SỰ YÊN BÌNH
Ngay lúc mười một giờ đêm hôm ấy, Max Vandenburg đi ngược lên phố Thiên Đàng với một vali đầy thức ăn và quần áo ấm. Không khí nước Đức ngập tràn trong hai buồng phổi của anh. Những ngôi sao vàng đang bốc cháy. Khi đến được cửa hàng của mụ Diller, anh nhìn lại một lần cuối cùng căn nhà số ba mươi ba. Anh không thể nhìn thấy bóng người ở chỗ cửa sổ nhà bếp, nhưng con bé có thể nhìn thấy anh. Nó vẫy nhưng anh không vẫy lại.
Liesel vẫn có thể cảm nhận được miệng anh trên trán của mình. Con bé có thể ngửi thấy hơi thở tạm biệt của anh.
“Anh đã để lại vài thứ cho em,” anh nói, “nhưng em sẽ không nhận được nó cho tới khi em đã sẵn sàng.”
Anh ra đi.
“Max?”
Nhưng anh không quay trở lại.
Anh đã ra khỏi phòng nó và khẽ khàng đóng cánh cửa lại.
Cái hành lang rên rỉ.
Anh ấy đã đi rồi.
Khi con bé đến được chỗ nhà bếp, Mẹ và Bố đang đứng đó với những tấm thân cúi khoằm và những khuôn mặt thờ ơ không cảm xúc.
ĐỊNH NGHĨA THỨ
TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG ĐỨC DUDEN
Schiveigen - Sự im lặng:
Sự thiếu vắng của âm thanh hay tiếng động.
Những từ ngữ liên quan:
êm ả, sự yên tĩnh, sự yên bình.
Thật là hoàn hảo làm sao.
Sự yên bình.
Đâu đó gần Munich, một người Đức Do Thái đang đi trong bóng tối. Một cuộc dàn xếp đã được thực hiện để anh gặp Hans Hubermann trong vòng bốn ngày nữa (đó là trong trường hợp ông không bị bắt đi). Họ sẽ gặp nhau ở tận dưới xuôi nguồn sông Amper, nơi một cây cầu gãy dựa vào dòng sông và những cái cây.
Anh sẽ đi đến đó, nhưng anh sẽ không ở đó lâu hơn vài phút.
Thứ duy nhất được tìm thấy ở đó khi Bố đến nơi bốn ngày sau đó là một mẩu giấy được nhét dưới một hòn đá, dưới một gốc cây. Nó không đề gửi ai cả và chỉ có một câu duy nhất.
NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG CỦA MAX VANDENBURG
Gia đình bác đã vì cháu đủ rồi.
Giờ đây, hơn lúc nào hết, nhà số phố Thiên Đàng là một nơi tràn ngập sự im lặng, và có một điều không phải không được chú ý đến, đó là quyển từ điển tiếng Đức Duden đã hoàn toàn sai lầm, đặc biệt là ở phần những từ ngữ có liên quan của nó.
Im lặng không có nghĩa là êm ả hay yên tĩnh, và nó cũng không phải là sự yên bình.
TÊN NGỐC VÀ NHỮNG NGƯỜI MẶC ÁO KHOÁC
Vào cái đêm diễn ra cuộc diễu hành ngang qua Molching, thì tên ngốc ngồi trong nhà bếp, uống những ngụm cà phê đắng nghét của Holtzapfel và thèm khát một điếu thuốc lá. Ông đang đợi Gestapo, những người lính, cảnh sát, bất cứ ai - đến bắt ông đi - những hình phạt mà ông thấy mình đáng phải nhận. Rosa đã ra lệnh cho ông quay lại giường. Đứa bé gái quanh quẩn ở ngưỡng cửa. Ông bảo họ hãy lánh đi và ngồi đó đến tận sáng, tay ôm đầu, và chờ đợi.
Không có cái gì đến cả.
Từng đơn vị thời gian mang theo cùng với nó những tiếng gõ cửa, những những lời đe dọa mà ông hằng mong đợi.
Chúng không đến.
Âm thanh duy nhất được phát ra từ ông.
“Tôi đã làm gì vậy cơ chứ?” ông lại thì thầm.
“Lạy Chúa, mình thèm một điếu thuốc đến phát điên được.” ông trả lời câu hỏi của mình. Ông đã hết thuốc lá mất rồi.
Liesel nghe thấy những câu nói này được lặp đi lặp lai vài lần, và con bé phải cố gắng lắm mới vẫn đứng được ở chỗ cửa. Con bé rất muốn làm ông thấy thoải mái hơn, nhưng nó chưa từng thấy một người nào bị tàn phá đến độ như vậy cả. Đêm hôm đó không có sự an ủi nào. Max đã ra đi, và Hans Hubermann là người có lỗi trong chuyện này.
Những tủ ly trong nhà bếp có hình dạng của sự hối hận, và lòng bàn tay ông nhớp nháp với ký ức về điều mà ông đã làm. Hẳn là chúng phải ướt đẫm mồ hôi, Liesel nghĩ thầm như thế, vì những bàn tay của chính con bé cũng ướt đẫm đến tận cổ tay.
Trong phòng mình, con bé cầu nguyện.
Những bàn tay và đầu gối, cánh tay tì vào tấm đệm.
“Lạy Chúa, con xin Người hãy để cho Max được sống. Lạy Chúa, con xin Người, xin Người...”
Hai đầu gối nó đang đau đớn.
Hai cẳng chân nó đang nhức nhối.
Khi tia nắng ban mai đầu tiên xuất hiện, con bé thức dậy và quay lại nhà bếp. Bố đang ngủ, đầu áp xuống mặt bàn, và nơi khóe miệng ông vẫn còn vương chút nước dãi. Khắp nơi ngập tràn mùi hương cà phê, và hình ảnh của lòng tốt đến ngu ngốc của Hans Hubermann vẫn còn lẩn quất trong không trung. Nó giống như một con số hay một địa chỉ vậy. Cứ lặp lại nó đủ nhiều rồi thì nó sẽ gắn chặt vào đầu bạn.
Nỗ lực đầu tiên của con bé trong việc đánh thức ông dậy chẳng mang lại kết quả gì, nhưng cú thúc thứ hai của nó vào vai ông khiến đầu ông ngẩng thẳng dậy khỏi mặt bàn trong một cú sốc thẳng đứng.
“Họ đã ở đây rồi à?” “Không, Bố ơi, là con đây.”
Ông uống nốt chỗ cà phê trong cốc của mình. Yết hầu ông nâng lên rồi lại hạ xuống. “Lẽ ra bây giờ họ đã phải đến rồi chứ. Tại sao họ vẫn chưa đến vậy, Liesel?”
Đó là một lời sỉ nhục.
Lẽ ra lúc này họ đã phải đến rồi và càn quét toàn bộ căn nhà để tìm bất cứ bằng chứng nào cho thấy việc yêu mến người Do Thái hay tội phản quốc, nhưng có vẻ như Max đã ra đi mà chẳng vì lý do nào cả. Lẽ ra anh có thể ngủ trong tầng hầm, hay tiếp tục vẽ những bức phác thảo trong quyển sách của mình.
“Bố không thể biết trước rằng họ sẽ không đến, Bố à.”
“Lẽ ra bố nên biết là không nên đưa cho người đàn ông đó chút bánh mì. Bố chẳng suy nghĩ gì cả.”
“Bố ơi, bố chẳng làm gì sai cả đâu.”
“Bố không tin con.”
Ông đứng lên rồi bước qua ngưỡng cửa nhà bếp, để nó khép hờ. Như để xát thêm muối vào vết thương của ông, thì sáng hôm đó sẽ là một buổi sáng thật đáng yêu.
Bốn ngày đã trôi qua, Bố đã đi một quãng đường dài để đến chỗ dòng sông Amper. Ông chỉ mang về một mảnh giấy nhỏ và đặt nó lên mặt bàn bếp.
Một tuần lễ nữa lại trôi qua, và Hans Hubermann vẫn chờ đợi hình phạt dành cho ông. Những vết lằn trên lưng ông đang chuyển thành những vết thẹo, và ông dành phần lớn thời gian của mình để đi lòng vòng quanh Molching. Mụ Diller nhổ vào chân ông. Bà Holtzapfel, giữ đúng lời của mình, không còn nhổ vào cửa nhà Hubermann nữa, nhưng đã có một sự thay thế xứng đáng khác. “Tôi biết mà,” mụ chủ cửa hàng nguyền rủa ông. “Ông là đồ yêu mến lũ Do Thái dơ bẩn.”
Ông tiếp tục bước đi một cách vô thức, và Liesel thường tìm thấy ông ở sông Amper, chỗ cây cầu. Tay ông đặt trên lan can cầu, và ông ngả phần thân trên của mình lên thành cầu. Những đứa bé chạy xe đạp vụt qua ông, hay chúng chạy với những giọng hét chói lói và tiếng chân đập trên ván gỗ. Không có cái nào trong những điều này khiến ông có một cử động dù là nhỏ nhất.
ĐỊNH NGHĨA THỨ
TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG ĐỨC DUDEN
Nachtrauern - Sự hối tiếc:
Nỗi buồn phiền chất đầy bởi niềm mong mỏi, sự thất vọng hay mất mát.
Những từ ngữ liên quan: ăn năn, hối lỗi, thương tiếc, đau lòng.
“Con có nhìn thấy anh ấy không?” Một buổi chiều nọ ông hỏi nó khi con bé cũng ngả người trên thành cầu cùng với ông. “Trong dòng nước kia?”
Dòng sông trôi không nhanh lắm. Trong những gợn sóng chậm chạp, con bé có thể nhìn thấy những đường nét trên khuôn mặt của Max Vandenburg. Nó có thể nhìn thấy mái tóc lơ thơ như lông vũ của anh và phần còn lại của con người anh. “Anh ấy đã từng đánh nhau với Quốc trưởng trong tầng hầm nhà chúng ta.”
“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph.” Nắm tay bố xiết chặt lại trên thanh gỗ vụn. “Bố là một thằng ngốc.”
Không, Bố ơi.
Bố chỉ là một con người.
Những từ ngữ này đến với con bé hơn một năm sau đó, khi nó viết trong tầng hầm, và con bé đã ước rằng giá như khi đó con bé đã nghĩ ra được những từ này để nói với Bố.
“Bố thật là một thằng ngu,” Hans Hubermann nói với đứa con gái nuôi của mình. “Và tốt bụng. Điều này đã tạo ra một thằng ngốc tệ hại nhất trên đời này. Thực ra, Bố muốn họ đến bắt Bố đi. Dẫu có bất cứ điều gì xảy ra cũng còn tốt hơn khi phải chờ đợi như thế này.”
Hans Hubermann cần được xác minh cho rõ ràng. Ông cần phải biết rằng Max Vandenburg đã rời khỏi nhà ông vì một lý do chính đáng.
Cuối cùng, sau gần ba tuần chờ đợi, ông cho rằng thời khắc của mình đã tới.
Nó tới trễ.
Khi Liesel đang quay về nhà từ chỗ nhà bà Holtzapfel thì nó nhìn thấy hai người đàn ông mặc áo khoác đen dài, rồi con bé chạy vào nhà.
“Bố, Bố ơi!” Con bé gần như đã làm sập bàn nhà bếp. “Bố ơi, họ đến đây rồi.”
Mẹ bước ra trước. “Làm gì mà la hét ầm ĩ thế hả, Đồ con lợn? Ai đến cơ?”
“Gestapo.”
“Hansie!”
Bố đã ở đó rồi, và ông bước ra khỏi nhà để chào hỏi họ. Liesel muốn đi cùng với ông nhưng Rosa đã giữ nó lại, và hai mẹ con quan sát từ chỗ cửa sổ.
Bố trông thật đàng hoàng ở chỗ cửa trước. Ông tỏ ra bồn chồn. Mẹ siết chặt nắm tay của mình trên những cánh tay của Liesel. Những người đàn ông đấy đi ngang qua.
Bố nhìn lại chỗ cửa sổ, tỏ vẻ hoảng hốt, sau đó đi ra khỏi cổng. Ông gọi với theo họ. “Này! Tôi đây kia mà. Tôi là người các ông muôn tìm. Tôi sống ở nhà này.”
Những người đàn ông mặc áo khoác chỉ dừng lại một lúc để kiểm tra những quyển sổ của mình. Giọng nói của họ nghe trầm đục và ồm ồm. “Không may rồi, ông bạn hơi quá già so với người mà chúng tôi cần.”
Họ tiếp tục đi, nhưng đi không xa lắm, vì họ đã dừng lại ở nhà số ba mươi lăm và bước qua cánh cổng đang mở.
“Ông Steiner phải không?” họ hỏi như thế khi cánh cửa mở ra.
“Phải, tôi đây.”
“Chúng tôi đến để nói với ông về một chuyện.”
Những người đàn ông mặc áo khoác đứng đó, như những cái cột khoác áo choàng đen, trên ngưỡng cửa của căn nhà như một hộp giày của gia đình Steiner.
Vì một lý do nào đó, họ đã đến đây vì thằng bé.
Những người mặc áo khoác muốn có Rudy.