Tửu lực Hốt Tất Liệt khá cao cường, hai người thi nhau uống đến độ Tân Nguyệt ngồi đấy phải cau mày, thấy họ uống mãi, dường chẳng cần biết say sưa là gì, cuối cùng, không nhịn được nữa, nàng đưa tay giằng lấy cái bát của Tiêu Phong, giận dỗi nói:
- Tiêu đại ca, huynh vừa qua một cơn bệnh khá nặng, huynh đừng uống nữa, uống rượu nhiều quá thể nào cũng sẽ bị ốm lại cho mà xem!
Hốt Tất Liệt đặt bát xuống, cười bảo:
- Tiêu đại hiệp tửu lượng rất cao, ta trước giờ tự cho mình uống giỏi, vậy mà giờ đây, so với ông, ta thấy thua sút quá chừng!
Tiêu Phong đáp:
- Vương gia quá khiêm nhường rồi, tưủ lượng ngài cũng mạnh lắm, Tiêu Phong vô cùng bội phục!
Hốt Tất Liệt liếc nhìn Tân Nguyệt, cười cười:
- Cô em gái của ta đã có ý kiến như vậy, cô không muốn bọn mình uống thêm, vậy để chốc nữa, khi cô ấy đi khỏi rồi, ta cùng ông, mình sẽ làm thêm một chầu nữa!
Tân Nguyệt giúi tay vào người Hốt Tất Liệt, nói:
- Tứ ca, ca ca ham uống rượu, muội chẳng quản, nhưng ca ca đừng rủ rê Tiêu đại ca uống nhiều quá, huynh ấy vừa mới khỏi bệnh xong!
Hốt Tất Liệt cười ầm, nói:
- Cô chỉ quan tâm đến Tiêu đại ca của cô, chả thèm để ý đến tứ ca này chút nào!
Tân Nguyệt đỏ mặt tía tai, nàng tức tối nói:
- Tứ ca, sao ca ca nói nhảm quá thế! Muội chẳng thèm chơi với hai người nữa!
Nói xong, nàng đứng lên, được Tiểu Nhạn đưa tay nâng đỡ, dìu nàng chậm rãi bước đi.
Hốt Tất Liệt nhìn Tân Nguyệt đi xa, nói:
- Tiểu muội sống bên ta từ nhỏ, cùng ta trưởng thành, cô ấy có chút kiêu hãnh, nhưng rât thông tuệ, bản tính hiền lương. Từ khi phụ hãn mất đi, cô ấy thích ở tòa thành gần Nguyệt Nha sơn, vương huynh ta thấy thế liền cho xây cất phủ đệ Công Chúa này, để cô ấy cư ngụ thường trực tại đây.
Tiêu Phong đáp:
- Công Chúa cư xử với người rất tốt, tôi không thấy cô ấy kiêu hãnh hết, Với kẻ dưới, Công Chúa nhất nhất ôn hoà, bọn họ nhân đều kính trọng Công Chúa.
Hốt Tất Liệt buông tiếng thở dài, than:
- Cô ấy đúng là có kiêu hãnh đấy! Cô năm nay tuổi đâu còn nhỏ nữa, cứ không chịu kén phò mã, Mông Cổ ta có một vị tướng quân giỏitài điều binh khiển tướng, thạo nghề chinh chiến, từ lâu để ý đến cô, nhưng muội muội ta mãi hững hững hờ hờ, làm người ta khổ sở không ít!. Ta thấy cô ấy có vẻ nghe lời ông, mong ông nếu có dịp, tìm cách khuyên nhủ cô ấy giúp ta với.
Tiêu Phong do dự, rồi đáp:
- Công Chúa đối với tôi có ơn cứu mạng, tôi xin sẽ gắng sức.
Hốt Tất Liệt đứng dậy, cất giọng ngâm:
"Đại giang đông khứ , lãng đào tận,
Thiên cổ phong lưu nhân vật.
Cố lũy tây biên,
Nhân đạo thị Tam quốc Chu lang Xích Bích,
Loạn thạch băng vân, kinh đào phách ngạn,
Quyển khởi thiên đôi tuyết.
Giang san như hoạ, nhất thời đa thiểu hào kiệt ?". ()
Rồi ông ngồi xuống, than tiếp:
- Non sông đẹp như tranh vẽ, người xưa trôi giạt nơi đâu! Đối với văn hoá người Hán, ta trước giờ thập phần ngưỡng mộ, chẳng hay Tiêu đại hiệp có để tâm nghiên cứu?
Tiêu Phong đáp:
- Tiêu mỗ thuộc hạng võ biền, không rành nghề thảo văn, múa bút, lúc nhỏ, được thày dạy bài từ của Tô Đông Pha ấy, tôi thấy lời văn tràn đầy khí thế, nên từ ấy đem lòng ưa thích!
Hốt Tất Liệt cười cười:
- Tiêu đại hiệp văn võ toàn tài, từ nhỏ được tiếp cận văn hoá người Hán, ta không có được cái may mắn đó. Mông Cổ chúng ta nhiều người chẳng ưa văn hoá người Hán, cho rằng nó nói chuyện lung tung, ta hồi nhỏ ít đọc sách người Hán, mười năm trước, ta ngẫu nhiên được đọc tập "Tôn Tử binh pháp", ta ngộ rằng tư tưởng người Hán có nhiều điều thật tinh thâm, ta tự nghĩ, muốn tranh đoạt thiên hạ, nhất định phải học tập văn hoá người Hán!
Tiêu Phong nhớ lại lúc còn bé, ông do Huyền Từ dạy dỗ, lớn lên được thêm bang chủ đời trước của Cái Bang Giang KiếmThông trọng dụng, những gì ba mươi năm qua ông ra sức học tập bản thân, quan trọng nhất là tư tưởng tận trung báo quốc chính thống! Trong trò chuyện đêm nay, những điều khổ tâm thu lượm bỗng chốc sụp đổ tan tành, Lại nghĩ đến chỗ ngày nay, mang tiếng anh hùng trong thiên hạ, ông cuối cùng lạc vào tình cảnh thê lương thế này, Tiêu Phong chẳng ngăn được tiếng cười khổ, nói:
- Vương gia ngưỡng mộ văn hoá người Hán, chẳng hay có biết người Hán tối tôn sùng tư tưởng nào nhất không?.
Hốt Tất Liệt đáp:
- Bấy lâu nay, Trung Nguyên đưa tư tưởng Nho giáo Khổng tử lên ngôi chính thống. Phàm vua chúa nào thực hành tư tưởng Nho giáo, đều lấy nhân nghĩa làm gốc, phàm những hoàng đế nào lấy nhân nghĩa làm gốc đều giữ được bền vững giang sơn. Nếu như có ngày Mông Cổ ta vào làm chủ được Trung Nguyên, gồm thâu thiên hạ về một mối, ta thể nào cũng khuyên nhủ hoàng huynh của ta tôn kính Khổng Tử làm thầy, lấy nhân nghĩa làm chính, ngõ hầu gìn giữ giang sơn muôn đời bền vững.
Tiêu Phong nghe nói vậy, thở dài nói:
- Vương gia không nghĩ rằng, khi quý quốc ra tay thống nhất thiên hạ, sẽ có không ít người lâm cảnh nhà tan cửa nát, không nơi nương tựa? Chiến hoạ gây thống khổ cho trăm họ, tôi quả thật rất lo, vương gia không thấy mủi lòng trước những thảm cảnh đó sao?
Hốt Tất Liệt ngẩng đầu nhìn Tiêu Phong, nói:
- Ông là người đầu tiên nói cho ta nghe ý đó, ta đã không nhìn lầm người, ông đích thực anh hùng đội trời đạp đất...
Nghỉ một chặp, ông nói tiếp:
- Tiêu đại hiệp bản tính nhân hậu, đaọ lý ông thuyết, Hốt Tất Liệt ta dẫu bất tài, cũng tạm hiểu được. Ta chỉ vì muốn có thái bình vĩnh cửu, nên ta cho rằng thiên hạ tất phải gom về một mối. Như bây giờ, giả tỷ Mông Cổ chẳng đụng chạm đến aI, khó thể nói sẽ chẳng ai động đến Mông Cổ! Giao tranh hoàn tòan định đoạt nơi dã tâm kẻ cầm quyền thôi. Chỉ khi gồm thâu thiên hạ về một mối, từ khắp bốn biển đến trong miền nội địa cùng cực này, không còn một thế lực nào phản kháng lại mình nữa, lúc đó mới có được thiên hạ thái bình, trăm họ vĩnh viễn an cư lạc nghiệp.
Tiêu Phong trầm tư hồi lâu, rồi trả lời:
- Thuyết đó tôi cũng mới nghe qua lần đầu, chừng như cũng có chút đạo lý. Chẳng qua, Tiêu Phong người thô thiển, tôi vì chẳng muốn thấy cảnh sinh linh đồ thán gây ra bởi tranh giành quyền lực, tôi thật không có hứng thú bàn luận.
Hốt Tất Liệt cười cười, nói:
- Tiêu đại hiệp cao nhân thế ngoại, Hốt Tất Liệt hôm nay được nghe lời luận của bậc hiền nhân, đúng tam sinh hữu hạnh. Nào, bọn mình lại uống thêm ba bát to nữa, từ giờ trở đi, ông làm bằng hữu tốt nhất của ta đấy.
Tiêu Phong nghĩ thầm, "Người này tính tình hào sảng, nếu chẳng phải vương tộc, đích thực một bằng hữu khó gặp trên đời". Lập tức ông đứng lên, nói:
- Đã làm bằng hữu tốt, sao chỉ uống có ba bát thôi? Ít ra cũng phải cạn thêm mười cân nữa! .
Hốt Tất Liệt nói
- Hay lắm! Hôm nay xin xả mệnh bồi tiếp quân tử, không say không thôi! Chẳng qua, cái bụng này đầy ắp rồi, để ta giải quyết xong, rồi sẽ tính tiếp!
Tiêu Phong trả lời:
- Tại hạ cũng có ý đó, mình cùng đi một lượt!
Hai người bốn mắt nhìn nhau, cùng cất tiếng cười ha hả.
Tối hôm đó, hai người uống thâu đêm suốt sáng, vui vẻ, hứng thú tận tình.
Hai hôm sau, vào lúc tảng sáng, Tiêu Phong vừa ra khỏi giường, bỗng thấy ông lão làm vườn đang vội vội vàng vàng đi tới, nói nhỏ vào tai Tiêu Phong:
- Đại sự hỏng rồi, ba người hôm trước ông bắt, họ là bộ tộc Khiết Đan.
Tiêu Phong nghe thế hoảng hồn, hỏi:
- Sao! Người Khiết Đan à?.
Ông lão làm vườn giậm chân, nói:
- Đúng người Khiết Đan. Người Mông Cổ đối xử với kẻ địch rất tàn bạo, suốt đêm qua đã tra khảo, cuối cùng một trong ba người không kham nổi trọng hình tra tấn, đã cung khai tất cả! Nguyên bọn họ dòng dõi Khiết Đan, cư trú tại thành Lâm Hoàng. Dân ở đấy không khuất phục ách thống trị của Mông Cổ, người Mông Cổ sợ họ trở thành nguồn đe doạ, nên đã liên tục cho quân đến đàn áp. Ông cũng biết, Khiết Đan ta bất khuất không đầu hàng, quân Mông Cổ dù hùng mạnh thế nào, vẫn chưa đoạt được ưu thế. Bọn ta ở đấy tổn thất cũng không ít! Nhân muốn buộc Mông Cổ ngưng chiến, bọn ta đã cử ba người võ nghệ cao cường, đến đây bắt cóc Công Chúa Tân Nguyệt, dùng Công Chúa tạo áp lực với Mông Hãn chúa. Ba người đó chờ lâu ngày, cuối cùng khi nghe tin Công Chúa và ông đơn độc xuất thành, đã định lợi dụng cơ hội ra tay, bất ngờ đụng phải ông. Ai da . . . thật là người cùng trong một nhà hại nhau, vì chẳng biết nhau!
Tiêu Phong nghe nói, trong lòng khích động, ông nghĩ, mình chuyển thế vào lúc Liêu quốc hưng thịnh, giờ gặp gỡ bộ tộc Khiết Đan lưu lạc đến đây, như ông già gù này, đổi sang tình cảnh vong quốc hiện thời. Lại nghĩ đến người đồng tộc bị hiếp đáp vũ nhục, Tiêu Phong không ngăn nổi buồn giận, ông dang tay đập bàn, nghe "rầm" một tiếng, mặt bàn bằng gỗ hoa tử lê vỡ nát, tơi tả trên đất.
Tiêu Phong đôi mắt lặng buồn, hỏi:
- Ba người đó hiện đang ở đâu?.
Ông lão làm vườn đáp:
- Họ đang bị giam giữ dưới đại lao, nghe nói, một trong ba người là nhân vật trọng yếu của bộ lạc Khiết Đan, bọn Mông Cổ đang chuẩn bị dùng người ấy làm con tin ngược trở lại
Tiêu Phong chẳng chờ ông lão nói hết, ông đứng ngay dậy, nói:
- Mình đi ngay đến địa lao, nhờ lão bá chỉ đường giúp.
Dứt lời, ông đưa tay ôm ông lão, chạy nhanh ra ngoài. Lão làm vườn chỉ thấy thân hình phiêu bổng như bay, chân không chấm đất, phút chốc họ đã ra khỏi phủ đệ Công Chúa.
Người làm vườn vừa hãi vừa mừng, lão biết võ công Tiêu Phong thừa sức đối phó tình hình kinh nhân hiện tại.
Vừa ra khỏi cổng, hai người gặp Công Chúa đang bước đến.
Nàng thấy Tiêu Phong chạy nhanh như bay, bèn cười, hỏi:
- Tiêu đại ca, huynh đi đâu sớm thế?.
Tiêu Phong đáp:
- Ta đang vội đến đại lao cứu ba người bữa trước bị ta bắt, họ vốn người Khiết Đan.
Tân Nguyệt giật mình, hỏi:
- Muội cũng vừa mới biết đây thôi, sao huynh hay tin mau vậy?.
Tiêu Phong cười nhạt, bảo:
- Mấy người tất nhiên hy vọng ta sẽ chẳng bao giờ biết chuyện đó, tại mấy người đâu có quên, ta cũng thuộc tộc Khiết Đan.
Tân Nguyệt nghe ông nói, đôi mắt nàng đăm đăm nhìn Tiêu Phong, rồi nàng đáp:
- Muội thề, hễ muội có ý như vậy, cho muội chết không toàn thây!.
Tiêu Phong thấy mắt nàng rướm lệ, trong lòng ông chùng xuống:
- Là ta sai, ta nhất thời gấp rút, đã trách oan Công Chúa!.
Tân Nguyệt buồn ngơ ngẩn, nước mắt không ngừng tuôn trào, nàng miễn cưỡng nở một nụ cười, nói:
- Không sao, chỉ cần huynh hiểu cho muội!.
Tiêu Phong bảo cô:
- Ta phải đi cứu ba người Khiết Đan đồng tộc đó, từ giờ trở đi, có khả năng ta và Công Chúa sẽ thành thù địch!
Tân Nguyệt thở dài, nàng buồn bã lặp lại:
- Thành thù địch?
Đôi mắt nàng vô thần nhìn ra trước, thẫn thờ!. Tiêu Phong chợt chắp tay, quỳ xuống lạy, nói:
- Công Chúa đã cứu mạng ta, xin nhận nơi Tiêu Phong này một lạy!.
- Đừng . . . Đừng . . . - Tân Nguyệt lùi nhanh lại, nàng không ngớt lắc đầu.
Tiêu Phong đứng lên, cất tiếng nói rõ ràng:
- Tiêu Phong xưa nay ân oán phân minh, Công Chúa có ơn lớn với ta, thể nào cũng có ngày ta báo đáp.
Vừa nói, ông ôm người làm vườn chạy nhanh ra ngoài xa.
Tân Nguyệt chợt vung cánh tay phải lên, ném một vật vàng choé láp lánh sáng, về phía Tiêu Phong. Ông quài tay nắm bắt, giữ nó trong lòng bàn tay, nghe Tân Nguyệt bảo:
- Huynh dùng kim bài này của muội, có nó, sẽ không ai ngăn cản huynh đâu!
Nói xong, nàng đưa hai tay bưng mặt, chạy đi.
Được người làm vườn chỉ đường, Tiêu Phong nhanh chóng tìm đến địa lao. Ông lão nói:
- Trong đó, nhiều người biết tôi thuộc tộc Khiết Đan, tôi không tiện vào đấy. Vả lại, thân còm này sợ sẽ chẳng giúp được gì, còn gây thêm phiền phức nữa, chỉ mong ông cứu người được thuận lợi, Từ nay trở đi, người Khiết Đan ta có được anh hùng như ông, mong sẽ ít bị bọn Mông Cổ ức hiếp!
Tiêu Phong chắp tay nói:
- Lão bá yên tâm, Tiêu Phong tôi dẫu bất tài, ngày nào tôi còn sống trên đời này, hễ Mông Cổ khí phụ người Khiết Đan, tôi quyết sống chết với chúng nó.
Ông lão làm vườn đưa tay vỗ vai Tiêu Phong, nói:
- Bảo trọng!
Rồi lão quay mình, chầm chậm bước đi.
Tiêu Phong đến trước cửa đại lao, xuất trình kim bài Công Chúa, người canh cửa vội vã nhường lối, dẫn ông vào trong. Ngục quan trông thấy kim bài, rất nể sợ ông, nhất nhất vâng lệnh Tiêu Phong. Tiêu Phong sai họ đưa tù nhân ra, nói Công Chúa muốn đích thân thẩm vấn. Ngục quan chẳng chút chần chừ, hạ lệnh điệu tù nhân đến.
Tiêu Phong nhìn ba người thân mình loang lổ vết máu, trong đó hai người chân đang bị cùm, bị lôi kéo sền sệt. Tiêu Phong nghiến răng, nói:
- Mở xiềng cùm ngay lập tức.
Ngục quan lo ngại, bảo:
- Đại nhân, đây là trọng phạm, võ nghệ họ cao cường, tháo xiềng xích ra sợ là .. .
Bỗng gã nghe "rầm" một tiếng, Tiêu Phong vỗ mạnh một chưởng lên tường, đánh thủng một lỗ lớn.
Tiêu Phong hắng giọng, thét:
- Có ta đây, ngươi dám nói đến sợ với chẳng sợ?
Ngục quan hoảng kinh, gã sững sờ, sau khi lấy lại thần hồn, gã gật đầu lia lịa, thưa:
- Được ... Được ...
Gã vừa nói vừa chạy đến, nhanh chóng cởi bỏ xiềng xích, rồi ra lệnh cho thuộc hạ:
- Bọn ngươi hãy cùng tướng công đây áp giải phạm nhân về phủ Công Chúa.
Tiêu Phong trầm giọng bảo:
- Không cần!
Ông tiến đến, đưa tay nâng một người, quay qua hai người đôi chân còn di chuyển được, nói:
- Theo ta.
Cả đoàn rảo bước đi ra ngoài ngục.
Lúc Tiêu Phong đến đại lộ, thấy trên đường tấp nập người qua lại, ông trông ba người kia, không khỏi nhíu mày, ông nghĩ thầm: "Họ thân thể nhuốm máu me, đi đứng khó khăn, trên đường có nhiều tai mắt của địch. Tân Nguyệt dẫu thả người, Hốt Tất Liệt lẽ nào lại không cho quan quân truy đuổi, ta một mình bảo vệ họ tìm đường trở về bộ tộc, khó lòng đi trên đại lộ đó".
Ông còn đang lưỡng lự, bỗng một cỗ xe ngựa chạy nhanh đến, dừng lại trước Tiêu Phong.
Người phu xe bước xuống thi lễ chào Tiêu Phong:
- Tiêu đại hiệp, Công Chúa sai tiểu nhân đem xe này đến đại hiệp thâu nhận.
Tiêu Phong định thần nhìn kỹ, ông nhận ra quản gia tại phủ Công Chúa, trong lòng thầm cảm kích Tân Nguyệt, ông chắp tay đáp lễ:
- Thật khiến ông quá vất vả, nhờ ông chuyển lời tôi đến Công Chúa, ân trọng của Công Chúa, Tiêu Phong không bao giờ quên!
Nói xong, ông dìu ba người lên xe.
Tiêu Phong lên ngồi trước đầu xe, hướng về người quản gia:
- Xin từ biệt, hẹn sau này sẽ gặp lại! .
Tiêu Phong hô một tiếng "giá!", ông vút roi, ngựa chuyển bước, kéo chiếc xe chạy, nhanh chóng tiến về cổng thành.
()Chú thích: bài từ viết theo điệu Niệm Nô Kiều (念奴嬌):
赤壁懷古 (苏东坡)
Xích Bích hoài cổ (Tô Đông Pha)
大江東去,
Đại giang đông khứ,
浪淘盡千古風流人物。
Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật.
故壘西邊,
Cổ luỹ tây biên,
人道是三國周郎赤壁。
Nhân đạo thị Tam Quốc Chu Du Xích Bích.
亂石崩雲,
Loạn thạch băng vân,
驚濤拍岸,
Nộ đào liệt ngạn,
捲起千堆雪。
Quyển khởi thiên đồi tuyết.
江山如畫,
Giang sơn như hoạ,
一時多少豪傑。
Nhất thời đa thiểu hào kiệt. ...
Niệm nô kiều - Nhớ cảnh Xích Bích (Người dịch: Nguyễn Chí Viễn)
Dòng sông đông rót,
Đào thải hết ngàn thuở phong lưu nhân vật.
Luỹ cổ tây biên,
Người bảo đấy Tam Quốc Chu Du Xích Bích.
Đá rối mây xen,
Sóng tung bờ rạn,
Cuộc bốc ngàn trùng tuyết.
Non sông như vẽ,
Một thuở bao nhiêu hào kiệt.
--- Xem tiếp hồi ----