Họa Phố

quyển 13 chương 10: hòa hợp (10) : miếu cổ

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Đó là một ngôi miếu cổ được xây bằng đá, tạo hình bên ngoài mang phong cách đậm nét cổ xưa, khiến người ta khó phân biệt được nó thuộc về thời đại nào.

“Tuy là tôi không nghiên cứu nhiều về những kiến trúc cổ đại, nhưng ngôi miếu đá này hình như là xây vào thời Tùy Đường.” Kha Tầm đẩy Nhạc Sầm tiến vào cổng ngoài miếu, tia nắng mặt trời chiếu vào bên trong miếu, thấy được bên trong có mấy có mấy bệ tượng thờ bằng đá, nhưng bên trên lại chẳng thấy tượng thần ở đâu.

Ngôi miếu cổ như bị cây cối cố ý che lại này quả thực rất quái lạ, Kha Tầm đang tính đi vào trước một mình xem bên trong như thế nào, thì bỗng nghe Nhạc Sầm nói: “Chúng ta vào xem đi.” Trong giọng nói không có chút gì sợ hãi.

Chẳng trách trước đó Nhạc Sầm lại được chọn vào tranh, bà chị này quả thực là một ‘nhân tài vào tranh’ hiếm thấy.

Ngôi miếu kia cũng không có cửa miếu, chỉ có một tấm bia đá với một mặt được khắc chữ khá mơ hồ, được đặt ở gần cổng ngoài. Hai người bọn họ cùng lúc đi vào hẳn là sẽ không có gì nguy hiểm, hoặc nói theo kiểu khác thì, nếu Kha Tầm có một mình vào mà gặp được gì nguy hiểm, thì Nhạc Sầm đang ngồi xe lăn như vậy sợ là cũng không thể giúp đỡ được cái gì.

Đã thế cần gì phải lo trước lo sau nữa, cùng tiến vào luôn cho rồi.

Không gian bên trong miếu khá râm mát, tia nắng xuyên qua bóng âm u chiếu thẳng vào bên trong, dấy lên vô số bụi trần tung bay như loạn múa.

Phía sau bàn thờ dùng để cúng tế có một bệ đá dài, hẳn là nơi dùng cung phụng tượng thần, còn về tượng thần được cung phụng ở nơi đây rốt cuộc là ai, thì lại chẳng biết được.

Nhạc Sầm dùng tay lăn bánh xe, vòng xung quanh miếu quan sát mọi thứ, cuối cùng ánh mắt dừng lại trên bệ đá dài nằm ở hai bên.

Kha Tầm cũng để ý đến hai bệ đá ấy “Bệ đá ở giữa là dùng để cung phụng tượng thần, vậy còn bệ đá ở hai bên này để làm gì?”

“Chắc là cũng được dùng để cung phụng tượng thần.” Nhạc Sầm nói.

Kha Tầm chỉ từng đi thăm các loại chùa miếu hồi còn bé, cố gắng nhớ lại một chút, hình như đúng là chỉ có miếu đường () mới bài trí như thế này “Cũng tức là nói, ngôi miếu này không chỉ cung phụng một vị thần tiên?”

“Tôi đoán ít nhất là có năm vị, hay thậm chí là bảy vị.” Nhạc Sầm dựa theo kích thước của bệ đá mà suy đoán.

“Nhưng vì sao vị trí của các tượng thần kia đều là trống không? Tượng thần đều đâu hết cả rồi?” Kha Tầm tự mình ra vào không ít bức tranh, từng tận mắt chứng kiến không ít quỷ quái như hai con người giấy ở Lý gia thôn, oán quỷ ở chung cư Xuân Duẩn, một đống u linh quỷ hồn trong viện nghiên cứu Tượng Sơn, nhưng rất ít khi tiếp xúc với thần tiên.

“Tình huống trong miếu đại khái chỉ có thế này, chúng ta ra ngoài trước rồi nói sau.” Nhạc Sầm lăn bánh xe chuyển phương hướng, tính rời khỏi ngôi miếu này trước đã.

Kha Tầm đi theo sau, đẩy Nhạc Sầm ra khỏi cửa miếu, lúc nãy hai người họ đứng trong miếu nói chuyện vang lên âm vọng rất lớn, cảm giác như lời mình nói ra bị ai đó theo sau bắt chước lặp lại vậy, làm người ta thấy trong lòng bồn chồn bất an.

Khung cảnh bên ngoài vẫn là thiên nhiên xanh tươi quen thuộc, hai người tạm thời đứng ở dưới một gốc cây cạnh miếu.

“Tiểu Kha, trong mấy bức tranh trước đó cậu có từng gặp thần không?”

“Có từng gặp, đó là một vị thần thiện ác chung một thể, lúc chúng tôi rời khỏi bức tranh có thấy được mặt của vị thiện thần kia.” Kha Tầm nhắc đến chính là Hắc Thi Thiên trong 《 Tín Ngưỡng 》.

Nhạc Sầm nghe Kha Tầm kể lại đôi ba câu về bức tranh 《 Tín Ngưỡng 》 kia, lại cảm không giống với thấy thế giới của bọn họ đang đứng hiện tại “Chúng ta vì rêu xanh nên mới tìm đến nơi đây, nhưng bệ đá trong miếu cùng các bậc cầu thang đá dưới mái hiên đều vô cùng khô ráo, không hề phát hiện có dấu vết rêu xanh.”

Kha Tầm thử rà lại ý nghĩ của mình “Lúc chúng ta vừa đến đây, bị bắt xem một màn kịch bóng da 《 Chuột gả con gái 》, khi ấy chị đã cảm giác chân mình không thoải mái, sau lúc trời sáng mới phát hiện đã hóa đá, cũng mọc ra rêu xanh, vì muốn tìm kiếm nguồn gốc của rêu xanh nên men theo một đường đến nơi đây, cuối cùng phát hiện ngôi miếu này. Miếu trống không, lúc nãy kho lúa chúng ta thấy được cũng là trống không. Kho lúa không là vì lương thực ở bên trong đều bị lũ chuột ăn sạch, vậy còn miếu trống lại là vì sao? Những tượng thần tiên bên trong đều đâu mất cả rồi? Mà những thần tiên ấy có quan hệ gì với 《 Chuột gả con gái 》 hay không?”

Nhạc Sầm im lặng chăm chú lắng nghe Kha Tầm nói, trong lòng loáng thoáng hiện lên một chút ý tưởng, nhưng lại không đủ chứng cứ xác thực.

Lúc này lại nghe Kha Tầm nói tiếp “Cúng chuột? Trước đó không phải chị bảo ‘Chuột gả con gái’ kia thật ra là hoạt động cúng chuột của dân gian sao? Cúng chuột hẳn cũng là một loại thờ cúng đúng không? Chẳng lẽ, ngôi miếu chính là cung phụng…”

Chuột?

Cách nói này khiến cả hai người đề thấy có chút không thoải mái.

Nhạc Sầm nói “Tuy là chưa rõ ràng nguyên do của việc này, nhưng tôi có một chút hiểu biết đối với phong tục Tết xưa của nước chúng ta, từ trước tới giờ tôi chưa từng nghe qua có hình thức cung phụng nào giống như vậy, việc này không phù hợp truyền thống.”

Chính Kha Tầm cũng thấy cách nói mới nãy của mình rất hoang đường, phải mà bức tranh này lấy hoang đường là chủ yếu hơn nữa mức độ càng ngày càng tăng dần cũng đỡ, nhưng cố tình nó là một bức tranh lấy Tết Cổ Truyền làm chủ đề, bởi nên chủ đạo chính là phong tục Tết của Trung Quốc.

“Chị Sầm, chúng ta thử qua xem cái tấm bia đá bên kia đi, tuy là chữ có hơi mơ hồ, nhưng loáng thoáng có thể thấy được một vài nét.” Kha Tầm lại đẩy Nhạc Sầm đến gần cổng miếu.

Tấm bia đá kia rất to lớn, gần như chặn hết bên ngoài cổng miếu, có lẽ vì quá mức cổ xưa, bên trên bia đá có nhiều vết rạn nứt rất sâu, khiến cho nét chữ bên trên cũng trở nên khó phân biệt.

Dựa theo cách xếp chữ có thể nhận ra được, mấy hàng chữ này tựa hồ là một bài thơ, mỗi câu có bốn chữ.

“Là thơ tứ ngôn.” Nhạc Sầm cẩn thận quan sát, nhìn ra được ở câu cuối cùng giống như có một chữ ‘Hàm’.

“Thơ tứ ngôn, loại thơ này có gì đặc biệt sao?” Kha Tầm cũng nhận ra được một chữ ‘Di’, tuy rằng thể chữ khá phức tạp, nhưng chữ này cơ hồ là chữ viết nguyên vẹn đầy đủ nhất trên cả tấm bia đá.

“Thơ tứ ngôn được xem như thể loại thơ ca xuất hiện sớm nhất ở nước chúng ta ngày xưa, 《 Kinh Thi 》cũng là dựa theo thể tứ ngôn này, hướng lên trên một chút, cũng có thể thấy dấu vết của thơ tứ ngôn trong ca dao cổ cùng với 《 Chu Dịch 》.”

“Duy”, “Đỉnh”, “Tôn di”, “Linh”, “Hàm”.

Bởi vì một vết rạn nứt vắt ngang, khiến cho những chữ viết quan trọng nhất là tựa đề cùng với câu thơ mở đầu hoàn toàn không thể nhận ra.

“Nếu là hồi trước nhìn thấy bài thơ này, tôi chắc chắn sẽ chỉ suy đoán đây là một bài thơ cúng tế gì đó của thời cổ đại, cơ mà từ sau khi bắt đầu nghiên cứu về sự kiện vào tranh, tôi lại cảm thấy bài thơ này hẳn là không đơn giản như vậy.” Ánh mắt của Kha Tầm dừng ở hai chữ mà mình quen thuộc nhất, chính là “Duy” cùng “Đỉnh”.

Địa Duy, Cửu Đỉnh.

Chẳng lẽ, bài thơ này có quan hệ với việc vào tranh?

Nhạc Sầm bên này giơ ngón tay viết viết vẽ vẽ gì đấy vào lòng bàn tay, miệng cũng lẩm nhẩm, lúc hai bọn họ vào thế giới này thì túi xách mang theo cũng biến mất, thành ra chẳng có giấy bút mà dùng.

Kha Tầm nhận ra Nhạc Sầm giống như không xa lạ gì mấy với bài thơ này, liền với tay nhặt một nhánh cây trên mặt đất, ngồi xổm xuống dưới nói “Chị Sầm, chị đọc đi, để tôi viết cho, chữ nào không biết chị mô tả nét bút cho tôi là được.”

Nhạc Sầm vẻ mặt cực kỳ tán thưởng với phản ứng nhạy bén của Kha Tầm “Tôi quả thật có từng nhìn thấy bài thơ này, nhưng mà có thuộc lòng hết hay không tôi cũng không chắc lắm. Lúc trước tôi từng tham gia một tiết mục quay phim phóng sự nói về những tập tục cổ truyền, trong đó vừa lúc có sử dụng một bộ 《 Giao miếu ca từ 》 của thời nhà Đường, đây là một bài thơ rước thần, do một diễn viên nhí phụ trách đọc diễn cảm, nhưng bởi vì những từ những chữ ở bên trong khá tối nghĩa khó hiểu đối với một đứa bé, nên lần ấy là do tôi dạy đứa bé ấy học thuộc từng câu từng chữ.”

Kha Tầm không có thời gian cảm thán việc trùng hợp tình cờ này, chỉ cầm nhánh cây thốt lên một câu “Vậy thì may quá, chị đọc đi, để tôi viết cho!”

Nhạc Sầm liền dựa vào trí nhớ bắt đầu đọc “Giao Miếu Ca Từ · Lạp Bách Thần Nhạc Chương · Nghênh Thần.”

Kha Tầm “Hở, ‘Lạt bách thần’? Là chữ ‘lạt’ nào vậy?”

“Là ‘lạp’ của lạp chúc (nến).” Nhạc Sầm nói tới đây, bất giác lại quay sang nhìn vào trong miếu, giống như nghĩ ra điều gì.

Kha Tầm bên này đã viết xong tựa đề dài ngoằng kia, cũng nói “Chữ hơi xấu, xem tạm ha.”

“Không xấu, có thể nhìn ra là do một người lòng dạ thoải mái viết ra.” Nhạc Sầm bình luận một câu, sau đó tiếp tục đọc:

Bát Lạp khai tế, vạn vật hợp tự.

Thượng cực thiên duy, hạ cùng khôn kỷ.

Đỉnh trở lưu phân, tôn di tiến mỹ.

Hữu linh hữu chích, hàm hi lai chỉ. ()

Sau khi được Nhạc Sầm sửa chữa cùng nhắc nhở, cuối cùng Kha Tầm cũng viết xong bài thơ này lên mặt đất.

Trên tấm bia đã vẫn còn có thể nhận ra được vài chữ, dựa theo vị trí thứ tự của nó cũng có thể xác định, bài thơ tứ ngôn ở bên trên chính là bài “Giao Miếu Ca Từ · Lạp Bách Thần Nhạc Chương · Nghênh Thần” mà Nhạc Sầm vừa đọc.

“Xem ra phán đoán trước đó của tôi có chút thiếu sót, ngôi miếu này thật ra cung phụng đến tám vị thần tiên.”

“Tám vị? Chẳng lẽ là ‘Bát Lạp’ mà bài thơ kia nhắc đến sao?” Kha Tầm hỏi.

“Đúng vậy, bài thơ rước thần này chính là để bắt đầu sự ca tụng ‘Bát Lạp Thần’, thế nên mới có câu ‘Bát Lạp khai tế, vạn vật hợp tự’ kia.”

Kha Tầm nhìn bài thơ mình dùng nhánh cây quẹt ra trên mặt đất, ánh mắt hết sức mẫn cảm dò tìm hai chữ mà mình để ý nhất trước đó “Chữ ‘duy’ ở đây không phải là Địa Duy, mà là Thiên Duy, còn ‘đỉnh’ này hẳn cũng là thứ để đặt những thực phẩm dâng lên tế bái.”

“Chắc là hai chữ này chỉ đúng dịp xuất hiện mà thôi, thật ra ‘Thượng cực thiên duy, hạ cùng khôn kỷ’, hai câu này ý chính là chỉ vạn vật trong trời đất, vừa lúc khớp với câu trên ‘Vạn vật hợp tự’.”

Kha Tầm tạm thời gác mệnh đề chung cực ‘vào tranh’ sang một bên, tập trung chú ý vào việc trước mắt, “Bát Lạp Thần, là bao gồm tám vị thần nào ấy nhỉ?”

Nhạc Sầm cau nhẹ lông mày “Tôi không nhớ rõ ràng cho lắm, giá mà Hoa quán trưởng có ở đây thì…”

Nói nhiều cũng vô dụng, toàn bộ đều là mệnh đề nếu cả.

Nhạc Sầm cố gắng nhớ lại những nội dung có liên quan đến Bát Lạp “Bát Lạp là những vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp của thời xưa, trước đó chúng ta có nhắc đến ‘nạn chuột’ thật ra cũng là do Bát Lạp Thần quản lý, mọi người cúng bái Bát Lạp, thường là để cầu khẩn cho ‘Ruộng đồng không có sâu, kho lúa vắng bóng chuột, mùa màng thêm bội thư, an cư cùng lạc nghiệp’. Mà Bát Lạp Thần bao gồm —— Tiên Sắc, Ti Sắc, Nông, Miêu Hổ, Phường, Thủy Dung, Côn Trùng.” ()

Kha Tầm: Rõ ràng nghe vào tai đều là tiếng Trung Quốc, tại sao trừ mỗi ‘Miêu Hổ’ cùng ‘Côn Trùng’, mấy cái khác nghe chẳng hiểu chữ nào?

Nhạc Sầm “À phải rồi, còn một vị nữa, nghĩa mặt chữ khá là phức tạp khó hiểu, tên là ‘Bưu Biểu Chuyết’.”

“Cái, cái gì cơ? Du cái gì cơ?”

“Bưu Biểu Chuyết,” Nhạc Sầm đọc chậm lại một lần “Ba chữ ấy mỗi từ đều có nghĩa riêng, ‘Bưu’ chính là chỉ những lều tranh của nhà nông, ‘Biểu’ ý là hai đầu bờ ruộng, còn ‘Chuyết’ là chỉ giếng nước. Hậu nhân thời Minh Thanh có giải thích sâu hơn một chút về ba chữ đó trong sách: Lấy mốc ở điểm đầu bên cạnh mỗi ruộng đồng, tạo thành bưu xá, nơi ở của điền tuấn tức kẻ đốc canh, ấy gọi là Bưu Biểu Chuyết.”

“….Vị hậu nhân nào giải thích mà càng nghe càng tù mù vậy, rốt cuộc là thờ vị thần tiên nào?”

“Trong câu kia có nhắc đến ‘Điền tuấn’, là chỉ những quan trông coi nô lệ trồng trọt thời Tây Chu của Trung Quốc, cũng chính là kẻ đốc canh theo như lời hậu nhân giải thích.”

Kha Tầm cuối cùng cũng nghe hiểu được bảy tám phần “Cơ mà nói mới thấy, thời thượng cổ thì tế bái thần linh cũng chân chất ghê chứ, nào là quan giám sát trồng trọt, rồi lại côn trùng, cả mèo hổ gì nữa, tối hôm qua tiếng mèo kêu kia hẳn không phải là con mèo bình thường nhỉ, hay là Miêu Hổ kia hiển linh?”

“Cũng có thể.”

“À còn ‘Tiên Sắc’ với ‘Ti Sắc’ mà trước đó chị nhắc tới, lại là thần gì? Hai vị kia xếp hạng ở phía đầu, địa vị hẳn là cao cấp hơn đúng không?”

“Đúng thế, tôi đoán hai vị thần kia hẳn là chủ thần được cung phụng trong ngôi miếu, Tiên Sắc tức là Thần Nông, còn Ti Sắc là Hậu Tắc.”

_________________________

Chú thích

() Miếu đường (廟堂): Ngôi nhà thờ tổ tiên của vua

() Bát Lạp Thần : bao gồm (theo wiki)

Tiên Sắc: Thần Nông

Ti Sắc: Hậu Tắc

Nông: Chỉ vị thần Nông Phu (nông dân)

Bưu Biểu Chuyết: thần của các ngôi nhà cạnh ruộng đồng

Miêu Hổ: Thần đề phòng chuột đồng cùng heo rừng

Phường: Thần đê

Thủy Dung: thần Thành Hoàng

Côn Trùng: thần của các loại hại trùng (côn trùng có hại)

() Về bài thơ, ý nghĩa tạm hiểu của nó là như dưới. Thật ra đây là một bài kiểu vè cúng, khả năng của tớ có hạn nên khó mà dịch ra cho quy chuẩn lắm, thành ra tớ sẽ giữ nguyên và giải thích bên dưới hen:

Bắt đầu tế cúng Bát Lạp, vạn vật cùng nhau cúi vái

Trên là trời cao vút, dưới là đất khôn cùng (ý là chỉ những thứ nằm giữa hai khoảng này)

Trong đỉnh đặt thức ăn thơm cùng những rượu ngon

Những vị có linh, xin hãy đến đây nghe cầu khấn

() Giải thích thêm tí ha, thật ra ở đây ban đầu tớ dịch là Chạp (zha) Bách Thần, nhưng mà tớ có đọc bình luận thì đại để ý của tác giả là dùng chữ Lạp (la), mấy cái vụ này thì khó giải thích lắm vì cách biệt văn hóa mà, hơn nữa mấy câu kia cũng thuộc dạng thơ xưa, hoặc là bài vè dùng trong cúng tế, cho nên đa phần cũng ít người chú ý tới, mọi người xem hiểu là chủ yếu ha. Tớ thì cứ tưởng là ‘Chạp bách thần’ thì đúng hơn vì từ Chạp nó mang nghĩa là lễ chạp (cúng cuối năm), nên thấy có vẻ hợp hơn, cơ mà tác giả dùng từ nào thì tớ giữ nguyên vậy.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio