Đoàn tàu rời ga trong khúc nhạc dịu êm.
Nếu như nói, Lâm Tú San cảm thấy trạm Nhượng Hồ Lộ hệt như cái chuồng gia súc, thực chất nó chỉ là cái lán nhỏ, trạm tàu ở Cáp Nhĩ Tân mới đích thị là cái chuồng gia súc lớn.
Phía tám cổng ra vào, từng dòng tàu hỏa nối liền không dứt. Còi hơi đua nhau cất tiếng, không khác gì tiếng lừa hí ngựa kêu trâu ọ chó sủa gà gáy tụm lại một chỗ. Đoàn tàu màu vỏ quýt trông như con trâu tráng kiện, đoàn tàu xám bạc thì giống những thớt tuấn mã tím nhạt.
Con tàu chậm thân xanh cô đang ngồi, lại giống loài cừu ôn hòa. Lần này, chuyến tàu chạy từ Cáp Nhĩ Tân về Nhượng Hồ Lộ. Thường tàu mới khởi hành còn rất sạch sẽ, chúng giống như những thiếu nữ thức dậy sửa soạn mỗi sớm mai, khiến người ta thấy tinh tươm, sảng khoái. Còn những con xe lặn lội đường xa băng qua, chúng nhếch nhác như một bà cụ.
Ghế đôi đối diện chỗ ngồi của Lâm Tú San vẫn còn trống, cô muốn đổi hướng ngồi, như vậy sẽ cùng với phương hướng đoàn tàu đang tiến lên.
Nhiều người ngồi ngược chiều xe chạy không quen nên dễ say xe, Lâm Tú San thì không. Nhưng cô vẫn thích ngồi cùng chiều tàu chạy, nếu không ngay cả khi con tàu đang lao về trước, cô vẫn sẽ có cảm giác như đang lùi về sau. Hơn nữa, ngồi ngược lại ngắm cảnh, mỗi cái cây, mỗi ngôi nhà giữa ruộng đồng đều biến từ to thành nhỏ, cuối cùng chỉ nhỏ xíu như hạt vừng, khiến bạn có cảm giác như đang lạc vào cõi hư ảo, nơi mọi thứ như đang tức tốc biến mất một cách kì dị. Ngược lại, ngồi cùng hướng tàu chạy ngắm cảnh, cảnh vật ngoài kia từ mơ hồ dần trở nên rõ rệt, chúng luôn biến mất trong khoảnh khắc hiện diện rõ nét nhất, khiến người ta cảm thấy vô cùng chân thực.
Lâm Tú San vừa đổi hướng ngồi, có hai người từ lối vào khoang tàu bước tới.
Họ cao ngang nhau, nhưng một béo một gầy. Người đàn ông gầy đeo cặp mắt kính, rất có khí chất, trông nho nhã lịch sự, cảm giác rất có văn hóa. Tuy nhiên hai tay anh ta bị còng tay chụp lại. Người đàn ông béo cỡ bốn chục tuổi, anh ta khoác túi du lịch màu đen, mặc áo sơ mi tăm nhung màu đồng, khóe miệng bên phải trầy xước, trông như trái dâu tây dập nát.
Người đàn ông béo xòe hai tấm vé, đứng lại trước mặt Lâm Tú San, nói: “Cô gì ơi, đây là chỗ của cô sao?”
Lâm Tú San đỏ mặt như ăn trộm bị tóm cổ, cô vội vàng đứng dậy ngồi về phía đối diện: “Dạ tôi thấy tàu chạy rồi mà vẫn chưa có người ngồi, tôi tưởng ghế này bỏ trống, xin lỗi nhé.”
Người béo nói: “Không sao.”
Anh để người đang bị còng tay ngồi cạnh cửa sổ, sau đó ngồi xuống hàng ghế bên kia lối đi, đặt hành lý lên đùi. Sau khi ngồi xuống, người đàn ông gầy thản nhiên đặt tay lên bàn trà, như đang cố tình trưng bày cái còng tay kia vậy. Người béo hỏi: “Muốn đi vệ sinh hả?”
Người gầy lắc đầu. Người béo lại hỏi: “Khát nước?”
Người gầy vẫn lắc đầu. Người béo mở túi hành lý, rút ra chiếc xiềng chân, gồng người cúi xuống đeo lên chân người gầy, sau đó khóa túi lại, anh vứt nó lên hộc hành lý, ngáp một cái, dáng vẻ như đã mệt mỏi đến tột cùng.
Lâm Tú San đoán, người đeo kính là phạm nhân bị đưa về quy án, người đàn ông béo là một cảnh sát. Nghĩ thấy đối diện mình là tội phạm, cô hơi hãi hùng khiếp vía, thậm chí lúc đoàn tàu qua sông, cô căng thẳng đến mức quên cả ngắm sông Tùng Hoa.
Cô không biết người đàn ông này phạm tội gì, giết người, hip [email protected], cướp bóc hay là lừa đảo! Trông anh ta vừa trẻ vừa có khí chất, Lâm Tú San tiếc thay cho anh.
Một bảo vệ đi tới. Anh dừng lại trước chỗ người béo, nói: “Lão Vương, có cần tôi giúp gì không?”
Người béo bị gọi với cái tên Lão Vường “ừm” một tiếng, hắng giọng nói: “Không cần đâu, mọi thứ đều ổn.”
Bảo vệ ngồi xuống cạnh Lâm Tú San, nhìn người đàn ông gầy, anh bảo Lão Vương: “Hắn ta giết hai người cơ mà! Mẹ nó! Đúng là không nhìn ra đấy!”
Lão Vương cười, nói: “Với thị lực của cậu thì không phải tôi đang áp giải cậu ta đâu, mà phải là cậu ta áp giải tôi mới đúng.”
Bảo vệ cũng bật cười, đáp: “Nói cũng phải! Người ta giống cảnh sát hơn, cậu thì trông như tên tội phạm!”
Phạm nhân khẽ run còng tay, hẳn nở nụ cười khó nhận ra.
Bảo vệ và Lão Vương mỗi người châm một điếu thuốc, họ nói sang chuyện khác, một lúc sau bảo vệ rời đi, Lão Vương lim dim ngủ gật. Lúc rời khỏi đó, bảo vệ nói với tội phạm: “Thời gian không còn nhiều, cậu sắp lên đoạn đầu đài rồi, không còn cơ hội được ngồi tàu hỏa đâu, hãy tận hưởng nốt phong cảnh này đi!”
Lâm Tú San vốn định đổi chỗ ngồi khác tránh xa tên tội phạm này chút, nhưng cô rất tò mò, sao người này có thể là tội phạm giết người? Sao anh ta lại giết người? Cô rất muốn nói chuyện với người ta, nhưng không biết mở lời thế nào. Hơn nữa cũng sợ chọc đúng máu điên, để rồi kích động anh ta thò đôi tay đang bị còng kia phang đầu cô nát bươm như quả dưa hấu. Nghĩ một người đang sống sờ sờ thế này sắp bị xử bắn, người cô lạnh toát từng cơn. Mỗi lần liếc mắt nhìn anh ta, cô thấy như đang nhìn một bóng ma.
Cảnh sát mặc thường phục ngáy o o. Có lẽ vì biết tội phạm đã bị trói chả chân cả tay, bửa bước còn khó đi, nên mới ngủ ngon lành đến vậy. Một vài hành khách biết trên tàu đang có tội phạm giết người, họ lặng lẽ đi qua hóng hớt. Phạm nhân cũng không để tâm, anh ta bình tĩnh đánh giá những người tới nhìn mình. Mỗi vị hành khách ghé qua bắt gặp ánh mắt của anh đều sợ chạy mất dép. Phạm nhân lúc thì ngắm cảnh, lúc lại nhìn Lâm Tú San. Anh ta ngắm cảnh rất lâu, còn nhìn Lâm Tú San thì chỉ liếc qua. Lúc anh ta quét mắt qua người mình, Lâm Tú San thấy như bị ác quỷ trên vai khẽ vỗ một cái, rất lạnh lẽo.
Mỗi khi tàu dừng vào trạm, khoang xe sẽ nháo nhiệt một phen. Những lúc đó cảnh sát sẽ hé mắt, mơ màng liếc tên tội phạm. Sau khi tàu tiếp tục chuyển động, anh ta lại trở về cơn mơ. Hành khách lên tàu ngày càng nhiều, các ghế trống không còn rảnh rỗi như ban đầu, ngoại trừ vị trí cạnh Lâm Tú San. Có hai hành khách vừa ngồi xuống, thấy đôi tay bị còng của tội phạm đặt trên bàn trà liền cuống quýt bỏ đi. Chỗ ngồi này giống như chiếc ngai vàng, không một ai dám ngồi.
Lâm Tú San ngồi đây không còn tâm trạng nào nghĩ đến Vương Nhuệ. Tiềm thức cô chỉ còn tội phạm ngay trước mặt. Có vài lần cô thử hắng giọng, muốn hỏi dò: “Năm nay anh bao nhiêu tuổi?” Nhưng lời đến cửa miệng lại nuốt xuống.
Có lẽ phạm nhân cũng nhìn ra ý đồ của cô, mỗi khi Lâm Tú San hắng giọng xong, anh ta sẽ chớp chớp mắt, mìm cười với cô. Nụ cười của anh ta khiến Lâm Tú San lạnh sống lưng. Cô không sợ phạm nhân đó cười, mà là sợ nụ cười này sẽ nhanh chóng tiêu tan cùng gió mây, cô lấy làm tiếc cho anh ta.
Lâm Tú San chưa từng gặp phạm nhân bao giờ, càng không nói ngồi đối mặt với người ta thế này. Trong ấn tượng của cô, tử tù thường có vẻ ngoài hung ác, xấu xí khó coi. Không ngờ trông anh ta lại nho nhã lịch thiệp như vậy.
Lâm Tú San không quen ngắm cảnh ngược chiều kiểu này, vậy nên mỗi khi trông ra cửa, cô không khỏi cảm thấy chán chường. Cô đã không còn e ngại việc ngồi trước mặt phạm nhân, đứng dậy lấy túi hành lý trên hộc đồ, mở ra tiếp tục nghịch mấy đồ trong đó.
Đầu tiên cô lấy ra chiếc đồng hồ, lên cót cho nó một cách vô nghĩa. Mấy phút sau, đồng hồ kêu lên “tít tít tít”, cảnh sát giật mình tỉnh dậy, anh ta lập tức đứng phắt dậy, rút súng gài bên hông.
Phạm nhân thấy vậy không khỏi bật cười, lúc này anh ta đã cười thành tiếng. Cảnh sát nhìn chiếc đồng hồ, trợn mắt bảo Lâm Tú San: “Nghe giống còi báo động thế không biết.”
Lâm Tú San cũng cười. Hàm răng vàng của cô khiến cảnh sát phản cảm, anh ta nhíu mày. Lâm Tú San cất đồng hồ lại túi. Cảnh sát cảnh cáo: “Cô đừng cài báo thức nữa đấy, chút nữa nó lại kêu xem, tôi rút súng cho nó lõm đầu luôn!”
Lâm Tú San nghĩ, Cục cảnh sát giao súng cho anh là để thi hành công vụ, thử bắn nát cái đồng hồ của tôi đi, xem anh có bị đuổi khỏi đội công an không!
Cất chiếc đồng hồ, Lâm Tú San lại lấy ra chiếc kèn ác-mô-ni-ca. Cô vuốt v e chiếc kèn, lòng lại nhớ về Vương Nhuệ. Nghĩ bụng chắc chắn anh đang sốt ruột đợi cô lắm đây. Trưa nay anh ăn cơm chưa nhỉ? Cô sợ nhất anh đi ăn mì lạnh Hàn Quốc, dạ dày anh không tốt, ăn mì lạnh dễ bị đau dạ dày. Nhưng anh lại khoái món ấy lắm. Lâm Tú San tính tối nay rủ anh đi ăn sủi cảo Tam Tiên, cho anh ăn canh sủi cảo nóng hổi.
Lúc cô nghịch chiếc kèn, ngẩng đầu nhìn tội phạm, cô phát hiện ánh mắt anh ta đã biến đổi, trước đó ánh mắt ấy rất lạnh nhạt, sầu muộn, lúc này lại trở nên dịu dàng, hiền hòa. Anh ta tập trung ngắm nhìn chiếc kèn của cô, Lâm Tú San nghĩ có lẽ anh ta cũng biết thổi như Vương Nhuệ.
Có lẽ anh ta cũng giống Vương Nhuệ, xưa kia từng thổi kèn để dành lấy ái tình.
Lâm Tú San thấy anh ta si mê nhìn chiếc kèn, cô muốn cất vào túi, bởi nó thuộc về chồng cô, những người đàn ông khác không xứng được chiêm ngưỡng. Nhưng lại nghĩ anh ta không còn sống được bao lâu, nếu đã muốn nhìn, thôi thì cho anh nhìn thỏa thích. Cô đặt chiếc kèn lên bàn trà để anh ta ngắm thật kĩ.
Phạm nhân nhìn chiếc kèn, trông anh ta như người vừa trải qua cái giá rét mùa đông bắt gặp sắc liễu xuân về, mê mẩn và ngây ngất.
Lâm Tú San hỏi: “Anh biết thổi không?”
Phạm nhân gật đầu, sau đó khẽ thở dài. Lâm Tú San hiểu, tiếng thở dài bắt nguồn từ chiếc còng trên tay, muốn thổi ác-mô-ni-ca, cần phải có một đôi tay tự do.
Lâm Tú San đẩy viên cảnh sát dậy: “Anh tháo còng tay cho anh ấy một lúc được không?”
Cảnh sát liếc mắt nhìn Lâm Tú San, hỏi: “Làm gì? Vất vả lắm mới tóm được hắn, cô muốn thả đi hả?”
Lâm Tú San mỉm cười giơ chiếc kèn ác-mô-ni-ca: “Anh ấy muốn thổi một bài, anh để anh ấy toại nguyện đi.”
Cảnh sát quay đầu nhìn phạm nhân, anh châm chọc: “Cậu cũng giỏi đấy, tôi mới chợp mắt một hồi, cậu đã kịp làm lòng người lung lay rồi!”
Cảnh sát ho khan một tiếng, lại híp mắt nhìn. Cử chỉ của anh ta tỏ rõ không muốn tự tiện tháo còng cho phạm nhân. Lâm Tú San vốn không định xin xỏ thêm, nhưng cô quả thực không nhịn được khi thấy ánh mắt phạm nhân nhìn chiếc kèn: Vừa chờ mong, vừa thương cảm!
Cô lại lay người cảnh sát, nói: “Anh tháo còng cho anh ấy thổi một bài đi! Không thả lâu đâu, chỉ đúng một bài thôi!”
Cảnh sát thở hắt, nói; “Cô là gì của cậu ta?”
Lâm Tú San trịnh trọng nhấn mạnh: “Tôi là người của Vương Nhuệ!”
Cảnh sát hỏi: “Vương Nhuệ là ai!?”
Lâm Tú San cười híp mắt: “Là chồng tôi, anh ấy cũng biết thổi kèn!”
Cảnh sát hỏi phạm nhân: “Cậu muốn thổi kèn thật hả?”
Phạm nhân gật đầu. Cảnh sát vẫn hơi dè chừng, Lâm Tú San khích lệ: “Anh xích chân rồi mà, khác gì con lừa bị buộc vào cối xay đâu? Chạy đi đâu được chứ!”
Lâm Tú San hồn nhiên so sánh với hình tượng gia súc, cảnh sát nghe đoạn bật cười. Anh bảo phạm nhân: “Đây cũng là bản nhạc cuối cùng của cậu rồi, thôi thì cho một cơ hội.”
Cảnh sát rút chìa khóa trong túi áo, tháo còng tay cho phạm nhân. Đôi tay người phạm nhân thon dài như tay phụ nữ, chỉ là nó không có huyết sắc.
Trước hết, phạm nhân vận động cổ tay, sau đó mới dè dặt nhấc chiếc kèn lên như một đứa trẻ được phóng thích, nhẹ nhàng kề bên môi. Lâm Tú San bỗng thấy căng thẳng, cô không biết chiếc kèn sẽ phát ra âm sắc gì, liệu nó có xinh đẹp hay không?
Bỗng nhiên, chiếc kèn nhỏ nhắn phát ra giai điệu du dương như làn nước mùa xuân, khiến Lâm Tú San cảm thấy cái đẹp ùa đến quá bất thình lình. Cô chưa từng được nghe một giai điệu ôn hòa, ấm áp, thương tâm, thê mỹ đến vậy, khúc nhạc này gần như thôi thúc cô rớm lệ.
Bản nhạc do Vương Nhuệ thổi chỉ khiến cô thấy buồn cười, đó là cái đẹp thiên về sự trong trẻo; còn khúc nhạc của phạm nhân lại mang màu sắc thê lương, khiến cô nghe mà rưng rưng. Giờ đây Lâm Tú San mới hiểu, có những lúc muốn khóc mà lòng vẫn thật đẹp!
Cảnh sát có lẽ cũng bất ngờ trước tài thổi kèn của phạm nhân, anh ta không kìm được lắc lư theo điệu nhạc, hành khách trong khoang xe cũng rủ nhau tìm đến nơi phát ra tiếng nhạc. Họ tụ tập bên cạnh Lâm Tú San và cảnh sát, nghe nhạc mà lòng chứa chan.
Kết thúc một bài, phạm nhân nhẹ nhàng đặt chiếc kèn xuống bàn trà, Lâm Tú San thấy ngón tay anh run rẩy không thôi. Các hành khách chưa nghe đã đời, họ cầu xin cảnh sát: “Để cậu ấy thổi thêm một bài đi mà!”
Cảnh sát sảng khoái đáp: “Được, hôm nay là Tết Trung thu, hãy phục vụ mọi người hai bản nhạc, tuy không thể chuộc tội, nhưng cũng coi như đã có cống hiến cho nhân dân!”
Nghe vậy, phạm nhân run rẩy cầm lại chiếc kèn. Lâm Tú San thường cười nhạo dáng vẻ thổi kèn của Vương Nhuệ giống hệt một người răng yếu gặm bắp ngô già. Còn động tác thổi kèn của phạm nhân lại như cậu thiếu niên khôi ngô gặm dưa leo trên đồng cỏ xanh biếc. Thậm chí cô gần như ngửi thấy một mùi hương tươi mát.
Bản nhạc thứ hai anh thổi vẫn thê lương, uyển chuyển, như mộng như ảo. Lâm Tú San nhận thấy nước mắt đã lặng lẽ lăn trên khuôn mặt phạm nhân, lăn xuống chiếc kèn, chiếc kèn như thấm đẫm gió sương, ướt dầm dề.
Bản nhạc kết thúc, hành khách vỗ tay tán thưởng. Cảnh sát tuy vẫn chưa hết thòm thèm, những vẫn từ chối lời thỉnh cầu của mọi người, còng đôi tay ấy lại. Chiếc kèn từng dính hơi thở và nước mắt của phạm nhân về lại tay Lâm Tú San.
Lâm Tú San thấy hơi có lỗi với Vương Nhuệ, cô cầm chiếc kèn đến bồn rửa mặt, dùng nước lạnh rửa sạch sẽ. Nhưng nước xối mãi, nước mắt cô cũng tuôn trào. Khi tàu hỏa đã dừng lại ở trạm Nhượng Hồ Lộ từ khi nào, Lâm Tú San thậm chí còn cảm thấy đoạn đường này quá ngắn ngủi.
Trước khi xuống tàu, cô nói với phạm nhân: “Điệu kèn anh thổi rất đẹp.”
Cô không biết cảnh sát sẽ áp giải anh xuống ở trạm nào. Phạm nhân gật đầu với cô như một lời từ biệt. Từ đầu đến cuối, anh ta không nói câu nào.
Ra đến sân ga ồn ào náo động, Lâm Tú San chợt thấy thất vọng và mất mát. Cô đứng lại một lúc định thần, đầu mới dần hiện ra bóng dáng cao gầy của Vương Nhuệ.