Mật Mã Da Vinci

chương 27

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Chiếc SmartCar của Sophie cắt ngang khu vực ngoại giao, vòng vèo qua các đại sứ quán rồi lãnh sự quán, cuối cùng ra khỏi một con phố nhánh, rẽ phải để trở lại đại lộ Champs-Elysées to rộng Langdon ngồi trên ghế hành khách(1), tay nắm chặt đến trắng bệch khớp ngón, vặn mình ngoái nhìn đằng sau xem cảnh sát còn bám theo không. Ông chợt ước gía mình đừng quyết định trốn chạy. Nhưng mày có quyết định đâu, ông tự nhắc mình. Sophie đã quyết định thay ông khi cô ném đĩa GPS qua cửa sổ phòng tắm. Bây giờ, khi họ phóng nhanh khỏi đại sứ quán, luồn lách qua dòng xe cộ thưa thớt trên đại lộ Champs-Flysées, Langdon cảm thấy những phương án của mình đều hỏng. Mặc dù Sophie có vẻ như đã bỏ xa cảnh sát, chí ít là trong lúc này, Langdon vẫn hoài nghi không biết vận may của họ có kéo dài được lâu không.

Ngồi sau tay lái, Sophie thò tay vào túi áo len, lôi ra một vật nhỏ bằng kim loại rồi chìa cho Langdon: "Robert, anh nên xem thứ này đi. Đây là thứ ông tôi để lại phía sau bức Madonna of the Rocks đấy".

Run lên vì dự cảm, Langdon cầm vật đó và xem xét. Nó khá nặng và giống như hình thập giá. Linh tính đầu tiên bảo là ông đang cầm một pieu(2) tang một dạng thu nhỏ của cây cọc tưởng niệm để cắm trên những ngôi mộ ở nghĩa trang. Nhưng rồi ông để ý thấy thân của thánh giá có hình lăng trụ tam giác. Và còn có hàng trăm lỗ nhỏ tí xíu lục giác, có vẻ được gia công rất tinh vi và không theo hàng lối ngay ngắn.

"Đó là một chiếc chìa khoá được cắt bằng tia laze". Sophie nói với ông, "Những hình lục giác đó sẽ được đọc bởi một mắt thần điện tử".

Một chiếc chìa khoá ư? Langdon chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì giống thứ này.

"Hãy nhìn phía bên kia đi", cô nói trong khi chuyển làn đường rồi băng qua ngã tư.

Khi Langdon xoay chiếc chìa khoá, ông cảm thấy quai hàm trễ xuống vì kinh ngạc. Khắc nổi ở trung tâm chữ thập là một bông hoa loa kèn cách điệu và kí tự P.S!

"Sophie", ông nói, "đây chính là dấu hiệu mà tôi đã nói với cô! Biểu tượng chính thức của Tu viện Sion".

Cô gật đầu: "Như tôi đã nói với anh, tôi đã nhìn thấy chiếc chìa khoá này rất lâu rồi. Ông tôi bảo tôi không bao giờ được nói đến nó nữa".

Mắt Langdon vẫn dán vào chiếc chìa khoá có hình khắc nổi đó. Cách chế tác bằng công nghệ cao và biểu tượng cổ xưa quyện vào nhau thành một thứ hỗn hợp kỳ bí của thế giới hiện đại và thế giới cổ xưa.

"Ông tôi nói với tôi chiếc chìa khoá này là để mở một chiếc hộp trong đó ông cất giữ nhiều bí mật".

Langdon cảm thấy ớn lạnh khi tưởng tượng đến loại bí mật mà một người như Jacque Saunière có thể cất giấu. Một hội kín cổ xưa làm gì với một chiếc chìa khoá vị lai chủ nghĩa, Langdon không sao hiểu nổi. Tu viện Sion tồn tại vì một mục đích duy nhất là bảo vệ một bí mật. Một bí mật chứa quyền năng to lớn không thể tưởng tượng nổi. Chiếc chìa khoá này có thể có gì liên quan đến bí mật đó? Ý nghĩ đó trùm lấp không sao cưỡng nổi: "Cô có biết nó mở thứ gì không?".

Sophie có vẻ thất vọng: "Tôi đã hi vọng là anh biết".

Langdon yên lặng xoay xoay chiếc chìa khoá chữ thập trong tay, xem xét nó.

"Trông nó có vẻ thuộc về đạo Thiên Chúa", Sophie nhấn mạnh.

Langdon không dám chắc về điều đó. Đầu chìa không phải kiểu thánh giá Thiên chúa truyền thống có thân dài mà là một chữ thập bình phương nghĩa là bốn nhánh dài bằng nhau có trước đạo Thiên Chúa một ngàn rưởi năm. Loại chữ thập này không mang một hàm nghĩa Thiên chúa giáo nào về sự đóng đinh câu rút gắn liền thập giá La tinh thân dài do người La mã tạo ra làm dụng cụ tra tấn. Langdon bao giờ cũng ngạc nhiên khi thấy rất ít tín đô Cơ đốc giáo, những người tôn thờ cây thánh giá, hiểu ra rằng lịch sử đầy bạo lực của biểu tượng này được phản ánh ngay trong tên gọi của nó: "chữ thập (cross)" và "thập giá"

(crucifix) đều từ động từ La tinh cruciare - tra tấn - mà ra.

"Sophie", Langdon nói, "tôi chỉ có thể nói với cô là những chữ thập nhánh dài bằng nhau như cái này được cho là những chữ thập hoà bình. Hình dạng bình phương của nó khiến nó không sử dụng được vào việc đóng đinh câu rút, và các yếu tố dọc - ngang cân bằng của nó thể hiện sự kết hợp tự nhiên giữa nam và nữ, khiến nó trở thành biểu tượng phù hợp với triết lý của Tu viện Sion".

Cô mệt mỏi nhìn ông: "Anh không biết, phải không?".

Langdon cau mày: "Không một manh mối nào".

"Thôi được, chúng ta phải ra khỏi con đường này thôi", Sophie kiểm tra gương chiếu hậu. "Chúng ta cần một nơi an toàn để tìm ra thứ mà chiếc chìa khoá này mở".

Langdon thèm thuồng nghĩ đến căn phòng tiện nghi của mình ở khách sạn Ritz. Rõ ràng, đó không phải là một sự lựa chọn lúc này: "Những chủ nhân mời tôi đến giảng ở Đại học Mỹ tại Paris thì sao?".

"Quá lộ liễu. Fache sẽ kiểm vấn họ!".

"Cô hẳn phải quen biết nhiều người chứ. Cô sống ở đây mà?".

"Fache sẽ kiểm tra điện thoại, hòm thư điện tử của tôi, nói chuyện với những đồng nghiệp của tôi. Các mối liên hệ của tôi đều bị rà soát, còn như tìm một khách sạn cũng không phải là một ý hay vì tất cả khách sạn đều yêu cầu xuất trình giấy tờ căn cước".

Một lần nữa, Langdon lại tự hỏi giá cứ để cho Fache bắt giữ ông tại bảo tàng Louvre có tốt hơn không. "Ta hãy gọi đại sứ quán xem. Tôi có thể giải thích về tình cảnh của chúng ta và đề nghị đại sứ quán cử ai đó đến gặp chúng ta ở đâu đó".

"Gặp chúng ta?" Sophie quay sang nhìn chằm chằm vào ông như thể ông bị điên vậy. "Robert, anh đang nằm mơ. Đại sứ quán không hề có quyền pháp lý ngoại trừ trong phần đất của chính họ. Cử ai đó đến đưa chúng ta về sẽ bị coi là hành động trợ giúp kẻ trốn tránh chính phủ Pháp. Điều đó sẽ không xảy ra đâu. Nếu anh tự đi vào đại sứ quán và đề nghị một chỗ trú ẩn tạm thời, thì đó lại là một chuyện khác, nhưng đề nghị họ hành động chống lại việc thi hành luật pháp Pháp trong lĩnh vực này ư?". Cô lắc đầu. "Cứ thử gọi tởi đại sứ quán của anh ngay đi, và họ sẽ bảo với anh là hãy tránh xa việc phạm pháp và hãy đến tự thú với Fache. Rồi họ hứa hẹn sẽ theo các kênh ngoại giao để anh nhận được một sự xét xử công bằng". Cô quay ra nhìn dãy cửa hàng sang trọng trên đại lộ Champs-Flysées. "Anh có bao nhiêu tiền mặt ở đây?".

Langdon xem lại ví: "Một trăm đô la. Một vài euro. Thế thì sao?".

"Thẻ tín dụng?".

"Tất nhiên".

Khi Sophie tăng tốc, Langdon cảm thấy cô đang vạch ra một kế hoạch. Ngay phía trước, cuối đại lộ Champs-Elysées, Khải hoàn môn đứng sừng sững - đài kỉ niệm cao 50m do Napoleon dựng để tôn vinh quyền lực quân sự của chính mình được bao quanh bởi bùng binh lớn nhất nước Pháp, một con lộ ngoại cỡ chín làn đường.

Khi đến gần bùng binh, Sophie lại nhìn gương chiếu hậu: "Tạm thời chúng ta đã bứt khỏi họ!" cô nói, "nhưng sẽ không kéo dài thêm được năm phút nữa đâu nếu vẫn ngồi trong chiếc xe này".

Vậy hãy ăn cắp một chiếc xe khác đi, Langdon suy diễn, đằng nào tay cũng đã nhúng chàm rồi mà.

"Cô định làm gì bây giờ?".

Sophie cho xe chạy quanh bùng binh: "Hãy tin ở tôi".

Langdon không phản ứng gì. Đêm nay, lòng tin chẳng đưa ông đi được bao xa. Vén tay áo lên, ông nhìn đồng hồ, một chiếc đồng hồ đeo tay thuộc loại đồ cổ nhãn hiệu Chuột Mickey vốn là món quà bố mẹ tặng ông hôm sinh nhật lần thứ mười. Mặc dù cái mặt đồng hồ trẻ con đó lắm khi thu hút những cái nhìn kì lạ, nhưng Langdon chưa bao giờ đeo một chiếc đồng hồ nào khác. Những phim hoạt hình của Disney là bài học vỡ lòng đưa Langdon vào sự huyền diệu của hình khối và màu sắc, và Mickey giờ đây làm nhiệm vụ hằng ngày nhắc nhở Langdon phải giữ cho con tim trẻ mãi. Tuy nhiên, lúc này, đôi kim của Mickey đang xoạc ra một góc bất tiện, chỉ một giờ giấc cũng bất tiện: 2 giờ 51 sáng.

"Chiếc đồng hồ hay nhỉ", Sophie vừa nói vừa liếc nhìn cổ tay ông rồi lái chiếc SmartCar quanh cái bùng binh rộng mênh mông, ngược chiều kim đồng hồ.

"Đó là một câu chuyện dài", ông nói, rồi kéo ống tay áo xuống.

"Tôi nghĩ ắt là thế", cô thoáng cười với ông rồi ra khỏi bùng binh, hướng về phía bắc, rới xa trung tâm thành phố. Vừa kịp qua hai đèn xanh, cô tới ngã tư thứ ba và rẽ phải vào Đại lộ Malesherbes. Họ rời những con phố giàu có, có hàng cây hai bên đường của khu ngoại giao để đi sâu vào một khu vực Công nghiệp tối hơn. Sophie rẽ gấp sang trái, và một lúc sau, Langdon nhận ra họ đang ở đâu.

Ga Saint-Lazare.

Trước mặt họ, cái ga xe lửa mái lợp kính giống như bản sao vụng về của một nhà để máy bay hoặc một nhà kính trồng cây.

Những ga xe lửa ở châu Âu không bao giờ ngủ. Thậm chí vào giờ này, nửa tá tắc xi vẫn nằm gần lối vào chính. Những người bán hàng đẩy những chiếc xe bánh mì kẹp và nước khoáng trong khi đám thanh niên bụi bặm, ba lô trên lưng, vừa ra khỏi ga vừa rụi mắt, nhìn xung quanh như thể cố nhớ xem mình đang ở thành phố nào. Trên phố trước mặt, hai cảnh sát thành phố đứng trên vỉa hè chỉ lối cho mấy vị khách lạc đường.

Sophie lái chiếc SmartCar vào sau dãy tắc xi và đậu xe trong một khu đỏ mặc dù còn rất nhiều chỗ đậu xe đúng luật bên kia đường. Trước khi Langdon kịp hỏi chuyện gì đang diễn ra, cô đã ra khỏi xe. Cô hối hả đến bên cửa chiếc tắc xi phía trước họ và bắt đầu nói với người lái xe.

Khi Langdon ra khỏi chiếc SmartCar, ông nhìn thấy Sophie trao cho người lái xe tắc xi một xấp tiền mặt. Người lái xe tắc xi gật đầu rồi, trước sự ngỡ ngàng của Langdon, phóng xe đi để họ ở lại.

"Chuyện gì xảy ra vậy?" Langdon hỏi, đến bên Sophie trên vỉa hè trong khi chiếc xe taxi biến mất.

Sophie đã hướng về phía cửa chính của ga: "Đi nào. Ta mua hai vé lên chuyến tàu sau ra khỏi Paris".

Langdon vội vã chạy theo cô. Cái điều khởi đầu là cuộc bỏ nhào một dặm tới sứ quán Mỹ nay đã trở thành cuộc bỏ chạy hoàn toàn khỏi Paris. Langdon càng lúc càng không thích cái ý này.

Chú thích:

(1) Passenger seat, ghế đằng trước cạnh người lái.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: cọc.

Người lái xe đón giám mục Aringarosa tại sân bay quốc tế Leonardo de Vinci lái đến một chiếc Fiat nhỏ, màu đen không lấy gì làm oách lắm. Aringarosa nhớ lại cái thời mà tất cả phương tiện đi lại của Vatican đều là những chiếc ô tô lớn, sang trọng, trưng lên nào huy hiệu, nào là cờ có in con dấu của Toà Thánh Vatican. Những ngày ấy đã qua rồi. Xe của Vatican bây giờ ít phô trương hơn và hầu như không bao giờ mang dấu đặc trưng gì.

Vatican nói rằng đó là cách cắt giảm chi phí để phục vụ tốt hơn cho giáo phận của họ, nhưng Aringarosa ngờ rằng điều đó nặng về biện pháp an ninh hơn. Thế giới đã trở nên điên loạn, ở nhiều nơi của châu Âu, phô trương tình yêu Chúa Jesus Christ cũng giống như vẽ một mục tiêu ngắm bắn lên mui xe của mình.

Xốc lại chiếc áo thụng, Aringarosa leo lên ghế sau, an tọa chuẩn bị cho chuyến đi dài đến lâu dài Gandolfo. Nó hẳn cũng giống như chuyến đi cách đây năm tháng của ông.

Chuyến đi Rôma năm ngoái, ông thở dài. Cái đêm dài nhất trong đời mình.

Năm tháng trước đây, Vatican đã gọi điện yêu cầu Aringarosa có mặt ngay tại Rôma. Họ không giải thích gì cả. Vé của ông đã được đặt ở sân bay. Toà Thánh Vatican ráng hết sức duy trì một màn bí mật, ngay cả với những giáo chức cao nhất.

Những cuộc triệu tập bí mật, Aringarosa đoán, có lẽ là một dịp chụp ảnh Giáo hoàng và các quan chức Vatican khác để quảng cáo cho thành công mới đây của Opus Dei hoàn thành Trụ sở Quốc gia của bọn họ ở thành phố New York. Tờ Architecrural Digest gọi toà nhà của Opus Dei là "một ngọn hải đăng rực sáng của Chính giáo Thiên Chúa được hội nhập một cách siêu tuyệt vào cảnh quan hiện đại"; và gần đây, dường như Vatican bị hấp dẫn bởi bất cứ thứ gì có chứa từ "hiện đại".

Aringarosa không có chọn lựa nào ngoài việc chấp nhận lời mời, mặc dù miễn cưỡng. Không phải là người ngưỡng mộ sự điều hành của Giáo hoàng hiện tại, Aringarosa, như đa phần giới tu sĩ bảo thủ, đã rất quan ngại theo dõi vị Giáo hoàng thụ nhiệm trong năm đầu tiên của ngài. Là người tự do tư tưởng chưa từng thấy, Đức Cha đã giành được chức Giáo hoàng thông qua một trong những phiên họp Hồng y bất thường nhất và gây tranh cãi nhất trong lịch sử toà thánh Vatican. Bây giờ, thay vì khiêm nhường về sự đăng quang bất ngờ của mình, Giáo hoàng đã không lãng phí thời gian vào việc phô trương uy lực gắn với cơ quan tối cao trong cộng đồng Cơ đốc giáo toàn thế giới. Lợi dụng một làn sóng náo động ủng hộ tự do chính trị trong trường đại học của các Hồng y giáo chủ, Đức Giáo hoàng giờ đây tuyên bố thiên chức Giáo hoàng của mình là "làm trẻ lại học thuyết của Toà thánh Vatican và cập nhật Ki tô giáo vào thiên niên kỉ thứ ba".

Aringarosa sợ rằng sự chuyển đổi là ở chỗ con người này thực sự kiêu kì đến mức nghĩ rằng mình có thể viết lại những giới luật của Chúa và giành lại trái tim của những người cảm thấy yêu cầu của Ki tô giáo đã trở nên quá bất tiện trong một thế giới hiện đại.

Anngarosa đã sử dụng mọi ảnh hưởng chính trị của mình - khá lớn do quy mô của Opus Dei và ngân sách của họ để thuyết phục Giáo hoàng và các cố vấn của Ngài rằng: nới lỏng giáo luật của Giáo hội không chỉ là thiếu lòng tin, hèn nhát mà còn là tự sát chính trị. Ông còn nhắc nhở họ rằng biện pháp giảm nhẹ giới luật Giáo hội trước đây - thảm bại của Vatican II đã để lại một di hại nặng nề: số người đi lễ nhà thờ giảm xuống mức thấp hơn bất kỳ thời điểm nào, nhưng nguồn quyên tặng cạn kiệt và thậm chí không có đủ linh mục để quản lý các nhà thờ.

Giáo dân cần sự sắp xếp và hướng dẫn phía nhà thờ, Aringarosa nhấn mạnh, chứ không phải sự nâng niu hay chiều chuộng!

Tối hôm đó, cách đây mấy tháng, khi chiếc Fiat rời sân bay Aringarosa đã ngạc nhiên khi thấy xe không đi về phía Toà Thánh Vatican mà về phía đông, lên một dốc núi ngoằn ngoèo.

"Chúng ta đang đi đâu đây?" ông hỏi người tài xế.

"Khu đồi Alban", gã đáp. "Nơi gặp là ở lâu đài Gandolfo".

Dinh mùa hè của Giáo hoàng? Aringarosa chưa bao giờ đến, hay thậm chí muốn thấy nó. Ngoài chức năng là nhà nghỉ mùa hè của Giáo hoàng, cái tòa thành xây hồi thế kỷ 16 này đã từng là Specula Vatican - đài thiên văn của Toà Thánh Vatican một trong những đài quan sát thiên văn hiện đại nhất châu Âu.

Aringarosa xưa nay vẫn khó chịu với cái nhu cầu từ trong lịch sử của Vatican là học đòi làm khoa học. Căn cớ gì mà phải hoà quyện khoa học với đức tin? Khoa học khách quan không thể thực hành bởi một người có đức tin ở Chúa. Mà đức tin cũng chẳng cần đến khoa học để xác nhận một cách vật thể những tín ngưỡng của nó.

Mặc dù vậy, nó vẫn đó, ông nghĩ khi lâu đài Gandolfo hiện ra, sừng sững trên nền trời tháng mười một đầy sao. Từ con đường vào, Glandolfo trông giống một con quái vật bằng đá khổng lồ đang tính làm một cú nhảy tự sát. Chon von ngay trên gờ một vách đá, toà lâu đài ngả mình ra bên trên cái nôi của nền văn minh Ý cái thung lũng từng chứng kiến cuộc chiến giữa những thị tộc Orazi và Curiazi, từ rất lâu trước khi lập ra đế quốc La Mã.

Ngay cả ở dạng bóng in trên nền trời, lâu đài Gandolfo cũng là một cảnh tượng đáng ngắm nhìn một điển hình đầy ấn tượng của kiến trúc phòng thủ nhiều tầng, phản ánh sự đắc dụng của khung cảnh bên vách đá cheo leo này. Đáng buồn thay - giờ đây Aringarosa thấy rõ - Vatican đã làm hỏng toà lâu đài bằng cách xây dựng hai cái vòm nhôm to tướng chứa kính viễn vọng trên mái, khiến cho tòa kiến trúc từng một thời uy nghi tựa một chiến binh lẫm liệt này trông như đội hai chiếc mũ chóp.

Khi Aringarosa bước ra khỏi xe, một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi chạy ra chào ông: "Chào mừng giám mục. Tôi là Cha Mangano.

Một nhà thiên văn ở đây".

Chúc cha tốt lành! Aringarosa lầm bầm chào rồi đi theo người đón tiếp mình đến phòng đợi của toà lâu đài một không gian rộng mở với cách bài trí pha trộn vô duyên giữa nghệ thuật Phục hưng và những hình ảnh thiên văn học. Theo sau người hộ tống lên một chiếc cầu thang đá hoa cương rộng lớn, Aringarosa nhìn thấy những kí hiệu của những trung tâm hội nghị, giảng đường khoa học, và các dịch vụ thông tin du lịch. Ông lấy làm ngạc nhiên khi nghĩ rằng Vatican chẳng bao giờ đem lại được những hướng dẫn mạch lạc và nghiêm ngặt cho sự phát triển tâm linh, nhưng bằng cách nào đó vẫn kiếm ra thời gian để tổ chức những buổi thuyết trình về thiên văn học cho du khách.

"Hãy nói cho tôi biết", Aringarosa nói với vị thầy tu trẻ tuổi, "khi nào thì cái đuôi bắt đầu vẫy con chó?".

Vị thầy tu nhìn ông lạ lùng: "Thưa ngài?".

Aringarosa phẩy tay, quyết định không tung ra lời công kích cụ thể nào nữa trong buổi tối hôm nay. Vatican điên mất rồi! Giống như một bậc phụ huynh lười biếng cảm thấy thà chấp nhận những trái thói của đứa con được nuông chiều còn hơn là cương quyết dạy bảo nó về những giá trị, Nhà Thờ chỉ một mực nới lỏng, mọi lúc mọi nơi, cố gắng thay đổi chính mình để thích nghi với một nền văn hoá lầm đường, lạc lối.

Hành lang của tầng trên cùng rộng rãi, sang trọng, và dẫn về một hướng duy nhất một loạt cưa gỗ sồi lớn với tấm biển đồng:

BIBLIOTECA ASTRONOMICA

(Thư viện Thiên văn học)

Aringarosa đã được nghe nói nơi này thư viện thiên văn của Toà thánh Vatican người ta đồn rằng nó chứa tới hơn 25.000 tài liệu gồm cả những công trình quý hiếm của Copernicus, Galileo, Kepler, Newton, và Sechi. Người ta cho rằng đây cũng là nơi các quan chức cấp cao nhất của Giáo hoàng sắp xếp những cuộc gặp riêng tư… những cuộc gặp mà họ không muốn diễn ra trong khuôn viên Toà Thánh Vatican.

Hẳn lúc đến gần cửa, giám mục Aringarosa không sao tưởng tượng nổi cái tin choáng người ông sắp nhận được bên trong căn phòng ấy, hoặc chuỗi sự kiện chết chóc nó sẽ khởi động.

Phải một giờ sau, khi loạng choạng bước ra sau cuộc gặp gỡ, ông mới thấm những ngụ ý ghê gớm. Sáu tháng tính từ bây giờ! Ông đã nghĩ. Chúa giúp đỡ chúng con!

Giờ đây, ngồi trong chiếc Fiat, giám mục Aringarosa nhận ra là mình đã nắm chặt tay lại tử lúc nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên đó ông thả lỏng bàn tay, cố gắng hít sâu, thư giãn cơ bắp.

Mọi thứ rồi sẽ êm đẹp, ông tự nhủ khi chiếc Fiat đi sâu hơn vào trong núi. Tuy nhiên ông vẫn mong điện thoại di động đổ chuông. Tại sao Thầy Giáo chưa gọi cho mình nhỉ? Lúc này chắc hẳn ở Paris, Silas đã có được viên đá đỉnh vòm.

Cố gắng thư giãn thần kinh, giám mục suy ngẫm về viên thạch anh tím trên chiếc nhẫn của mình. Sờ thớ dệt của miếng vải trang trí bọc đầu gậy giám mục và các mặt của những viên kim cương, ông tự nhắc mình rằng, chiếc nhẫn này là biểu tượng của quyền lực nhưng còn kém xa thứ quyền lực mà chẳng bao lâu ông sẽ đạt tới.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio