Mất Tư Cách Làm Người

chương 7

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Horiki và tôi.

Nếu như cái gọi là “bằng hữu” trong thế giới này là vừa giao thiệp vừa khinh miệt lẫn nhau, cả hai cùng tự hạ thấp nhân phẩm của mình, thì mối quan hệ của tôi với Horiki rõ rằng là “bằng hữu”.

Tôi phải nương nhờ vào lòng hào hiệp của madam quán bar ở khu Kyobashi đó, (gọi người nữ có tấm lòng nghĩa hiệp có vẻ thật lạ lùng nhưng từ kinh nghiệm của tôi thì ít nhất đối với nam nữ chốn kinh đô này thì người nữ có vẻ giàu lòng nghĩa hiệp hơn đám nam nhi. Cánh đàn ông thì chỉ run run rẩy rẩy, lo giữ gìn thể diện và keo kiệt nữa) mới có thể lấy được cô bé Yoshiko nơi tiệm thuốc lá về làm vợ, mới thuê được một căn hộ nhỏ tầng trệt ở gần bờ sông Sumida, khu Tsukiji. Tôi bỏ rượu, chuyên tâm sáng tác truyện tranh như thể đó là nghiệp định sẵn cho mình vậy. Sau bữa ăn tối, chúng tôi đi xem phim, khi trở về ghé quán cà phê hay ghé tiệm mua một bình hoa nhỏ. Hơn nữa, nghe những lời thỏ thẻ của cô vợ nhỏ xinh đang hết mực tin tưởng vào mình, vui sướng nhìn cách cư xử của nàng tôi dần dần thấy mình có vẻ ra dáng con người, tự hỏi có lẽ mình không cần phải chết bi thảm nữa chăng? Khi đang mơ mơ màng màng những ý nghĩ ngọt ngào êm đềm len lỏi sưởi ấm tâm tư như vậy, chợt đâu gã Horiki lại xuất hiện trước mặt tôi.

“Này, tay sát gái. Sao cái mặt cậu đăm chiêu cảnh giác như vậy? Hôm nay tớ mang thông điệp từ cô nàng ở khu Koenji cho cậu đây”.

Horiki chợt hạ giọng, hất cằm về phía Yoshiko đang pha trà trong bếp và hỏi “có sao không đấy?”

“Không sao đâu. cậu cứ nói”.

Tôi bình tĩnh đáp lời.

Nói chung, Yoshiko có thể gọi là một thiên tài trong việc tin tưởng con người. Không những nàng không hay biết về mối quan hệ của tôi với madam ở quán bar khu Kyobashi mà ngay cả khi tôi cho biết nàng về vụ tự sát vì tình của tôi ở biển Kamakura thì nàng cũng chẳng nghi ngờ gì về mối quan hệ của tôi với Tsuneko cả. Không phải vì tôi nói dối tuyệt luân đâu mà bởi dù tôi đã nói trắng ra mọi chuyện rồi mà Yoshiko cứ cho tôi đang nói đùa với nàng mà thôi.

“Cậu vẫn kiêu ngạo như thế nhỉ. Nhưng không có gì quan trọng đâu. Cô nàng khu Kojien nhờ tớ nhắn với cậu là nếu được thì thỉnh thoảng ghé chỗ nàng chơi thôi”.

Chuyện tưởng đã quên đi rồi thì con quái điểu lại vỗ cánh bay đến, dùng mỏ xé toạc vết thương ký ức. Những ký ức tội lỗi và nhục nhã của quá khứ ngay lập tức lại hiện về rõ ràng ngay trước mặt, khiến tôi sợ đến nỗi muốn hét lên thất thanh và ngồi cũng không vững nữa.

“Làm vài ly chứ?”, tôi mời.

“Được thôi”, Horiki đồng ý.

Tôi và Horiki. Cả hai giống nhau về hình thức. Tôi có cảm giác gã là một con người y chang như tôi vậy. Tất nhiên là chỉ khi hai chúng tôi đi lang thang uống thứ rượu rẻ tiền khắp thành phố. Khi đối mặt nhau, chúng tôi ngay lập tức biến thành hai con chó cùng kích cỡ, cùng màu lông chạy nháo nhào trên con đường phủ đầy tuyết trắng.

Từ ngày đó trở đi, chúng tôi nối lại mối giao hữu. Có khi cả hai ghé quán bar nhỏ khu Kyobashi, có khi hai con chó hoang say túy lúy ghé thăm căn hộ của Shizuko ở khu Koenji và ngủ lại đó đến sáng mới mò về.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Một đêm mùa hè oi bức. Horiki mặc bộ yukata nhàu nát ghé căn hộ của tôi ở Tsukiji vào lúc nhá nhem tối. Gã nói rằng vì có chút việc nên đã mang bộ quần áo mùa hạ đi cầm đồ nhưng sợ má mình biết được thì phiền nên muốn mượn tôi ít tiền để đi chuộc lại. Nhưng ngờ đâu tôi cũng không có tiền nên đã bảo với Yoshiko mang mấy bộ đồ của nàng đi cầm được ít tiền cho Horiki mượn. Còn dư chút đỉnh, tôi bảo Yoshiko mua một chút rượu mạnh, rồi chúng tôi lên sân thượng chung cư, đón những ngọn gió hôi hám từ sông Sumida hiu hiu thổi đến, vừa làm một bữa tiệc hóng mát thật là bẩn thỉu.

Chúng tôi lúc đó bắt đầu chơi trò danh từ hài kịch và danh từ bi kịch. Đây là một trò chơi do tôi phát minh ra, dựa trên việc phân chia danh từ làm ba loại là giống đực, giống cái và trung tính thì đồng thời có thêm sự phân biệt danh từ hài kịch và bi kịch nữa. Ví dụ như “thuyền hơi nước” và “xe hơi nước” đều là danh từ bi kịch, còn “tàu điện” và “xe buýt” là danh từ hài kịch. Những người không biết điều đó thì không đáng bàn về nghệ thuật, những kịch tác gia chỉ cần dùng một từ bi kịch trong một vở hài kịch thì cũng xem như đã rớt đài thất bại, và ngược lại đối với bi kịch cũng vậy.

“Đã sẵn sàng chưa? Thuốc lá thì sao?”, tôi hỏi.

“Bi” (viết tắt của bi kịch).

Horiki trả lời dứt khoát.

“Thuốc thì sao?”

“Thuốc bột hay thuốc viên?”

“Thuốc tiêm”.

“Bi”.

“Vậy à? Nhưng trong thuốc tiêm cũng có kích thích tố đấy”.

“Không, chắc chắn là bi. Chẳng có gì bi kịch hơn mũi kim tiêm đúng không?”

“Ừ, thì mình thua. Nhưng mà thật ngạc nhiên là cả thuốc và bác sĩ đều là hài cả đấy. Cái chết thì sao?”

“Hài. Cả mục sư hay hòa thượng cũng là hài cả thôi”.

“Quá tuyệt. Thế còn cuộc sống là bi kịch chứ?”

“Không đâu, nó cũng là hài luôn”.

“Nếu mà nói thế thì tất thảy mọi thứ đều thành hài kịch hết. Tớ hỏi thêm một câu. Họa sĩ truyện tranh thì sao? Danh từ này cũng có thể gọi là hài kịch được chứ?”

“Bi, bi. Một danh từ đại bi kịch”.

“Đại bi kịch là cậu mới phải chứ”.

Cái trò hề vớ vẩn dở tệ như thế này tuy chán ngắt nhưng chúng tôi vô cùng đắc ý vì đây là một trò tiêu khiển thông minh chưa từng xuất hiện ở bất cứ salon văn nghệ nào trên thế giới.

Lúc đó, tôi cũng phát minh ra một trò chơi khác nữa. Đó là trò chơi tìm từ phản nghĩa. Ví dụ trái nghĩa với “đen” là “trắng”. Nhưng trái nghĩa với “trắng” lại là “đỏ”. Và trái nghĩa với “đỏ” là “đen”.

“Trái nghĩa của “hoa” là gì?”

Horiki cau mày suy nghĩ.

“À, có một nhà hàng tên là “Hoa nguyệt”. Vậy là “trăng” đúng không?”

“Ây dà, đó đâu phải là từ trái nghĩa. Ngược lại còn là từ đồng nghĩa là khác. Cũng như “sao” và hoa violet vậy, đều là đồng nghĩa. Có phải là phản nghĩa đâu”.

“Hiểu rồi. Vậy chắc là “ong” đấy”.

“Ong à?”

“Cũng như kiến trên hoa mẫu đơn ấy”.

“Đấy là chủ đề của hội họa chứ có phải phản nghĩa đâu”.

“Vậy thì mây nhỉ?”

“Mây à? Mây thì phải đi với trăng chứ?”

“À, đúng nhỉ. Vậy hoa và gió. À, phản nghĩa của hoa là gió”.

“Tệ quá. Chẳng phải đó là một khúc diễn tấu đàn samisen hay sao? Lộ ra trình độ của cậu

“Vậy thì là đàn tỳ bà”.

“Không được. Cậu phải tìm ra cái gì ít giống bông hoa nhất thì mới là phản nghĩa của hoa được chứ?”

“Vậy thì là…Đợi đã. Phải chăng là đàn bà?”

“Cuối cùng thì cũng ra. Vậy đồng nghĩa với đàn bà là gì?”

“Cơ quan nội tạng”.

“Cậu chẳng hiểu gì về thơ ca cả nhỉ. Vậy trái nghĩa của nội tạng?”

“Sữa”.

“Khá là tuyệt đấy. Thêm một câu nữa. Hổ thẹn. Trái nghĩa là gì?”

“Không biết hổ thẹn. Họa sĩ truyện tranh được yêu thích Joshi Ikita”.

“Còn Horiki Masao thì sao?”

Từ lúc đó trở đi, hai đứa không còn cười được nữa. Cảm giác u uất như một mảnh thủy tinh của ly rượu mạnh kia xông thẳng lên đầu nhức buốt.

“Đừng nói giỡn. Dù sao tớ vẫn còn chưa chịu nỗi nhục bị giam giữ như cậu đâu nhé”.

Tôi choáng váng. Trong thâm tâm, gã Horiki kia chưa bao giờ coi tôi là một con người bình thường cả. Hắn xem tôi chỉ như một con ma ngu ngốc vô liêm sỉ còn sống sót sau đợt tự sát, một “tử thi còn sống”. Và cái giao tình “bằng hữu” cho đến bây giờ chỉ là để lợi dụng tôi đến hết mức có thể nhằm thỏa mãn cái thú vui của hắn mà thôi. Khi nhận ra thế tất nhiên cảm giác chẳng dễ chịu gì nhưng rồi sau khi nghĩ lại thấy Horiki nhìn đúng bản chất của mình từ xưa tôi đã là một đứa trẻ không có tư cách con người nên sự khinh miệt của Horiki cũng là có lý.

“Còn tội lỗi thì sao? Trái nghĩa của tội lỗi? Cái này khó đấy nhé”.bg-ssp-{height:px}

Tôi làm vẻ mặt như chẳng có chuyện gì xảy ra rồi hỏi tiếp.

“Pháp luật chứ gì?”.

Nghe Horiki trả lời rất thản nhiên nên tôi liếc nhìn gương mặt gã. Trong ánh đèn neon đỏ quạch từ tòa nhà bên cạnh hắt lên, mặt Horiki trông uy nghiêm như một con quỷ hình sự vậy. Tôi hoàn toàn bất ngờ.

“Tội ác là một phạm trù hoàn toàn khác chứ”.

Trái nghĩa của “tội lỗi” mà lại là “pháp luật” à. Tuy nhiên con người thế gian có lẽ đều suy nghĩ đơn giản như thế và sống có vẻ nghiêm túc như vậy. Chắc họ đều cho rằng tội ác sinh sôi nảy nở ở những nơi nào không có cảnh sát hình sự.

“Vậy là gì chứ? Thần linh à? Tớ thấy người cậu có phảng phất mùi của một con chiên ngoan đạo đấy”.

“Đừng có đánh trống lảng đi như vậy. Hai đứa mình thử suy nghĩ thêm một chút nữa xem sao. Đây cũng là một đề tài thú vị đấy chứ? Tớ có cảm giác là chỉ cần căn cứ trên một câu trả lời này thôi thì ta có thể hiểu hết về con người đó vậy”.

“Lẽ nào lại như vậy chứ? Trái nghĩa của tội lỗi là cái thiện à? Người dân lương thiện sao, nghĩa là con người giống như tớ vậy”.

“Cậu đùa à? Tuy nhiên thiện là trái nghĩa của ác chứ không phải trái nghĩa của tội lỗi”.

“Cái ác và tội lỗi thì khác nhau à?”

“Mình nghĩ là khác đấy. Khái niệm về thiện ác là do con người tạo ra mà. Đó là những từ ngữ đạo đức mà con người tùy tiện làm ra”.

“Cậu nhiều chuyện quá. Vậy chắc hẳn là thần linh rồi. Đúng là thần, thần linh đấy. Cứ dựa vào thần linh là không sai trật vào đâu được. Mà tớ đói bụng rồi”.

“Bây giờ hình như Yoshiko đang nấu đậu tằm ở dưới nhà ấy”.

“Cám ơn nhé. Tớ thích đậu lắm”.

Gã đan hai tay sau đầu rồi nằm ngửa ra trên sàn.

“Cậu quả thật không có hứng thú gì với vấn đề tội lỗi nhỉ”.

“Đúng rồi vì tớ đâu phải là một phạm nhân như cậu. Tuy tớ có chơi bời phóng đãng thiệt nhưng đâu có làm cho con người ta phải tự sát, đâu có cuỗm tiền của gái như cậu”.

Tôi nghe trong tâm khảm mình thầm thì những tiếng phản kháng “mình không làm cho con người ta tự sát”, “mình không có lấy tiền của gái” nhưng rồi ngay lập tức cái thói tật luôn nghĩ mình là xấu xa lại trỗi dậy và tôi buông xuôi.

Tôi dù sao cũng không thể nào tranh luận mặt đối mặt với người ta được. Đôi khi nhờ vào cơn say u uất, hơi men nhập vào khiến tôi cố gắng mạo hiểm thêm một chút nhưng cuối cùng chỉ thốt ra được những lời độc thoại thì thầm.

“Chỉ bị xộ khám thôi thì sao gọi là có tộ được. Trái nghĩa của tội lỗi là gì nhỉ? Mình có cảm giác chỉ cần biết được từ trái nghĩa này thôi là có thể nắm được bản chất thực thể của tội lỗi…Thần linh… Cứu vớt… Tình yêu… Ánh sáng… Nhưng trái nghĩa của Thần thánh là quỷ Satan, trái nghĩa của sự cứu vớt là đau khổ, trái nghĩa của yêu đương là ghét bỏ, trái nghĩa của ánh sáng là tối tăm, trái nghĩa của thiện lương là ác đức. Tội lỗi và sự cầu nguyện, tội lỗi và niềm hối hận, tội lỗi và sự xưng tội, không tất cả đều là đồng nghĩa. Vậy trái nghĩa của tội lỗi là gì mới được chứ?”

“Trái nghĩa của tsumi() (tội lỗi) là mitsu. Nghe ngọt ngào như mật (mitsu) đấy nhỉ. Tớ đói quá rồi. Mang cho tớ cái gì ăn đi”.

. Chơi chữ. Trong nguyên tác, chữ tội lỗi là tsumi. Horiki đùa chơi, đọc ngược lại là mitsu, nghĩa là mật ong. Nhắc đến mật ong nên thấy đói bụng.

“Tại sao cậu không tự xuống nhà mà lấy có phải hơn không?”

Tôi thốt ra bằng một giọng giận dữ gần như lần đầu tiên trong đời.

“Được rồi, vậy tớ xuống dưới, cùng với Yoshiko phạm tội đây. Có thực mới vực được đạo chứ. Trái nghĩa của tội lỗi là đậu mật à, không đậu tằm chứ nhỉ”.

Có lẽ say quá nên gã nói líu nhíu.

“Đừng đùa nữa. Cậu đi cho khuất mắt tớ”.

“Tội lỗi và bụng đói. Bụng đói và đậu tằm. Không cái này đồng nghĩa nhỉ”.

Horiki vừa nói lảm nhảm vừa đứng dậy.

Tội ác và trừng phạt. Dostoievski. Những từ đó thoáng chốc lướt nhanh qua tâm trí tôi. Có lẽ ông Dost không cho rằng tội ác và trừng phạt là đồng nghĩa mà đặt chúng cạnh nhau như vậy để làm nổi bật sự trái nghĩa chăng? Hai từ này không thể nào tương thông nhau được, thật khác biệt như nước và dầu, như băng và than vậy. Cánh bèo của Dost trên mặt tù, đáy sâu gỗ mục…A, có lẽ mình hiểu rồi… Không hình như không phải vậy…Trong lúc đầu óc tôi quay cuồng như đèn kéo quân biết bao nhiêu ý nghĩa thì chợt nghe tiếng gọi.

“Này xuống đây, đậu tằm này. Xuống đây”.

Giọng nói và sắc diện của Horiki vô cùng khác lạ. Horiki vừa mới quay xuống nhà một tí đã hớt hải chạy lên.

“Gì vậy?”.

Với vẻ hồi hộp khó tả, hai đứa tôi từ sân thượng xuống tầng hai. Đến giữa cầu thang tầng hai để xuống tầng trệt phòng tôi thì Horiki dừng lại và thì thầm:

“Này, nhìn đi”.

Cái cửa sổ nhỏ trên phòng tôi đang mở. Từ đó nhìn vào thấy rõ bên trong. Ánh đèn chiếu sáng bóng hai con vật.

Tôi choáng váng mặt mũi, đầu óc tối tăm, đứng như trời trồng giữa cầu thang, quên cả việc nhào vào giúp đỡ Yoshiko. Câu nói “đây cũng là bản chất con người, đây cũng là chất con người, không có gì phải kinh ngạc” thầm thì cùng với nhịp thở đập tưng tưng trong lồng ngực thắt.

Horiki cất giọng ho khùng khục. Tôi tháo chạy lên sân thượng như để trốn tránh. Nằm dài trên sân thượng, đón không khí đêm mùa hè ẩm ướt hơi mưa, tôi không thấy giận dữ, không thấy hiềm ác, cũng không buồn đau mà chỉ cảm thấy một nỗi sợ hãi ghê gớm. Đó không phải là nỗi sợ bóng ma nào từ mộ địa mà đó là một cảm giác sợ hãi nguyên sơ thời cổ đại như thể ta gặp một thần thể bạch y dưới tán tùng già trong ngôi đền thần Jinja. Từ đêm đó, tóc tôi bắt đầu ngả màu bạc, tôi dần mất hết sự tự tin, nghi ngờ toàn thể con người, những hy vọng vào cuộc đời, cũng như niềm vui và sự thông cảm tiêu tan hết cả. Thực sự mà nói trong cuộc đời tôi, đây là một sự kiện mang tầm quyết định. Tôi đã bị đâm một nhát chí mạng ngay giữa ấn đường, và vết thương này từ đó về sau, mỗi lần gặp tha nhân đều không ngừng đau thương rỏ máu.

“Tớ thông cảm với cậu. Nhưng cậu cũng nên nghĩ lại đi. Tớ không đến đây nữa đâu. Chỗ này giờ như địa ngục vậy. Nhưng cậu nên tha thứ cho Yoshiko. Cậu cũng có ra gì đâu. Thôi chào nhé”.

Horiki cũng biết là không nên nấn ná lâu trong tình thế khó xử này.

Tôi ngồi dậy, lấy rượu uống một mình. Rồi khóc toáng lên, khóc thổn thức không ngừng.

Không biết từ lúc nào, Yoshiko mang đĩa đậu đầy vun, thẫn thờ đứng sau lưng tôi.

“Hắn nói là hắn không làm gì em đâu…”

“Đủ rồi, đừng nói nữa. Em đâu biết nghi ngờ người là gì. Ngồi xuống và ăn đậu đi”.

Chúng tôi ngồi kế bên nhau và cùng ăn đậu. Ô hô, tin người phải chăng là tội lỗi? Cái kẻ đày đọa nàng chỉ là một gã thương nhân vô học, người nhỏ thó tầm ba mươi tuổi, đặt hàng tôi vẽ truyện tranh, trả tiền thì chi li từng cắc bạc.

Gã thương nhân kia về sau không đến nữa nhưng không hiểu sao tôi lại không căm ghét gã cho bằng căm tức và giận dữ Horiki tại sao không cất tiếng ho khùng khục ngay khi đầu tiên nhìn thấy cảnh ấy mà cứ thế chạy lên sân thượng thông báo cho tôi hay? Sự căm tức này khiến tôi trằn trọc không ngủ được, nhiều đêm bật ngồi dậy mà rên rỉ.

Không phải là chuyện tha thứ hay không. Yoshiko là một thiên tài trong việc tin tưởng con người. Nàng không hề nghi ngờ con người là gì. Chính vì thế mới bi thảm.

Hỏi thần linh xem sao? Phải chăng tin tưởng người là tội lỗi?

Không phải thân xác Yoshiko bị điếm nhục mà việc niềm tin của Yoshiko bị băng hoại đối với tôi là một nỗi khổ đau lớn đến mức mà từ đó về sau tôi cảm thấy mình hầu như không thể nào sống nổi nữa. Đối với niềm tin con người nơi tôi đã bị vỡ nát đến mức lúc nào cũng phải rụt rè hãi sợ, lúc nào cũng phải đoán biết sắc diện con người mà cư xử cho phù hợp thì sự tin tưởng hết mực ngây thơ của Yoshiko tươi mới như một thác nước tinh khiết dưới tàn cây xanh. Vậy mà chỉ trong một đêm thác nước trong xanh kia biến thành màu đỏ quạch. Yoshiko từ sau đêm đó chú ý cảnh giác đến từng nụ cười từng nét mày chau của tôi.

Khi tôi cất tiếng gọi “này” thì nàng giật mình, lúng ta lúng túng không biết tránh ánh mắt nhìn của tôi bằng cách nào nữa. Dù tôi có chọc cười nàng đến đâu, dù cho diễn hề đến thế nào thì nàng cũng cứ rụt rè run rẩy mà sử dụng kính ngữ với tôi.

Vậy cuối cùng, niềm tin ngây thơ là tiền đề cho tội lỗi.

Tôi đã tìm đọc rất nhiều quyển sách về sự hiếp đáp vợ người nhưng chưa thấy ai bi thảm như Yoshiko cả. Về căn bản tình huống như Yoshiko không có trong truyện. Giả sử như giữa Yoshiko và người thương nhân kia có chút tình cảm gì như tình luyến ái thì tôi còn có thể hiểu được nhưng đằng này chỉ có một đêm mùa hạ, do Yoshiko quá tin người khiến từ đêm đó ấn đường tôi bị đâm sâu, giọng nói tôi khàn đi và tóc bạc bắt đầu nhuốm trên mái đầu xanh, còn Yoshiko một đời cứ phải rụt rè hãi sợ. Hầu hết trong những truyện tôi đọc đều nhấn mạnh đến điểm then chốt là người chồng có tha thứ cho “hành vi” của vợ mình hay không nhưng đối với tôi, đó không phải là vấn đề quan trọng và khổ đau đến thế. Tha thứ hay không tha thứ nằm ở chỗ quyền lợi nơi người chồng. Nếu cảm thấy không thể nào tha thứ được thì thay vì cãi nhau cứ viết một tờ giấy ly dị rồi cưới một người vợ mới là xong. Còn nếu không thể làm như vậy được thì cứ cắn răng mà chịu đựng cái “sự tha thứ” ấy. Đằng nào thì mọi sự cũng quy về cái “cảm xúc” của người chồng mà thôi. Có nghĩa là, đối với sự kiện như thế, người chồng sẽ bị sốc nặng. Nhưng cơn sốc ấy không phải như con sóng vỗ bờ liên miên bất tận mà nó nằm ở chỗ người chồng có thể xử lý được cơn giận dữ của mình để bảo vệ quyền lợi hay không? Nhưng trong trường hợp hai đứa tôi, tôi chẳng có quyền lợi gì, càng nghĩ tôi càng cảm thấy mình có lỗi. Đừng nói là giận dữ, ngay cả một lời mỉa mai cay đắng tôi cũng không thốt ra nổi. Còn người vợ sở dĩ bị làm nhục vì sở hữu một đức tính cao quý hiếm có. Hơn nữa cái đức tính đẹp đẽ gọi là niềm tin ngây thơ trong sáng ấy từ lâu đã làm người chồng ngưỡng mộ và tự hào.

Niềm tin ngây thơ đó phải chăng là tội lỗi?

Tôi bây giờ không hiểu sao nghi ngờ ngay chính cả cái mỹ đức duy nhất mình từng dựa vào ấy và niềm vui thú còn lại qua ngày chỉ có rượu bia. Mặt tôi trở nên vô cùng bần tiện. Tôi uống rượu từ sáng sớm, răng lung lay rồi rụng dần, truyện tranh hầu như chỉ còn vẽ được những hình bỉ ổi. Không, nói một cách rõ ràng thì thời gian đó, tôi vẽ lại những bức tranh xuân tình() và đem bán lén lút. Tôi muốn có tiền mua rượu uống. Cứ mỗi lần nhìn thấy Yoshiko rụt rè hãi sợ tránh ánh mắt nhìn của tôi là tôi lại nghi ngờ người này hoàn toàn không biết đề phòng là gì cho nên chuyện với gã thương nhân kia chưa chắc chỉ có một lần thôi đâu, hay là đã từng với Horiki nữa, hay từng với người nào tôi không biết? Nhưng tôi không đủ dũng khí để hỏi trực tiếp nàng nên cứ dằn vặt trong nỗi đau khổ bất an đó và vùi quên trong men cay. Đôi khi tôi thử hỏi nàng một vài câu bóng gió, tâm tư tôi chợt vui chợt buồn theo câu trả lời của nàng nhưng bề ngoài lúc nào tôi cũng diễn hề và rồi còn vuốt ve mơn trớn Yoshiko với sự chăm lo đầy địa ngục trước khi chìm vào giấc ngủ đen.

. Nguyên tác “xuân họa” (shunga), tranh vẽ hình nam nữ giao hoan trong các tư thế khác nhau.

Cuối năm đó, một đêm khuya, tôi say be bết trở về nhà và muốn uống nước đường. Vì Yoshiko đang ngủ nên tôi tự mình đi tìm. Khi mở nắp hũ đường ra thì không còn một viên đường nào cả, thay vào đó là một hộp giấy nhỏ dài màu đen. Tôi cầm lên xem thử và khi đọc chữ ghi trên nhãn thì tôi sửng sốt. Những chữ tiếng Nhật in trên nhãn đã bị móng tay cào đi quá nữa nhưng những chữ La tinh thì còn lại nguyên vẹn rõ ràng. DIAL.

DIAL. Do thời gian này tôi uống rượu quá nhiều nên không còn cần dùng đến thuốc ngủ nữa nhưng vì mất ngủ là căn bệnh trầm kha của tôi nên hầu như tôi biết hết tất cả các loại thuốc ngủ. Một hộp thuốc DIAL này uống vào là đủ chết. Tuy nắp hộp chưa được mở ra nhưng chắc chắn nó đã được cất giấu ở đây từ lúc nào đó, và còn được dùng móng tay cào mà đánh dấu nữa. Tội nghiệp quá. Cô bé kia không đọc được chữ La tinh nên nghĩ dùng móng tay cào đi một nửa nhãn ghi chữ Nhật là yên tâm rồi. (Em làm gì có tội).

Tôi len lén lấy nước đổ đầy cốc, cố gắng không phát ra tiếng động, xé hộp thuốc ra đổ hết vào miệng, uống nước vào cho trôi hết xuống họng rồi cứ thế tắt đèn mà đi ngủ.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio