Tay Vân Lang run lên, sợi dây chuyền bị cô giật đứt, ngọc trai rơi lách cách
đầy đất, cô ngơ ngác nhìn sàn nhà, ngẩn ra một hồi mới ngồi xuống nhặt,
vừa nhặt vừa lặng lẽ khóc.
Ngân Xuyên nhìn cô: “Tôi nói sớm vì muốn tốt cho em. Về sau em sẽ
hiểu.” Nói rồi, anh mở cửa bỏ đi.
Vốn Vân Lang đang nhặt ngọc trai, thấy anh đi, cô chợt quay phắt lại,
quăng mạnh những viên ngọc trai ra ngoài, cô bật khóc: “Em không hiểu,
em sẽ không bao giờ hiểu! Em không tin! Phan Cảnh Sâm, em nói cho anh
biết, em không tin anh sẽ không thích em!”
Ngân Xuyên chầm chậm bước xuống nhà, tuồng kịch dưới lầu đã kết thúc,
anh đứng bên cầu thang, nghe Edmund trình bày về lịch sử Hiệu buôn Phổ
Huệ trên sân khấu cho khách khứa nghe. Thời tiền Thanh, nhà họ Phan từng
là nhân tài kiệt xuất trong số các thương buôn tại Chợ Mười Ba, rồi Chợ
Mười Ba bị dẹp bỏ, chẳng bao lâu sau nhà Thanh cũng sụp đổ, các lúc càng
có nhiều các hiệu buôn Tây qua lại với Trung Quốc, nhưng những hiệu
buôn Tây cũ vẫn rất coi trọng thương hiệu của Chợ Mười Ba thời tiền
Thanh, “Phổ Huệ” chính là tên của hiệu buôn nhà họ Phan, sau này tiếp tục
được sử dụng làm tên tiếng Trung của hiệu buôn vốn Anh này.
“Mối duyên sâu xa của chúng tôi và nhà họ Phan không chỉ giới hạn ở cái
tên này,” Edmund nói, “một trăm năm trước đây, bậc tiền bối của chúng tôi
từng hợp tác với tổ tiên ngài Phan, điều tôi muốn nói là, khi ấy hiệu buôn
Tây của chúng tôi mới chỉ là một hiệu buôn nhỏ, mà nhà họ Phan đã mở
rộng quy mô làm ăn tới tận Thụy Điển và Tây Ban Nha.”
Nghe tới đây, Phan Thịnh Đường khẽ mỉm cười.
“Thậm chí lá trà nhà họ Phan còn được mang đi tiêu thụ tại Thụy Điển, là
món sản phẩm chất lượng mà người châu Âu tranh cướp nhau mua,”
Edmund nâng ly rượu, tựa như đang đắm chìm vào lịch sử xa xưa, “có một
lần, giám đốc của chúng tôi đặt mua một thuyền lá trà của hiệu buôn Phổ
Huệ nhà họ Phan, thuyền chạy đến Melaka thì va phải đá ngầm, một nửa
hàng hóa mất trắng, theo lý mà nói, phần tổn thất này phải do chúng tôi
gánh chịu, nhưng chúng tôi tài nông lực mỏng, không thể không nhân lúc
thuyền ngưng chạy mà mặt dày viết một lá thư cho tổ tiên của ngài Phan
đây là ông Phan Chấn Quan, nói rõ nỗi khổ của bên mình, rồi lại cả gan hỏi
xin, không biết Phổ Huệ có thể đổi hàng cho không. Ngài Phan Chấn Quan
không nói một lời, viết ngay một bức thư, nói ông không để ý tới lợi nhuận
trước mắt, điều ông quan tâm là tình hữu nghị lâu dài với mỗi đối tác của
mình, chẳng bao lâu sau, ngài Phan Chấn Quan đã đưa một lô lá trà mới
đến, từ đó trở đi, chúng tôi đã luôn duy trì hợp tác với nhà họ Phan, tất cả
những lô lá trà và tơ lụa mang tới châu Âu tiêu thụ của chúng tôi đều được
thu mua từ nhà họ Phan, sau khi đặt được nền móng vững chắc, hiệu buôn
Tây đã lấy cái tên Trung Quốc là ‘Phổ Huệ’. Nào, hãy cạn ly vì mối duyên
phận này, vì tình nghĩa lâu dài không thay đổi, vì tình hữu nghị hai nước
Anh – Trung.”
Mọi người cùng nâng ly, vài vị khách mới nghe chuyện lần đầu đều tỏ ý
kính nể Phan Thịnh Đường. Thịnh Đường sợ sệt mà nghiêm cẩn đứng dậy,
hai tay bưng ly vang đỏ theo kiểu lễ tiết Trung Quốc, khẽ khom người,
ngẩng đầu uống sạch rượu trong ly, điệu bộ quê mùa cục mịch, nhưng lại
khiến ông ta trông rất mực đôn hậu, rất đáng kết bạn.
Ngân Xuyên đưa mắt nhìn đám người Thiệu Từ Ân, Tạ Tề Phàm, ai nấy
đều đang nở nụ cười, nhưng ánh mắt vô cùng rối bời. Bọn họ biết con người
thật sự của Phan Thịnh Đường. Mà trong mắt Ngân Xuyên, Phan Thịnh
Đường đã giao thiệp với người nước ngoài mấy chục năm, tài giỏi khôn
khéo, thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp,
nào đâu có dáng vẻ hèn mọn tựa nô bộc như lúc này? Từ khi Ngân Xuyên
có ký ức cho tới tận giờ, anh chưa từng thấy Phan Thịnh Đường mặc đồ
Tây, lúc nào ông ta cũng khoác trường bào, trách cứ người làm và các quản
lý cấp thấp, ăn nói ra đâu ra đấy, lời lẽ sắc bén, nhưng chỉ cần đứng trước
mặt người nước ngoài, ông ta lại tức khắc tỏ vẻ gọi dạ bảo vâng.
Hình ảnh quá đỗi đối nghịch này khiến người ta ngẫm nghĩ mà chỉ thấy
kinh hãi, nhưng cũng là sự bất đắc dĩ mà vô số thương nhân người Trung
Quốc ở đây hiểu rõ trong lòng.
“Dù món hời của mại bản hậu hĩnh, nhưng sống lại hèn mọn… Gần như có
thể coi họ là thủ lĩnh nô lệ của hiệu buôn Tây.” Đây là lời Dung Hoằng phái
Duy Tân viết trong một tác phẩm của mình, Ngân Xuyên từng đọc cuốn
sách này, anh cũng biết cha ruột Trịnh Đình Quan và vị cha giả này đây, bao
gồm thêm cả anh nữa, đều đang dấn thân hoặc chuẩn bị dấn thân vào cái
nghề gần như “hèn mọn” này. Dù có tiền, có quyền lực trong xã hội, nhưng
vẫn không thể vứt nổi cái mũ “nô lệ của dân Tây”.
“Mày thật sự muốn trở nên giống họ ư?” Anh hỏi chính mình.
Edmund đã phát biểu xong, tiệc khiêu vũ bắt đầu, người da đen thổi một
bản vũ khúc saxophone vui tươi, Ngân Xuyên không có lòng dạ bước vào
sân nhảy, anh tựa lên tay vịn cầu thang, ngẫm nghĩ tâm sự lòng mình, không
để ý Vân Lang đã bước xuống tầng, khi đi ngang qua anh, cô dừng bước,
quay người nhìn anh chằm chằm. Tầm nhìn của Ngân Xuyên bị chắn mất,
anh khẽ cau mày, ánh mắt đã thoáng vẻ mất kiên nhẫn.
Vân Lang bướng bỉnh cắn môi, nói: “Anh Cảnh Sâm, anh không thích em,
có đúng vậy không?”
Ngân Xuyên gật đầu.
“Anh mong em chủ động từ chối cuộc hôn nhân này, phải chứ?”
Ngân Xuyên đáp ừ.
“Được, vậy em nói cho anh biết,” Vân Lang nghiêm mặt, “em thích anh,
em muốn dùng cả đời này để đổi lấy tình cảm của anh. Em sẽ xin cha và
bác cho chúng ta mau chóng kết hôn.”
“Em đang thị uy với tôi sao?”
“Anh có thể coi là em đang thị uy,” cô nghẹn ngào, nhưng rồi lại chợt kiên
quyết thốt, “em đã trao hết lòng dạ cho anh. Cha em có nói với em, sau khi
chúng ta kết hôn ông ấy sẽ hỗ trợ chuyện làm ăn của anh, cô em cũng sẽ đối
xử với anh tốt hơn cả bây giờ. Tại sao anh lại không chịu cưới em? Em chỉ
muốn tốt cho anh thôi mà!”
Ngân Xuyên nở nụ cười giá buốt, quay người bỏ đi, Vân Lang thấy vẻ lạnh
lùng vô tình của anh mà tim gan lạnh ngắt, đang muốn đuổi theo kéo anh
lại, Ngân Xuyên đã cao giọng: “Mợ, em Vân đang ở đây ạ!”
Vợ Vân Tú Thành nghe tiếng Ngân Xuyên gọi bèn tức khắc đưa mắt nhìn,
Ngân Xuyên giữ cổ tay Vân Lang, kéo cô tới trước mặt mẹ, cười bảo: “Mợ,
mợ trông em Vân nhé, đám cậu ấm nước ngoài hay động chạm các cô gái
Trung Quốc lắm. Mọi người cứ chơi đi, cháu phải ra giúp cha tiếp khách.”
Vợ Vân Tú Thành gật đầu, kéo tay lườm Vân Lang, mặt Vân Lang đỏ gay,
nhưng cô chỉ có thể trơ mắt nhìn Ngân Xuyên nhẹ nhàng gật đầu, rồi thong
thả cất bước tới bên Phan Thịnh Đường.
.
Cổ phiếu trong tay Vân Tú Thành đã được thanh lý sạch sẽ, nhà máy lông
lợn có lợi nhuận cao nhất cũng bị Phan Thịnh Đường tịch thu, đây là sự
trừng phạt cho tội thiếu trung thành của ông ta. Thiệu Từ Ân có quan hệ
thân thiết với Vân Tú Thành cũng bị vạ lây, hiệu buôn Tây ngưng một phần
đơn hàng đường mía với ông ta, ký hợp đồng cùng một công ty đường tại
Cửu Giang, tính Thiệu Từ Ân vốn khéo léo, dù hiện giờ tổn thất của ông ta
không hề nhỏ, nhưng cũng may mối quan hệ lâu dài với hiệu buôn Tây
chưa bị ảnh hưởng, vậy nên Thiệu Từ Ân chẳng mảy may tỏ ý bất mãn.
Phan Thịnh Đường cố tình lấy một phần tiền vốn của nhà họ Phan ra bù cho
ông ta, Thiệu Từ Ân biết nhà họ Phan đang nhân cơ hội lung lạc lôi kéo,
phần mình lại vốn là kẻ hám lợi, nếu bớt được khoản tiền hao thì đương
nhiên ông ta sẽ vui mừng chấp nhận.
Vân Tú Thành bại trận, niềm vui của Ngân Xuyên lại chẳng kéo dài được
lâu, anh biết lần này mình hạ được Vân Tú Thành phần nhiều là nhờ may
mắn.
Phan Thịnh Đường là kẻ lắm mưu nhiều kế, chẳng tin tưởng bất cứ ai,
không hành động nào của Vân Tú Thành thoát khỏi mắt ông ta, nhưng vì
chưa chạm đến giới hạn của mình nên ông ta đã luôn nhân nhượng không
buồn động tới. Địch Huệ Lan vốn là tình nhân được Vân Tú Thành lén bao
nuôi, Vân Tú Thành trù mưu, tặng cô gái này cho cậu con trai cả nhà họ
Phan, Phan Thịnh Đường cố tình đứng ngoài xem kịch, giả như không biết.
Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi, huống chi tại một gia đình giàu sang
quyền quý, những mối quan hệ hung hiểm dày như mạng nhện, Vân Tú
Thành nghĩ mình thông minh, biến khéo thành vụng, làm sao Phan Thịnh
Đường lại không để tâm tới một cô gia sư bình thường bỗng dưng lại xuất
hiện trong nhà mình chứ? Nếu Vân Tú Thành đã coi cô ta là mồi câu con
trai của Phan Thịnh Đường, thì Phan Thịnh Đường cũng sẽ tương kế tựu kế,
xem xem phản ứng của cậu con trai ra sao.
Nếu Trịnh Ngân Xuyên chỉ là một cậu ấm chưa nếm sự đời, có khi anh sẽ
thật sự sa vào sự xinh đẹp dịu dàng của Địch Huệ Lan. Nhưng một cô gái
xa lạ, lai lịch trong sạch đột nhiên xuất hiện trong thế giới của mình, sóng
mắt đưa tình, đầu ấp tay ôm, há chẳng phải là một cái bẫy sao? Anh bèn
diễn một vở kịch si tình trước mặt bọn họ, diễn hay đến nỗi tất cả mọi
người đều hết sức vừa lòng, nhưng mỗi ngày lên sàn diễn kịch anh lại càng
thấy buồn nôn, lại càng thêm cảnh giác.
Đến cả Phan Thịnh Đường đa mưu túc trí cũng chẳng ngờ được, Địch Huệ
Lan không chỉ là con mồi của Vân Tú Thành, mà còn mang thân phận quân
cờ trong tay kẻ khác. Ban đầu Ngân Xuyên không rõ thân phận của cô ta,
nghĩ đủ mọi cách thăm dò, gắng hết sức bày tỏ nỗi bất lực thất thế của mình
tại nhà họ Phan, những gì mà một cậu ấm con nhà giàu nên làm với tình
nhân của mình thì anh cũng đã làm hết. Trong khoảng thời gian nghe ngóng
lai lịch thật sự của Địch Huệ Lan, anh nhờ cậy Hà Sĩ Văn, cũng âm thầm
đưa tin cho Tạ Tề Phàm. Tài lực của Hà Sĩ Văn có hạn, còn bản lĩnh Tạ Tề
Phàm lại vượt trội hẳn, chẳng mấy chốc ông đã báo lại cho Ngân Xuyên có
thể Địch Huệ Lan có dính dáng tới phản đồ của Hội Đồng bào. Thế lực của
Hồng Toàn Căn nằm tập trung ở Quảng Châu, kẻ này nổi tiếng vì sự khát
tiền và hung tàn.
Mấy tháng trước, Ngân Xuyên như vô tình như cố ý nhắc tới buồng kho tại
căn nhà cũ ở Quảng Châu của Phan Thịnh Đường với Địch Huệ Lan, nói
buồng kho này từng chứa không biết bao nhiêu tiền tài châu báu và đồ cổ
tích lũy được từ thời tiền Thành. Địch Huệ Lan đã từng được chứng kiến sự
giàu sang của nhà họ Phan, năm ngoái khi tổ chức sinh nhật, bà Vân có mời
nhiếp ảnh gia người Đức tới dinh thự nhà họ Phan chụp ảnh, bà ta ăn mặc
theo phong cách Trung Quốc, chính giữa chiếc băng mẫu đơn cài trán màu
xanh lam điểm phỉ thúy là viên kim cương to bằng quả trứng bồ câu, khiến
đám người nước ngoài nhìn không dám chớp mắt. Rồi mấy tháng sau căn
nhà dưới Quảng Châu của nhà họ Phan bị cháy, thậm chí chuyện này đã
khiến Phan Thịnh Đường phải đích thân đưa bà Vân và Hà Sĩ Văn trở lại
Quảng Châu.
Kể từ đó trở đi, Ngân Xuyên đã không còn nghi ngờ về thân phận của Địch
Huệ Lan nữa.
Ngân Xuyên không dám chắc liệu có phải Vân Tú Thành đã biết về kế
hoạch của Hồng Toàn Căn từ trước không, nhưng hôm đó, Vân Tú Thành
đưa anh, Cảnh Huyên và Cảnh Ninh tới nhà hàng Nga dùng bữa, lúc ở
ngoài đại sảnh gặp được ông chủ Mạnh, ông ta đã cố tình lớn tiếng giới
thiệu anh, khiến Ngân Xuyên không thể không nghi ngờ Vân Tú Thành đã
liên lạc với Hồng Toàn Căn, mà trừ Địch Huệ Lan ra thì còn ai giật dây bắc
cầu vào đây được nữa?
Ngân Xuyên không hề đoán sai.
Hồng Toàn Căn đốt căn nhà dưới Quảng Châu, nhưng tài vật không hề chịu
thiệt hại, mục đích của Hồng Toàn Căn là theo dõi phản ứng của Phan
Thịnh Đường, nếu Phan Thịnh Đường đi thì ắt căn nhà kho này rất quan
trọng, vậy những điều Ngân Xuyên thủ thỉ với Địch Huệ Lan lại càng đáng
tin, chứng tỏ lời của tên “cậu ấm” không được gia đình coi trọng này vô
cùng đáng nghe. Hồng Toàn Căn đạt được mục đích thăm dò, bèn quyết
định làm một mẻ lưới lớn hơn.
Kế hoạch của Hồng Toàn Căn được thực hiện một cách vô cùng thuận lợi,
chắc hẳn Vân Tú Thành cũng đã góp phần công lớn, chỉ là ông ta không
ngờ mục tiêu của họ Hồng chẳng phải “Phan Cảnh Sâm” như họ đã thương
lượng từ trước, mà lại là “Phan Cảnh Huyên”, cậu con thứ của Phan Thịnh
Đường.
Sau khi chuyện này phát sinh được một thời gian dài Ngân Xuyên mới hiểu
ngọn ngành. Còn trước đó, mỗi hành động của anh đều là một chiêu hiểm,
thậm chí có thể khiến anh mất mạng.
Đúng vậy, đúng thực anh đã cố tình tiết lộ với Địch Huệ Lan chuyện Cảnh
Huyên tới hàng châu báu lấy dây chuyền, anh cũng cố ý đòi Hồng Toàn Căn
giao “bằng chứng”, anh không hận Phan Cảnh Huyên, nhưng anh sẽ không
bao giờ cho phép bất cứ ai cản trở kế hoạch báo thù của mình.
Ngân Xuyên biết sau khi vụ bắt cóc xảy ra, Phan Thịnh Đường đã rõ kẻ
đứng sau giật dây Địch Huệ Lan là ai, có lẽ Phan Thịnh Đường bảo anh đi
đón Cảnh Huyên từ tay Hồng Toàn Căn cũng vì có ý dò xét. Ngân Xuyên
căng thẳng tới mức mất ngủ liền mấy đêm.
Nhưng anh đã vượt qua.
Anh tin Hà Sĩ Văn sẽ cáng đáng tất thảy cho mình, gã đàn ông này bảo vệ
che chở cho anh tới độ gần như biến thái, Ngân Xuyên đã lợi dụng Hà Sĩ
Văn.
Sự sỉ nhục của Hà Sĩ Văn với mẹ anh cũng là nỗi nhục nhã mà cả đời anh
không quên nổi.
Khi đó dù còn nhỏ, nhưng anh đã không thể quên vẻ vô liêm sỉ của Hà Sĩ
Văn. Ban đầu Hà Sĩ Văn không dám làm bậy tùy tiện, nhưng Phan Thịnh
Đường bỏ mặc vợ mình suốt bao năm, khiến hai mẹ con đáng thương không
nơi nương tựa tại nhà họ Phan, Hà Sĩ Văn cũng chẳng buôn kiêng nể nữa.
Mỗi lần Hà Sĩ Văn đối xử tử tế với Ngân Xuyên là một lần anh cảm thấy
như mình đã tận mắt nhìn thấy mẹ bị hà hiếp làm nhục. Nếu hỏi anh anh
hận Hà Sĩ Văn tới mức nào, thì câu trả lời là hận tới độ chỉ muốn băm thây
ông ta ra làm vạn mảnh. Vậy nên anh mới như buột miệng kể lướt qua mối
“gian tình” giữa họ Hà và mẹ cho Phan Thịnh Đường nghe. Khiến Hà Sĩ
Văn sống không bằng chết là chuyện rất đỗi dễ dàng, Phan Thịnh Đường sẽ
xử lý ông ta.
Trong mấy tháng này, khó khăn lắm Ngân Xuyên mới hoàn thành màn lột
xác đời người, thật ra Tạ Tề Phàm nói rất đúng, muốn có thành tựu lớn thì
không thể chỉ dựa vào những trò khôn vặt cay nghiệt, vận may cũng chỉ là
nhất thời, anh biết mỗi bước đi của mình trên con đường về sau đều phải
thật chắc chắn, vững vàng.
Chuyến thăm của chủ tịch Edmund là một cơ hội khổng lồ. Lão người Anh
quá quen với quy tắc trên thương trường Trung Quốc đã hiểu hết những lục
đục đấu đá của đám thương nhân gốc Hoa từ lâu rồi, ông ta luôn bày ra nụ
cười kín kẽ, vui vẻ lợi dụng những mối quan hệ này, kìm kẹp cân bằng lợi
ích, bày những ván cờ lắt léo để tìm kiếm lợi nhuận cho hiệu buôn Tây,
nhưng vào những thời khắc quan trọng, ông ta cũng sẽ đóng vai chủ tịch
hiệu buôn Tây công tư phân minh, bạc tình không nhận người thân. Ông ta
tăng lương gấp đôi cho toàn bộ nhân viên người Hoa tại Hán Khẩu, chấn
hưng sĩ khí giúp Phan Thịnh Đường, chứng minh cho tiếng tăm của họ
Phan tại hiệu buôn Tây, dù cái tiếng tăm này cũng là thứ được Edmund ban
cho. Đồng thời, ông ta đã làm suy yếu lực lượng của Phan Thịnh Đường
trên nhiều phương diện. Chuyện của Vân Tú Thành là lục đục nội bộ giữa
hai nhà Phan – Vân, không nằm trong phạm vi suy xét của Edmund, ông ta
đem toàn bộ quyền đại lý của mặt hàng tự sản xuất là dầu trẩu cho mại bản
Tứ Xuyên Hứa Tĩnh Chi, rồi lại để Tạ Tề Phàm luôn chỉ hoạt động trong
phạm vi Quảng Đông tham gia thu mua gai dầu, chụp tóc ở vùng Giang
Chiết, mỹ danh là để Tạ Tề Phàm giảm bớt áp lực cho Phan Thịnh Đường,
nhưng nào đâu chỉ có áp lực, mà Tạ Tề Phàm còn giữ hộ ông ta một khoản
tiền lớn!
Một tay cho, một tay cướp, Edmund cân đo rất rõ ràng. Phan Thịnh Đường
cũng vậy, nếu muốn củng cố vị trí tổng mại bản của mình, giữ vững tòa núi
vàng là hiệu buôn Tây, ông ta bắt buộc phải đạt được thành tựu vào giờ
khắc quan trọng.
Cả Trung Quốc bắt đầu bài xích hàng hóa nước ngoài, chuyện làm ăn của
hiệu buôn Tây cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vô số hàng hóa do Phổ Huệ
phân phối đang nằm mốc meo trong kho không bán ra nổi, tàu thuyền
ngừng vận chuyển, hết tai trước lại liền họa sau. Ở vào tình cảnh này, Phan
Thịnh Đường chém đứt đoạn thế lực của Vân Tú Thành, cũng chém mất
một cánh tay của mình, ông ta phải xoay chuyển xu thế suy tàn này trước
mặt ngài chủ tịch đích thân đi từ Thượng Hải tới Hán Khẩu để giám sát thế
nào đây?
Nghĩ rõ ra thì cũng chỉ có ba chuyện cần làm:
Ủy quyền, giảm sức ép, tìm trợ thủ.
Edmund đã hỗ trợ Phan Thịnh Đường làm chút phần việc ủy quyền và
“giảm sức ép”, vậy thì họ Phan phải tìm ai giữ vai trợ thủ?
Đối với thương nhân mà nói, không gây thù chuốc oán cũng chính là đang
tìm người giúp đỡ. Bốn mại bản lớn của Phố Huệ tụ tập tại Hán Khẩu là vì
muốn xem thái độ của Phan Thịnh Đường. Vào thời khắc sóng lớn vỗ
thuyền, bọn họ muốn xem xem tổng mại bản của mình liệu có bằng lòng
dùng hai bàn tay to lớn mà giữ chặt, kéo chắc lấy dây buồm không. Dù có là
thứ hàng hóa gì, dù có dính đến hiệu buôn của mại bản nào, thì Phan Thịnh
Đường cũng phải đồng lòng đồng sức, đồng cam cộng khổ với họ để vượt
qua ải khó này. Đây là trách nhiệm của ông ta.
Vậy là cơ hội của Trịnh Ngân Xuyên cũng tới theo. Vì lúc này đây, bên
cạnh Phan Thịnh Đường chỉ có một trợ thủ là anh.