- Sư phụ.
Hồ Sơn nói ngay cho thầy an dạ:
− Thương tích của Thảo muội không nặng lắm đâu, chỉ nằm tịnh dưỡng độ đôi ngày là bình phục. Sư phụ đừng lo lắng quá.
Lâm Bình đặt tay lên vai chàng nói đớn đau:
− Hồ Sơn, Giang nhi đã chết rồi.
− Vâng!
Hồ Sơn gục đầu vào lòng sư phụ như muốn bù đắp sự trống vắng của thầy bằng chính bản thân mình, mượn nước mắt rửa trôi bao nhớ thương u uất.
− Chỉ tại ta mà thôi!
Lâm Bình lẩm bẩm tự trách mình:
− Trời ơi, chỉ tại ta mà Giang nhi chết thảm.
− Sư phụ ...
Hồ Sơn lay người thầy sợ hãi:
− Sư phụ, người nói gì mà con không hiểu.
Lâm Bình cười chua chát:
− Làm sao mà con hiểu được khi chuyện đó xảy ra cách đây đã hơn hai mươi năm rồi.
Rồi lão lại âm thầm lẩm bẩm:
− Sư huynh, anh vẫn chưa quên chuyện cũ hay sao? Tại sao huynh không đến tìm đệ mà hại học trò của đệ chết thê thảm thế kia? Trời ơi ...
Lâm Bình đột nhiên hét lớn nghẹn ngào:
− Nếu không có pho bí kíp kia thì Giang Lâm đâu đến nỗi nào phải chết.
− Sư phụ.
Hồ Sơn hốt hoảng ôm chặt sư phụ:
− Xin thầy đừng làm con sợ. Pho bí kíp gì mà Giang Lâm phải chết?
Lâm Bình cất tiếng cười sằng sặc:
− Pho "Cương, nhu, hóa thần công" võ lâm chi bảo. Hỡi ơi! Chỉ vì một pho sách vô tri mà làm cho con người mất cả lương tri. Tại sao ta lại trao cho Giang Lâm khi nó chưa đủ tài để gìn giữ chứ?
Rồi lão cất tiếng như để oán than rên rĩ:
− Rồi đây giang hồ sẽ dậy sóng, pho bí kíp sau hơn hai mươi năm nằm yên, lại bắt đầu gây tác hại, nó sẽ giúp cho kẻ xấu mau chóng thực hiện độc bá giang hồ.
− "Cương, nhu, hóa thần công"!
Hồ Sơn kêu lên kinh ngạc:
− Pho bí kíp tuyệt luân trong thiên hạ. Sư phụ đã trao lại cho Giang đệ ư?
Lâm Bình gật đầu:
− Hồ Sơn, ta đã từng đặt tất cả niềm hy vọng vào con với Giang Lâm. Mong có một ngày nối chí ta, hai con sẽ làm Thái Bình gái ngày càng vững mạnh. Nhưng ...
Ông thở dài buồn bã:
− Niềm mơ ước đó chẳng thành ... Giang Lâm giữa đường bỏ mạng, ta chỉ còn có một mình con làm cột trụ, đừng để ta phải thất vọng con nhé!
− Vâng!
Hồ Sơn cảm động quỳ xuống chân Lâm Bình:
− Con xin hứa không bao giờ phụ lòng tin cậy của sư môn.
− Tốt lắm.
Môi Lâm Bình nở nụ cười mãn nguyện, đỡ chàng đứng dậy:
− Hồ Sơn, ta tặng cho con quyển “Thiên nhu đại pháp” một trong ba quyển "Cương, nhu, hóa thần công", quyển thứ nhất ta đã tặng cho Giang Lâm và nó chẳng giữ được như lòng ta trông cậy, quyển thứ hai ta tặng cho con, còn quyển thứ ba thì chưa biết nó đang thất lạc ở nơi nào.
Hồ Sơn run rẩy đón lấy pho bí kíp:
− Vạn tạ ơn sư phụ, con chỉ sợ mình tài hèn đức mọn không xứng đáng ...
Lâm Bình cắt ngang:
− Đừng nói vậy con. Tương truyền pho bí kíp này biến ảo khôn lường, sức mạnh vô biên nhưng suốt hai mươi năm trời tập luyện ta vẫn không thể nào hiểu hết sự tinh vi của ảo pháp. Không biết vì ta kém tài kém đức, hay vì thiếu mất quyển ba mà không hiểu nổi sự huyền diệu của nó chăng? Con hãy thay ta mà tìm hiểu.
Hồ Sơn cất sách vào người nói trầm ngâm:
− Sư phụ, đệ tử nguyện ghi lòng và hứa sẽ tìm về quyển thứ hai trả cho môn phái.
Lâm Bình lắc đầu:
− Không được, con chưa phải là đối thủ của Độc cô sầu Trần Lãnh, lão đó chỉ có ta, nhưng ...
Ông buông tay thở dài bất lực:
− Nhưng tiếc thay, trước mặt người đó ta chẳng nỡ xuống tay sát thủ.
Đột nhiên, Lâm Bình nghiêm sắc mặt:
− Hồ Sơn, ta thương yêu con như con ruột. Ta tin con như tin chính bản thân mình, vậy mà đối với ta con chẳng thật tình.
Hồ Sơn sợ hãi:
− Kìa, sao sư phụ lại nói như vậy, có bao giờ con dối sư phụ điều gì đâu?
Lâm Bình khẽ gắt:
− Hừ! Không giấu! Vậy mà chưa bao giờ con co ta biết về thân thế của con.
Hồ Sơn sụp quỳ xuống dưới chân thầy:
− Con không dám dối thầy, nhưng thân thế của con là một điều không thể nào nói được. Xin sư phụ cứ nghĩ rằng con là một đứa bé sinh ra để chịu nhiều bất hạnh, từ lúc mở mắt chào đời đến lúc thành nhân chưa có bao giờ được nếm một tý gì để gọi là hạnh phúc. Nếu thương con, con van sư phụ đừng nhắc đến hai chữ thân thế của con làm gì, mà lương tâm con càng thêm tủi hổ.
Lâm Bình đỡ chàng dậy, lòng tràn đầy xúc cảm:
− Đừng khóc nữa con. Ta hứa sẽ không bao giờ nhắc đến chuyện ấy nữa.
− Tạ ơn sư phụ.
Lâm Bình thở dài:
− Con ra ngoài lo cơm nước cho anh em, ta ở lại với Thảo Sương một lát.
Hồ Sơn cúi đầu bước đi chầm chậm. Lâm Bình nhẹ bước đến gần con, nắm lấy tay con, tiếng lòng bật khóc:
− Tội nghiệp Thảo Sương, từ nay trên bước đường trần mình con lẻ bóng.
Bóng tối len nhanh vào thạch động. Lòng người cha già lại bâng khuâng lạc lõng, bỗng chốc hình ảnh một nàng con gái có đôi mắt buồn vời vợi chen vào giữa tim nhìn người như trách móc:
− Phu lang, sao chàng lại nỡ mạnh tay với con như vậy? Chàng không còn yêu thiếp nữa hay sao?
Tâm hồn lão như trẻ lại để phát ra lời tình tứ:
− Linh muội, hãy tha thứ cho anh, chỉ vì anh quá nóng mà thôi. Chứ lẽ sống đời anh bây giờ chỉ có Thảo Sương, nó là em, là những gì về em và anh còn gìn giữ được.
Anh vẫn yêu em như thuở ban đầu gặp gỡ.
Đôi mắt nàng mọng ước dỗi hờn.
Lâm Bình lại kêu lên tha thiết:
− Sao em lại giận anh? Sao em nỡ bỏ mình anh cô độc suốt gần hai mươi năm dài buồn bã? Em ở đâu? Gia Linh, em ở nơi nào?
Bóng nàng chập chờn mờ ảo:
− Em ở bên anh, em yêu anh, yêu anh mãi mãi Lâm Bình ơi ...
− Miêu Gia Linh.
Lâm Bình chợt bật lên lời rồi choàng tỉnh. Xung quanh người bóng đêm giăng dày dặc, hình bóng người thương chỉ còn là tiếng gió rì rào. Trong tay ông là bàn tay nhỏ của Thảo Sương, giọt máu của nàng và ông trong một mối tình nên thơ đầy nước mắt.
Nàng còn sống hay không? Ông áp bàn tay con gái vào tim nghe sầu giăng mờ mắt.
Một bóng đen khẽ đáp xuống huê viên, nhẹ như một chiếc lá vàng rơi thật êm ái không gây một tiếng động nào. Sau khi đưa mắt nhìn quanh như để chắc chắn rằng không có kẻ rình mò, bóng đen mở ống tay áo. Một bóng chim nhỏ cùng màu với bóng đêm bay vút lên cao, tan nhanh vào tiếng gió đêm xào xạc.
Không quá hai phút sau, một bóng trắng khác từ cửa lầu cao buông mình rơi nhanh xuống đất. Rồi như một con chim nhạn trắng, người ấy bay từ tàng cây này sang tàng cây khác, thủ pháp thật cao minh, không gây nên một tiếng động. Đến nổi bóng đen phải thốt lên lời thán phục:
− Công phu tuyệt diệu.
“Xẹt” một cái, bóng trắng đã ở ngay trước mặt bóng đen khẽ mỉm cười:
− Các hạ quá khen, đó chẳng qua là một trò tiểu xảo.
Bóng đen trong chiếc khăn bịt mặt vẫn phát ra giọng nói thật thanh tao:
− Các hạ chớ có khiêm nhường, mấy tháng cách xa, tại hạ nghe nhớ bạn vô cùng.
Bóng trắng vòng tay cảm kích:
− Đa tạ các hạ đã có lòng nghĩ đến, nhưng sao các hạ lại giấu nơi cư ngụ với tại hạ làm gì? Tại hạ muốn đến thăm bạn một lần cho thỏa tình tri ngộ.
Bóng đen lắc đầu:
− Không phải tại hạ muốn giấu bạn, nhưng vì một bí mật chưa thể nói ra. Là khách giang hồ, ắt hẳn các hạ đã hiểu. Tại hạ có một món quà tặng bạn đây.
Bóng đen bỏ vào tay bóng trắng một vật, bóng trắng cầm lấy kêu lên ngạc nhiên lẫn vui mừng:
− Lạc thính âm ư?
Bóng đen cất tràng cười sảng khoái:
− Quả là người lịch lãm giang hồ, chỉ cần xem qua cũng biết là báu vật của võ lâm, mừng cho vật quý gặp được tay tiên.
Bóng trắng cảm động:
− Đa tạ thâm tình của các hạ, ơn nghĩa này biết bao giờ tại hạ mới trả được đây.
Bóng đen đập tay lên vai bóng trắng thân mật:
− Sao lai nói câu ơn nghĩa? Tại hạ chỉ cần các hạ xem mình là bạn là đủ lắm rồi.
− Dĩ nhiên!
Bóng trắng nắm tay bóng đen nói vui:
− Đã hai năm rồi, dù chưa biết mặt nhau, nhưng tại hạ đã nguyện với lòng xem người là bạn.
− Hay lắm, thôi ta đi đây.
Bóng đen vừa quay lưng thì bóng trắng vội kéo lại:
− Khoan đã, xin bạn hãy cho tôi biết có phải bạn đang bị ai truy đuổi phải không?
Nếu gặp nguy hiểm xin hãy cho tại hạ được cùng chia sẻ.
Bóng đen dừng lại, mắt sáng long lanh sau lớp khăn bịt mặt:
− Hiện tại thì tại hạ chưa gặp điều gì nguy hiểm, nhưng lúc nào gặp khốn thì các hạ đừng bỏ mặc một mình tại hạ nhé.
Bóng trắng nói không cần suy nghĩ:
− Đó là bổn phận của tại hạ rồi, nhưng ...
Bóng trắng ngập ngừng rồi kêu lên mừng rỡ:
− Đúng rồi!
Vừa nói chàng vừa vận công điểm mạnh vào cườm tay của bóng đen, người ấy giật tay kêu lên thảng thốt:
− Kìa, các hạ, người vừa làm gì vậy?
Bóng trắng cười vui:
− Vì chưa biết mặt các hạ, nên tại hạ định để lại một dấu tích hầu sau này nhận diện ra nhau.
Bóng đen đưa cườm tay mình lên xem xét. Dưới ánh sáng mập mờ của ánh trăng xuyên qua kẽ lá, trên cườm tay hắn xuất hiện một dấu đỏ tươi giống như ánh trăng bị khuyết. Hắn kêu lên thảng thốt:
− Âm Dương nhật nguyệt. Một trong năm pho võ công oaid anh trong thiên hạ.
Thật là hân hạnh vô cùng. Xin giã biệt.
Bóng trắng chưa kịp gật đầu thì bóng đen biến mất nhanh như một vì sao xẹt, chỉ thấy cành là lay động, bóng trắng lắc đầu kinh hãi:
− Tuyệt kỹ khinh thân.
Rồi bóng trắng cũng nhẹ nhàng trở về nơi xuất phát.
Rời khỏi tư dinh của bóng trắng, bóng đen lướt nhanh trên tấm thảm cỏ như một mũi tên bay. Chẳng mấy chốc đã xuất hiện ở bãi đất trống trên đỉnh núi Thái Bình, nơi mà mỗi buổi sáng các môn sinh Thái Bình phái miệt mài luyện tập võ công.
Vừa đặt chân xuống bãi đất trống, bóng đen bỗng lộn ngược về phía sau, chiếc quạt trong tay hắn chỉa thẳng vào một lùm cây, chỉ nghe một tiếng “hự” khẽ vang lên rồi có tiếng tử thi gục ngã. Bóng đen cười khẩy:
− Đáng kiếp tên rình mò ngu xuẩn.
Nhưng hắn chưa kịp bước đi thì trước mặt bỗng hiện lên mười đệ tử Thái Bình giáo, lăm lăm kiếm nhọn trên tay hét lớn:
− Tên gian tế, dám giết chết đồng môn của ta.
Nói xong họ vung kiếm tấn công bóng đen tới tấp, nhưng hắn chỉ đứng yên như thể xem trước mắt mình là đám cây cỏ vô tư. Chiếc quạt trên tay hắn xòe ra được nửa chừng, nhưng không hiểu vì sao hắn lại cụp trở vào, thân thể hắn bay bổng trên cao, tà áo mỏng xoay tròn theo thân pháp của chủ nhân phất nhẹ vào mặt đám đệ tử cao thủ của giáo phái Thái Bình.
Thật không ngờ, chỉ một cái phất nhẹ như vậy đã khóa chặt huyệt đạo đám đệ tử của Lâm Bình, đứng ngây người ra như phổng đá chờ được người hóa kiếp.
Nhanh như chớp bàn tay đỏ của bóng đen tung ra mười chiêu thức liên hoàn, thảm thương cho đám học trò của Lâm Bình, vừa mới mấy phút trước đây còn là những con người biết đi đứng nói cùng, giờ chỉ còn lại những xác chết không hồn.
− “Thiết sa thần chưởng” đúng là danh bất hư truyền.
Trong bóng tối giọng ai đó vang lên, bóng đen giật mình quay lại hét lớn:
− Ai?
- Tham kiến người có quyền năng tuyệt đối.
Ánh trăng bàng bạc soi rõ bóng người vừa bước ra khom mình thi lễ đó là Châu Đạt, đệ tử thứ tư của Thái Bình giáo. Bóng đen cất giọng lạnh lùng:
− Có điều gì cần khẩn báo.
Châu Đạt đưa mắt nhìn quanh hạ giọng:
− Tại hạ vừa phát hiện sư phụ Lâm Bình vừa trao tặng pho bí kíp thứ hai cho đệ tử thứ nhất tên gọi Hồ Sơn.
− “Thần nhu đại pháp”?
− Phải!
Châu Đạt xác nhận.
Bóng đen móc từ trong túi ra ba hoàn thuốc màu đen trầm giọng:
− Tốt lắm, ta thưởng công cho ngươi đây, hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ta giao phó. Rồi sẽ có một ngày ta đặt ngươi vào chiếc ghế chưởng môn nhân Thái Bình phái.
Châu Đạt tưởng chừng có thể ngất đi vì mừng rỡ sau câu nói này, hắn cảm ơn rối rít. Bóng đen bỗng nói nhanh:
− Thôi. Có tiếng chân người đến, ta đi đây, liên lạc theo ám hiệu cũ nhé.
Bóng đen lại lao đi, Châu Đạt lủi nhanh vào bụi rậm, trước khi Lâm Bình và Hồ Sơn buông mình rơi xuống giữa đám tử thi. Hồ Sơn lẩm bẩm:
− Lạ thật, vừa mới có tiếng người đây!
− Trời, sư phụ!
Chàng hét lớn rụng rời, buông rơi chiếc đèn khi nhìn thấy thi hài bạn đồng môn nằm la liệt giữa võ đường.
Lâm Bình cũng hốt hoảng mặt không còn một giọt máu, ông hét lớn:
− Kẻ nào dám đột nhập võ đường Thái Bình giáo?
Tiếng hét lớn của ông đã làm kinh động cả núi rừng. Tất cả các đệ tử choàng tỉnh chạy ngay đến nơi vừa xảy ra án mạng, và tất cả đèn được thắp sáng để mọi người nhìn rõ vết tử thương nơi ngực của mỗi nạn nhân.
Tiếng Châu Đạt hét:
− "Thiết sa thần chưởng" của Bảo tiêu cục Phong Vân.
− Bảo tiêu cục Phong Vân!
Lâm Bình khoát tay:
− Đem chúng về tổng đàng cho ta.
Đám đệ tử vâng lời, cúi xốc đem mười tử thi đồng môn của mình bước theo chân sư phụ không nói một lời nào. Riêng Hồ Sơn dừng lại lẩm bẩm:
− Bảo tiêu cục Phong Vân với Thái Bình giáo từ xưa đến nay không có oán thù.
Chuyện này ắt hẳn có nhiều bí ẩn.
Sáng nay trời lặng gió. Mặt nước im lìm như một tấm gương trong. Bên cành tơ liễu buông mành, cạnh đóa hồng nhung đỏ thắm, một cô gái đẹp như tranh tố nữ đứng trước giá vẽ mơ màng, mắt xa xăm như hồ thu không gợn sóng.
Tất cả như một bức tranh không cử động, chẳng âm thanh xa vắng, lặng im và chẳng có linh hồn, nhưng có ai biết được rằng bức tranh này vừa mới được vẽ lên mấy hôm nay. Kể từ lúc cùng chàng trai trẻ giữa đường hạnh ngộ, nàng con gái đa tình từng vẽ nên bao cảnh thơ mộng, lại bỗng biến thành tranh vẽ tương tư.
Bao nhiêu nguồn thi hứng bỗng chốc trở thành vô nghĩa, để kết động thành hai chữ nhớ thương nhưng thẫn thờ, trông đợi một bóng hình xa vắng.
Ôi! Trái tim nàng trinh nữ đập lên thổn thúc, khi nhớ lại những cử chỉ dịu dàng, duyên dáng, hào hoa. Toàn khuôn mặt chàng như gợi lên chữ yêu thương.
Ánh mắt đắm đuối, mơ màng của chàng đã thu hút biết bao con tim người con gái?
Đỗ Ngọc, sao chàng lại đáng yêu như vậy?
Tiểu Yến thở dài thầm mơ ước, sẽ có một ngày chàng thấu hiểu tình nàng. Và cả hai sẽ là cặp tài tử giai nhân đẹp xinh trong thiên hạ, phiêu lưu khắp mọi miền danh lam thắng cảnh. Những vần thơ của nàng được chàng tạo thêm nguồn cảm hứng bằng chính quả tim yêu sẽ trở nên lưu danh vạn cổ.Rồi đêm về bên trong thư phòng ấm cúng, nàng sẽ khẩy lên tiếng đàn lòng đầy ắp hương yêu để chàng được thảnh thơi bên áng văn luận đời kim cổ. Hoặc cũng có những khi bên bàn cờ nhỏ, chàng cùng nàng đối ẩm giao tranh, dù có thua nàng cũng chẳng giận hờn và sà vào lòng ai đó mà mỉm cười rạng rỡ!
− Tiểu Yến cô nương!
Ôi nụ cười của nàng đầy ắp hương yêu và hạnh phúc.
Mãi mộng mơ suy tưởng, tâm trí nở bật thành nụ cười duyên dáng trên môi. Nghe tiếng gọi Tiểu Yến mới bàng hoàng sực tỉnh. Chợt nàng giật nẩy người, chạm tay vào giá vẽ, lọ màu lăn nhanh xuống hồ nước, làm lũ cá vàng nãy giờ nép mình vào nhau tình tự giật mình, hốt hoảng vẫy đuôi làm nước văng tung toé.
Bức tranh thần tiên biến mất, tim nàng đập loạn xạ trong lòng ngực, làm nhành liễu phải lung lay phát ra những làn gió nhẹ nhàng. Người mới đến cúi nhặt giùm nàng chiếc cọ:
− Làm cắt nguồn thi hứng của cô nương, Đỗ Ngọc này quả là đáng tội.
Hai tiếng Đỗ Ngọc được cất lên thành tiếng quá rõ ràng, Tiểu Yến mới đưa tay chặn ngực và hiểu rằng đây là sự thật chớ không phải trong mơ, nàng ấp úng:
− Đỗ công tử, người mới đến.
Chàng hất dãi lụa trên tóc ra phía sau, chiếc quạt trắng khẽ cụp lại, miệng nở nụ cười tựa như Phan An tái thế:
− Tại hạ đến đã lâu rồi nhưng không dám mạo muội cắt nguồn thi hứng của cô nương, nên đã tạm nép mình sau nhành liễu trộm ngắm tay tiên. Không ngờ nụ cười của cô nương đẹp quá, làm Đỗ Ngọc này phải ngất ngây lỡ buột thành lời, khiến cô nương giật mình bay mất nguồn thi hứng, lòng Đỗ Ngọc tôi lấy làm áy náy vô cùng.
Đôi má Tiểu Yến đỏ bừng cứ ngỡ chàng đọc được hết những tâm sự của mình, nên tay chân nàng bỗng dưng thừa thải, nàng bối rối không biết phải nói gì cả.
− Ôi chao! Nước hồ bỗng hóa màu xanh lạ chưa.
Tiểu Yến nói lảng để tránh nỗi xúc cảm trào dâng của mình.
Đỗ Ngọc như vô tình bước đến gần nàng nhìn xuống mặt hồ rồi kêu lên sợ hãi:
− Thôi chết rồi, cũng tại Đỗ Ngọc tôi làm cô nương đánh rơi lọ màu xuống nước, làm hoen ố cảnh thần tiên. Cô nương bỏ lỗi cho tôi nhé.
Vừa nói, chàng vừa nhìn thẳng vào mắt nàng như để chờ mong sự thứ tha rộng lượng.
Tiểu Yến như bị sốt run dưới ánh mắt của chàng. Nàng cụp mắt nhìn xuống dòng nước bị nhuộm xanh một cách kỳ lạ mà nói chẳng ra lời, nàng muốn nói rằng nàng không có ý định trách hờn chàng làm vẩn đục hồ nước, mà chẳng biết phải diễn tả thế nào cho đúng cả.
− Cô nương giận Đỗ Ngọc này đến thế sao? Thôi, Đỗ Ngọc xin phép giã từ và sẽ đền ...
− Khoan.
Tiểu Yến chỉ nói được bấy nhiêu đó rồi lại nghẹn lời.
− À!
Chàng cười vui vẻ.
Tiểu Yến thèm nhìn nụ cười đó biết bao nhiêu, nhưng nàng chẳng còn đủ can đảm nói ra những gì muốn nói.
Đỗ Ngọc dịu ngọt:
− Cô nương đừng buồn nữa để tại hạ đền ngay đây.
Nói xong, Đỗ Ngọc ngồi xuống ngay giá vẽ của nàng. Tiểu Yến vội lui về phía sau lưng chàng lặng yên, kinh ngạc. Thoát khỏi tia mắt kềm tỏa của chàng, nàng cảm thấy mình bớt bối rối, hơi thở trở lại nhẹ nhàng hơn, tay chân trở lại bình thường.
Nhưng Đỗ Ngọc lại tặng cho nàng một bất ngờ khác. Dưới nét bút của chàng, hình ảnh nàng lại hiện lên, lặng yên bất động bên khóm hoa hồng, dưới rặng liễu xanh, hồ cá trong xanh và nụ cười rạng rỡ.
− Ôi!
Nàng không kìm được tiếng kêu thán phục.
Đỗ Ngọc quay sang nhìn nàng âu yếm:
− Kẻ phàm phu tục tử xin được chuộc lỗi lầm của mình bằng một bức tranh chẳng có hồn, cô nương không từ chối chứ?
Tiểu Yến chớp mắt:
− Công tử quả là một họa sĩ tài hoa.
Đỗ Ngọc đậy nắp bút vẽ:
− Cô nương chớ quá lời khen, Đỗ Ngọc này không phải là họa sĩ mà múa bút chỉ là một thú vui nhỏ dùng để giải sầu, dám đâu sánh với ...
− Ồ!
Tiểu Yến cắt ngang:
− Tiện nữ quên mất người là ...
− Ồ, không Đỗ Ngọc xua tay:
− Đỗ Ngọc tôi không muốn ai nhắc đến địa vị của mình. Mà Tiểu Yến này ...
Tiểu Yến chợt nghe một luồng hơi lạnh chạy khắp cơ thể nghe lời chàng gọi tên mình một cách âu yếm.
− Nhờ nàng đề hộ vần thơ vào bức họa này nhé.
Tiểu Yến lúng túng:
− Tiện nữ nào dám múa rìu qua mắt thợ. Đã có công vẽ nên bức họa thì công tử tiếc gì mà chẳng nhả ngọc phun châu?
Đỗ Ngọc mỉm cười vén áo:
− Xin vâng lời cô nương chỉ bảo.
Thoắt một cái bàn tay chàng như múa trên vuông vải trắng, những nét chữ đen tuyền hiện ra đẹp như rồng bay phượng múa:
Hồ lặng vương buồn lộng bóng mây!
Chiếc ngô đồng rụng, lá thu bay ...
Dáng tiên ủ dột sầu chi đó?
Ai đã làm cho liễu úa gầy?
Chàng dừng tay nhìn nàng chờ đợi:
− Xin cô nương vui lòng cho tại hạ được nghe lời vàng ngọc.
Tiểu Yến đón cây bút từ tay chàng nhỏ nhẹ:
− Tiện nữ dám đâu phê bình quân tử, chỉ xin mượn lại ý người họa tiếp vần thơ.
− Ồ! Xin mời tay tiên thả chữ đi cho.
Nàng khẽ vén tà áo dài màu hồng phấn, run run thả lên nền vải trắng những dòng chữ nho mảnh mai tựa như cành liễu rũ bên mành:
Trận gió vô tình gợn bóng mây Trời thu man mác, lá thu bay Hoa hờn thua thắm, hoa buồn nở Chờ đợi tri âm liễu úa gầy ...
Chưa kịp buông viết, nàng đã phải giật mình vì lời khen tặng của Đỗ Ngọc:
− Ồ! Một áng thơ tứ tuyệt thật hay! Cô nương đã làm Đỗ Ngọc phải thẹn thùng.
Đôi má nàng ửng đỏ vì được chàng khen tặng:
− Công tử quá khen.
Một áng mây xanh nhẹ lướt trên dám hoa hồng rồi dừng lại đột ngột rơi nhanh trên thảm cỏ hóa thành tiếng nói của Doanh Doanh:
− Tiểu Yến. A! Có mặt Đỗ huynh ở đây nữa à?
Doanh Doanh kêu lên ngạc nhiên bước đến gần hai người:
− Đỗ huynh đến tự bao giờ sao không lên hoa lầu cùng Sĩ huynh?
Đỗ Ngọc lúng túng, chàng bước qua một bước như cố che đậy không cho Doanh Doanh nhìn thấy bức vẽ của mình, nhưng chàng không sao che được tia nhìn sắc bén của nàng. Doanh Doanh làm ra vẻ thản nhiên rồi lùi lại ngỡ ngàng:
− Ồ! Thì ra hai người đang cùng nhau thi họa đề thơ à! Thật sơ ý làm cắt đứt nguồn thi hứng ...
Tiểu Yến nãy giờ mặt đỏ như gấc chín, mãi cúi nhìn mặt nước hồ trong như người làm chuyện chẳng quang minh chánh đại, giờ mới cất lời vội vã:
− Doanh tỷ! Không phải đâu! Đỗ công tử chỉ mới vừa đến thôi. Chị tìm em có chuyện gì không?
Doanh Doanh khẽ nở nụ cười:
− À, ngồi mãi trên thư phòng chị buồn quá, muốn rũ em đi dạo một vòng, nhưng nếu em đang bận thì chị xin lui gót ngay đây.
Đỗ Ngọc tiến lên một bước:
− Doanh muội, em hãy đưa Tiểu Yến đi dạo, huynh lên lầu với Sĩ huynh đây.
Đỗ Ngọc gật đầu chào hai nàng rồi rảo bước đi nhanh. Tiểu Yến nhìn theo như tiếc rẻ, Doanh Doanh kéo nhẹ tay nàng:
− Tiểu Yến, chúng ta đi thôi.
Vừa đặt chân lên lầu, Đỗ Ngọc đã nghe tiếng Sĩ Khải cười vang rộn rã hòa lẫn tiếng nhạc tiên réo rắt, chàng đẩy mạnh cửa bước vào. Thật bất ngờ, Đỗ Ngọc sững người lại khi nhận ra tiếng nhạc vui tai mà mình vừa được nghe kia lại phát ra từ chiếc hộp nhỏ trên tay Sĩ Khải:
− Đỗ công tử, vào đây vào đây, tại hạ có vật này để khoe với công tử đây.
Ngẩng đầu thấy Đỗ Ngọc, Sĩ Khải gọi vang mừng rỡ.
Đỗ Ngọc ngồi vào chiếc ghế bọc lông hổ, gương mặt đợi chờ, một tiếng kêu ngạc nhiên phát ra khi chàng thấy viên xúc xắc màu xanh ngọc tỏa ra một làn ánh sáng dịu dàng nằm trong tay Sĩ Khải.
− Ồ, lạc thính âm, Sĩ huynh vừa mua lại của ai vậy?
Sĩ Khải cười vui nói khoe khoang:
− Đệ không mua mà nó là quà tặng của một người bạn thân đó.
Tách trà trên tay Đỗ Ngọc dừng lại nửa chừng:
− Quà tặng à? Quả là một chuyện khó tin. Người bạn nào mà tốt bụng thế này?
Sĩ Khải lắc đầu:
− Đệ cũng không biết, người ấy chỉ là một bóng đen có võ công thâm hậu trên đời.
Đỗ Ngọc lạ lùng:
− Ồ! Chuyện nghe thật ly kỳ, nhưng huynh và người ấy quen biết nhau như thế nào?
Sĩ Khải cúi nhìn làn nước trà trong xanh như hồi tưởng lại chuyện xa xưa:
− Cách đây ba năm, người bịt mặt đó đã cứu đệ thoát một cái chết bất ngờ, rồi đem lòng cảm mến nhau, đệ và người ấy kết tình bằng hữu, hứa sẽ chẳng bỏ nhau trong khó khăn hoạn nạn. Nhưng suốt từ ngày ấy đến nay đệ chỉ toàn thọ ân người bạn ấy mà thôi. Tất cả những bảo vật mà đệ có đều do người bạn đó tặng cho.
Đỗ Ngọc trầm ngâm một lát rồi cất giọng buồn buồn:
− Có được một tình bạn như vậy thật là đáng quý, đệ thèm có một tình bạn như vậy biết bao? À, suýt nữa thì quên mất.
Đỗ Ngọc chợt nhớ, lấy từ trong tay áo ra một chiếc chén ngọc trạm trổ tinh vi nói:
− Đệ vừa mua được “Ngọc thanh tiên” đây, huynh nhìn xem có đẹp không?
Sĩ Khải cầm chiếc chén ngọc lên tay, xoay tròn ngắm nghía rồi xuýt xoa khen ngợi:
− Ồ! Vết trạm trổ mới tinh xảo làm sao? Chén này mà ăn cơm thì ...
Đỗ Ngọc cắt ngang:
− Kìa Sĩ huynh! Ngọc thanh tiên không phải dùng để ăn đâu?
− Thế nó dùng để làm gì?
Đỗ Ngọc mỉm cười:
− Cho đệ mượn viên Lạc thính âm của huynh một lát.
Rồi chàng bỏ viên xúc sắc vào chén ngọc, úp một chiếc dĩa nhỏ lên khẽ lắc, tiếng nhạc Lạc thính âm bỗng trên nên réo rắt, trầm bổng đến lạ lùng, đưa tâm hồn con người vào những cảm xúc thần tiên bay bổng.
− Ồ!
Sĩ Khải kêu lên kinh ngạc.
Đỗ Ngọc trao chén ngọc cho chàng cười vui:
− Có Lạc thính âm thì không thể thiếu Ngọc thanh thiên, đệ xin nhường chén tiên lại cho huynh đó.
− Bao nhiêu?
Sĩ Khải hỏi nhanh dồn dập như thể sợ Đỗ Ngọc đổi ý:
− Một trăm lạng vàng hay luôn vạn lạng đệ cũng sẵn sàng trả ngay không thắc mắc.
Đỗ Ngọc lắc đầu:
− Nếu bảo vật thì không thể bán bằng tiền, hơn nữa đệ chẳng túng thiếu lắm đâu?
Sĩ Khải lo sợ:
− Thế công tử định đổi bằng gì?
− Bằng tình!
Đỗ Ngọc đặt một bàn tay lên vai Sĩ Khải:
− Chỉ cần một cuộc vui ở Mộng Ngọc Thanh Lân và tình bạn của Sĩ huynh là đủ cho đệ vui rồi.
Sĩ Khải ôm chầm lấy Đỗ Ngọc kêu lên mừng rỡ:
− Ồ tri kỷ, trên đời mấy ai tìm được bạn tri âm. Chẳng những một cuộc vui mà một vạn cuộc vui Sĩ Khải này cũng sẵn lòng chiều bạn cơ mà.
Đỗ Ngọc vòng tay:
− Đa tạ Sĩ huynh. Chúng ta đi thôi.
− Mời công tử.
Sĩ Khải cất vội hai bảo vật vào chiếc tủ đầy ắp những bảo vật của mình, cùng Đỗ Ngọc bước xuống lầu.
Nỗi vui sướng đã làm đôi bạn chưa uống đã say, chân khập khiểng, bá chặt vai nhau, cười đùa vui vẻ.
Nắng vừa lên khỏi ngọn cây.
Hồ Sơn vạch tấm mành the rón rén bước vào, trên tay chàng chén thuốc vừa mới được cất xong lên hơi nghi ngút.
Nhìn sư phụ nằm yên bất động trên giường, chàng không cầm nổi giọt nước mắt.
Từ lúc nghe tin Giang Lâm bỏ mình ở Tuyệt hồn nhai, Lâm Bình bỗng như mất đi toàn sinh khí, tuổi già đè nặng trên vai rồi lâm trọng bệnh.
Hồ Sơn nhẹ nhàng đặt chén thuốc lên bàn bước lại gần sư phụ đưa tay bắt mạch.
Mạch đạo người chẳng điều hòa, hơi thở trì chậm, chứng tỏ người đang mang tâm bệnh trầm trọng.
Hồ Sơn lay người Lâm Bình, gọi khẽ:
− Sư phụ, đã đến giờ dùng thuốc.
Lâm Bình trở giấc, quay người mệt mỏi:
− Hồ Sơn, canh mấy rồi con?
Hồ Sơn vừa đi đến bàn đem chén thuốc lại cho thầy, cung kính nói:
− Thưa sư phụ, bây giờ là giờ tý không phải ban đêm.
Lâm Bình ngồi bật dậy:
− Ồ! Ta đã ngủ nhiều đến thế kia à? Các môn đồ đang đợi ta, con hãy giúp sư phụ mặc y phục ...
Hồ Sơn trao chén thuốc cho thầy:
− Sư phụ, con đã thay thầy luyện võ công xong và đã cho các đệ tử nghỉ ngơi. Thầy mệt, hãy uống thuốc và nằm tịnh dưỡng vài hôm.
Ánh mắt Lâm Bình ánh lên vẻ hài lòng, lão uống cạn chén thuốc thở dài:
− Hồ Sơn, ta hài lòng về con. Nhưng ta không thể nào nằm yên tịnh dưỡng.
Lâm Bình đứng dậy định bước đi, nhưng lại té quỵ xuống giường, hai tay ôm ngực ho mấy tiếng. Hồ Sơn thất sắc vội đỡ lấy Lâm Bình:
− Sư phụ, thầy còn yếu lắm, nên nằm tịnh dưỡng đi.
Lâm Bình mệt nhọc:
− Hồ Sơn, Thảo nhi đâu? Mấy hôm nay sao ta không thấy. Thương tích của nó như thế nào rồi?
Chàng cúi đầu buồn bã:
− Thưa sư phụ, Thảo Sương đã bình phục nhưng suốt mấy ngày nay muội không cho con gặp mặt, chẳng chịu ăn uống và đóng chặt cửa thư phòng khóc mãi.
Lâm Bình than thở:
− Nó đang giận nhưng cũng thật đáng thương. Hồ Sơn, con hãy cầm lấy vật này và nếu một mai có chuyện gì xảy đến cho ta, con hãy nghĩ tình mà thương cho nó.
Hồ Sơn hốt hoảng sụp quỳ xuống chân thầyL - Sư phụ, xin đừng làm con sợ.
Lâm Bình vuốt tóc chàng thương mến như một đứa con, khẽ đặt vào tay chàng chuôi kiếm nhỏ bằng vàng, thì thào:
− Uy quyền của Thái Bình giáo nằm trong chuôi kiếm nhỏ này đây. Trong các môn đồ của ta, chỉ có con là người duy nhất xứng đáng với chức vị chưởng môn nhân Thái Bình giáo phái. Chỉ tiếc một điều là conq uá ư đa cảm, thương người, thiếu mất cái bản tính cương quyết mà vị chưởng môn nhân nào cũng cần phải có.
Lâm Bình cười khẩy:
− Hừ! Giang Lâm thì có thừa bản tính thứ hai nhưng lại chẳng có được lòng vị tha cao thượng như con. Bấy lâu nay ta vẫn đắn đo, nay Giang Lâm giữa đường bỏ mạng.
Âu đó cũng bởi do lòng trời đã định.
Hồ Sơn xúc động nước mắt tuôn rơi:
− Sư phụ! Thầy đã nhận và cưu mang từ lúc con chưa biết gì, đến nay con trở thành một trong số hàng đại đệ tử của thầy, ơn nghĩa đó con chưa đền đáp được thì con dám đâu ...
Lâm Bình cắt ngang:
− Đền ơn ta con phải nhận lấy sứ mệnh thiêng liêng này và đừng phụ lại lòng tin cậy của ta.
Hồ Sơn không biết phải nói sao, chàng bối rối xoay chuôi kiếm trên tay:
− Sư phụ, nhưng ...
− Ta hiểu, con sợ Thảo Sương hiểu lầm rồi oán hận chứ gì? Con an tâm, ta cũng đã trao cho nó và Châu Đạt mỗi người một chuôi kiếm như thế này.
Hồ Sơn ngơ ngác:
− Sư phụ, đệ tử không hiểu?
Lâm Bình nói tiếp thản nhiên:
− Và lưỡi kiếm thì tra đã trao cho Giang Lâm cùng pho bí kíp đầu tiên. Hồ Sơn, nhiệm vụ của con là phải tìm cho được lưỡi kiếm kia để có đủ uy quyền.
Ngừng một chút, người nói tiếp:
− Và chỉ có con mới xứng đáng là chưởng môn nhân của giáo phái Thanh Bình.
− Thế còn Thảo Sương và Châu Đạt?
Lâm Bình vuốt râu cười vui:
− Đó chỉ là đòn hỏa mù của ta thôi. Sự thật ổ sư để lại gươm vàng chỉ có một lưỡi và một chuôi thôi. Còn hai chuôi kiếm kia dùng để gắn hai lưỡi kiếm bạc này, đây vật này ta để dành cho hai người phó môn nhân.
Lâm Bình lại lấy ra hai lưỡi kiếm nhỏ bằng bạc trao cho chàng và nói tiếp:
− Con hãy giữ lấy và ban tặng cho chúng khi nào con cảm thấy chúng đủ sức đủ tài.
Thầy còn tiết lộ cùng con một bí mật. Sau khi lấp chuôi đúng vào kiếm vàng thì ba đứa con mỗi đứa nếu có đủ ý chí và sức mạnh s nhận được một món quà đặc biệt mà sư tổ để lại cho các con với một di chúc lạ lùng:
“Tặng cho vị chưởng môn nhân đời thứ tám và hai phó môn nhân của người.” Hồ Sơn ngạc nhiên:
− Tại sao sư phụ không ...
Lâm Bình mỉm cười cắt ngang:
− Có lẽ món quà của sư tổ để lại rất đặc biệt và chỉ để dành tặng cho hậu duệ thứ tám của mình. Nên trước ta có nhiều người đã thử đi tìm quà tặng nhưng tất cả đều thất bại. Cây gươm vàng của con là chìa khóa mở cửa, nếu con bỏ qua cơ hội, món quà của sư tổ sẽ thuộc về trời đất, tặng kẻ có cơ duyên. Này Hồ Sơn ...
Lâm Bình đột nhiên trở giọng nghiêm nghị:
− Con phải giữ kín chuyện này kẻo giáo phái xảy ra lắm điều không tốt.
Hồ Sơn cất tất cả vào tay áo cúi đầu cung kính:
− Đệ tử xin vâng lời dậy! Bây giờ sư phụ nằm yên để con vận công điều trị.
Lâm Bình toan lắc đầu từ chối, chợt dừng lời vì Châu Đạt chạy vào kêu lên hốt hoảng:
− Sư phụ, Thảo muội đã rời khỏi Thái Bình giáo phái, nàng có viết thư gởi lại cho sư phụ.
Hồ Sơn hốt hoảng chụp nhanh bức thư của Thảo Sương đọc lớn cho sư phụ cùng nghe:
Kính gởi phụ thân!
Nghịch nhi không thể ở lại nhìn Thái Bình giáo phái dẫn bước vào con đường suy thoái, vì bên cạnh cha lúc này là con rắn độc Hồ Sơn, kẻ kém tài thiếu đức, hắn dùng lời ngon ngọt để mê hoặc phụ thân.
Một Giang Lâm đã chết, con không muốn một ngày nào đó, tấm thân này nằm trong tay hắn, nên quyết lên đường dông ruổi tìm đến Tuyệt hồn nhai. Một là được cùng Giang huynh nhìn nhau lần cuối. Hai là tìm lưỡi kiếm vàng mà cha đã trao lại cho Giang huynh để trở về giết tên nghịch đồ, biến Thái Bình giáo thành một giáo phái như lòng cha hằng mong tưởng.
Nghịch nhi mong được cha thứ tha cho lời bộc trực, ở lại bản giáo, cha gìn giữ sức khỏe cho được an khang, chờ con trẻ về vui câu đoàn viên tương hợp.
Bất hiếu nhi kính bút.
Thảo Sương - Trời!
Lâm Bình hét lên uất ức:
− Nghịch nhi thật là đáng chết.
Hồ Sơn chưa kịp đỡ lấy Lâm Bình, ngụm máu tươi từ miệng lão bắn ra ướt đẫm cả ngực áo của chàng.
− Sư phụ xin hãy bình tâm.
Lâm Bình mở mắt, ngoẹo đầu vào vai chàng yếu ớt:
− Hồ Sơn, con hãy tha lỗi cho ta, ta sanh con mà chẳng biết dạy con.
Hồ Sơn hốt hoảng sụp quỳ:
− Sư phụ xin đừng để con đắc tội.
Lâm Bình ngước lên nhìn Châu Đạt:
− Châu Đạt, con hãy ra bảo các môn đệ của mình, chiều nay thầy mệt không đến võ đường được nên hãy tự ôn luyện với nhau.
− Vâng!
Châu Đạt bước đi vội vã.
Lâm Bình nắm tay Hồ Sơn nói nhanh:
− Thảo Sương thật ngông cuồng. Rồi đây như Giang Lâm, nó sẽ phải trả một giá rất đắc. Thầy mong con vì thầy mà tha thứ cho tội của Thảo Sương.
Hồ Sơn cảm động nắm tay sư phụ:
− Sư phụ, con đã nguyện xem Thảo Sương như là em ruột thì chẳng có lý do gì để giận hờn nàng được.
Lâm Bình nở nụ cười mãn nguyện:
− Thầy cảm ơn con. Hồ Sơn, con hãy kịp lên đường, tìm đến Tuyệt hồn nhai. Một là bắt Thảo Sương về đây lập tức. Hai là mau tìm lấy lưỡi kiếm vàng để củng cố quyền vị tân chưởng môn nhân.
Hồ Sơn lắc đầu:
− Con không dám cãi lời sư phụ nhưng con không thể ra đi vào lúc này vì thầy đang bệnh hoạn, mà bên cạnh lại không có Thảo Sương.
Lâm Bình nghiêm giọng:
− Đừng cãi lời ta, ở đây ta còn có Châu Đạt và bao nhiêu là đồ đệ. Họ chẳng bỏ mặc ta trong cơn bệnh hoạn đâu mà con lo sợ.
Hồ Sơn nghẹn ngào:
− Con biết, nhưng con chỉ an tâm khi chính tự tay con dâng thuốc cho thầy.
Cứng rắng đến mấy Lâm Bình cũng không thể không đánh rơi giọt nước mắt:
− Thầy sẽ vì con mà bảo trọng sức khỏe. Hãy đi đi, con đừng yếu mềm như nhi nữ mà làm vỡ tan việc lớn.
Không thể cãi lời thây, Hồ Sơn đành phải từ giã:
− Vâng! Con xin nghe lời thầy dạy. Mong thầy cố tịnh dưỡng, con đi đây.
Hồ Sơn vào thu xếp hành trang, tất cả chỉ có vỏn vẹn một chiếc túi con con, tiễn chân chàng xuống đến bậc thềm, Lâm Bình còn căn dặn:
− Đi đường nên cẩn trọng và cố gắng luyện cho thành pho bí kíp thứ hai nhé.
Lâm Bình chưa kịp quay lưng thì lại được tin có khách, mà hai vị khách đặc biệt đó không ai khác hơn là chị em Doanh Doanh, người đã báo tin dữ hôm nào.
Thấy Doanh Doanh, bao nỗi u buồn trong lòng Lâm Bình đều tan biến, ông cất tiếng vui vẻ:
− Ôi! Ngọn gió lành nào đưa nhị vị cô nương đến đây thật là đúng lúc.
Đang thẩn thờ dưới một cội tùng già, nghe động, hai nàng vội quay lại sụp mình thi lễ:
− Tham kiến lão tiền bối.
Lâm Bình đưa tay:
− Mời nhị vị cô nương vào khách sảnh đàm đạo.
Tiểu Yến vội xua tay:
− Không cần tiền bối phải bận tâm đâu ạ, bọn cháu thuộc hàng con cháu tiền bối, bất tất phải nhọc lòng trà nước. Hơn nữa cháu thích cảnh thiên nhiên, xin tiền bối cho phép được ở ngoài này nói chuyện thích hơn.
Lâm Bình cảm thấy mến ngay cô bé lý lắc này, lão dịu giọng:
− Còn vị công tử đẹp trai hôm nào sao không ghé thăm lão già này?
Doanh Doanh đỡ lời hộ cho Tiểu Yến, bởi nàng còn đang bối rối:
− Thưa tiền bối, Đỗ huynh bận việc, bọn cháu đi không có rủ người cùng theo.
Lâm Bình quay sang Doanh Doanh chợt nhớ:
− À, cô nương đây có cái bay mình thật đẹp. Hôm ấy lão phu này cứ nhớ mãi.
Doanh Doanh cả thẹn đỏ mặt:
− Tiền bối quá khen, hôm đó vì bất ngờ nên cháu nhảy mình tự nhiên mà thành, chứ cháu có biết gì về võ công đâu?
Lâm Bình tỏ vẻ không tin:
− Cô nương đừng giấu lão, cử chỉ hôm rồi không phải của kẻ chẳng biết võ công đâu? Hơn nữa thủ pháp "Miêu gia linh pháp" rất tinh vi và khó luyện. Do đó không thể nói là tình cờ mà làm được.
Doanh Doanh ngạc nhiên:
− Ồ, tiền bối cũng biết sư phụ của cháu nữa sao?
Lâm Bình hỏi dập dồn:
− Cháu nói sao? Miêu Gia Linh là sư phụ của cháu à? Nàng ở đâu? Có mạnh khỏe không?
Doanh Doanh nhỏ nhẹ:
− Sư phụ cháu không phải là Miêu Gia Linh mà là Tuyết Hoa Nương, còn môn phái của người mới là Miêu Gia Linh phái.
− Tuyết Hoa Nương ư?
Lâm Bình thở ra thất vọng:
− Có lẽ nàng đã chết rồi? Nhưng trên đời này còn ai ngoài nàng ra có thể luyện thành Miêu Gia Linh pháp? Ôi ...
Lâm Bình vỗ trán:
− Ta lẩn thẩn thật, ai cấm nàng nhận đệ tử chứ, có lẽ Tuyết Hoa Nương là bạn của nàng cũng nên.
Doanh Doanh không hiểu:
− Tiền bối nói gì? Cháu chẳng hiểu gì cả? Sư phụ của cháu là bạn của nàng nào?
Nàng đó là gì của tiền bối?
Lâm Bình ngó xa vời:
− Miêu Gia Linh, nếu Tuyết Hoa Nương không phải là nàng thì nàng chính là tổ sư của cháu, người sáng lập ra môn phái Miêu Gia Linh và cũng là người luyện thành độc chiêu “Miêu sát thủ” đến mức thượng thừa.
Doanh Doanh tròn mắt:
− Theo lời tiền bối thì năm nay tổ sư của cháu hẳn là đã già ghê lắm phải?
− Không, năm nay nàng bốn mươi lăm tuổi, trời ơi làm sao ta quên được đôi mắt của nàng. Đôi mắt buồn đẫm đầy nước mắt. Dung nhan nàng xinh đẹp biết bao nhiêu.
− Đúng rồi!
Doanh Doanh hét lên mừng rỡ:
− Sư phụ cháu trông hãy còn trẻ và đẹp lắm, nhưng không hiểu sao tóc của người phải nhuộm một màu sương tuyết.
Lâm Bình vụt nắm lấy tay Doanh Doanh hỏi nhanh:
− Sư phụ cháu ở đâu? Ta muốn gặp nàng?
Doanh Doanh buồn bã cúi đầu kể lại cho Lâm Bình nghe tất cả chuyện buồn của cuộc đời mình, đến cả mối thù mẹ cha chưa làm sao trả được. Kể xong nàng rưng rưng kết luận:
− Từ sau đêm biến cố đó cháu không còn biết tông tích của sư phụ cháu ở đâu nữa.
Lâm Bình thở dài:
− Tội cho cháu phải sớm lao thân vào gió bụi. Nào cháu hãy đưa tay cho ta xem công lực của cháu tiến triển đến đâu rồi.
Doanh Doanh đưa tay cho Lâm Bình, ông nắm rồi khẽ bảo nàng:
− Cháu hãy vận công cho ta xem thử.
Doanh Doanh chẳng dám chối từ, vận công lên.
Xem xong, ông lắc đầu chán nản:
− Nội lực của cháu hãy còn quá yếu, hầu như chưa có gì cả. Doanh Doanh, đây là lời thành thật của ta, từ nay cháu hãy đến đây ta sẽ thay sư phụ cháu tiếp tục chỉ dẫn cho cháu để hoàn thành giai đoạn thứ hai.
Tim Doanh Doanh nhảy nhanh trong lòng ngực:
− Nhưng cháu không phải là đệ tử của Thái Bình giáo.
Lâm Bình lắc đầu:
− Cháu đừng nói vậy, với ta môn phái nào cũng là bạn cả, đừng ích kỷ độc chiếm đồ đệ làm của riêng mình. Ta không cần cháu phải bái sư nhập phái, vì đệ tử của nàng cũng là đệ tử của ta thôi.
Doanh Doanh vội sụp đầu bái lạy:
− Đa tạ sư bá. Nếu không có gì bí mật con muốn được biết mối quan hệ giữa sư bá và sư phụ của con.
Lâm Bình cười buồn bã:
− Hai mươi năm về trước nàng là vợ của ta và là mẹ của Thảo Sương. Còn bây giờ thì ta không biết dùng từ gì để gọi nàng cho đúng. Người yêu? Không phải, vợ? Không phải, bạn? Không đúng. Thù thì sai, muốn gọi là cố nhân thì chẳng được nào.
Tiểu Yến nãy giờ lặng yên nghe chuyện, giờ mới xen vào để hỏi:
− Nhưng tại sao tiền bối và “nàng” lại phải xa nhau?
Doanh Doanh hốt hoảng vì câu hỏi chẳng đúng lúc của cô em ngốc nghếch, e rằng sẽ làm phật ý bậc cao nhân, nhưng Lâm Bình chẳng để dạ, lão cười buồn bã:
− Vì sao ta cũng không biết nữa, cũng như các cháu, ta đang cần gặp nàng để hỏi rõ nguyên nhân. Vì sao nàng bỏ mặc con thơ mà ra đi biền biệt?
Doanh Doanh chớp mắt đỡ lời cho sư phụ:
− Có lẽ vì một lý do bí ẩn, chứ một người dịu dàng như sư phụ con thì không bao giờ đành tâm bỏ con thơ. Những ngày dạy con luyện võ công, con đã nhìn thấy trong ánh mắt của người hiện ra một tình thương mẫu tử.
Lâm Bình gật đầu xác nhận:
− Phải, trên đời này ta chưa bao giờ gặp người con gái nào dịu dàng hơn nàng cả.
À mà thôi, Doanh Doanh ...
Ông chợt chuyển hướng:
− Con hãy đến với ta, ta sẽ giúp con toại nguyện.
− Vâng, con xin ghi nhớ và cảm tạ ơn sư bá. Bây giờ con xin được phép cáo từ.
Bước chân hai nàng con gái đã rời xa từ lâu lắm, nhưng Lâm Bình vẫn ngồi mãi trên hòn đá lạnh, không hiểu sao ông lại nghĩ rằng Doanh Doanh thật giống Gia Linh hai mươi năm về trước.