Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

chương 138: hồi mười bảy (5)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

“ Con học được, muốn làm chuyện lớn, không thể hành động theo cảm tính. Bởi lẽ, có những trách nhiệm mà kẻ cầm đầu phải gánh lấy... Bao gồm... nhục nhã, tai tiếng. Và cả sinh mạng của... mọi người. ”

Bà Trịnh Thị Ngọc Thương nhai trầu, nhấp chén trà.

“ Tốt. Đạo làm người, cuối cùng không ngoài bốn chữ “ mềm nắn, rắn buông ” này. Đáng tiếc, trong thiên hạ có mười người, thì hết tám chỉ thuộc đấy mà không hiểu. Còn gì nữa? ”

Lê Hổ nghiến răng:

“ Còn có... nỗi khổ làm phu, phen. ”

Công việc dẫu có nặng nhọc, song với dân cày lam lũ quanh năm, chừng ấy vốn chẳng phải chuyện gì lớn. Mấy việc đào hào, đắp đất, chặt cây, giăng lưới...v.v... những kẻ chân cứng đá mềm ấy vốn đã làm quen. So với cuộc sống mưu sinh thường ngày, tay làm hàm nhai, thì đi phu đi phen có gì khác??

Trước giờ, Lê Hổ vẫn thắc mắc chuyện này.

Nhưng giờ thì cậu hiểu rồi.

Dân chưa bao giờ khổ về chuyện lao dịch. Đòn roi, mắng chửi của lũ chó săn cũng chẳng khiến họ sờn được.

Mọi thứ gói gọn trong hai từ “ tự do ” và “ tôn nghiêm ”.

Có thể mạt rệp, kiết xác, phải vắt cổ chày ra nước, làm đầu tắt mặt tối. Nhưng... quyết không làm nô lệ.

Điều này, chín trăm năm cũng chưa từng thay đổi.

Bà Thương nhấp trà, không nói thêm gì hết. Chỉ có người hầu đứng bên cạnh là mỉm cười. Chủ vui, tớ cũng vui lây. Vui niềm vui của chủ, buồn nỗi buồn của kẻ trên, ấy là đạo làm người dưới vậy. Dù không thể hiện ra, nhưng cô ta hiểu, hôm nay là ngày bà Thương vui nhất trong mấy năm qua.

“ Ừ. Hổ, sang tháng u có sắp xếp cho con một chuyện vui. ”

Bà Thương đột nhiên không hỏi chuyện ở Khoái châu nữa, mà lái sang chuyện khác.

Lê Hổ thở dài.

Ngoại trừ việc bà Thương đút lót cho đám Trương Phụ, Mộc Thạnh và thuộc cấp để trăm họ ở Lam Sơn được yên ổn, thì đây cũng là một nguyên do khác khiến cậu bỏ nhà lang thang đến tận Khoái Châu.

“ U à, bây giờ con không có tâm trạng nào mà lo đến chuyện tình nhi nữ nữa. Huống hồ thân còn tu chưa xong, tề gia sao được? ”

Lê Hổ thở dài.

Cậu chàng biết u muốn cậu yên bề gia thất sớm, để còn lo việc lớn.

“ Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ”, ấy là điều bà vẫn dạy.

Bà Thương nói:

“ Chuyện đó tùy mày, nhưng cũng đến xem mặt con gái người ta một chuyến chứ. Biết đâu lại đổi ý. Hay... mày ưng con gái nhà nào ở Khoái Châu rồi? ”

Vừa nói, bà vừa quan sát cậu quý tử. Thấy cậu chàng cố tình dời ánh mắt khắp phòng, là bà biết ngay, thằng con út của mình bị cô nào hớp hồn rồi.

Biết là thế, nhưng bà Thương vẫn cười.

“ Thực ra, u muốn mày áp tải mấy xe lương thực xuôi nam, ủng hộ nghĩa quân của Giản Định đế. Không phải mày vẫn chê u mày đớn hèn đút lót, dâng của cho giặc đấy ư? ”

Lê Hổ cười khan, đưa tay gãi gáy liên hồi, ra chiều khó xử.

Bà Thương cũng thấy lòng nhẹ hơn. Nhiều năm rồi, cuối cùng không khí giữa hai mẹ con mới bình thản lại, bắt đầu ra dáng người thân hơn.

“ Quên. Lần này nhớ dẫn thằng Lễ theo. Để thằng cu này ở nhà, nó đập gãy giò gia nhân nhà mình mất. ”

“ Đinh Lễ?? Con trâu điên ấy ư?? ”

Lê Hổ bước lui lại một bước, mặt xám ngoét như nuốt phải mật gấu.

Hai chữ Đinh Lễ... ở cái đất Lam Sơn này là hiện thân của hai từ “ rắc rối ”.

“ Hổ, đừng bảo nó là trâu điên. Nó chỉ... hiếu động một tí thôi. ”

Nghe ngữ khí, thì có vẻ bà Thương cũng phải đau đầu nhức óc vì cái tên này. Người đàn bà giải quyết êm đẹp toàn những tên có vấn đề về đầu óc như Nguyễn Xí, Trần Đĩnh... mà còn thấy bó tay bó chân trước Đinh Lễ.

Đủ hiểu tên này rắc rối đến mức nào.

“ Dạ. Dạ. Nhưng nếu nó có nổi xung thiên vác côn vụt gãy giò con trai u không thì con không biết đâu đấy.”

Lê Hổ nhún vai, cúi đầu chào, rồi rời nhà.

Mặc dù quan hệ giữa cậu và bà Thương đã ổn hơn trước, nhưng Lê Hổ vẫn khoái ở ngoài kết giao với hào kiệt các nơi hơn là trong căn nhà lớn, hưởng chăn ấm đệm êm như một cậu quân trưởng con.

Bà Thương chờ con trai đi khuất, rồi mới quay sang bảo con sen của mình:

“ Con ra gọi chị Lữ lên đây, bảo bà có chuyện cần hỏi. ”

“ Dạ. ”

Vừa đi làm chuyện được giao, cô ả vừa nghĩ:

[ Chắc bà lại cho chị Lữ ra ngoài mấy tháng đây. ]

Lê Hổ ra khỏi nhà, luẩn quẩn quanh cây đa mấy vòng liền, rồi mới quyết định tiếp theo nên làm gì. Thế là cậu chàng đổi hướng, ra sân đình trước.

[ Gọi anh Đĩnh hoặc anh Thư đi cùng mình mới mong kiểm soát được tên khùng kia. ]

Trong sân đình…

Lê Hổ vừa mon men đến cổng tam quan thì đã thấy thanh âm huyên náo vọng ra từ sân đình. Hai người về chưa lâu, chắc Trần Đĩnh và Ngũ Thư mới chỉ vừa đánh tiếng muốn tỉ thí thôi, thế mà hương thân phụ lão đứng xem đông nghẹt. Trong sân đông tới độ ai trẻ thì trèo cả lên cây, lên bờ rào để nhường chỗ cho người giả cả với trẻ em. Thậm chí, Lê Hổ còn có thể loáng thoáng thấy có người làm nhà cái mở sới đánh cược.

Nhưng khán giả cũng hiểu đao kiếm vô tình, nên rất tự giác để lại một khoảng sân rộng cho hai đối thủ.

Phạm Ngũ Thư và Trần Đĩnh đứng đối diện nhau, bàn tay đặt hờ lên chuôi kiếm.

Đảo mắt nhìn quanh sân đình một lượt, Long Thành kiếm khách thở dài:

“ Này, Huyết Kiếm thiên công đổi tính từ bao giờ thế? ”

Trước giờ Trần Đĩnh vốn không phải người khoe mẽ. Tỉ đấu ở hồ Linh Lang cũng chỉ hai người bọn họ biết với nhau mà thôi. Nay thấy y hưng sư động chúng, gọi nhiều người đến xem như thế, Ngũ Thư không khỏi lấy làm lạ.

Vì có cái mặt nạ, biểu cảm của Trần Đĩnh không lộ ra ngoài, song qua ánh mắt bối rối cũng thấy… té ra hắn cũng không biết sẽ có nhiều khán giả thế này.

[ Thế thì… ]

Đôi vai Trần Đĩnh đang run lên bần bật.

Điều này càng khẳng định giả thuyết mà Ngũ Thư đang nghĩ tới là chính xác.

Phựt.

Cờ ngũ sắc thi nhau phất lên, hua qua lại trên đỉnh đầu Trần Đĩnh…

“ Giáo đầu cố lên! ”

“ Cho hắn đo đất! ”

Tiếng người hét lên bai bải trợ chiến quyện cùng tiếng chiêng khua trống đánh làm huyên náo cả một góc đình. Bầu không khí của người quan chiến càng lúc càng nóng lên theo tiếng reo hò dữ dội. Chân trần lấm lem bùn đất thi nhau dậm lên nền gạch theo nhịp phách, bình bình bịch, bình bình bịch...

Phạm Ngũ Thư giơ tay lên miệng, cố nhịn không bật cười thành tiếng. Y liếc Đĩnh một cái, nói:

“ Ồ. Xem ra chỉ mấy tháng không gặp, mà Huyết Kiếm thiên công đây đã có danh tiếng lừng lẫy khắp Lam Sơn rồi nhỉ. ”

“ Cái đám này... ”

Trần Đĩnh nghiến răng, bàn tay đặt lên chuôi thanh Linh Lang càng siết chặt thêm.

Té ra những gia nhân được Đĩnh dạy võ nghệ cho hay tin y sắp tỉ thí với Phạm Ngũ Thư, bèn kháo nhau loạn lên, còn vác nồi niêu xoong chảo trong nhà theo cổ vũ hò hét trợ uy cho giáo đầu. Mà, ở cái đất An Nam này, có việc nào trong nhà đã tỏ mà ngoài ngõ chưa tường đâu? Thế là, dân tình được buổi mãi võ miễn phí, không cao hứng chạy đến góp vui mới lạ...

Trần Đĩnh quay đầu, định quát đám gia nhân im lặng, nhưng rồi bất giác lại nhớ chuyện hồi còn ở trong quân ngũ.

Mỗi lần Hồ Xạ tỉ thí với Hồ Đỗ, lính tráng trong quân cũng chia thành hai phe, rồi cổ vũ ầm ĩ như vậy.

Chuyện xưa như tái hiện trước mắt, thành ra Trần Đĩnh cũng chẳng còn tâm trạng nào mắng đám gia nhân nữa.

“ Đánh đi. ”

Trần Đĩnh rút thanh Linh Lang ra.

Kiếm xé bao, hướng thẳng trời cao, tiếng kiếm ngâm nga như rồng kêu phượng hót. Thân kiếm có một đường ánh đỏ, rất mờ, chạy từ mũi đến tận hộ thủ, chính là phần còn lại của thanh Huyết Ẩm.

Ánh kiếm của đối thủ phả vào mặt, tựa như thiêu đốt bầu nhiệt huyết của người kiếm khách. Bàn tay Ngũ Thư đặt trên chuôi kiếm như có điện xẹt qua, khẽ di động, khiến bao kiếm lách ra một chút. Hồn kiếm như theo kẽ hở toát lên, cơ hồ muốn tranh hùng cùng tiếng kiếm ngâm càng lúc càng rõ.

Bảo kiếm kêu gào, muốn chủ nhân lấy kiếm hội kiếm.

“ Đấy không phải Thư kiếm. ”

Trần Đĩnh nhíu mày, thấp giọng.

Quả vậy. Thanh trường kiếm trên tay Ngũ Thư hiện giờ mặc dù sắc bén cứng cỏi, dẻo mà không giòn, cũng coi là kiếm báu khó cầu. Song không phải Thư kiếm.

Lưỡi kiếm uốn lượn như con rắn đang trườn ở hồ Linh Lang, không thể lẫn đi đâu được.

Còn thanh Ngũ Thư đang cầm trên tay, một mũi hai lưỡi, dài đúng hai thước rưỡi, trông quả thực không khác gì một thanh kiếm tiêu chuẩn lò rèn nào cũng làm ra được.

Trần Đĩnh thở dài, thu kiếm vào bao.

“ Nếu đối thủ không phải một trong Thư Hùng, kiếm của ta không rời vỏ. ”

“ Vậy… Phạm Ngũ Thư ta không xứng làm đối thủ của ngươi ư? ”

Phạm Ngũ Thư thấp giọng.

Ngữ khí y đã có phần khiêu khích.

“ Phạm Ngũ Thư không có Thư Hùng cổ kiếm, còn là Long Thành kiếm khách mà ta biết hay không?? ”

“ Cứ thử đi là biết! ”

Soạt!!

Linh Lang kiếm rời vỏ, thay câu trả lời.

Hai kiếm khách sáp vào nhau, tái hiện trận chiến mười năm trước bên hồ Linh Lang.

Cuối chiều…

Tỉ đấu đã xong, đám đông đã vãn, chỉ còn hai kiếm thủ ngồi gối lên thanh kiếm cắm nơi sân đình, lưng đối lưng.

Lá cứ rơi, mặt trời cứ lặn…

“ Lần này nhà ngươi thắng rồi. ”

Phạm Ngũ Thư nói.

Trần Đĩnh khịt mũi:

“ Không tính. Không có Thư Hùng cổ kiếm, Đảo Nam Nghịch Bắc của ngươi không thể hiện được quá bảy phần uy lực. ”

“ Thua là thua… không có lí do lí trấu gì cả. Coi như hai ta huề. ”

“ Ừ… coi như huề. ”

Hai người ngửa mặt nhìn bầu không nhuộm nắng chiều, mà bật cười ha hả.

Trong lòng họ, nói cùng một câu.

Lần sau tái đấu… quyết phân thắng bại.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio