Gần đây, bộ phận Đặc công cấp cao của thành phố đang tiến hành huấn luyện chống khủng bố ở Bắc Kinh. Trạng thái tinh thần của Hạ Hứa làm anh tạm thời không thích hợp để chấp hành nhiệm vụ thực chiến, nhưng anh làm việc hàng ngày thì vẫn được, nên được để lại làm huấn luyện viên, chuyên hướng dẫn những lính mới trẻ tuổi.
Sau khi được phép vào căn cứ tập huấn, Dụ Thần thay một bộ chiến phục màu đen, đứng từ xa nhìn Hạ Hứa đang lớn tiếng chỉ dẫn mọi người.
Trong sân vẫn còn tuyết đọng chưa dọn hết, Hạ Hứa mặc một bộ đồ tối màu, chân đi giày da trâu màu đen, đầu không đội mũ, chỉ đeo một cái kính đen lớn để che nắng. Nhìn dáng hình anh cao lớn rắn rỏi, không ai có thể nhìn ra anh là một người có bệnh tâm lý.
Trong sân có rất nhiều dụng cụ huấn luyện: thang dây, bục tùy chỉnh độ cao và rất nhiều vật phẩm cản trở khác. Lúc Hạ Hứa làm mẫu, anh di chuyển cực kỳ nhanh, người nhẹ như chim yến, làm các đặc công mới đứng đó luôn miệng trầm trồ thán phục.
Làm mẫu xong, anh mới giơ tay chào mọi người rồi lần lượt giảng giải nội dung bài học hôm nay. Giọng anh rất lớn, nhưng vẫn rất lịch sự. Hẳn là vì phải nói nhiều quá, không có thời gian uống nước cho trơn họng, nên giọng anh nghe hơi khàn khàn.
Nhưng khi cả đội bắt đầu luyện tập, thì sự ôn hòa nãy giờ của Hạ Hứa hoàn toàn biến mất. Tay trái anh cầm loa phóng to, tay phải xách súng tự động .mm, vừa chạy vừa chỉ bảo những đội viên làm sai quy cách. Đạn giấy đùng đùng bay khắp chốn – thế mà anh đã biến thành một huấn luyện viên nghiêm khắc kinh điển.
Dụ Thần đứng ở chỗ khuất, khóe môi không khỏi cong lên.
Lúc trước khi trao đổi với giáo sư Kỳ, hắn vốn định nói thẳng sự thật cho anh biết, nghĩ rằng như vậy là tốt cho anh. Nhưng ông lại lắc đầu: “Cậu hiểu Hạ Hứa của bây giờ được bao nhiêu?”
Hắn không biết trả lời thế nào.
Ông nói tiếp: “Hai người đã không gặp nhau trong suốt hai năm. Thời cấp , cậu có thể tự tin là hiểu thấu được cậu ấy; nhưng khi hai người ở bên nhau vào mấy năm trước, thì giữa hai người đã có một khoảng cách lớn. Đến bây giờ thì khoảng cách đó còn lớn hơn nữa.
Cậu Dụ, vấn đề của Hạ Hứa không thể chỉ giải quyết bằng vài câu nói được. Dù cậu có nói ra sự thật, thì cậu ấy cũng cần một thời gian để chấp nhận và tiếp thu. Tình huống tốt nhất là – sau khi nói chuyện với cậu, cậu ấy có thể mở lòng ngay lập tức. Nhưng với kinh nghiệm của tôi, thì khả năng này là rất rất nhỏ.
Làm sao để Hạ Hứa tin việc thực ra người cậu yêu thầm hồi cấp ba là cậu ấy đã khó, huống gì chuỗi sai lầm nằm ngoài tầm kiểm soát đó đã thay đổi toàn bộ cuộc đời cậu ấy. Vậy nên, chúng ta phải kiên trì.
Tôi kiến nghị là – trước khi bắt đầu, cậu hãy thử đi xem Hạ Hứa lúc bình thường thì thế nào đi. Xem công việc và sinh hoạt hằng ngày của cậu ấy là như thế nào, có lẽ sẽ thu được nhiều kết quả hơn. Nhưng tôi phải nhắc cậu trước: khi nhìn thấy cậu, có lẽ nhân cách thứ hai của Hạ Hứa sẽ xuất hiện; nên cậu phải nấp thật kỹ, đừng để cậu ấy thấy cậu khi đang làm việc. Sau này, hai người sẽ tiếp xúc trực tiếp với nhau khi có tôi thôi miên.”
Dụ Thần không biết – một chiến sĩ như Hạ Hứa khi làm huấn luyện viên cũng có khí chất như vậy.
Hắn vẫn nhớ hình ảnh khi hắn thấy anh mặc chiến phục của đội đặc công lần đầu tiên – khi đó, anh tuổi, nhiệt huyết bừng bừng, đẹp trai hơn tất thảy mọi người xung quanh. Nhưng so với bây giờ, hẳn là anh khi đó vẫn còn thiếu sự trưởng thành và khí phách.
Mà loại khí phách này… đã được sinh ra trong hai năm tranh đấu với tử thần kia.
Hạ Hứa thật làm người ta khó mà dời mắt hơn Hạ Hứa trong ảo giác nhiều — anh sắc bén trầm ổn, nghiêm khắc đến gần như là tàn nhẫn, nhưng các đặc công trẻ tuổi kia lại rất kính phục anh.
Chỉ có người thực sự tài giỏi mới có thể làm những người tài giỏi và kiêu ngạo khác phải khuất phục.
Sau khi hướng dẫn xong phần vượt chướng ngại vật, Hạ Hứa dẫn cả đội chạy về một tổ hợp huấn luyện khác. Dụ Thần cũng vội chạy theo.
Anh cầm súng, chỉ điểm mấy người đứng ra khỏi hàng, hợp thành một chi đội đột kích nhỏ, bắt đầu thực hành diễn tập chống khủng bố.
Xung quanh tổ hợp gài đầy đạn khói, mấy trợ giáo nổ súng liên tục, tạo thành một khung cảnh chiến đấu giống thật nhất có thể. Tiếng đạn nổ ầm ầm, Hạ Hứa nói rất to, không hề ngại ngần mà xông lên trước làm mẫu, tự mình dẫn đội. Nửa giờ sau, trên mặt và cổ anh đã ướt đẫm mồ hôi, giọng còn khàn hơn trước.
Dụ Thần hơi đau lòng, nhưng đồng thời lại thấy kiêu ngạo.
Hôm ấy, sau khi biết Hạ Hứa có bệnh, hắn đã cho là anh đang ở luôn trong bệnh viện để được trị liệu. Nhưng giáo sư Kỳ lại cười nói: “Đừng coi thường cậu ấy. Không phải tôi đã nói rồi sao – chỉ cần “người đó” không xuất hiện thì Hạ Hứa sẽ chẳng khác gì người thường cả. Cậu ấy cũng giống cậu, chỉ định kỳ đến đây tư vấn, chứ bình thường vẫn phải làm việc. Nếu cậu ấy nằm viện điều trị thật thì cậu đã gặp cậu ấy sớm hơn rồi.”
Hắn đang suy nghĩ thì phía trước chợt vang đến một tràng cười. Hắn nhìn sang, thấy một đặc công trẻ tuổi đang ôm đầu gào thét: “Thiếu soái Hứa à! Thầy gõ thủng đầu em mất rồi!”
Hạ Hứa đang gõ liên tục vào gáy cậu ta: “Đã bảo em bao nhiêu lần rồi? Động tác tiến vào phải nhanh phải nhẹ, tuyệt đối không được chạm vào tường. Tự em tính xem, từ đầu buổi đến giờ em chạm mấy lần rồi?”
Các đội viên khác cười ha hả, có người huýt sáo, có người hô: “Gõ thêm nữa đi! Thiếu soái ơi đừng có ngừng!”
Đặc công kia cực kỳ tủi thân: “Thế thì thầy cũng không được gõ đầu em! Huấn luyện viên không được đánh người mà!”
Hạ Hứa bật cười: “Thằng tổ tông này, vậy em cứ đi tố cáo thầy đi! Đi đi!”
Cậu ta uất ức lầm bầm gì đó không ai nghe rõ, các đội viên khác lại cười, anh cũng cười. Cậu liền rống to hơn: “Đừng có cười nữa! Thiếu soái làm rất đúng, lần sau nếu ông mày lại làm sai nữa thì đầu ông đây thiếu soái cứ gõ!”
Anh đẩy đầu cậu, cười nói: “Ông mày cái gì ở đây? Cảnh sát nhân dân không được nói bậy đấy!”
Nụ cười bớt đi vài nét rạng rỡ nhưng lại nhiều hơn vài phần trưởng thành kia rơi vào trong mắt Dụ Thần, rơi vào nhịp tim thốt nhiên đập nhanh của hắn.
Sau khi ở căn cứ tập huấn được ba ngày, Dụ Thần quay về Viện Tâm lý. Giáo sư Kỳ hỏi: “Biết Hạ Hứa bây giờ là như thế nào rồi phải không?”
“Vâng.” Hắn đáp: “Bao giờ thì giáo sự sắp xếp cho chúng tôi gặp nhau? Em ấy có biết là sẽ gặp tôi không? Giáo sư đã kể cho em ấy nghe tình trạng của tôi bây giờ chưa?”
“Cậu Dụ à, cậu nghĩ nhiều thật đấy, hỏi như pháo liên thanh luôn.” Ông cười cười: “Từ lần trước gặp cậu là Hạ Hứa đã đoán cậu đang có vấn đề tâm lý rồi. Lúc ấy tôi vẫn chưa đọc ghi chép về cậu, nhưng hiển nhiên là cậu ấy rất để ý đến cậu. Tôi đã hỏi cậy ấy có đồng ý tiếp nhận trị liệu với cậu không, với điều kiện tiên quyết là – cậu ấy có thể giúp cậu. Hạ Hứa đã rất do dự, nhưng cuối cùng thì vẫn đồng ý.”
Dụ Thần thở dài một hơi.
Ông nói tiếp: “Tôi chưa kể cho cậu ấy nghe về tình trạng của cậu. Chuyện này cậu phải tự nói, còn nói như thế nào, thì tôi tin là qua mấy ngày quan sát vừa qua, trong lòng cậu đã có đáp án.”
“Vâng.” Hắn gật đầu: “Cảm ơn lời đề nghị lần trước của giáo sư.”
“Không cần cảm ơn đâu, là chuyện tôi nên làm thôi.” Ông xua xua tay: “Tôi định xếp lịch vào tuần sau. Một tuần nữa là kỳ tập huấn sẽ kết thúc, hai người hãy cùng nhau đến đây. Trạng thái lý tưởng nhất là “cậu ta” không xuất hiện, nhưng tôi nghĩ là khó, khả năng rất lớn là tôi phải dùng đến thôi miên. Cậu chỉ cần nghe theo lời tôi dặn là được.”
Từ hôm đó, Dụ Thần lại đến nhìn Hạ Hứa hai lần; rồi tạm thời rời khỏi Bắc Kinh, quay về căn nhà ở thành phố An, thu hết đồ quan trọng vào vali hành lý.