Anh Hùng Bắc Cương

chương 36: dã tràng se cát bể đông, -nhọc mình mà chẳng nên công cán gì -(ca dao)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Dã tràng se cát bể Đông, -Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì -(Ca dao) ------ -

Nàng nghĩ một lúc rồi tiếp:

- Vũ kinh chép rõ: Sau khi đào kho tàng đi rồi, quanh núi có nhiều cửa hang mở ra. Ai chui vào phải chết. Cửa này mở, ắt kho tàng đào đi rồi. Không biết có phải mình đào không?

- Mình đào đi cả gần tháng rồi. Ngay từ hôm cháu tìm ra chỗ cất, cùng mật ngữ chỉ rõ đường lối.

Mỹ-Linh nghe chú thuật, nàng rùng mình:

- Mình báo cho chú biết hôm mười chín tháng trước. Chắc hôm đó, chú cho đào ngay. Không biết giờ kho tàng đó ở đâu?

Thình lình có tiếng cục cục trong hang vọng ra bốn lần. Mỹ-Linh đưa mắt cho Thiệu-Thái.

Bình-Nam vương hỏi vọng vào:

- Triệu Anh, cái gì vậy?

- Có tiếng chuyển động ở trong hang.

Lại có tiếng lộc cộc lớn hơn, rồi đất chuyển, tiếng ầm ầm vang lên, đá trên đỉnh núi rơi xuống phát ra những tiếng như sấm.

Một tảng đá lớn rơi ngay xuống chỗ Bình-Nam vương. Thiệu-Thái di chuyển người tới nắm lấy vương, rồi tung thân lên như con cá nhảy khỏi mặt nước. Viên đá lăn dưới chân chàng. Chàng đạp chân vào viên đá lấy sức nhảy lên lần nữa. Chàng vừa chạm đất, lại bốn viên đá cùng lăn trên cao ầm ầm đổ xuống. Không kịp suy nghĩ, chàng ôm lấy Bình-Nam vương lăn liền năm vòng. Mấy viên đá trườn ngay dưới bàn chân chàng.

Thiệu-Thái nhắc Bình-Nam vương đứng dậy thở, thì ầm, ầm, ầm, ba viên đá nữa rơi xuống ngay trên đầu. Chàng ôm Bình-Nam vương, tung người đáp trên trạc cây gần đó. Nhấp nhô mấy cái, chàng đã lên tới chỗ đỉnh núi bằng phẳng. Chàng đặt Bình-Nam vương xuống.

Hú vía, Bình-Nam vương nghĩ thầm:

- Khi cái chết gần kề, ai cũng lo thoát thân. Duy thiếu niên này cứu ta. Ơn này không nhỏ.

Vương nắm tay Thiệu-Thái:

- Đa tạ giáo chủ cứu mạng.

Xung quanh chàng, Khai-Quốc vương, Vương-phi, Mỹ-Linh đều vô sự. Lát sau Minh-Thiên, Phạm Trọng-Yêm, Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính, Địch Thanh đều tề tựu. Thiếu Triệu Anh, Quách Quỳ.

Người người nhìn nhau kinh hoàng. Không ai còn hơi sức nói câu nào. Mọi người ngồi xuống đá nghỉ ngơi.

Không hổ người cầm vận mệnh toàn quân Đại-Tống, qua cơn nguy hiểm, Bình-Nam vương lấy lại được bình tĩnh. Vương ra lệnh:

- Phạm sư đệ. Người kiểm điểm lại xem, tử vong bao nhiêu?

Phạm Trọng-Yêm tung mình xuống núi. Lát sau y lên. Tay kẹp Triệu Anh, Quách Quỳ. Y đặt Quách Quỳ, ngồi xựa mình vào phiến đá, người y đầy máu. Còn Triệu Anh nằm thẳng cẳng.

Lê Thiếu-Mai bắt mạch Quách Quỳ. Nàng mở bọc trên lưng băng bó vết thương cho y, rồi nói:

- Chỉ bị ngoại thương. Cần tĩnh dưỡng mươi ngày sẽ khỏi.

Nàng bắt mạch Triệu Anh, lắc đầu:

- Triệu lang-trung qua đời rồi. Đá đè bẹp lồng ngực, xương sọ vỡ ra thì còn sống sao được?

Minh-Thiên đọc kinh vãng sinh cho Triệu Anh. Mọi người đọc theo. Không khí thực căng thẳng, nặng nề.

Phạm Trọng-Yêm thở dài, nói với Bình-Nam vương:

- Chỉ có mười hai binh sĩ chết. Bị thương hơn trăm. Xin vương gia ban chỉ dụ.

- Chúng ta về Khúc-giang. Cho binh sĩ triệt hạ ngay. Mai trả về chỗ đóng quân cũ.

Khai-Quốc vương nói với Bình-Nam vương:

- Vợ chồng đệ hiện ở trên con thuyền bên sông. Ngày mai sẽ xin vào đinh tuyên vũ sứ để cùng đại ca đi Biện-kinh.

Mọi người về tới bờ sông Khúc-giang, trời sang giờ Dần. Thiệu-Thái, Mỹ-Linh không về thuyền mình, mà về thuyền Khai-Quốc vương. Vương dùng Lăng-không truyền ngữ dặn hai cháu:

- Trên thuyền ta có rất nhiều người mới qui phục. Có thể họ biết nói tiếng Việt. Chúng ta chỉ nên bàn truyện võ công, không nói gì đến kho tàng. Lỡ cần phải nói, cũng nói những gì như Bình-Nam vương biết.

Qua cơn nguy hiểm mệt mỏi. Mọi người đặt mình xuống là ngủ ngay.

Thanh-Mai giật mình tỉnh giấc vì tiếng chim hót đang bay lượn trên sông. Nàng cột tóc, rồi thân vào bếp điều khiển đầu bếp làm món điểm tâm. Hôm nay ngày rằm, Khai-Quốc vương, Mỹ-Linh ăn chay. Vì vậy nàng với Thiệu-Thái phải ăn chay theo. Vương thích ăn món xôi ngô trắng, Thanh-Mai dặn nhà đò ngâm ngô, gạo từ chập tối. Xôi vừa chín, đã thấy Mỹ-Linh ló đầu vào bếp:

- Thím hai cho bọn cháu ăn gì đấy?

- Xôi ngô trắng.

- À món này vú Hậu làm giỏi lắm.

Đến đó, có lời chào hỏi vọng vào bằng tiếng Việt:

- Chúng tôi xin được tiếp kiến Khai-Quốc vương.

- Xin qúy khách cho biết cao danh quý tính.

- Cứ trình với Vương rằng: Kẻ quê mùa ở Cửu-chân là được rồi.

- Tôi không dám trình đâu.

Có tiếng Khai-Quốc vương nói:

- Cao nhân tới thăm, kẻ thô lậu này xin kính thỉnh dời gót ngọc xuống thuyền đàm đạo.

Thanh-Mai, Mỹ-Linh vội vào khoang thay y phục, rồi rủ Thiệu-Thái cùng ra xem Vương tiếp khách. Vương chỉ hai người khách nói với Thanh-Mai:

- Vương phi! Hai vị đây vốn người Cửu-chân, lưu lạc sang vùng này từ mấy đời. Hai vị tiền bối thấy chúng ta ghé Khúc-giang, nên đến tương kiến. Đúng như Thiên-địa kinh nói Người Việt càng lưu lạc phương xa, lòng quê càng nồng thắm. Người Hoa khen người Việt bằng câu:

Hồ mã tê Bắc-phong,

Việt điểu sào Nam chi.

Nghĩa là: Con ngựa Hồ, vốn ở phương Bắc, khi đem vào Trung-quốc, lúc thấy gió Bấc thổi, nó hí lên tiếng thảm não nhớ cố hương. Con chim đất Việt sang Trung-quốc, luôn làm tổ ở cành cây phía Nam, tỏ lòng không quên cố thổ.

Thanh-Mai ngồi xuống cạnh Vương. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái khoanh tay đứng hầu. Thanh-Mai để ý: Hai người khách tóc đã bạc, tiếng nói tuy mạnh, nhưng có vẻ già. Có lẽ tuổi trên bẩy mươi. Trong hai người, một người mặc áo xanh, một người mặc áo nâu.

Thanh-Mai tiếp lời Vương:

- Phụ thân tôi từng đi nhiều, nghe nhiều, hiểu nhiều, đã dạy: Người Việt khác hẳn bất cứ giống người nào khi mới xa quê, họ nhớ cha mẹ, anh em, bạn hữu. Sự tưởng nhớ như lửa đốt, nhưng ví như trên mặt nước. Sau năm năm, lòng nhớ người thân hòa lẫn với làng xóm. Sự tưởng nhớ như nước sôi, nhưng sâu như ao, như giếng. Khi xa từ mười năm trở đi, tình yêu người thân, làng xóm hòa với lòng tưởng nhớ cố quốc. Sự tưởng nhớ như nước ấm, nhưng sâu không biết đâu mà lường. Những người sinh ở ngoại quốc, họ chỉ biết quê hương qua lời kể của bậc trưởng thượng, hoặc trong sách vở, thì ôi thôi cố quốc cái gì cũng hay, cũng đẹp. Họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho tộc Việt.

Lão mặc áo nâu chắp tay xá Thanh-Mai:

- Vương phi thực không hổ ái nữ của Thiên-trường đại hiệp. Đa tạ Trần đại-hiệp. Đa tạ Vương-phi đã nói dùm nỗi lòng thầm kín của anh em lão phu.

Lão mặc áo xanh trình ra một bảng văn:

- Vương gia có biết tại Biện-kinh đã xẩy ra truyện lớn không?

- Chúng tôi mới tới đây, lại không tiếp xúc nhiều, nên mọi biến chuyển của Tống đều mù tịt. Mong hai vị đừng tiếc công chỉ dạy.

Người mặc áo nâu chỉ bảng văn:

- Bình-Nam vương Nguyên-Nghiễm tổ chức thí võ Biện-kinh kén nhân tài giúp nước vào tháng tám sang năm. Trong khi đó, Lưu hậu lại tổ chức võ đài kén phò-mã vào ngày rằm tháng giêng. Thời gian gấp lắm rồi, chỉ còn hơn tháng nữa mà thôi. Không rõ mục đích gì?

Thanh-Mai tiếp bảng văn đọc qua, rồi cười:

- Trong chiếu chỉ nêu rõ tuyển một phò mã và mười bẩy nữ tế đại thần. Tại sao lại có sự kỳ lạ thế này?

Lão già áo nâu nói:

- Lưu hậu chỉ có một công chúa Huệ-Nhu. Bà tuyển thêm mười bẩy tiểu thư con quan, thuộc loại tài sắc vẹn toàn, rồi ban chỉ tuyển phu. Như vậy triều đình sẽ có mười tám anh tài trẻ tuổi, trung thành tuyệt đối.

Mỹ-Linh hỏi:

- Điều kiện ra sao? Ai có quyền ứng tuyển?

Lão áo xanh đáp:

- Bà này đưa ra năm điều kiện: Tuổi từ mười sáu tới hai mươi lăm. Chưa có vợ. Không tàn tật, ác tật. Không phân biệt Hán, Việt, Liêu, Tây-hạ. Phải biết nói thông thạo tiếng Hán.

Khai-Quốc vương bật cười:

- Khó có thể đoán chủ ý của bà. Đợi tới Biện-kinh, rồi sẽ liệu. Vấn đề này hay đấy. Ta hiện có Thông-Mai, Thiệu-Thái, cùng năm ông mãnh đều đủ điều kiện. Cho tất cả ứng thí. Biết đâu, bọn chúng không trở thành phò mã.

- Anh tưởng dễ sao? Anh Thông-Mai không nói được tiếng Hán. Còn Thiệu-Thái mà anh bảo thi tuyển làm Phò-mã, em sợ Mỹ-Linh sẽ nhảy dựng lên đến nóc nhà. Còn Thuận-Tông, Thiên-Lãm coi như có vợ rồi. Duy Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn khả dĩ còn có thể. Bàn về văn chương Trung-nguyên, Tôn Đản chỉ tạm đọc thông viết thạo. Cuối cùng ta còn có Tự-Mai, với Lê Văn.

Khai-Quốc vương hỏi:

- Thể lệ tuyển ra sao? Thi văn tài hay võ công?

Lão già áo nâu đáp:

- Tống có chín mươi ba châu, cùng bẩy nước xung quanh thành một trăm. Việc tuyển chia ra làm ba kỳ. Sơ tuyển do Kinh lược sứ, cùng Tư-mã tuyển mỗi nơi ba người. Tống cộng ba trăm người. Tuyển cả văn lẫn võ. Sau khi trúng sơ tuyển, họ được coi như công-tử, địa phương phải cấp ngựa, y phục cho họ về kinh. Trung tuyển có ba phần. Phần đầu do bộ Lễ đảm trách. Bộ Lễ sẽ khám xét xem ứng viên có tàn tật, hoặc trẻ quá, già quá không. Phần nhì vào điện thí. Hoàng-đế thiết đại triều. Lưu hậu cũng hiện diện. Các ứng sinh vào điện, sau đó Công-chúa cùng mười tám hoa khôi xuất hiện, ngồi trên mười tám chiếc ghế. Trên mỗi ghế cắm bông hoa vàng. Ứng sinh tha hồ ngắm người đẹp. Ai thích người đẹp nào, thì đứng trước người đẹp đó. Hoàng-đế ra đề thi về văn học, chính sự, võ bị. Hai quan Tả, Hữu bộc xạ (Tể-tướng) cùng Hoàng-đế sẽ chấm bài.

Mỹ-Linh hỏi:

- Lỡ ra cô nào xấu xí, không có ứng sinh ưng, thì sao?

- Thái hậu đã tuyển trước, trong mười bẩy cô đều sắc nước hương trời. Sao có cô xấu được. Hoàng-đế cùng hai quan Bộc-xạ tuyển cho mỗi cô hai ứng sinh trúng cách. Cuối cùng hai ứng sinh đó đấu võ với nhau. Ai thắng, được gả người đẹp cho.

Thanh-Mai rót trà mời khách:

- Đa tạ hai vị tới báo tin vui. Xin hai vị cho biết cao danh qúi tính?

Lão áo xanh chỉ vào lão áo nâu:

- Tôi họ Tôn. Còn người bạn tôi đây họ Lê. Chúng tôi là người Việt gốc Cửu-chân. Tổ tiên sang đây lập nghiệp đã ba đời. Tuy vậy lòng vẫn hướng về đất tổ. Chúng tôi nghe Vương-gia nổi tiếng anh hùng, mạo muội đến yết kiến, để báo tin.

Lão họ Tôn chỉ bảng văn:

- Vương gia định cho người thân ứng thí phò mã đấy ư? Theo lão phu không nên. Cái gương trước hãy còn đó: Thái tử Anh-Tề lấy Cù-thị. Sau vì lòng tưởng nhớ quê hương, xui con đầu hàng, đưa đến nước mất. Nay các thiếu niên trong Thuận-Thiên thập hùng thành phò mã, rồi cũng đến đem chân tài giúp Tống, hại Việt mà thôi. ()

Ghi chú

() Năm trước Tây-lịch, vua Văn-vương nước Nam-Việt tên Triệu-Hồ cho con là thái-tử Anh-Tề sang Hán làm con tin trong mười năm. Anh-Tề lấy vợ Hán là Cù-thị. Năm trước Tây-lịch, Anh-Tề về nước làm vua tức Minh-vương. Năm trước Tây-lịch, Minh-vương băng. Con trai của Cù-thị tên Hưng lên làm vua. Hán sai Thiếu-Quí sang dụ hàng. Quí vốn là tình nhân cũ của Cù-thi. Hai người gặp lại nhau, tư thông. Cù-thị xui con dâng nước cho Hán, về triều nhận sắc phong. Quan Tể-tướng Lữ-gia can không được bèn giết Thiếu-Quí, Cù-thị, Hưng rồi tôn thái tử Kiến-Đức lên làm vua. Năm sau Hán sai quân sang đánh. Nước Nam-Việt mất. Giòng dõi Triệu Đà thuộc người Hán, xâm lăng tộc Việt bằng cuộc hôn nhân gian trá Trọng-Thủy. Nay cũng mất vì cuộc hôn nhân gian trá Thiếu-Quí.

Mỹ-Linh chắp tay hướng hai lão:

- Tiểu bối Lý-mỹ-Linh, xin hai vị cho phép được góp lời quê, nên chăng?

Cả hai lão cùng đứng dậy, đáp lễ:

- Công chúa Bình-Dương nổi tiếng bút mặc vang tới Trung-nguyên. Dùng Long-biên kiếm pháp đả bại Đông-Sơn lão nhân, khiến võ lâm Trung-quốc nghe danh đều táng đởm kinh hồn. Tuổi trẻ, tài cao, mà nhũn nhặn, sự nghiệp sau này thực không nhỏ.

- Đa tạ hai vị quá khen. Về việc Tôn Đản, Tự-Mai dự võ đài ứng thí Phò-mã chưa thành hình. Mà dù có dự, dễ gì thắng nổi anh hùng thiên hạ? Nhược bằng một trong hai người đó có làm phò mã, quyết không có truyện Anh-Tề, Cù-thị tái diễn.

Lão họ Chu hỏi:

- Xin công chúa cho biết minh kiến.

- Triệu Đà vốn người Hoa. Cho nên Cù-thị khuyên con hàng, cũng nằm trong chủ đạo tộc Hán: Vua tức Thiên-tử làm vua Trung-nguyên. Ai làm vua một cõi biên thùy muôn đời vẫn là giặc. Chi bằng đầu hàng, được phong chức tước triều đình, ấm mồ mả tổ tiên, mát mặt với hương đảng. Cho nên sự đầu hàng dễ dàng.

Nàng thấy hai lão gật đầu, tỏ ra khuất phục lý luận của mình. Tiếp:

- Thời Lĩnh-Nam, có rất nhiều anh hùng kết hôn với người Hán. Công chúa Gia-Hưng Trần Quốc kết hôn với Trấn-Nam vương Vương Phúc. Quốc-công Đào Qúy-Minh kết hôn với công chúa Vĩnh-Hòa. Thiên-ưng đại tướng quân Đào Nhất-Gia kết hôn với quận chúa Lý Lan-Anh. Lê Lan-Hương kết hôn với Lục Mạnh-Tân. Chu Tường-Qui thành Tây-cung quí phi của Quang-Vũ. Thế nhưng những vị đó vì tinh thần chủ đạo tộc Việt mạnh quá, đã biến người phối ngẫu thành danh nhân góp công dựng nước Lĩnh-Nam hơn cả người Việt. Vì vậy, giả như hai sư đệ Tự-Mai, Lê Văn thành Phò-mã, không chừng chúng biến công chúa Huệ-Nhu hóa ra người giúp ích cho Đại-Việt cũng nên.

Lão già họ Lê chắp tay:

- Công chúa kiến giải sâu sa hơn bọn lão hủ hồ đồ này.

Hai lão cùng Khai-Quốc vương, Thanh-Mai bàn về tình hình Tống-Việt. Lão Lê ứng đối như gươm treo, như nước chảy. Lão Tôn ít nói. Nhưng hễ mở miệng lão lại dẫn chứng trong những bộ sách cổ của tộc Việt chép bằng chữ Khoa-đẩu thuộc triết học như: Thiên-địa kinh, Minh-Tâm, Đại-nghĩa. Các bộ sử như Tiên-Rồng thông sử, Văn-lang chính biên đại sử, Văn-lang dị sử, Âu-lạc xuân thu, Cổ-loa di hận, Nỏ-thần lược sử, Lĩnh-Nam đại sử (). Chứng tỏ lão học rất uyên thâm.

Ghi chú

() Khoa-đẩu là văn tự tượng thanh của tộc Việt. Cho đến thời An-Dương Vương, kinh, triết, văn, sử còn ước hơn nghìn bộ. Khi Triệu-Đà chiếm nước Âu-lạc, y bắt dân chúng bỏ chữ Khoa-đẩu học chữ Hán. Thời Lĩnh-Nam vua Trưng sai công chúa Nguyệt-Đức Phùng-Vĩnh-Hoa sưu tầm còn hơn chín trăm bộ. Mã-Viện chiếm Lĩnh-Nam, sai chở về Trung-quốc hết, lại bắt dân học chữ Hán. Tuy vậy loại văn tự này thời Lý còn nhiều người biết, song sách không có bộ nào lưu truyền. (Xin đọc Cẩm-khê di hận, cùng tác giả, do Nam-á Paris xuất bản).

Lão họ Tôn hỏi:

- Với kho tàng Tần-Hán, Âu-Việt, Vương-gia định làm gì?

Vương giật mình nghĩ thầm:

- Hai lão này hỏi thế, hẳn đã biết ta đào được hai kho tàng rồi. Bây giờ ta có chối cũng vô ích.

Vương đáp:

- Vãn bối không dám quyết định. Trên còn có phụ-hoàng, triều đình. Ngoài ra phải hỏi đến võ lâm đồng đạo. Như vậy, nhân tâm triệu người như một. Nước mới mạnh.

Lão họ Lê gật đầu:

- Tinh hoa tộc Việt như thế đấy. Tốt cũng tốt thực. Khi mà xấu cũng thực xấu. Kiều Công-Tiễn giết chúa. Dương Tam-Kha cướp ngôi cháu. Đinh Liễn giết em. Đỗ Thích giết vua Đinh cùng Đinh Liễn. Lê Hoàn cướp ngôi từ ấu quân. Long-Đĩnh giết anh, giết em. Họ không theo Nho, tôn quân. Liệu chủ đạo tộc Việt có giúp Vương-gia giữ ngôi vua, khi phụ-hoàng băng hà không?

- Vãn bối không ham ngôi Vua. Làm Vua chỉ là bất đắc dĩ. Nếu như phụ-hoàng không chấp thuận chí của tiểu bối, người có truyền ngôi, tiểu bối cũng khước từ. Rồi người truyền ngôi cho ai cũng được. Còn chí của vãn bối ư? Vãn bối chỉ muốn kết hợp võ lâm, danh sĩ lại, để đòi đất tổ, cùng thống nhất tộc Việt, thế thôi. Lão Lê hỏi:

- Vương vừa nói: Đòi đất tổ, thống nhất tộc Việt. Như vậy phải chăng Vương định đòi đất trước, thống nhất sau?

- Trong hoàn cảnh khó khăn này, dễ gì ai nể phục ai? Vì vậy trước hãy đốt lên ngọn đuốc đòi đất tổ. Có như vậy mởi làm nổi bật chủ đạo tộc Việt, nhân tâm qui phục. Khi nhân tâm qui phục, sự thống nhất tộc Việt không khó. Tộc Việt thống nhất rồi, mới thực sự đòi đất tổ.

Lão họ Tôn thở dài:

- Nhưng đất tổ hiện dân chúng thành Hán hết rồi. Triệu người như một, họ vẫn tự coi mình con cháu vua Hoàng-Đế, hậu huệ Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, coi người Việt là thứ Nam-man. Liệu khi ta chiếm được cố thổ rồi họ có chịu tuân phục không?

Mỹ-Linh xen vào:

- Thưa tiên sinh, người Hán trên vùng cố thổ Lĩnh-Nam tuy nói tiếng Hán, nhưng thực ra họ là người Hán gốc Việt. Khi đòi được đất, ta vẫn để họ nói, học chữ Hán, nhưng cho họ sống trong tinh thần Nho. Tiểu nữ muốn nói thứ Nho từ thời Phục-Hy, Thần-Nông, chứ không phải thứ Tống-Nho như hiện nay.

Lão họ Tôn than:

- Khó thực! Lão-qua, Xiêm-la, Chân-lạp, Đại-Việt thì dễ rồi. Nhưng Đại-lý nước giầu dân mạnh, triều Đoàn lập lên đã mấy trăm năm, cơ sở vững chắc. Trong khi triều Lý mới lập chưa đầy hai mươi năm. Khi thống nhất, họ Đoàn sẽ đòi ngồi trên ngôi vua. Dù Vương-gia có chịu khuất phục, nhưng võ lâm lại chống. Còn Chiêm-thành, trong quá khứ, Đại-Việt đem quân tàn phá nước họ nhiều lần, nay thành kẻ thù mất rồi. Vương-gia phải vượt ra được hai mấu chốt đó, mới thành công. Nhược bằng không thống nhất tộc Việt, sao đòi được đất cũ nay thuộc Tống?

Lão họ Lê tiếp:

- Trong triều, khó mà các quan văn võ muốn chiến tranh. Nhất là Quốc-sư Minh-Không, với tim Bồ-tát, không bao giờ người chấp nhận khởi binh đòi cố thổ. Vì vậy, các vị Vương mới ngấp nghé ngôi vua. Tại triều, Dực-Thánh vương đang luồn lọt Lưu-hậu, mong khi Hoàng-đế băng hà, Lưu-hậu ban chỉ phong cho làm vua. Khai-Thiên vương lại là đệ tử Quốc-sư Minh-Không. Quốc-sư nói một tiếng, võ lâm ắt thuận theo ý người, mà để Thiên-vương lên ngôi. Lại còn Đông-Chinh vương, Vũ-Đức vương. Vị nào cũng có quân bản bộ hết.

Khai-Quốc vương biết đây là những dị nhân, ẩn sĩ, trông rộng, nhìn xa. Vương chắp tay nói:

- Tiểu vương khẩn khoản mời hai vị hãy rời bỏ sơn động, ra giúp nước. Với tài hai vị, có thể đưa dân Việt sống lại thời vua Hùng, vua Trưng. Hai vị nghĩ sao?

Lão Tôn lắc đầu:

- Xin vương cho chúng tôi được tiêu dao tự tại. Chúng tôi hạc nội mây ngàn, tính lười biếng thành tật mất rồi.

Thanh-Mai khẩn khoản mời hai lão uống rượu, ăn cơm trưa. Nhưng hai lão từ chối, ra về. Khai-Quốc vương tiễn hai lão lên bờ:

- Hai vị lưu lạc xa quê hương, mà lòng còn hướng về đất tổ, thực xứng đáng con Rồng, cháu Tiên. Ước mong sẽ có dịp được nghe những lời dạy bảo của các vị.

Hai người chắp tay xá, phơi phới mà đi, không quay đầu lại.

Họ đi rồi, Khai-Quốc vương hỏi Vương-phi và hai cháu:

- Họ là ai? Có biết võ công không?

Thanh-Mai vốn bác học, nàng nói ngay:

- Lão Tôn dáng đi thẳng, hơi chúi về trước, có lẽ lão luyện võ công Cửu-chân. Nhưng bàn tay ẩn hiện hơi đỏ, dường như lão luyện Hồng-thiết kinh. Còn lão Lê, từ tướng đi, đến cử chỉ, rõ ra người luyện võ công Khúc-giang.

Chiều hôm ấy có chim ưng báo, thuyền chở kho tàng đã về tới Tiên-yên. Khai-Quốc vương thở phào:

- Như vậy là xong. Ngày mai ta tìm Nguyên-Nghiễm, rồi trẩy Biện-kinh.

Vương vừa đứt lời, có Vương-duy-Chính tới mời Khai-Quốc vương, Vương-phi, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái vào dinh Tuyên-vũ sứ đàm đạo. Y mang theo đội thiết kỵ, cùng bốn xe ngựa, yên cương mạ vàng sáng chói.

Vương biết đây là nghi lễ chính thức của Bình-Nam vương đối với Khai-Quốc vương, sứ thần Đại-Việt. Vương mặc y phục Vương tước. Thanh-Mai mặc y phục Vương-phi. Mỹ-Linh trong y phục công chúa. Thiệu-Thái y phục Thế-tử Bắc-biên.

Vương Duy-Chính cỡi ngựa đi song song song bên cạnh xe vương. Thiết kị đi trước đánh trống dẹp đường, mang bản tĩnh túc, hồi tỵ. Dân chúng đứng nghẹt đường đón Vương. Dân vùng Quảng-Đông tuy nói một thứ tiếng nửa giống Việt, nửa giống Hoa, nhưng trong thâm tâm họ vẫn nhận họ là người Việt, vẫn tự hào con Rồng, cháu Tiên. Mấy hôm rồi họ nghe Khai-Quốc vương cùng công chúa Bình-Dương đi sứ qua đây, song không biết ở đâu, bây giờ họ đi xem cho biết mặt. Song khi thấy xe, họ lại dán mắt vào Vương-phi, Công-chúa mà khen đẹp.

Thanh-Mai, Mỹ-Linh cũng biết thế. Hai người dơ tay vẫy dân chúng, miệng tươi cười chào hỏi. Xe tới cửa dinh Tuyên-vũ sứ. Hai hàng giáp sĩ dàn ra đứng đón. Bình-Nam vương bước xuống sân. Hai Vương hành lễ, rồi sóng vai vào đại sảnh đường. Các quan văn võ Quảng-Đông lộ đều đầy đủ. Lễ nghi xong.

Bình-Nam vương nói lớn:

- Cô gia xin giới thiệu với các quan biên trấn Nam-thùy. Vị này là Khai-Quốc vương, trừ quân của Đại-Việt. Vương họ Lý, húy Long-Bồ. Vương cùng Vương-phi đang trên đường đi sứ Đại-Tống của ta để kết hiếu. Khác với những sứ đoàn khác, chỉ kết hiếu ở triều đình. Khai-Quốc vương kết hiếu giữa Tống-Việt bằng ba mặt khác nhau: Triều đình, bách quan, nhân-sĩ võ lâm.

Các quan vỗ tay hoan hô. Bình-Nam vương tiếp:

- Khai-Quốc vương với cô-gia đã kết huynh đệ. Vương-gia là nghiã đệ của cô gia. Vừa chân ướt chân ráo tới biên thùy đã thu phục được bang Trường-giang và bang Nhật-hồ.

Bang Trường-giang hoạt động ở Bắc Trường-sa, cách Khúc-giang hơn nghìn dặm. Các quan chỉ nghe danh, mà chưa bị khốn khổ với chúng. Chứ bang Nhật-Hồ suốt bao năm qua như bóng ma, ác qủy ám ảnh họ. Người nào cũng có thân nhân, bạn bè bị bang Nhật-hồ làm cho điêu đứng. Nay nghe bang này đã quy phục triều đình, biến thành bang Hoàng-Đế, chuyên về trị độc giúp dân. Họ mừng như trút được gánh nặng.

Bình-Nam vương từ từ thuật việc nghĩa đệ thu phục bang Trường-giang, Nhật-hồ như thế nào một lượt. Cuối cùng vương kết luận:

- Khai-Quốc vương với cô gia đã tạm ước với nhau. Hiện cần tấu trình hai vị hoàng-đế Tống-Việt duyệt nữa, coi như thành luật. Tuy nhiên kể từ hôm nay...

Vương ngừng lại cho các quan theo kịp:

- Thứ nhất, dân Tống thuộc tộc Hán. Dân Việt, dân Man, dân Thái, dân Tày, dân Miêu đều thuộc tộc Việt. Tộc Hán, tộc Việt cùng gốc ở Phục-Hy, Thần-Nông, phải lấy tình huyết tộc thương yêu nhau. Cấm tuyệt các quan biên trấn Việt-Tống, phân biệt kỳ thị giống nòi. Thực vô lý khi dân tộc Hán, tộc Việt thương yêu nhau, buôn bán, kết bạn, kết hôn với nhau. Mà quan biên trấn bắt phải thù ghét nhau! Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Các quan biên trấn Nam-thùy Tống từ xưa đến giờ ở trạng thái già nắn, rắn buông. Thường họ cho người chiêu dụ khê động, lấn đất, thu thuế. Gặp biên trấn Việt dễ dãi cho qua. Họ càng lấn át. Gặp phải người cứng rắn, phản ứng. Họ kêu rêu rằng Đại-Việt sang cướp phá. Bây giờ hai vị ngồi địa vị cao nhất về binh lực đích thân điều động hòa khí. Họ hiểu rằng vấn đề Nam-thùy coi như yên, cứ ôm gối ngồi cao thụ hưởng.

Bình-Nam vương tiếp:

- Mở rộng các cửa biển Bắc lên tới Hổ-môn. Nam xuống tới Tiên-yên, cho thương thuyền Tống-Việt buôn bán. Tại biên giới, Tống, Việt vào sâu năm mươi dặm, mở thực nhiều bạc dịch trường cho dân buôn bán. Hàng hóa không giới hạn. Quan biên trấn hai bên sẽ kiểm soát thước, cân để tránh gian lận. Thuế khóa, hai bên cử Ty thương bạc ấn định rõ ràng. ()

Ghi chú

() Chu Khứ-Phi, Lĩnh ngoại đai đáp, Trung-hoa thư cục, Cộng-hòa nhân dân Trung-quốc xuất bản . Chu Khứ-Phi là người trực tiếp quan sát cuộc giao thương thời Tống-Việt kể lại như sau:

- Trước đó có các bạc dịch trường Vĩnh-bình, Cổ-vạn, Tô-mậu, Hoành-sơn. Các chợ trên đây thuộc đường bộ. Thuộc đường thủy có Khâm-châu.

- Chu viết sách trước cuộc thương thảo Khai-Quốc vương, Bình-Nam vương nên chỉ thuật có thế. Từ khi có cuộc thương thảo có tới trên trăm bạc dịch trường.

Sau này, với chính sách Vương An-Thạch gây thù oán với Việt, các bạc dịch trường đều đóng cửa.

Từ trước đến giờ, biên giới Tống, Việt chỉ có năm Bạc dịch trường, số hàng hoá không giới hạn rõ rệt, thành ra bên này cho bán, bên kia cấm đoán. Dân không biết đâu mà mò. Chính vì vậy mà hai bên thường xẩy ra xung đột.

Vương chờ cho cử tọa hết hoan hô, rồi tiếp:

- Ba là, khi có người Tống trốn sang Việt. Người Việt trốn sang Tống. Các quan biên trấn phải bắt giao trả cho nhau. Khi trộm cướp bên này, trốn sang bên kia. Đều phải khẩn cấp truy lùng, rồi hai bên họp nhau xử tội chúng ()

Ghi chú

() Đọc trong Tống-sử, Tục tư-trị thông giám trường biên, không thấy ghi những cuộc hành binh hỗn hợp trừ đạo tặc, hoặc dẫn độ tội nhân thuộc loại trộm cướp, vượt biên bất hợp pháp của Tống với Tây-hạ, Đại-lý, Liêu mà chỉ thấy ở Nam-thùy với Đại-Việt. Nguyên do từ cuộc thương thảo này mà ra.

Trong suốt đời Lý, chúng tôi ghi được cuộc dẫn độ như thế. Chia ra do Tống dẫn cho Việt, và do Việt dẫn cho Tống.

Tuyên-vũ sứ mời hai Vương nhập tiệc. Mỹ-Linh, Thanh-Mai, Thiếu-Mai được phu nhân của an-vũ sứ, chuyển vận sứ Quảng-Đông tiếp riêng. Hai phu nhân chỉ là những nữ lưu nhu nhã trong phòng the, họ không biết gì về võ công văn học. Nghe Thanh-Mai, Mỹ-Linh ứng đối như nước chảy, kiến thức cao xa, họ thực không bằng. Họ cảm thấy tủi thân, khi phụ nữ Việt được chồng con, gia đình coi trọng. Trong khi phụ nữ Tống bị coi như những tôi tớ trong nhà không hơn, không kém.

Truyện trò chán đi đến nói về bệnh hoạn. Các phu nhân người thì bị huyết trắng, người thì bị đau bụng kinh, người thì bị kinh kỳ bất điệu, người thì bị rụng tóc. Thiếu-Mai nhất nhất giảng thực kỹ nguyên do sinh bệnh. Nàng hứa sẽ trị cho mọi người.

Tiệc được nửa chừng, chợt Mỹ-Linh lấy tay viết lên bàn trước mặt Thiếu-Mai mấy chữ:

- Có gian nhân trên nóc nhà. Sư tỷ nghĩ sao?

Thiếu-Mai viết:

- Dùng Lăng-không truyền ngữ nói với chú hai không được, vì xa qúa.

Mỹ-Linh viết:

- Sư tỷ ngồi gần Đông-Sơn lão nhân nhất. Sư tỷ báo cho lão biết. Lão báo cho Bình-Nam vương.

Thiếu-Mai gật đầu. Nàng dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Đông-Sơn lão nhân:

- Thiếu-Mai đây. Lão nhân nghe rõ không?

- Rõ lắm. Tiểu thư cần dạy dỗ điều gì??

- Trên nóc nhà có gian nhân nghe trộm, báo cho Vương-gia biết đi.

- Bần đạo xin báo ngay.

Lão đứng lên bưng rượu đến trước hai Vương rót ra chung:

- Bần đạo xin chúc mừng chúa công cùng Khai-Quốc vương thành công trong việc tạo hạnh phúc cho dân Tống-Việt.

Hai Vương bưng rượu uống. Trong khi đó lão dùng Lăng-không truyền ngữ nói:

- Lê tiểu thư khám phá ra trên nóc đện có gian nhân nghe trộm. Tiểu thư nhờ bần đạo khải với hai Vương. Có nên lôi cổ nó xuống không?

Khai-Quốc vương đáp:

- Không cần! Nội công một tên hoàn toàn chính phái. Một tên nửa chính, nửa tà. Chờ xem chúng định làm gì, rồi ta hãy lôi cổ chúng xuống.

Bình-Nam vương trả lời:

- Chúng nghe trộm là có gian ý. Chúng biết anh em mình có nhiều cao thủ, mà dám nghe trộm, ắt thân thế chúng không nhỏ. Phải lôi cổ chúng xuống xem chúng là ai?

Chờ cho Đông-Sơn lão nhân về chỗ rồi, Bình-Nam vương lên tiếng:

- Địch trạng nguyên.

Địch Thanh vội đứng bật dậy:

- Thần xin đợi chỉ dụ Vương-gia!

- Chúng ta uống rượu thế này, mà có hai quý khách không được mời, thực khiếm lễ quá! Địch trạng nguyên lên nóc điện mời quý khách xuống cho ta.

Tiếng dạ kéo dài. Khi dứt, Địch Thanh đã ra khỏi điện, tung mình lên nóc nhà. Bình, bình hai tiếng lớn vọng lại. Mọi người ra sân đứng xem. Địch Thanh đang chiết chiêu với hai người.

Sau khi đối chưởng với hai lão, Địch Thanh bật lui liền hai bước, khí huyết chạy nhộn nhạo trong người cực kỳ khó chịu.

Mọi người la hoảng, vì bản lĩnh Địch Thanh e rằng Đại-Tống không có quá mười, mà dường như thua sút hai lão già.

Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thiệu-Thái. Cả bốn im lặng. Vì hai người đó chính lão già họ Tôn, họ Lê mới đàm luận với vương dưới thuyền hồi sáng.

Tích trù Động-đình uy trấn Hán,

Danh lưu thanh sử lực phù Trưng.

(Câu đối ở đền thờ Phật-Nguyệt)

Dịch:

Một trận Động-đình oai trấn Hán,

Danh ghi thanh sử sức phù Trưng.

Khi Địch Thanh nhảy lên nóc điện, y thấy hai lão già đứng trơ như gỗ. Thuận tay y phát hai chiêu tấn công hai lão một lúc. Hai lão vung tay đỡ. Thành ra Địch Thanh bị lĩnh tới hai chưởng. Y bật lui lại, khí huyết đảo lộn, tai phát ra tiếng kêu vo vo rất khó chịu. Mặt choáng váng.

Sau chiêu đầu, lão họ Lê lùi lại, còn lão họ Tôn đánh liền năm chiêu, cứ mỗi chiêu lão lại lùi một bước, cử chỉ ung dung nhàn nhã. Địch Thanh nhận thấy võ công lão Lê khắc chế với võ công của y. Mỗi chiêu lão đánh ra hời hợt, mà khiến y lao đao chống đỡ.

Biết gặp kình địch, nếu tiếp tục đánh sẽ bị nhục, Địch Thanh chắp tay hành lễ:

- Địch Thanh thuộc phái Hoa-sơn, tuân chỉ Bình-Nam vương gia lên mời hai vị xuống xơi ít chung rượu.

Lão họ Tôn cười nhạt:

- Thì ra người là Địch Thanh ăn cắp vàng ở công khố Đại-Việt bị bắt đấy ư? Uổng cho người đạt được võ trạng, mà hành động nông nổi. Ta nghe rõ ràng chúa ngươi sai ngươi lên mời bọn ta xuống uống rượu. Thế mà ngươi vừa lên, đã phát chưởng đánh chúng ta. Ta hỏi người, đây là phép tiếp khách của phái Hoa-sơn hay của phủ Định-vương ?

Địch Thanh thẹn chín người. Y chưa biết trả lời sao, thì Đông-Sơn lão nhân đã lên nóc điện. Lão chắp tay hướng hai lão Tôn, Lê:

- Tiểu đồ trẻ người con dạ, có đôi chút mạo phạm. Mong hai vị thứ lỗi. Chủ nhân của bần đạo lúc nào cũng khuất thân cầu hiền tài. Nào, mời hai vị xuống xơi mấy chung rượu.

Tôn, Lê cười ha hả:

- Đã vậy hai lão già nhà quê này đành cung kính tuân lệnh.

Hai lão nhảy xuống, hướng Bình-Nam vương hành lễ:

- Chúng tôi họ Tôn, họ Lê, dân Tống, gốc người Cửu-chân, xin tham kiến vương gia.

Triệu Thành nghĩ thầm:

- Chủ đạo tộc Việt huyền diệu thực. Cứ như hai lão này xưng, lão là dân Tống, ắt sinh trưởng tại Trung-thổ. Thế nhưng lão lại tự hào gốc Cửu-chân.

Bình-Nam vương đi một vòng giới thiệu:

- Vị này là nghĩa đệ của Cô-gia, người Việt như hai vị, tước phong Khai-Quốc vương, đang trên đường đi sứ Đại-Tống.

- Thực hân hạnh! Tương lai biên sự Tống-Việt cùng hạnh phúc tộc Việt-Hán nằm trong tay hai Vương.

- Vị này là minh sư của cô gia.

- Minh-Thiên đại sư đắc pháp rồi, mà lòng đối với tộc Hán chưa dứt, còn lẩn quẩn lăn vào đời, mong giải thoát chúng sinh. Người hẳn là Bồ-tát A-di-đà phân thân vậy.

Hai lão tỏ ra bặt thiệp, đối với ai lão cũng cung kính, đưa lời khiêm nhường. Khác hẳn với ngôn từ khinh bạc khi mắng Địch Thanh. Kiến thức hai lão quảng bác vô cùng. Những nhân vật chính thành danh như Đông-Sơn lão nhân, lão biết đã đành, đến những nhân vật trẻ như Lê Thiếu-Mai, Quách Quỳ lão cũng biết tường tận. Cứ mỗi người được giới thiệu, lão lại đưa ra câu khuyến khích.

Bình-Nam vương giới thiệu xong, cung kính:

- Mời hai vị nhập tiệc.

Từ lúc thấy hai lão Tôn, Lê, Định-vương Nguyên-Nghiễm nhận thấy khuôn mặt hai lão rất quen, mà không nhớ đã gặp ở đâu. Vương ngồi suy nghĩ cố tìm cho ra.

Hai lão nháy mắt nhìn Khai-Quốc vương, ngụ ý coi như chưa biết nhau. Bình-Nam vương mời hai lão ngồi dưới Khai-Quốc vương, do Dư Tĩnh bồi tiếp.

Theo lễ nghi tộc Hán, Việt, hai lão là khách mới, được mời ngồi ở vị thế cao. Đáng lẽ Minh-Thiên hay Đông-Sơn lão nhân bồi tiếp. Nhưng vì hai vị là nhà tu, ngồi riêng một cỗ chay, không uống rượu, vì vậy Dư Tĩnh có địa vị cao thứ nhì sau Bình-Nam vương ngồi với hai lão.

Địch Thanh hận lão Tôn làm nhục mình. Y rót chung rượu đưa ngang mày:

- Vãn sinh vô phép, nay xin có chung rượu tạ lỗi với tiền bối.

Chung rượu từ tay y bay vù hướng mặt lão Tôn, kình lực rít vo vo, nhưng tuyệt ở chỗ không một giọt nào rơi ra ngoài. Lão Tôn vòng tay một cái, chung rượu bay chậm lại, rượu vọt lên thành dây bắn vào miệng lão. Lão uống luôn. Còn chung bay ngược trở về chỗ Địch Thanh. Địch Thanh vội xòe tay bắt lấy. Nhưng tay y vừa chạm vào, chiếc chung vỡ tan thành mấy trăm mảnh nhỏ bay vọt qua đầu y.

Kẻ mời, người tiếp, đều dùng tuyệt kỹ thần công, mọi người vỗ tay hoan hô.

Dư Tĩnh rót rượu mời hai lão uống, cùng ăn thịt. Tửu lượng hai lão rất cao. Dư rót bao nhiêu, hai lão cũng không từ, uống sạch.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio