A Kiều Hôm Nay Đầu Thai Không?

chương 1: nghiệp kính đài

Truyện Chữ
Trước
Sau
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Làm ma chán quá thể.

Editor: Iris N

A Kiều ở thành Phong Đô rất nhiều năm, rốt cuộc đã bao nhiêu năm bản thân nàng cũng không biết nữa.

Phong Đô chính là địa điểm tạm trú của những hồn ma đã sống hết dương thọ mới chết, chờ thời khắc đầu thai vừa tới, vong hồn sẽ trình phù ghi tên cho Phong Đô Đại đế ở Ty bảy mươi lăm [], sau đó sẽ được người có trách nhiệm dẫn đi, nên đầu thai vào đâu thì đầu thai vào đó.

[] Theo quan niệm của Đạo giáo, địa phủ được chia thành ty. Trong đó, Ty bảy mươi sáu thực ra là trần gian rồi nhưng mà ở ty bảy mươi sáu được coi là vùng đất được ban cho những đại thần nổi tiếng, có công lớn trong lịch sử, ví dụ, Nhạc Phi là thần cai quản đất Lâm An. Do đó, chỉ có ty thực sự là âm ty, ở đây, Ty bảy mươi lăm là từ dùng để chỉ âm ty nói chung.

A Kiều chờ hoài chờ mãi, chờ rồi lại chờ nhưng chờ thế nào cũng không chờ nổi tới ngày đầu thai của mình, chờ tới mức mọc rêu tới nơi rồi.

Nàng ngủ một giấc là ngủ tới mấy tháng, trở mình trên giường ngọc, giơ bàn tay nhỏ trắng muốt tinh tế lên che miệng ngáp một cái, nằm nghiêng trên giường, đung đưa đôi chân trắng như ngọc, nghĩ cả buổi mà vẫn không nghĩ ra hôm nay nên làm gì bây giờ.

Thở dài một hơi, làm ma chán quá thể.

Mấy bức tượng gốm được chôn cùng làm thị nữ cho nàng ở bên nàng đã lâu nên cũng hiểu ý chủ nhân, thị nữ này bê gương, thị nữ kia chải đầu, sửa soạn cho A Kiều. Thôi thì ra khỏi cái hầm mộ bốn góc này đi dạo cho đỡ buồn vậy.

Chiếc lục lạc bằng vàng trên chân A Kiều rung lên kêu linh linh nhưng vẫn chẳng thể vực dậy nổi cái tinh thần uể oải chán chường của nàng, nàng nhíu mày: "Sở Phục đi đâu rồi?"

Tượng gốm nói cho cùng vẫn là tượng gốm, tuy là hiểu ý chủ nhân nhưng nhiều năm rồi vẫn chẳng thể nói chuyện như cũ, A Kiều hỏi cũng như không, bực tức thở hắt ra, trở mình trên giường.

Làm ma đúng là chán quá thể.

"Nương nương, con tiện nhân Vệ Tử Phu xuống dưới này rồi!"

Sở Phục từ bên ngoài lảo đảo bay vào, đưa tay lên đỡ lấy đầu bái nàng một cái. Đúng lúc A Kiều đang nhàm chán nằm nghiêng trên giường ngọc, lại bắt đầu thấy buồn ngủ, suýt nữa lại ngủ thêm một tháng nữa thì lại nghe thấy lời này, nàng bật dậy.

Đôi môi đỏ nhếch lên, mắt sáng như sao: "Thật thế à?"

Sở Phục giữ đầu không vững, kích động tới mức suýt nữa lại rơi xuống, nhanh chóng thắt chặt miếng vải gấm trên cổ thêm một chút: "Ả có hóa thành tro thì ta cũng nhận ra, nhất định sẽ không nhìn nhầm đâu."

Cuối cùng cũng có việc để làm rồi!

A Kiều tỉnh táo ngay tức khắc, mặt mày hớn hở, nghếch chân trần nhảy từ trên sập xuống: "Đi đi đi, chúng ta đi xem trò vui một cái nào."

Ở Phong Đô đã mấy năm nay, đã lâu rồi A Kiều không gặp được người quen nào, làm sao cũng không ngờ nổi người đầu tiên tới đây thế mà lại là nàng ta!

Xem trò vui của người khác làm sao vui được bằng xem trò vui của Vệ Tử Phu cơ chứ!

Trong thành nơi nào cũng có những hồn phách vẫn đang chờ đầu thai, ai mà chẳng có câu chuyện của mình, A Kiều có hứng thì sẽ chạy ra nghe một chút, không có hứng thì sẽ nằm trong hầm mộ ngủ cả tháng cho no mắt.

Đến lúc chán không chịu nổi nữa, nàng sẽ tới Nghiệp Kính Đài xem, xem những hồn phách đó bị Đầu Trâu Mặt Ngựa đẩy tới trước vách đá, cả đời thiện ác đều bị chiếu lên đó.

Không phải Lưu Triệt thích nàng ta hay sao, vậy thì A Kiều muốn xem con tiện tỳ Vệ Tử Phu này rốt cuộc đã làm những gì rồi.

Ai ngờ nàng không chỉ nhìn thấy Vệ Tử Phu mà còn thấy cả Lưu Cứ, A Kiều mừng rỡ, vỗ tay cười to. Sở Phục ở bên cạnh nàng, rướn cổ lên xem, vui mừng tới độ cái đầu đứt rời đang đặt trên cổ bật nảy lên, bật quá cao, cái đầu rơi vèo một cái xuống đất, lăn lông lốc.

A Kiều duỗi mũi chân, câu đầu của Sở Phục lên, giúp nàng ta đội lại.

Trên vách đá đen hiện lên tám chữ to "Âm luật vô tư, nghiệp kính hiện hình."

Âm ty có câu như thế này, đi tám trăm dặm Hoàng Tuyền thì dễ dàng, đứng trước đài Nghiệp Cảnh mới khổ sở, lúc còn sống ngươi có giảo hoạt, khéo che đậy thế nào thì lúc đứng trước tấm gương đá này cũng không thể tô son trát phấn cho nổi.

A Kiều cười hì hì, lấy chiếc túi thơm bên eo ra, lắc mấy cái, mấy viên hương [] rơi ra, nhai tới lúc mồm miệng tứa nước bọt, nàng ăn no ngủ kỹ, vừa hay có thể xem trò vui.

[] Theo ý hiểu của mình, A Kiều là ma nên nhai được món này, ma quỷ ăn nhang đèn ấy mà.

Những con ma vừa mới xuống tới âm phủ, ba hồn [] vẫn chưa đầy đủ, phần lớn đều ngơ ngơ ngác ngác. Lại vừa mới vượt qua Quỷ Môn Quan, Âm Dương Giới, trên đường hoàng tuyền kia ma quỷ khóc lóc rầm trời, khiến mấy hồn mà mới ong hết cả đầu, lúc này căn bản Vệ Tử Phu cũng chẳng nhận ra nàng.

[] Đạo gia quan niệm rằng con người có hồn và phách (vía), trong đó hồn là tinh thần có thể rời khỏi nhân thể, phách là tinh thần phụ thuộc thân thể, cũng cho rằng con người có ba hồn bảy vía. Sau khi chết, bảy phách tan đi, ba hồn thì có hồn về trời, một hồn đi âm phủ để chịu phán xử. Bao giờ đến lúc luân hồi, ba hồn mới có thể đoàn tụ với nhau. Thực ra có rất nhiều quan niệm khác nữa, có quan niệm cho là cái gọi là "linh hồn" chỉ là một trong ba hồn mà thôi. Trong truyện này cả ba hồn mới tạo ra linh hồn hoàn thiện, lúc mới xuống âm ty vẫn còn chưa đầy đủ, sau đó mới thu thập đủ, có ý thức.

A Kiều kéo Sở Phụ lại gần, nhìn thấy vách đá kia phát ra ánh sáng, phản chiếu khuôn mặt Vệ Tử Phu.

A Kiều "Á" lên một tiếng lùi ra đằng sau mấy bước, Sở Phục bị nàng kéo đi, đầu lệch sang một bên. A Kiều chỉ vào hình ảnh của Vệ Tử Phu hỏi: "Đây... chính là Vệ Tử Phu sao?"

Từ khi bị chém đầu, Sở Phục không còn được linh hoạt như trước, nàng ta nhìn đi nhìn lại vách đá kia mấy lần mới trả lời được một câu vâng, A Kiều ôm má nhíu mày, sao lại già nua tới mức độ này rồi.

A Kiều chặc lưỡi, Vệ Tử Phu đã không còn giống như trong ký ức của nàng nữa, lúc ấy nàng ta quỳ xuống vái A Kiều, vừa quyến rũ vừa mềm mại, như một nhành hoa mới hé nở, hiện giờ đâu còn chút dáng vẻ trẻ trung xinh đẹp nào.

Không phải Lưu Triệt thích nàng ta rũ mi mỉm cười sao, tại sao lại không cười nữa?

Lúc A Kiều mới tới Hoàng Tuyền, Nghiệp Kính Đài chỉ chiếu ra một ít hình ảnh năm nàng mười lăm mười sáu tuổi, sau đó chỉ có một mảnh đen đặc, trong gương chẳng hiện ra hình ảnh gì cả, đến cả Đầu Trâu Mặt Ngựa cũng lấy làm ngạc nhiên.

Từ đó về sau nàng vẫn cứ giữ dáng vẻ này ở lại Phong Đô chờ đầu thai, đột nhiên lại thấy Vệ Tử Phu già hơn mình mấy chục tuổi, vui mừng tới mức hai chân run lên đập vào bậc thềm bằng bạch ngọc.

"Ta biết ngay mà, chính là con tiện nhân này hại nương nương!" Sở Phục gầm lên.

A Kiều chăm chú nhìn lên, nhìn thấy trong Nghiệp Kính, Vệ Tử Phu đứng trước mặt Lưu Triệt cúi đầu nói xấu Trần thị, nửa là kể khổ, nửa là làm nũng, cuối cùng Lưu Triệt bế ngang nàng ta lên, đưa nàng ta vào màn.

Sở Phục giận phát điên, ngoác miệng định xông lên cắn xé hồn phách của Vệ Tử Phu.

Hắc Bạch Vô Thường thè lưỡi dài, đội mũ cao, biết chuyện trả thù cũng là chuyện thường, chỉ rung chiếc gậy khóc tang lên: "Có gì oan khuất thì tới chỗ Đại đế mà kiện cáo, không được làm ầm ĩ trước Nghiệp Kính Đài."

Sở Phục sợ tới mức núp đằng sau A Kiều, nàng ta thể không thể được như những con ma bình thường, không thể chịu nổi cây gậy khóc tang của Hắc Bạch Vô Thường. Núp sau A Kiều nhưng Sở Phục vẫn nhe răng dọa Vệ Tử Phu, hận không thể cắn xé máu thịt nàng ta.

Vệ Tử Phu sửng sốt, từ từ quay đầu sang, hai con mắt đờ đẫn dần trở nên tỉnh táo, giờ nàng ta mới biết được bản thân mình đã chết.

A Kiều cảm thấy thú vị, thực ra nàng chẳng thèm chấp mấy lời nói xấu của Vệ Tự Phu. Trong cung nhà Hán có người đàn bà nào mà không hận nàng cơ chứ [], bay tới vờn quanh Vệ Tử Phu, trêu chọc nàng ta: "Ngươi tới rồi đấy à? Lưu Triệt hắn khi nào thì tới?"

[] A Kiều là một trong hai người phụ nữ tôn quý nhất thời Hán, ông ngoại, cha, chồng đều là Hoàng đế, đến chồng nàng cũng là do kết hôn với nàng mới được mẹ nàng giúp đỡ để có được vị trí Thái tử. Những người đàn bà khác chỉ có thể hận nàng chứ không làm gì được nàng. Người còn lại là Trương Yên, có ông ngoại, cậu, và cũng là chồng, là Hoàng đế.

Trong Nghiệp Kính, nàng trông thấy Lưu Triệt già tới mức trông gần giống một khúc gỗ mục, chờ hắn tới đây, A Kiều nhất định phải nhảy tới trước khúc gỗ mục đó, tát cho hắn một phát trời giáng!

Đến một chút lương tâm cuối cùng mà thằng nhãi đó cũng không có, hắn không thèm chôn nàng ở phần mộ nhà họ Lưu, mà ngược lại còn hạ táng nàng qua loa như thể một thứ dân, nếu không có cậu nàng đưa xe, ngựa và nghi trượng tới đón, A Kiều đã trở thành cô hồn dã quỷ giữa vùng đất hoang vu đó rồi.

Nỗi oán hận này khó mà nguôi được, dù đã chết cũng muốn biến thành ma để dọa Lưu Triệt, nhưng vào chốn U Minh rồi thì không ra được nữa, Lưu Triệu lại có vương khí trong người, ma quỷ khó lại gần, chỉ có cách chờ hắn chết đi mới có thể báo được thù này.

Lúc này ba hồn của Vệ Tử Phu mới trở về vị trí cũ, vừa biết rằng mình đã chết đã thấy A Kiều bay đi bay lại, sợ tới mức ngã rạp xuống mặt đất, A Kiều nhấc chân nâng cằm nàng ta lên, bắt nàng ta ngẩng đầu, vô cùng hài lòng: "Trước kia ngươi cũng sợ ta như thế."

Thả lỏng chân để nàng ta lại ngã xuống đất, nàng lại nhìn sang Lưu Cứ, nhìn chẳng giống Lưu Triệt chút nào, lông này không rậm như lông mày hắn, đôi mắt cũng không sáng như đôi mắt hắn, thật không hiểu tại sao Lưu Triệt lại làm "Hoàng thái tử phú" [] cho thằng nhãi này cơ chứ.

[] Lưu Cứ sinh ra lúc Hán Vũ Đế Lưu Triệt tuổi, là đứa con trai đầu tiên mà ông ta chờ đợi đã lâu. Khi ấy Vệ Tử Phu còn chưa là Hoàng hậu, tức là Lưu Cứ là con vợ lẽ, nhưng Hán Vũ Đế vẫn làm một bài phú tên là "Hoàng thái tử phú" cho Lưu Cứ.

Nghe nói hai mẹ con nhà này tự sát, thực ra căn bản không phải là như vậy, A Kiều biết hai người bọn họ còn chết thảm hơn mình, trong lòng vô cùng vui vẻ nhưng sau khi niềm vui qua đi lại thấy đờ đẫn chán chường.

Lưu Triệt tốn bao nhiêu công sức như vậy mới kéo được nàng xuống, nhưng cũng chẳng yêu thương Vệ thị là bao, với Lưu Cứ cũng thế, lúc mới có đứa con trai này thì coi như châu báu, sau này con cái nhiều thì lại chèn ép nó đủ đường.

Nói cho cùng, gã đàn ông này chẳng có tim gan gì hết.

Đột nhiên lại chẳng thấy hứng thú gì nữa, trò vui lần này không vui như nàng nghĩ.

Trong tay vẫn cầm mấy viên hương mua được từ chỗ Mạnh Bà, vốn là vừa thơm vừa ngọt, lúc này ăn lại chẳng thấy có mùi vị gì nữa, A Kiều xoay người, định đi khỏi đó, Vệ Tử Phu mới mở miệng gọi nàng lại.

"Trần nương nương xin dừng bước," nàng ta vẫn dùng cách xưng hô như thời Trần A Kiều còn sống, biểu cảm trên mặt giống như khóc lại tựa như cười, có ngàn vạn lời muốn nói nhưng lại chẳng nói nên lời, cảnh ngộ hai người lúc này thật quá sức nực cười, nàng ta nức nở nói: "Không ngờ còn có thể gặp lại Trần nương nương."

Khi chết Vệ Tử Phu bị hỏa thiêu, hai mắt đỏ ngầu, váy áo dính đầy tro bụi, giọng nói khản đặc, tưởng là người thắng nhưng cuối cùng vẫn cứ thua.

Vậy mà A Kiều lại cảm thấy nàng ta hơi đáng thương, lúc sống thì lúc nào cũng phải nhẫn nhịn, kiềm chế, đến lúc chết lại thê thảm thế này. Nghĩ lại lúc trước nàng còn là Hoàng hậu, dù sao nàng cũng chưa từng phải chịu đựng cơn giận vô cớ của phu nhân này, mỹ nhân kia.

Lưu Triệt cũng không phải chưa từng sủng ái người đàn bà khác nhưng có ai dám tác oai tác quái trước mặt nàng? Nàng muốn ai cười thì người đó được cười, muốn ai khóc thì kẻ đó phải khóc, Vệ Tử Phu chẳng phải cũng chỉ dám nói xấu sau lưng nàng đó sao?

Cứ coi như là Hoàng hậu bốn mươi năm đi thì có cái gì thú vị đây?

A Kiều tự cho rằng từ khi thành ma nàng đã khoan dung nhẫn nại hơn nhiều, đều là ma cả, đều sẽ chịu sự quản lý của âm ty. Vệ Tử Phu và Lưu Cứ cuối cùng vẫn cứ là chết oan nên bị quỷ sai dẫn đi Uổng Tử Thành (thành chết oan), thế nào cũng phải chờ khi được minh oan, kẻ thù chết đi thì mới có thể xóa tan thù hận, đi đầu thai, nếu không thì ngày này sang ngày khác, đêm này sang đêm khác đều sẽ phải chịu giày vò.

Nàng vẫy tay: "Nói xong rồi thì ta đi đây." Nàng cùng lắm cũng chỉ là đến xem trò vui thôi, cũng chẳng đến lượt nàng tới làm khó Vệ Tử Phu, những kẻ chờ để làm khó nàng ta sau này vẫn còn nhiều lắm.

Tục ngữ nói thật đúng, có tiền có thể sai khiến cả ma quỷ, trong chốn âm ty này cũng phải có tiền mới có thể mở đường. Mấy năm cuối cùng, A Kiều ở Trường Môn Cung, mẹ nàng đã chết, anh em nàng chỉ biết tranh giành tài sản, nàng mất đi sự che chở của Trần gia, may mà bên người còn có chút vàng bạc nên mới có thể ứng phó, nàng rất hiểu đạo lý này.

Mặt Vệ Tử Phu trắng bệch, hai mắt đỏ ngầu, nàng ta há miệng định nói với A Kiều điều gì nhưng rốt cuộc cũng chẳng nói được câu nào, nàng ta bái biệt A Kiều lần nữa, lại quay sang chào hỏi Hắc Bạch Vô Thường, rút cây trâm vàng trên đầu xuống: "Tới đây mà không có gì trên người, mong đại nhân châm trước cho."

Vệ Tử Phu tự biết mình đã chết, trong nháy mắt quyền thế phú quý chỉ còn là mây bay, nàng ta xuất thân ti tiện, chỉ hiểu rõ sự đời hơn A Kiều mà thôi. Nàng chết không tử tế, không có của cải chôn cùng nên không có gì để đem ra hối lộ, chỉ còn một chiếc trâm vàng cái trên tóc.

A Kiều còn chưa đi xa, liếc nhìn nàng ta, bĩu môi, lanh lợi như thế, thảo nào Lưu Triệt thích nàng ta. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nàng ta lanh lợi thì sao chứ, cuối cùng cũng vẫn phải Uổng Tử Thành, hai người đều chết không vinh quang gì, chó cũng không thể chê mèo lắm lông.

Nàng bĩu môi nhìn Vệ Tử Phu một lượt từ đầu đến chân, thấy trên người nàng ta chẳng còn thứ gì khác, lại nhếch môi cười, đây mới là cửa thứ nhất thôi, sau đó còn phải qua sông Nại Hà.

Thuyền không đáy cũng không dễ ngồi, người chèo thuyền, tiểu quỷ, phán quan, quản lại, có ai là không xòe tay đòi tiền, đúng là cũng có lúc nàng ta gặp xui xẻo, coi như là cái giá mà cái lưỡi không xương của nàng ta phải trả đi.

Sở Phục hẵng còn bất bình, mặt mày oán hận: "Nương nương sao không đi tới chỗ Phong Đô đại đế kiện ả tội vu oan hãm hại cơ chứ!"

A Kiều đưa tay đập đánh bốp lên cái đầu không mấy thông minh của Sở Phụ: "Nghiệp Kính Đài không cần soi ra ta cũng biết chuyện của chúng ta chẳng phải do nàng ta làm, nàng ta cùng lắm chỉ quạt thêm ít gió, người đốt lửa không phải nàng ta."

Cứ coi như nàng đi tố cáo đi, Vệ Tử Phu có khi còn chẳng được coi là tòng phạm, cùng lắm là thấy nàng ở thế yếu, đạp thêm cho nàng một nhát mà thôi.

A Kiều ngẩng đầu nhìn lên vầng trăng đỏ rực đang lẫn vào trong làn sương mù, nhiều năm như thế rồi, nàng vẫn chưa biết kẻ thù đến cùng là ai, làm ma đúng là thật sự chán quá thể.

Tác giả có lời muốn nói: Không phải ngôn tình cổ đại, không phải khoái xuyên.

Bắt đầu rồi!

Rải hoa chúc mừng, bắt đầu bằng bao lì xì

Mười giờ tối có chương

Moah moah

Editor: Tác giả truyện này toàn nói nhảm, nên là sau chương này mình sẽ cắt phần lời tác giả nhé! Truyện này edit cực khó, không phải nội dung khó mà là bản convert cực kỳ khó đọc. Hy vọng là sang phần hiện đại nó dễ hơn. Lúc đọc không thấy gì, lúc edit cảm thấy cái quái gì đây! Vì thế mình edit sẽ chậm thôi, chỉ có thể hứa là vẫn sẽ cố gắng chú thích chi tiết cho mọi người dễ hiểu.

Về Trần A Kiều, edit đến đâu mình chú thích đến đấy nhé, tại sợ quên cái này cái kia. Đại loại Trần A Kiều là vừa là chị họ vừa là Hoàng hậu của Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Ban đầu Lưu Triệt không phải là ứng cử viên sáng giá gì cho ngôi vị Thái tử nhưng nhờ đồng ý kết hôn với A Kiều mới được mẹ nàng là Công chúa Quán Đào Lưu Phiêu nâng đỡ. Công chúa Quán Đào là chị ruột của Hán Cảnh Đế, lời nói rất có trọng lượng nên có thể nói nếu không có Công chúa Quán Đào và A Kiều, Lưu Triệt không thể lên ngôi Hoàng đế. Sau này A Kiều bị phế, bị nhốt ở Trường Môn Cung, nhưng phải đến khi Công chúa Quán Đào chết nàng mới chết, lịch sử không đề cập đến nguyên nhân cái chết của A Kiều, có lẽ do bị bệnh mà chết. Lý do A Kiều bị phế là gì chương sau mình sẽ chú thích. Sở Phục cũng bị giết vì việc này.

Điển cố "Kim ốc tàng kiều" (Nhà vàng giữ người đẹp) được ghi lại trong "Hán Võ cố sự" như sau.

Hán Cảnh Hoàng đế Vương Hoàng hậu, khi còn ở Thái tử cung, được sủng hạnh, có thai. Một tối, Đế nằm mơ thấy Cao Tổ nói rằng:「"Vương phu nhân nếu sinh là con trai, đặt tên là Trệ"」. Quả nhiên sinh ra con trai, lấy đó làm tên, đó chính là Vũ Đế. Năm ấy là năm Ất Dậu, ngày tháng , (Vũ Đế) được sinh ra tại Y Lan điện. Năm tuổi, lập làm Giao Đông vương.

Một lần, Trưởng công chúa Phiêu ôm vào lòng rồi hỏi:「"Con có muốn lấy vợ không?"」. Giao Đông vương nói:「"Có"」. Trưởng chúa chỉ vào đám đông hơn trăm người đứng cạnh gợi ý tiếp:「"Muốn người nào?"」. Giao Đông vương đều nguầy nguậy lắc đầu, tỏ ý không ưng. Trưởng chúa lại chỉ tay về phía con gái mình, rồi hỏi:「"Ta gả A Kiều làm vợ cho con được chăng?"」. Giao Đông vương nhoẻn cười đáp:「"Được ạ! Nếu lấy được A Kiều làm vợ, con sẽ cho đúc nhà vàng để cho nàng ở"」.

Trưởng chúa rất vui, bèn nói với Thượng (tức Hán Cảnh Đế), do đó hôn sự ban thành. Khi đó Hoàng hậu không con, lập con trai của Lịch Cơ làm Thái tử. Hoàng hậu đã bị phế, Lịch Cơ vị thứ, đáng nên lập, nhưng Trưởng chúa can thiệp, Lịch Cơ không vui, có buôn lời trách mắng để bụng. Thượng giao muốn phó các con trai chư vị Cơ thiếp giao Lịch Cơ, nói:「"Sau khi ta mất thì hãy chăm chúng nó"」, Lịch Cơ giận không đáp ứng, còn mắng Thượng như "Lão cẩu", Thượng để tâm. Trưởng chúa to nhỏ với Thượng, lại thấy con trai của Vương phu nhân có dung mạo đẹp, mà Vương phu nhân hiệp cùng Trưởng chúa, mật sai đại thần khuyên lập Lịch Cơ làm Hoàng hậu, Thượng cho rằng Lịch Cơ ở sau giật dây, phát nộ giết đại thần, rồi phế Thái tử làm Vương. Lịch Cơ tự sát, lập Vương phu nhân làm Hoàng hậu. Giao Đông vương làm Thái tử, khi đó tuổi. Trong chiếu viết:「"Trệ, cũng là Triệt"」. Do đó cải tên thành Triệt. (Nguồn: Wikipedia, copy cả đoạn nguyên dấu má)

Cái tên A Kiều cũng chỉ được ghi lại trong "Hán Võ cố sự", không có trong chính sử.

Trong lịch sử, Vệ Tử Phu và Lưu Cứ đều tự sát, trong truyện này thì không phải như thế, hai người họ bị người khác hại chết nên mới vào Uổng Tử Thành. A Kiều sống hết dương thọ, được chết một cách tự nhiên nên ở lại Phong Đô.

Truyện Chữ
Trước
Sau
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio