Trận gió thứ nhì
Trong đời Innokenty, chưa bao giờ chàng phải sống một đêm dài vô tận đến như thế. Chàng không ngủ qua một phút nào và chỉ nội trong một đêm, những tưởng tượng quay cuồng trong óc chàng nhiều hơn số tư tưởng của một người thường có trong cả một tháng. Chàng đã nghĩ nhiều kể từ lúc đồng phục nhân viên ngành ngoại giao của chàng bị họ lột mất những dây vàng, khi chàng trần truồng ngồi chờ sau khi tắm và trong lúc chàng bị nhốt trong "thùng".
Giờ đây tâm trí chàng lại bận suy nghĩ vì những chữ "Tống giam vĩnh viễn".
Như vậy có nghĩa là dù họ có chứng minh được rằng chàng có đúng là người gọi điện thoại hay không - ít nhất bây giờ chàng cũng đã biết chắc rằng cuộc điện đàm ấy bị nhân viên mật vụ nghe lén - một khi họ đã bắt chàng, họ sẽ không để chàng trở ra nữa. Chàng đã biết rằng Stalin sẽ không bao giờ để cho ai trở lại với cuộc sống. Chàng sẽ may mắn nhiều nếu mai đây, họ cho chàng đến một trại tập trung, với tội trạng của chàng, họ sẽ nhốt chàng vào một nhà tù kín được cải biến thành nhà giam, ở đó họ sẽ cấm chàng không được ngồi suốt ban ngày hoặc không được nói nửa tiếng trong nhiều năm. Sẽ không một ai biết gì về chàng, và chàng sẽ không được biết qua sự kiện gì xảy ra trên thế giới, ngay cả khi nguyên một lục địa thay đổi màu cờ, hay loài người đặt chân lên mặt trăng, chàng cũng không hề hay biết. Và những tù nhân không có tiếng nói có thể bị bắn chết trong những phòng giam cô đơn. Việc ấy từng xảy ra…
Nhưng chàng có thực sự sẵn sàng chờ đón cái chết hay không?
Thoạt đầu, Innokenty sốt sắng chờ đợi bất cứ một việc nhỏ nhặt nào xảy đến với chàng, như cửa mở, người vào, bất kỳ việc gì làm ngừng sự cô đơn của chàng trong cuộc sống xa lạ mới trong tù. Nhưng giờ đây, chàng lại muốn được ngồi yên để suy nghĩ, để nắm bắt cái tư tưởng tuy rất quan trọng nhưng hãy còn mơ hồ trong óc chàng. Vì vậy, chàng hài lòng khi họ đưa chàng trở lại nhốt vào "thùng" và để chàng ngồi yên đấy trong một thời gian khá lâu mặc dù họ vẫn đều đều nhóm ngó chàng qua lỗ nhìn.
Bỗng dưng, làn sương mờ bao phủ tâm trí chàng tan đi. Tất cả những gì Innokenty đã đọc, đã suy nghĩ trước đây về cuộc sống, cái chết của con người hiện ra, rõ ràng, minh bạch.
Bây giờ, khi chàng không thể có giấy bút để ghi lại chúng, nhưng tư tưởng hiện trong óc chàng trở thành quý báu hơn. Chàng nhớ lại rõ rệt một câu từng làm chàng suy nghĩ và nghi ngờ trước kia:
"Không nên sợ những đau khổ vật chất. Đau khổ vật chất không đáng kể, những đau đớn do vật chất gây ra bao giờ cũng chóng qua".
Phải ngồi không được ngủ trong một cái "thùng" hẹp, không có khí trời, không duỗi thẳng được chân ra, trong nhiều ngày… là một đau đớn đáng kể hay không đáng kể? Sự đau đớn ấy dài lâu hay ngắn ngủi? Nếu phải sống mười năm không được nghe tiếng người, con người có đau đớn hay không?
Trong phòng chụp hình và lăn tay, Innokenty để ý thấy thời gian lúc đó là một giờ đêm. Bây giờ chắc đã quá hai giờ đêm. Một ý nghĩ vô lý kéo theo một ý nghĩ nghiêm trọng khác đến trong óc chàng: chiếc đồng hồ đeo tay của chàng đã bị người ta bỏ vào một ngăn tủ kín, nằm trong đó sẽ chạy mãi cho đến lúc dây thiều của nó giãn hết, đến lúc đó nó sẽ ngừng chạy. Sẽ không ai lên dây nó và cho đến lúc chủ nhân nó chết hoặc những vật sở hữu của y bị sung công, cái đồng hồ ấy chỉ còn chỉ giờ - giờ lúc nó ngừng chạy. Cái đồng hồ của chàng sẽ chỉ mấy giờ, mấy phút?
Và Dotty, vợ chàng, có chờ đợi chàng về đón nàng đi coi hát không? Nàng có gọi điện thoại đến Bộ Ngoại giao hỏi về chàng không? Chắc là không, nhân viên mật vụ sẽ đến khám xét nhà chàng. Với một tầng lầu rộng như thế, năm người sẽ phải lục soát suốt đêm mới xong. Bọn đó sẽ tìm thấy những gì?
Chắc là Dotty sẽ xin ly dị và sẽ sớm lấy chồng khác.
Và ông già vợ của chàng, ông Biện lý Pyotr Makarygin, chắc sẽ hận chàng lắm - chàng làm cho sự nghiệp của ông ta đổ vỡ, việc có một anh con rể bị tù chung thân sẽ như là một án tích trên lý lịch của ông ta - Ông ta sẽ công khai tố cáo chàng tội phản quốc trước hơn hết mọi người.
Tất cả mọi người từng quen biết Cố vấn Volodin sẽ, vì lòng yêu nước - quên chàng, xóa chàng trong ký ức của họ.
Con thủy quái khổng lồ câm nín sẽ bóp nghẹt chàng và sẽ không còn ai trên mặt đất này được biết gì về chàng.
Và chàng còn náo nức muốn sống để xem thế giới này sẽ ra sao. Rồi đây mọi khác biệt trên trái đất sẽ dung hòa, chiến tranh sẽ không còn xảy ra nữa. Những biên giới phân chia giữa những quốc gia sẽ được xóa bỏ, cả những quân đội sẽ không còn. Sẽ có một quốc hội chung cho cả thế giới. Sẽ có một ngày ông Tổng Thống chế Thế giới được bầu lên. Ông này sẽ ngả mũ trước nhân loại và nói…
"Mang đồ đi".
"Cái gì?"
"Mang đồ đi".
"Đồ gì?"
"Mấy cái quần áo rách của anh đó".
Innokenty đứng dậy, hai tay ôm cái áo ngoài và cái mũ của chàng. Trong hành lang, bên cạnh người gác hành lang, xuất hiện một gã Trung sĩ vạm vỡ, hỗn hào bận đồng phục MGB. Innokenty nghĩ đến chuyện họ tuyển lựa những tên này ở đâu ra và họ trao cho chúng những chức vụ gì.
Nhìn vào tờ giấy trên tay, gã Trung sĩ hỏi:
"Họ gì?"
"Volodin".
"Tên riêng, tên thánh?"
"Innokenty Artemich".
"Năm sinh?"
"Các anh còn hỏi tôi bao nhiêu lần nữa?"
"Năm sinh?"
"".
"Nơi sinh?"
"Leningrad".
"Lấy đồ đi. Mau".
Gã đi trước, miệng tắc lưỡi.
Lần này Innokenty được đưa đi qua hành lang xuống một cái sân tối. Ý nghĩ chợt đến trong óc Innokenty: họ đưa chàng đi bắn. Người ta nói rằng những cuộc xử bắn bao giờ cũng được thực hiện trong đêm khuya.
Rồi chàng tự hỏi: Nếu họ định bắn mình, họ còn đưa cho mình ký giấy nhận đồ làm gì? Không, chắc là không phải đâu.
Cho đến lúc này Innokenty vẫn còn tự tin ở sự hợp lý của những con quái vật trăm tay này.
Vừa đi vừa tắc lưỡi theo kiểu gọi chó, gã Trung sĩ hỗn xược đưa chàng qua sân, vào một tòa nhà khác và tới một thang máy. Một người đàn bà trẻ, đứng cạnh một bao quần áo vừa giặt xong, tránh sang một bên trong lúc chị nhìn Innokenty theo gã Trung sĩ bước vào thang máy. Mặc dù chị thợ giặt này không đẹp, lại ở một giai cấp thấp kém, và cũng nhìn Innokenty với cái vẻ thản nhiên, lạnh lùng như tất cả mọi người chàng gặp ở đây, Innokenty vẫn cảm thấy bị xúc động vì những người thiếu nữ đem biên nhận đến cho chàng ký. Có thể chị thợ giặt này còn thương hại chàng vì chàng tơi tả, khổ sở quá.
Nhưng thương hại hay không thì có quan trọng gì đâu, khi chàng bị "tống giam vĩnh viễn".
Gã Trung sĩ đóng cửa thang máy và nhấn một nút điện không đánh số tầng lầu.
Giàn máy kéo thang vừa chuyển động, Innokenty nhận ra ngay đây là một tiếng máy bí mật đã làm chàng nghĩ rằng đó là máy nghiền nát xương người trong những phút đầu chàng bị nhốt vào "thùng" số .
Chàng mỉm cười buồn rầu, sự lầm lẫn vô hại này làm cho tinh thần chàng lên được đôi chút.
Thang máy ngừng. Gã Trung sĩ đưa Innokenty đi thẳng tới một gian phòng rộng có viên giám thị bận đồng phục. Chàng bị nhốt ngay vào một "thùng" không có số. "Thùng" này rộng hơn nhưng có vẻ dơ dáy hơn. Sát tường có một cái bục gỗ dính liền vào tường đủ chỗ cho ba người cùng ngồi. Không khí trong "thùng" này lạnh giá. Cửa cũng có lỗ nhìn nhưng chàng không bị nhòm ngó nhiều bằng bên kia.
Từ bên ngoài vang vào tiếng chân đi, tiếng giày lên trên sàn. Những viên giám thị tấp nập đi ngang. Khám đường này có cuộc sống ban đêm thật nhộn nhịp.
Lúc mới bị đưa vào đây, Innokenty tưởng rằng chàng sẽ bị nhốt mãi trong cái "thùng" số quá hẹp, quá nóng, quá sáng đèn ấy, và chàng đã lo sợ, khổ sở vì ở đó không có chỗ cho chàng duỗi chân, ở đó không đủ không khí cho chàng thở và ánh đèn sáng rực làm chàng chói mắt. Giờ đây chàng thấy chàng đã lầm, và chàng hiểu rằng chàng sẽ phải sống trong cái "thùng" khá rộng nhưng lạnh giá, trơ trọi và không có đèn này. Chàng lại khổ sở vì ở đây, nền xi-măng lạnh sẽ làm hai chân chàng tê cóng, tiếng chân đi liên tiếp ngoài kia làm chàng khó ngủ và sự thiếu ánh sáng làm chàng khó chịu. Chàng thèm muốn, ước ao có được một cái cửa sổ đến là chừng nào! Một khung cửa sổ nhỏ thôi, nhỏ xíu, như những khung cửa sổ trên sân khấu những vở tuồng cổ. Nhưng ngay cả khung cửa sổ nhỏ xíu đó chàng cũng không sao có thể có.
Người ta có thể nghe thật nhiều chuyện kể về khám đường, đọc thật nhiều hồi ký về khám đường nhưng người ta vẫn không sao có thể tưởng tượng nổi cảnh khám đường: hành lang, cầu thang, những dãy cửa vô số, giám thị đề lao đi lại, sĩ quan, trung sĩ, lao công. Khám đường Lubyanka vĩ đại nhộn nhịp với những hoạt động ban đêm, vậy mà người tù cô đơn không nhìn thấy qua một người tù nào khác. Y không sao nhìn thấy được một người khác ở trong cảnh ngộ của y, y không nghe được một lời nói nào khác ngoài những lời nói vì trách vụ, cả những lời nói vì trách vụ này cũng hiếm hoi. Y có cảm giác như cả cái tổ chức lớn này đêm nay chỉ thức vì một mình y, chỉ bận rộn vì tội trạng của riêng y.
Không phải vì ngẫu nhiên mà người tù không được nhìn thấy người tù nào khác. Người ta cố tình đặt y vào tình trạng đó trong thời gian đầu y bị bắt, để người tù mới bị bắt không nhận được qua một khuyến khích, một an ủi nào, để cho sức nặng của cả guồng máy tù đày giáng xuống một mình y mà thôi.
Tư tưởng của Innokenty xoay chuyển theo một chiều hướng mà không mấy thuận lợi cho tâm trạng của chàng. Cuộc gọi điện thoại đến cho Giáo sư Dobroumov, mới hôm qua đây còn được chàng coi là một hành động cao quý, nay chỉ còn là một việc làm vô ích, thừa thãi và vô giá trị không khác việc tự tử.
Bây giờ, chàng có đủ chỗ để có thể đi đi, lại lại, nhưng chàng đã mệt nhoài, đã rã rời vì những thủ tục mà chàng vừa phải qua, đến nỗi chàng không còn cả sức để mà đi lại nữa. Sau vài vòng đi quanh quẩn, chàng ngồi xuống bục gỗ và để hai tay xuôi bên mình.
Biết bao dự định vĩ đại đã bị chôn giữa những bức tường này, bị niêm phong trong những cái "thùng" giam ác ôn này, bị tiêu diệt, thui chột, chết ngúm mà đời sau không được biết?
Hôm nay hoặc là ngày mai, Innokenty sẽ đáp phi cơ bay đến Paris, ở đó chàng sẽ hoàn toàn quên người mà chàng định cứu, người mà … chàng đã cố gắng hết sức mà vẫn không sao cứu được.
Khi chàng tưởng tượng ra cảnh chàng đến Paris, nhất là những giờ đầu tiên chàng sống ở Paris, Innokenty rùng mình choàng dậy vì cuộc sống tự do thần tiên mà chàng vừa mất. Chàng muốn cào cấu lên tường cho hả cơn tiếc hận.
Nhưng cánh cửa mở đúng lúc giúp chàng khỏi làm cái việc vi phạm đến luật cấm của khám đường là việc cào cấu hay đấm lên tường. Một lần nữa họ chất vấn lý lịch chàng. Innokenty trả lời như người đang ngủ say. Rồi chàng được lệnh ra khỏi đó đem theo đồ. Vì trong "thùng" lạnh giá, chàng đội mũ và khoác áo ngoài lên vai. Chàng để áo như vậy để đi ra cửa, không biết rằng với cách khoác áo như thế chàng có thể cầm hai lưỡi dao nhọn hoặc hai khẩu súng lục đã nạp đạn giấu dưới vạt áo. Chàng bị ngăn lại để xỏ hai tay vào áo đàng hoàng, sau đó chắp hai tay sau lưng trước khi bước ra khỏi đó.
Chàng được dẫn đi - người dẫn chàng cũng tắc lưỡi như những người trước - tới cầu thang nằm cạnh thang máy và đi xuống thang. Nếu chàng nhớ được đường đi, bao nhiêu lần quẹo, lên xuống bao nhiêu bậc thang, để rồi sau đó khi không có chuyện gì để nghĩ, hồi tưởng lại và tưởng tượng ra vị trí của khám đường, việc đó sẽ là một việc hay ho, nhưng lúc này năng khiếu ghi nhận của chàng đã mòn đến nỗi chàng đi như người hoàn toàn không còn cảm giác. Chàng không biết rằng chàng đã xuống sâu đến bao nhiêu trong lòng khám đường khi bất chợt ở trước mặt chàng đi tới một người gác, người này cũng tắc lưỡi y hệt người gác dẫn chàng, và người gác dẫn chàng mở ngay một cánh cửa bên lối đi, đẩy mạnh chàng vào đó và đứng lấy lưng đè chặn bên ngoài.
Nơi Innokenty bị đẩy vào giống như một cái tủ, bên trên không có trần, vừa vặn đủ chỗ để chàng đứng. Phản ứng tự nhiên của con người trong trường hợp này là phản đối nhưng Innokenty đã quen với những thứ khác khó hiểu và sự im lặng của khám đường Lubyanka, đứng yên chịu đựng. Chàng vô hồn làm tất cả những gì khám đường đòi hỏi chàng làm.
Nhưng sự kiện này, sau cùng, đã cho Innokenty hiểu tại sao bọn giám thị trong khám đường Lubyanka lại tắc lưỡi khi đưa tù nhân đi. Đó là tiếng báo cho bọn giám thị khác biết rằng y dắt tù nhân đi. Chúng bị cấm không được để cho tù nhân trông thấy nhau, để cho tù nhân không thể dùng mắt nhìn an ủi nhau, khuyến khích nhau thêm can đảm.
Một tù nhân được dắt qua hành lang, rồi một người nữa. Sau đó Innokenty được ra khỏi ngăn tủ nấp và đưa xuống sâu nữa.
Ở những bậc thang đá cuối cùng, Innokenty nhận thấy mặt đá mòn lõm xuống. Chưa bao giờ chàng nhìn thấy những bậc đá mòn đến thế.
Vết mòn sâu đến nửa gang tay, lõm tròn trong mặt đá.
Chàng rùng mình. Trong ba mươi năm, có biết bao nhiêu bàn chân đã giẫm lên đây để cho mặt đá lõm đến như thế? Cứ mỗi hai người đi qua là có một người tù, một người gác tù.
Chàng được đưa tới một khung cửa khóa có một ô nhìn gắn song sắt ở trên. Tới đây, Innokenty được biết một thủ tục mới của khám đường: chàng bị người gác bắt đứng áp mặt vào tường, tuy không nhìn lại, chàng biết là người gác nhấn chuông vì có tiếng chuông reo, ô nhìn trên khung cửa được mở ra rồi đóng lại ngay. Tiếp đó là tiếng cửa mở. Có một người mà Innokenty không nhìn thấy, cất tiếng hỏi:
"Họ gì?"
Theo phản ứng tự nhiên, Innokenty quay đầu lại để nhìn kẻ hỏi mình, chàng nhìn thoáng thấy một bộ mặt không rõ đàn ông hay đàn bà, sưng sỉa, chảy xệ, bộ mặt có một vết sẹo đỏ hỏn thật lớn, và chàng nhìn thấy bên dưới bộ mặt ấy cặp cầu vai gắn cấp hiệu Trung úy.
Viên Trung úy quát:
"Không được nhìn lại".
Innokenty quay mặt vào tường và cuộc hỏi lý lịch đều đều bắt đầu. Innokenty trả lời, chàng nói với mảnh tường vôi trắng trước mặt chàng.
Sau khi kiểm soát và thấy rằng tù nhân trả lời đúng tên tuổi được ghi trên phiếu lý lịch được đưa đến, và tù nhân vẫn còn nhớ được năm sinh, nơi sinh của y, viên Trung úy mặt sẹo nhấn chuông trên cánh cửa gã vừa bước ra nhưng đã khóa lại sau lưng gã. Một lần nữa ô nhìn được mở, có một kẻ nào đó bên trong cửa nhìn ra, ô nhìn đóng lại và cánh cửa được mở.
"Đi vô". Gã Trung úy mặt sẹo ra lệnh.
Họ bước vào và cánh cửa đóng lại, tiếng khóa rổn rảng nổi lên.
Innokenty chỉ mới kịp trông thấy một hành lang tối có nhiều khung cửa hai bên, một cái bàn, một cái tủ có nhiều ngăn như chuồng chim bồ câu, nhiều tên giám thị đứng trong hành lang, gã Trung úy mặt sẹo đã ra lệnh cho chàng:
"Nhìn vào tường. Đừng động đậy".
Gã bắt chàng đứng như thế trong lúc gã xem kỹ hơn hồ sơ của chàng, rồi gã lại ra lệnh, gã nói nhỏ thôi nhưng tiếng nói của gã vẫn vang lớn trong bầu không khí im lặng lạnh giá:
"Số ".
Người giám thị đưa Innokenty tới đây đi vào hành lang:
"Hai tay sau lưng. Đi…"
Innokenty đi theo gã vào hành lang. Chàng nhìn thấy những chữ số ghi trên cánh cửa chàng đi ngang:
, ,
Dưới những hàng số ấy là những lỗ nhìn. Cảm thấy toàn thân ấm lại vì sự gần cận những người bạn tù, Innokenty muốn nhấc một nắp che lỗ nhìn kia lên để dán mắt vào đó, nhìn cuộc sống bị nhốt trong đó. Gã gác kéo chàng đi mau và Innokenty rảo bước đi theo, chàng đã bị lây cái bệnh thụ động của những tù nhân, mặc dù một người đã mất tất cả, lẽ ra không còn gì để phải lo sợ nữa.
Nhưng không may cho loài người, và đây là điều may mắn cho những kẻ thống trị, con người được tạo thành với nhược điểm là còn sống thì vẫn còn sợ khổ, đã khổ hết sức, khổ đến cùng nhưng vẫn luôn luôn sợ mình sẽ khổ hơn. Ngay với một kẻ đã bị tù suốt đời, bị tước quyền hành động, không còn được nhìn thấy trời xanh, mất gia đình, mất hết của riêng, vẫn còn có thể bị trừng phạt cho khổ hơn bằng cách nhét xuống những hầm tối ẩm ướt, không cho ăn, đánh bằng gậy, và người tù này vẫn cảm thấy những trừng phạt nhỏ mọn này làm cho y khổ sở y hệt ngày nào y vừa mới mất tự do, tức là như ngày y mới bị bắt. Để tránh những khổ sở tối hậu này, người tù ngoan ngoãn tuân theo những luật lệ làm mất nhân cách của chế độ lao tù, và thói quen tuân lệnh, khuất phục dần dần giết chết con người ở trong y.
Những khung cửa ở đầu hành lang nằm sát gần nhau hơn, mỗi cửa chỉ còn ghi một số:
, ,
Người gác mở cửa số và làm một cử chỉ mời chào bằng tay, trong khung cảnh này, cử chỉ ấy trở thành khôi hài. Innokenty nhận thấy sự khôi hài ấy và chàng nhìn người gác kỹ hơn. Gã là một thanh niên hãy còn trẻ, hơi thấp, vai to, tóc đen, hai mắt nhỏ như hai vết dao chém. Vẻ mặt gã cũng khá ác ôn, gã không cười, nhưng sau khi gặp chừng một tá viên chức khám đường Lubyanka đêm nay, Innokenty thấy rằng bộ mặt của gã này đáng kể là một bộ mặt dễ chịu.
Bị nhốt trong "thùng" số , Innokenty nhìn quanh. Sau đêm nay, chàng đã có thể tự hào là người biết khá nhiều về "thùng giam người" trong khám đường Lubyanka, chàng đã bị nhốt vào nhiều "thùng" và có dịp so sánh. "Thùng" số này rộng, đẹp, sạch sẽ hơn tất cả. Chiều ngang của nó khoảng thước rưỡi, chiều dài chừng hai thước rưỡi, sàn gỗ, một cái ghế gỗ dài gắn liền vào tường, bên cửa có một cái bàn gỗ nhỏ. "Thùng" này, tất nhiên cũng kín mít và không có cửa sổ, chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ có lưới sắt che nằm cao trên trần, trần cao tới thước. Tường quét vôi trắng, rực sáng vì bóng đèn điện nến nằm trong cái giỏ sắt treo trên cửa. Ánh đèn mạnh làm ấm không khí nhưng cũng làm cho chàng chói mắt.
Rất nhanh, Innokenty đã nắm vững được nghệ thuật sống của tù nhân. Lần này, Innokenty không còn mơ mộng hão huyền rằng chàng sẽ có thể ở lâu trong phòng giam thoải mái này. Khi nhìn thấy cái ghế dài, người tù tập sự trước chàng - người tù tập sự mỗi phút qua là thêm một phút trở thành lão luyện - biết rằng vấn đề cần làm ngay bây giờ của mình là ngủ. Như một con thú mới được xinh ra đời trong rừng thẳm đã mất mẹ vội vã tìm cách sống một mình, Innokenty cuộn chiếc áo ngoài của chàng lại thành cái gối, chàng nằm ngay xuống ghế và cảm thấy dễ chịu. Chàng nhắm mắt và sửa soạn ngủ.
Nhưng giấc ngủ trốn chàng. Trước đây, chàng đã hai lần ngủ gục khi chàng không được quyền ngủ, chàng đã qua tất cả những hình thức mệt mỏi, nhưng tới đây, khi chàng có thể ngủ được, chàng lại tỉnh thức. Những khích động liên tục làm cho thần kinh chàng căng thẳng không chịu rời bỏ chàng. Cố gắng không suy nghĩ để khỏi tiếc hận hoặc mơ màng, Innokenty nằm im, thở đều và đếm nhẩm trong miệng… Thật là một điều tai hại khi được nằm ấm, hai chân duỗi dài mà không ngủ được, nhất là khi không biết vì nguyên do nào, người gác bên ngoài lại không mở nắm lỗ nhìn nhòm vào luôn luôn như ở trong phòng giam khác.
Chàng nằm im như thế trong khoảng nửa tiếng, cuối cùng, chàng cảm thấy trí óc bắt đầu không suy nghĩ nữa, rồi một cảm giác nặng nề nhầy nhụa đè nặng lên toàn thân chàng.
Nhưng đến lúc này, Innokenty lại thấy rằng chàng không sao có thể ngủ nổi với ánh đèn rực sáng này. Chàng nhắm mắt lại nhưng vẫn thấy một màu đỏ ối, ánh đèn như một vật hữu hình ép xuống mi mắt chàng. Đây là lần đầu tiên Innokenty cảm thấy sức ép của ánh sáng, sự nhận thức này làm cho chàng như điên lên. Sau khi thử nằm đủ mọi kiểu để tránh sức ép của ánh đèn, Innokenty tuyệt vọng ngồi dậy, buông hai chân xuống sàn.
Thỉnh thoảng, người gác bên ngoài mở nắp lỗ nhìn ngó vào phòng. Giờ đây, nghe tiếng nắp gỗ di động trên cánh cửa, Innokenty nhìn lên và giơ ngón tay trỏ.
Cửa mở êm. Gã nhân viên gác mắt ti hí yên lặng đứng nhìn.
"Làm ơn… Tắt đèn". Innokenty nói.
Gã dửng dưng:
"Cấm không được tắt đèn".
"Nếu cấm… cho tôi cái bóng nhỏ hơn. Cái phòng nhỏ như vậy, cần gì phải dùng bóng đèn lớn quá?"
"Đừng có nói lớn…" - Gã mắt hí thản nhiên nói, và quả thật, sau lưng gã, hành lang vắng và toàn thể khám đường im lặng như một tòa cổ mộ - "Không có chuyện thay bóng đèn".
Tuy vậy, bộ mặt lạnh lùng của gã vẫn có một nét gì sống động, một nét gì đó giống như với mặt người thường. Thấy rằng mình đã hết chuyện để nói và cánh cửa sắp đóng lại, Innokenty vội vã:
"Cho tôi xin ly nước".
Gã mắt hí gật đầu và lùi ra, đóng cửa lại. Gã đi rất êm trên hành lang. Ngồi trong "thùng" Innokenty biết là gã đi và chàng lắng nghe nhưng cũng không nghe thấy tiếng chân gã. Khi gã trở lại, tiếng khóa cửa mở rồi gã hiện ra giữa khung cửa, tay cầm ly nước. Cái ly này cũng cùng một kiểu với chiếc ly Innokenty đã được uống ở phòng tiếp nhận người bị bắt, ly cũng vẽ hình con mèo, chỉ khác là con mèo trên ly nước này không đeo kiếng, không đọc sách, và không còn có con chim nhỏ đứng gần.
Innokenty uống và thưởng thức chất nước. Vừa uống, chàng vửa nhìn gã gác. Gã này không bước hẳn ra ngoài, gã chỉ khép cửa và đứng dựa vai vào thành cửa nhìn chàng. Đột nhiên, trong lúc Innokenty không ngờ nhất, trái hẳn với những luật lệ trong khám đường, gã nheo mắt hỏi chàng:
"Trước kia, anh là ai?"
Việc được một người hỏi thăm lần thứ nhất trong suốt một đêm dài đầy những người lạ, làm cho Innokenty sửng sốt. Chàng xúc động đến nghẹn ngào vì lời hỏi thăm hiền hòa mặc dù được thốt ra một cách vụng trộm, và nhất là vì hai tiếng "trước kia", hai tiếng thật tàn nhẫn, nhưng cũng thật đúng, chàng cũng thì thào trả lời:
"Trước kia, tôi là một nhà ngoại giao. Nhân viên ngoại giao của chính phủ".
Gã mắt hí gật đầu, nét mặt gã để lộ cảm tình:
"Còn tôi, trước kia tôi là thủy thủ của Hạm đội Baltic".
Chậm hơn và nhỏ hơn, gã tiếp:
"Tại sao anh lại bị bắt vào đây?"
"Tôi cũng không biết tại sao nữa" - Đột nhiên, Innokenty trở lại đề phòng - "Tôi chẳng biết tôi có tội gì cả".
Gã gác lại gật đầu:
"Ai mới bị bắt vào đây cũng nói như anh hết".
Rồi với nét mặt hơi đểu, gã hỏi:
"Anh có muốn đi đái không?"
"Không. Chưa…"
Innokenty để lộ tình trạng tù mới của chàng qua sự từ chối ấy, chàng chưa biết rằng cho phép tù nhân đi tiểu là quyền hạn lớn nhất của bọn gác tù, và đó cũng là một đặc ân lớn lao đối với tù nhân, bởi vì tù nhân chỉ được đi giải đúng giờ chứ không phải bất cứ lúc nào mót là cũng được đi.
Sau cuộc đối thoại ngắn này, cánh cửa đóng lại và Innokenty lại nằm dài trên mặt ván, cố gắng chống cự ánh đèn sáng chiếu qua mi mắt. Chàng đưa tay lên che mắt nhưng che như thế, cánh tay chàng bị tê dại. Chàng nghĩ đến việc gấp cái khăn tay lại che lên mắt nhưng khăn tay của chàng đâu rồi? Thật bậy, tại sao chàng không chịu lượm cái khăn tay lên? Lúc mới bị bắt tới đây, chàng hành động như một thằng ngu.
Những vật nhỏ mọn - một cái khăn mùi-soa, một hộp quẹt rỗng, một sợi dây, một cái nút áo - là những vật chi bảo của tù nhân. Thế nào cũng có lúc người tù cần đến những thứ ấy, đôi khi, chúng có thể cứu vãn người tù khỏi quá khổ sở.
Đột ngột, cánh cửa mở. Gã gác mắt hí vứt lên người Innokenty một cái chiếu có những vạch sơn đỏ. Thật là tuyệt diệu. Ban quản đốc khám đường Lubyanka không những là chỉ lo giữ tù nhân không ngủ được mà thôi, họ còn lo cho tù nhân nằm thức êm ái hơn nữa. Cuộn trong cái chiếu là một cái gối nhồi lông nhỏ, một cái mền nỉ hẹp. Tất cả những thứ này đều in hàng chữ "Khám đường".
Hay quá. Giờ đây, với những thứ này, chàng đã có thể ngủ được. Innokenty thấy rằng những ý nghĩ đầu tiên của chàng về khám đường quá đen tối, quá bi quan. Chàng trải chiếu, đặt gối, nằm xuống, đắp mền lên mặt. Hai chân chàng từ đầu gối trở xuống không có mền nhưng hai mắt chàng không còn bị ánh đèn chói nữa. Chàng trôi vào giấc ngủ say lịm.
Nhưng cánh cửa mở với một tiếng động lớn và gã gác nói vào:
"Ê… Lấy hai tay ra…"
Innokenty nói như gần khóc:
"Cái gì? Sao lại đánh thức tôi? Để cho tôi ngủ chứ, tôi ngủ không được…"
"Lấy hai tay ra khỏi mền" - gã gác lạnh lùng nói - "Cấm không được giấu hai tay trong mền. Bỏ tay ở ngoài".
Innokenty làm theo lời gã. Nhưng đã quen ngủ hai tay ở trong mền, chàng khó có thể ngủ với hai tay đặt ngoài mền. Luật này thật là luật quái đản, ác độc. Con người ở bất cứ thời nào, bất cứ đâu, vẫn quen ngủ hai tay giấu trong mền, để sát vào mình.
Innokenty lăn lộn trên mặt ván, nhưng rồi sau cùng, cơn mệt mỏi cũng thắng, chàng ngủ lịm đi.
Bỗng một tiếng động liên tục ngoài hành lang vang đến tai chàng, tiếng động rầm rầm mỗi lúc một đến gần. Có người đang đấm mạnh lên những cánh cửa. Họ đấm lên cánh cửa bên cạnh rồi cánh cửa phòng giam Innokenty bật mở:
"Dậy…!" Gã cựu thủy thủ biển Baltic la lớn.
"Cái gì? Sao lại dậy?" - Innokenty cũng la lên - "Suốt đêm tôi không ngủ được".
"Sáu giờ sáng là dậy".
Gã cựu thủy thủ đi sang phòng bên.
Đúng lúc ấy, Innokenty cảm thấy buồn ngủ hơn bao giờ hết. Suốt đời, chưa bao giờ chàng thấy cần ngủ đến như thế. Chàng nằm vật xuống và ngủ lịm đi ngay lập tức.
Nhưng cũng ngay lúc đó, gã cai tù trở lại, gã đập cửa rầm rầm và giục chàng:
"Dậy… Dậy đi. Cuốn chiếu".
Innokenty nhỏm người trên cùi chỏ nhìn ra kẻ hành hạ chàng, kẻ mà trước đó một tiếng đồng hồ từng tỏ cảm tình với chàng và được chàng coi là một người còn là con người.
"Suốt đêm tôi không được ngủ, anh biết không?"
"Không biết gì cả. Sáu giờ sáng là phải dậy. Cuộn mền chiếu lại".
"Cuộn mền chiếu lại rồi tôi làm gì?"
"Chẳng làm gì cả. Ngồi đó".
"Tại sao lại không cho tôi ngủ?"
"Tại vì bây giờ đã giờ sáng rồi".
"Tôi sẽ ngủ ngồi".
"Ban ngày không được ngủ. Anh ngủ, tôi sẽ đánh thức anh".
Innokenty đưa hai tay ôm lấy đầu. Đầu chàng lắc lư như người say rượu. Một chút gì giống như là thương hại thoáng hiện trên mặt gã gác tù mắt ti hí:
"Anh muốn rửa mặt không?"
Innokenty đổi ý, chàng vội vã đáp:
"Muốn, muốn. Cho tôi rửa mặt…"
"Tay chắp sau lưng. Đi…"
Phòng rửa mặt ở trong góc. Sau khi đã tuyệt hy vọng có thể ngủ được trong những giờ sắp tới, Innokenty cởi áo sơ-mi và vã nước lạnh lên người tự do trên mặt nền xi-măng lạnh của phòng rửa mặt rộng, vắng. Cửa phòng đóng, gã gác tù mất ti hí không để ý gì đến chàng.
Có thể gã gác cũng còn chút nhân đạo, nhưng tại sao gã lại không chịu nói trước cho Innokenty biết rằng ở đây, tù nhân phải dậy vào lúc giờ?
Nước lạnh làm tiêu tan cơn mệt mỏi của Innokenty. Ra tới hành lang, chàng hỏi gã gác tù về chuyện ăn sáng. Gã ra hiệu cấm nói, nhưng vào tới trong "thùng" gã cũng cho chàng biết là ở đây không có ăn sáng.
"Tới giờ, anh được phát nước trà đường và món khô".
"Món khô là cái gì?"
"Là bánh khô".
"Bánh khô thì gọi là bánh khô có được không? Còn được ăn những gì nữa?"
"Hết. Muốn ăn, chờ đến trưa".
"Bộ tôi phải ngồi suốt ngày sao?"
"Hỏi ít chứ".
Gã gác tù đã đóng cửa, nhưng Innokenty giơ ngón tay trỏ lên. Cánh cửa lại mở, gã cựu thủy thủ hỏi vào:
"Anh còn muốn gì nữa?"
"Họ cắt hết nút quần, nút áo của tôi. Ai khâu lại cho tôi bây giờ?"
"Mất bao nhiêu nút?"
Hai người cùng đếm số nút thiếu trong bộ quần áo Innokenty bận trên người. Cửa đóng lại nhưng chỉ lát sau, lại mở, gã gác tù đem vào cho chàng một cây kim khâu, một tép chỉ nhỏ, chừng một chục cái nút đủ thứ, nút bằng xương, gỗ, plastic, đủ cỡ lớn nhỏ khác nhau.
"Nút này xài không được. Không cùng cỡ với những nút họ cắt đi của tôi".
"Xài đi. Hết rồi. Chỉ còn mấy cái nút này thôi".
Đây là lần đầu tiên trong đời Innokenty cầm kim khâu. Chàng không biết cách nhấm nước miếng cho ướt đầu chỉ trước khi xỏ chỉ vào lỗ kim, chàng cũng không biết cách thắt chỉ khi khâu xong. Vì không biết những bí quyết về khâu vá mà loài người đã truyền thụ cho nhau sau cả ngàn năm kinh nghiệm, chàng tự sáng chế ra một lối khâu nút riêng. Chàng bị kim đâm vào ngón tay nhiều lần, hai ngón tay trỏ của chàng đau nhoi nhói. Chàng phải mất một thời gian để khâu liền lại những viền áo, viền quần bị xé và những nút áo, nút quần. Chàng khâu lệch chỗ những nút áo nên khi mặc vào và gài nút, cái áo của chàng xộc xệch, méo mó một cách thảm hại.
Nhưng việc làm tẩn mẩn, mất mát thì giờ và cần chú ý này, không những chỉ làm cho Innokenty quên thì giờ mà thôi, nó còn sợ hãi hay bối rối nữa. Chàng đã có thể nhận biết và biết đúng, biết chắc rằng ngay ở trong đáy cái vực thẳm rùng rợn là khám đường Lubyanka này, vẫn còn có những người bằng xương, bằng thịt, rằng khám đường Lubyanka thực ra, không phải là nơi khủng khiếp ghê gớm như người ta vẫn tưởng. Bây giờ, chàng chỉ còn khao khát được gặp mặt những người bằng xương, bằng thịt đó ở đây.
Chàng là một người không được ngủ suốt đêm qua, một người không được ăn, một người có cuộc đời bị tan vỡ nội trong mười hai tiếng đồng hồ, nhưng chàng vừa nhận được một trận gió sức mạnh thứ hai, nhờ hơi thở thứ hai này, những tấm thân được luyện của những lực sĩ cảm thấy khoẻ lại và không mệt.
Một người gác tù mới tới lấy cây kim khâu đi.
Rồi họ mang tới cho cùng một miếng bánh khô vừa đen, vừa ẩm, hai cục đường rắn. Họ rót nước trà vào cái ly có vẽ hình con mèo. Họ hứa sẽ cho chàng thêm nước trà.
Tất cả những việc này cho Innokenty biết rằng thời gian bây giờ là giờ sáng.
Innokenty bỏ cả số lượng đường để dùng cả một ngày dài của chàng vào ly nước và khuấy cho đường tan bằng ngón tay trỏ. Nhưng nước nóng quá, chàng đành lắc lắc ly cho tan đường. Uống hết ly trà nóng, chàng giơ ngón tay xin nữa. Chàng không cần ăn.
Với một cái rùng mình sung sướng, Innokenty uống ly nước trà thứ hai. Ly trà này không có đường nhưng nhờ vậy, chàng cảm thấy mùi trà đậm hơn.
Tâm trí chàng bừng sáng, minh mẫn như chưa bao giờ chàng minh mẫn đến như thế.
Chàng bắt đầu đi đi, lại lại trong khoảng hẹp giữa mép ván và bức tường trong khi chờ đợi cuộc chiến đấu mới.
Một tư tưởng của Epicurus , một tư tưởng mà chàng vẫn không hiểu rõ trong thời gian chàng còn tự do bên ngoài, đột ngột trở về trí óc chàng:
"Cảm nghĩ nội tâm hài lòng hay mến thích, bất mãn hay chán ghét, là tiêu chuẩn cao nhất để định giá trị của Thiện và Ác".
Như vậy nghĩa là, theo Epicurus, những gì mình mến thích là tốt, những gì mình không mến thích là xấu?
Đó là những triết lý của những kẻ man rợ.
Stalin thích giết người - như vậy phải chăng với Stalin, giết người là một tính tốt? Và bị tù vì định cứu một người, việc bị tù không làm cho người bị tù hài lòng, cũng không ai thích bị tù cả, phải chăng việc ở tù là một điềm xấu, một tội lỗi?
Không! Thiện và Ác, tốt và xấu, giờ đây đã được phân chia rõ rệt mà Innokenty! Đã được chàng nhận thấy rành rẽ, nhờ cánh cửa có ánh đèn sáng rực này, nhờ những bức tường này, nhờ đêm ở tù đầu tiên trong đời chàng.
Trên những đỉnh cao chiến đấu và đau đớn mà chàng vừa được nhấc lên, sự hiểu biết của triết gia cổ xưa ấy là chỉ sự hiểu biết nông cạn của một đứa trẻ.
Cánh cửa chuyển động.
"Họ gì?"
Một gã giám thị mới đột ngột hỏi vào. Gã này có một cái bộ mặt người Á châu.
"Volodin".
"Đi chấp cung. Hai tay chắp sau lưng".
Innokenty chắp hai tay sau lưng, đầu ngẩng cáo như con chim uống nước, chàng đi ra khỏi "thùng".
--- ------ ------ ------ ------- Epicurus, triết gia Hy Lạp, sống khoảng từ đến năm trước Công nguyên