TIÊN LỘ YÊN TRẦN
Nguyên tác: Quản Bình Triều.
Dịch thuật: Văn Đàn Việt Nam
Quyển : Du tiên nhất mộng đáo la phù.
-----oo-----
Chương :Tuyệt đính chi đăng, chúng sơn vi tiểu.
Hải quan tẫn đầu thiên tác ngạn, sơn đăng tuyệt đính ngã vi phong.
Dật Danh.
Khii Tỉnh Ngôn hiểu được bản thân vừa rồi đã gặp một vị cao sĩ, liền vội vã đuổi theo, nhưng phát hiện, vị đạo nhân lớn tuổi vừa ngâm xướng vừa đi khi nãy, hiện đã không còn thấy bóng dáng, giống như đã biến mất trong khoảng không!
"Ồ! Thần tiên bản lĩnh như thế mà ta lại để lỡ cơ hội, đáng tiếc, đáng tiếc! Xem ra, có lẽ phúc duyên của ta chưa đủ..."
Sơn đạo vắng lặng, chỉ thấy mây trắng lượn lờ trên trời. Nhìn con đường không một bóng người trước mặt, trong lòng Tỉnh Ngôn hơi có cảm giác mất mác.
Nhánh sơn đạo mà thiếu niên hiện đang đứng, nằm ở một bên rừng, phía bên phải trống không, gió núi thổi đến khá mạnh. Đứng trên sơn đạo hoang lương này, trong nhất thời, Tỉnh Ngôn cảm thấy gió núi lùa vào áo hơi lạnh lẽo. Nhớ đến Trần Tử Bình còn nghỉ ngơi trong Bán sơn đình, đành ấm ức quay về.
...
Lúc này trong khu rừng bên trái sơn đạo, có một vị đạo nhân lớn tuổi, đang ngồi trên một khối đá xanh, cởi giày gãi chân không thôi. Chỉ nghe lão ảo não than thở:
"Ai! ham đi đường tắt chi để vấp đá trẹo chân thế này, còn phải mất thời gian ngồi nghỉ...xúi quẩy xúi quẩy!"
Tạm không nhắc đến đạo nhân bị trẹo chân đó, lại nói đến hai người Tỉnh Ngôn và Trần Tử Bình, qua hơn một canh giờ leo núi nữa thì cuối cũng đã đến sơn môn của Thượng Thanh cung. Chỉ thấy một cánh cổng đá cổ xưa, đứng sừng sững ở con đường rẽ lên tòa chủ phong của La Phù Sơn. Cánh cổng đá cao lớn này, hình dáng đơn giản, bề mặt không có chạm trổ hoa văn gì, trên cổng chỉ treo một tấm bảng viết bốn chữ triện chung đỉnh( Chữ triện ngày xưa có lối chữ viết như cái chuông cái đỉnh gọi là chung đỉnh văn):
"La Phù Thượng Thanh".
Hơi nằm ngoài ý liệu của Tỉnh Ngôn đó là, giáo môn hàng đầu vang danh thiên hạ này, cánh cổng là bộ mặt của giáo môn, lại giống như đã lâu năm chưa từng vệ sinh qua, gần hai bên trụ đá, cỏ dại um tùm. Hai trụ đá này, trải qua nhiều năm bị mưa gió tấn công, có nhiều chỗ đã bị xói mòn bong tróc. Trong mấy cái hóc lõm do bị xâm thực đó, cũng đầy cỏ dại xanh um.
Bất quá, cũng chính vì cổ xưa như vậy, mới giúp Tỉnh Ngôn lập tức liên tưởng đến lịch sử lâu đời của Thượng Thanh cung. Có lẽ, do việc không tu sửa làm cho cánh cổng đá bị tàn phá một vài chỗ, mới khiến cho người nhìn cảm nhận được một loại khí chất cổ xưa đặc biệt. Điều này ngược lại với cảnh tượng rực rỡ của mấy giáo môn mới phát triển, càng khiến người ta tự sinh lòng kính trọng!
Đợi khi bước qua cánh cổng đá vào Thượng Thanh cung, theo Trần Tử Bình leo lên đỉnh Phi Vân, ngọn chủ của La Phù sơn, Tỉnh Ngôn mới biết, cái gì là động thiên cảnh giới, cái gì là thần tiên khí tượng!
Vừa rẽ vào lối lên Phi Vân phong, Tỉnh Ngôn phát hiện sơn đạo này còn hiểm hóc hơn so với sơn đạo đã qua. Có vài gờ đá trên đường đi, bề rộng chỉ lọt một người, phía ngoài là vực thẳm sâu không thấy đáy. Lại có một đoạn bậc cấp đá, từ dưới nhìn lên, hệt như dán vào trên vách đá thẳng đứng, trên dưới hoàn toàn không có điểm tựa.
Mặc dù thiếu niên lớn gan, nhưng lần đầu nhìn thấy một đoạn đường núi dốc đứng như thế, cũng không khỏi không rét mà run. Đặc biệt lúc y đi trên đoạn bậc đá lăng không đó, thì chỉ cảm thấy núi non trùng điệp trước mắt, tựa hồ như đang ùn ùn xô tới mình, khí thế đó, khiến cho người thiếu niên lần đầu lên La Phù học nghệ, không ngớt tắc lưỡi tán thán.
Nghe Trần Tử Bình nói, ban đầu lúc mở đường lên Phi Vân phong này, thợ phá núi làm đến chỗ này thì phát hiện thế núi quá hiểm hóc, khó có chỗ bám vào, đừng nói là mở đường, cả đến gần cũng rất khó khăn. Đường núi làm đến chỗ này, tựa hồ biến thành tuyệt lộ. Ngay lúc chúng nhân bó tay không nghĩ ra cách xoay sở, thì có một vị cao nhân tiền bối của Thượng Thanh cung, thi triển đại pháp lực, lăng không dùng đao chặt búa chém trên cách đá dựng đứng này, dựng lên đoạn bậc đá ngoằn ngoèo này.
Tuy đường đã mở, cũng có thể coi là qua lại thuận lợi, nhưng nhánh thạch đạo này, cho dù là treo ở giữa không trung, người đi đường, vừa nghĩ đến bản thân đang trên không đến trời, dưới không chạm đất, tư vị ở giữa âm dương này thật khiến người ta kinh hồn tán đảm. Do đó, bình thường môn nhân Thượng Thanh cần phải qua lại nhánh thạch đạo lăng không này, gọi nó là "Thần Quỷ lộ", thành thần thành quỷ, thì phải xem có thể qua được hiểm đạo này hay không. Đệ tử vừa vào Thượng Thanh cung, cũng có một quy củ bất thành văn, nếu qua được "Thần Quỷ lộ" này, lên Thượng Thanh cung bái phỏng tượng Tam Thanh tổ sư, thì mới chứng minh mình đạo tâm kiên cố, mới chính thức trở thành một môn nhân Thượng Thanh chân chính.
Đợi sau khi tim đập mặt tái qua được "Thần Quỷ lộ", lại trèo lên trên thêm một đoạn, Tỉnh Ngôn bỗng nhiên phát giác, bên cạnh mình, như có những mảnh sương rất mỏng trôi nổi phập phù. Thiếu niên phát giác dị trạng đó, không kìm được quay đầu nhìn. Vừa quay đầu lại thì thấy được cảnh tượng mà suốt đời Tỉnh Ngôn cũng khó quên:
Lúc này, trong quần sơn trước mắt, khắp nơi đều mù mịt những vảy mây trắng lóa. Mây mù trên núi tràn ngập đất trời, đang không ngừng cuồn cuộn bốc lên, hệt như biển mây đó mênh mông không giới hạn. Trong biển mây không ngớt biến ảo, chuyển động, khuếch trương này, có ba ngọn núi xanh rì, mặc cho biển mây ùn ùn lôi kéo, vẫn đứng sững sừng bất động. Dưới sự vây chặt của biển mây mù mênh mông, ba ngọn núi ở trong biển mây lơ lửng, giống hệt như doanh châu tiên đảo hải ngoại trong truyến thuyết, như thật nhử ảo.
Thời khắc đó, ánh nắng tinh khiết từ trên trời đang chiếu xeo xéo xuống ba ngọn núi, soi rọi ba tòa tiên đảo trong mây này sáng lấp lánh, quang hoa thánh khiết óng ánh chớp nháy.
Hiện tại, Tỉnh Ngôn đang đứng trong biển mây, nhìn mây lửng lờ, nhìn núi trầm ngâm, gió núi thổi tới u u. Vào lúc này, thiếu niên tựa hồ cảm thấy như mình đã là tiên nhân trên trời, nhẹ nhàng bềnh bồng, khoáng đạt như hòa lẫn vào không trung, như đang cỡi gió đạp mây phá không mà đi...
Trần Tử Bình thấy thiếu niên bỗng nhiên ngưng lại không đi tiếp, chỉ đứng sững đó si mê ngắm núi non mây khói, trên mặt hiện rõ nét xuất trần, trong nhất thời, cũng không nở lên tiếng quấy rầy y. Qua một lúc lâu, đợi thiếu niên tỉnh táo lại, Trần Tử Bình mới nói với y, ba ngọn núi sừng sững trong biển mây vạn dặm trước mặt y, chính là các ngọn núi đặt đạo quan khác ngoài đạo quan chính Thượng Thanh, bao gồm: Chu Minh phong, Bão Hà phong, Úc Tú phong. Mấy ngọn núi này, vây quanh Phi Vân phong, hô ứng lẫn nhau, cùng ngọn Phi Vân, hợp xưng là "Thượng Thanh tứ động" của La Phù sơn.
Còn đỉnh Phi Vân trên La Phù Sơn, cách chỗ Tỉnh Ngôn đang đứng ngẩn đó, cũng không còn quá xa. Qua không bao lâu, hai người Tỉnh Ngôn đã đến trên đỉnh Phi Vân của ngọn Phi Vân phong La Phù sơn.
Lúc tiếp cận đỉnh Phi Vân, gió núi như cắt, vân khí ngùn ngụt, Tỉnh Ngôn cảm thấy khắp người rất lạnh lẽo. Nhưng đến khi lên tới đỉnh Phi Vân, thì đột nhiên cảm thấy khí trời lại hồi phục sự ấm áp như ở ngoài núi.
Đỉnh Phi Vân này, chính là đỉnh cao nhất của ngọn Phi Vân. Tỉnh Ngôn phát hiện, đỉnh Phi Vân giống như một đài đá rất lớn, bốn phía bằng phẳng, hệt như trên đất bằng. Trên đỉnh Phi Vân, quả như Trần Tử Bình nói lúc trước, đúng là kỳ hoa khắp nơi, cây cối chen chúc, thể hiện rõ sức xuân mãnh liệt. Trong khu rừng tre xanh tươi, thấp thoáng vài mái vòm cong cong của đạo quan, trong đó có một tòa lâu các đồ sộ cao vút, chính là "Quan Thiên các", chỗ tĩnh tu của các đạo nhân có bối phận cực cao trong Thượng Thanh cung.
Thượng Thanh quan trên đỉnh Phi Vân hiện đang trước mặt Tỉnh Ngôn, chính là chủ điện của Thượng Thanh cung La Phù sơn. Tòa điện quan này, ngoại hình cổ xưa, tự nhiên thấu xuất một cổ khí tức trang trọng, hiển hiện đạo khí tràn trề. Trước Thượng Thanh quan, là một quảng trường rộng rãi lát đá. Ở bốn góc quảng trường, bày bố năm bức tượng điêu khắc đá án theo phương vị ngũ hành. Tỉnh Ngôn quan sát một vòng, thì biết tượng đá ở bốn góc phân biệt theo tứ linh đạo giáo: Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ. Còn phương vị mậu kỷ ở trung tâm quảng trường, lại sắp đặt một đồ hình thái cực bằng đá rất lớn. Thái cực đồ này chia thành hai nửa âm dương, trên nửa mặt dương trồng đầy cỏ thơm, đang tự nhiên sinh trưởng xanh um, thể hiện sức sống tràn trề. Còn mặt âm là mặt đá sạch sẽ, trên đó có một dòng nước chảy êm ái chảy không ngừng.
Tỉnh Ngôn hết sức hứng thú với thái cực lưu thủy này, bởi vì lúc y nhìn dòng nước như có như không đó, cảm thấy tâm linh vô cùng trong trẻo thánh khiết. Mọi mệt nhọc trên đường lên núi, như biến sạch vào hư không.
Khiến thiếu niên kinh ngạc đó là, y xem xét tỉ mỉ một hồi lâu, rốt cuộc vẫn không minh bạch, dòng nước ở mặt âm thái cực, là từ nơi nào chảy ra và chảy đến nơi nào. Dòng nước này từ không xuất hiện, rồi chảy lại vào không, hệt như ai cắt một đoạn suối đem nó an bài ở đây!
Hiện tại, trên quảng trường lát đá này, có vài đạo nhân Thượng Thanh đang qua lại, đột nhiên thấy có một thiếu niên đến, lại đứng ngẩn ngơ trước đồ hình thái cực, thì không khỏi lấy làm lạ. Thu hút sự chú ý của mấy sư huynh sư bá, Trần Tử Bình vội gọi Tỉnh Ngôn một tiếng, kéo y đi về hướng Thượng Thanh cung.
Đến cửa Thượng Thanh cung, Trần Tử Bình nói rõ ý đến với đệ tử giữ cửa, nhờ hắn thông báo cho chưởng môn, nói tân Đường chủ Trương Tỉnh Ngôn của Tứ Hải đường, đã đến ngoài cửa.
Tên tiểu đạo sĩ đó đáp lời rồi đi, hai người Tỉnh Ngôn và Trần Tử Bình thì chờ ở ngoài cửa. Tỉnh Ngôn ngẩng đầu nhìn thấy bốn chữ "Động ánh Thượng Thanh" trên cái bảng đá treo ở của Thượng Thanh cung, hai bên còn có một câu đối kiểu chữ cổ chuyết:
Đoán mệnh nhiếp tính huyền môn chí đạo thông tiên cảnh.
Táo tuyết nhu đĩnh lan thai linh quang thấu tê chân.
Đối với người thiếu niên hiện đang quan sát câu đối này mà nói, mong muốn gia nhập Thượng Thanh giáo đã nhiều năm, hiện tại đã thành hiện thực, theo lý thì phải kích động phi thường, nhưng đến khi y thật sự đến ngay cửa của Thượng Thanh cung, thì ngược lại thấy vô cùng bình tĩnh, còn có hứng thú ngắm nghía câu đối ở cửa.
Bất quá, đến khi được phép vào Thượng Thanh quan, đi gặp chưởng môn Thượng Thanh cung danh chấn thiên hạ, tim Tỉnh Ngôn không khỏi đánh liên hồi như trống trận.
Trong Tĩnh Thất thanh tịnh sạch sẽ, Tỉnh Ngôn cuối cùng cũng thấy được chưởng môn Thượng Thanh cung La Phù sơn, Linh Hư Tử.
Trước khi gặp vị đạo nhân có thanh danh lớn nhất Thượng Thanh cung này, Tỉnh Ngôn đã vẽ lên trong đầu rất nhiều tướng mạo cho lão. Tuy hình tượng trong tưởng tượng rất nhiều, nhưng cũng không ra khỏi khuôn khổ dáng vẻ già lão, cao lớn uy nghiêm, tiên phong đạo cốt. Nhưng đến khi y chân chính thấy được vị chưởng môn Thượng Thanh cung Linh Hư Tử, Tỉnh Ngôn mới phát hiện, sự phỏng đoán của mình chỉ đúng một nửa với vị chưởng môn này, đó là phong thái uy nghiêm, đạo đức cao thâm. Chỗ không khớp với tưởng tượng của y chính là vị chưởng môn Thượng Thanh danh chấn đạo môn, dung mạo không hề già lão. Đặc biệt, vị Linh Hư Tử này cũng không hề cao lớn, đứng ở trước mắt Tỉnh Ngôn, tựa hồ còn thấp hơn thiếu niên một hai phân.
Nhưng chính dáng vẻ bề ngoài không quá nổi trội đó, lại tự nhiên toát lên một cổ uy thế khó tả. Tuy thấy lão cười vui vẻ, tùy tiện đứng ở đó, nhưng lại khiến người ta không tự chủ được, nảy sinh cảm giác tôn kính.
Thấy Tỉnh Ngôn đến, vị Linh Hư chưởng môn này cũng rất cao hứng, đối với việc nhà Tỉnh Ngôn đem Mã Đề phúc địa, nhường cho Thượng Thanh cung xây dựng biệt viện, lão cảm tạ không thôi, làm cho thiếu niên nghe thấy hoảng hốt, vội đáp không dám không dám.
Nhìn thiếu niên mặt mày sáng sủa lại nho nhã lễ phép như thế, Linh Hư chưởng môn cũng rất hài lòng. Ngập ngừng một chút, liền kêu người truyền Đường chủ tiền nhiệm của Tứ Hải Đường, Lưu Tông Bách, hiện là Thanh Bách đạo trưởng của Hoằng Pháp điện, đến bàn giao công việc với Tỉnh Ngôn.
Đợi khi vị Đường chủ tiền nhiệm của Tứ Hải đường vào trong phòng khách, Tỉnh Ngôn vừa thấy dung mạo của ông ta, thì nhịn không được kinh ngạc bật thốt:
"Thì ra là ông?"