Phía Đông Nam về đằng xa bỗng có tiếng rú kêu thực dài như long ngâm như hạc hót lên vút lên tận trời không, phá tan bầu không khí trầm tịch. Không hiểu người nào lại có công lực cao đến như thế?
Mọi người đang thắc mắc thì bỗng thấy anh em Song sát hớn hở tươi cười, tinh thần phấn chấn, ra tay càng nhanh, càng mạnh hơn trước.
Quần hào thiên hạ nghe thấy tiếng rú kêu ấy đều ngẩn người ra, còn Phi Quỳnh thì cũng lộ vẻ mừng rỡ, liền ngồi ngay xuống.
Tư Đồ Sương thấy thế ngạc nhiên vội hỏi :
- Quỳnh tỷ, tại sao...
Phi Quỳnh tủm tỉm cười và khẽ đỡ lời :
- Bây giờ khỏi cần phải chúng ta ra tay nữa.
Tư Đồ Sương lại hỏi tiếp :
- Quỳnh tỷ, người đó là ai thế?
Phi Quỳnh vừa cười vừa đáp :
- Sương muội hồ đồ thực.
Tư Đồ Sương kêu ồ một tiếng thốt cười đỡ lời :
- Phải rồi, sao tiểu muội lại quên bẵng Phạm Tĩnh Nhân đi. Nghe tiếng rú kêu này đủ thấy công lực của y cao một cách kỳ lạ, tiểu muội thử xem xem y là nhân vật như thế nào?
Phi Quỳnh mỉm cười đáp :
- Phải, hiền muội nên xem lắm.
Tư Đồ Sương ngẩn người ra, chưa kịp trả lời thì Gia Cát Quỳnh Anh bỗng thất kinh la lớn :
- Mau xem kìa!
Tiếng kêu la đó không lớn lắm nhưng vì lúc này bốn bề yên lặng như tờ nên ai nấy đều nghe thấy rõ ràng.
Chỉ trừ bốn người đang đối địch với nhau không thể phân tâm để xem thôi còn người nào người nấy kể cả người của thuyền hai bên với quần hào đứng xem quanh hồ đều nhìn theo tay của nàng chỉ mà nhìn cả về phía đó.
Một cảnh tượng kỳ lạ xuất hiện, khiến ai cũng không thể tin tưởng được, khiến tâm thần của thiên hạ, quần hào đều thất kinh, mồm há hốc, mắt trợn to và cũng đứng đờ người ra xem.
Ngay cả Phi Quỳnh và Tư Đồ Sương hai vị cân quốc anh thư có công lực cái thế tuyệt đời như vậy mà cũng phải lắc đầu thè lưỡi.
Thì ra chỗ chân núi Quân Sơn, trên mặt hồ đang có một cái bóng người trắng nhợt nhẹ nhàng đi lướt trên mặt nước. Ai cũng thấy rõ người đó là một thư sinh mặc áo trắng, vì cách quá xa không trông thấy rõ mặt thư sinh ấy đang đi trên mặt hồ không khác gì đi trên đường cái quan nhẹ nhàng lướt tới.
Dưới ánh trăng sáng có nhiều người không dám tin người đó là người thường được.
Tư Đồ Sương, Gia Cát Quỳnh Anh đều giật mình đến thót một cái vì hình bóng của người ấy trông quen quá, tới khi trông rõ mặt của thư sinh nọ thì hai nàng đều thất vọng vô cùng.
Thì ra thư sinh áo trắng trông phong lưu tao nhã như thế mà lại có bộ mặt vàng khè, đừng nói là hai nàng thất vọng, ngay cả quần hào cũng cảm thấy sao tạo hóa lại khéo trêu người đến như thế. Nếu thư sinh này mà có bộ mặt đẹp trai tuyệt luân, phối hợp với thân pháp tuyệt đẹp thì thực là...
Chỉ trong nháy mắt, thư sinh áo trắng đã tiến tới gần, nhưng hàng trăm nghìn đôi mắt của quần hào vẫn ngơ ngác nhìn chàng, không ai dám nói to nửa lời. Hiển nhiên ai nấy trông thấy thân pháp tuyệt diệu của chàng cũng đều kinh hãi đến đờ người ra hết.
Thư sinh áo trắng đi tới chỗ cách võ đài chừng mười trượng, chàng bỗng trợn đôi mắt, tia ra hai luồng ánh sáng chói lọi nhìn người của đôi bên một lượt rồi ngửng mặt lên trời lớn tiếng cười và nói :
- Tiết trời đẹp như thế này, nào trăng thanh nào gió mát, không gì bằng đi thuyền, hãm rượu ig, vừa ngâm nga vừa chuyện trò. Sao quý vị lại làm cho trời u ám, làm cho phong cảnh ở đây thất sắc? Nào, lại đây để cho tiểu sinh làm trọng tài hòa giải đôi bên cho.
Chàng chỉ giơ tay áo lên phất một cái, Song sát với Nhị hạo đều phải lui về phía sau một bước, trận đấu đã tiêu tán ngay.
Một trận đấu kinh hồn khiếp đởm không ai dám nhúng tay can thiệp mà thư sinh chỉ nhẹ nhàng khẽ phất tay áo một cái đã gỡ được trận đấu đó tức thì.
Đến lúc này quần hào mới biết như nằm mơ vừa thức tỉnh, đột nhiên thất kinh la lớn và thở dài một tiếng.
Song sát chỉ hơi điều tức một cái, rồi bỗng nghiêm nghị cùng vội vái chào và nói :
- Vật Tà, Vật Ác xin cung kính nghênh đón tiểu chủ nhân.
Câu chào của Song sát đã làm cho các người có phản ứng khác nhau.
Thiên hạ quần hào bỗng giật mình đến thót một cái và nghĩ bụng :
“Bích Mục song sát tiếng tăm lừng lẫy vũ nội như thế mà phải gọi thư sinh này là chủ nhân. Thảo nào thần công của thư sinh lại kinh người đến như vậy!”
Người của dãy thuyền bên phía Tây là Thiên Vân với quần ma đều giật mình kinh hãi, hoảng sợ đến biến sắc, bây giờ đã biết thư sinh đó là người của bên nào rồi và Thương Sơn nhị hạo với Âm Sơn Nhân Đồ có liên tay lên tấn công cũng chưa chắc địch nổi thư sinh huống hồ bên đó lại còn Song sát...
Quần hào của dãy thuyền bên phía đông biết ngay thư sinh ấy là ai nên ai nấy đều hồi hộp vô cùng.
Gia Cát Ngọc nghiêm nghị chắp tay vái chào và lớn tiếng nói :
- Vị này có phải là Phạm thiếu hiệp đấy không? Xin mời đại giá lên trên thuyền để lão phu được bái kiến.
Thư sinh vẫn đứng ở trên mặt sóng mỉm cười đáp :
- Không dám, tiểu bối chính là Phạm Tĩnh Nhân, xin Lão trại chủ hãy đợi chờ giây lát để tiểu bối dứt khoát việc này đã rồi sẽ bái kiến lão tiền bối sau.
Đáng lẽ đứng ở trên mặt nước mà lên tiếng nói chuyện như vậy thì chân khí bị bài tiết, thế nào cũng bị chìm xuống dưới nước tức thì nhưng Tĩnh Nhân vẫn đứng yên ở trên mặt nước tươi cười nói chuyện như thường.
Không đợi chờ Gia Cát Ngọc trả lời, Tĩnh Nhân đã quay lại, hướng mắt về dãy thuyền bên phía tây mỉm cười nói :
- Bùi bảo chủ, mỗ rất muốn được nghe nguyên nhân tại sao các hạ lại đem người đến Động Đình này định sát phạt một phen như thế?
Biết không thể nào tránh thoát được, nhưng Thiên Vân vẫn đánh liều, đứng phắt dậy đáp :
- Các hạ nói rất phải. Thiên hạ võ lâm ai chả biết Bùi Thiên Vân vì cha con Gia Cát Ngọc thoái hôn mà tới đây vấn tội.
Tĩnh Nhân gật đầu nói tiếp :
- Các hạ khéo trả lời lắm. Vì tình mà đem người tới vấn tội như vậy rất hợp lý.
Nhưng tại hạ hãy hỏi các hạ câu này, người thoái hôn là Gia Cát lão trại chủ hay là Gia Cát Quỳnh Anh cô nương?
Thiên Vân lạnh lùng đáp :
- Con thoái hôn, cha bênh con, cả hai đều định tâm như thế.
- Được lắm, thế hai nhà đã đính hôn từ hồi nào?
- Hồi hai người còn ở trong thai đã chỉ phúc đính hôn rồi.
Tĩnh Nhân lớn tiếng cười ha hả nói tiếp :
- Bùi bảo chủ là người thông minh tất nhiên phải biết cô nương nào trong thiên hạ này chả tôn trọng danh tiết và người nào cũng muốn lấy được người chồng vừa ý muốn để gây hạnh phúc suốt đời. Nếu các hạ là thiếu niên anh tuấn, chính nhân quân tử thì có khi nào Gia Cát cô nương lại cam tâm để cho thiên hạ chê cười mà thoái hôn như thế? Hơn nữa, chữ tình phải đôi bên ý hợp tâm đầu mới được, chứ không thể nào miễn cưỡng hay bắt ép. Bảo chủ không kiểm lấy bổn thân thì chớ, trái lại bất chấp mọi lẽ, đem người tới đây khởi sự vấn tội như thế tại hạ không tán thành chút nào.
Trước mặt thiên hạ quần hào, Thiên Vân vị chàng nhạo báng chế riễu như thế vừa tức giận vừa hổ thẹn nhưng y lại không dám nổi khùng mà chỉ trợn ngược đôi lông mày lên lạnh lùng hỏi lại :
- Theo lời nói của các hạ thì mọi việc Thiên Vân này đều trái hết phải không?
Tĩnh Nhân mỉm cười đáp :
- Không phải thế! Tại hạ chỉ cảm thấy Bảo chủ sử dụng lầm phương pháp đấy thôi.
Trái lại nếu Bảo chủ tự kiểm thảo, đóng cửa ngồi ở trong nhà để hối cải thì câu chuyện đâu đến nổi đổ bể như thế này.
Tư Đồ Sương nghe tới đó khẽ hỏi Gia Cát Quỳnh Anh rằng :
- Anh muội muốn gì thế?
Quỳnh Anh bẽn lẽn cúi đầu khẽ đáp :
- Sương tỷ hà tất phải hỏi như vậy? Lòng của tiểu muội như thế nào Sương tỷ đã biết rõ rồi.
Lúc ấy Thiên Vân cười khẩy nói tiếp :
- Các hạ chỉ có biết một chứ không biết hai. Các hạ có biết tại sao Gia Cát Quỳnh Anh lại bỗng nhiên từ hôn như thế không?
Tư Đồ Sương với Quỳnh Anh đều lo âu khôn tả, chỉ sợ Thiên Vân ở trước mặt thiên hạ võ lâm nói tên Đỗ Ngọc ra nhưng Tĩnh Nhân đã lớn tiếng cười và đáp :
- Việc của người mỗ không muốn nghe và cũng chả cần phải hỏi tới. Bây giờ mỗ đang có việc cần phải làm, không muốn mất thời giờ, tốn hơi sức nói nhiều làm chi.
Bây giờ mỗ có một cái trò hèn mọn biểu diễn ra đây, nếu bên Bùi bảo chủ có ai có thể bắt chước làm được như vậy thì việc gì đã có mỗ cam đoan làm cho Bảo chủ được hài lòng, bằng không xin Bảo chủ lập tức rút lui ra khỏi hồ Động Đình, vĩnh viễn không được sinh sự nữa. Bằng không đừng có trách Phạm Tĩnh Nhân này ra tay vô tình.
Tiếng nói của chàng ta vừa dứt thì đột nhiên chàng ta ngửng mặt lên trời, thốt ra tiếng cười thật dài làm vang động cả một góc trời.
Thiên hạ quần hào đang ngạc nhiên...
Đột nhiên có tiếng nước kêu, sóng nổi lên cao hàng trăm trượng, tôm cá nhảy lung tung, võ đài lớn rộng như thế đang ở trên mặt nước bỗng từ từ chìm xuống dưới nước. Hai dãy thuyền của đôi bên đều dùng dây thuyền lớn cột chặt đã từ từ tiến gần vào nhau.
Đó là công lực gì, ai nấy đều cả kinh thất sắc, hoảng sợ đến mất hết hồn vía, ngay cả Phi Quỳnh cũng phải biến sắc mặt nốt.
Đột nhiên tiếng cười im lìm hẵn, mặt nước lại phẳng lặng như trước, võ đài bỗng từ từ nổi lên. Tĩnh Nhân mỉm cười khoanh tay đứng ở trên mặt nước, tà áo bay phất phới, trông không khác gì một vị thần tiên vậy.
Thiên hạ quần hào sợ hãi đến mặt thất sắc và ngơ ngác nhìn nhau.
Bùi Thiên Vân thì mặt tái mét như chết đuối, lẳng lặng không nói năng gì hết.
Một lát sau Kiều Bình bỗng ho khan một tiếng rồi nói :
- Người trẻ tuổi công lực cái thế, tài ba siêu tuyệt. Anh em lão phu từ nay trở đi không dám nói đến võ công nữa. Nhưng trước khi đi, anh em lão có một việc này muốn thỉnh giáo, Bích Mục song sát đã xưng các hạ là tiểu chủ nhân, chả lẽ các hạ tức là...
Tĩnh Nhân cả cười đỡ lời :
- Hai vị đã hiểu biết hà tất phải hỏi nhiều. Quý hồ biết điều rút lui ngay như thế sẽ mang hậu phúc vô cùng. Phạm Tĩnh Nhân cung kính tiễn hai vị hiệp giá.
Địch Cuồng với Ngư Tiên cùng một tiếng và đồng thành nói :
- Tuyệt thế thành công đã được tái truyền, từ nay trở đi võ lâm đã có chủ, anh em lão xin cáo từ.
Nói xong cả hai giơ tay lên chào rồi phi thân lên trên không đi mất.
Tĩnh Nhân đưa mắt nhìn theo hình bóng của nhị Hạo cho tới khi khuất dạng mới quay đầu lại nhìn dãy thuyền bên phía tây mà trợn ngược đôi lông mày kiếm lên khẽ quát hỏi :
- Lê Hạo, chả lẽ ngươi còn muốn Phạm mỗ giơ tay ra tiễn hay sao?
Đằng sau dãy thuyền bên phía Tây bỗng có tiếng hú thật dài và thê thảm nổi lên, một luồng khói đen theo gió phi lên. Tiếng rú với luồng khói đen ấy càng lúc càng xa, chỉ trong nháy mắt đã mất dạng.
Tĩnh Nhân tủm tỉm cười và nói tiếp :
- Thế nào? Còn Bùi bảo chủ cũng lộn đường đấy chứ?
Vẻ mặt rầu rĩ, Thiên Vân liếc nhìn Tĩnh Nhân một cái, chẳng nói chẳng rằng, ra hiệu cho hai đại hán áo đen dùng cây bút tầm sét chém đứt hai sợi dây thừng lớn.
Mười mấy chiếc thuyền hai buồm đã từ từ giương buồm lên và theo gió mà đi luôn, không bao lâu đã mất dạng ở trong bóng tối.
Đang lúc ấy, một ông già mặc áo bào gấm đứng ở cách các vị cao tăng của phái Thiếu Lâm không xa đột nhiên quay lại nói với người đồng bọn rằng :
- Lão Ngô, họ Phạm này có phải là người mà chúng ta ngẫu nhiên trông thấy bữa nọ không?
Người đồng bọn ấy là ông già mặt đen, cũng mặc áo gấm, gật đầu đáp :
- Phải, chính là y. dù y có tiêu thành tro mỗ cũng đã nhận ra được. Quên sao được bộ dạng như muốn muốt sống người của y.
- Điều này không thể trách y được. Ai bảo chúng ta ngẫu nhiên trông thấy sự bí mật của y?
- Bí mật cái quái gì? Một pho tượng màu xanh, hai cuộn sách rách nát chứ quý báu gì!
- Không chắc, thể nào y cũng có kỳ trân dị báu gì. Bằng không tại sao y lại cứ uy hiếp chúng ta không được tiết lộ nửa câu.
- Hừ! Đó chẳng qua...
đột nhiên có tiếng Phật hiệu nổi lên, Thiếu Lâm tứ tôn giả đã lớn bước tiến tới gần hai người ấy.
- Hai vị thí chủ vừa rồi nói thật không?
Hai ông già nọ cả kinh thất sắc, vội xua tay đáp :
- Hai vị đại sư chớ nên cho chuyện đó là chuyện thật. Anh em mỗ nói đùa đấy thôi.
Tính nết của Tuệ Chân đại sư rất nóng nảy, vội chộp lấy cổ tay của ông già đứng bên trái, lạnh lùng nói tiếp :
- Việc này không phải là chuyện thường. Hai vị lão thí chủ đừng có quá lo ngại như thế?
Ông già nọ đau đến biến sắc mặt nhưng cứ nghiến răng nhịn đau không chịu nói.
Còn một ông già nữa hình như nghe thấy oai danh của Thiếu Lâm đã hoảng sợ đến đứng đờ người ra.
Tuệ Chân đại sư cười một tiếng, bóp mạnh một cái nữa.
Ông già áo gấm đau quá chịu không nổi, kêu ối chà một câu và vội đáp :
- Xin đại sư cứ buông tay, mỗ xin nói, mỗ xin nói...
Tuệ Chân đại sư cười khẩy một tiếng nói tiếp :
- Đây chỉ là một sự bất đắc dĩ đấy thôi, xin hai lão thí chủ lượng thứ cho...
Nói xong, lão hòa thượng buông tay ra. Ông già nọ vừa xuýt xoa rầu rĩ nói tiếp :
- Lời nói của anh em mỗ vừa rồi không sai một tí nào. Nhưng hai vị chớ nên bảo anh em mỗ nói, bằng không tính mạng của anh em mỗ không thể nào bảo tồn được.
Tuệ Chân đại sư vội vàng đáp :
- Là dĩ nhiên rồi. Cảm ơn hai vị nhé!
Nói xong y chắp tay vái chào hai người, cùng Tuệ Không quay người đi luôn. Hai ông già áo bào gấm nhìn theo, chờ hai hòa thượng đi xa rồi bỗng lộ tiếng cười rất xảo trá, đưa mắt nhìn nhau một cái rồi lẳng lặng lẩn vào trong đám đông biến mất.
Góc đằng kia cũng có tiếng cười rất đắc chí nổi lên và tiếng người nói :
- Lão Tứ giỏi thật! Nhưng không sợ hai tên giặc sói đầu theo lão Tứ hay sao?
- Hừ! Đột nhiên nghe nói tới vật báu bị mất hiện đang ở đâu khi nào chúng còn để ý tới đệ nữa? Thôi chúng ta đi đi.
- Không ở lại xem trò vui hay sao?
- Lão muốn bị xui sao?
Sau mấy tiếng cười khì, bốn bề đều im lặng ngay.
Gia Cát Ngọc cảm động và ngưỡng mộ, vội chắp tay vái chào Tĩnh Nhân, vừa cười vừa nói :
- Mời thiếu hiệp xuống thuyền, để cho Gia Cát Ngọc với con cái được bái tạ.
Tĩnh Nhân vẫn đứng ở trên mặt nước đáp lễ và trả lời rằng :
- Tại hạ không dám. Đáng lẽ phải tới bái kiến Lão trại chủ nhưng vì có việc bận, không thể ở lại nơi đây được. Việc ở đây đã xong, tiểu bối xin cáo từ Lão trại chủ ngay.
Chưa được đền ơn chút nào, Gia Cát Ngọc nghe nói cuống lên, không kịp nói năng gì thì Quỳnh Anh ở phía sau đã vội tiến ra, nhìn Tĩnh Nhân, cung kính vái chào và nói :
- Phạm thiếu hiệp ban ơn cho gia đình Gia Cát chúng tôi và còn ban ơn cho cả Động Đình hai mươi tám trại. Đại ơn đại đức này không dám nói cảm tạ, gia đình họ Gia Cát chúng tôi không bao giờ dám quên ơn.
Tĩnh Nhân tủm tỉm cười trả lời rằng :
- Chắc cô nương là Ngọc Diện La Sát Gia Cát cô nương phải không? Cổ nhân đã nói : người thiên hạ can thiệp việc thiên hạ. Tĩnh Nhân cũng là một trượng phu, khi nào lại ngồi yên để xem người ta thị võ làm tàng, hà hiếp người như thế? Cô nương khỏi phải bận lòng vì vấn đề ấy. Đó là bổn phận của võ lâm chúng ta. Huống hồ tại hạ đã quen biết lệnh huynh và xưa nay lại rất kính ngưỡng lệnh tôn.
Gia Cát Đởm đứng ở trước khoang thuyền, trong lòng rất thắc mắc. Chàng cố nghĩ mãi cũng không nghĩ ra được mình đã gặp gỡ Phạm Tĩnh Nhân ở đâu, nhưng lại không tiện lên tiếng hỏi, nên mặt lộ vẻ rất ngượng nghịu.
Vi Hiểu Lam bỗng tiến lên, chắp tay vái chào và nói :
- Thần oai vừa xuất hiện, ra tay giải nguy, chúng tôi đang ngưỡng mộ cao nhân, sao huynh đài lại bỏ đi ngay như thế? Hơn nữa...
Tĩnh Nhân vội đáp lễ và đỡ lời :
- Vi trang chủ anh hùng cái thế, văn võ song tuyệt, Tĩnh Nhân ngưỡng mộ hiệp phong đã lâu. Vả lại các vị có mặt tại đây đều là võ lâm tiên triển. Tĩnh Nhân tôi đáng lẽ phải lần lượt lãnh giáo quý vị, nhưng vì có việc bận, bắt buộc phải đi ngay.
Nếu quý vị không hiềm thì Tĩnh Nhân khi nào rảnh rang sẽ lần lượt tới quý phủ bái kiến.
Hiểu Lam nghe nói liền nghĩ bụng :
“Người này công lực cái thế, trong vũ nội chưa chắc đã có người thứ hai nào hơn được, không những khí độ rất khả quan mà còn rất khiêm tốn, không ai có thể bằng được y. Một vị kỳ hiệp như thế này ta chớ nên bỏ qua...”
Chàng quyết định như vậy, nhưng lại có một ý niệm khác khiến chàng thắc mắc không hiểu và nghĩ tiếp :
“Người này công lực đã cái thế sao tên tuổi lại không thấy ai nói tới? Y không những nhận ra được ta và nghe lời nói thì hình như y còn quen biết cả mấy nhân vật rất quen thuộc nữa. Chả lẽ...”
Chàng vừa nghĩ tới đó thì đã nghe Gia Cát Ngọc lớn tiếng nói :
- Nếu Phạm thiếu hiệp có việc bận, không ở lại được lão cũng không dám miễn cưỡng. Chẳng hay thiếu hiệp có thể cho biết thiếu hiệp hành tung ở đâu để lão...
Tĩnh Nhân mỉm cười đỡ lời :
- Tiểu bối một thân một mình, nay đây mai đó, không ở chỗ nào nhất định. Lão trại chủ chớ nên bận lòng, hễ việc của tiểu bối làm xong thể nào cũng tới đây bái kiến ngay.
Gia Cát Ngọc biết kỳ nhân rất khó kiếm, ngấm ngầm thở dài một tiếng và nói tiếp :
- Nếu vậy lão xin đợi chờ ở trong Nhị thập bát trại. Thể nào cũng mời thiếu hiệp giáng lâm, chớ nên để cho lão mong chờ hoài.