Tình Mẫu Đơn

chương 11

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Tôi không có nơi nào để đi. Tôi bị bỏ rơi và cô đơn. Tôi không có gì để thêu thùa và trong nhiều năm tôi không có bút giấy mực để viết. Tôi đói nhưng chẳng có gì để ăn. Tôi không còn muốn lấp đầy những giờ phút trống trải dài dặc bằng cách nhìn qua lan can xuống trần gian bên dưới.

Quá đau đớn khi thấy mẹ, vì giờ đây tất cả những gì tôi có thể cảm nhận được là nỗi đau đớn âm thầm của bà; thật đau đớn khi thấy cha, biết rằng tôi chưa bao giờ quý giá với ông như tôi đã tưởng. Và khi Nhân xuất hiện trong tâm trí, trái tim tôi thắt lại trong đau đớn.

Tôi cô đơn hơn bất cứ người hay bất cứ linh hồn nào, không được yêu thương và không có mối liên hệ nào. Trong nhiều tuần, tôi kêu khóc, thở dài, gào thét và rên rỉ. Gió chướng đặc biệt khắc nghiệt vào mùa đó ở quê tôi. Dần dần, tôi cảm thấy khá hơn. Tôi khoanh tay trên lan can, tỳ lên gờ nhìn ra ngoài.

Tôi che mắt không nhìn xuống nhà cha mẹ mà thay vào đó quan sát người làm lụng trên những cánh đồng dâu của cha. Tôi quan sát các cô gái xe tơ. Tôi ghé mắt nhìn vào nhà người trưởng làng Cổ Đương. Tôi thấy thích Tiền phu nhân; bà uyên bác và tế nhị. Vào thời khác, chắc bà đã không lấy một nông dân, nhưng trong cái thời hậu Đại biến này, bà phải là người may mắn mới có được một người chồng và một ngôi nhà.

Năm cô con gái là thất vọng nối tiếp thất vọng. Bà thậm chí không thể dạy chúng đọc vì tương lai của chúng bị trói vào việc sản xuất tơ lụa. Bà có rất ít thời gian dành cho mình nhưng vào lúc đêm khuya bà có thể thắp nến đọc Kinh Thi, một thứ mà bà giữ được từ nếp sống cũ.

Bà đã có nhiều khao khát song không có cách nào đạt được. Nhưng thật ra, bà và gia đình bà chỉ là một thứ để làm tôi phân tâm. Họ là thứ tôi nhìn cho đến khi không thể chịu đựng thêm nữa. Rồi tôi nhượng bộ khao khát của mình và đưa mắt nhìn xuống nhà Nhân. Tôi tự giễu mình, để các hình ảnh nối tiếp nhau mơn trớn vuốt ve, cây mai vẫn chưa chịu ra hoa, những đóa mẫu đơn trĩu nặng đam mê, ánh trăng lấp lánh trên bồn hoa huệ, cho tới khi cuối cùng tôi tìm thấy Nhân, chàng đã hai mươi nhăm tuổi và vẫn chưa kết hôn.

Một buổi sáng, khi tôi đang lần nhìn theo thói quen thì chợt thấy mẹ Nhân bước ra cổng chính. Bà nhìn quanh để chắc chắn không có ai đang quan sát rồi đính cái gì đó lên bức tường ngay phía trên cánh cổng. Khi xong việc, Ngô phu nhân nhìn quanh lần nữa.Tin chắc rằng không ai thấy, bà chắp tay vái ba vái bốn hướng.

Kết thúc nghi lễ, bà đi qua những chiếc sân trong trở về nội đường. Vai bà khom khom, còn đôi mắt thì cứ đảo qua đảo lại lén nhìn hết bên nọ đến bên kia. Rõ ràng là bà đã làm việc gì đó mà không muốn ai biết. Nhưng những hành động trần thế đáng thương kia không thể che được mắt tôi.

Tôi ở xa nhưng giờ đây thị lực của tôi rất tốt. Tôi tập trung nhìn cho tới khi tầm nhìn của mình thẳng tắp, sắc sảo rắn như một cái kim thêu. Tôi xuyên qua cả quãng dài xa tít, tập trung vào điểm phía trên cánh cổng và thấy một chóp lá dương xỉ. Tôi ngồi thụt vào, ngạc nhiên và hoảng hốt, bởi vì ai cũng biết rằng dương xỉ là để làm mù mắt linh hồn.

Tôi dụi tay lên mắt, lo rằng chúng đã bị hủy hoại. Nhưng chúng không hề tổn thương chút nào. Thật ra tôi chẳng cảm thấy gì. Tôi thu hết can đảm để nhìn cái lá dương xỉ lần nữa. Lần này tôi cũng không thấy đau. Cái mảnh lá xanh mỏng manh đó không có tác dụng chống lại tôi. Giờ đây tôi lại là người nhìn quanh một cách lén lút.

Ngô phu nhân đang cố bảo vệ nhà mình khỏi một hồn ma hay những hồn ma nào đó. Nhưng ngoài chính bản thân mình ra, tôi không thấy bất cứ ai đang do thám trang viên đó. Bà ấy có biết là tôi đang quan sát không? Phải chăng bà ấy cố bảo vệ con trai mình khỏi tôi? Nhưng tôi sẽ không làm gì gây hại cho chàng cả! Và ngay cả khi có thể thì sao tôi lại muốn thế? Tôi yêu chàng.

Không, lý do duy nhất mà bà cố ngăn cản tôi là khi có chuyện gì đó mà bà không muốn tôi nhìn thấy. Sau nhiều tuần chán nản và không mục đích, lòng tôi dậy lên cảm giác tò mò. Tôi quan sát nhà Nhân cả ngày hôm đó. Người ta đến rồi đi. Bàn ghế kê đầy trong sân. Đèn lồng đỏ treo trên cây.

Trong vườn, gia nhân băm gừng tỏi, tước xơ đậu, làm lông gà vịt, thái thịt lợn. Những chàng trai trẻ ghé thăm. Họ chơi bài và uống rượu với Nhân tới khuya. Họ đùa cợt về chuyện chăn gối của chàng và thậm chí đi xa đến nỗi tôi phát ngượng nhưng cũng dấy lên khao khát. Sáng hôm sau, giấy đỏ giấy vàng kết đầy lên cổng trước.

Sắp có một buổi lễ lạt gì đó. Đã rất lâu rồi tôi không quan tâm đến diện mạo của mình, nhưng giờ thì tôi đã chải tóc và cặp cao lên. Tôi vuốt phẳng váy và áo dài. Tôi bẹo má cho hồng. Tất thảy những việc này cứ như là chính tôi sắp dự tiệc. Tôi mới chỉ vừa ngồi xuống quan sát mọi thứ bên dưới tiếp diễn thì cảm thấy có gì đó lướt qua cánh tay.

Bà nội tôi đã tới. “Bà nhìn xuống dưới đi ạ!” tôi giải thích. “Thật hoan hỉ và vui vẻ.” “Đó là lý do ta ở đây.” Bà nhìn xuống trang viên nhà Nhân và cau mày. Sau một hồi lâu, bà bảo, “Kể cho ta cháu đã thấy điều gì đi.” Tôi kể cho bà về các thứ đồ trang hoàng, bữa rượu đêm khuya và chuyện nấu cỗ.

Tôi mỉm cười suốt, vẫn cảm thấy như thể mình sắp tới đó làm khách chứ không phải chỉ là người quan sát. “Cháu vui lắm. Bà ơi, bà có hiểu được không ạ? Khi chàng thi nhân của cháu vui vẻ, cháu cảm thấy rất...” “Ôi. Mẫu Đơn.” Bà lắc đầu và những món trang sức trên tóc bà kêu leng keng êm ái như tiếng chim ríu ran.

Bà nắm lấy cằm tôi trong lòng bàn tay và xoay mặt tôi ra khỏi thế giới người sống, để bà có thể nhìn vào mắt tôi. “Cháu không chịu được nỗi đau ấy đâu, cháu còn quá trẻ.” Tôi cố giật ra, lấy làm tức tối vì bà muốn biến hạnh phúc của tôi thành điều gì đó u ám và khó chịu, nhưng những ngón tay bà giữ tôi với một sức mạnh đáng ngạc nhiên.

“Đừng có nhìn, cháu ơi,” bà cảnh báo. Nghe lời cảnh cáo này, tôi giật mạnh khỏi bà. Mắt tôi nhìn xuống nhà họ Ngô đúng lúc một chiếc kiệu bốn người khiêng che lụa đỏ dừng lại trước cổng chính. Gia nhân vén màn kiệu lên. Một bàn chân bó hoàn hảo đi hài đỏ hiện ra từ khoảng tối bên trong.

Bóng hình từ từ hiện lên một cách rõ ràng. Đó là một cô gái, từ đầu đến chân vận toàn đồ cưới đỏ tươi. Mái đầu trĩu xuống bởi sức nặng của tấm khăn trùm nạm ngọc trai, ngọc bích, hồng ngọc và các thứ châu báu khác. Tấm mạng che đi khuôn mặt. Một gia nhân dùng gương hắt những chùm sáng lên người cô gái để xua đuổi mọi thế lực xấu xa có thể đi cùng cô.

Tôi cố gắng một cách điên cuồng để tìm một lời giải thích khác cho những gì đôi mắt tôi đang nhìn thấy, và khác cả với điều bà nội dường như đã hiểu. “Hẳn là hôm nay anh trai Nhân lấy vợ,” tôi nói. “Cậu đó lấy vợ rồi,” bà nội tôi đáp lại nhẹ nhàng. “Chính vợ nó đã gửi cho cháu bản đặc biệt của cuốn Mẫu Đơn Đình.” “Thế thì có lẽ anh ấy lấy thiếp...” “Nó không sống trong nhà này nữa.

Nó và vợ con đã chuyển đến tỉnh Thiểm Tây, nó làm quan ở đó. Giờ chỉ còn Ngô phu nhân và con trai thứ sống ở đây thôi. Và nhìn kìa, ai đó đã đặt một lá dương xỉ phía trên cánh cổng.” “Ngô phu nhân.” “Bà ấy đang cố bảo vệ ai đó mà bà ấy rất yêu thương.” Tôi rùng mình, không muốn chấp nhận điều bà nội đang cố nói với tôi.

“Bà ấy đang bảo vệ con trai và tân nương của nó trước cháu đấy,” bà nội bảo. Lệ trào ra khỏi mắt tôi lăn xuống má và nhỏ qua hàng lan can. Phía bên dưới, ở bờ bắc Tây Hồ, sương mù kéo đến che khuất phần nào tiệc cưới. Tôi lau khô mắt, chớp chớp để ngăn cảm xúc của mình lại.

Mặt trời lại xuyên qua sương mù và tôi nhìn rõ chiếc kiệu và cô gái chiếm vị trí của tôi. Cô bước qua ngưỡng cửa. Mẹ chồng tôi dẫn cô qua cái sân thứ nhất rồi thứ hai, từ đây Ngô phu nhân hộ tống cô gái vào phòng cưới. Chẳng bao lâu nữa cô gái sẽ được để một mình nơi khuất nẻo này để bình tâm lại.

Để chuẩn bị cho cô trước những việc sắp xảy ra, Ngô phu nhân, giống như nhiều bà mẹ chồng khác, sẽ trao cho cô gái một cuốn sách, một cuốn sách bí mật chỉ ra những đòi hỏi thầm kín của đời sống hôn nhân với một người đàn ông mà cô chưa biết gì cả. Nhưng tất cả những chuyện này lẽ ra phải xảy ra với tôi chứ! Tôi sẽ thừa nhận.

Tôi muốn giết cô gái đó. Tôi muốn xé toang tấm mạng để xem ai dám thế chỗ của tôi. Tôi muốn cô ta nhìn thấy khuôn mặt ma quái của tôi rồi móc mắt cô ta đi. Tôi nhớ lại câu chuyện mẹ vẫn kể, câu chuyện về người đàn ông mang tỳ thiếp về, và người thiếp này đã cười nhạo bà vợ cả sau lưng, chế giễu diện mạo đã thay đổi theo năm tháng của bà ta.

Bà vợ cả đã biến thành một con hổ rồi ăn tim và phủ tạng của người thiếp đó, để lại cái đầu và tay chân cho người chồng. Đó là điều tôi muốn làm, nhưng tôi không thể rời Vọng Hương Đài được. “Khi còn sống, chúng ta tin vào nhiều điều mà chỉ khi tới đây chúng ta mới biết là sai,” bà nội bảo.

Tôi không nhập tâm được những gì bà nói. Tôi hoàn toàn sững sờ trước điều đang nhìn thấy. Điều đó không thể xảy ra, ấy vậy mà nó đang xảy ra. “Mẫu Đơn!” Giọng bà sắc sảo. “Ta có thể giúp cháu.” “Chẳng gì giúp được cháu, cũng chẳng còn hy vọng gì nữa,” tôi khóc.

Bà nội cười. Tiếng cười lạ đến nỗi khiến tôi bật ra khỏi tình cảnh bi đát của mình. Tôi quay sang thấy khuôn mặt bà gần như tưng bừng hớn hở và hết sức tinh quái. Tôi chưa từng thấy thế trước đây, nhưng tôi đã quá đau lòng để mà bị tổn thương vì bà lão đó cười cợt hoàn cảnh tuyệt vọng của tôi.

“Nghe ta này,” bà tiếp tục, có vẻ như lờ đi sự dày vò của tôi. “Cháu biết là ta không tin vào tình yêu.” “Cháu không muốn sự chua xót của bà đâu ạ,” tôi nói. “Ta có bảo là cho cháu cái đó đâu. Ngược lại, ta đang nói rằng có lẽ ta sai. Cháu yêu chàng trai đó; giờ ta đã hiểu.

Và chắc chắn là anh ta hẳn vẫn còn yêu cháu, nếu không thì mẹ anh ta đã không cố gắng bảo vệ cô gái đó trước cháu.” Bà nhìn qua lan can và mỉm cười hiểu biết, “Thấy cái đó không?” Tôi thấy Ngô phu nhân đưa cho con dâu một chiếc gương cầm tay, một món quà truyền thống tặng tân nương để bảo vệ cô khỏi những linh hồn quấy phá.

“Hôm nay khi ta thấy chuyện xảy ra,” bà nội nói tiếp vẻ nghiêm chỉnh, “mọi thứ trở nên rõ ràng. Cháu phải trở lại với vị trí của mình.” “Cháu e mình không làm được,” tôi nói nhưng trong lòng bắt đầu quay cuồng với những phương án trả thù cô gái vận đồ đỏ, ngồi ở chỗ khuất nẻo chờ đến với chồng mình.

“Nghĩ đi, cháu ơi, nghĩ đi. Cháu là ma đói. Giờ cháu đã biết cháu là cái gì, cháu được tự do lang thang bất cứ nơi nào cháu muốn.” “Nhưng cháu bị kẹt...” “Cháu không thể tiến lên và cháu không thể trở lại. Nhưng thế không có nghĩa là cháu không thể xuống dưới. Lẽ ra cháu đã có thể trở lại bất cứ lúc nào, nhưng ta đã xin các vị phán quan không cho phép điều ấy.

Ta đã ích kỷ muốn cháu ở đây với ta.” Bà hất đầu lên bướng bỉnh. “Đám đàn ông lúc nào cũng quan liêu, trên đó và ở đây cũng không khác gì cho lắm. Ta đã đút lót cho họ một vài đồ cúng ta nhận được dịp tết Nguyên Đán.” “Cháu có thể được gặp họ chứ ạ? Cháu có cơ hội biện hộ cho trường hợp của mình chứ ạ?” “Chỉ khi nào bài vị của cháu được điểm.

Nếu không thì,” bà trỏ xuống dưới, “cháu thuộc về nơi đó.” Bà lại đúng... một lần nữa. Là một con ma đói, lẽ ra tôi đã lang thang ở trần gian trong bảy năm qua. Tâm trí tôi lúc này rối bời giữa một đằng là mong muốn làm hại cô gái kia với một đằng là nhận ra rằng mình lẽ ra phải lang thang ở trần gian suốt thời gian qua, đến nỗi trong giây lát tôi không hiểu bà đang nói gì.

Tôi rời mắt khỏi cô gái vận đồ đỏ mà nhìn bà nội. “Bà đang bảo là cháu cũng có thể được điểm bài vị ạ?” Bà nội ngả người về phía trước và nắm tay tôi. “Cháu nên hy vọng cho điều đó xảy ra, bởi nhờ thế cháu sẽ quay lại đây và được thờ cúng trong từ đường.

Nhưng cháu sẽ không thể làm cho điều đó xảy ra được. Cháu sẽ biết nhiều mánh lới để khiến người dưới trần gian làm điều cháu muốn họ phải làm, nhưng cháu không thể làm gì với bài vị của cháu cả. Còn nhớ những câu chuyện ma, đã nghe khi còn bé chứ? Có nhiều cách khác nhau để người trở thành ma nhưng nếu tất cả những con ma chưa được điểm bài vị đều có thể bắt người ta làm việc này thì sẽ không có thật nhiều truyện ma đâu, phải không?” Tôi gật đầu, nhập tâm tất cả, định trước hết sẽ phá hỏng đám cưới, rồi sẽ khiến Nhân nhớ đến mình, rồi sẽ khiến chàng đến nhà cha tôi để điểm bài vị, rồi chúng tôi sẽ có một đám cưới ma và rồi... Tôi lắc đầu.

Trả thù và sự hỗn loạn đã làm mờ mịt tâm trí đến nỗi tôi không nghĩ ngợi rõ ràng. Thật ra, đúng như bà nói, tôi đã nghe nhiều truyện ma, và kết thúc có hậu chỉ xảy ra khi những con ma đó bị thương, tàn tật và tiêu diệt. “Sẽ không nguy hiểm chứ?” tôi hỏi. “Mẹ cháu vẫn bảo rằng mẹ sẽ lấy kéo cắt tất cả những linh hồn xấu xa ám vào cháu và rằng nếu đeo bùa thì cháu sẽ an toàn khi tản bộ trong hoa viên.

Thế còn dương xỉ và gương thì sao ạ?” Bà nội lại cười và nghe chẳng bớt lạ tai hơn lần đầu. “Dương xỉ sẽ không bảo vệ người sống trước cháu đâu. Còn những tấm gương ư?” Bà khịt mũi tỏ vẻ khá khinh thường. “Chúng có thể làm cháu đau nếu đến quá gần nhưng chúng không hủy diệt cháu.” Bà đứng lên và hôn tôi.

“Cháu sẽ không thể trở lại đây chừng nào chưa thu xếp xong công việc ở trần gian. Cháu có hiểu không?” Tôi gật đầu. “Hãy dựa vào những điều cháu đã học khi còn sống.” Bà lướt xa khỏi tôi. “Hãy dựa vào lương tri và cẩn trọng. Ta sẽ trông chừng cháu từ đây và cố hết sức để bảo vệ cháu.” Và rồi bà biến mất.

Tôi nhìn xuống nhà họ Ngô. Ngô phu nhân đang bước về nội đường, tôi chắc là bà sẽ lấy cuốn sách bí mật để đưa cho con dâu tương lai ở trong đó. Tôi nhìn quanh Vọng Hương Đài lần cuối cùng rồi lướt người lên vượt qua lan can và hạ xuống sân nhà họ Ngô. Tôi đi thẳng tới phòng Nhân, tìm thấy chàng đang ở bên cửa sổ nhìn khóm trúc đung đưa trong gió.

Tôi chắc rằng chàng sẽ quay về phía mình nhưng không phải thế. Tôi lượn lờ xung quanh chàng, ở ngay phía trước khóm trúc. Ánh sáng đùa giỡn trên gò má chàng. Đuôi tóc đen vắt qua cổ áo. Tay chàng đặt trên bậu cửa sổ. Những ngón tay dài và thon, hoàn hảo để cầm bút viết thư pháp. Mắt chàng đen và trong suốt như mặt nước Tây Hồ.

Chàng đang nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt ấy tôi không thể hiểu được. Tôi ở ngay trước mặt chàng nhưng chàng không nhìn thấy tôi, thậm chí không cảm thấy có tôi. Phường nhạc bắt đầu gióng lên. Điều đó có nghĩa là chẳng bao lâu nữa Nhân sẽ gặp tân nương. Nếu định ngăn việc này lại thì tôi phải thử với người khác.

Tôi đi nhanh tới phòng tân hôn. Cô gái ngồi trên ghế, chiếc gương nắm chắc trong vạt váy. Ngay cả khi một mình, cô vẫn chưa bỏ tấm mạng ra. Về điều này thì cô có ý thức và biết vâng lời. Cô cũng khỏe mạnh. Tôi không biết giải thích điều này thế nào, nhưng trong vẻ tĩnh lặng ấy, tôi cảm thấy cô đang chống lại tôi, chính bản thân tôi, cứ như là cô biết tôi ở đây vậy.

Tôi lao đến buồng ngủ của Ngô phu nhân. Bà đang quỳ trước ban thờ. Bà đốt hương, thầm khấn khứa một mình rồi dập trán xuống đất. Hành động của bà không làm tôi sợ hãi hay xua tôi đi. Thay vào đó, tôi tràn đầy quyết tâm và một sự bình yên chưa từng có trong nhiều năm. Ngô phu nhân đứng dậy và tới bên một chiếc tủ.

Bà mở một ngăn kéo ra. Bên trong, có hai cuốn sách bọc lụa, bên phải là cuốn sách bí mật về đời sống vợ chồng của bà; bên trái là tập một của vở Mẫu Đơn Đình. Bà đưa tay xuống và chạm vào cuốn sách bí mật. “Không!” tôi gào lên. Nếu tôi không thể ngăn đám cưới này lại, ít ra đêm đầu tiên của Nhân và vợ chàng cũng phải thật tồi tệ.

Tay Ngô phu nhân rụt lại như thể cuốn sách đang cháy. Bà ngập ngừng đưa tay xuống lần nữa. Tôi thì thào: “Không, không, không.” Tất cả những điều này, tôi ở đây, đám cưới sẽ diễn ra trong chốc lát nữa, đều quá bất ngờ, đến nỗi tôi hành động mà không nghĩ đến hậu quả.

“Lấy cuốn kia đi,” tôi thì thào thúc giục. “Lấy đi. Lấy đi!” Ngô phu nhân bước ra xa chiếc ngăn kéo mở và nhìn quanh. “Lấy đi! Lấy đi!” Chẳng nhìn thấy gì, bà chỉnh lại một chiếc trâm trên tóc rồi hết sức hờ hững cầm lấy cuốn sách của tôi như thể nó mới là cuốn bà tới lấy và mang tới phòng tân hôn.

“Con ơi,” bà nói với cô gái đang ngồi, “cái này đã giúp ta trong đêm động phòng. Ta chắc rằng nó cũng sẽ giúp con.” “Con cám ơn mẹ,” tân nương trả lời. Có gì đó trong giọng nói của cô gái làm tôi ớn lạnh, nhưng tôi lờ nó đi, với niềm tin rằng tôi đang tìm thấy sức mạnh và sẽ mau chóng trả thù được.

Ngô phu nhân bước ra khỏi phòng. Cô gái nhìn chằm chằm vào góc cuốn sách, tôi đã vẽ cảnh yêu thích của mình trong Mẫu Đơn Đình vào chỗ đó. Đó là cảnh trong hồi “Kinh mộng”, ở đoạn này Đỗ Lệ Nương gặp chàng thư sinh và họ đã phải lòng nhau. Cảnh này hẳn là thường được dùng để trang trí các cuốn sách mật của phụ nữ, bởi vì cô gái không có vẻ lo lắng hay ngạc nhiên trước đề tài bức tranh.

Giờ đây khi cuốn Mẫu Đơn Đình ở trong tay cô, tôi nhận ra rằng mình đã hành động thiếu suy nghĩ khi bảo Ngô phu nhân lấy nó. Tôi không muốn cô gái này đọc những ý nghĩ của mình, nhưng rồi một kế hoạch dần hình thành trong óc tôi. Có lẽ tôi có thể dùng những gì mình đã viết ra để đuổi cô dâu này khỏi đám cưới.

Như đã làm với Ngô phu nhân, tôi bắt đầu thì thào. “Mở sách ra và xem ai ở đây với mi. Mở ra và chạy đi. Mở ra và chấp nhận rằng mi sẽ không bao giờ có thể làm điều mi cần làm để là một người vợ.” Nhưng cô gái không mở cuốn sách. Tôi cất cao giọng và lặp lại những mệnh lệnh của mình, nhưng cô gái ngồi yên như chiếc bình trên bàn kê đầu giường.

Ngay cả khi tôi không làm gì, cô cũng không định mở cuốn sách bí mật về cuộc sống hôn nhân ấy ra. Chưa nói đến những mong muốn hủy diệt của tôi, cô ta nghĩ cô ta là loại vợ gì nếu không đọc những hướng dẫn cho đêm động phòng cơ chứ? Tôi ngồi trên một chiếc ghế chạm trổ phía bên kia phòng.

Cô gái không cử động, thở dài, khóc lóc hay khấn nguyện. Cô không bỏ tấm mạng ra để nhìn quanh phòng. Trong dáng ngồi rất lặng lẽ của cô, tôi có thể thấy rằng cô gái này rõ ràng đã tuân theo mọi lễ nghi của một tiểu thư nhà gia giáo và khá giả. Áo dài của cô may bằng lụa đỏ tươi và hình thêu trên đó khéo léo đến nỗi tôi chắc chắn rằng cô không tự thêu lấy hình nào cả.

“Mở cuốn sách ra.” Tôi thử lại. “Mở ra và chạy đi.” Khi chẳng có gì xảy ra. Tôi đứng lên, bước tới và quỳ xuống trước cô gái. Mặt chúng tôi chỉ cách nhau vài phân, chỉ cách mỗi tấm mạng đỏ mờ đục của cô. “Nếu ở lại, mi sẽ không hạnh phúc đâu.” Một cơn rùng mình nhẹ lan qua người cô.

“Đi ngay đi,” tôi thì thào. Cô hít một hơi dài rồi thở ra chậm rãi, nhưng ngoài việc đó ra thì cô không cử động. Tôi trở lại chiếc ghế. Giống như với Nhân, tôi bất lực trước cô gái này. Tôi nghe thấy phường nhạc ngoài cửa. Ai đó bước vào phòng. Cô gái bỏ cuốn sách ra khỏi vạt váy, đặt lên bàn và tới gặp phu quân tương lai.

Trong suốt lễ cưới và bữa tiệc diễn ra sau đó, tôi cố can thiệp bằng nhiều cách. Lần nào cũng không thành công. Tôi đã chắc chắn rằng Nhân và tôi được trời định ở bên nhau. Làm sao số phận có thể nghiệt ngã và sai lầm đến thế được? Sau bữa tiệc, Nhân và vợ chàng được đưa về phòng cưới.

Những cây nến đỏ dài gần một thước đang cháy, tỏa ánh sáng vàng ra khắp phòng. Nếu nến cháy cả đêm, đó sẽ là một điềm tốt. Những giọt sáp nhỏ xuống giống như những giọt lệ của tân nương trong đêm đầu tiên ở một mình với chồng. Nếu một cây nến bị tắt, dù là do tình cờ, nó sẽ là điềm báo cái chết yểu của một người hoặc cả hai.

Phường nhạc và cả đám tiệc tùng ầm ào ồn ĩ. Mỗi tiếng chiêng loảng xoảng đều làm tôi kinh hãi. Mỗi tiếng trống thình thìch đều đổ thêm nỗi sợ vào trong tôi. Các phường nhạc vẫn chơi ồn ã tại các đám cưới và đám ma để xua đuổi những linh hồn xấu. Nhưng tôi không phải một linh hồn xấu.

Tôi là một cô gái với trái tim tan nát bị cướp đi số mệnh. Tôi ở bên Nhân cho tới khi người ta đốt pháo. Những tiếng nổ lốp bốp hất tôi từ bên này sang bên kia. Thế là quá sức chịu đựng và tôi bay lên cách xa chàng. Từ một khoảng cách an toàn, tôi thấy chàng thi nhân của mình đưa tay lên tấm khăn trùm đầu và mạng che mặt của người vợ, gỡ những chiếc kim cố định chúng và lật lên khỏi mái đầu cô.

Đàm Trắc! Tôi điên tiết gấp đôi. Trong đêm diễn kịch đầu tiên từ nhiều năm trước, Đàm Trắc đã bảo rằng nó muốn cha nó tìm hiểu về Nhân. Giờ nó đã có điều nó muốn. Tôi sẽ khiến nó phải đau khổ! Hồn tôi sẽ ám nó. Tôi sẽ lấp đầy những ngày trần thế của nó bằng bất hạnh.

Tôi đã đau đớn khổ sở nhiều trong những năm qua, nhưng nhìn Trắc với bộ ngực trắng trẻo hoàn hảo để trần, lòng tôi lại tràn đầy những đau đớn tột độ và tuyệt vọng cùng cực. Làm sao mẹ Nhân có thể chọn Đàm Trắc được? Tôi không biết tại sao bà làm việc này, nhưng trong số tất cả phụ nữ ở Hàng Châu, ở đất nước Trung Hoa của tôi và trên nhân thế này, bà đã sắp xếp cho con trai mình lấy người sẽ làm tôi tổn thương nhất.

Có phải đó là lý do khiến Trắc ngồi yên đến thế khi nó đợi ở phòng cưới không? Có phải nó đã dựng lên những hàng rào phòng thủ chắc chắn quanh mình vì biết rằng tôi ở đó không? Nữ hiếu kinh gọi sự ghen tuông là tình cảm hèn yếu nhất trong tất cả những tình cảm sơ khai, và tôi đắm chìm trong đó.

Nhân cởi những thút thắt ở eo lưng Trắc. Tấm váy lụa của nó sượt qua những ngón tay mà tôi say mê, đến nỗi rất mong chúng chạm vào tôi khi chúng tôi ở bên nhau trong hoa viên. Đau đớn, tôi giật tóc mình. Tôi xé quần áo mình, kinh hãi rằng tôi sẽ mất Nhân, xấu hổ khi tôi phải nhìn thấy cảnh tượng đó.

Sương mù không kéo lên trên hồ và mưa không rơi. Nhạc công ngoài sân không phải che nhạc cụ và chạy đi trú mưa. Khách khứa không ngừng cười và kể chuyện đùa. Nước mắt tôi không có chỗ nào để rơi ngoài tấm váy dài của tôi. Trước đó, tôi đã mong có sự yên tĩnh để có thể quay lại đứng bên cạnh Nhân.

Nhưng sự im lặng này còn tệ hại hơn bởi vì nó làm nổi bật và hối thúc chuyện đang xảy ra trong tân phòng. Nếu ở vị trí của Trắc, tôi sẽ tháo các khuy cài áo dài của Nhân ra. Tôi sẽ dùng tay hất lớp vải khỏi ngực chàng, sẽ để môi mình mơn man trên làn da nhẵn nhụi của chàng, nhưng Trắc không làm gì cả.

Nó đứng đó, thụ động như lúc mà lẽ ra nó phải đọc cuốn sách bí mật của những tân nương kia. Tôi nhìn vào mắt nó và không thấy cảm xúc. Bằng cách mà chỉ những người ở cõi âm mới hiểu được, tôi chợt nhận ra rằng, nó muốn có Nhân, nhưng nó không yêu chàng. Nó đã nghĩ rằng nó thông minh và xinh đẹp hơn tôi, rằng nó xứng đáng với chàng hơn.

Nó đã thắng. Nó mười sáu tuổi và còn sống, nó đã chiếm được thứ lẽ ra là của tôi. Nhưng giờ đây khi đã có Nhân, nó không biết phải làm gì với chàng. Tôi cho rằng nó thậm chí còn không muốn chàng nữa. Tôi ép mình quan sát khi họ lên giường. Chàng cầm một bàn tay nó đặt xuống dưới chăn để nó có thể chạm vào chàng nhưng nó giật ra.

Chàng thử hôn nó nhưng nó quay mặt đi khiến môi chàng trượt xuống hàm. Chàng cuộn trên người nó, nhưng Trắc đã quá sợ hãi hoặc không đủ thành thạo để cảm thấy điều gì hay mang đến cho chàng niềm khoái lạc. Việc này lẽ ra khiến tôi muốn gây thêm nhiều tai ương cho nó, nhưng một cảm xúc khác lại len vào trái tim tôi.

Tôi thấy tiếc cho Nhân. Chàng xứng đáng được hơn thế này. Mặt Nhân căng ra lúc xuất tinh. Trong chốc lát, chàng chống khuỷu tay, cố đọc nét mặt Trắc nhưng khuôn mặt đó nhạt nhẽo và xanh xao như một miếng đậu hũ. Không nói một lời, chàng buông nó ra. Khi nó quay người đi, nét mặt chàng trở lại như lúc tôi thấy trước lễ cưới, khi chàng nhìn khóm trúc ngoài cửa sổ.

Tôi không thể tin được là mình đã không nhận ra ánh mắt này từ trước, vì đó chính là ánh mắt của tôi trong suốt nhiều năm. Chàng cũng có nỗi cô đơn và cảm giác thờ ơ với gia đình và cuộc đời giống như tôi. Tôi chuyển sự chú ý của mình sang Trắc. Tôi vẫn ghét nó, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi có thể dùng nó như một con rối để đến với Nhân và khiến chàng hạnh phúc? Tôi là một hồn ma, tôi có thể nhập vào Trắc và biến nó thành một người vợ hoàn hảo.

Nếu tôi cố gắng, chàng sẽ cảm thấy tôi trong thân thể nó, nhận ra tôi trong những vuốt ve của nó và dần nhận ra rằng tôi vẫn yêu chàng. Mắt Trắc nhắm nghiền. Tôi có thể thấy là nó muốn ngủ, tin rằng điều đó sẽ tạo lối thoát khỏi... cái gì nhỉ? Khỏi chồng, khỏi thú vui xác thịt, khỏi mẹ chồng, khỏi bổn phận làm vợ, khỏi tôi ư? Nếu đúng là nó sợ tôi, ngủ sẽ là một sai lầm khủng khiếp.

Tôi chưa thể chạm vào nó ở cõi trần, có lẽ bởi nó đeo bùa hộ mạng hay đã được ban phúc lành mà tôi không biết hoặc có thể tính ích kỷ bướng bỉnh mà nó thể hiện hồi tôi còn sống thực ra chỉ là biểu hiện của một tính cách cứng rắn không cho phép nó đến gần những cảm xúc, sự yếu mềm hay yếu đuối, nhưng ở cõi mộng nó sẽ không có cách nào ngăn cản được tôi.

Ngay khi Trắc ngủ thiếp đi, linh hồn nó rời thể xác và bắt đầu lang thang bên ngoài. Tôi lần theo ở một khoảng cách an toàn, xem nó sẽ đi đâu, cố giải đoán ý định của nó. Tôi sẽ dối trá nếu không nói rằng một phần trong tôi vẫn khao khát trả thù và tôi nghĩ đến mọi cách thức có thể tấn công nó trong mộng, lúc nó dễ bị tổn thương nhất.

Có lẽ, tôi có thể trở thành ma cạo. Lúc còn sống, chúng tôi đều sợ lũ yêu ma này ghé qua, chúng thường đến vào ban đêm và cạo đầu người khi anh ta hoặc cô ta không đề phòng. Những chỗ hói và bóng nhoáng đó sẽ không bao giờ mọc lại tóc, để nhắc nhở về sự đụng chạm của cái chết.

Tất cả chúng tôi đều sợ đi xa quá trong những giấc mơ, vì biết rằng càng đi xa nhà sẽ càng dễ lạc hướng. Tôi sẽ không mất công lắm để dọa Trắc ở trong rừng, ở đó, tôi có thể chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ thoát khỏi bóng tối mịt mùng được nữa. Nhưng tôi không làm điều gì cả.

Thay vào đó, tôi đợi ở ngoài tầm mắt nó, nấp sau một cây cột trong ngôi miếu nó tới thăm, trốn dưới tầng nước sâu của cái ao mà nó nhìn chăm chú, núp trong bóng tối khi nó quay trở về buồng ngủ mới của mình, ở đó, nó tự do khám phá mình đang an toàn trong mộng. Nó nhìn ra cửa sổ và thấy con họa mi đậu trên cây long não và bông sen đang nở.

Nó cầm lấy chiếc gương mẹ chồng đã đưa cho và mỉm cười trước hình ảnh của mình, xinh đẹp hơn nhiều so với hình ảnh nó thấy lúc ban ngày. Nó ngồi trên mép gường, quay lưng lại phía người chồng đang ngủ. Ngay cả trong mộng nó cũng không nhìn chàng hoặc chạm vào chàng. Rồi tôi thấy nó đang nhìn gì.

Mắt nó hướng về cuốn Mẫu Đơn Đình ở trên bàn. Tôi phải đấu tranh với khao khát được bước ra khỏi bóng tối trong giấc mộng của Trắc, nghĩ rằng chút thận trọng bây giờ sẽ giúp tôi về lâu về dài. Tâm trí tôi lướt nhanh. Tôi có thể làm gì để thu hút được sự chú ý của nó mà không làm nó quá sợ hãi.

Thứ nhẹ nhõm và vô hại nhất tôi có thể nghĩ ra là không khí. Từ chỗ nấp của mình, tôi cố gắng đứng yên, rồi nhè nhẹ thổi một luồng hơi về phía Trắc. Lặng lẽ và nhẹ nhàng như thế, luồng hơi có đà để vượt qua khoảng cách trong phòng và quệt lên má Trắc. Nó đưa ngón tay lên chỗ hơi thở tôi chạm vào.

Trong bóng tối, tôi mỉm cười. Tôi đã tiếp xúc được với nó, nhưng đồng thời khi làm vậy, tôi cũng đã học được mình cần cẩn trọng thế nào khi tiếp tục. Tôi chúm miệng nói không thành tiếng: “Về nhà đi. Thức dậy. Cầm lấy cuốn sách. Mi sẽ thấy đúng trang cần đọc.” Âm thanh không phát ra mà chỉ có hơi thở một lần nữa băng qua phòng tới chỗ Trắc.

Người nó run lên khi lời nói phảng phất xung quanh. Trở lại cõi thực, Trắc lăn mình từ bên nọ sang bên kia, thức giấc rồi ngồi bật dậy. Mặt nó sáng bóng một lớp mồ hôi mỏng, thân thể trần trụi không cầm được mà khẽ run lên. Nó có vẻ không dám chắc mình đang ở đâu, mắt nó sục tìm trong bóng tối cho tới khi thấy chồng.

Theo bản năng, với tôi thì có vẻ là như thế, nó rụt lại ngạc nhiên và cảnh giác. Nó vẫn ngồi yên trong chốc lát, có lẽ sợ chàng thức giấc. Rồi chậm rãi và lặng lẽ hết mức, nó lẻn ra khỏi giường. Bàn chân bó có vẻ như quá nhỏ để giữ người đứng thẳng và chỗ da thịt xanh xao nhô lên từ đôi hài cưới run rẩy trong nỗ lực đứng vững.

Nó đi tới chỗ trang phục cưới nằm một đống nhàu nhĩ trên sàn, nhặt cái áo dài lên, mặc vào rồi choàng tay quanh người cứ như thể muốn cố che đi sự trần trụi của mình. Trên đôi chân lẩy bẩy, nó tới bên bàn, ngồi xuống và kéo một cây nến lại gần. Nó nhìn chăm chăm vào bìa cuốn Mẫu Đơn Đình, có lẽ nó đang nghĩ về giấc mộng đứt đoạn của chính mình.

Nó mở cuốn sách và lật nhanh qua các trang. Đến trang tôi đã định, nó vuốt phẳng giấy bằng những ngón tay mềm mại, liếc nhìn Nhân một lần nữa và rồi khe khẽ thầm thì những điều tôi đã viết. “Tình yêu của Lệ Nương và chàng thư sinh họ Liễu thiêng liêng chứ không trần tục.

Nhưng điều này không, và không thể ngăn cản họ trải nghiệm những lạc thú trần gian. Trong phòng ngủ, Lệ Nương biết cách cư xử như một tiểu thư khi mang lại khao khát, sự thích thú, niềm vui và sự hài lòng cho tình lang. Điều này hoàn toàn hợp với một phụ nữ đáng trọng.” Tôi không thể nói tại sao tôi lại biết những điều đó khi mình còn chưa lấy chồng, nhưng đó là những gì tôi nghĩ và viết ra, và giờ đây tôi tin vào chúng hơn bao giờ hết.

Trắc run lên, gấp sách lại và thổi tắt nến. Nó đưa tay ôm mặt và bắt đầu khóc. Con bé tội nghiệp sợ hãi, tối dạ và thiếu hiểu biết về những gì nó có thể làm để đem lại khoái lạc cho chồng và bản thân. Thêm thời gian, và đó là tất cả những gì tôi có, tôi sẽ còn mạnh bạo với nó hơn nữa.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio