Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

chương 21: 21: phương hồn thệ

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

(Phương hồn - 芳魂 là linh hồn của những người đáng quý cao thượng, thệ là từ trần)

Trường Lưu bị động tĩnh trong nhà đánh thức, cậu mặc trung y phong phanh đứng ở đầu giường Lý nương tử, mặt hoảng hốt nhìn mẹ mình.

Người mẹ vừa tối nay thôi còn dịu dàng nói chuyện cười đùa với mình, giờ phút này lại nhắm nghiền hai mắt, mặt hệt tờ giấy vàng, tiều tụy như phiến lá úa tàn, gió lạnh thổi cái là hóa thành bột mịn theo gió bay đi.

Thầy Hồ bước từ trong phòng ra, vẫy tay với Lý Vị: "Tạm thời sắc chén thuốc cho Lý nương tử uống rồi ngủ một giấc, sáng mai kiểm tra tiếp."

Hai người đi vào góc tối, thầy Hồ nói nhỏ: "Lý huynh, không phải anh không biết chứng khí huyết tắc nghẽn của phu nhân.

Lúc trước sinh nở lại suy nhược nhiều, đến ngày hôm nay, máu tụ trong ngũ tạng, tâm dương hư, gan phổi bị tổn hại...!Y thuật của lão hủ có hạn, sợ là vô năng vô lực." Ông ấy lắc đầu, "Nói gì mà y sư cứu người, diệu thủ hồi xuân, giờ tôi chỉ biết làm hết sức mình, còn mọi việc phải nghe theo ý trời thôi."

Sắc mặt Lý Vị nghiêm trọng, sau khi cảm ơn thầy thuốc, hắn lặng lẽ đứng trong sân một lúc, ngửa đầu thấy trời rét đen như mực, không trung mênh mang, tinh tú như đóng băng lại.

Xa xa có ánh sáng nhạt mịt mù, chỉ cảm thấy bản thân mình như bụi trần hạt cát, nhỏ bé yếu ớt.

Từ đêm đó Lý nương tử ốm không dậy nổi, đến nước cũng khó uống.

Mấy ngày liền Lý Vị mời rất nhiều thầy thuốc, Hán y Hồ y có cả, có điều người nào tới nhà thăm khám cho bệnh nhân cũng đều lắc đầu, ý kiến về cơ bản chẳng khác là bao so với thầy Hồ.

Lý nương tử uống bao nhiêu dược liệu trân quý, nhưng hao nhiều hơn bổ, đến lúc này đã không còn thuốc nào chữa khỏi.

Trường Lưu xưa nay ngoan ngoãn hiểu chuyện, từ sau khi Lý nương tử ngã bệnh, cậu nhóc không đi ra khỏi nhà nửa bước, làm tất tần tật những việc mình có thể làm, bưng trà rót nước, trông mẹ cậu uống thuốc rồi ngủ, sợ Lý nương tử xảy ra chuyện gì dù chỉ là một chút xíu.

Bệnh của mẹ cậu, tuy Lý Vị chưa bao giờ kể với cậu, nhưng từ nhỏ thấy mẹ như thế, cậu cũng tỏ tường.

Có đôi lúc Lý nương tử tỉnh lại giữa cơn mê man, thấy Trường Lưu bên cạnh trông mình, sợ hãi gọi một tiếng "mẹ", lòng dạ đau xót cùng cực.

Lục Minh Nguyệt nghe chuyện đêm tết Nguyên Tiêu của Lý nương tử, vội vàng chạy sang, vào cửa Lý gia, thấy mặt mũi người nào người nấy cũng đều khó coi.

Triệu đại nương thấy Lục Minh Nguyệt, lén đưa ống nhổ trong tay cho Lục Minh Nguyệt xem, chị nhìn máu đỏ tươi trong ống nhổ, giật mình cả kinh, thực không ngờ bệnh tình lúc này của Lý nương tử nặng như thế.

Vào nhà thấy Lý nương tử nằm giữa giường, dáng vẻ vô cùng suy yếu, chị buồn bã khôn xiết, hốc mắt ươn ướt: "Mới có mấy ngày mà sao lại ốm cỡ này rồi."

Lý nương tử vươn bàn tay run run, gượng nở nụ cười, giọng khàn khàn: "Bao nhiêu năm qua, em chưa từng thấy chị rơi giọt nước mắt nào.

Giờ...!ngay cả chị cũng khóc nữa..."

Lục Minh Nguyệt lau khóe mắt, cười khúc khích: "Chị khóc hồi nào chứ.

Chỉ là nghe bảo cô bị ốm, sốt ruột chạy qua đây, không để ý nên đụng vào khung cửa nhà cô, bị gió thổi bụi vào mắt thôi."

Chị nắm tay Lý nương tử: "Có phải do ăn Tết rồi cô làm việc nhiều quá đâm kiệt sức không.

Lần nào chị cũng khuyên mà cô đâu chịu nghe, việc trong việc ngoài nhà mình khắc có người giải quyết, cô còn đâm đầu vào lo nghĩ.

Tuy nói là làm chủ mẫu, nhưng dầu gì cũng phải cho mình thư thái một chút, cứ thích làm gì cũng phải chỉn chu, kết quả là chuốc mệt vào người chứ được ích lợi gì."

"Nào lại thế chứ chị."

Hai người nói qua nói lại một lúc, Lục Minh Nguyệt nom thần sắc của Lý nương tử đã tái hẳn, chị dặn đi dặn lại, cuối cùng bước ra khỏi phòng.

Phía ngoài, Gia Ngôn ôm cả vai Trường Lưu, hai đứa nhỏ nghiêng đầu tựa cửa đứng thẳng, chị bước tới kéo Trường Lưu vào lòng, an ủi thằng bé.

Hàng xóm láng giềng lẫn họ hàng xa gần hay tin Lý nương tử đổ bệnh thì lục tục tới thăm.

Đều là người giản dị chân chất, không tặng được mấy thứ quà đắt đỏ thuốc thang quý báu, nhưng hễ trong nhà có món gì bổ cho người bệnh, phương thuốc cổ truyền, pháp khí khai quang, xua đuổi tà ma cũng đem tặng.

Trong nhà không nuôi gà vịt, mà bấy giờ gà vịt chật chuồng, thực phẩm bổ huyết bổ khí chất đầy bàn, thậm chí còn có cả một con dê nái do dân chăn nuôi dưới quê dắt lên, Triệu đại nương dở khóc dở cười ra khuyên dắt về.

Vết thương của Xuân Thiên đã lành, ban đầu nàng định chờ qua tết Nguyên Tiêu sẽ cáo từ Lý gia, khăn gói đi đến Ngọc Môn quan tới Y Ngô.

Ai ngờ bệnh Lý nương tử đột ngột trở nặng, nàng biết ân tình của Lý gia sâu nặng khó báo, lại kính mến cách đối nhân xử thế của Lý nương tử, nghĩ sẽ ở lại san sẻ chút sức non yếu của mình trong lúc Lý nương tử ốm đau, nên đã cố ý dời hành trình lại, cực nhọc ngày đêm chăm sóc Lý nương tử.

Triệu đại nương tay chân nhanh nhẹn, chính vì thế mà làm việc hơi ẩu, Tiên Tiên và Trường Lưu đều là con nít, nếu bàn về săn sóc cẩn thận, biết đoán ý qua lời nói sắc mặt, có lẽ không ai bằng được nàng.

Hết Tết, xuân về với đất trời, gió Hà Tây vẫn lạnh thấu xương, nước đóng thành băng, ông trời lại đổ một trận tuyết lớn.

Lý nương tử vừa uống hết thuốc, nặng nề chìm vào giấc ngủ.

Xuân Thiên và Trường Lưu canh cái lò than đất đun thuốc, Trường Lưu nhìn tuyết rào rào ngoài cửa sổ, lẩm bẩm: "Khi nào cha mới về?"

Xuân Thiên dịu dàng xoa đầu cậu; "Trước khi đi chẳng phải đại gia đã nói ba bốn ngày nữa sẽ về à, cố chờ đi."

Lý Vị ra ngoài mấy ngày chưa về, cách Cam Châu một trăm chín mươi dặm về phía Đông Bắc có hồ Cư Diên, phía ngoài hồ Cư Diên có một hồ muối trắng xóa.

Giữa hồ và hồ muối mọc một loại thảo dược gọi là Bác Địa Cân, loại thảo dược này sinh trưởng dưới lòng đất, mọc rễ chứ không có lá.

Thân rễ màu trắng dài mảnh, có công dụng cầm máu hộ tâm thần kì.

Một năm nó chỉ xuất hiện vào đầu mùa xuân, khi tầng đất đông cứng của bãi muối chưa tan và lớp băng của hồ Cư Diên đã hơi tan.

Đợi đến lúc thời tiết ấm lên, băng tuyết tan chảy, khắp bãi bùn sẽ biến thành mảnh đất kiềm không một ngọn cỏ, bởi vậy loại thảo dược này cực kỳ kiếm.

Lý Vị đang tìm nó.

Đêm khuya, người đã nghỉ, Xuân Thiên thức trông Lý nương tử.

Trong phòng mùi thuốc nồng nặc, Lý nương tử luôn cảm giác được vị đắng nghét ngập đầy cổ họng và bụng mình.

Xuân Thiên ra hiệu thuốc Bắc mua vài đồng băng phiến, cùng với phèn chua, cỏ bấc đèn, hoàng bách, thanh mộc, cho vào với nhau nghiền nát thành bột, đổ nước vào trộn, nặn hình tròn, kê lên bếp lò hơ.

Mùi thơm tự nhiên, có tác dụng an thần trấn hồn, hương thơm lành lạnh của băng phiến thoảng nhẹ, làm loãng đi mùi thuốc trong phòng rõ rệt.

Nàng đang ngồi dưới đèn mài thuốc, nghe thấy con Vàng sủa, tiếng cánh cửa kẽo kẹt lẫn với tiếng ngựa của Lý Vị hí truyền vào, thốt nhiên nàng nhớ tới câu thơ: Ngoài cửa sài chó sủa, đêm người về tuyết theo.

(Hai câu thơ trong bài "Phùng tuyết túc Phù Dung sơn chủ nhân" của Lưu Trường Khanh)

Có lẽ khó có đôi vợ chồng bình thường nào được như Lý Vị và Lý nương tử, quen nhau từ thuở dại, cả đời dìu đỡ, hắn có thể cùng cô ấy trải qua những tháng ngày bình đạm, cũng có thể vì cô ấy xuôi ngược bôn ba.

Xuân Thiên rất kính trọng Lý Vị, ngoài cha của mình, trong số những người đàn ông nàng từng gặp suốt mười sáu năm qua, nếu bỏ đi thân phận địa vị, tài hoa phú quý, thái độ làm người, với gia đình với thê tử, họa chăng là đều không bằng hắn.

Dù có tìm kiếm danh y kỳ dược khắp thế gian, chung quy vẫn chẳng thắng nổi mệnh trời.

Lý nương tử lúc khỏe lúc yếu, ngày nào cũng ngủ mê man, thỉnh thoảng lấy lại ý thức, thấy trượng phu và con trai ngồi bên cạnh, một nhà ba người hiếm khi có không gian yên tĩnh bên nhau.

Nỗi vướng bận về Trường Lưu trong lòng cô ấy càng thêm nhiều, tranh thủ lúc đầu óc minh mẫn, mỗi một chuyện đều phải căn dặn ổn thỏa.

"Trời rét nhớ mặc nhiều quần áo vào, thấy nóng cũng đừng cởi ra vội, dễ nhiễm gió lạnh đấy...!Nhớ phải ăn nhiều cơm, không được biếng ăn...!Đi học phải nghe lời thầy giáo dạy, ở nhà phải noi theo cha con mà làm việc..." Lý nương tử dặn tỉ mỉ việc nhỏ việc to, người ngoài chưa kịp nghĩ thì cô ấy đã lo liệu chu toàn.

Tình hình nhà cửa mười mấy năm về sau, hễ là cảnh tượng cô ấy có thể nghĩ đến, đều đem ra dặn dò Trường Lưu thật kỹ, chỉ sợ cậu đi sai bước nhầm, lầm đường lạc lối.

Xót thương thay tấm lòng từ mẫu trong thiên hạ, người làm mẹ có ai không suy nghĩ cho con của mình, có ai không yêu con, tình yêu như lòng biển sâu thẳm cùng đại dương bao la.

Có lúc Xuân Thiên nghe Lý nương tử dặn dò Trường Lưu mà lòng buồn bã.

Nhìn vật nhớ tình, nàng cũng hay nhớ về Tiết phu nhân - mẹ mình - yếu đuối, lương thiện, đa sầu đa cảm.

Nghe Trường Lưu nước mắt lã chã khóc rấm rứt trong lòng Lý nương tử, miệng gọi mẹ mãi không thôi, nàng cũng cầm lòng chẳng đặng thấy cay cay viền mắt.

Đã rất nhiều năm nàng không gọi Tiết phu nhân một tiếng "mẹ".

Vì tránh hiềm nghi, mỗi lần gặp Tiết phu nhân, mợ sẽ đưa mấy chị em khác theo cùng, lúc nô đùa ầm ĩ, ngay cả một câu cũng chả nói được với nhau.

Chỉ có bàn tay Tiết phu nhân đưa ra vào giây phút ly biệt, bàn tay ấy sẽ nắm lấy tay nàng rồi lén lút cho nàng vài món đồ, lúc thì là chiếc thoa cài đầu xinh xắn, lúc thì là vòng như ý do chính tay bà dệt, điều đó nhắc nhở bản thân nàng rằng nàng không giống những người chị em khác, đây là mẹ ruột của nàng.

Tính ra, đã có hơn một năm nàng không gặp Tiết phu nhân, thậm chí khi rời khỏi Trường An cũng chẳng hề cáo biệt.

Mười lăm tháng hai, người người đốt pháo hoa đón sấm ngày xuân.

Ngày này cũng là hội trăm hoa, phía Nam xuân ấm, hoa đã bắt đầu trổ bông, phương Bắc trời giá buốt, sông băng ngoài thành chưa tan, cây táo tàu già trong sân vẫn chưa có dấu hiệu thức giấc.

Lý nương tử ngủ li bì mấy ngày bị tiếng pháo đánh thức, mơ mơ màng màng hỏi những người trông trước giường: "Hôm nay là bao nhiêu tháng giêng rồi?"

"Nương tử, hôm nay đã là mười lăm tháng hai rồi."

Lý nương tử gật gật đầu, ho khan vài tiếng, nói: "Phải vào miếu dâng hương cho Phật tổ, khóa trường mệnh của Trường Lưu cũng nên đổi cái mới rồi."

Trường Lưu nắm tay cô ấy, đau lòng gọi tiếng "mẹ".

Cô ấy không nghe thấy, lại nhắm mắt thiếp đi mất.

Cuối tháng hai, trời hơi ấm, cột băng dưới mái hiên nhỏ nước tong tỏng.

Nằm trên giường hơn tháng, Lý nương tử mấy ngày liền chưa uống giọt nước nào hôm đó bỗng nhiên tỉnh táo tinh thần, vật lộn trên giường để ngồi dậy.

Người cô ấy gầy trơ cả xương, sức khỏe yếu cực kỳ, nước da vàng vọt mất đi vẻ tươi tắn, héo úa đến độ khác xa một người phụ nữ ba mươi tuổi.

Chỉ có đôi mắt vẫn đong đầy dịu dàng, trẻ trung, tràn đầy sức sống.

"Nhếch nhác quá, khiến đại gia chê cười rồi." Cô ấy tự mình xuống giường, "Đại gia mang hộ cái gương qua đây cho ta với, ta muốn rửa mặt chải đầu."

Lý Vị nhìn cô ấy chăm chú, mỉm cười bảo: "Minh Nguyệt khéo tay nhất, ta gọi cô ấy sang chải đầu cho nàng."

Lý Vị nhờ Xuân Thiên mời Lục Minh Nguyệt đến, vẻ mặt hắn như thường, giọng lại đầy kìm nén và mỏi mệt: "Đi mời Lục nương tử qua đây, gặp Vân tỷ...!sợ là lần gặp cuối cùng..."

Lục Minh Nguyệt hay tin, người ngả sang một bên, may có Hách Liên Quảng đỡ lấy.

Chị biết ngày tồi tệ sớm muộn gì cũng tìm tới Lý nương tử, nhưng mỗi một ngày trôi qua, đã qua bao nhiêu năm, cứ tưởng rằng Lý nương tử sẽ gắng gượng được qua mùa xuân này, sống qua một năm này, thậm chí là hai ba năm nữa.

Lý nương tử ngồi tựa trên giường lò ôm Trường Lưu tỉ tê, tuy mắc bệnh kinh niên nhưng gương mặt cô ấy lại chuyển đỏ.

Lý nương tử thấy Lục Minh Nguyệt đi vào, cô ấy còn có thể đứng dậy đón tiếp.

Hôm đó Lý nương tử uống mấy chén trà nhỏ, ăn mấy cái bánh đường, nói chuyện với mọi người một phen, đêm xuống mới về phòng nằm.

"Trời ấm, than trong lò đốt to quá, đi dập đi." Cô ấy nói như thế, "Tôi mệt rồi, phải nghỉ thôi."

Đêm nay, lòng người sợ hãi, không ai dám đặt đầu ngủ.

Thời khắc đêm sâu nhất, Lý nương tử lâm vào cơn mê, thì thào nói sảng, không nghe rõ là cô ấy đang nói cái gì, nhịp thở chợt dài chợt ngắn, sắc mặt hồng ửng khác lạ.

Trường Lưu không biết hồi quang phản chiếu, ban sáng thấy mẹ mình khỏi bệnh rồi, mà sao tình trạng hiện giờ bỗng dưng xấu đi.

Lý Vị bưng chén thuốc qua, rót vào miệng Lý nương tử, Trường Lưu nắm chặt tay cô ấy: "Mẹ, mẹ, mẹ ơi, mẹ dậy đi..."

(Hồi quang phản chiếu: Một người bệnh nặng, hoạt động sống cơ thể suy yếu bỗng bất ngờ trở nên hồi tỉnh, minh mẫn, cười nói hoạt bát, ăn uống khỏe mạnh một cách kỳ lạ trước khi qua đời - theo Wikipedia)

Cô ấy giãy giụa hồi lâu, thình lình mở choàng mắt, trông thấy Trường Lưu, cúi đầu thở dài một hơi: "Mẹ sợ là mẹ không thể nhìn con trưởng thành rồi." Lại tìm Lý Vị, kéo tay hắn mà rơi lệ: "Vị Nhi, chàng bảo trọng..."

"Thay ta chăm sóc Trường Lưu..." Giọng cô ấy càng lúc càng yếu, dần dần tắt ngúm, bờ môi và mi mắt run run, không thốt ra được lời nào.

Lý Vị từng chứng kiến vô số sinh tử, hắn hiểu ngày này trước sau gì cũng đến, ngữ khí hết sức bình tĩnh: "Được."

Cổ Lý nương tử phát ra mấy tiếng khàn khàn mơ hồ, Triệu đại nương hoảng loạn đẩy Trường Lưu ra ngoài cửa, luôn miệng gọi Lục Minh Nguyệt.

Trường Lưu sụp vai đứng bên cạnh, người lớn trong phòng qua lại như chong chóng, bưng nước rót thuốc, tìm tấm khăn sạch sẽ để lau đi vết máu.

Trường Lưu nghe, môi run bần bật, sự mờ mịt lấp dần đầy trong đôi mắt thằng bé, tựa con chim non với đôi cánh nhỏ bé rơi xuống từ trên cây.

Xuân Thiên đứng kề vai với cậu, nắm chặt lấy bàn tay không ngừng run của cậu.

Một lúc rất lâu, có lẽ là không lâu lắm, có lẽ chỉ trong vòng nửa hay một nén nhang, tiếng khóc kéo dài của Triệu đại nương chợt vang lên trong màn đêm.

Tiếng nấc nghẹn ngào của Trường Lưu cũng bật ra khỏi cổ họng.

(còn tiếp).

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio