Tiếu Ngạo Trung Hoa

hoàng ưng tảo quần hồ

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Trung Hoa là đất nước có lãnh thổ rộng lớn, mùa xuân từng bước đi từ Nam lên Bắc, và khí hậu cũng lạnh dần theo.

Tháng ba, ở Hoa Nam đã chớm hạ, nhưng Bắc Kinh vẫn còn xuân. Và con một điều nữa là càng xa biển càng rét mướt!

Trưa mùng hai tháng ba, thầy trò Nam Cung Giao đến thành Hợp Phì, cách Nam Kinh sáu trăm dặm về hướng Tây.

Thời Tống, Hợp Phì có tên là Lư Châu! Nơi đây thành thị chỗ chôn nhau cắt rốn của một nhân vật lịch sử rất lừng danh là Bao Thanh Thiên!

Thuở ấy, kinh đô nhà Bắc Tống đặt ở Khai Phong, tức thành Biện Lương, nằm cạnh bờ sông Hoàng Hà!

Bao Chửng được phong Hàm Long Đồ Đại Học Sĩ, chấp chưởng Phủ Doãn phủ Khai Phong.

Tài xử án của họ Bao lẫy lừng kim cổ, khi chết được hậu thế lập đền thờ.

Ở Khai Phong có một đền và tại quê hương có cái thứ hai. Chẳng những thế con đường có miếu của họ Bao tọa lạc cũng được mang tên ông. Đấy là do bách tính đặt ra cho dễ nhớ, chớ thường thì các triều đại Trung Hoa cổ không có thói quen dùng tên danh nhân để đặt tên đường xá hoặc đô thị!

Tại sao lại phải nhắc đến Bao Chửng ở đây? Vì đối diện miếu thờ họ Bao, trong thành Hợp Phì, có một tửu quán rất nổi tiếng mang tên Bao Gia đại tửu lâu.

Nghĩa là nó thuộc về con cháu của Bao Công. Có lẽ vì nhờ danh tiếng của tổ phụ nên quán nhậu này rất đắt khách! Và giờ đây, nó được vinh dự tiếp đón chàng trai họ Nam Cung của chúng ta, cùng hai gã thủ hạ!

Được hóa thân làm người khác là niềm vui khó tả, do vậy, đám nhi đồng rất khoái mang mặt nạ.

Nam Cung Giao, một gã đàn ông mang bản chất trẻ thơ, tận dụng món đồ chơi ưa thích là bẩy chiếc mặt nạ da người.

Hôm nay, chàng đóng vai một hán tử tứ tuần thô mỹ, mày rậm, mũi ưng, râu mép xanh rì, da mặt sần xùi, kha khá giống cường sơn, thảo khấu.

Trịnh Tháo đã dùng thuốc mầu dặm thêm rất kỷ, nên dù ai tinh mắt cách mấy cũng không phát hiện nổi giả chân!

Ba người chậm rãi ăn uống. Nhâm nhi chén rượu đặc sản của giòng họ Bao!

Bao Chửng chưa hề nổi tiếng sành rượu, sành ăn, thế mà con cháu lão lại phát tài bằng nghề ăn uống, quả cũng là lạ.

Nam Cung Giao bâng khuâng nhìn sang bên đường, quan sát miếu thờ Bao Chửng! Các bậc trung lương, hiền tài, khi chết đi, đều được phong làm phúc thần. Đền thờ của họ là chốn để bách tính đến cầu khẩn khi đau ốm, khó khăn. Do vậy, dù không phải ngày sóc vọng, miếu của Bao Công cũng nghi ngút khói hương, lác đác người ra kẻ vào.

Chùa và miếu là hai nơi kinh doanh ngành quán trọ đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, có trước cả dịch trạm.

Ngoài chính Điện để thờ cúng, chùa miếu còn có những công trình phụ dành cho tín đồ phương xa nghỉ lại.

Các chàng học trò nghèo thường trọ ở chùa, miếu để dồi mài kinh sử cho rẻ và yên tĩnh. Khách lỡ độ đường, và hầu bao quá nhẹ, cũng tìm đến các chùa hay miếu.

Nam Cung Giao nhãn lực tinh tường thoáng nhận ra một vóc dáng quen thuộc trên sân gạch của miếu thờ họ Bao.

Người này chắp tay sau lưng đi lại. Ngắm nghía những cành mai nở rộ.

Mùa xuân vùng Trung Hoa đến khá âm thầm vì tết Nguyên Đán đã qua từ lâu.

Nhân vật tao nhã ấy là một lão già tuổi lục tuần, trường bào vải xanh mộc mạc, không đeo vũ khí trông rất hiền lành.

Nhưng Nam Cung Giao đã nhận ra lão ta là một trong những hộ pháp của Hồ bang. Chàng nhìn thấy đối phương chỉ một lần khi đột nhập Ngọc Lan Cốc để cứu Tử Phượng.

Nam Cung Giao dặn dò hai thủ hạ, gởi kiếm và hành lý cho họ, rồi rời tửu lâu đi sang miếu để kiểm chứng, cuối cùng xác định rằng mình chẳng hề lầm.

Chàng trở lại bàn rượu, cau mày bảo Trịnh Tháo, Trịnh Mãng:

- Chẳng lẽ Hồ bang biết Sở Nhu là vợ của ta, và định tấn công Sở Gia trang, bắt gia Nhạc mẫu để uy hiếp?

Trịnh Tháo bàn rằng:

- Sự đời bất trắc, khó mà lường được! Công tử cứ đến Sở Gia trang trước anh em thuộc hạ sẽ trà trộn vào miếu để giám sát hành vi của đối phương. Có tin gì, Trịnh Mãng sẽ về báo lại ngay!

Nam Cung Giao đồng ý, xuống lầu lên ngựa phi về hướng Đông Thành.

Chưa gặp con rể lần nào, song Sở mẫu đã nhận thư của các con nên biết việc mình có chàng rể tên gọi Nam Cung Giao.

Sở Gia trang trông tươm tất, khang trang hơn nhà của hai gã họ Trịnh, và cũng đông đúc hơn.

Trên sân trước, một lũ tiểu đồng áo bông sáu bảy đứa, đang nô đùa vui vẻ.

Thấy có khách dừng cương nơi cổng bọn chúng chạy ùa ra xem, và sợ hãi trước bộ mặt cô hồn của gã đàn ông cao lớn.

Một đứa chạy ngược vào nhà gọi mẹ!

Lát sau, vợ của Sở Tích Vũ ra đến.

Nam Cung Giao đoán thế vì nghe kể nàng dâu thứ ba nhà họ Sở tuổi chỉ độ hai mươi bốn, có nốt ruồi duyên trên miệng, tên gọi Từ Thanh Phụng.

Chàng vòng tay nói:

- Tiểu đệ là Nam Cung Giao, xin bái kiến đại tẩu!

Nữ nhân giật mình bối rối:

- Các hạ có gì để chứng minh điều ấy?

Nam Cung Giao mỉm cười, đưa ra một chiếc hỏa tập bằng đồng rất tinh xảo. Đây là sản phẩm đặc biệt do Xảo Xảo thư sinh Sở Nam Vu làm ra để tặng Sở Nhu.

Để xóa tan sự nghi hoặc, chàng hạ giọng nói:

- Sở Nhu cổ hai nốt ruồi son trên đùi trái, chẳng hay đại tẩu có nhớ hay không?

Thanh Phụng với Sở Nhu cùng trạc tuổi nên rất thân cận, biết được dấu vết kín đáo này. Nàng cố nén tiếng thở dài, thầm thương cho em chồng lấy phải người chồng thô mãng, xấu xí!

Từ Thanh Phụng hờ hững nói:

- Mời Tứ muội phu theo ta vào trong bái kiến Lão thái!

Bọn trẻ đã sớm chạy vào ton hót rằng có Tứ cô trượng đến thăm, nên Sở lão phu nhân và hai nàng dâu kia đã chờ sẵn nơi khách sảnh!

Sở lão thái tuổi đã bảy mươi hai, buồn vì chồng bị giết nên tóc bạc trắng như sương, song ánh mắt vẫn sáng rực và đầy vẻ uy nghiêm.

Nam Cung Giao quì xuống, cẩn thận lột mặt nạ ra, rồi nói:

- Tiểu tế ra mắt nhạc mẫu!

Sở Lão Thái thấy con rể nghi biểu đường chính, tuấn tú, hoan hỉ cười bảo:

- Hiền tế hãy bình thân! Ngươi cải trang khiến lão thân phải một phen hú vía, tưởng rể của mình là tướng cướp!

Cuối canh hai, Trịnh Mãng đến Sở Gia trang báo tin:

- Bẩm công tử! Mục tiêu của Hồ bang không phải Sở Gia trang, mà là Hoàng Ưng bảo, dưới chân núi Ưng Phong, cách cửa Bắc Thành độ mười dặm!

Dường như Hồ bang đã dốc toàn lực lượng đến đây, có cả Quỷ Côn và Bang chủ Sài Tuấn!

Nam Cung Giao tư lự, nhớ đến gương mặt rắn rỏi, kiên nghị của Hoàng Ưng bảo chủ Tổ Nam Phi, người đã thượng đài tranh giành Thần Nữ Tiền Vân Mi, bị Khương Thư Hàn dọa khiếp nên phải bỏ cuộc!

Tục ngữ có câu “Anh hùng tương thức”, Nam Cung Giao thấy mến cốt cách của Tổ Nam Phi, quyết định đến Hoàng Ưng bảo giúp đỡ một tay!

Chàng vào trong cáo từ Sở lão Thái, nhân dịp nêu lên thắc mắc:

- Bẩm Nhạc mẫu! Chẳng hay Hoàng Ưng bảo sở hữu vật báu gì mà lại kích động lòng tham của Hồ bang!

Sở lão Thái đăm chiêu một lát rồi đáp:

- Bẩy năm trước, lão Bảo chủ Tổ Kỳ Long tình cờ nhặt được một thanh cổ kiếm có hình dạng và kích thước của loại trường kiếm thời chiến quốc. Do bị chôn vùi lâu năm, vỏ bị rỉ sét, dính chặt vào lưỡi kiếm. Tổ Kỳ Long liền mang đến đây, nhờ Tiên Phu lấy ra giùm. Té ra, đấy chính là Thanh Thần Kiếm Thái A lừng danh cổ kim! Giòng họ Tổ chuyên về đao pháp nên chỉ giữ lấy làm bảo vật gia truyền chứ không sử dụng. Có lẽ Hồ bang biết được việc này nên đến chiếm đoạt?

Nam Cung Giao bán tín bán nghi vì Sài Tuấn cũng là một đao thủ, đâu cần thần kiếm làm gì? Chàng không nói ra nghi vấn ấy, bái lạy nhạc mẫu để cáo biệt.

Chàng sẽ ngược Bắc luôn chứ không quay lại nữa.

Sở Lão Thái nghiêm giọng:

- Giao nhi! Hoài Giang Thần Thương Tần Dũng Nhuệ còn giữ của nhà họ Sở một số bảo vật, con hãy đến đấy mà lấy lại! Lão thân tặng hết cho người, xem như lễ hồi môn của Sở Nhu.

Bà sai con dâu trưởng lấy văn phòng Tứ bảo, thảo nhanh một phong thư trao cho Nam Cung Giao.

Chàng nhận lấy, thu xếp hành lý, cùng Trịnh Mãng rời thành Hợp Phì, phi ngựa về hướng Ưng Phong!

Lúc trưa, Nam Cung Giao đã dâng tặng Sở lão thái ba ngàn lượng vàng để tỏ lòng hiếu kính. Tất nhiên, cử chỉ rộng rãi này đã khiến bà lão và cả nhà hết lòng yêu mến chàng rể quí!

Gần giữa canh ba, Nam Cung Giao còn cách Hoàng Ưng bảo nửa dặm thì gặp Trịnh Tháo.

Gã đã bám theo bọn Hồ bang đến đây!

Trịnh Tháo cười hỏi:

- Chắc công tử định nhân dịp này mà vào Hoàng Ưng bảo hốt của! Nhà họ Tổ giầu có nhất nhì phủ Huy Châu này đấy!

Biết gã nói đùa, Nam Cung Giao cười khà khà:

- Cần gì phải làm trò trộm cắp cho mệt? Chúng ta cứ giúp Hoàng Ưng bảo đánh đuổi Hồ bang, sau đó muốn bao nhiêu mà chả được? Nếu Tổ Nam Phi có em gái, chị gái không chừng sẽ gả cho ngươi đấy!

Trịnh Mãng nhăn nhó:

- Nghe nói cố Bảo chủ Tổ Kỳ Long có người thiếp cực kỳ xinh đẹp, năm nay tuổi mới gần bốn chục. Hay là công tử lấy quách mụ ta cho đủ bộ Cẩn Nhục Thất Bảo? Bọn thuộc hạ sợ bị kìm kẹp nên đã thề không lấy vợ!

Nam Cung Giao phì cười:

- Đừng nói nhăng nữa, đi thôi!

Ba người giấu ngựa rồi tiến về phía Hoàng Ưng bảo.

Bảo là một dạng kiến trúc khá đặc biệt, khác với Gia trang, vì xem nhẹ phần thẩm mỹ mà chú trọng đến phương diện phòng thủ!

Trung Hoa loạn lạc liên miên, những dòng họ giầu có đã tự bảo vệ bằng cách xây dựng nhà cửa chen chúc trong bốn bức tường kiên cố.

Bảo chính là một loại thành nhỏ có tường xây bằng đất, hoặc gạch nung, cao đến ba trượng, trên có dịch lâu để quan sát, canh phòng.

Hoàng Ưng bảo đứng sừng sững dưới ánh sao đêm, trông như một nhà tù bằng đá vĩ đại. Trên dịch lâu thấp thoáng ánh đèn lồng của bọn tráng đinh gác đêm, nhưng chỉ là hình thức vì vùng không gian quanh bảo tối đen như mực.

Và từ trong bóng đêm, phe Hồ bang bắt đầu cuộc tấn công của mình.

Bốn chục gã Hắc y khiêng một thân cây dài ba trượng đường kính hai gang, chạy hết tốc lực, công phá cửa Bảo.

Hai cánh cửa gỗ dầy, đai sắt, cao hơn trượng, không chịu nổi cú đập mấy ngàn cân, gẩy thanh ngang, mở toang ra ngay.

Chiêng báo động gõ vang trời nhưng đã quá muộn vì quân Hồ bang tràn qua cửa Bảo như thác lũ!

Trong chiến tranh, yếu tố bất ngờ có vai trò quan trọng hàng đầu. Vì vậy người trong Bảo hoàn toàn bị động. Họ nhếch nhác trong bộ áo ngủ, xách đao chạy ra, tinh thần thì hốt hoảng ngỡ ngàng.

Đuốc của cả hai phe được đốt lên sáng rực, soi rõ giòng máu tuôn ra từ những vết thương, nhận diện chủ nhân của những tiếng thét lìa đời bi thảm.

Tiếng kêu rên, quát tháo, hòa cùng tiếng thép chạm nhau ghê rợn tạo nên cảnh tượng của một đấu trường đẫm máu.

Nam Cung Giao cùng hai gã họ Trịnh đã trèo lên nóc dịch lâu, trên cổng Bảo, quan sát cuộc chiến.

Chàng nghe thoang thoảng có tiếng khóc ré của một đứa bé nào đó, liền chạnh lòng thương xót, dẫn hai thủ hạ lướt nhanh trên đỉnh tường, tiến về phía trong.

Bọn môn nhân Hoàng Ưng bảo đã xuống cả dưới sân để kháng địch nên trên này chẳng còn ai ngăn cản bước hay hỏi han khách lạ.

Vào đến trọng điểm của đoạn tường phía Đông, Nam Cung Giao nghe rõ tiếng khóc thất thanh của lũ trẻ con, ở khu trung tâm Bảo, liền nhảy xuống đất, chạy về hướng ấy.

Nhà cửa trong Hoàng Ưng bảo được xây cất trật tự dọc những con đường rộng hai mươi bước chân, lót đá phẳng phiu.

Giờ đây, trên những con đường ấy tràn ngập bọn Hắc Y. Chúng đang cố tiến về phía tòa đại sảnh ở giữa Bảo, nơi cư trú của gia đình Bảo chủ Tổ Nam Phi.

Ngược lại, đệ tử giòng họ Tổ cũng ráng sức ngăn cản bước tiến của quân thù. Vì tòa đại sảnh hai tầng đồ sộ kiên cố kia là nơi tập trung đàn bà, con trẻ, những lúc có biến.

Tất nhiên, tài sản của Hoàng Ưng bảo cũng được cất giữ trong ấy!

Trên đường đi bọn Nam Cung Giao tiện tay chém giết bọn đao thủ Hồ bang, giúp cho những toán môn nhân lẻ loi bên ngoài phòng tuyến chính, chung quanh đại sảnh.

Từ ngày thoát chết dưới vực sâu Duyên Sơn, lòng nhân hậu của Nam Cung Giao càng rộng rải hơn. Khi đứng trước ngưỡng cửa của tử sinh, dọn mình chờ chết, chàng đã thức ngộ được nhiều điều trong đạo lý nhân sinh.

Chàng yêu biết bao nhiêu cuộc đời này, thì kẻ khác cũng vậy! Do đó, trừ những kẻ thù kỳ hung cực ác, thường thì chàng chẳng muốn giết ai cả!

Với công lực hiện tại, trình độ kiếm thuật của Nam Cung Giao cao siêu hơn xưa vài bậc, khiến tùy tâm nhi phát, nhanh và cực kỳ chuẩn xác, chỉ một hai thế thức chàng đã điểm hoặc hớt đứt gân vai cánh tay cầm đao của đối phương!

Khả năng hành ác không còn, may ra, chúng sẽ trở về với cuộc sống thiện lương!

Anh em họ Trịnh thì khác hẳn, thứ nhất là do họ không đủ bản lãnh để làm như thế trong giao đấu, nương tay với kẻ thù là tự hại mình. Thứ hai, bản chất của hai gã rất hung hãn và tàn nhẫn.

Nam Cung Giao đã tận tình chỉ điểm thêm kiếm pháp, và dạy cho hai thủ hạ pho Hư Ảnh Thần Bộ. Vì vậy, giờ đây, võ công của Trịnh Tháo và Trịnh Mãng cũng lợi hại hơn trước bội phần!

Niềm vui lớn nhất của người võ sĩ là thấy bản lãnh mình tăng tiến rõ rệt. Nay được Nam Cung Giao hết dạ tài bồi, hai gã hung thần vô vàn cảm kích, tôn thờ chàng như sư phụ.

Ba người sánh vai tiến lên với khí thế chẻ tre, để lại sau lưng những thi thể không còn lành lặn.

Tiếng kêu than ai oán của đám đao thủ Hồ bang khiến lòng Nam Cung Giao bất nhẫn, chàng liền tung mình lên nóc nhà, đi trên mái ngói để tránh việc giao tranh.

Hai gã họ Trình cũng vội theo hầu!

Nhà cửa trong bảo xây dựng thành dãy cách nhau chỉ chừng một đến hai trượng, chẳng thấm thía gì so với sức nhảy xa của những cao thủ giỏi khinh công.

Không có ai cản lối, bọn Nam Cung Giao mau chóng tiến được trận địa khốc liệt nhất là khu trung tâm.

Tòa đại sảnh hai tầng, trụ sở chính của Hoàng Ưng bảo, được vây quanh bởi một vòng sân gạch rất rộng, và giờ đây, người trong Bảo đã lập phòng tuyến dầy đặc trên mảnh sân ấy.

Điểm lợi hại của chốt phòng thủ trọng yếu này nằm ở hàng lan can lầu.

Từ đây, các cung thủ Hoàng Ưng bảo rải mưa tên xuống đầu phe đối phương.

Do vậy, họ tạm thời ngăn được bước xâm nhập của quân thù.

Thầy trò Nam Cung Giao ngồi xuống mái ngói quan sát cuộc hỗn chiến. Chờ cơ hội giáng đòn sấm sét vào bọn đầu sỏ Hồ bang! Chỉ cần diệt trừ được Sài Tuấn là cuộc chiến sẽ kết liễu ngay.

Lúc này, họ Sài đang đấu với Hoàng Ưng bảo chủ Tổ Nam Phi!

Nam Cung Giao nhận ra gã nhờ dáng vóc và đao pháp Câu Trần, vì Sài Tuấn cũng bịt kín đầu như thủ hạ!

Theo lời tiết lộ của Đinh Tử Phượng thì Sài Tuấn được Hồ Ly song tiên cho uống kỳ trân dị dược. Sở hữu đến hơn bốn mươi năm chân khí.

Gã lại thông minh tuyệt thế, gân cốt thuộc hàng thượng phẩm nên học một biết mười, đao pháp linh diệu chẳng kém gì Song tiên. Không những thế Sài Tuấn còn tham luyện một loại công phu thần bí dường như là sở học gia truyền của giòng họ Sài, ngay Tử Phượng cũng không biết chính xác tên gọi và nội dung. Nàng chỉ hiểu đại khái rằng công phu tà môn ấy, liên quan đến chất độc. Giờ đây có lẽ đã đại công cáo thành nên Sài Tuấn mới xuất chinh, dẫn quân đến Hoàng Ưng bảo!

Nam Cung Giao đã tìm hiểu Câu Trần chân kinh, nhưng không vì thế mà hoàn toàn chiếm được thượng phong, bởi chàng chẳng phải là đao thủ.

Trong bí kíp có chép rõ khẩu quyết của bẩy mươi hai chiêu đao căn bản, song trong khi giao đấu, những chiêu thức ấy biến hóa, hòa huyện vào nhau thành hàng ngàn chiêu. Chàng chỉ có lợi thế khi Sài Tuấn thi triển phép Ngự Đao, tôn trọng đủ các thế thức trong chiêu gốc.

Do vậy, lúc này Nam Cung Giao say mê thưởng thức tài nghệ của họ Sài, cố nắm bắt được tinh túy trong đấu pháp. Chỉ sau ngàn chiêu, chàngsẽ moi sạch vốn liếng của đối phương,không phải để sử dụng mà để chế ngự Câu Trần đao pháp.

Thanh bảo đao của Sài Tuấn loang loáng dưới ánh đuốc, đao ý cực kỳ xảo diệu và độc ác, hoàn toàn áp đảo Hoàng Ưng bảo chủ.

Song có lẽ Tổ Nam Phi vì cuộc phó ước với Khương Thư Hàn mà dày công khổ luyện nên bản lãnh tiến bộ hơn xưa. Gã ngoan cường chống trả kịch liệt, chẳng hề chịu khuất phục.

Hoàng Ưng đao pháp của giòng họ Tổ cũng là tuyệt học lẫy lừng tứ hải chứ chẳng phải tầm thường. Hai thanh đao chạm nhau tóe lửa, đòn nào cũng mãnh liệt và nhanh tựa sao băng!

Tổ Nam Phi mang bản chất anh hùng hiệp sĩ, hào khí ngút trời xem thường sanh tử, nhờ vậy thêm sức mạnh mà cầm cự, dù bản lãnh kém họ Sài một bậc!

Thêm vào đó, Tổ Nam Phi được sự hỗ trợ của một tay thần sạ trên lan can lầu. Thỉnh thoảng, người này buông một mũi tên thần tốc vào người Sài Tuấn.

Dĩ nhiên họ Sài phải chống đỡ hoặc né tránh nên bị phận tâm, tạo cơ hội cho Hoàng Ưng bảo chủ phản kích.

Chiến thuật phối hợp này được áp dụng cho hầu hết những cặp tử đấu khác, và rất có hiệu quả.

Không thấy bóng dáng khôi vĩ của Quỷ Côn Đường Cổ Ngư, Nam Cung Giao thầm lo ngại, biết rằng lão đang chỉ huy mủi tấn công hướng Tây hoặc hướng Đông.

Thực ra, tuy họ Đường chỉ là Phó bang chủ, song với thần lực kinh nhân, lão còn lợi hại hơn cả Sài Tuấn.

Nếu phe Hoàng Ưng bảo không có ai ngăn nổi bước chân của Quỷ Côn thì phòng tuyến hướng ấy sẽ vỡ ngay.

Nghĩ đến thủ đoạn cướp sạch, giết sạch mà Hồ bang đã thực hiện đối với đoàn sứ thần. An Nam năm nào, Nam Cung Giao chợt lo lắng cho đám đàn bà trẻ con trong đại sảnh.

Thế trận ở phía sân trước có vẻ khá quân bình, chưa thể ngã ngũ ngay được, Nam Cung Giao quyết định tìm Quỷ Côn mà trừ khử hắn!

Chàng cùng hai gã họ Trình chuyền mái ngói, tiến sâu vào trong theo hướng Tây của đại sảnh.

Quả nhiên, lão quỷ Đường Cổ Ngư đang tung hoành ở chốn này.

Tuy nhiên, họ Đương đã bị cầm chân bởi một đối thủ rất quái dị và thú vị.

Người này là nữ nhân tóc dài rối bời, mặt mũi lem luốc, y phục trắng nhàu nát và thiếu chỉnh tề. Cụ thể là nàng ta không có giải thắt lưng nên vạt áo mở toang, để lộ yếm đào bó sát cặp nhũ phong rất lớn, gấp rưỡi người thường!

Vũ khí của nàng là một thanh kiếm hơi ngắn, tỏa ánh thép rực rỡ, có lẽ chính là thanh Bảo kiếm Thái A.

Thần vật này quả là danh bất hư truyền, ngang nhiên va chạm với Thiết Côn mà không gẩy, và còn hớt đứt vài mẩu thép trên đầu ngọn côn của họ Đường!

Thân pháp của nữ lang cực kỳ ảo diệu, phiêu hốt như ma mị, còn kiếm pháp thì bội phần đáng sợ.

Song dường như nữ lang này tâm trí bất thường, đang đánh nhau mà lại phá lên cười khanh khách.

Lúc ấy, chân khi dồn vào kiếm không đủ, rất dễ gặp nguy. Nếu không nhờ dám môn nhân Hoàng Ưng bảo liều chết đỡ đòn giùm thì nàng ta đã nát xác dưới đường côn của họ Đường.

Trên lan can lầu vọng xuống tiếng quát mắng thánh thót:

- Dung nhi! Con còn cười nữa thì mẫu thân đánh đòn đấy!

Cô gái điên le lưỡi tỏ vẻ sợ hãi, không dám cười lớn nửa, nhưng đôi môi vẫn nở hoa.

Trịnh Mãng tít mắt nói với chủ nhân:

- Công tử! Con bé điên kia có bộ ngực thật đáng nể, vừa to vừa tròn trịa, hiếm có trên đời.

Nam Cung Giao cười nhẹ:

- Ta bắt đầu nghi ngờ rằng ngươi cũng thường xuyên nhìn trộm mấy mụ vợ của ta rồi phê phán!

Trịnh Mãng sợ hãi biện bạch:

- Công tử chớ ngờ oan cho thuộc hạ! Đối với các phu nhân thì Mãng này một lòng tôn kính, dẫu nửa mắt cũng chẳng dám liếc nhìn.

Nam Cung Giao lạnh lùng dồn ép:

- Không nhìn sao ngươi biết ngực họ nhỏ hơn ả điên kia?

Trịnh Mãng bối rối trước cơn ghen bất tử của chàng, lúng túng nói:

- Thuộc hạ không nhìn nên đã nhận xét sai. Mong công tử lượng thứ cho!

Nam Cung Giao gật gù mỉm cười:

- Muốn biết đúng sai, chỉ có cách dắt luôn ả về nhà mà so sánh! Lúc ấy ta sẽ nhờ đến pháp nhãn của ngươi đấy!

Nói xong, chàng tung mình nhảy xuống đất, tấn công bọn Hồ bang, mở đường tiến vào trong.

Trịnh Tháo phì cười:

- Công tử nói đùa mà ngươi cũng sợ sao?

Trịnh Mãng ngượng ngùng đáp:

- Quả thực là tiểu đệ có lén ngắm nghía mấy vị phu nhân nên chột dạ, tưởng công tử đã phát hiện ra!

Trình Tháo phá lên cười:

- Ta cũng thế chớ có kém gì ngươi!

Hai anh em vui vẻ rời mái ngói, theo bước Nam Cung Giao.

Bị hấp dẫn bởi cái đẹp là bản chất của con người, chẳng ai kìm chế nổi.

Hai gã độc thân này cũng thế, có điều họ chẳng bao giờ dám nảy sinh lòng tà vọng đối với thê thiếp của chủ nhân. Không phải là lễ giáo, mà là đạo nghĩa giang hồ đã ước thúc lương tâm của họ.

Chẳng mấy chốc, anh em họ Trịnh bắt kịp Nam Cung Giao, vì chàng đã mở lối sẵn.

Lúc này, ba người còn cách xa Quỷ Côn hơn hai trượng.

Tiếng kêu la vì đau đớn hoặc sợ hãi của bọn Hắc Y đã khiến Đường Cổ Ngư nóng ruột biết rằng cường địch đã sắp đánh vào đến nơi.

Nãy giờ, không hiểu vì lý do gì mà họ Đường lại nương tay với cô gái điên, song giờ đây, lão bắt buộc phải hạ sát thủ để rảnh tay, quay lại đối phó với ba gã mới đến kia.

Quỷ Côn vận công quát vang như sấm:

- Xơ!

Thì ra họ Đường cũng biết công phu Chấn Phủ Thần Âm của Câu Trần giáo!

Có lẽ, sau lần thọ thương dưới tay Nam Cung Giao, lão đã luyện thêm tà công này để nâng cao bản lãnh!

Nam Cung Giao không biết mà đề phòng, tất sẽ thất cơ!

Nhưng xui xẻo cho Quỷ Côn là đối phương may mắn hiện diện đúng lúc để phát hiện đòn độc của lão! Và chàng cũng hiểu ngay tình thế hiểm nghèo của nữ lang điên dại kia, tung mình đến cứu ngay.

Cô gái tội nghiệp này bị tiếng quát tấn công vào phế phủ, phổi co thắt lại, không thở được nữa.

Nàng yếu ớt vung kiếm chống đỡ chiêu côn mãnh liệt của đối phương, lập tức bị đánh bật ra, loạng choạng lùi lại, và sắp bỏ mạng dưới đường côn kế tiếp của họ Đường.

Tuy si ngốc, song là người luyện võ nên vẫn biết được việc mình đã hoàn toàn thất thế. Ánh mắt nàng lộ vẻ khiếp sợ. Theo bản năng, nàng cố phiêu thân né tránh một cách vô vọng!

Nhưng khi mũi côn của Đường lão quỷ chưa kịp chạm đến yếm đào thì đã phải rút về để đối phó chiêu kiếm của kẻ phía sau đầu.

Kiếm kình của đối phương chấn động không gian, tạo ra những tiếng nổ ầm như sấm dậy, không thể xem thường được. Nếu lão giết cô gái điên tên Dung nhi kia thì mạng già khó bảo toàn!

Quỷ Côn quay phắt lại, tung mình lên không trung, đón đầu gã kiếm thủ lạ mặt.

Lão phát hiện kiếm quang của đối phương lấp lánh ngàn giọt mưa sa và tua tủa những chiếc mống đáng ngại!

Nam Cung Giao đã cố tình xuất chiêu Tiền Bi Hậu Vũ rất ồn ào này để đánh động đối phương, khiến lão sợ mà bỏ mục tiêu trước mặt.

Côn kiếm chạm nhau loảng xoảng, trong lúc song phương cùng rơi xuống đất.

Nam Cung Giao đã dồn hết năm mươi năm công lực vào chiêu Tuyệt kiếm, lại có thế bất ngờ, chủ động nên chiếm được thượng phong.

Xét ra, công lực của chàng vẫn thấp hơn Đường lão!

Một trong những yếu tố khiến kiếm trở thành vua của các loài vũ khí là tính cương nhu hòa hợp. Những loại khác như đao, côn, thương, kích, chùy... đều chủ ở sự cương mãnh, kém phần biến hóa uyển chuyển, nhu hòa.

Đạo lý của trời đất là nhu thắng cương, nhược thắng cường. Nước gió tuy mềm mại nhưng bào mòn đá núi, giật sập cầu cống, nhà cửa. Những hiện tượng tự nhiên ấy là nền tảng cho Triết học của Lão Trang.

Côn sắt cứng rắn, nặng nề, lực đạo muôn phần mãnh liệt, nhưng không nhanh bằng kiếm!

Đường Cổ Ngư lại sai lầm khi rời mặt đất để tránh bị cô gái điên tập hậu.

Khi chân không bám đất, lão bị sức nặng của đường côn chi phối, lộ sơ hở rất nhiều. Và đối với một kiếm thủ thượng thặng như Nam Cung Giao thì như thế là quá đủ.

Mũi kiếm của chàng lập tức xuyên qua màn côn ảnh, trổ ba lỗ trên ngực đối phương, trước lúc lão đặt chân lên mặt đất.

Quỷ Côn nhờ xương cốt to lớn, cứng rắn đã cản bớt đà tiến của mũi kiếm nên chỉ thủng phổi chứ chưa tổn thương tim.

Lão đau đớn gầm lên, phóng côn sắt vào người Nam Cung Giao, rồi đào tẩu.

Quỷ Côn có công lực rất thâm hậu, dù trọng thương vẫn chạy như gió.

Nam Cung Giao nghiêng người né tránh, thiết côn bay vèo ra phía sau lưng chàng, đâm thủng ngực một gã Hồ bang xấu số.

Nữ lang điên loạn kia chạy đến níu áo chàng, cười toe toét:

- Tiểu muội là Tổ Vân Dung, xin cảm tạ đại hiệp đã cứu mạng! Mẹ kiếp, lão già ấy khó chơi thực, chỉ xém chút nữa là lão ta đã đâm thủng vú của tiểu muội rồi!

Vừa nói, nàng vừa xoa gò ngọc nhũ nảy nở của mình.

Nam Cung Giao phì cười:

- Thủng thế quái nào được! Không chừng côn sắt bị văng ngược trở lại gõ bể sọ lão già họ Đường ấy chứ!

Vân Dung tròn mắt ngơ ngác, lát sau chép miệng nuối tiếc:

- Nếu biết vậy thì tiểu muội đã để yên cho lão ta đánh trúng rồi! Không ngờ Ngọc Nhũ thần công lại lợi hại đến thế!

Thấy nàng ta điên hết chỗ nói, Nam Cung Giao ôm bụng cười ngất và nói:

- Ta nói đùa đấy, nàng mà tưởng thực thì có ngày toi mạng!

Vân Dung giận dỗi trách:

- Té ra đại hiệp cũng như bao người khác, luôn chế giễu tiểu muội!

Thấy nàng ứa nước mắt, Nam Cung Giao bất nhẫn, nói câu an ủi:

- Ta chỉ đùa cho vui chớ không có ý diễu cợt! Cô nương rất đẹp, và dễ mến!

Vân Dung nín khóc ngay, cười hỏi:

- Thế đại hiệp có chê ngực tiểu muội quá lớn hay không?

Nam Cung Giao cười khổ, ngượng ngùng đáp:

- Không! Chúng đẹp lắm!

Vân Dung hoan hỉ cười khanh khách, nhìn chàng bằng ánh mắt trìu mến:

- Đại hiệp quả là người sáng suốt, đáng mặt tri âm của tiểu muội. Chúng ta kết làm bằng hữu nhé!

Nam Cung Giao chột dạ than thầm:

- Bỏ mẹ rồi! Ả này mà vác hai trái bưởi kia bám theo ta thì nguy to!

Nhưng không nỡ làm đau lòng cô gái si ngốc đáng thương, chàng đành phải gật đầu:

- Tại hạ rất vinh hạnh! Nhưng chúng ta phải đánh đuổi xong phe đối phương đã!

Vân Dung mừng rỡ nắm taychàng chạy về phía tiền đình, vì mặt trận ở đây đã yên.

Khi Quỷ Côn thọ thương đào tẩu thì bọn thủ hạ cũng mất cả dũng khí, bị đẩy lùi rất xa!

Trên đường đi, Vân Dung hỏi tên ân nhân. Nam Cung Giao không hóa trang nên nói ra tên thực. Hơn nữa, chàng chẳng nỡ lừa dối cô gái bạc mệnh này!

Thực ra, Vân Dung rất đẹp, mắt phượng, mày ngài, mũi thẳng, môi đỏ hồng như đóa anh đào.

Nam Cung Giao đoán rằng nàng bị rối loạn tầm thần vì chính bộ ngực vĩ đại của mình!

Từ thời Tống về sau, nền nho học Trung Hoa đề cao lễ nghĩa, gò bó từng hành vi, cử chỉ của con người, nhất là tiết hạnh nữ nhân!

Thời Đường, y phục mỏng manh, hở hang, tôn vinh nét đẹp của thân xác. Nhưng đến thời Tống, Nguyên, Minh thì áo quần phải che kín tất cả.

Do vậy, việc được trời ban cho hai gò bồng đảo quá khổ đã khiến Vân Dung mang mặc cảm, lại thêm những lời chọc ghẹo của những người chung quanh nên nàng quẫn trí.

Nàng bị ám ảnh rằng lúc nào đôi vú của mình cũng đập vào mắt người khác!

Nam Cung Giao đoán đúng một phần, vì còn có nguyên nhân khác nữa.

Bí mật ấy xin để lại hồi sau, giờ chúng ta quay về đấu trường phía trước xem sao!

Khi Nam Cung Giao và Tổ Vân Dung đến nơi thì Hoàng Ưng bảo chủ vẫn còn đứng vững, dù máu loang đầy áo ngủ.

Gã đã trúng đến sáu đao của Sài Tuấn, may mà không phạm vào gân cốt.

Lẽ ra Tổ Nam Phi đã bỏ mạng, song nhờ có hai quới nhân kịp thời xuất hiện, vây đánh đối phương.

Họ chính là Trịnh Tháo và Trịnh Mãng, nhân lúc Nam Cung Giao cù cưa với Vân Dung, chạy ra đây trước.

Anh em họ Trịnh hào hứng thi triển công phu mới học là Hư Ảnh Thần Bộ, chập chờn như hồn ma, đánh cho Sài Tuấn xấc bấc xang bang.

Vân Dung tuy si dại nhưng vẫn chưa đến mức quên bén người thân.

Thấy bào huynh bị thương, nàng vội chạy đến hớt hải nói:

- Đại ca hãy vào trong băng bó, để tiểu muội thay cho!

Tổ Nam Phi biết em gái mình bản lãnh cao cường, nhưng ngây dại, khóc cười bất chợt, chẳng kể gì đến việc đang giao đấu, nên nạt lớn:

- Lui ngay! Ai cho phép Dung muội ra đây?

Chính sự phân tâm này đã tạo cơ hội cho Sài Tuấn. Gã ập đến và quát vang như sấm:

- Suy!

Những lần trước, Tổ Nam Phi đều cảnh giác nhảy lùi, ngay khi đối phương há miệng, nhưng giờ vướng phải em gái sau lưng nên không thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của phép Thần Âm Chấn Phủ.

Hai anh em nghe vùng thận đau nhói, hai chân nhũn ra, chẳng còn chút khí lực nào cả.

Tổ Nam Phi kinh hoàng ném đao vào kẻ thù, ôm Vân Dung ngã xuống đất, cố lăn đi. Nhưng lưỡi đao đã rộng mở, chụp lấy họ.

Tổ Nam Phi trợn mắt nhìn cái chết bay đến.

Nào ngờ một đạo kiếm quang lấp loáng đã lướt qua người hai kẻ thất thế, đón lấy chiêu đao ác độc kia.

Tiếng thép ngân dài, kết thúc bằng tiếng rên ai oán của Sài Tuấn.

Gã đã bị Nam Cung Giao đâm thủng bụng và rạch xéo một đường trên ngực.

Anh em họ Trịnh vừa xông đến để kết liễu đời họ Sài thì gã đã bốc lên cao, tả thủ rải xuống một nắm độc châm nhỏ như sợi lông bò.

Nam Cung Giao vội múa tít thanh Lạc Điểu kiếm, che chắn cho bản thân và anh em họ Tổ.

Hai gã Trịnh Tháo và Trịnh Mãng thì sớm nhảy ra xa để tránh né.

Thế là Sài Tuấn đủ thời gian để đào vong. Gã phi thân ra cổng, miệng hạ lệnh rút lui.

Tiếng reo hò đắc thắng của mấy trăm môn nhân Hoàng Ưng bảo làm chấn động màn đêm tăm tối.

Ở đây, Tổ Nam Phi sững người nhìn gương mặt quen quen của ân nhân, quì xuống vái tạ:

- Không ngờ Nam Cung đại hiệp lại giá lâm chốn này để cứu cái mạng sâu kiến của tại hạ!

Nam Cung Giao vội đỡ gã lên, hiền hòa bảo:

- Đại nghĩa của kẻ cầm gươm là trừ gian diệt bạo, xin Bảo chủ chớ nói lời ân nghĩa làm gì?

Vân Dung cười khanh khách, xen vào:

- Đại ca! Chính Nam Cung đại hiệp cũng đã cứu tiểu muội, và đánh tan mũi tấn công hướng Tây của đối phương đấy! Chàng ta còn khen tiểu muội có đôi bầu vú đẹp nữa!

Nam Cung Giao chết điếng người, mặt mũi đỏ gay vì hổ thẹn, chàng nói nên lời!

May mà Tổ Nam Phi lại nạt em gái rồi nói với ân nhân:

- Xin đại hiệp chớ chấp nhặt lời điên dại của gia muội! Năm mười bốn tuổi Vân Dung ra hậu sân chơi, tình cờ lạc vào một hang động, tìm thấy bảo kiếm Thái A và một lọ sành đựng linh đan. Con bé vì đói bụng nên đã ăn viên thuốc đó, công lực tăng tiến vượt bực, nhưng đầu óc rối loạn.

Nam Cung Giao nghe xong, vội cáo từ, không dám lưu lại thêm nữa.

Tổ Nam Phi nghiêm giọng:

- Nếu không có sự tương trợ của đại hiệp thì Hoàng Ưng bảo đã bị tiêu diệt. Phi tôi nguyện dâng tặng thần kiếm Thái A để đền ơn!

Nam Cung Giao thoái thác ngay:

- Cảm tạ tấm lòng của Bảo chủ, song tại hạ không quen dùng kiếm ngắn! Xin cáo biệt.

Dứt lời, chàng quay gót ngay.

Vân Dung cao giọng mời mọc:

- Đêm mai đại hiệp nhớ đến chơi nhé!

Nam Cung Giao không dám ậm ừ, đi thẳng một nước, cùng anh em họ Trịnh lên ngựa phi mau.

Hai ngày sau, bọn Nam Cung đến thành Hoài Nam, vào Tổng đàn Thần Thương hội bái kiến Hoài Giang Thần Thương Tần Dũng Nhuệ.

Việc Tần lão giết sư đệ, là Đoạt Hồn Thương Chu Toại, phải được giữ kín nên Nam Cung Giao đến đây với tư cách khác.

Chàng oai vệ nói với bọn võ sĩ gác cổng:

- Các ngươi hãy vào báo với Tần trang chủ rằng có người của phủ Nam Kinh Hình Bộ đến thăm!

Có một gã vẫn còn nhớ mặt chàng, vội khom lưng:

- Thì ra là Nam Cung đại nhân! Kính thỉnh người nhập trang!

Gã hướng dẫn thượng khách vào sảnh rồi chạy đi bẩm báo.

Lát sau, vợ chồng con cái họ Tần kéo cả ra.

Tần Dũng Nhuệ cười ha hả:

- Sáng nay chim khách hót vang trước nhà, nhưng không ngờ lại là ngọc giá của Nam Cung đại nhân!

Tần phu nhân thì đi bên cạnh và đỡ đần Bạch Thắng Tuyết, ra vẻ rất thương yêu.

Bạch nương phụp xuống lạy:

- Tiện phụ mừng được gặp ân công!

Nam Cung Giao gật đầu, nghiêm nghị hỏi lại:

- Nàng và các con có được đối xử tốt hay không?

Bạch nương thẹn thùng đáp:

- Bẩm đại nhân! Tần Thư rất yêu thương tiện phụ và ba đứa trẻ!

Tần phu nhân đắc ý tiếp lời:

- Đại nhân không tin thì cứ hỏi ba đứa bé kia! Chúng còn nhỏ chẳng bao giờ nói dối cả!

Nam Cung Giao cười mát, vẫy gọi:

- Long nhi hãy lại đây!

Cậu bé lon ton chạy đến nhìn chàng với ánh mắt thích thú, chẳng chờ hỏi đã nói ngay:

- Bẩm đại thúc! Đúng là đại Mẫu rất yêu thương gia mẫu và bọn tiểu điệt! Chỉ có điều là mỗi lần gia phụ đến phòng đều than rằng: “Lão phu vừa nạp xong mãi lộ cho Tần nương, gân cốt rã rời, nàng hãy đấm bóp cho ta!”. Tiểu điệt nghe nói, chỉ có cường đạo mới đòi mãi lộ, sao đại mẫu lại làm như thế?

Tần phu nhân xấu hổ đến mức chỉ muốn chui xuống đất, vì anh em họ Trịnh đã phá lên cười sằng sặc!

Bạch Thắng Tuyết vội nạt con:

- Long nhi chớ nói càn!

Nam Cung Giao tủm tỉm cười:

- Không sao! Long nhi cứ yên tâm! Ta sẽ tặng cha ngươi một toa thuốc quí, thừa sức nộp mãi lộ mà chẳng cần đấm bóp.

Gương mặt méo xệch của Tần lão tươi hẳn lên:

- Nếu được vậy thì lão phu xin đội ơn đại nhân!

Nam Cung Giao đứng lên, nghiêm giọng:

- Tại hạ có việc cần bàn với Trang chủ.

Tần Dũng Nhuệ vội đáp:

- Vậy mời đại nhân đến thư phòng!

Lão đi trước dẫn đường, ba người khách theo sau.

Tới nơi anh em họ Trịnh đứng ngoài gác cửa để hai người kia vào trong!

Cửa đã gài chặt Nam Cung Giao quì xuống, nhưng chỉ khụy một chân, ôm quyền bái một bái:

- Ngu điệt tế xin ra mắt Tần nhị thúc!

Nghi lễ bái lạy của người Trung Hoa cổ có đến chín hình thức. Tư thế mà Nam Cung Giao áp dụng có tên là Kỳ Bái, thường được giới võ sĩ ưa chuộng. Nó gần giống với lối thỉnh an của người Mãn Châu, nhưng không có động tác đập tay áo vào nhau.

Tần Dũng Nhuệ hiểu ra, cười khanh khách:

- Té ra ngươi là trượng phu của con bé Sở Nhu! Hãy đứng lên.

Nam Cung Giao bình thân trao thư của nhạc mẫu cho Tần lão.

Đọc xong, Dũng Nhuệ bước đến giá sách sát tường, lấy độ mươi quyển xuống, để lộ cửa tủ ngầm.

Di vật của Xảo Xảo thư sinh Sở Nam Vu là một túi da nai.

Tần Dũng Nhuệ đổ hết đồ vật ra mặt bàn, buồn rầu nói:

- Chỉ vì những bảo vật này mà lão phu mất đi một nghĩa huynh và một sư đệ!

Thực ra thì số di vật cũng chẳng nhiều, chỉ độ gần trăm viên Lam Bảo Ngọc, một quyển cổ mộ bí kíp, một chiếc vỏ bao chủy thủ bằng đồng đen, và một vốc những khoan sắt nhỏ đan với nhau.

Tần Dũng Nhuệ bốc đám khoen sắt có mầu đen bóng kia lên giũ thì nó lập tức biến thành một chiếc giáp không tay, có thể che kín từ cổ đến hết đan điền.

Họ Tần nghiêm giọng:

- Sở đại ca đã tốn mười năm trời để chế tạo ra chiếc áo Thiết Khuyên Giáp này. Nó cực kỳ bền chắc, chống lại cả những thanh thần kiếm thời thượng cổ, và làm giảm đáng kể lực đạo của những loại vũ khí nặng như chùy, phủ, côn...

Có bảo vật này, Giao nhi chẳng còn phải sợ ai nữa! Ngươi thử mặc vào xem sao!

Nam Cung Giao mừng rỡ cởi áo rồi đưa tay nhận lấy.

Chàng vô cùng ngạc nhiên vì bảo y nhẹ hẫng chứ không hề nặng nề như chàng đã ước lượng. Nó có dạng áo chui, cổ rộng khoét hình thuyền, mặc vào không khó.

May thay, nó rất vừa vặn với thân hình vạm vở của chàng.

Nam Cung Giao thử múa một đường quyền, thấy không hề bị trở ngại, hài lòng mặc áo ngoài vào.

Bảo vật này sẽ giúp chàng toàn mạng dưới tay Đông Hải thần tăng.

Nam Cung Giao sờ đến chiếc vỏ bao chủy thủ, phát hiện nó có vẻ vừa vặn với di vật của Trường Hồng kiếm khách, liền lấy ra thử.

Quả nhiên hai vật xa lạ kia vừa khít với nhau.

Tần Dũng Nhuệ hỏi:

- Lạ thực! Sao lại có sự trùng hợp như thế. Thanh chủy thủ kia ở đâu ra vậy?

Nam Cung Giao bèn kể lại chuyện mình rơi xuống vực thẳm Duyên Sơn!

Tần lão gật gù:

- Trên chiếc vỏ bao kia có khắc hàng ngàn chữ rất kỳ lạ, nét nhỏ tựa đầu kim. Chắc nó rất quí giá nên Sở đại ca mới trân trọng giữ gìn!

Hai người trò chuyện thêm một lúc rồi chia tay.

Bọn Nam Cung Giao vào thành tìm chỗ nghỉ ngơi. Thời gian còn dư dật, họ sẽ ở lại đây một ngày, sáng mai mới lên đường.

Hai gã họ Trịnh muốn ghé thăm bằng hữu là Cầu Nhiêm Tử Trầm Ngũ Lăng.

Ba người vào trọ trong Hoài Châu đại lữ điếm.

Ăn cơm trưa xong hai gã họ Trịnh đi tìm bạn, còn Nam Cung Giao đi dạo.

Vì tinh nghịch, chàng mang chiếc mặt nạ vào hóa thành một gã trai tơ, tuổi đôi mươi, dung mạo anh tuấn phi phàm!

Chi thủ thân bằng thanh chủy thủ nhỏ gọn, Nam Cung Giao chụp nón tre rộng vành lên đầu rồi rời lữ điếm.

Sông Hoài thường xuyên gây lụt lội, tuy hậu quả không tàn khốc như Hoàng Hà nhưng cũng khiến trăm họ Hoa Trung khốn khổ. Song cũng vì thế mà đất đai ở châu thổ này rất phì nhiêu, nhờ lớp phù sa mới.

Ngoài thành ruộng lúa mơn mởn, trong thành cây cối tốt tươi, che mát những con đường lót gạch nung rộng rãi.

Hoài Nam, trong lịch sử, chưa từng giữ vị trí quan trọng, nên không có những thắng tích nổi tiếng.

Nam Cung Giao đi loanh quanh đến cuối giờ Mùi, nghe khát nước nên ghé vào Huy Châu Đệ Nhất Tửu Lâu.

Trời mát mẻ, chẳng cần thiết phải lên lầu hóng gió, chàng ngồi ngay tầng dưới.

Trước tiên, Nam Cung Giao giải khát bằng trà, sau gọi vò rượu để nhâm nhi với khô bò.

Vừa ngồi được một lát thì nghe xa xa vọng lại tiếng reo hò của lũ tiểu đồng, cùng tiếng cười hô hố đầy vẻ dâm đãng của đám nam nhân.

Đám đông ồn ào ấy từ hướng Nam tiến dần về phía tửu lâu. Và rồi, chàng giật mình khi nghe một giọng nữ nhân thánh thót gọi vang:

- Nam Cung đại ca! Nam Cung đại ca!

Tiếng gọi kia có gì đó đầy vẻ thê lương và tuyệt vọng, sợ hãi. Chàng vội rời bàn ra cửa quán nhìn thử, nhận ra Tổ Vân Dung trên mình ngựa, tóc tai, y phục đúng như lúc chàng gặp ở Hoàng Ưng bảo, nhưng lem luốc, dơ dáy hơn nhiều.

Vậy là nữ lang điên khùng này đã đuổi theo chàng ngay buổi sáng ấy, không hề mang theo hành lý và tiền bạc.

Hình dung nàng như thế, bảo sao không bị thiên hạ chọc ghẹo? Đám nhi đồng thì cho rằng nàng điên, còn bọn nam nhân thì dán mắt vào bộ ngực cực kỳ khêu gợi của Vân Dung!

Nam Cung Giao thoáng nghe lòng dâng lên nỗi xót xa, thương cảm cho thiếu nữ bất hạnh kia? Dù biết mình sẽ phải gánh nhiều phiền toái, chàng vẫn không thể trốn tránh Vân Dung.

Nam Cung Giao bước hẳn ra đường cao giọng gọi:

- Tổ cô nương!

Vân Dung nhìn thấy vóc dáng quen thuộc, mừng rỡ thúc ngựa chạy đến. Ánh mắt hân hoan chợt tắt lịm khi nàng nhìn thấy gương mặt lạ.

Nam Cung Giao vội trấn an:

- Tại hạ là nhị đệ của Nam Cung đại hiệp, có nghe gia huynh nhắc đến cô nương. Giờ tại hạ sẽ đưa cô nương đến gặp người!

Vân Dung cười tươi như hoa, nhưng lại đảo mắt liếc vào tửu lâu, nhăn nhó nói:

- Ta đói quá!

Nam Cung Giao mỉm cười:

- Thế thì chúng ta sẽ cùng ăn, mời cô nương hạ mã.

Thấy nữ lang kia đã tìm được người quen, đám đông liền giải tán.

Vân Dung hớn hở theo Nam Cung Giao vào tửu quán.

Đến bàn ăn, nàng không ngồi mà bật cười khanh khách:

- Ta mắc tiểu quá!

May mà quán rất vắng người, chỉ có vài lão già người địa phương tai nghễnh ngãng.

Nam Cung Giao cười khổ, nhờ tiểu nhị đưa nàng ta đi vào trong.

Hơn nửa khắc sau Vân Dung mới trở ra, tóc và y phục ướt nhem, chiếc yếm đào bó sát vào ngực, càng bội phần khêu gợi.

Nàng ngồi đối diện Nam Cung Giao, đặt thanh bảo kiếm Thái A trên đùi, khoan khoái nói:

- Tắm xong, thân thể mát mẻ, sạch sẽ, ăn mới ngon miệng được!

Nam Cung Giao đã gọi sẵn một mâm cơm thịnh soạn, định bới cho Vân Dung thì bị đối phương dành lấy.

Nàng vui vẻ nói:

- Việc này là của nữ nhân, hiền đệ hãy để ta làm! Ta chuẩn bị xuất giá nên phải tập làm cho quen.

Nam Cung Giao hồi hộp hỏi:

- Cô nương sắp xuất giá, sao còn bõ Hoàng Ưng bảo mà ra đi?

Vân Dung cười ngất:

- Nhị đệ ngu quá, phải đi tìm mới có được trượng phu mà kết hôn chứ!

Nói xong, nàng động đũa, ăn ngấu nghiến vì đói, song cử chỉ vẫn nề nếp, thanh tao. Xem ra, thuở nhỏ nàng được giáo huấn rất tốt.

Nam Cung Giao cũng ăn cho nàng vui, trong lòng miên man suy nghĩ cách thu xếp cuộc đời Vân Dung.

Xong ba chén, nàng buông đũa, rót trà mời mọc.

Nam Cung Giao ướm hỏi:

- Tại sao cô nương lại đi tìm gia huynh?

Vân Dung hồ hởi, tròn mắt kể lể:

- Đêm ấy, khi anh ngươi đi rồi, ta lăn ra ngủ, và nằm mộng thấy Bạch Y Đại Sĩ Quan Thế Âm Bồ Tát hiện ra, phán rằng: “Này Vân Dung, con vốn có duyên tiền định với họ Nam Cung, hãy mau đi lên hướng Bắc mà tìm y!”

Thế là ta trỗi dậy, lên ngựa đi ngay!

Nam Cung Giao rầu thúi ruột, gượng gạo biện bác:

- Trong thiên hạ thiếu gì người là họ Nam Cung? Nay y có đến năm vị phu nhân hung dữ như cọp cái, làm sao dám cưu mang cô nương được?

Vân Dung nghe xong bật khóc ngon lành:

- Ta cũng biết nhiều người họ Nam Cung! Song chỉ muốn lấy lệnh huynh mà thôi! Suốt mấy ngày nay, gương mặt và nụ cười của y lúc nào cũng ám ảnh ta!

Rồi nàng mỉm miệng cười tinh quái:

- Hay là nhị đệ thấy ta lúc điên lúc tỉnh nên không muốn nhận làm chị dâu? Giòng họ Tổ chẳng hề có máu điên, phần ta uống nhầm linh đan nên mới thế này! Gia sư bảo rằng ta chỉ cần lấy chồng là sẽ hết bệnh!

Nam Cung Giao chợt nhớ ra pho kiếm pháp ảo diệu mà nàng đã thi triển, liền tò mò hỏi:

- Chẳng hay lệnh sư là ai vậy?

Vân Dung hạ giọng, ra vẻ bí ẩn:

- Chỗ người nhà nên ta mới tiết lộ, gia sư xưa kia nổi tiếng võ lâm với danh hiệu Lạt Thủ Tiên Tử! Nay người đã xuất gia, ẩn cư trên đỉnh Đông của núi Ưng Phong.

Nam Cung Giao từng nghe Mộc Kính Thanh, tức Lâm Bảo Thoa, kể về mụ nữ Đại ma đầu này!

Chàng bâng khuâng ngắm gương mặt thanh tú, xinh xắn của Vân Dung, nhớ đến năm nữ nhân ở nhà mà bụng dạ rối như tơ vò!

Trước đây, chàng chưa hề từ chối mối nhân duyên nào nên biến thành kẻ đa mang. Hay đã gọi là duyên thì không tránh được?

Chàng đang phân vân thì Vân Dung lên tiếng:

- Sao hiền đệ lại nhìn ta với ánh mắt sỗ sàng như vậy?

Nam Cung Giao bật cười:

- Gia huynh thì nhiều vợ con tại hạ vẫn phòng không. Hay là cô nương lấy quách ta cho xong!

Vân Dung lắc đầu, ứa nước mắt:

- Dù hiền đệ quả là trẻ trung, anh tuấn hơn Nam Cung đại ca, nhưng ta thà trở về Hoàng Ưng bảo, giam mình trên thạch tháp chứ không chịu lấy ai khác!

Dứt lời, nàng đứng lên, định bỏ đi, miệng nghêu ngao một khúc hát buồn của đất Huy Châu!

Nam Cung Giao vội giữ lại:

- Nàng không muốn gặp gia huynh sao?

Vân Dung sững người:

- Ừ nhỉ! Ta đi tìm chàng mà!

Nam Cung Giao thở dài, gọi quán tính tiền rồi mời Vân Dung lên ngựa, dẫn nàng về lữ điếm.

Tới nơi, chàng bõ Vân Dung đứng chờ ngoài cửa để mình vào thỉnh chính mình ra!

Nam Cung Giao lên phòng, lột mặt nạ, thay nhanh áo ngoài, trở xuống gặp khách!

Nhìn thấy gương mặt của người mình yêu đến, Vân Dung hân hoan chạy đến, níu áo chàng mà cười khúc khích:

- Đại hiệp đã hứa cùng tiểu muội kết tình bằng hữu, sao lại không giữ lời? Tiểu muội cực khổ mấy ngày nay mới đến được đây!

Nam Cùng Giao sợ nàng nói năng bậy bạ, vội bảo chưởng quỹ dọn thêm phòng kế bên, rồi đưa Vân Dung lên lầu ngay!

Chiều hôm ấy, chàng dắt nàng đi mua sắm y phục và vật dụng cá nhân.

Khi ăn mặc chỉnh tề, Vân Dung càng bội phần kiều diễm.

Vì mệt nhọc, người đẹp đi ngủ ngay đầu canh một.

Hai gã họ Trịnh về đến, nghe Nam Cung Giao kể lại, ôm bụng cười ngất.

Trịnh Mãng nói:

- Công tử dính vào mối này là nguy to rồi! Năm vị phu nhân kia chắc chắn sẽ xé xác công tử vì tội mê hai trái bưởi mà chê mười trái cam!

Cách ví von ngộ nghĩnh của gã khiến Nam Cung Giao phải phì cười.

Trịnh Tháo thì nói nghiêm túc:

- Thực ra, Tổ tiểu thư đáng được gọi là giai nhân tuyệt sắc, rất xứng đáng để công tử đoái hoài. Tuy nhiên, bệnh loạn trí của nàng ta sẽ là một vấn đề nan giải! Thuộc hạ sợ rằng lão Gia và Lão Thái sẽ không chấp nhận.

Nam Cung Giao ủ rũ đáp:

- Ta cũng biết thế! Song không thể bỏ rơi nàng ấy được!

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio