Tần Nhượng Thư

cựu địa ngộ thê nhi

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Nhưng sóng gió giang hồ nào chịu sớm lặng yên! Gần giữa tháng ba, Vô Ưu Cái đột ngột đến Tổng đàn võ lâm cùng Nhương Thư, Nghi Tuyệt và đám nam nhân bàn bạc rất lâu, bọn đàn bà không đưọc tham dự.

Nửa đêm, Nhương Thư lên lầu bảo Ngọc Trâm thu xếp hành lý cho mình. Chàng phải đi ngay đến Tây Sơn vì Ải Thần Quân gặp kẻ thù cũ là Hằng Sơn song lão. Thần quân biết mình không thể địch lại nên đã nhờ đệ tử Cái bang gởi thư cầu cứu Nhương Thư!

Việc nghĩa chẳng thể đừng nên các nàng không dám cản trở, chỉ dặn dò chàng bảo trọng. Ai cũng bùi ngùi chỉ mình Đoan Mộc Anh khô lệ, chẳng nói năng gì.

Vô Ưu Cái và Tạ thần y đã khởi hànhh hồi chiều nên Nhương Thư một mình ra đi. Gần sáng, chàng mang mặt nạ rồi mới lên đường. Trong dung mạo một hán tử trung niên mặt mũi tầm thường, chàng chẳng sợ ai nhận ra mình.

Tháng ba là lúc xuân về đến vùng Hoa Bắc. Dọc đường, hoa dại lác đác nở, rừng cây đâm chồi nẩy lộc vì trút bỏ được lớp áo tuyết lạnh lùng.

Cảnh vật mùa xuân tươi thắm không làm ánh mắt Nhương Thư bớt nặng trĩu âu lo. Thực ra, Ải Thần Quân đã bị Hằng Sơn song lão bắt giữ ở trên núi Càn Sơn, căn cứ của Tứ Phạn Thiên cung.

Tại sao Song lão lại từ vùng cực Bắc Sơn Tây đến Thái Nguyên bắt Ải Thần Quân rồi đưa về tận Càn Sơn? Phải chăng họ đã được Âu Dương Lăng mang vàng đến dâng tặng, mời hai vị thần núi Bắc Nhạc về hỗ trợ?

Khó mà hiểu được, vì trong bức thư gởi đến Tổng đàn Cái bang chỉ viết mơ hồ : “Ải Thần Quân Tần Nhật Phủ hiện bị giam ở Càn Sơn, ai muốn gặp xin cứ đến!”

Cuối thư thự danh là : “Hai người già đất Hỗn Nguyên.”

Hỗn Nguyên chính là nơi ngọn Hằng Sơn tọa lạc, nên Vô Ưu Cái và Ngọa Long Tú Sĩ đã đoán ra Hằng Sơn song lão! Hai vị thần núi này tuổi độ tám chục, ba mươi mấy năm trước từng bị Ải Thần Quân đả thương. Nay có lẽ họ luyện thành thần công tuyệt thế gì đó nên mới bắt sống được Tần lão. Vả lại, Ải Thần Quân đã san sẻ cho Nhương Thư mười năm tu vi nên yếu đi.

Lời lẽ mơ hồ là để tránh trách nhiệm sau này, nhưng vật chứng thì rất thực. Đấy là bộ dao mổ mà Thần quân mang từ Ba Tư về.

Lỗ tú sĩ khẳng định việc này có liên quan đến Âu Dương Lăng, vì ngoài gã và đám đệ tử Tứ Phạn Thiên cung, không ai có thể vượt cánh rừng Mông Hãn Hoa, mang Thần quân đến Càn Sơn.

Và ngược lại, người duy nhất khả dĩ cứu được Thần quân là Tần Nhương Thư. Cái bẫy này dành riêng cho chính chàng!

Tuy biết thế nhưng Nhương Thư vẫn dấn thân vào hiểm địa, bằng mọi giá phải cứu cho được cha nuôi.!

Trước khi đến Thái Thất Sơn báo tin, Vô Ưu Cái đã sớm điều cao thủ ở phái Hoa Sơn và Cái bang tập trung ở bờ Nam Hoàng Hà. Họ sẽ dùng thuyền con vượt sang bờ Bắc, hỗ trợ Nhương Thư. Nhưng khổ thay, họ không thể theo chàng vào tận Càn Sơn, chỉ ở bìa rừng, chờ chàng mang Ải Thần Quân ra, chặn đánh truy binh thế thôi!

Chiều mười sáu, Nhương Thư có mặt ở bờ sông, Hầu bang chủ và Ngọc Tâm Tử đã hiện diện.

Họ Hầu nghiêm nghị dặn dò Nhương Thư lần cuối, trước khi chàng lên thuyền vượt sông :

- Tần hiền đệ! Ải Thần Quân tuổi đã gần trăm, nếu có chết thì cũng chẳng oan ức gì nữa! Nay ngươi đang nắm vận mệnh võ lâm, không được cưỡng cầu mà tính mạng lâm nguy, phụ lòng tin của mọi người.

Nhương Thư vâng dạ, hứa sẽ bảo trọng, song lòng chàng nghĩ sao thì chẳng ai hiểu được.

Xẩm tối, gần trăm chiếc thuyền con cỡi luồng sóng dữ sông Hoàng Hà mà sang bờ Bắc. Nước chảy xiết nên họ phải chèo cật lực, thả chéo từ một vị trí xa hơn dặm, chứ chẳng thể nào cắt ngang mặt sông mà thẳng tiến. Cuối canh hai, đoàn thuyền cặp bờ Bắc. Ba trăm cao thủ nằm lại mặt đê, chỉ mình Nhương Thư đột nhập Càn Sơn.

Nhờ nhãn lực phi thường, Nhương Thư chẳng cần đèn đuốc, nương ánh trăng băng rừng mà vào.

Đầu xuân, Mông Hãn Hoa nở rộ, hương thơm nhàn nhạt quyện lẫn sương đêm nên nồng nàn hơn ban ngày. Thật khó mà biết được tại sao loài hoa quái quỷ này lại duy nhất sinh sôi ở Càn Sơn?

Gần cuối canh ba, Nhương Thư đến được bìa rừng phía trong, ngồi trên chạng ba cây quan sát cảnh điêu tàn đổ nát của Tứ Phạn Thiên cung.

Không một công trình nào được xây dựng lại vì Càn Sơn chẳng còn là sào huyệt an toàn nữa.

Cỏ cây vô tri không có tội nên vườn hoa phía sau thạch cung dường như vẫn nguyên vẹn. Và giờ đây, trên bãi cỏ là một chiếc lồng gỗ kiên cố.

Đối phương chủ tâm dụ Nhương Thư vào bẫy nên không giấu diếm tù nhân mà tung ra như miếng mồi hấp dẫn.

Vườn hoa sáng rực bởi mấy chục cây đuốc lớn, soi rõ thân hình nhỏ bé, đáng thương của Ải Thần Quân trong cũi gỗ. Các ngọn đuốc đều có những mảnh đồng lá bóng loáng che phía sau để ánh sáng tập trung vào khu vực nhốt tù, và ngược lại, vòng ngoài vườn hoa khá tối tăm.

Trăng rất sáng nhưng không giúp Nhương Thư nhìn rõ toán mai phục trong những lùm cây, bụi hoa.

Nhương Thư đã được mấy lão hồ ly dặn dò kỹ lưỡng nên không loạn động, nhảy xuống đất cẩn trọng tiến về vườn hoa.

Chàng vượt qua tòa thạch cung đổ nát, êm ái như mèo đi một vòng để thám thính. Lạ thay, quanh hoa viên chẳng hề có một mống phục binh nào cả?

Như vậy, có lẽ là phe đối phương ẩn trong khu vườn cách nơi đây vài chục trượng? Nếu thế thì chàng đủ thời gian phá cũi gỗ, cõng nghĩa phụ đào tẩu, trước khi kẻ thù kịp kéo đến!

Bất Trí thư sinh từng tiên liệu trường hợp này và cảnh báo rằng khi ấy cái cạm bẫy sẽ nằm ngay nơi nhốt tù. Chỉ cần chục cân hỏa dược là Nhương Thư và cha nuôi sẽ cùng tan xác.

Nhương Thư căng mắt quan sát, nhận ra thảm cỏ chung quanh cũi gỗ hoàn toàn nguyên vẹn, không hề có dấu đào bới để chôn thuốc nổ. Củi gỗ có bốn chân cao hơn mặt đất ba xích, và phía dưới cũi là cỏ xuân mơn mởn, cùng màu với toàn khu vực.

Vậy là không có hỏa dược, Nhương Thư nằm im trong bụi hoa suy nghĩ, quyết định liều một chuyến. Tiếng rên khe khẽ của người trong cũi khiến chàng đứt từng khúc ruột, không còn nhẫn nại được nữa.

Nhương Thư chồm dậy, lao vút như tên bắn đến bên lồng gỗ, vung kiếm chặt phăng ổ khóa sắt, mở cửa kéo thân hình nhỏ bé của Ải Thần Quân ra.

Tiếng thép chặt thép vang lên khô khan, khá rõ ràng trong đêm vắng và dĩ nhiên đối phương luôn giám sát chặt chẽ khu vực nhốt tù. Tiếng báo động, quát tháo vang lại từ bìa rừng chung quanh không làm chàng lo sợ vì tự tin sẽ kịp thoát đi.

Song chính lúc này cái bẫy chết người mới hoạt động, Ải Thần Quân đột nhiên nhe răng cười ác độc, đồng thời giáng một quyền sấm sét vào ngực Nhương Thư. Thân hình chàng họ Tần văng ngược ra sau hơn trượng, lăn lông lốc trên thảm cỏ.

Ải Thần Quân ngửa cổ cười dài khoái trá, để lộ hàm răng khấp khểnh vàng ố, khác hẳn với hàm răng đẹp của Tần Nhật Phủ.

Và quái dị thay, thân hình lão ta dần dần duỗi ra, cao hơn trước hai gang tay, khiến bộ y phục lem luốc kia trở nên ngắn cũn cỡn. Công phu xúc cốt của người này quả đã đạt đến mức siêu phàm.

Lão ta đắc ý đi về phía thân hình bất động của Nhương Thư, thưởng lãm thành quả của mình. Nạn nhân có sống sót thì cũng trọng thương bởi cú đấm bất ngờ và vô cùng mãnh liệt vào ngực trái.

Song việc đời lại như phong vân, bất trắc chẳng thể nào lường trước được, nên đôi khi thợ săn trở thành kẻ bị săn. Nhương Thư đang nằm úp mặt xuống cỏ, bỗng ngẩng lên và hất tay hữu xạ một đạo chỉ kình vào bụng dưới kẻ thù. Trong khoảng cách nửa trượng, không ai có thể tránh được Lục Mạch thần chỉ cả!

Lão già lạ mặt kia rú lên thảm khốc, ôm bụng lảo đảo vì huyệt Khí Hải bị xuyên thủng. Ngoài cảm giác đau đớn của da thịt, phủ tạng, còn có cả sự kinh hoàng của một võ sĩ bị phế võ công.

Trong khí công, cơ thể con người có đến ba nơi mang tên Đan điền, ứng với Tam Tài: Thượng Đan điền nằm trong đầu, tụ điểm là huyệt Ấn Đường, ở giữa hai chân mày, là nơi chứa thần, thuộc về thiên của Tam Tài. Trung Đan điền nằm ở vùng bụng trên, tụ điểm là huyệt Trung Uyển, nằm trên rốn hai lóng tay, tàng trữ hậu thiên khí do hô hấp và địa khí (do ăn uống). Nó ứng với nhân của Tam Tài.

Tối quan trọng là Hạ Đan điền, nằm trong cùng bụng dưới rốn, tụ điểm là huyệt Khí Hải. Đây là nơi tàng chứa chân khí của người luyện nội công, sức lực từ đấy đi ra tứ chi và toàn cơ thể.

Nay lão già lạ mặt kia bị thăng Khí Hải, tức thị công lao luyện tập mấy chục năm hoàn toàn mất hết, nhưng không chết.

Tiếng rú thê lương của lão già khiến đồng đảng thất kinh, có giọng già nua hớt hải kêu lên :

- Nhị đệ làm sao thế?

Nhưng Nhương Thư đã đứng lên, chụp lấy nạn nhân, kê kiếm vào cổ lão ta và dõng dạc quát :

- Hằng Sơn đại lão! Mau đưa nghĩa phụ ta ra đổi lấy lão chết tiệt này!

Phe đối phương đã đến nơi, vây quanh Nhương Thư, tổng số đông đến gần trăm, đứng đầu chính thị Âu Dương Lăng là một lão nhân cao gầy, mặc đạo bào vàng.

Gương mặt đầy sẹo của Âu Dương Lăng lộ rõ vẻ thất vọng và căm hờn. Gã đã bị Nhương Thư chặt rụng ba ngón tay và đâm nát mặt ở bờ sông Hoàng Hà.

Âu Dương Lăng không sao tin nổi việc Nhương Thư có thể thoát chết dưới quyền của lão nhị Sầm Thành Dũ. Gã tức tối hỏi :

- Vì sao ngươi phát hiện được mưu kế này? Và phải chăng ngươi đã lót thép vào ngực?

Nhương Thư bình thản đáp :

- Nghĩa phụ ta suốt đời không ăn tỏi, còn lão quỷ họ Sầm này lại nồng nặc mùi ấy khiến ta cảnh giác, dồn chôn khí vào ngực. Khi lão xuất thủ, ta thuận đà nhảy đi nên chỉ bị thương nhẹ!

Nhương Thư không nói hết sự thực, vì đúng là chàng có mặc bảo y! Đoan Mộc Anh đã lột tấm Giao Bì Giáp của Kỵ Ba Thần Quân tặng cho chàng! Nếu không có nó, Nhương Thư đã bị thương nặng hơn nhiều.

Chàng không quen nói dối nhưng cũng biết im lặng để đỡ bị thiệt thòi trong chốn giang hồ, kẻ thật thà khó mà tồn tại được! May thay, cuộc chiến ở đèo Cù Vân được giữ kín, làm cho thiên hạ tưởng rằng Kỵ Ba Thần Quân sợ Nhương Thư nên rút về Đông Hải. Nếu biết Thành lão quỷ đã chết, chắc Âu Dương Lăng cũng tiên liệu được việc Nhương Thư có bảo y.

Bỗng lão nhị, con tin trong tay Nhương Thư thều thào lên tiếng :

- Đại ca! Tiểu đệ bị phế võ công chẳng muốn sống nữa! Đại ca cứ giết tên tiểu quỷ này và Ải Thần Quân để báo thù cho tiểu đệ!

Nhương Thư giật mình, không ngờ lão nhị lại kiên cường đến thế, khiến chàng mất đi cơ hội cứu cha nuôi. Chàng càng lo lắng hơn khi thấy Hằng Sơn đại lão Sầm Cơ Giảo đưa tay áo lau nước mắt rồi gằn giọng :

- Hay lắm! Chúng ta đều đã quá già, chết cũng chẳng sao! Ta thề sẽ phân thây gã tiểu tử chó chết kia, nấu cỗ cúng vong hồn hiền đệ!

Nhương Thư vội nói :

- Gia nghĩa phụ không có tội tình gì, Sầm lão cứ thả ông ấy ra. Ta hứa sẽ quay lại ngay để tôn giá rửa hận. Tần mỗ đương kim Minh chủ võ lâm, lời nói nặng hơn cửu đỉnh, quyết chẳng thất tín!

Sầm Cơ Giảo lưỡng lự hỏi :

- Ngươi có dám đem thanh danh của sư phụ là lão trọc Phật Đăng ra bảo chứng hay không?

Nhương Thư khẳng khái đáp :

- Có! Tại hạ xin thề trước vong linh của người!

Âu Dương Lăng vội can ngăn :

- Sầm tiền bối! Lỡ y không giữ lời, mang Ải Thần Quân chuồn thẳng thì sao?

Sầm lão đại cười nhạt :

- Lúc ấy là cả thiên hạ sẽ biết việc này và y sẽ chết trong nhục nhã.

Lão nói không sai vì giới võ lâm rất xem trọng lời hứa. Chẳng thà đang đánh mà phá vây đào tẩu, chứ đã hứa quay lại thì không thể sai lời.

Lát sau, Ải Thần Quân được mang ra. Thấy lão mê man, bất tỉnh, mặt mày, y phục lem luốc, Nhương Thư đau lòng khôn xiết, trầm giọng gỏi :

- Phải chăng tôn giá đã hạ độc thủ gia phụ?

Sầm lão đại cười nhạt :

- Lão họ Tần chỉ bị điểm huyệt và cho uống chút Mông Hãn Dược, không tin thì ngươi cứ kiểm tra thì sẽ rõ!

Từng nghe nói Hằng Sơn song lão tính tình cổ quái, ác độc, nhưng luôn giữ chữ tín, Nhương Thư yên tâm trao Sầm Thành Dũ cho hai gã đệ tử Tứ Phạn Thiên cung, đổi lấy Ải Thần Quân. Chàng kiểm tra kinh mạch cha nuôi, không thấy bế tắc, chân nguyên vẫn tụ ở Đan điền, hiểu rằng đối phương đã thành thực.

Nhương Thư vái Sầm lão đại :

- Tại hạ xin được đưa gia nghĩa phụ ra bìa rừng trao cho người khác rồi quay lại ngay! Cảm tạ tôn giá đã tin tưởng!

Nói xong, chàng bồng Ải Thần Quân lao vút về hướng Nam, ở đây, Sầm Cơ Giải thở dài, chua chát nói với Âu Dương Lăng :

- Ngươi là một thằng ngu nên mới đánh giá thấp tên tiểu tử này. Bản lãnh của gã còn cao hơn Ải Thần Quân một bậc!

Sầm lão nhị đã được băng bó, uống thuốc xong, trợn mắt bảo :

- Chẳng lẽ đại ca không tự tin giết được gã?

Lão đại cười nhạt :

- Hiền đệ yên tâm! Trừ phi gã mọc cánh mới thoát được trận này!

Nhương Thư thì sao? Chàng đi ra bờ sông bằng đường mòn, không phải băng rừng như lúc vào, nên tốc độ rất nhanh, chỉ vài khắc đã đến bìa rừng.

Bọn Vô Ưu Cái hoan hỉ phi thường, xúm lại hỏi han Nhương Thư :

- Làm sao ngươi cứu được Tần lão gia một cách dễ dàng như thế?

Nhương Thư trao Thần quân cho Triều Châu Thần Y chăm sóc rồi điềm đạm kể lại mọi việc. Ai nấy xám mặt vì lo lắng, nhưng không thể xúi chàng thất tín được. Chàng liền an ủi họ :

- Tại hạ thừa sức phá vây đào tẩu, chư vị chớ nên quá bi quan như vậy.

Vô Ưu Cái mỉm cười thê lương :

- Hiền đệ phải cẩn trọng đấy! Nếu không chắc giữ chân được ngươi, Sầm lão đại đâu bao giờ chấp nhận thả Ải Thần Quân. Nhưng thôi! Ngươi cứ đi đi!

Nhương Thư vái chào chung rồi quay bước, hiên ngang quay lại tử địa, trong ánh mắt thương cảm của mấy trăm người. Họ đau lòng và bi phẫn vì không thể giúp được chàng.

Nhương Thư vào đến chỗ hẹn thì trời cũng mờ sáng. Chàng cau mày nhận thấy nhân số đối phương đã đông gấp đôi lúc trước, có thêm hàng trăm gã sát thủ áo xanh nữa. Bọn này có lẽ là đệ tử của Báo Ứng hội lúc nãy đã ẩn trong rừng để cảnh giới.

Nhương Thư an nhiên thụ mệnh, bước đến trước mặt Sầm lão đại, ôm kiếm chào :

- Tại hạ y ước quay lại để tôn giá báo thù, nhưng xin nói trước rằng tại hạ sẽ phá vây đào tẩu đấy! Chư vị không cản nổi thì chẳng phải lỗi của Tần mỗ!

Sầm Cơ Giảo rút kiếm lạnh lùng đáp :

- Để xem ngươi lọt lưới bằng cách nào?

Lão vung kiếm tấn công ngay, không hề ngại mang tiếng già hiếp trẻ.

Trong nghề đánh kiếm, Nhương Thư chẳng ngán ai, ung dung xuất chiêu “Minh Đăng Thất Hiện”, vẽ nên bảy kiếm ảnh hình ngọn lửa.

Kiếm chạm kiếm, Nhương Thư rúng động vì phát hiện chân khí của mình bị đối phương hút mất một ít. Nghĩa là chỉ sau vài chục chiêu chàng sẽ kiệt lực.

Công phu bàng môn tả đạo này đã từng xuất hiện, song dưới hình thức dùng lòng bàn tay chạm da thịt nạn nhân mà đoạt chân lực. Nay Hằng Sơn đại lão đạt đến mức cách vật hấp chân, qua kiếm thu nội lực, thì quả là đáng kinh ngạc.

Nhương Thư đã được Phật Đăng Thượng Nhân giảng giải qua sự lợi hại của Hấp Tinh tà pháp, liền dồn hết công lực sang tả thủ, còn trường kiếm được điều khiển bằng sức mạnh của cơ bắp cánh tay phải.

Cũng giống như lần đấu với Quảng Đông Thần Đao Cốc Hậu Nhan ở Chính Khí trang, việc khổ luyện ngoại công của Nhương Thư đã có tác dụng. Tuy không được dồn chân khí nhưng cánh tay cuồn cuộc gân cốt của chàng cũng đủ sức thi triển chiêu kiếm thần diệu cầm cự với Sầm Cơ Giảo!

Một mặt, Nhương Thư giở pho Cửu Huyền chân pháp di chuyển quanh đối phương và tả thủ thoang thoảng xạ ra những đoạn chỉ xé phong.

Đấu pháp này đã phát huy tác dụng, vô hiệu hóa được tà pháp của Sầm lão đại, khiến lão vô cùng tức tối. Nếu Sầm lão nhị không bị phế võ nghệ thì Nhương Thư đã chẳng thành công. Ải Thần Quân cũng hành động như Nhương Thư, song lưỡng đầu thọ địch nên thất bại.

Sầm Cơ Giảo điên tiết tấn công như vũ bảo, quyết bắt đối phương chạm kiếm hầu đánh văng vũ khí. Nhưng Nhương Thư có trình độ kiếm thuật siêu phàm, chiêu thức biến hóa tuyệt luân. Hư thực khó lường, lăm le uy hiếp những tử huyệt, cộng thêm những đạo chỉ kình hiểm ác sẵn sàng đưa đối thủ vào chỗ chết.

Hằng Sơn đại lão đã thi thố hết sở học mà không làm gì được gã trẻ tuổi công phu ngoại lai. Lão đột ngột vung tả thủ vỗ một đạo chưởng phong sấm sét vào ngực Nhương Thư. Thì ra Âu Dương Lăng đã đem Thần Quang chưởng pháp làm mồi nhử Hằng Sơn song lão về giúp mình!

May thay, Nhương Thư đã quá quen với những động tác ấy, vừa thấy đối phương xòe bàn tay trái, khoe nửa vòng là chàng lập tức xoay dọc người nên phát chưởng chỉ trúng phớt ngực phải. Giao Bì Giáp cùng khả năng chịu đòn phi thường của tấm thân sắt thép đã vô hiệu hóa gần hết tác hại của đạo kình. Thân hình bị đẩy lệch đi, song không ảnh hưởng đến việc chàng xạ một đạo chỉ phong vào sườn trái họ Sầm.

Trong võ học, thế công càng mạnh thì càng lộ sơ hở, nhất là lúc đòn đánh chạm mục tiêu mà kết quả không đạt như mong muốn, và kẻ thù còn đủ sức để phản kích.

Năm xưa, Nhương Thư đâm thủng ngực trái Lã Tập Hiền, song tim lão nằm bên phải nên chàng thọ hại. Giờ đây cũng thế, phát chưởng cách không kia chẳng đả thương hoặc đẩy văng được Nhương Thư, thì với tư thế vương thẳng tả thủ, để lộ sườn trái, Sầm Cơ Giảo đã rơi vào hiểm cảnh.

Đạo tung xung chỉ tức khắc khoan thủng da thịt, làm tổn thương phủ tạng của nạn nhân. Sầm lão đại đau đớn rú lên, tung mình nhảy lùi ra xa.

Nhương Thư chưa kịp quay gót đào vong thì Âu Dương Lăng và bọn sát thủ dưới quyền đã ập đến. Đáng sợ nhất là tám đạo chưởng kình của Âu Dương Lăng và ba lão Chân khanh.

Dù rất muốn lao vào đổi mạng với kẻ đã sát hại cô vợ yêu dấu Bạch Thúy Sơn của mình, song Nhương Thư vì những người đang sống mà nuốt hận, cố trầm tĩnh chờ cơ hội tốt chớ chẳng dám khinh xuất.

Nhương Thư đề khí bốc cao hai trượng rưỡi, nhanh tay móc túi lụa đựng trăm viên Lân Hỏa Thần Đạn, xoay một vòng, rải đều xuống hàng ngũ dầy đặc của bọn sát thủ áo xanh.

Sự hào phóng này đã đem lại kết quả mỹ mãn, tiếng gào thét của sáu bảy chục kẻ xấu số vang lên, dọa khiếp bầy chim rừng đang ríu rít chào đón bình minh. Lửa lân hỏa cháy rất mạnh, không thể tắt dù nạn nhân có lăn tròn trên mặt đất, đương nhiên nó làm cho y phục bốc cháy ngùn ngụt.

Nhưng trước khi những viên Lân Hỏa Thần Đạn phát nổ lóc bóc, Nhương Thư đã múa tít trường kiếm che thân, sa xuống đầu một lão Chân khanh.

Chàng không chọn Âu Dương Lăng vì phát hiện công lực gã đã gia tăng thêm một bậc, cao hơn lần chạm trán trước. Được gần gũi những kẻ tài trí, khôn ngoan như Vô Ưu Cái, Bất Trí thư sinh, Ngọa Long Tú Sĩ, đầu óc Nhương Thư cũng mở mang thêm, hiểu rõ lẽ tiến thoái, quyết định rất sáng suốt.

Lão Chân khanh xấu số kia đứng hơi xa Âu Dương Lăng và hai lão còn lại, xem ra khá đơn độc. Lão vội cử song thủ vỗ liền bốn đạo chưởng kình vào màn kiếm quang đang bay đến, song không đủ sức cản được chiêu “Thiên Hỏa Giáng Ma”.

Có Giao Bì Giáp hộ thân, Nhương Thư an toàn vượt qua lưới chưởng, chặt đứt hai tay và đâm thủng ngực kẻ thù.

Tất nhiên, Âu Dương Lăng và hai lão Chân khanh kia không đứng im, họ nhất tề ập tới bủa chưởng vào lưng họ Tần. Song Cửu Huyền thần bộ đã giúp Nhương Thư sớm rời vị trí, lẩn ra phía sau lưng nạn nhân của mình, và xông vào hàng ngũ rối loạn của bọn sát thủ Tứ Phạn Thiên cung.

Những thân hình bốc cháy lăn lộn trên mặt đất luôn miệng rên la khiến bọn còn lành lặn phải nhụt chí, càng dễ chết dưới tay một kiếm thủ thượng thừa như Nhương Thư.

Âu Dương Lăng vội quát tháo thủ hạ và đuổi theo Nhương Thư. Nếu để chàng thoát chết lần này thì gã sẽ không còn đất sống. Trong cương vị Minh chủ võ lâm, Nhương Thư thừa lực lượng khiến gã phải trốn chui trốn nhủi suốt đời. Chính vì lý do ấy mà Âu Dương Lăng đã phải mang vàng bạc và tuyệt học Thần Quang dụ dỗ Hằng Sơn song lão hạ sơn.

Để khích lệ tinh thần thủ hạ, Âu Dương Lăng cao giọng :

- Ai đâm trúng Tần tiểu tử một kiếm sẽ được thưởng năm trăm lượng vàng.

Nếu không tham thì đã chẳng làm sát thủ, do vậy, môn đồ Báo Ứng hội và Tứ Phạn Thiên cung được hơi vàng tiếp thêm dũng khí, hăm hở lăn xả vào mỏ vàng là Nhương Thư, quên cả việc tử sinh. Gia dĩ, bản chất của bọn này đã sẵn hung hăng, liều lĩnh và can trường, từng làm nổi danh hai tổ chức khủng bố.

Địa Đường đao pháp của Sát Thủ hội không phát huy được nhiều vì mặt đất đầy dẫy những thi thể bị thương vì lân hỏa. Thân trên Nhương Thư lại do bảo y che chở, chàng điềm tĩnh phối hợp kiếm khí, đối phó với lũ côn đồ điên loạn và khát máu kia. Mỗi đường kiếm, mỗi đạo chỉ phong của chàng đều có kết quả khả quan, đả thương thêm vài chục gã thanh y.

Song dẫu sao Nhương Thư cũng đã bị cầm chân để Âu Dương Lăng và hai lão Chân khanh hạ thủ. Ba người này liên tiếp đẩy những đạo chưởng Thần Quang mãnh liệt, và vài phát đã trúng mục tiêu khiến chàng phải hộc máu! Họ rất xảo quyệt, luôn thay đổi vị trí để tránh những đòn chết người của Nhương Thư.

Đến rạng sáng, lực lượng đối phương bị thương vong hơn nửa, chỉ còn độ bảy tám chục, nhưng ngược lại, Nhương Thư cũng đã kiệt sức, rơi vào cảnh mãnh hổ nan địch quần hồ!

Biết thế đã cùng, Nhương Thư thầm gọi tên Bạch Thúy Sơn rồi quyết đổi mạng với Âu Dương Lăng. Chàng giết xong kẻ thù thì cũng khó sống sót, có thể thực hiện lời hứa đồng hành!

Trong phút giây tối hậu, hình bóng người thân thoáng hiện lên nhưng không thay đổi được tình thế. Giờ đây, chàng có muốn đào tẩu để toàn sinh thì cũng chẳng thể được!

Song bỗng nhiên, xa xa vọng lại tiếng rú thánh thót, quen thuộc của Đoan Mộc Anh. Không hiểu vì sao cô gái rừng lại có mặt và vào được chốn này? Thêm một tay kiếm lợi hại như Anh nhi là hy vọng sống sót vẫn còn. Nhương Thư phấn khởi đảo bộ tránh chiêu chưởng của Âu Dương Lăng rồi xông vào hai gã áo xanh mé hữu.

Khi bản năng sinh tồn trỗi dậy, sinh lực con người cũng tăng lên, đường kiếm của Nhương Thư dũng mãnh đánh bạt hai thanh đao, đâm thủng yết hầu kẻ địch. Chàng tiếp tục xấn tới, đánh thốc về hướng Nam, nơi mà Đoan Mộc Anh đang lao đến.

Song Anh nhi không đến một mình mà mang theo hàng vạn con ong độc, khách hàng của loài Mông Hãn Dược. Trong khu vườn quanh Càn Sơn, thú lớn không sống nổi, chỉ có loài côn trùng là tồn tại được. Mông Hãn Hoa nở gần như quanh năm nên số lượng đàn ong phát triển khá đông, tuy không độc bằng ong vàng ở Cưu Sơn nhưng cũng đủ khiến bọn Âu Dương Lăng phải bối rối.

Đoan Mộc Anh lướt đi như gió, miệng phát ra những âm thanh sè sè kỳ lạ, đưa đàn ong đến đấu trường. Nàng hung hãn như hổ cái, xông vào tấn công một tên áo xanh ở vòng ngoài, Thiên Cương bảo kiếm lập tức đánh bạt vũ khí rồi đâm thủng bụng gã.

Tuy là nữ nhi những mang bản chất hoang dã nên lối đánh của Anh nhi cực kỳ cương mãnh và liều lĩnh, khí phách dọa khiếp kẻ thù.

Lúc này, hàng vạn con ong đã hỏi tham da thịt của đám đông, kể cả Đoan Mộc Anh và Nhương Thư. Đôi vợ chồng trẻ này không sợ độc, trong lúc đối phương tối tăm mặt mũi.

Cục diện đã đảo ngược, Nhương Thư hiểu rằng đây là cơ hội hiếm có để giết Âu Dương Lăng. Gã đang cuống cuồng giơ đôi bàn tay thiếu mấy lóng, dệt lưới chưởng để chống cự với lũ ong, hai lão Chân khanh kia cũng vậy.

Nhương Thư liền thi triển Cửu Huyền thần bộ đến mức chót, lướt nhanh qua những gã áo xanh vô hại, đang cố phủi ong khỏi mặt, xông về phía Âu Dương Lăng.

Gã nhận ra tử thần hơi muộn màng, chỉ còn cách cử chưởng đối phó bằng chín đạo chưởng phong bài sơn đảo hải. Với công lực hơn hoa giáp, gã tự tin có thể chặn bước một kẻ đã hao tổn chân nguyên.

Chưởng kình chạm lưới kiếm ở khoảng cách một trượng, có vẻ như khá an toàn. Song đột nhiên thân hình Nhương Thư ngã vật ngửa, y như người trượt vỏ chuối vậy. Và chàng lướt dài phía dưới những đạo chưởng phong, trong chớp mắt đã ở dưới chân đối thủ.

Âu Dương Lăng kinh hoàng đề khí bốc lên không trung để tránh cái chiêu thức kỳ quái kia. Nhưng bảo kiếm đã rời tay Nhương Thư, bay vút theo, cắm xiên từ bụng dưới, trở ra bả vai của gã.

Chiêu này không có trong Phật Đăng kiếm pháp hay Huyền Không kiếm phổ mà do Nhương Thư nghĩ ra khi nhìn thấy Địa Đường đao pháp. Chàng hơi ngốc sự đời nhưng trong nghề võ thì mẫn tiệp phi thường.

Âu Dương Lăng rú lên ghê rợn, rơi phịch xuống mặt cỏ nhàu nát. Nhương Thư chồm lên rút kiếm ra, cẩn thận chặt đầu gã, xách chạy về phía Đoan Mộc Anh. Chàng hớn hở cao giọng :

- Anh muội đi thôi! Ta đã giết được Âu Dương Lăng rồi!

Anh nhi nhe hàm răng trắng nhọn vui vẻ nói :

- Tiểu muội giết chưa đã tay, đại ca chờ thêm vài khắc nữa!

Nàng là người duy nhất chưa chịu gọi Nhương Thư là tướng công, và cũng chưa trao thân cho chàng! Nhương Thư và Đoan Mộc Anh từng ngủ chung, song Anh nhi chỉ huyên thuyên trò chuyện nói cười, rồi ôm chàng mà ngủ tỉnh bơ. Dường như Nhương Thư cũng hài lòng với việc ấy, không hề đòi hỏi ái ân!

Nhắc lại, dù Đoan Mộc Anh chưa thỏa mãn lòng hiếu sát, song phe đối phương thấy thủ cấp Âu Dương Lăng thì đều nản chí bỏ của chạy lấy người, chẳng còn một mống! Hằng Sơn song lão cũng thế!

Nhương Thư không cho Anh nhi đuổi theo, kéo nàng vào lòng, hôn lên má và khen ngợi :

- Hảo hiền muội! Không có ngươi thì ta đã chết ở chốn này rồi!

Anh nhi cười hồn nhiên :

- Tiểu muội rình nghe cuộc bàn luận nên biết rõ mọi việc. Do lạc đường mà tiểu muội đến trễ, bị Hầu lão ca ngăn cản nhưng cứ xông vào đại, nào ngờ chẳng bị mê man bởi Mông Hãn Hoa. Thấy trong rừng có nhiều tổ ong, tiểu muội liền kéo chúng theo!

Hai người nắm tay nhau chạy về hướng bờ sông, tiếng cười trong trẻo của Anh nhi đã sớm đến tai bọn Vô Ưu Cái. Họ mừng rỡ tụ tập chào đón kẻ trở về từ cõi chết.

Trước khi đi Càn Sơn, Nhương Thư đã trao lệnh kỳ và kiếm ấn cho Hoàng Nghi Tuyệt, nhờ gã tạm đảm đương đại nhiệm trong trường hợp chàng táng mạng. Nay không những sống sót, Nhương Thư còn giết được Âu Dương Lăng, niềm vui được nhân đôi!

Về đến Tổng đàn võ lâm, Nhương Thư bị bốn ả cằn nhằn trách móc đủ điều, nhưng Đoan Mộc Anh lại được ngợi khen quá cở!

Thủ cấp của Âu Dương Lăng được ướp thuốc cẩn thận, chờ khi xác định rõ việc sống chết của Thúy Sơn mới đặt lên bàn tế vong! Do lời khẳng định của hai vị đại quân sư là Bất Trí thư sinh và Ngọa Long Tú Sĩ nên cả nhà đều tin tưởng rằng Thúy Sơn còn sống. Nhương Thư thì nghi ngờ nhưng chẳng dám nói ra.

Sự vụ ở Tổng đàn võ lâm rất bề bộn, đơn kiện cáo từ khắp nơi gởi về, cả thiếp mời sinh nhật, đám cưới cũng chẳng ít. Người của Tổng đàn tất bật ngược xuôi để giải quyết những tranh chấp giữa các bang hội.

Lúc này mới thấy hết được tài thao lược của Ngọa Long Tú Sĩ và Bất Trí thư sinh. Họ luôn tìm ra cách thu xếp ổn thỏa mối bất hòa, chỉ một phong thư với những lời lẽ sáng suốt, đầy đủ ân, uy, là hai phe bãi chiến.

Chưởng kỳ sứ Hoàng Nghi Tuyệt cùng bọn Thiết Kình Ngư đảm đương toàn bộ gánh nặng, không để Nhương Thư phải nhọc nhằn vì bất cứ việc gì. Chàng đã bôn ba, gian khổ quá nhiều, giờ xứng đáng được nghỉ ngơi.

Tất nhiên, mọi sự đều được tường trình qua Minh chủ võ lâm để được duyệt và ấn ký. Nhương Thư thấy cái gì cũng hoàn hảo, không chê vào đâu được, liền cười bảo :

- Xem ra, với tài ba của chư vị, dẫu không có ta thì võ lâm cũng vẫn thanh bình!

Bất Trí thư sinh xua tay, nghiêm giọng :

- Hiền đệ sai rồi! Dù ngươi không thường xuất hiện nhưng thần oai bao trùm vũ nội khiến tà ma khiếp vía, hào kiệt tứ phương nể phục, nên công việc mới trôi chảy như vậy. Thiếu ngươi, phong ba sẽ nổi lên ngay.

Ải Thần Quân đã hoàn toàn bình phục, đưa cả Nan Tiên Cơ về Tổng đàn võ lâm sống với Nhương Thư. Vợ chồng họ dù bất lão nhưng việc chửa đẻ chắc chắc khó xong nên muốn được ẳm bồng những hài nhi sắp chui ra khỏi bụng ba ả họ Điền.

Thần quân giơ ngón cái cười khanh khách :

- Thư nhi! Giờ đây ngươi còn oai phong hơn cả Phật Đăng Thượng Nhân rồi đấy!

Nhương Thư ngượng ngùng mỉm cười, đáy mắt phảng phất nỗi buồn sâu kín. Chàng thương nhớ Thúy Sơn vô vàn.

Gần cuối tháng tư, ba chi em họ Điền lần lượt hạ sinh hai nam, một nữ. Bạch Cúc, Uyển Xuân vui vẻ, còn Mã Lan có ý buồn vì đẻ con gái.

Nhương Thư hiểu ý, dỗ dành người vợ hiền lành, thùy mị :

- Con gái chúng ta sau này sẽ giống nàng, vừa xinh đẹp, vừa nhân hậu. Lũ nam tử nghịch ngợm, phá phách, có gì đáng yêu đâu?

Mã Lan dương đôi mắt nhung huyền, ướt mượt, sung sướng hỏi lại :

- Tướng công nói thực lòng chứ?

Nhương Thư gật đầu hạ giọng :

- Nàng không thấy ta xem Anh muội như em gái đấy sao?

Mã Lan che miệng cười :

- Nay bọn thiếp đều bận bịu con thơ, đã đến lúc Anh muội hầu hạ chàng rồi đấy!

Nhương Thư vui vẻ lắc đầu :

- Ta đã có quá nhiều vợ, thích em gái hơn!

Đầu tháng bảy, cuộc truy tìm Bạch Thúy Sơn trên phạm vi cả nước vẫn không có kết quả. Vậy là chỉ còn hơn tháng nữa tang lễ của Minh chủ đại phu nhân sẽ được cử hành. Một năm là thời hạn đủ để xác định việc sống chết của Thúy Sơn.

Tối mùng hai, Nhương Thư cùng bọn Nghi Tuyệt, Tào Ưng thù tạc. Lòng sầu muộn nên chàng uống nhiều hơn thường lệ. Men rượu chẳng giúp làm vơi nỗi nhớ nhung, lại còn khơi dòng ký ức, khiến bao nhiêu kỷ niệm về hai người vợ bạc mệnh xâu xé tâm hồn chàng! Cái chết minh bạch của Bạch Ngọc Tiên Tử không làm chàng thống khổ bằng sự mơ hồ trong sinh tử của Thúy Sơn.

Bọn Hoàng, Tào gọi chàng là Tần minh chủ, sao nghe xa lạ và cay đắng. Cảnh vinh thân phì gia này chàng nào có thể yên tâm hưởng thụ khi vong hồn Thúy Sơn cứ vất vưởng ngoài cửa hoàng tuyền mà chờ đợi. Hoặc vì không được chôn cất tử tế mà nàng không siêu thoát nổi!

Hình bóng căn mộc xá ở ngoại thành Khai Phong, chốn tràn ngập ái ân chợt hiện lên khiến lòng Nhương Thư đau nhói và choáng váng! Nỗi khát khao được quay lại nơi ấy đã xâm chiếm tâm hồn chàng, xua đuổi tất cả những ý niệm khác.

Nhương Thư tư lự bảo :

- Hoàng huynh! Tào huynh! Mờ sáng, tại hạ sẽ lên đường đi Khai Phong vì việc riêng! Mong nhị vị giữ kín lộ trình và trấn an giùm đám nữ nhân!

Nghi Tuyệt nhìn chàng bằng ánh mắt ấm áp, gật đầu hứa :

- Minh chủ cứ yên tâm khởi hành, nhưng trong mười ngày xin báo tin về để mọi người yên tâm!

Thiết Kinh Ngư Tào Ưng nốc cạn chén rượu rồi lên tiếng :

- Tại hạ sẽ tháp tùng cùng Minh chủ! Ưng tôi cũng muốn thắp vài nén hương cho người bạn cũ họ Bạch!

Nhương Thư gượng cười :

- Té ra Tào huynh cũng đoán ra tâm sự của ta ư?

Tào Ưng cười buồn :

- Lòng dạ của Minh chủ thế nào chẳng lẽ Tào Mỗ lại không biết?

Đêm ấy, Nhương Thư vẫn giấu kín nỗi buồn, làm nhiệm vụ với người đang sống. Hổ Hồng Nhan không hề nhận ra, đắm đuối chìm vào khoái lạc rồi ngủ vùi.

Tóc nàng chỉ mới mọc dù được hơn gang, luôn phải mang tóc giả, ngay cả khi gần gũi trượng phu. Nàng đã van lụy Ải Thần Quân ban cho thứ thuốc kích thích tóc mau dài. Tuy Thúy Sơn là gái giả trai, nhưng việc nàng say đắm gã mà bỏ Nhương Thư cũng là lỗi lầm chẳng nhỏ.

Từ ngày nàng quay về, Ngọc Trâm luôn khép nép, nhũn nhặn với ba cô em gái, chỉ sợ họ đem chuyện xưa ra chế giễu. May thay, ngay cả cô ả khó chịu nhất là Bạch Cúc cũng vì tình chị em mà tha thứ hết.

Cuối canh tư, Nhương Thư lặng lẽ xách tay nải nhỏ và bảo kiếm rời phòng. Thiết Kình Ngư đã chờ sẵn ở cổng Tổng đàn với hai con tuấn mã. Hoàng Nghi Tuyệt cũng có mặt, rót cho hai kẻ đăng trình chén rượu tống biệt ấm tình bằng hữu.

Nhương Thư và Tào Ưng dắt ngựa hơn dặm mới dám thượng mã. Họ phi nước đại, lướt trong màn sương khuya, tiếng vó câu khua vang có hương vị hào sảng của kiếp sống giang hồ, khiến nỗi sầu trong lòng người lữ thứ dịu đi.

Bảy ngày sau, hai người đến thành Khai Phong, vào khách điếm nghỉ trọ. Dùng cơm trưa xong, họ đi đến cánh rừng phía Đông Cô Ðộc bảo, tìm lại căn mộc xá của Tích Bảo chân nhân.

Nhương Thư gởi ngựa nơi nhà lão tiều phu ở bìa rừng, theo lối cũ rảo bước. Gọi lối cũ là về phương diện tâm lý, thực ra chẳng hề có đường mòn, đường lớn gì cả. Nhương Thư nhắm hướng đi theo ký ức, được vài dặm bỗng phát hiện phía trước có tiếng cành lá khua động và tiếng chân người nặng trĩu.

Thân đương đại nhiệm, lại nhiều lần chết hụt nên giờ đây Nhương Thư rất thận trọng. Chàng và Tào Ưng rón rén nương theo gốc cây, bụi rậm đi về hướng ấy.

Chàng tròn mắt kinh ngạc khi nhận ra lão tiều phu rách rưới, lưng cõng bó củi lớn kia là Hồng Diện Tôn Giả Hoàng Duy Do. Gương mặt hốc hác, ánh mắt lạc thần, cũng như dáng điệu mệt mỏi của lão đã khiến Nhương Thư cảnh giác, không dám chạy đến mừng.

Tôn Giả bước đi nặng nề, chứng tỏ võ công đã mất hết và hình dung tiều tụy kia chứng tỏ lão đang bị bạc đãi. Nhương Thư đau lòng khôn xiết, cố nhẫn nại bám theo để tìm hiểu sự thể. Kẻ đã khống chế được một bậc kỳ nhân trong Vũ Nội tứ thần phải có bản lĩnh lợi hại phi thường, chàng chẳng thể khinh xuất được.

Tào Ưng thì thầm :

- Tần minh chủ! Dường như Hoàng lão gia bị trúng tà pháp thì phải!

Hoàng lão không hề phát hiện việc mình bị theo dõi, oằn lưng cõng củi chậm bước, hai khắc sau về đến tòa mộc xá, nhà của Tích Bảo chân nhân.

Hai người phục lại bên ngoài, bàng hoàng nghe tiếng khóc oe oe của một hài nhi. Nhương Thư từng nghe ba đứa con của mình khóc nên đoán rằng tiểu hài này mới sinh. Chàng bồi hồi tự hỏi : “Phải chăng Thúy Sơn còn sống và đã khai hoa nở nhụy?” Chàng chỉ muốn xông thẳng vào mộc xá để rõ thực hư, nhưng từ trong ấy đã có người bước ra.

Đấy là một đạo nhân áo xám, tuổi độ lục tuần, râu tóc hoa râm, mặt chữ điền rắn rỏi, dễ coi.

Trên ngực lão có đeo một viên pha lê màu đỏ tía, lớn bằng quả vải, không nhẵn nhụi mà nhiều mặt cắt. Tương tự tinh thể kim cương, lấp lánh phản chiếu ánh dương quang.

Trên lãnh thổ Trung Hoa hoàn toàn chẳng có mỏ kim cương nào cả, chính người Tây Dương đã đem thứ đá quý ấy đến bán cho hoàng hậu, phi tần và bọn mệnh phụ đất Bác Kinh.

Song với Nhương Thư thì viên pha lê kia có ý nghĩa khác. Chàng đã được Ải Thần Quân truyền thụ hết pho Di Hồn đại pháp nên biết nó là dụng cụ để thi triển thuật thôi miên. Chàng cũng có một viên như thế!

Thiết Kình Ngư hồi hộp nói nhỏ :

- Lão này chính là Tích Bảo chân nhân Tư Mã Hầu, bảy năm trước ta từng gặp ở Tế Nam! Lão vốn không phải kẻ ác, sao lại khống chế, đày đọa Hoàng lão gia nhỉ?

Nhương Thư trầm ngâm đáp :

- Một kẻ tham tài bảo thì không bao giờ là kẻ tốt được! Chẳng qua trước đây lão khéo che giấu bản chất thực đấy thôi. Ta đoán rằng cả Thúy Sơn cũng bị lão ta uy hiếp!

Tào Ưng ngơ ngác :

- Nhưng nữ nhân trong mộc xá là một người đàn bà có con cơ mà?

Nhương Thư rầu rĩ gật đầu :

- Sơn muội đã cấn thai trước khi ngộ nạn!

Tào Ưng cân nhắc :

- Vậy là có thể chính Tích Bảo chân nhân đã cứu mạng đại phu nhân, song vì lý do bí ẩn nào đó nên đã không buông tha, giam giữ mãi đến bây giờ?

Lúc này Tích Bảo chân nhân đã rút kiếm ra khỏi vỏ, dựng đứng trước mặt, ngắm nghía với ánh mắt say sưa. Thân kiếm bóng loáng như gương kia bỗng nhiên tỏa ánh xanh mờ một cách thần kỳ. Chỉ có loại thần kiếm thời Xuân Thu Chiến quốc mới phát quang khi được dồn chân khí!

Vậy là thanh kiếm ngắn này chính thị là Mạc Gia thần kiếm mà Báo Ứng hội chủ từng muốn chiếm đoạt.

Tích Bảo chân nhân bắt đầu luyện kiếm, thi triển một loại kiếm pháp cực kỳ ảo diệu và lạ mắt, hào quang của thân kiếm mỗi lúc một thêm rực rỡ, bay loạn như rồng xanh, khí thế oai vũ phi phàm. Nhương Thư thầm chột dạ vì nhận ra rằng những chiêu kiếm kỳ bí kia thật khó giải phá, vì kiếm của chàng sẽ bị chặt gẫy trước khi chạm cơ thể đối phương.

Tào Ưng cũng thức ngộ được sự lợi hại của pho kiếm, liền ái ngại hỏi :

- Liệu hai ta hợp sức có thắng nổi không?

Nhương Thư gật đầu :

- Được! Nhưng trước tiên phải đưa hai mẹ con Thúy Sơn thoát khỏi vòng vây nguy hiểm. Hoàng tôn giả đã lại đi hái củi, không đáng lo! Sau đó, chúng ta liên thủ hành động, Tào Ưng huynh hãy thi triển Cửu Huyền bộ pháp, bám chặt lưng Tư Mã Hầu mà quấy rối, tạo cơ hội cho ta hạ thủ!

Thiết Kình Ngư đã được chàng dạy cho pho thân pháp ảo diệu kia, nay có dịp áp dụng, lòng rất phấn khởi.

Hai người êm ái chuồn ra phía sau mộc xá, đột nhập vào. Nhương Thư từng ở đây khá lâu nên rành rõ địa hình. Chàng cẩn thận quan sát, nước mắt trào tuôn, nhịp tim loạn xạ khi nhận ra người đàn bà gầy yếu, xanh xao đang ngồi cho con bú kia chính là Bạch Thúy Sơn!

Không để cho tiếng kêu kinh ngạc vang lên, đánh động Tích Bảo chân nhân, Nhương Thư lướt đến, búng một đạo chỉ phong khóa á huyệt của Thúy Sơn, bồng xốc cả hai mẹ con lên mà chạy ngược ra phía sau mộc xá.

Lúc đầu, Thúy Sơn còn bỡ ngỡ, nửa mừng, nửa sợ vì gương mặt thực của trượng phu. Nhưng khi nhìn thấy Thiết Kình Ngư và nụ cười rạng rỡ, nàng hiểu rằng đây là sự thực.

Nhương Thư ôm vợ con đến một vùng cây cối rậm rạp, kín đáo, cách mộc xá vài chục trượng mới dừng bước, giải huyệt cho Thúy Sơn.

Tiếng nấc nghẹn ngào bật ra :

- Tướng công! Thiếp mỏi mòn trông đợi chàng từng khắc, tưởng chẳng bao giờ được gặp lại nhau.

Nhương Thư nuốt lệ hỏi :

- Tích Bảo chân nhân có đáng chết hay không?

Thúy Sơn vừa nức nở vừa gật liên hồi :

- Tư Mã Hầu là người ác độc và tàn nhẫn, tướng công hãy mau giết đi, tuyệt đối không được nương tay!

Hình dung tiều tụy và ánh mắt sợ hãi kia đã biểu hiện được những đắng cay, thống khổ mà nàng phải chịu đựng. Nhương Thư nghe lòng bốc lửa, hôn lên trán Thúy Sơn rồi dặn dò :

- Nàng cứ ẩn náu chỗ này! Ta và Tào huynh giết lão quỷ ấy xong sẽ trở lại ngay!

Tào Ưng cũng nói :

- Sơn muội cứ yên tâm, ta thề sẽ băm nhỏ lão khốn kiếp ấy ra!

Trong lúc xúc động, gã chẳng khách sáo nữa, xưng hô thân thiết như ngày xưa.

Hai kiếm thủ lướt như bay vể sân trước mộc xá, Tích Bảo chân nhân vẫn còn say mê luyện kiếm, không hề phát hiện ra khách lạ.

Nhương Thư lạnh lùng hắng giọng, khiến lão giật mình dừng tay, có lẽ Chân nhân biết chàng nên đảo tròng mắt gian xảo, tươi cười :

- Bần đạo vui mừng được tiếp kiến Tần minh chủ!

Tào Ưng nóng nảy chửi ngay :

- Đừng xảo quyệt uổng công, bọn ta đã biết rõ cả rồi! Lão hãy dọn mình chờ chết!

Chân nhân sực nhớ ra rằng nãy giờ không nghe tiếng tiểu hài ọ ẹ, tức thị mẹ con Thúy Sơn đã được giải thoát. Lão tức tối gằn giọng :

- Ngươi tưởng ta sợ chăng?

Nhương Thư phẫn nộ đến mức không thèm lên tiếng, rút kiếm xông vào ngay. Chàng không nên thi triển phép Ngự kiếm vì thanh Mạc Gia sắc bén vô song, nhưng chàng lại làm thế khiến lão Tích Bảo chân nhân mừng rỡ vô cùng. Lão tin rằng mình sẽ đắc thủ ngay chiêu đầu, liền múa tít bảo kiếm lao đến đổi đòn. Pho kiếm pháp của Tư Mã Hầu khác lạ ở chỗ có rất nhiều thế chém, tuy trái với tinh thần kiếm đạo, song lại phát huy được hết uy lực của Mạc Gia thần kiếm. Mục tiêu của lão là hủy vũ khí của đối phương trước, hạ sát sau!

Chính Thiết Kình Ngư cũng ngỡ ngàng lo sợ cho Nhương Thư, tưởng chàng vì quá nóng giận nên quên mất sự lợi hại của thần binh.

Nhưng cả hai đều lầm, nỗi căm hờn càng khiến Nhương Thư tỉnh táo suy tính, tìm cách giết kẻ thù nhanh nhất. Việc chàng đánh chiêu “Huyền Chi Hựu Huyền” bằng phép Ngự kiếm là giả trá, thân kiếm chỉ được phổ ba thành chân khí. Và khi kiếm sắp chạm kiếm, thân hình Nhương Thư đột ngột bốc thẳng lên cao. Tất nhiên Tích Bảo chân nhân hụt mất mục tiêu, thuận đà vẫn lướt đi, thành ra Nhương Thư lại ở phía sau lưng lão.

Chàng không bỏ lỡ cơ hội, lộn ngược đầu, xỉa tả thủ xạ liền sáu đạo chỉ kình mãnh liệt. Là người bách chiến, luôn phải đối đầu với những đại cao thủ, kinh nghiệm lâm trận của Nhương Thư rất dầy dạn. Chàng lo ngại Tích Bảo chân nhân mặc giáp nên bỏ thân trên mà tấn công hạ bàn. Do vậy, mông và đùi sau của Tư Mã Hầu trúng đòn, cơ bắp bị tổn thương, không còn có thể đào tẩu được nữa! Lão đau đớn thét lên, vừa sợ hãi vừa bàng hoàng vì bản lãnh kỳ tuyệt của Nhương Thư. Lão không ngờ rằng mình lại thọ thương ngay trong chiêu đầu tiên!

Tích Bảo chân nhân đào trộm một ngôi mộ cổ, tìm thấy Mạc Gia thần kiếm và kiếm phổ, tưởng mình có thể đứng đầu thiên hạ nhưng lão lại quên rằng mình hoàn toàn thiếu kinh nghiệm giao đấu và điều kiện ấy quan trọng chẳng kém gì võ nghệ.

Giờ đây, có muốn đào vong cũng chẳng xong, lão cắn răng chống cự sự giáp công của hai địch thủ. Vả lại, tài sản bao năm tích cóp ở cả chốn này, dưới nền mộc xá, và khổ thay, lão đã từng khoe với Thúy Sơn.

Nhưng càng đánh, Tư Mã Hầu càng tuyệt vọng bởi thân pháp chập chờn và nhanh như thiểm diện của đối phương.

Hai đùi đau buốt, Tích Bảo chân nhân mất hẳn sự linh hoạt, không xoay trở kịp nên trúng vài kiếm của Nhương Thư. Song, quả thực là lão có mặc bảo y bên trong đạo bào nên chẳng chết được.

Nhương Thư mừng vì mình đã hành động đúng, liền tập trung tấn công mặt và bụng dưới kẻ thù. Từng phải đối phó với Hằng Sơn đại lão Sầm Cơ Giảo, Nhương Thư đã quen lối đánh Điểm Tinh, dùng toàn những thế đâm, vũ khí không chạm nhau mà vẫn uy hiếp được kẻ thù. Chỉ có người sở đắc kiếm đạo thượng thừa mới làm được như chàng.

Nhương Thư quắc đôi thần nhãn, chiếu xuyên màn kiếm ảnh, thọc những đường gươm thiểm điện làm cho Tư Mã Hầu kinh tâm táng đởm.

Chân đau, lại phải phân tâm đối phó với Thiết Kình Ngư ở phía sau nên dù có bảo kiếm, bảo y mà lão vẫn phải chịu thế hạ phong.

Điều quái lạ của trận đấu này là không hề có tiếng thép chạm nhau, chỉ có tiếng kiếm kình xé gió, tiếng chỉ phong rít ghê người.

Vết thương nơi hai đùi sau càng đau nhức và tuôn máu không ngớt làm cho giảm sức lực của Tích Bảo chân nhân. Tất nhiên, bộ pháp của lão cũng chậm dần, mặt và bụng trúng ba chỉ của Nhương Thư, bộ dạng vô cùng thảm não.

Nghĩ đến việc lão là ân nhân cứu mạng Thúy Sơn, Nhương Thư bất nhẫn không muốn giết và lên tiếng :

- Lão hãy buông kiếm đầu hàng, ta sẽ tha mạng cho!

Tích Bảo chân nhân đang trong tuyệt vọng nên rất bất ngờ trước tấm lòng từ bi của đối phương. Nỗi vui mừng đã khiến lão phân tâm mà tuyệt mạng.

Thì ra Tào Ưng không hài lòng với quyết định nhân từ của Nhương Thư nên đã hạ độc thủ. Gã ôm kiếm lăn tròn, cuốn đến chân Tư Mã Hầu. Lão ta kinh hoàng vung kiếm chém mạnh, chặt gẫy vũ khí của họ Tào. Thanh Mạc Gia thần kiếm thuận đà hung hãn xả xuống người Thiết Kình Ngư. Song Nhương Thư đã không để lão giết chết người thân của mình, kịp ập vào thọc kiếm tiện đứt cánh tay hữu Tích Bảo chân nhân, cứu mạng Tào Ưng.

Thiết Kình Ngư chẳng hề ngần ngại, nghiến răng đâm thủng bàng quang lão ác đạo bằng thanh kiếm gẫy chỉ còn một nửa.

Gần cuối trung tuần tháng bảy, có hai cỗ xe song mã dừng trước Tổng đàn võ lâm.

Tiếng reo hò vang lên náo nhiệt khi hai mẹ con Thúy Sơn được Hoàng tôn giả đỡ xuống xe. Cỗ song mã thứ hai chất đầy ngọc ngà châu báu và cổ vật. Tào Ưng đã vét sạch gia sản của Tích Bảo chân nhân!

Lệ đoàn viên nhỏ như mưa, tiếng khóc lẫn tiếng cười, niềm vui lớn đến nỗi chẳng bút nào tả xiết.

Kẻ xấu hổ thẹn thùng là Điền Ngọc Trâm. Người được an ủi là Điền Mã Lan vì con của Thúy Sơn cũng là gái.

Trong tiệc mừng chiều hôm ấy, cả nhà lắng nghe Thúy Sơn kể lể sự tình. Thì ra nàng may mắn rơi xuống một chiếc thuyền lớn chở lông cừu, đang xuôi giòng Hoàng Hà.

Vào thời nhà Minh, sông Hoàng Hà đã đổi dòng chảy xuống phía Nam bán đảo Sơn Đông, ra biển bằng cửa của sông Hoài, trên đất Giang Tô. Bởi vậy, thổ sản vùng Tây bắc Trung Hoa thường được đưa ra miệt duyên hải phía Đông bằng đường sông Vị Thủy, rồi Hoàng Hà.

Lông cừu của thảo nguyên Tây bắc cũng là nguyên liệu quan trọng cho các xưởng dệt len ở Giang Nam. Những bao bố lông cừu nhẹ nhưng cồng kềnh, nên chủ thuyền phải chất cả lên trên thì mới chở được nhiều. Trời cao có mắt nên đã xui khiến Thúy Sơn đáp đúng vào chỗ êm ái, rồi mới văng xuống nước.

Dù vậy, nàng cũng khó thoát chết bởi sóng dữ nếu thuyền con của Tích Bảo chân nhân không neo ngay sát bờ sông. Lão nghiên cứu cổ thư, biết vách đoạn bờ sông này đã từng là nơi chôn cất một nhà đại phú gốc Thổ, theo lối Nham Mộ Thuyền Quan Táng.

Phong tục mai táng độc đáo này được người dân Thổ thực hiện từ hàng ngàn năm nay. ở những khu vực như Tam Hiệp Trường Giang, Ba Đông, khu vực sông Bảo Tịch Thủy, sông Lộ Khê, sông Vũ Thủy, hai bên bờ sông vách cao dốc đứng có hàng loạt động nham thạch, trong động đặt những quan tài gỗ hình chiếc thuyền. Người Thổ đã đục đẽo vách vực sông thành hang rồi đưa linh cữu vào.

Tay nhà giàu kia lập nghiệp tại Khai Phong nên khi chết đã được con cháu chôn ở vách sông Hoàng Hà. Vì ngôi mộ này mà Tích Bảo chân nhân đã dựng nhà trong cánh rừng trên bờ sông để tiện việc tìm kiếm. Nghĩa là Tư Mã Hầu chẳng hề hay biết chuyện mộc xá có người đến ở cũng như sự truy tìm Mạc Gia thần kiếm của Báo Ứng hội.

Lão ta đã kịp vớt Thúy Sơn lên thuyền, chữa trị nội thương cho nàng. Nhưng khổ thay, một kẻ suốt đời không màng nữ sắc lại vấp ngã trước dung nhan của người đàn bà bụng mang dạ chửa.

Tư Mã Hầu không hề để lộ dã tâm, đêm Thúy Sơn về mộc xá chăm sóc. Song lại ngấm ngầm phong tỏa chân khí. Lão đã đến đại hội võ lâm tìm Hồng Diện Tôn Giả, báo tin Thúy Sơn còn sống. Trên đường đi Khai Phong, Tư Mã Hầu ám toán Hoàng lão rồi dùng Nhiếp Hồn thuật khống chế.

Tích Bảo chân nhân dùng sinh mạng của Tôn giả để uy hiếp Thúy Sơn, bắt nàng phải lấy mình.

Đoán rằng sớm muộn gì Nhương Thư cũng quay lại mộc xá để tưởng niệm, Thúy Sơn liền dùng kế hoãn binh, hẹn rằng sau khi sanh nửa năm, con thơ dứt sữa sẽ thành thân. Quả nhiên, Nhương Thư đã đến kịp thời, trước khi Tư Mã Hầu dọn đi nơi khác.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio