Trang Tử Tam Kiếm

song nữ truy tình lang

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Chàng phi nước đại bỏ đi trong sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của mọi người. Động Đình Long Nữ nghe lòng tan nát, hổ thẹn vô vàn. Nàng gục đầu vào vai cha thổn thức.

Thiên Cường là người cơ trí, lão sợ con gái yêu phẫn hận làm liều, liền thì thầm an ủi :

- Linh nhi khoan hãy thất vọng. Đó là vì con che mặt nên chàng ta không thấy được dung nhan khuynh thành. Nay duyên phận đã định, con cứ đuổi theo tìm cho được. Với dung nhan của Linh nhi, ta tin rằng không nam nhân nào trên đời này có thể cưỡng lại.

Long nữ bình tâm, không khóc nữa, lòng chỉ nghĩ đến chuyện đuổi theo. Động Đình Nhất Bá cao giọng :

- Dám hỏi chư vị anh hùng ở đây, có ai biết lai lịch, danh tánh của bậc kỳ hiệp ấy hay không?

Dương Tiểu Hào, người đã chèo thuyền cho Sĩ Mệnh, gãi đầu đến bên nói nhỏ :

- Tiểu diệt biết tên chàng ta, nhưng mong sư thúc thưởng cho ít bạc.

Họ Dương chính là Hà Bắc Lãng Tử, sư diệt của Trình Thiên Cường.

Trình lão mừng rỡ bảo :

- Hay lắm! Ta sẽ thưởng cho ngươi ba ngàn lạng bạc, nhưng phải đưa Linh nhi đi tìm cho được người ấy.

Tiểu Hào nhăn mũi đáp :

- Tiểu diệt cũng rất ái mộ chàng ta, đang muốn kết giao. Sư thúc cứ yên tâm!

Gã là người nổi tiếng võ lâm về mặt do thám, truy tung nên Trình lão rất tin tưởng. Tiểu Hào nói tiếp :

- Lai lịch thì tiểu diệt không biết rõ, nhưng chàng ta có xưng tên là Tây Môn Sĩ Mệnh.

Trình lão giật bắn mình, biến sắc. Lão thẫn thờ, lẩm bẩm :

- “Lẽ nào cơ trời lại huyền diệu thế này?”

Lão vội quay sang cảm tạ và cáo từ đồng đạo rồi kéo Long nữ về trang. Dương Tiểu Hào cũng vội vã theo sau.

Trình Thiên Cường đi thẳng vào thư phòng, mở tủ ngầm lấy một gói lụa đỏ. Lão trịnh trọng mở ra, trong ống là một mảnh ngọc bội, có dây vàng để đeo trước ngực. Long nữ ngỡ ngàng nhận ra bốn chữ Tây Môn Sĩ Mệnh khắc sâu trên mặt ngọc.

Trình lão trầm ngâm kể lại :

- Hai mươi năm trước, ta là Tổng binh thành Trực Cô cách đế đô hơn ba trăm dặm. Tuy phẩm hàm thấp kém hơn nhưng ta và Hình bộ Thượng thư Tây Môn Thường lại có tình thân quyến, vợ của lão lại là biểu tỷ của vợ ta, từ việc ấy mà trở thành tri kỷ. Trong một làn xuôi Đại Vận hà xuống Hoài giang phát chẩn, Tây Môn thượng thư vị Lưu Cẩn sai cường đạo giết chết cả gia đình. Lão còn vu khống Tây Môn Thường cấu kết với thảo khấu để cướp bạc phát chẩn. Thiên tử u mê, nghe lời tên thái giám chó má kia, cho truy nã Tây Môn Thường và gia quyến. Ta vì uất ức việc này mà cáo bệnh từ quan. Trước đó một năm, ta có dịp ghé vào phủ Thượng thư chơi. Lúc ấy, Linh nhi đã được một tuổi. Tây Môn Thường xem ta là tri kỷ nên muốn kết tình thông gia, hỏi cưới Linh nhi cho Sĩ Mệnh. Lão cho khắc hai ngọc bội làm vật đính ước. Mảnh thứ hai có khắc chữ Trình Bội Linh. Cố sự năm xưa là như vậy. Ta mong rằng hoàng thiên hữu nhãn nên Sĩ Mệnh thoát chết.

Lão dừng lời, suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp :

- Đúng rồi, tuổi tác của người này cũng độ hai mươi bảy như Sĩ Mệnh, dung mạo cũng có nét giống Tây Môn lão huynh. Hơn nữa, nghe khẩu khí thì biết chàng ta tinh thông Đạo học. Tây Môn thượng thư trước đây cũng sùng bái tư tưởng lão Trang và còn có cả một đạo sĩ là bằng hữu. Có thể chính vì vị đạo nhân ấy đã đi theo thuyền phát chẩn và cứu được Sĩ Mệnh.

Tiểu Hào cười hề hề :

- Nếu đã có duyên phận từ trước thì sư muội có thể mạnh dạn đi tìm Sĩ Mệnh rồi.

Bội Linh đỏ mặt, cúi đầu, lòng luyến ái càng thêm sâu đạm. Trình lão cũng khuyến khích :

- Linh nhi và Tiểu Hào nên khởi hành cho sớm. Ta cũng rất nóng ruột muốn biết chàng ấy có phải là di tử của Tây Môn Thường hay không?

Tiểu Hào nhìn trời nói :

- Giờ đang là chính ngọ, chắc Sĩ Mệnh đang ở trong thành dùng cơm, chúng ta đi thôi.

Bội Linh bỗng hỏi Trình lão :

- Thân phụ, vì sao chàng lại có tên là Sĩ Mệnh?

Trình Thiên Cường cười đáp :

- Tây Môn Thường say mê thơ của Bạch Cư Dị nên đặt tên con mình là Sĩ Mệnh. Tên của hai người đều lấy từ câu nói của Khổng tử: “Thượng bất oán thiên, hạ bất oán nhân, cư dị dĩ Sĩ Mệnh.”

Hà Bắc Lãng Tử Dương Tiểu Hào đã đoán không sai, Sĩ Mệnh đi vào thành Thường Đức, cách đấy sáu dặm để dùng cơm. ăn xong, chàng phi nước đại hướng về Trường Sa.

Chàng rời khỏi Thường Đức thì Dương Tiểu Hào và Trình Bội Linh mới đến nơi. Đến trước cửa quán cơm chay Thanh Tâm trai điếm, Tiểu Hào nhăn mũi hít mạnh rồi nói :

- Chắc chắn chàng ta đã ghé vào đây.

Bội Linh tỏ vẻ nghi ngờ :

- Sao sư huynh biết?

Gã cười hì hì đáp :

- Ta khoái gã từ lúc đầu gặp mặt nên dán một mảnh “Bách nhật xạ hương” vào dưới yên ngựa. Dẫu Sĩ Mệnh có chạy đến Nam Hải ta cũng lần theo được.

Bội Linh hân hoan thúc giục :

- Vậy sư huynh mau dẫn tiểu muội đi tìm chàng.

Tiểu Hào nhăn nhó, vỗ bụng :

- Gã chẳng thể nào thoát được, ta đói lắm rồi, phải ăn no mới có khí lực đi tiếp.

Bội Linh chợt nhớ là mình cũng chưa dùng bữa, bật cười :

- Tiểu muội quên mất, chúng ta vào đây ăn luôn cho tiện.

Tiểu Hào giật mình :

- Không được! Sư muội bắt ta ăn chay thì thà giết ta đi còn hơn.

Gã đảo mắt trêu ghẹo :

- Xem ra gã Sĩ Mệnh này đã xuất gia làm đạo sĩ mất rồi. Sư muội tìm chỉ uổng công mà thôi.

Bội Linh lo lắng đáp :

- Nhưng tiểu muội thấy chàng đâu có vẻ gì là đạo sĩ đâu?

Biết nàng sắp khóc, Tiểu Hào cười xòa :

- Ta chỉ nói chơi thôi. Nếu gã có là đạo sĩ thì khi biết mình có vợ đẹp như tiên thế này gã cũng hoàn tục ngay.

Bội Linh an tâm đôi chút, hối thúc Tiểu Hào sang quán khác dùng cơm. Nàng ăn rất ít, nóng nảy nhìn Tiểu Hào với vẻ van nài. Hà Bắc Lãng Tử đành cố lùa cho nhanh để khởi hành.

Đường về Trường Sa dài hơn ba trăm dặm, có nhiều giao lộ nên Tiểu Hào phải dừng lại để đánh hơi. Vì vậy cước trình khá chậm, chiều hôm sau hai người mới đến nơi.

Trước đó hai canh giờ, Sĩ Mệnh đã vượt sông Tương, đi về hướng Tây nam.

Những cơn mưa vào mùa hạ đổ xuống như trút khiến đường thêm lầy lội và khó đi. Mãi đến gần giữa tháng bảy, Sĩ Mệnh mới đến được Thiệu Dương.

Trời đã về chiều, mây đen vần vũ đằng đông, báo hiệu một trận mưa lớn. Nhưng hơn khắc sau đã bị gió nam xua tan, ánh tà dương vàng rực khiến lòng người nhẹ nhõm. Sĩ Mệnh đủng đỉnh bước vào thành. Chàng chọn tòa Hồng Phát đại tửu lâu ba tầng, chẳng phải vì nó sang trọng và đò sộ nhất, mà là vì nó cao nhất.

Hải Bạt cũng là ngọn núi cao nhất trong bảy mươi hai ngọn của dãy Hoàng Sơn. Chàng đã quen với cảm giác từ trên cao phóng tầm mắt ra xa. Một là có thể bao quát được cảnh đẹp, hai là để cảm thấy mình nhỏ bé. Mài dùa lòng kiêu ngạo là một đức tính của người học Đạo.

Ở tòa tửu lâu này, chàng sẽ phải trả giá cao hơn. Nhưng cũng chẳng là bao khi chàng chỉ cần bữa cơm chay đạm bạc và bầu rượu nhỏ.

Dù thân mặc áo vải thô, mặt mũi hiền lành, chất phác, chẳng hề phát tiết một chút tinh hoa nào nhưng phong thái an nhiên, tiêu dao tự tại.

Trên lầu ba này cũng có nhiều người gọi món chay, vì sắp đến rằm tháng bảy. Chỉ có đám hào khách võ lâm mặt đỏ gay kia là chén mặn. Cứ địa của Huyết Y môn ở tận dãy Ngũ Lĩnh, còn gọi là Nam Lĩnh, cách Thiệu Dương bốn trăm dặm về phía nam, nên bọn họ mới dám nghênh ngang như vậy. Tiếng cười nói vang vang, sang sảng, cố để chứng tỏ mình chẳng hề biết sợ ai.

Bất chợt, một đại hán mang đao ngồi ở mé ngoài cùng, nơi có thể quan sát đường quan đạo, biến sắc thì thầm gì đó. Lát sau, tiếng ồn ào dút bặt, mặt ai cũng tái mét, mắt đảo quanh tìm lối thoát thân. Nhưng vì danh tiếng, chẳng ai dám tự nhận mình sợ hãi để đứng lên đào tẩu trước Họ cố trấn tĩnh, giả như xem thường tin dữ kia nhưng lòng thầm vái có người nhát gan hơn mình.

Cuối cùng thì cái hư danh kia đã dán chặt mông họ vào ghế và tai họa đã xuất hiện.

Hồng Bào Tôn Giả cùng mười gã đệ tử Huyết Y môn lừng lững bước lên lầu. Cổ Hạo chiếu đôi mắt đỏ như máu vào đám hào khách, cười ghê rợn :

- Không ngờ lần này ghé thăm Thiệu Dương lại được diện kiến các bậc tai mắt của võ lâm Hồ Nam, lão phu quả là có phúc lớn. Chẳng hay quý phu nhân và tiểu thư ở nhà có được khang kiện hay không?

Trời không rét mà ai cũng run lên bần bật, chẳng một ai dám mở miệng đáp. Hồng Bào Tôn Giả tuy không phải là người có võ công cao nhất trong Ngũ đại hung thần, nhưng lại có thế lực của Huyết Y môn sau lưng nên càng buông lung tính khí tham tàn, độc ác.

Lão tự đặt ra điều lệ quái gở là khi đã mở lời hỏi thăm gia quyến của ai thì người đó phải móc hết hầu bao dâng tặng, nếu không lão sẽ đến nhà thăm và mang đi vợ hoặc con gái. Không ai dám vi phạm điều lệ ấy vì Cổ Hạo có trí nhớ thật phi thường, biết rõ mặt mũi, lai lịch của từng cao thủ, trong ba phủ Hồ Nam và Lưỡng Quảng.

Bọn tiểu nhị đã mau mắn ghép hai bàn làm một và run rẩy mời đám hung thần an tọa.

Lão chưởng quầy đích thân lên hầu hạ, quát tháo bọn tiểu nhị dọn lên những món ăn thượng hạng.

Hơn năm mươi hào kiệt Hồ Nam ngồi buồn bã, lòng rủa thầm hôm nay là một ngày xui xẻo. Đã mấy năm nay, Hồng Bào Tôn Giả không lai vãng đến Thiệu Dương. Họ chẳng còn lòng dạ nào mà ăn uống nữa, rầu rĩ chờ lão ma ăn xong mà nộp bạc.

Thực ra thì chẳng ai mang nhiều ngân lượng trong người, cùng lắm là hai ba trăm lượng. Nhưng đã là người học võ và gầy dựng được một chút thanh danh thì đây quả là mối nhục lớn.

Sĩ Mệnh là người duy nhất vui mừng vì sự có mặt của Hồng Bào Tôn Giả. Chàng bình thản chờ lão ăn uống xong mới xuất thủ.

Nửa canh giờ sau, khi vầng dương lặn xuống cuối trời tây, Cổ Hạo mới buồng đũa, ra hiệu cho lão chưởng quầy dọn trà.

Mười đệ tử Huyết Y môn cũng phải ngừng ăn vì biết tính khí của Thiếu môn chủ. Lão không thích ai cầm đũa khi mình đã ăn xong.

Danh xưng Thiếu môn chủ nghe có vẻ chướng tai vì Cổ Hạo đã gần bảy mươi tuổi. Có điều, phụ thân lão là Huyết Y môn chủ Cổ Đoạn Thủy lại sống quá dai. Năm nay, Cổ môn chủ đã chín mươi hai mà vẫn còn cường tráng.

Hồng Bào Tôn Giả chờ mãi mà không thấy cha mình chết đi, để lên làm Môn chủ. Lão thất vọng, oán thầm trong bụng, nên mười năm trước đã chiếm riêng ngọn Lễ Sơn làm nơi hưởng lạc.

Sau lần đến Hàng Châu, bị trúng chưởng của Sĩ Mệnh và chứng kiến thuật Ngự kiếm của Giang Nam Thần Kiếm, lão mang thương trở về, tự hiểu bản lãnh của mình chưa phải là vô địch. Lão bèn trở lại Nam Lĩnh, khẩn cầu cha mình dạy dỗ thêm.

Cổ môn chủ bèn bắt lão giới sắc, thả hết những nữ nhân ở Lễ Sơn ra. Hồng Bào Tôn Giả vì mối hận ở Chiết giang, đành bấm bụng vâng lời. Lão về ở hẳn Nam Lĩnh, tham gia sự vụ của môn phái. Chính vì vậy, hôm nay lão đến Thiệu Dương. Huyết Y môn đã có ý đặt Phân đàn ở nơi này.

Thiệu Dương vốn là nơi sầm uất, thịnh vượng nhất ở miền Tây nam của tỉnh Hồ Nam. Nếu nắm được vùng này, Huyết Y môn sẽ thu lợi không nhỏ.

Nhắc lại, Hồng Bào Tôn Giả uống xong chén trà, báo hiệu rằng đã đến lúc nhận lễ vật. Quần hào vội tuần tự đến đặt lên bàn túi bạc của mình. Chẳng ai dám giữ lại phân nào vì giang hồ truyền tụng rằng lão ma rất tinh quái, chỉ cần nhìn nét mặt cũng đoán ra, và lão đã từng đánh vỡ sọ vài người gian dối.

Sĩ Mệnh không hề biết quy củ của Cổ Hạo, nhưng chỉ quan sát cũng đoán ra nội tình. Chàng cũng bước đến, tay cầm túi bạc. Sĩ Mệnh không sợ lão ma nhận ra mình, vì hôm nay chàng mặc áo màu lam. Hơn nữa, lão ác ma chưa hề nhìn thấy mặt chàng.

Bộ trường bào thư sinh và dung mạo thuần phác của chàng chỉ khiến Hồng Bào Tôn Giả lấy làm lạ chứ không đề phòng. Chàng thư sinh này chẳng có vẻ gì là biết võ công cả. Lão trợn mắt nói :

- Lão phu không nhận lễ vật của bọn thường nhân, ngươi không cần phải nộp bạc.

Chàng cười đáp :

- Tiền bạc chỉ là thân ngoại vật, mọi người đều dâng hiến cho đại vương, thì tiểu sinh cũng chẳng tiếc gì.

Chàng vừa nói vừa bước về phía lão. Thói thường, người có nội công thâm hậu thì mắt sáng như sao, thái dương gồ lên, cước bộ khinh khoái mà vững chắc. Nhưng Sĩ Mệnh lại được chân truyền tâm pháp vô thượng của Đạo gia nên võ công càng cao siêu thì vẻ ngoài càng nhu nhược. Lão Tử vốn chủ trương nhược thắng cường, nhu thắng cương. Chính vì vậy mà lão ma không hề nghi ngờ, chỉ cho chàng là một gã học trò gàn dở, nhút nhát.

Sĩ Mệnh bình thản bước đến sát Tôn giả, vươn tay đặt túi bạc của mình xuống bàn. Bất ngờ, tay tả chàng búng nhanh vào ba huyệt Thiên Dung trên gáy, Cự Cốt trên vai và Phách Hộ sau lưng. Ba huyệt này đều nằm ở mé hữu.

Là một ác ma thành tinh, Cổ Hạo dù không coi trọng chàng thư sinh nhưng cũng theo bản năng mà vận Huyết Ma âm công bảo vệ toàn thân. Dẫu chàng có đánh lén cũng không sợ.

Nhưng ba đạo chỉ phong này lại là tuyệt học của Thiên Hạc chân nhân, chứa đựng năm thành Hỗn Nguyên khí công, nên đã phá tan màn cương khí hộ thân của Cổ Hạo.

Tôn giả nghe nửa thân bên phải tê tái, chân khí không lưu chuyển được, lão kinh hãi định phản kích thì chẳng còn chút sức lực nào. Lão càng khiếp đảm hơn khi nghĩ đến chuyện đối phương đã dùng cách không chỉ lực. Phách Không chưởng thì ai có công lực hơn hai mươi năm đều có thể luyện được, nhưng chỉ lực thì đã thất truyền từ lâu.

Lúc này, Sĩ Mệnh đã nắm chặt cánh tay lão, lôi lùi lại nửa trượng. Mười gã đệ tử Huyết Y môn thấy Thiếu môn chủ đã lọt vào tay người đành thúc thủ.

Sĩ Mệnh trầm giọng bảo đám hào kiệt Hồ Nam :

- Chư vị có thể thu hồi túi bạc của mình.

Họ đang sửng sốt trước diễn biến bất ngờ này, không biết phải xử trí ra sao? Dù chàng thư sinh kia có giết chết Cổ Hạo thì Huyết Y môn vẫn còn đó, họ đâu dám nghe lời chàng.

Sĩ Mệnh cũng đã đoán ra, chàng nói tiếp :

- Tại hạ còn ác độc và tàn nhẫn hơn Hồng Bào Tôn Giả. Chư vị cứ lấy bạc và rời khỏi đây, nếu không chớ trách ta không nói trước.

Lời hăm dọa này lập tức có hiệu lực, họ ùa đến nhặt hầu bao của mình, rút xuống dưới.

Nãy giờ, Hồng Bào Tôn Giả lặng lẽ vận khí, cố dùng công lực thâm hậu giải tỏa những huyệt đạo bị bế, khi biết là vô vọng, lão căm hận hỏi :

- Ngươi là ai và có thù oán gì với lão phu mà lại dùng thủ đoạn hạ lưu ám toán?

Chàng điềm đạm nói :

- Lão bảo mười gã áo đỏ kia đi xuống rồi chúng ta sẽ nói chuyện.

Một luồng chân khí từ tay tả chàng truyền vào cơ thể lão, công phá kinh mạch, gây cảm giác đau đớn không cùng. Lão ma chẳng thể sính cường bèn quát thủ hạ rút lui.

Sĩ Mệnh điểm thêm vài huyệt đạo nữa rồi buông tay ra. Cổ Hạo đứng như trời trồng, nhìn đối thủ ngồi chễm chệ trên ghế với ánh mắt hận thù, lão rít lên :

- Ngươi có giỏi thì giải huyệt cho lão phu rồi cùng nhau tử đấu. Đánh lén đâu phải là bản sắc anh hùng?

Chàng mỉm cười :

- Đừng khích tướng uổng công, tại hạ chẳng hề muốn làm anh hùng hay quân tử. Thực ra, dẫu có tỷ thí lão cũng sẽ bại thôi.

Dứt lời, chàng đứng lên rút Tam Tiết kiếm chém liền. Kiếm khí lạnh lẽo liếm vào người lão ma mà không hề chạm tới da. Lúc chàng dừng chiêu, hai mươi vạn sợi tóc và chòm râu cằm xoăn tít đã bị cạo sạch.

Cổ Hạo kinh hãi, nhận ra kiếm thuật đối phương đã đến mức thượng thừa, còn hơn cả Giang Nam Thần Kiếm. Lão buồn rầu hỏi :

- Vậy ngươi muốn gì?

Sĩ Mệnh nghiêm mặt :

- Hai mươi năm trước, lão và ba cao thủ nữa đã nhận lệnh của thái giám Lưu Cẩn, tập kích thuyền của Hình bộ Thượng thư Tây Môn Thường, sát hại toàn gia. Lão hãy khai báo tung tích của U Linh Quỷ Kiếm và Miêu Nhãn Tú Sĩ, cũng như lai lịch của người thứ tư.

Cổ Hạo giật mình :

- Té ra ngươi là đứa bé đã thoát chết năm xưa?

Lão đảo cặp mắt gian hiểm, nói :

- Lão phu có nói ra thì cũng chết, hà tất phải khai báo với ngươi?

Sĩ Mệnh hiểu ý lão muốn cầu sinh, chàng thản nhiên bảo :

- Nếu lão thành thật thổ lộ, ta sẽ mở cho một con đường sống, chỉ điểm vài huyệt đạo để phong tỏa kinh mạch. Lão có thời gian một năm để tìm cao nhân chữa trị. Nếu thất bại, huyết mạch toàn thân sẽ vỡ ra. Đó là cơ hội duy nhất của lão.

Cổ Hạo nhớ đến thân phụ mình và các trưởng bối Huyết Y môn tài ba quán thế, liền nhận lời :

- Được! Lão phu chấp nhận điều kiện ấy. Miêu Nhãn Tú Sĩ hiện đang là trưởng lão của phái Võ Đang, pháp danh là Thanh Trần. U Linh Quỷ Kiếm thì đã thí phát quy y, trở thành sư đệ của Phương trượng Thiếu Lâm, pháp danh là Viên Linh. Còn người thứ ta chắc ngươi chẳng bao giờ nghĩ đến, lão ta chính là Toàn Chân trưởng giáo Võ Từ Sơn.

Nãy giờ Sĩ Mệnh chiếu đôi huệ nhãn vào đáy mắt Cổ Hạo nên biết rằng lão ta nói thực. Chàng thầm chấn động, trầm ngâm suy nghĩ.

Hồng Bào Tôn Giả lo sợ nói :

- Tiểu tử không tin ư? Lão phu tuy ác độc nhưng đã hứa thì bao giờ cũng giữ lời.

Chàng lắc đầu :

- Không! Ta biết lão nói thực lòng, nhưng chỉ thắc mắc một điều là nhân vật nào đã xếp đặt cho bốn lão liên thủ và bắt Quỷ Kiếm, Tú sĩ phải vào tiềm phục trong hai phái lớn kia?

Hồng Bào Tôn Giả hết lòng thán phục cơ trí của chàng trai có dung mạo tầm thường này. Lão gật đầu khen ngợi :

- Tiểu tử ngươi quả là có tâm cơ tinh tế, thâm trầm. Đúng là còn có một nhân vật nữa nhưng rất tiếc lão phu không được biết gì hết. Năm xưa, người này đã gửi một phong thư cho gia phụ, vì vậy lão phu được phái đi hành sự. Sau này ta có hỏi lại thì gia phụ tỏ vẻ sợ hãi và bảo rằng nhân vật kia cực kỳ lợi hại, thoáng ẩn thoáng hiện như thần long. Lão ta đã âm thầm khống chế nhiều đại cao thủ trong võ lâm. Chính gia phụ cũng từng bị lão đả bại và bắt uống thuốc độc mãn tính. Cứ mỗi năm lại có người đem giải dược đến. Thỉnh thoảng lão ta sai phái làm một việc gì đó, thường là giết người.

Sĩ Mệnh hòa nhã hỏi :

- Trong những bức thư ấy có tiêu chí gì để nhận biết và kỳ hạn uống giải dược của lệnh tôn sắp đến chưa?

Cổ Hạo nhớ lại :

- Theo lão phu được biết thì trong thư có vẽ ba vòng tròn nhỏ, dính vào nhau. Còn kỳ hạn uống thuốc là rằm tháng mười sắp tới.

Sĩ Mệnh chỉnh sắc bảo :

- Ta bảo thực với lão rằng phép điểm mạch của ân sư ta trên đời không có người thứ hai giải nổi. Ba tháng sau, nếu lão quyết tâm phục thiện, rời bỏ ác đạo, trở thành người hiền lương, dẫn dắt Huyết Y môn vào đường lành, và giúp ta điều tra chân tướng của nhân vật bí ẩn kia, ta sẽ bỏ qua thù hận, trả lại sự sống cho.

Cổ Hạo bán tín bán nghi :

- Lẽ nào ngươi là con mà lại dám bỏ qua mối phụ mẫu chi cừu?

Chàng cười buồn :

- Xét ra lão cũng chỉ là bị người khác sai khiến mà thôi. Nếu để lão sống sót mà cải hóa được Huyết Y môn và tiêu diệt lão ác ma ẩn mặt kia, tạo phúc cho giang hồ thì ta sẵn lòng.

Dứt lời, chàng vung tay giải huyệt cho Hồng Bào Tôn Giả và dặn dò :

- Các hạ chỉ còn ba phần công lực và có thể sinh hoạt bình thường. Nếu lòng đã quyết hồi đầu, ngày mùng một tháng giêng năm tới, hãy đến chân ngọn Hải Bạt gặp ta.

Chàng trở lại bàn lấy bọc hành lý rồi xuống thang lầu.

Hồng Bào Tôn Giả ngẩn ngơ suy nghĩ, không ngờ trong chốn võ lâm ân oán trùng trùng này lại có kẻ dám tha mạng kẻ thù giết song thân để đổi lấy sự yên bình cho đồng đạo và bách tính. Đồng thời cũng là chuốc lấy tai họa cho chính mình, vì nhân vật ẩn danh kia đâu phải tầm thường. Tam Hoàn ẩn sĩ đã đánh bại cả Huyết Y môn chủ một cách dễ dàng thì võ công của lão đáng gọi là vô địch.

Tôn giả chợt nghe lòng có cảm giác khác lạ khó hiểu. Lão vội bước theo chàng và nói lớn :

- Tây Môn các hạ, bây giờ thì lão phu đã tin đạo trời báo ứng chẳng sai. Hai mươi năm trước, lão phu chỉ đánh đấm qua loa và không hề chạm đến song thân của các hạ.

Sĩ Mệnh không nói gì, bước đến trao cho lão chưởng quầy đĩnh bạc ba lượng rồi đi thẳng xuống đất, lên ngựa phi mau. Chàng đi ngược về hướng Trường Sa vì biết cách Thiệu Dương vài dặm có một trấn nhỏ.

Chàng không để ý rằng có hai con ngựa bám theo sau. Họ chính là Dương Tiểu Hào và Trình Bội Linh.

Bảy ngày trước, sau khi xác định Sĩ Mệnh từ Trường Sa đi về hướng Tây nam, lãng tử ngần ngại nói :

- Khu vực ấy rất gần với Lễ Sơn và Tổng đàn Huyết Y môn. Nếu sư muội không cải trang thành nam nhân e sẽ sa vào tay Hồng Bào Tôn Giả.

Bội Linh nghe danh Cổ Hào đã từ lâu nên sợ hãi, để cho Tiêu Hào dịch dung. Họ Dương là cao thủ trong nghề nên chỉ hai khắc sau đã biến Động Đình Long Nữ thành một chàng trai gầy gò xấu xí. Bản thân gã cũng mang mặt nạ để Sĩ Mệnh không nhận ra. Tiểu Hào đắc ý nói :

- Giờ thì chẳng còn ai có thể nhận ra lai lịch của chúng ta.

Bội Linh nóng ruột thúc giục nên Tiểu Hào không dám la cà, cước trình nhanh hơn trước. Họ đến cửa Hồng Phát đại tửu lâu thì thấy đám đông hòa kiệt võ lâm túm năm tụm ba bàn tán. Hỏi ra mới biết Hồng Bào Tôn Giả bị một thư sinh lạ mặt khống chế ở lầu chót.

Hai người mừng rỡ, đoán ngay đó là Sĩ Mệnh. Trong đám cao thủ trẻ tuổi hiện nay, chỉ có chàng mới dám đụng đến Cổ Hào.

Họ kiên nhẫn đứng chờ cho đến lúc chàng đi ra. Trời đã xẩm tối nên bám theo không khó. Mùi bách nhật xạ hương đã dẫn đường cho Hà Bắc Lãng Tử một cách hữu hiệu.

Sĩ Mệnh vào Nguyên Giang trấn qua đêm. Tiểu trấn này nằm cạnh sông Nguyên. Tiểu Hào và Bội Linh cũng vào trọ cùng khách điếm với mục tiêu của mình. Phòng của họ đối diện với phòng Sĩ Mệnh.

Tắm rửa. ăn uống xong, Bội Linh bảo Tiểu Hào :

- Sư huynh, chẳng lẽ tiểu muội lại mặt dày mày dạn đến gặp chàng mà đưa mảnh ngọc bội đính ước ra? Chàng vì lời hứa của song thân tất sẽ chấp nhận, nhưng bất ngờ như vậy, liệu chàng ta có yêu thương tiểu muội hay không? Sư huynh hãy nghĩ dùm một diệu kế giúp tiểu muội tiếp cận chàng trước. Tiểu muội tin rằng mình sẽ chinh phục được Sĩ Mệnh.

Tiểu Hào cười mát :

- Ta biết sư muội tự hào nhan sắc mình đứng đầu thiên hạ nên kiêu ngạo, không muốn dùng cách “Mao toại tự tiến” Thôi được, ta sẽ vì Linh muội mà động não vậy.

Bội Linh hớn hở tán dương :

- Tiểu muội biết sư huynh là người tinh minh, đa mưu túc trí mà.

Họ Dương khoan khoái cười hề hề. Gã suy nghĩ một lúc rồi trình bày kế hoạch.

Bội Linh nghe xong, lo lắng nói :

- Sĩ Mệnh bản lãnh cao cường, nhãn quang sắc bén, lẽ nào lại không phát hiện được tiểu muội có võ công? Tiểu muội sợ lắm!

Tiểu Hào cả cười :

- Ta đã nghĩ đến điều ấy. Đây là loại thuốc tán công, sư muội uống vào sẽ tạm thời bị mất công lực. Khi nào muốn khôi phục lại công lực chỉ cần uống viên thuốc màu hồng này vào là xong.

Gã đưa cho nàng hai viên dược hoàn một xanh, một đỏ. Bội Linh ngần ngừ một lúc, uống viên tán công hoàn. Lát sau, nàng nghe chân khí trì trệ, tản mác, người yếu đuối như chưa hề luyện võ.

Dương Tiểu Hào đắc ý bảo :

- Giờ đây sư muội có thể yên tâm mà nghỉ ngơi, mờ sáng sẽ thi hành diệu kế.

Gã ôm mền gối xuống đất, nhanh chóng đi vào giấc mộng.

Động Đình Long Nữ lên giường nằm, thao thức nghĩ đến vi hôn phu. Nàng cầu mong sao chàng chính là hậu duệ của Tây Môn bá phụ.

Nghe tiếng ngáy nhè nhẹ của Hà Bắc Lãng Tử, nàng mỉm cười, sinh lòng cảm mến và biết ơn gã vô hạn. Con người tưởng chừng quỷ quyệt, phóng đãng kia thực ra là một hán tử rất hào sảng và tốt bụng.

Sư bá của nàng thất lộc đã lâu, Tiểu Hào vùng vẫy đất Hà Bắc tạo được một chút thanh danh lẫy lừng. Năm năm trước, gã đánh hộc máu con trai Tuần phủ, bị truy nã gắt gao, đành bỏ xứ về Thiệu Dương nương tựa sư thúc là Động Đình Nhất Bá. Quan Tuần phủ Hồ Nam đương nhiệm là bạn đồng liêu ngày xưa của Trình lão nên Tiểu Hào được an toàn. Gã vẫn lang thang, lêu lổng, xài tiền như nước, nhưng đã chứng tỏ được bản chất cương trực và tính mẫn cán, tinh minh của mình. Trình lão và Bội Linh rất yêu thương gã và Tiểu Hào cũng coi họ như những người thân duy nhất.

Đầu canh năm, Tiểu Hào đánh thức Bội Linh :

- Sư muội dậy mau, Sĩ Mệnh còn đang ngủ, chúng ta phải đi trước gã mới kịp.

Hai người trả phòng, lên ngựa phi nhanh ra ngoài trấn. Lúc chiều, Tiểu Hào đã để ý đến một tòa nông xá nằm lẻ loi cạnh bìa rừng. Chung quanh ấy là một khoảnh đất trồng hoa. Gã vào thương lượng với vợ chồng người nông phu. Với hai chục lượng bạc, họ vui vẻ cho mượn nhà trong nửa buổi.

Bội Linh mặc bộ y phục thôn nữ vào, với hai bím tóc đong đưa trước ngực, nàng biến thành một cô gái quê mùa nhưng cực kỳ xinh đẹp.

Tiểu Hào ngắm nghía rồi lắc đầu :

- Không được! Sư muội có làn da trắng trẻo, mịn màng thế kia sao có thể là gái quê được? Để ta điểm thêm một chút phong trần mới phải.

Bội Linh giãy nẩy :

- Nhưng sư huynh không được làm cho tiểu muội xấu đi.

- Đừng lo, da mặt có rám nắng đi một chút càng làm nhan sắc thêm mặn mà.

Gã lôi túi bát bửu ra, bôi một lớp thuốc lên mặt và lưng bàn tay nàng. Quả thực, dù da dẻ có sậm màu hơn trước cũng không làm dung nhan nàng kém đi.

Hơn khắc sau, Sĩ Mệnh đi đến. Thấy những luống hoa nở rộ bên đường, chàng cho ngựa đi chậm lại, thích thú ngắm nhìn.

Bỗng từ trong tòa nông xá phát ra tiếng kêu thất thanh của nữ nhân. Một nàng thôn nữ chạy ra, theo sau là một hán tử tay cầm đao ngắn. Gã rượt nàng chạy vòng quanh căn nhà.

Nào phải người học Đạo không biết nóng giận, nhất là trước cảnh cậy mạnh hà hiếp lương dân như thế này. Chàng động nộ quát vang như sấm, tung mình khỏi yên ngựa, lướt đến như sao băng.

Hán tử kia vừa nghe tiếng hét đã bỏ chạy vào khu rừng phía sau. Nhưng Tiểu Hào không ngờ rằng khinh công Sĩ Mệnh vô địch thiên hạ. Gã chỉ chạy được bảy tám trượng đã bị bắt.

Sĩ Mệnh điểm huyệt tên cường đạo, nắm cổ gã lôi trở lại tòa nông xá. Nàng thôn nữ đang đứng ôm ngực thở hổn hển, mắt đầy vẻ sợ hãi. Nàng sợ vì tưởng Sĩ Mệnh vung chưởng đánh chết Tiểu Hào. Hai người đã quên không tính đến chuyện Hà Bắc Lãng Tử bị Sĩ Mệnh đuổi kịp. Dương Tiểu Hào cũng thất kinh hồn vía, tưởng lúc nãy mạng mình đã hưu hỷ.

Sĩ Mệnh nghiêm giọng hỏi Bội Linh :

- Xin cô nương nói thực lòng rằng tên vô lại này có phải là tai họa của bách tính trong vùng này hay không? Nếu đúng vậy, tại hạ sẽ trừ khử gã đi để lương dân bớt khổ ải.

Bội Linh tái mặt vội nói :

- Bẩm công tử, thực ra gã này cũng chẳng đến nỗi bại hoại lắm. Gã chỉ có tật mê bài bạc nên lúc nãy đã uy hiếp tiện nữ để lấy vài nén bạc mà thôi. Gã nguyên là thân thích của tiện nữ, nhà ở trong xóm phía xa kia. Mong công tử niệm tình mà tha thứ cho y.

Sự đời thật nực cười, kẻ bị cướp lại van xin cho kẻ cướp. Tiểu Hào cũng vội van nài :

- Xin đại hiệp tha mạng, tiểu sinh thề sẽ nhất định sử tính tình, quyết tâm tu chí làm ăn, không dám hà hiếp lương dân nữa đâu.

Sĩ Mệnh nghiêm giọng :

- Hiện nay, trên thì Thiên tử hôn ám, dưới thì quan lại tham lam tàn độc, lại thêm những cảnh thiên tai khiến lê thứ lầm than, khổ sở cùng cực. Ngươi là người học võ, không biết đem sức nam nhi ra cứu giúp bách tính, mà lại còn ức hiếp họ, thử hỏi có đáng sống hay không?

Dương Tiểu Hào dở khóc dở cười, rủa thầm mình đã tự chuốc lấy họa vào thân. Gã gượng cười đáp :

- Tiểu nhân đã biết tội, thề có hoàng thiên sẽ không tái phạm nữa.

Sĩ Mệnh cười nhạt :

- Xem ra võ công của ngươi cũng là thuộc hàng cao thủ nhất lưu. Nếu không chặt bớt một cánh tay tất chưa bỏ được lòng kiêu ngạo.

Bội Linh hồn phi phách tán vội níu áo tay chàng van xin :

- Gia biểu huynh còn có mẹ già trên tám mươi phải phụng dưỡng. Nếu công tử chặt tay gã đi thì sao có thể lo được việc ruộng nương? Tiện nữ lại mang tiếng với thân thích và làng xóm.

Chàng mỉm cười :

- Lạ thực! Nếu vậy sao lúc nãy cô nương không tặng gã vài lượng bạc mà còn kêu cứu làm gì? Thôi được, tại hạ tự coi mình là kẻ đa sự, xen vào chuyện gia đình của cô nương. Xin thành thật cáo lỗi!

Chàng giải huyệt cho Dương Tiểu Hào rồi quay lưng bỏ đi. Bội Linh thấy kế hoạch sắp tan tành, nàng thất vọng bật khóc.

Tiểu Hào cũng bực bội ghê gớm, gã đảo mắt tính toán rồi tung mình phóng nhanh vào rừng. Khi đã đạt khoảng cách an toàn, gã rống lên :

- Tiểu nha đầu kia, lão gia thề sẽ giết ngươi để rửa mối nhục hôm nay!

Bội Linh nhân cơ hội này, khóc lớn hơn. Nàng chạy theo níu áo Sĩ Mệnh :

- Công tử nghe thấy không, tiện nữ sợ lắm!

Sĩ Mệnh hơi bất ngờ trước thái độ phản phúc của gã côn quang kia. Lúc nãy, chàng đã nhận ra bản chất thiện lương trong đáy mắt gã. Chàng cười bảo cô gái :

- Lúc nãy, chính cô nương đã hết lời van xin cho gã, giờ sao lại gọi ta làm gì nữa?

Bội Linh hổ thẹn quá nên khóc rất thực tình :

- Tiện nữ nào biết gã lại là người không có lương tâm như vậy? Công tử đi rồi, chắc tiện nữ không sống nổi. Kẻ bạc mệnh này mồ côi đã lâu, đơn độc trong căn nhà lẻ loi này, biết nương tựa vào ai?

Sĩ Mệnh cười khổ :

- Vậy cô nương muốn ta phải làm gì?

Nàng nhớ lại lời của Trình lão là Tây Môn bá mẫu có một người chị ruột lấy chồng ở Nam Bình, Phúc Châu, liền ấp úng nói :

- Tiện nữ chỉ còn một vị đại biểu di ở Nam Bình. Bà ta có nhũ danh là Lâm Mỹ Phụng, lấy chồng làm Huyện lệnh.

Sĩ Mệnh từng nghe đại sư huynh nói mình còn có một dì ở Phúc Châu, cũng có tên như vậy. Chàng không chắc lắm nhưng chẳng thể bỏ rơi nàng thôn nữ này. Nếu nàng ta quả thực là biểu muội của mình thì sao? Chàng quyết định đưa nàng thôn nữ đi Phúc Châu để kiểm chứng lai lịch.

Đã có chủ ý, Sĩ Mệnh điềm đạm nói :

- Được! Tại hạ đồng ý hộ tống cô nương đi Nam Bình. Tại hạ là Tây Môn Sĩ Mệnh, xin hỏi phương danh của cô nương?

Bội Linh mừng rỡ đáp :

- Tiểu muội họ Giả tên Linh.

Theo kế hoạch định sẵn, Dương Tiểu Hào giả đò quên tuấn mã lại. Sĩ Mệnh không biết, cười bảo :

- Cô nương có biết cưỡi ngựa không? Gã côn đồ kia đã để lại con ngựa tốt.

Thực ra, đấy chính là ngựa của Bội Linh. Nàng gật đầu rồi chạy vào trong, thu xếp hành lý, lòng ngậm ngùi chia tay với những y phục đẹp của mình, gói ghém ba bộ áo vải thôn nữ xấu xí.

Sĩ Mệnh bỗng hỏi :

- Chẳng lẽ cô nương bỏ cả nhà cửa và ruộng hoa mà không tiếc sao?

Bội Linh nhoẻn miệng cười :

- Đây nào phải tài sản của cha mẹ, tiện nữ chỉ là người làm mướn, lãnh việc trông coi và chăm sóc mà thôi. Tiện nữ đi rồi, họ sẽ mướn người khác.

Sĩ Mệnh gật đầu, dẫn con ngựa hồng kia lại cho Giả Linh. Động Đình Long Nữ đã uống thuốc tán công nên chẳng cần phải giả vờ cũng lộ rõ vẻ yếu đuối của mình. Nhờ vậy mà Sĩ Mệnh chẳng hề ngờ vực gì cả.

Hai người lên ngựa, đi về hướng Đông. Lúc này Dương Tiểu Hào đang ẩn nấp trong rừng, thấy kế hoạch đã thành công, gã đắc ý vỗ bụng cười dài :

- Giờ đã giao được Linh sư muội vào tay Sĩ Mệnh, lão gia có thể thong thả theo sau. Với năm ngàn lượng bạc trong túi, tha hồ vui thú.

Gã đi sâu vào trong, tìm ngựa của mình rồi xóa lớp hóa trang, bám theo hai người kia.

Còn Tây Hồ Tiên Nữ Dư Tiểu Phàm thì sao? Nàng đuổi theo Sĩ Mệnh đến Động Đình Hồ. Khi nghe nói có chàng thư sinh tuổi gần ba mươi trổ thần công, tiêu diệt thủy quái, nàng đoán ngay đó là tình quân của mình. Lại nghe chuyện chàng đã từ chối hôn sự với Động Đình Long Nữ, Tiểu Phàm vô cùng hoan hỷ và tự hào.

Nàng đến được Trường Sa thì bọn khất cái báo rằng Sĩ Mệnh đã đi về hướng Tây nam trước đó một ngày. Tiểu Phàm bực bội, khởi hành ngay.

Nhưng vừa ra đến cửa Nam thành, nàng đã bị một toán sáu người chân lại. Tiểu Phàm ngạc nhiên nhận ra Tổng quản của Dư gia trang là Đường Hải Lam. Đường lão vội nói :

- Trang chủ sợ tiểu thư gặp cường địch dọc đường nên phái bọn lão phu theo sau, âm thầm hộ tống. Nhưng nay tiểu thư đi về phía Nam là dấn thân vào chốn hiểm nghèo. Huyết Y môn và Hồng Bào Tôn Giả rất lợi hại, bọn lão phu tự lượng không địch lại nên phải xuất đầu lộ diện để can ngăn.

Tiểu Phàm ngang ngạnh đáp :

- Nay ta với Tây Môn công tử đã có đính ước hôn nhân. Nếu quả là miền nam rất nguy hiểm thì ta lại càng phải đến giúp chàng một tay. Đường lão có sợ gì cứ đưa thủ hạ về đi.

Đường lão tổng quản biết tính nàng bướng bỉnh, chẳng biết sợ ai nên bối rối thưa :

- Nếu tiểu thư đã quyết tâm, lão phu cũng xin liều mạng theo hầu. Nhưng tiểu thư phải cải nam trang mới mong an toàn mà gặp được Tây Môn thiếu gia.

Nàng công nhận lão có lý bèn dịu giọng :

- Đường lão bàn rất phải. Vậy hãy mau giúp ta cải dạng.

Đường Hải Nam sai một gã có thân hình nhỏ bé, tương tự như Tiểu Phàm trở vào thành mua vài bộ y phục nam nhân. Sau đó, lão cùng bốn người kia đưa tiểu thư vào rừng để dịch dung.

Chỉ ba khắc sau, Tây Hồ Tiên Nữ đã trở thành một chàng công tử tuổi đôi mươi rất anh tuấn. Nàng nhìn vào chiếc gương con, hài lòng khen ngợi :

- Không ngờ Đường lão lại có tài hóa trang siêu phàm như vậy!

Đường lão tổng quản khoan khoái nói vài lời khiêm tốn. Bỗng Tiểu Phàm hỏi thêm :

- À, năm gã gia nhân này ở đâu ra mà ta không hề biết?

Đường lão cười bí ẩn :

- Họ là những cao thủ phụ trách bảo vệ những hiệu buôn của trang chủ được rút về tham gia bảo vệ tiểu thư. Họ mang ơn Trang chủ nên đều tự nguyện mang họ Dư. Tiểu thư cứ gọi là Dư Nhất, Dư Nhị, Dư Tam, Dư Tứ và Dư Ngũ.

Lão vừa nói vừa chỉ từng người, năm gã lần lượt cúi chào, thái độ rất cung kính nhưng sắc diện lạnh như tiền.

Dư Tiểu Phàm nóng lòng muốn khởi hành ngay nên không để ý gì, nàng mỉm cười gật đầu với họ rồi thúc giục nên đường.

Trưa ngày rằm, đoàn người đến Thiệu Dương. Tiểu Phàm tìm ngay bọn hóa tử để hỏi thăm. Chúng kể rằng có chàng thư sinh họ Tây Môn đã vào thành, lên Hồng Phát đại tửu lâu. Chàng khống chế Hồng Bào Tôn Giả nhưng không giết lão ma mà lại quay ngựa đi về hướng đông bắc, có lẽ chàng ta trở lại Trường Sa.

Tiểu Phàm giận giữ nói :

- Không phải! Nếu chàng quay về Trương Sa thì bọn ta đã gặp trên đường.

Đường tổng quản là người lão luyện trên giang hồ nên hỏi lại rất kỹ. Lão cười bảo :

- Hôm ấy trời tối, chắc thiếu gia đến trấn Nguyên Giang qua đêm. Chúng ta cứ đến đấy điều tra sẽ rõ.

Quả nhiên, bọn ăn mày ở trấn Nguyên Giang xác nhận rằng có một người như vậy đã vượt sông Nguyên đi về hướng đông, có điều chàng ta không đi một mình mà mang theo một nàng thôn nữ tuyệt đẹp.

Tiểu Phàm choáng váng, nghe máu ghen xông lên tận óc Nàng đau lòng đến nỗi lệ tuôn mau. Gã khất cái ngơ ngác không hiểu vì sao chàng công tử đẹp trai này lại mau nước mắt như vậy?

Đường Hải Nam cảm ơn gã hóa tử, chờ gã đi khỏi mới an ủi Tiểu Phàm :

- Tây Môn thiếu gia là bậc kỳ nhân, ngay Động Đình Long Nữ còn không màng tới, lẽ nào lại say mê một thôn nữ? Chắc có ẩn tình gì đây? Chúng ta cứ tìm được chàng ta là sẽ rõ.

Tây Hồ Tiên Nữ tính tình bồng bột như trẻ thơ, buồn đó rồi vui đó. Nàng nhoẻn miệng cười :

- Đường lão nhắc ta mới nhớ, chàng đâu phải là phường hiếu sắc.

Nàng dẫn đầu đoàn người đến bến đò sông Nguyên.

Trở lại với Sĩ Mệnh, lần đầu tiên đồng hành với một nữ nhân sắc nước hương trời một đoạn đường dài, lòng không khỏi nảy sinh những cảm giác mới lạ.

Tính cách của Giả Linh khác hẳn với Tây Hồ Tiên Nữ Dư Tiểu Phàm. Nàng là người nhân hậu, thường xuyên lui tới thăm nom, giao thiệp với những gia đình ngư phủ mộc mạc, nghèo nàn nên thấu hiểu được sự bần cùng, khổ sở của bách tính. Nàng cũng học được thói giản dị, chất phác của họ nên chẳng hề kiêu kỳ, xa xỉ. Tuổi thơ của nàng đầy ắp tiếng cười rộn rã khi vui đùa cùng đám tiểu đồng áo rách, bên sông nước Động Đình. Qua tuổi cập kê, nàng trở thành nàng tiên dịu hiền, xinh đẹp của hàng vạn đứa bé trong vạn chài. Chúng quấn quít lấy nàng để được chăm sóc dạy bảo. Ngược lại, Bội Linh nhờ vậy mà vẫn giữ được nét trẻ thơ cho đến tuổi hai mươi hai.

Trình phu nhân mất sớm nên nàng thay mẫu thân chăm sóc cha già. Bội Linh quán xuyến trong ngoài và có thể làm được mọi việc như một thiếu nữ dân dã, nghèo hèn. Do vậy, khi đóng vai thôn nữ nàng không hề ngượng ngập.

Trên đường thiên lý, Bội Linh lặng lẽ chăm sóc Sĩ Mệnh như một người vợ hiền cần mẫn. Chàng ăn chay thì nàng cũng ăn chay. Đôi mắt chứa chan yêu thương và nụ cười thơ dại của nàng đã dần dần thấm vào hồn Sĩ Mệnh. Hình bóng kiều diễm, sinh động của Tây Hồ Tiên Nữ vẫn đậm nét, nhưng cạnh đấy giờ đây thấp thoáng bóng dáng cô thôn nữ Giả Linh.

Sĩ Mệnh tự cười mình, nhớ đèn câu “anh hùng nan quá mỹ nhân quan”. Chàng học Đạo từ nhỏ, lòng ham muốn sắc dục rất mờ nhạt, nhưng duyên phận đẩy đưa chàng liên tiếp tao ngộ hai tuyệt đại mỹ nhân của thế gian, khiến lòng quân tử xao xuyến.

Sĩ Mệnh không hề có chút kinh nghiệm nào trong tình trường nên chẳng thể biết mình có yêu hai nữ nhân này không? Họ đến với chàng như làn gió xuân mát mẻ và chàng biết ơn điều ấy. Thói quen giới sắc, thanh tâm đã ngăn cản sự nẩy nở của một tình yêu toàn vẹn.

Sau năm ngày bôn hành, hai người đã xích lại gần nhau thêm một bước. Ruộng đồng cỏ cây xanh tốt hẳn lên nhờ những cơn mưa hạ, khiến lòng người thư thái, cởi mở. Họ cùng nhau thưởng thức phong cảnh dọc đường, vui vẻ nói cười. Bội Linh mừng rỡ nhận ra vị hôn thê của mình chẳng phải là một đạo sĩ trang nghiêm, tẻ nhạt.

Một hôm, Bội Linh ướm hỏi :

- Tiểu nữ còn có một biểu dì tên Lâm Bích Hà, gả cho Hình bộ Thượng thư Tây Môn Thường. Công tử cũng họ Tây môn vậy có biết quan Hình bộ hay không?

Sĩ Mệnh nghe nói, đoán chắc Giả Linh là biểu muội của mình chàng buồn bã đáp :

- Té ra cô nương lại là chỗ thân thích. Phu thê Thượng thư chính là song thân của ta.

Chàng bèn kể lại vụ huyết án năm xưa và việc mình đang truy tầm hung thủ.

Bội Linh vui mừng khôn xiết, thỏ thẻ :

- Tiểu muội xin ra mắt biểu huynh!

Mối dây quyến thuộc càng khiến họ gần nhau hơn.

Đầu tháng tám, hai người vượt sông Cảm, đêm ấy, trọ lại ở khách điếm bên bờ đông thuộc trấn Vĩnh Phong. Cũng đêm ấy, trong bữa trà khuya Bội Linh e lệ hỏi :

- Biểu huynh đã hai mươi bảy tuổi, sao không tính đến chuyện lập gia thất để họ Tây Môn sớm có người nối dõi?

Sĩ Mệnh thực thà đáp :

- Tiểu huynh đã đính ước với Tây Hồ Tiên Nữ Dư Tiểu Phàm. Có lẽ sau khi báo xong mối huyết cừu sẽ nhờ đại di đem sính lễ đến Hàng Châu hỏi cưới.

Chàng vừa nói vừa nhìn ra song cửa nên không nhận thấy vẻ bàng hoàng, đau đớn của Bội Linh. Động Đình Long Nữ nghe lòng tan nát, cố gượng cười ngồi nán thêm một lúc rồi trở về phòng riêng.

Sáng hôm sau, Sĩ Mệnh thức giấc, rửa mặt xong liền sang gọi biểu muội lên đường. Nào ngờ giai nhân đã biệt tăm, chỉ để lại tờ hoa tiên thấm đầy nước mắt.

“Biểu huynh nhã giám!

Tiểu muội chính thực là Động Đình Long Nữ Trình Bội Linh, biểu muội của chàng và cũng là người được song thân hai bên tác hợp lương duyên, từ hơn hai mươi năm trước. Nay biểu huynh đã có ý trung nhân, tiểu muội không tiện xen vào, nên đành bỏ đi. Mảnh ngọc bội này xin hoàn lại, xem như hôn ước cũ không hề có. Cầu chúc biểu huynh và Dư cô nương được hạnh phúc.

Bội Linh tái bút.”

Sĩ Mệnh cầm mảnh ngọc bội đặt dưới lá thư lên xem xét. Bốn chữ kia chính là tên của chàng và mặt sau khắc chữ song hỷ.

Sĩ Mệnh thẫn thờ suy nghĩ, không ngờ rằng mình lại có vị hôn thê từ thuở ấu thơ. Chàng đoán rằng mình cũng phải có một mảnh ngọc bội tương tự có khắc tên Trình Bội Linh. Nhưng sao hai mươi năm nay chàng không hề nhìn thấy hay nghe ân sư nhắc đến?

Sĩ Mệnh quyết định đến Nam Bình thăm đại di và hỏi xem bà có biết cuộc hôn ước này hay không? Chàng thanh toán xong tiền trọ rồi khởi hành.

Không có nàng thôn nữ dịu dàng xinh đẹp bên cạnh, Sĩ Mệnh chợt thấy đơn độc và trống vắng vô cùng. Ánh mắt, nụ cười cùng bóng dáng mềm mại của Động Đình Long Nữ như chập chờn trong tâm tưởng.

Sĩ Mệnh thở dài tự hiểu rằng nàng đã đem theo cả trái tim mình. Chàng cảm thấy mình có lỗi vì đã vội vàng đính ước với Tiểu Phàm. Cuối cùng, chàng tự an ủi mình rằng cả hai nàng đều là bậc anh thư chắc sẽ đủ rộng lượng để dung nhau.

Sĩ Mệnh mỉm cười, nhớ lại lời dạy của Thiên Hạc chân nhân. Quả thật tình nghiệp của chàng quá nặng, mới hạ sơn hơn tháng đã vương vấn với hai tuyệt đại hồng nhan. Cho rằng số kiếp đã vậy, chàng an nhiên chấp nhận, chẳng cưỡng lại làm gì.

Năm ngày sau, Sĩ Mệnh đến thành Ninh Đức, thuộc địa phận Phúc Kiến.

Trời đã quá ngọ, chàng ghé vào phạn điếm trong thành dùng cơm. Hôm nay may sao trời quang mây tạnh, từ tầng ba của tòa đại tửu lâu này có thể thấy được bóng dáng xanh mờ của núi Võ Di sơn ở hướng Đông bắc.

Sĩ Mệnh đã nghe danh thắng cảnh này từ lâu, định bụng sẽ ghé thăm xem có hơn được dãy Hoàng Sơn hay không?

Ăn xong vài chén cơm, chàng ngồi nhâm nhi bình rượu nhỏ, nghe lòng nhung nhớ bóng giai nhân. Bỗng có hai người đội nón rộng vành sùm sụp bước đến, ngồi xuống trước mặt chàng. Họ khẽ hất vành nón lên và cất tiếng :

- Anh em lão phu không ngờ lại được hạnh ngộ công tử ở nơi này.

Sĩ Mệnh nhận ra họ là Thiên Lý Nhãn La Thiện Huy và Xuyên Vân Nhạn Hồ Gia Cư. Chàng đã gặp họ ở Nam Xương, trong trận chiến với bọn sát thủ Bành Hồ. Chàng mỉm cười hỏi :

- Nhị vị là Bộ đầu của phủ Giang Tây, đến Phúc Kiến chắc hẳn vì công cán?

Thiên Lý Nhãn buồn rầu đáp :

- Công tử đoán không sai. Bọn lão phu đang truy tung bọn hung thủ Bành Hồ. Mười ngày trước, chúng đã bất ngờ tập kích Từ gia trang. Giang Tay truy mệnh thương và hơn trăm người nữa đều thảm tử, tài sản bị cướp sạch. Thủ đoạn của chúng cực kỳ tàn nhẫn, cả mười mấy đứa tiểu đồng tóc để chỏm cũng không thoát chết.

Sĩ Mệnh giật mình kinh hãi, nghe lửa giận bốc lên ngùn ngụt. Dù định lực thâm hậu nhưng chàng không thể cầm lòng khi nghe nói cả bọn tiểu hài vô tội cũng bị giết. Niềm căm phẫn khiến đôi mắt chàng chói lọi và gương mặt lạnh lùng như tạc bằng đá.

Xuyên Vân Nhạn dù là tay từng trải tử sinh cũng phải rợn người trước sát khí của Sĩ Mệnh, lão gượng cười hỏi :

- Vậy công tử đến Phúc Kiến vì mục đích gì?

Chàng hít một hơi dài, phục hồi vẻ mặt hiền hòa, điềm đạm đáp :

- Tại hạ đang trên đường đến Nam Bình để thăm đại di.

Sĩ Mệnh hỏi lại :

- Nhị vị đã dò la ra tung tích của bọn hung thủ hay chưa?

Vừa lúc bọn tiểu nhị đem thêm chén bát và vài món mặn. Chờ chúng đi khỏi, La Thiện Huy hạ giọng :

- Anh em lão phu đã khổ công truy lùng, bám theo dấu vết bọn hung thủ và lần đến vùng Ninh Đức này. Có khả năng rằng bọn sát thủ ẩn nấp trong một trang trại ở ngoại thành phía tây. Tuy nhiên, đây lại là cơ ngơi của Lưu Cẩn, được Thiên tử khâm ban “Đan thư thiết khoán” nên quan quân không vào được. Dù Lưu Cẩn đã tạ thế từ lâu nhưng vây cánh của lão trong triều còn rất mạnh. Ngay bản thân phủ doãn Phúc Kiến đương nhiệm cũng là người do lão tiến cử. Chính vì vậy mà các công sai phải nuốt hận trở về. Anh em lão phu cùng Giang Tây Truy Mệnh Thương Từ Thanh Sơn là chỗ sinh tử chi giao nên định liều mạng vào hổ huyệt do thám một phen.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio