Tối hôm qua sau khi dứt lời, Hứa Tri Mẫn điềm nhiên quấn lại khăn quàng cổ rồi quay lưng bước đi. Theo lẽ thường, Kiều Tường đảm bảo không dễ dầu gì bỏ qua cho cô.
Thực ra Hứa Tri Mẫn bạo dạn nói những lời đó trước mặt Kiều Tường chính vì cô tin chắc cậu ta không thể không bỏ qua cho cô. Hay nói cách khác, cậu ta không còn cơ hội đến trường dằn mặt Hứa Tri Mẫn. Nguyên nhân rất đơn giản, dựa vào việc Kiều Tường tự ý nghỉ học liên tiếp nhiều ngày trước, không khó để cô suy luận ra rằng tên con trai hư hỏng kia e đã phải ở nhà chuẩn bị chuyển trường theo mệnh lệnh của mẹ.
Đúng như cô dự liệu, Kiều Tường không trở lại trường trong suốt tuần kế tiếp. Không lâu sau, thầy chủ nhiệm thông báo cậu ta chính thức chuyển đến học tại trường Trung Học Thực Nghiệm. Đồng thời cùng với cái tin này, mẩu giấy ghi số điện thoại của cậu ta cũng bị Hứa Tri Mẫn xé vụn và đốt sạch.
Những ngày tiếp theo trời yên biển lặng. Mặc dù vậy, đám học trò thi thoảng vẫn xì xào đàm tiếu về Kiều Tường. Chẳng hạn như, nghe phong thanh cậu ta vào Trung Học Thực Nghiệm học hành vẫn dốt như cũ, thế là cả bọn bèn bày trò cá cược xem số tiền gia đình Kiều Tường bỏ ra để cậu ta lên được cao trung của Trung Học Thực Nghiệm là bao nhiêu.
Những lúc như vậy, Hứa Tri Mẫn đều vui vẻ hòa vào trò đùa của đám bạn. Đối với cô mà nói, chuyện đêm đó đã theo dãy số di dộng kia hóa thành tro bụi. Làm sao cô có thể ngờ, cô và cậu con trai nhà giàu ngỗ nghịch ấy – hai vòng tròn tưởng chừng không bao giờ giao nhau – sẽ lại hội ngộ giữa vòng đời quẩn quanh.
Vì thế nên Hứa Tri Mẫn thoải mái thư giãn, dành toàn tâm toàn ý cho cuộc chiến với kỳ thi chuyển cấp đang chờ đón phía trước.
Nửa năm sau. Kỳ thi chuyển cấp kết thúc. Điểm thi được niêm yết.
Trời chiều chạng vạng Hứa Tri Mẫn cưỡi chiếc xe đạp thời Thượng Hải xưa hiệu Hoa Mẫu Đơn của ông ngoại đến địa điểm thông báo kết quả thi. Lúc bấy giờ, trước tấm bảng màu trắng dài hàng trăm mét bên ngoài bộ giáo dục đông nghịt thí sinh và phụ huynh đổ về từ khắp các nơi trong thị trấn.
Hôm nay ba mẹ Hứa Tri Mẫn vẫn đi làm việc như thường, từ trước đến nay hai ông bà luôn yên tâm về cô con gái. Trong lòng Hứa Tri Mẫn cũng rất yên tâm về bản thân mình. Nhìn người người đứng vây xem chi chít như đàn kiến, cô quyết định tản bộ một vòng, đợi người thưa bớt sẽ trở lại từ từ xem kết quả.
Đợi mãi cho đến khi màn đêm buông xuống và ông trời rút nắng ra khỏi tấm bảng niêm yết, đám đông mới dần dần tản đi. Hứa Tri Mẫn dựng chống xe đạp cẩn thận, nghiêng người choàng cặp qua vai rồi bước ra khỏi nhà lều để xe.
Đêm hữa tình, trăng trong veo. Phía dưới cột điện cách cô vài bước chân có một cậu thiếu niên đang đứng, bóng dáng như đã từng gặp gỡ. Khi khoảng cách giữa họ mỗi lúc một thu ngắn lại, chân dung cậu thiếu niên cũng hiện lên rõ nét trong mắt Hứa Tri Mẫn. Cô không khỏi thầm cảm thấy kỳ lạ, chẳng phải chính là cậu nam sinh cô gặp trên chuyến xe buýt đến Kiều gia vào buổi tối nửa năm về trước đó sao? Hôm nay trông phong cách cậu rất cuốn hút với áo sơ mi đen ngắn tay và quần jeans màu sẫm. Và cô còn nhớ, trên tấm thẻ học sinh của cậu có hai chữ: Mặc Thâm.
Ở đây cần làm rõ đôi chút, không phải cô cố tình nhớ kỹ cậu mà chỉ vì ấn tượng cậu để lại nơi cô quá sâu đậm. Đặc biệt là ánh mắt. Ánh mắt sâu hun hún giống như tia X-quang soi rọi mọi ngóc ngách cơ thể cô vào mỗi dịp trường kiểm tra sức khỏe.
Linh cảm kỳ quái thoáng vụt qua trong quá khứ lúc này lại trở về với Hứa Tri Mẫn: Cậu ấy biết mình đang nhìn cậu ấy, hơn nữa cậu ấy cũng đang nhìn mình.
Vì sao lại thế nhỉ? Quả thật vô cùng khó hiểu.
Cô đi thẳng vài bước, đi đến đầu ngõ, không nén được phải dừng bước quay đầu lại: “Bạn học này, cậu cũng đến xem kết quả thi sao?”
“Tôi đến xem kết quả của người khác.” Cậu đáp, thanh âm trầm khàn điển hình của một cậu trai ở thời kỳ đổi giọng.
“Bây giờ trời tối quá, bảng điểm lại dài nữa. Hay là chúng ta giúp nhau đi, cậu thấy thế nào?”
“Được.”
Hứa Tri Mẫn cảm thấy chữ “Được.” của cậu như thể đã ở sẵn đó chờ đợi cô mở lời vậy. Nghĩ vậy nên cô cũng không vội vàng, đứng yên đợi cậu chậm rãi bước đến gần, đợi xem cậu sẽ nói gì với cô.
“Tên tôi là Mặc Thâm.”
Chủ động tự giới thiệu, rất lịch sự. Trong lòng Hứa Tri Mẫn thầm cộng thêm cho cậu hai điểm.
“Tôi đi cùng em trai, tên Mặc Hàm, năm nay nó cũng tham gia thi chuyển cấp.”
“Thế ra cậu đến đây xem thành tích giùm em trai ư?”
“Không phải. Nó đã được trường bảo đảm, nửa năm nữa sẽ vào học cùng khối cao trung với tôi.”
() Nguyên văn là ‘bảo tống sinh’. Mình đoán câu này có nghĩa là Mặc Hàm được trường chọn ngay khi còn học sơ trung, cho dù điểm thi chuyển cấp bao nhiêu thì vẫn vào cao trung.
Thì ra là bộ đôi anh em tài giỏi của Trung Học Thực Nghiệm. Hứa Tri Mẫn nhìn bóng cậu con trai thấp thoáng lay động trên mặt đất, tự hỏi tại sao cậu lại chủ động nói với cô điều này. Bởi vì trước đó cậu đã khiến cô mặc định, cậu không phải mẫu người thích tùy ý tán gẫu cùng người khác.
Cẩn thận tránh đi hòn đá nhỏ nằm giữa đường, Hứa Tri Mẫn hỏi: “Vậy cậu xem điểm thi của ai?”
“Tôi và Mặc Hàm đến đây là để tìm điểm của một nữ sinh tên Hứa Tri Mẫn.”
“Hứa Tri Mẫn?” Hứa Tri Mẫn đi đến trước bảng niêm yết, bình tĩnh mở chiếc đèn pin mini treo trên móc chìa khóa. Dù gì trên đời này không hiếm người trùng tên trùng họ.
“Cô bạn đó là học sinh sơ trung của trường trung học Thiên Nguyên.”
Khối sơ trung của trung học Thiên Nguyên không ai có tên họ giống nhau và cả trường chỉ duy nhất cô là Hứa Tri Mẫn. Là họ tìm nhầm người, hay là…
Hứa Tri Mẫn xoay xoay đèn pin trong tay, ánh đèn le lói nhảy múa trên hàng chữ màu đen. Cô nhỏ giọng hỏi: “Các cậu quen cô bạn ấy à?”
Qua một lát sau, tiếng cậu nhẹ nhàng vang lên giữa đêm yên tĩnh, “Ừ.”
“Vậy mà tôi thấy người ta lại không nhận ra các cậu đấy. Chuyện này quá sức quái gở, không phải sao?”
“Không. Bắt đầu từ bây giờ cô bạn ấy đã quen bọn tôi rồi.”
Cô quay phắt sang, giọng nói tuy bình thản nhưng rất sắc bén: “Làm thế nào các cậu biết được tôi?”
“Nếu cậu không muốn người khác biết thì đừng làm.”
Thấy gương mặt cô thoáng biến sắc vì câu nói của cậu, cậu cong môi cười nhạt: “Cậu đừng nên nhìn tôi bằng ánh mắt cảnh giác như vậy. Bởi vì chúng ta vốn dĩ là cùng một loại người.”
Cùng một loại người ư? Ý nói là trước kia cô thật sự quen biết cậu ta? Hứa Tri Mẫn chau mày, nhanh chóng lọc lại trong trí nhớ hết thảy người thân bạn bè của mình, những người họ Mặc cô quen biết thật sự cực kỳ hiếm hoi. Rồi bỗng nhiên cô sực nhớ lại, ở nơi rất, rất xa trong ký ức, có một bà cụ mái tóc mềm như tơ và gương mặt nhân hậu hiền từ nhất thế gian.
Cô giật mình bừng tỉnh, đang định nói chuyện thì một cậu thiếu niên mặc áo trắng vừa chạy về phía họ vừa gọi: “Anh ơi.”
Mặc Hàm chớp mắt đã đến trước mặt Mặc Thâm, chống tay lên đầu gối nghỉ một chút rồi ngẩng đầu nói ngay: “Anh, em tra ra được rồi, chị Tri Mẫn đỗ vào trường Trung Học Thực Nghiệm của mình đó. Bà mà hay tin thì vui phải biết.”
Nói xong, dường như cảm giác được điều gì, Mặc Hàm bèn ngoảnh đầu nhìn lại, vừa thấy Hứa Tri Mẫn, cậu kêu lên kinh ngạc: “Chị Tri Mẫn?”
Lời phủ nhận cố ý đã chẳng còn cần thiết. Hứa Tri Mẫn nhẹ nhàng gật đầu, vén những sợi tóc lòa xòa ra sau vành tai.
Gió sẽ sàng trong đêm mùa hạ, thời gian như dừng lại ở giây phút cô và anh em nhà họ Mặc gặp nhau.
“Tôi là Hứa Tri Mẫn, học sinh sơ tam Thiên Nguyên, có lẽ tôi đã được ưu tiên trúng tuyển vào cao trung của Trung Học Thực Nghiệm.” Cô cầm đèn pin rọi vào hàng chữ màu đỏ trên bảng điểm: Hứa Tri Mẫn, tổng điểm ba môn thi đạt . Kế bên là dòng chú thích: Điểm trúng truyển của Trung Học Thực Nghiệm theo quy định là điểm – Trường trọng điểm được quyền ưu tiên tuyển chọn học sinh đầu vào.
“Mặc Thâm, lớn hơn cậu một tuổi, đang học cao trung.” Cậu chính thức giới thiệu một lần nữa.
Chỉ lớn hơn cô một tuổi, vậy là cậu ấy học nhảy lớp? Hứa Tri Mẫn phỏng đoán.
“Anh em và em chỉ học có năm năm tiểu học à, tại vì học theo quy chế năm năm của cấp tiểu học trực thuộc. Nụ cười rạng rỡ tỏa sáng trên gương mặt trắng muốt như bông tuyết tinh khôi rơi xuống trần gian của cậu em Mặc Hàm, “Em tên là Mặc Hàm, nhỏ hơn anh em hai tuổi, là học sinh sơ trung của Trung Học Thực Nghiệm được tuyển thẳng lên cao trung.”
Tiếp theo thì sao, cô nên nói gì đây? Nếu như hai anh em họ có quan hệ với bà cụ trong ký ức năm xưa thì câu xã giao “Gặp hai cậu tôi rất vui.” có cần thiết hay chăng?
Trong khi cô đang tư lự, Mặc Thâm đã lại giành quyền chủ động vẫy tay chào trước: “Mặc Hàm, chúng ta phải về thôi.”
“Tụi em đi trước nhé, chị Tri Mẫn.” Mặc Hàm nhìn cô cười thân thiết. Phải công nhận là, nụ cười của cậu thiếu niên làm cho người ta không nỡ lòng nào nảy sinh tâm lý đề phòng. Dung mạo Mặc Hàm cũng xuất sắc như Mặc Thâm vậy nhưng tính tình lại hòa nhã dễ mến, trái ngược hoàn toàn với anh cậu.
Hứa Tri Mẫn nhìn theo bóng lưng hai anh em dần dần khuất xa, thở dài đánh thượt một hơi.
Mặc Thâm thoạt nhìn có vẻ phách lối nhưng cách cậu giải quyết vấn đề thật ra rất thiết thực. Điểm thi đã xem xong, bây giờ cố trì hoãn thời gian cũng chỉ làm cả ba thêm gượng gạo, chỉ tạm biệt đúng lúc mới có thể tránh cho mọi người rơi vào tình huống khó xử. Suy cho cùng, hai anh em họ và cô quen cũng chẳng hề quen, chứ đừng nói chi đến quan hệ bạn bè. Cho dù họ có vẻ biết rất nhiều chuyện về cô, cô cũng chẳng biết chút gì về họ. Chỉ trừ một điều duy nhất, “Bà” mà Mặc Hàm nhắc đến có nhiều khả năng là bà cụ nhân hậu trong trí nhớ của cô.
Cứ thế, Hứa Tri Mẫn miên man suy nghĩ trên cả con đường về lồng lộng gió đêm.
Về đến nhà, cô khoe ba mẹ thành tích thi đỗ cao trung, ba mẹ cô tất nhiên rất đỗi vui mừng. Riêng chuyện về Mặc gia, cô tạm gác lại, chưa vội hỏi rõ. Nhưng cô vẫn loáng thoáng cảm giác, sự tình sẽ không kết thúc đơn giản như thế.
Người ta nói rằng, cảm giác mơ hồ thông thường lại kỳ diệu khó tả. Trước khi Hứa Tri Mẫn đi vào giấc ngủ, ký ức bỗng chợt trở về hai lần gặp gỡ với Mặc Thâm —— Cậu ấy biết mình đang nhìn cậu ấy, hơn nữa cậu ấy cũng đang nhìn mình.
“Lẽ nào là bởi vì cùng một loại người?” Cô khe khẽ lẩm bẩm một câu rồi với tay tắt đèn đầu giường.
Một tuần sau, trực giác của Hứa Tri Mẫn đã được nghiệm chứng. Mẹ chủ động nhắc đến chuyện Mặc gia với cô.
“Ý của chú Mặc là, con đậu vào Trung Học Thực Nghiệm thì càng nên trân trọng cơ hội học tập quý giá này. Chú ấy lo từ nhà mình đến trường đường xá xa xôi, mà giấc nghỉ trưa đối với đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn như con là vô cùng quan trọng, cho nên chú bảo con buổi trưa đến Mặc gia dùng bữa, sẵn nghỉ lại ở đó luôn.”
“Chú Mặc? Là bà con xa của nhà mình hả mẹ?”
“Không phải, nhà mình làm sao có họ hàng thân thích cao sang như vậy được con, tất cả đều là vì bà dì của con.”
Bắt đầu từ đây, Hứa Tri Mẫn đã nhớ ra trọn vẹn chuyện về bà cụ và thời cô còn là đứa trẻ chập chững bước đi. Bà cụ là bà dì, em ruột của ông ngoại. Trước khi Hứa Tri Mẫn vào tiểu học, ba mẹ cô vì bận rộn bươn chải kiếm sống nên đã giao cô cho bà chăm bẵm gần hai năm.
Cô nhớ bà đã quàng khăng cho cô, đút cô từng muỗng cơm với bàn tay gầy guộc xương xương; nhớ những khi cô líu ríu nắm tay bà kéo đến tận nhà trẻ… Bất giác Hứa Tri Mẫn đắm chìm trong quãng hồi ức về những năm tháng ấu thơ hồn nhiên chẳng biết sầu lo.
Mẹ cô nói tiếp: “Sau khi con vào tiểu học, xui rủi sao sức khỏe cô Mặc không tốt lắm, chú Mặc đã khẩn nài bà dì con đến Mặc gia, giúp chú ấy chăm sóc hai cậu con trai.”
Hai cậu con trai của chú Mặc chính là Mặc Thâm và Mặc Hàm, Hứa Tri Mẫn ngẫm nghĩ rồi hỏi: “Vậy quan hệ của chú Mặc và bà dì là…”
“Bà dì con thật ra là vú nuôi của chú Mặc. Sau khi sinh hạ chú Mặc, mẹ ruột chú ấy đã qua đời vì sinh khó. Mặc gia vốn chủ trương nuôi con bằng sữa mẹ, vừa đúng lúc bà dì con vẫn chưa cai sữa, sữa còn nhiều, bởi vậy người nhà họ đã tìm đến bà. Có thể nói chú Mặc đã được nuôi lớn bằng sữa của bà dì con, chú ấy lại là người biết đền ơn đáp nghĩa cho nên luôn luôn hiếu thuận với bà như mẹ ruột.”
Thoạt nghe qua chẳng nhận ra có điều gì khuất tất, nhưng khi nói đến đây, vẻ mặt mẹ cô bỗng thấp thoáng nét sầu muộn. Hứa Tri Mẫn thấy rất khó hiểu, yên lặng ngồi nghe mẹ nói tiếp.
“Tuy bà dì con xem chú Mặc như đứa con do chính mình đứt ruột đẻ ra, chú Mặc cũng hết mực hiếu thảo, kính trọng bà. Nhưng con nên biết rằng, mối quan hệ đó có tốt đẹp đến mấy chăng nữa cũng không phải là quan hệ huyết thống, lại càng không phải là tình mẫu tử ruột thịt. Từ khi chú Mặc đón bà dì về nhà, mỗi năm bà chỉ về nhà mình được hai lần. Mặc dù cô Mặc đã mạnh khỏe và đi làm bình thường, nhưng chú Mặc vẫn tìm mọi lý do để giữ bà dì con ở lại…”
Hứa Tri Mẫn hiểu rõ ý tứ trong lời nói của mẹ. Bà dì có hai người con gái, cô gọi là dì cả và dì hai. Mẹ và hai dì rất thân với nhau. Đối với việc hai dì bất mãn Mặc gia, mẹ cô dĩ nhiên sẽ đặt mình vào vị trí của họ để bày tỏ quan điểm.
Mặc dù Hứa Tri Mẫn nhận định bản thân hai dì không sai và trong cả câu chuyện cũng không thể phân rõ ai đúng ai sai, nhưng cô nghĩ, mình là con cháu thì không nên tùy tiện phát biểu ý kiến về chuyện của thế hệ ông bà. Đến cuối cùng, người cô băn khoăn nhiều nhất chính là anh họ Kỷ Nguyên Hiên.
Kỷ Nguyên Hiên là con của dì lớn, lớn hơn Hứa Tri Mẫn sáu tuổi, quan hệ giữa họ là anh em con dì. Vì cả hai đều là con một, lại sớm chiều cùng nhau chơi đùa nên tình cảm khắng khít gắn bó như thể tay chân. Hứa Tri Mẫn gọi Kỷ Nguyên Hiên là ‘anh’ còn Kỷ Nguyên Hiên yêu thương gọi cô là ‘Mẫn Nhi’.
Sau này Hứa Tri Mẫn lên sơ trung, Kỷ Nguyên Hiên vào thành phố lớn học trường chuyên huấn luyện thể dục thể thao. Từ dạo chia cách hai nơi, hai anh em vẫn thường xuyên liên lạc qua thư từ, quan tâm lo lắng cho nhau như người một nhà.
Hứa Tri Mẫn nhớ, mỗi khi ngẫu nhiên nhắc đến bà ngoại, anh luôn tỏ vẻ lạnh nhạt hờ hững, không ngờ ẩn sâu bên trong lại có điều gút mắc đến vậy.
“Ý mẹ là nếu đồng ý đến Mặc gia theo lời chú Mặc thì sẽ phiền phức lắm hả mẹ?”
“Tùy thuộc vào con cả đấy. Chú Mặc dặn trước rồi, muốn con tự quyết định. Dù không đi, con cũng phải trực tiếp nói cho chú ấy biết.”
Hứa Tri Mẫn hơi nhíu mày: “Hình như con chưa từng gặp chú Mặc bao giờ thì phải.”
“Đúng là chưa bao giờ nhìn thấy.” Mẹ cô thở dài, “Bởi vậy, nói thẳng ra là cao sang quyền quý như Mặc gia, đến cánh cửa nhà họ cũng đừng mong với tới nổi.”
Hứa Tri Mẫn tức thì liên tưởng đến tiểu khu Nguyệt Hoa mà ngày đó cô trông thấy Mặc Thâm bước chân vào. Tòa cao ốc uy nghi bề thế ấy tựa hồ như không ai có thể chạm tay vào nó, còn những con người sống bên trong nó – những con người chẳng những có quyền thế địa vị mà còn giàu sang sung túc – chẳng lẽ lại là một bầy ‘Khổng tước’ khác của hoa viên Nguyệt Hoa ư?
Cô nhíu chặt hai hàng chân mày, một mong ước trần trụi bật mình ra khỏi nội tâm chất đầy mâu thuẫn. Cô muốn đi, muốn đứng trên tầng cao ốc vời vợi đó nhìn xuống thế giới của những ngôi nhà lúp xúp nhỏ bé.
“Mẹ, con nghĩ, hay là cứ thuận theo ý chú Mặc đi, dù sao cũng khó cự tuyệt mà.” Hứa Tri Mẫn nói lấp lửng, song cô không thừa nhận mình vì bản thân mà nói dối mẹ. Bởi vì theo cách nói chuyện của mẹ, cô biết, Mặc gia không phải là những người mà gia đình cô có thể khước từ bừa bãi, nếu đã vậy, không nhất thiết phải vì cô mà làm tổn thương hòa khí giữa hai nhà. Dĩ hòa vi quý chính là lựa chọn thích hợp nhất.
Mẹ cô bình tâm suy nghĩ, cảm thấy lời con gái nói không phải không có lý. Cuối cùng bà hít sâu một hơi rồi dặn dò kỹ lưỡng: “Nhớ phải luôn cẩn thận để ý nhé, Mặc gia nhiều quy củ lắm đấy con à.”
Hứa Tri Mẫn liền ngoan ngoãn vâng dạ.
Ngày học sinh mới đến trường ghi danh, Hứa Tri Mẫn chọn chiếc váy ca rô kẻ hoa xanh biếc, tết mái tóc dài thành hai bím gọn gàng, đội lên đầu cái mũ rơm rộng vành màu vàng chanh. Cô khởi hành từ nhà lúc chín giờ trên chiếc xe đạp cũ kỹ hiệu Hoa Mẫu Đơn của ông ngoại, vòng bánh xe quay mãi không ngừng dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Sau chặng đường dài gần bốn mươi phút, cuối cùng cô cũng đến được trường Trung Học Thực Nghiệm.
Trung Học Thực Nghiệm phân khối sơ trung và cao trung thành hai tòa nhà tiếp giáp nhau, mỗi tòa nhà đều có mười hai tầng, ở trung tâm tầng trệt là khoảng sân và vài bồn hoa nhỏ. Cũng như màu sắc và phong cách đồng phục, kiến trúc tổng thể của ngôi trường rất ấn tượng với những bức tường gạch đỏ cổ kính, những cột nhà sơn trắng sang trọng, những khung cửa sổ thủy tinh sáng long lanh và bàn ghế nghỉ chân kiểu dáng đẹp đẽ.
Đứng trong ngôi trường có phòng học đẹp như mơ, chất lượng dạy học hàng đầu, học sinh cũng đều là những tài năng quý hiếm, Hứa Tri Mẫn cảm giác áp lực đang đè nặng lên đôi vai mình. Một mình bước vào đại sảnh của khối cao trung, người đến người đi quanh cô đa phần là học sinh mới và ba mẹ của họ. Hôm nay nhà trường đã bố trí một số cán sự lớp hỗ trợ công việc với thầy cô giáo để quy trình đón tiếp học sinh mới được diễn ra thuận lợi.
Trong lúc cô đang nhìn quanh quất tìm bảng chỉ dẫn thì một người từ góc hành lang vội vã lao ra đâm sầm vào cô.
“Đi đứng kiểu gì vậy? Mắt toét à!” Đối phương quát ầm lên. Nhưng sau khi nhìn thấy cô thì há hốc kinh hãi như gặp quỷ giữa ban ngày, “Cậu…”.