Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

chương 16: 16: hôn sự thành

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Nếu luận về nhậu nhẹt, đàn ông của đội lạc đà có thể nói đều là những "nhân tài kiệt xuất".

Cuộc sống sinh hoạt trên con đường cưỡi ngựa muôn vàn gian khổ, hoang mạc khô cằn và đỉnh núi dốc đứng, muối kiềm cùng cánh đồng tuyết trắng, bôn ba từ ngày hè nóng bức cho tới trời rét căm căm, nấu một hũ rượu trắng là quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác.

Hoài Viễn năm nay mười tám, làm gì đã bì được với các bác các chú của mình, tửu lượng có hạn, một ly đã gục.

Tết nhất đi gặp mặt thăm hỏi người trong đội lạc đà, sao thiếu được rượu chè một phen, uống đến độ mặt mày đỏ phừng, suốt mười ngày nửa tháng ấy, nhìn người hay nhìn vật cũng hóa những chiếc bóng chồng chéo lên nhau.

Mồng sáu tháng giêng mọi sự đâu vào đấy, nương tử Chu gia lên đồ mới tinh, chải đầu dặm phấn, mời bà mai về nhà, hai người chuẩn bị sẵn sàng, giờ lành điểm mới đi ra cửa.

Tim Hoài Viễn đập như đánh trống, tay chân luống cuống lẽo đẽo sau lưng mẹ mình, gương mặt ửng đỏ: "Mẹ, mẹ gặp Thục Nhi rồi..."

"Biết rồi biết rồi...!anh cứ ngồi ở nhà chờ tin tức của mẹ." Chu nương tử cất thiếp canh của Hoài Viễn vào, mang theo mấy món sính lễ, dặn dò đám nhỏ trong nhà, "Các con cũng ở nhà, không được đi theo quậy."

Hoài Viễn và Thục Nhi là thanh mai trúc mã, sớm đã tâm đầu ý hợp.

Mắt thấy hai đứa nhỏ đã đến tuổi, Chu nương tử tính tỏ niềm băn khoăn, để Hoài Viễn cưới Thục Nhi về làm dâu nhà mình.

Phương gia cách Chu gia không xa, là chỗ quen thân từ lâu, tình cảm của hai đứa nhỏ cũng đã rõ như ban ngày.

Phương nương tử thấy Chu nương tử dẫn bà mai vào, lòng dạ sáng tỏ, nhoẻn cười nói với Thục Nhi: "Thục Nhi, gọi cha con ra ngoài đi, có khách quý đến nhà này."

Thục Nhi xinh xắn hoạt bát, nghe mẹ kêu thế thì nhảy phắt xuống giường lò, gắt giọng hờn mắt: "Mẹ!" Vừa dứt lời đã uốn éo người trốn vào trong phòng.

"Nha đầu kia!" Phương nương tử cười nói, "Không biết lớn nhỏ lễ nghĩa gì hết, để các thím chê cười rồi."

"Trẻ con hay xấu hổ ấy mà, sợ là trông thấy bà già này nên khiếp vía đấy." Bà mai mỉm cười.

Phương nương tử nấu nước pha trà, người hai nhà an vị trên giường lò.

Thời trẻ Phương Định Khôn cũng đi theo đội lạc đà, là bạn chí cốt của Chu Hổ Tử cha của Hoài Viễn, sau đó theo chân con buôn muối đến Hoàng Thủy buôn bán, khi dần dần xây dựng được gia nghiệp thì dứt khoát rút tay, mở hai cửa hàng trong thành Cam Châu, làm vài công việc khác.

Hai bên đều hiểu biết lẫn nhau, đã ngầm thừa nhận chuyện cưới hỏi, bà mai cũng đỡ phải thi triển công phu võ mồm.

Dẫu vậy, tâm tư người làm cha làm mẹ, con gái ở nhà chẳng sợ nó nói năng hoang đường, hành sự bốc đồng, nhưng bước vào nhà chồng, ông bà Phương gia sợ con gái giải quyết nội trợ, sợ con gái bị nhà chồng bắt nạt, thế nên lo lắng âu cũng là thường tình, ngữ khí bất giác cao thêm mấy phần.

"Tôi cũng là người đã chứng kiến Hoài Viễn trưởng thành, trong dàn tiểu bối, mọi người thương nhất là thằng bé.

Hổ Tử ra đi đột ngột quá, nếu ông ấy trên trời có linh thiêng, có thể nhìn thấy con mình thành gia lập nghiệp, hẳn là sẽ sung sướng lắm." Phương Định Khôn nói chậm rãi, "Nhưng nhà tôi chỉ có mỗi một đứa là Thục Nhi, từ bé đã được cưng chiều, con gái tri kỷ ngoan ngoãn, chu đáo biết quan tâm.

Bà cố nội sống thọ mà quý đứa cháu gái này nhất, vốn muốn giữ trong nhà nuôi vài năm nữa, cho các cụ thêm niềm vui..."

"Đại gia nói phải, bọn nhỏ lớn hết cả rồi, làm cha mẹ tất nhiên là vừa mừng vừa lo..."

Thục Nhi nghe tiếng nói chuyện loáng thoáng bên ngoài, thẹn tới nỗi hai lỗ tai hồng rực, vùi đầu vào trong chăn thất thần.

Bỗng nghe thấy có tiếng gõ khe khẽ vào cửa sổ, đẩy cửa thì thấy hóa ra là hai đứa em trai Đại Bảo và Tiểu Bảo của Hoài Viễn đang núp dưới cửa sổ, nhe hàm răng thiếu mất cái răng cửa cười toe toét: "Chị dâu!"

Thục Nhi ngượng chín mặt, vỗ vào đầu mỗi đứa một phát: "Hai đứa mày...!nói linh tinh gì đó!"

"Thì chị dâu đấy chứ còn gì hả chị, mẹ em đã mời bà mai đến cầu hôn rồi thây." Đại Bảo cười, "Anh em sốt ruột đầu toát cả mồ hôi, đang ngồi ở đầu hẻm chờ mẹ em về kìa."

"Anh ấy kêu hai đứa tới à?" Mắt Thục Nhi bừng sáng lấp lánh, cắn môi hỏi: "Anh ấy có nói gì không?"

"Anh em bảo, đến hỏi chị Thục Nhi xem, chị ý ngủ có ngon không, buổi sáng ăn mấy bát cơm, muốn ăn món vặt gì, anh em mua cho."

Thục Nhi cười khúc khích: "Được rồi được rồi, chị thế nào cũng được.

Nói lại với anh em là mua loại phật thủ sấy khô bọc đường ấy nhé."

"Đã rõ!"

Việc cưới xin hai nhà đã ấn định, ngày hôm sau Chu nương tử đưa mấy hòm xiểng qua làm sính lễ, Phương gia cũng trao văn định.

Nhưng Phương gia không nỡ xa con gái, muốn giữ Thục Nhi ở nhà thêm vài ngày, do đó lại dời ngày rước dâu xuống cuối năm.

Phương Định Khôn thấy chuyện trọng đại của con gái đã xong xuôi, tâm trạng phấn chấn, bèn mời các anh em trong đội lạc đà tới uống chén rượu, Hoài Viễn bị mọi người đẩy đến ra mắt cha mẹ vợ luôn.

Có điều Thục Nhi nhất quyết không chịu ra ngoài gặp khách, Hoài Viễn cũng sống chết không chịu gặp Thục Nhi, ngày xưa hai người ở chung cười đùa vui vẻ, giờ thì cứ trốn cho bằng được, vừa ngại ngùng vừa dễ thương.

Tốp đàn ông tập trung hết trong phòng bếp làm này kia.

Phương nương tử ra sân nhóm than, mua thịt nửa con nai, đặt một bàn đồ nhắm và một vò rượu trắng ở quán rượu, để đàn ông ngồi vây chung quanh lửa nướng thịt nai, tự tạo thú tiêu khiển.

Nhóm phụ nữ ngại tiếng uống rượu ồn ào bên ngoài của cánh đàn ông, nên đóng cửa ngồi trên giường lò tám chuyện.

Bấy giờ Thục Nhi mới thẹn thò bước ra, thấy người nào người nấy đều cười tít mắt chúc mừng mình, khuôn mặt thanh tú sắp vùi vào cổ áo đến nơi.

Hôm bữa Lý nương tử không đi đâu được, mà hôm nay cũng đã theo Lý Vị tới ngồi chơi uống nước, nói chuyện cùng các chị em bạn dâu, hưởng bầu không khí mừng vui náo nức.

Vì cô ấy ít khi ra ngoài, nên mọi người gặp là lại xúm vào hỏi han ân cần, hỏi bệnh hỏi thuốc, hỏi đủ mọi thứ.

Phương đại nương cũng nhờ Hách Liên Quảng mời Lục Minh Nguyệt đến nhà ăn cỗ, Lục Minh Nguyệt là thợ thêu, Phương đại nương có mời chị dạy Thục Nhi làm áo cưới.

Miền Bắc không đòi hỏi về phương diện nữ công như phương Nam, bình thường may khâu chắp vá được là đủ rồi.

Tuy nhiên, áo cưới thì vẫn cần bàn tay tân nương đưa từng đường kim mũi chỉ, hơn nữa còn cả các đồ như giày, tất, khăn hỉ, làm từ từ tỉ mỉ cũng ngốn tận một năm rưỡi.

Ngày về nhà chồng, nếu tấm áo cưới đỏ chói thêm ánh vàng rực của tân nương nhận được những lời tán thưởng đầy ao ước của nhóm phụ nữ, thì đó cũng là một chuyện đáng để tự hào.

"May áo cưới cho khéo, cất trong rương giữ gìn cẩn thận, đợi đến lúc con gái mình lớn rồi giao lại cho nó mặc đi lấy chồng." Lục Minh Nguyệt cười nói, "Có thể coi là bảo bối luôn đấy."

"Năm ấy tôi thành thân, nhà mẹ đẻ lẫn nhà chồng đều nghèo, đầu đội mỗi khăn hỉ, cha đứa nhỏ kéo con la tới là rước tôi đi luôn rồi." Phụ nhân kể, "Giờ ngẫm lại, coi bộ đáng tiếc thật."

Người khác cười bảo: "Nhà tôi bên huyện San Đan, phong tục bên đấy là cho chị em nhà mẹ làm áo cưới."

Ngoài phòng, Lý Vị lấy chủy thủ cắt mấy đĩa thịt chân nai, nhướng mày cười đưa cho Hoài Viễn, tay chỉ chỉ phòng trong: "Bưng vào cho các nương tử đi."

Hoài Viễn gãi đầu, xoắn xuýt bảo: "Cháu...!cháu không dám đi."

Đáp Na Đề ngồi bên kia đẩy cậu chàng: "Đi nhanh lên xem nào, nam tử hán đại trượng phu, không sợ trời không sợ đất, sợ gì đàn bà."

Phụ nhân trong phòng thấy Hoài Viễn bưng thịt nai đến, cũng kêu Thục Nhi ra mở cửa.

Vừa chạm mặt, cả hai đều có phần ngượng nghịu, Thục Nhi nhận lấy đĩa thức ăn, len lén nhếch miệng cười.

Thịt nai trước đó đã được ướp bằng hoa tiêu, muối, thì là, rồi quay trên than lửa.

Lớp ngoài giòn giòn, cắn một miếng là cảm nhận được ngay được vị tươi non và nhiều nước, hương thơm hớp hồn, thịt nai không có mùi tanh như loài gia súc khác, tươi hơn thịt hoẵng trong núi hay thịt lừa.

Miệng người nào người nấy bóng nhoáng, Lý nương tử thích, cũng cầm lòng không đậu mà ăn mấy miếng.

Cho đến khi tan cỗ về nhà, Lý nương tử mời Lý Vị vào phòng ngồi một chốc, thương lượng về một chuyện.

Trường Lưu sắp sửa mười hai tuổi, lớn thì không lớn, nhưng nhỏ thì cũng chẳng phải, tóm lại là đã tới lúc nên tìm xem có cô con gái nhà nào hợp ý không, xác định chuyện cưới hỏi.

Hiếm khi nào Lý Vị phản đối chủ ý của Lý nương tử, nhưng nghe xong việc ấy, hắn cau mày: "Tuổi Trường Lưu còn nhỏ, giờ vẫn chưa cần nói làm là làm ngay.

Đợi nó lớn rồi thì để nó tự quyết thôi."

Lý nương tử kiệt quệ, ngả người dựa vào giường, nói: "Hôm trước Triệu đại nương ở quê lên, nói đã sắp xếp chuyện cưới hỏi cho Tiên Tiên.

Nhà trai của cải nhiều, lại là con trai độc nhất trong nhà, vừa nhìn đã ưng tính cách lanh lợi cứng cáp của Tiên Tiên, giữ ở đây bốn năm rồi tiễn qua bên đó làm dâu.

Người làm mẹ khắp thiên hạ này có ai không lao tâm khổ trí vì con mình, ta cũng có khổ tâm như thế.

Hơn nữa phong tục đương thời, trỏ bụng là cưới, gia đình đặt lễ đính hôn từ bé đâu ít gì, lúc nhỏ vì Trường Lưu ốm yếu nhiều bệnh nên mới trì hoãn việc đó.

Thêm thân bệnh là ta, nếu có một ngày nhắm mắt xuôi tay, chàng ra ngoài, Trường Lưu có thông gia để gửi gắm, duyên phận đã định, ta đi cũng thấy yên tâm."

(Trỏ bụng là cưới: Tục cưới gả thời xưa.

Hai gia đình có bà có thai, chỉ bụng hứa gả con trai hay gái cho nhau, theo thivien)

"Chuyện này..." Lý Vị lắc đầu cười khổ, không biết trả lời thế nào, "Ta biết nàng lo lắng cho Trường Lưu, nhưng...!cần gì phải gấp gáp, hôn nhân đại sự, hẵng nghe tâm nguyện của con nữa.

Nàng chắc chắn sẽ sống lâu thật lâu, nhìn thằng bé trưởng thành, cưới vợ sinh con."

Lý nương tử mệt mỏi không nói năng gì, Lý Vị đưa cho cô ấy một ly trà ấm, nói sang chuyện khác: "Bên đội lạc đà ta đã nói với Tôn Ông lão.

Năm sau ta sẽ không đi với đội ngựa thồ, từ nay về sau yên tâm ở nhà chăm sóc nàng và Trường Lưu, tìm mấy nghề khác làm, được không?"

"Ta làm gì mà sống lâu được đến thế." Nước mắt Lý nương tử rơi lã chã, "Qua một ngày tính một ngày, qua được hai ngày thì ta nên vui mừng, đại gia, chàng thông cảm cho lòng người làm mẹ đi."

Lý Vị hơi đau đầu, hồi lâu sau hắn mới nói: "Nếu nàng nghĩ vậy thì từ từ hỏi thăm xem sao, xem có phù hợp không.

Chỉ là hôn nhân đại sự, tất thảy tùy duyên, không thể cưỡng cầu."

"Đó là lẽ đương nhiên, phải chọn một nhà xứng đôi kết duyên cũng không dễ dàng." Lý nương tử ra vẻ tư lự, "Đầu tiên là dáng dấp tính tình phải tốt một chút, một cô gái được mọi người quý mến, biết lo cho đại cục, không yếu ớt, có thể học tập cùng Trường Lưu.

Những điều khác chỉ là thứ yếu."

Lý nương tử muốn nói lại thôi, thả chậm giọng: "Ta chợt nhớ ra, chẳng phải bên cạnh mình có một cô gái y như thế à? Mọi mặt đều tốt, thoạt trông như là con cái nhà phú quý, có điều lớn hơn Trường Lưu mấy tuổi thôi."

Nhất thời Lý Vị không hiểu nổi, Lý nương tử đưa mắt thoáng nhìn qua chái Tây, Lý Vị như đã sáng tỏ ý của cô ấy, bỗng dưng bật cười, cảm thấy thật là hoang đường.

"Cô nương này, sợ là không phải xuất thân từ gia đình bình thường." Lý Vị lắc đầu nói.

Lý nương tử cân nhắc: "Tính tình cô nương ấy nhu hòa, dung mạo xuất sắc, lại là đứa nhỏ số khổ, không nơi nương tựa.

Thử hỏi xem ý của cô nương ấy thế nào, hẳn là cũng bằng lòng thôi."

"Thế thì chưa chắc." Lý Vị lắc đầu, "Nếu nàng thích cô ấy, có lẽ nên từ bỏ đi.

Bây giờ ngồi bàn tới chuyện cưới hỏi của Trường Lưu thực sự là còn sớm quá, để nó lớn hơn một chút rồi ta lo liệu vẫn chưa muộn."

Lý nương tử mím môi nhìn trượng phu của mình, ánh mắt của hắn nhìn Xuân Thiên, không rõ ý vị.

Trái tim cô ấy run lên mãnh liệt.

Tiên Tiên và Xuân Thiên đang ở ngoài sân múc nước giếng rửa chén trà, chính là bộ trà dùng hằng ngày trong nhĩ phòng, chiếc chén sứ Thanh Hoa nằm trong tay nàng trông hết sức xù xì.

Lý Vị đứng dưới cửa sổ, nhìn ngón tay mảnh khảnh trắng nõn cầm chén trà, rửa sạch vết ố bám trong thành chén bằng dòng nước giếng buốt giá.

Qua màn đêm mù mịt, chỉ cảm giác đó như đóa hoa lan, lặng lẽ nở rộ trong đêm sâu hun hút.

"Đại gia." Nàng hơi ngửa đầu nói với hắn, "Ngài muốn uống trà sao? Xong ngay đây."

Hắn lắc đầu, suy đi nghĩ lại mấy hồi, cuối cùng đáp: "Có tin tức của chú cô ở Bắc Đình."

Nàng nhẹ nhàng "a" lên một tiếng.

Cách Qua Châu mười dặm về phía Tây Bắc có quân Mặc Ly đóng giữ, quân doanh bố trí tại đất cũ của dân tộc Thổ Dục Hồn, triều đình sắp xếp năm nghìn binh mã tại đây.

Trong quân đội hơn nửa là dân tộc Thổ Dục Hồn sát nhập Trung Nguyên, những quân binh khác là được chiêu mộ từ các quận huyện Lũng Tây.

Thuở thiếu thời Lý Vị cũng ôm chí lớn đền ơn triều đình, lăn lộn trong quân Mặc Ly suốt năm năm ròng.

Vài năm sau, quân binh trong quân thay đổi nhiều lần, nhưng vẫn có mấy người bạn cũ ở lại quân, trong đó có văn sĩ tên Hoàng Nhữ Vân, hiện đã được điều vào phủ nha Đình Châu công tác trên cương vị chưởng quản giấy tờ công văn.

Lý Vị nhờ anh ta điều tra thân thích họ hàng của Xuân Thiên, rồi lại nhờ bạn bè ở Luân Đài thăm hỏi ở huyện có người nào là Trần Trung Tín hay không.

Theo tin tức, sau khi Trần Trung Tín trở thành Bồi Nhung phó úy của quân phòng thủ Y Ngô, đã được chuyển tới huyện Luân Đài làm quan thuế phủ nha, sau đó nữa thì chuyển đến Tây Châu làm trướng sử.

Thế nhưng mấy năm trước đã từ quan về Tây, trước mắt không biết tung tích.

(Trướng sử: quan lại quản lý về hộ tịch tài vụ)

Xuân Thiên biết chú Trần của nàng mấy năm nay tòng quân nơi biên tái, sau đã đón vợ con tới Tây Bắc, từ đây cắt đứt liên lạc với dòng họ.

Hơn nữa chức quan nhỏ bé, nàng tìm trong bản danh sách mà cậu chép như mò kim đáy bể, cực kỳ khó khăn.

"Việc này không phải nóng vội, từ từ tìm, ắt sẽ có tin." Lý Vị trấn an, "Muốn tìm quan lại trong quân thì không tính là khó, nhưng Bắc Đình người Hán người Hồ sống lẫn lộn, đất rộng dân thưa, cần ít thời gian."

Xuân Thiên lắc đầu như đã hạ quyết tâm: "Nếu tìm được thì càng tốt, tìm không được thì thôi vậy.

Cứ tìm từng châu một, chắc chắn sẽ có tin tức."

Lý Vị nhìn nàng, nhiều lần đắn đo: "Nhất định phải tìm người ư? Cô lẻ loi một mình, ở đất Bắc thực sự nguy hiểm, phải suy nghĩ cho kỹ..."

Xuân Thiên kiên định gật đầu: "Tôi nhất định phải tìm được chú Trần."

(còn tiếp).

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio