Anna Karenina

quyển 4 chương 17

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Alecxei Alecxandrovitr trên đường trở về căn phòng cô độc của mình ở khách sạn bất giác ôn lại trong ký ức những cảm giác về các cuộc nói chuyện khi tối. Những lời Daria Alecxandrovna khuyên nên tha thứ chỉ gợi cho ông nỗi bực dọc. Chuyện có áp dụng lời răn của đạo Gia tô vào trường hợp của ông hay không, là một vấn đề rất tế nhị, không thể bàn nông nổi và về phần mình, ông đã giải quyết vấn đề đó theo cách phủ định từ lâu rồi. Trong những điều mọi người nói tối hôm đó, chính lời anh chàng Turôpxưn trung thực và ngây ngô đã khắc sâu nhất vào trí ông: "Ông ta xử sự rất anh hùng: Ông khiêu chiến với tình địch và đã giết hắn". Mọi người hiển nhiên đều tán thành cách xử sự đó và sở dĩ họ không để lộ, đó là vì lịch sự thôi.

"Vả chăng, vấn đề đã giải quyết xong rồi, trở lại làm gì vô ích!", Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ. Và, trong lòng chỉ còn nghĩ đến chuyện khởi hành sắp tới và cuộc đi thanh tra, ông bước vào phòng ngủ và hỏi người gác cửa đi theo sau xem gã hầu phòng của mình đâu; người gác cửa cho biết hắn ta vừa ra ngoài. Alecxei Alecxandrovitr gọi trà, ngồi xuống trước bàn và vùi đầu tra cứu sổ chỉ dẫn giờ tàu xe.

- Có hai bức điện, - gã hầu phòng vừa trở về bước vào phòng và nói.

- Xin quan lớn thứ lỗi, tôi vừa mới ra ngoài một lúc thôi.

Alecxei Alecxandrovitr cầm những bức điện và mở ra xem. Bức thứ nhất báo tin bổ nhiệm Xtremov lên cái địa vị mà chính ông cũng thèm muốn. Alecxei Alecxandrovitr ném bức điện đi, mặt đỏ tía tai, đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. "Quos vult perdere dementat" , ông nói, dùng chữ "quos" để chỉ những kẻ góp phần vào việc bổ nhiệm này. Điều làm ông tức khí không phải vì ông đã hiển nhiên thành nạn nhân của một sự bất công, ông sửng sốt là sao mọi người không thấy cái thằng cha Xtremov bẻm mép, huênh hoang kia, thật ít xứng đáng được giữ địa vị ấy hơn bất cứ người nào khác. Làm sao họ không thấy họ đã tự làm hại uy tín khi giao phó cho hắn trọng trách đó?

"Đây hẳn lại là một chuyện gì tương tự", ông vừa bóc bức điện thứ hai vừa chua chát tự nhủ. Bức điện này của vợ. Chữ ký bằng bút chì xanh: "Anna" đập ngay vào mắt ông trước tiên. "Tôi đang hấp hối và tôi van mình hãy về. Tôi sẽ chết yên tâm hơn nếu mình tha thứ cho tôi", ông đọc. Ông mỉm cười khinh bỉ và vứt bức điện . Đây là một mưu mẹo, một màn kịch, ông nghĩ theo bản năng, chắc chắn thế.

"Cô ả không từ một mưu gian nào. Hẳn cô ả sắp đẻ đến nơi rồi.

Chắc chuyện đó thôi. Nhưng mục đích của hai anh ả là thế nào? Hợp pháp hóa đứa bé chăng? Làm mất uy tín của ta? Ngăn cản ly dị? ", ông thầm nghĩ. Tuy nhiên, cô ả viết: "Tôi đang hấp hối...". Ông đọc lại bức điện và đột nhiên, ý nghĩa thực sự của nội dung bức điện bỗng làm ông sững sờ. "Thế nhỡ thật thì sao? Ông nghĩ. Nếu quả thật nỗi đau đớn và cái chết kề bên đã khiến cô ta ăn năn hối lỗi mà ta lại từ chối không về vì cho đó là mưu mẹo thì sao? Như vậy không những tàn nhẫn và mọi người sẽ kết tội, mà về phía ta, làm thế còn là khờ nữa".

- Piot'r, chạy đi thuê cái xe. Tôi đi Peterburg đây, - ông bảo gã hầu phòng.

Alecxei Alecxandrovitr quyết định quay về Peterburg gặp vợ. Nếu nàng giả ốm, ông sẽ lặng thinh và lại ra đi. Nhưng nếu quả thật nàng đang ở trong tay thần chết, ông sẽ tha thứ, nếu ông về kịp lúc nàng còn sống và ông sẽ làm tròn bổn phận cuối cùng với nàng, nếu ông tới quá muộn.

Quyết định như vậy rồi, dọc đường ông không hề nghĩ tới chuyện đó nữa.

Với cảm giác mỏi mệt và nhớp bẩn sau một đêm ngồi tàu, Alecxei Alecxandrovitr đi ngược lên đại lộ Nepxki trong màn sương sớm, không nghĩ ngợi gì đến điều đang chờ mình. Ông không thể nghĩ tới điều đó, vì khi hình dung chuyện sắp xảy tới, ông không thể gạt bỏ ý nghĩ là cái chết của Anna sẽ giải quyết gọn ghẽ mọi khó khăn của ông. Những người bán bánh mì, những cửa hiệu đóng kín, những cỗ xe thuê chạy đêm, những người gác cổng quét hè phố, diễu qua trước mắt; ông quan sát tất cả và cố bóp chết ý nghĩ về điều đang chờ mình và về điều ông không dám cầu mong đồng thời vẫn cứ cầu mong. Ông tới trước cửa nhà mình. Một cỗ xe thuê và một cỗ xe nhà với cả xà ích đang ngủ, đậu dưới thềm. Khi bước vào phòng chờ, Alecxei Alecxandrovitr như rứt ra từ góc sâu thẳm nhất của trí não một quyết định và bám lấy nó. Nó có thể rút gọn như sau: "Nếu là mưu mẹo, sẽ tỏ vẻ khinh bỉ một cách bình thản và bỏ đi; nếu quả thật thế, sẽ giữ đúng nghi thức".

Người gác cửa Pêtrôp, còn gọi là Kapitônych, mở cửa cho Alecxei Alecxandrovitr trước khi ông rung chuông gọi: bác ta mặc áo đuôi tôm cũ, đi dép, không thắt cà vạt, trông thật dị dạng.

- Bà thế nào?

- Bà đã sinh hôm qua, mẹ tròn con vuông ạ.

Alecxei Alecxandrovitr dừng lại và tái mặt. Lúc này, ông mới hiểu rõ là ông đã mong nàng chết biết chừng nào.

- Sức khỏe bà ra sao?

Kornây, mặc tạp dề buổi sáng, hấp tấp xuống cầu thang.

- Bà yếu lắm, - gã trả lời. - Hôm qua, các thầy thuốc đã đến thăm bệnh và bác sĩ đang ở đây.

- Mang hành lý vào, - Alecxei Alecxandrovitr bảo gã và cảm thấy nhẹ người đôi chút khi biết còn có hy vọng là nàng sẽ chết; ông bước vào phòng chờ.

Một áo khoác nhà binh treo ở mắc áo. Alecxei Alecxandrovitr trông thấy và hỏi.

- Có ai ở đây?

- Bác sĩ, bà hộ sinh và bá tước Vronxki ạ.

Alecxei Alecxandrovitr vào trong phòng.

Không có ai ở phòng khách; nghe thấy tiếng chân ông, bà hộ sinh ra khỏi buồng riêng Anna, đầu đội mũ vải đính dải màu hoa cà.

Bà ta tiến lại chỗ Alecxei Alecxandrovitr, và nắm lấy tay ông với cải vẻ thân mật do cái chết kề bên mang lại, bà kéo ông vào phòng ngủ.

- Đội ơn Chúa, ông đây rồi! Bà nhà chỉ nhắc đến ông thôi, - bà ta nói.

- Mang nước đá lại ngay cho tôi! - trong phòng ngủ, có tiếng bác sĩ gọi.

Alecxei Alecxandrovitr đến phòng riêng Anna. Vronxki ngồi ghé trên chiếc ghế tựa thấp cạnh bàn, đang khóc, tay ôm đầu. Chàng giật bắn người khi nghe thấy tiếng bác sĩ nói, buông tay ôm mặt ra và thấy mình đang ở trước mặt Alecxei Alecxandrovitr. Trông thấy ông chồng, chàng luống cuống đến nỗi lại ngồi xuống, rụt đầu giữa đôi vai như muốn biến đi; nhưng chàng cố trấn tĩnh và nói; - Bà nhà đang hấp hối. Các thầy thuốc bảo không còn hy vọng gì nữa. Số phận tôi do ông định đoạt, nhưng xin ông cho phép tôi được ở lại đây... tôi hiện ở trong tay ông, tôi...

Thấy Vronxki khóc, Alecxei Alecxandrovitr đâm bối rối như mọi lần đứng trước đau đớn của người khác. Ông quay đi và không nghe Vronxki nói hết, vội vã đi về phía cửa. Trong buồng ngủ, có tiếng Anna đang nói. Giọng nàng vui vẻ, hoạt bát, âm sắc rõ ràng. Alecxei Alecxandrovitr bước vào phòng và đến gần giường. Nàng quay mặt về phía ông. Má nàng đỏ ửng, cặp mắt long lanh, đôi tay nhỏ nhắn trắng muốt thò ra ngoài tay áo ngủ và đang vân vê góc chăn. Không những nàng có vẻ tươi tỉnh và khỏe mạnh mà còn rất vui nữa. Nàng nói nhanh, sang sảng, uốn giọng rất chính xách và đầy tình cảm.

- ...Bởi vì Alecxei, - tôi đang nói về Alecxei Alecxandrovitr (lạ lùng và ác nghiệt thay, cả hai người lại cùng tên là Alecxei cả, có phải không?) - Alecxei hẳn sẽ không cự tuyệt tôi. Tôi sẽ quên đi, nhà tôi sẽ tha thứ cho tôi... Nhưng sao nhà tôi chưa về nhỉ? Nhà tôi tốt lắm, chính ông ấy không biết là mình tốt đến chừng nào. Ôi! Lạy Chúa, tôi lo sợ biết mấy! Cho tôi uống nước nhanh lên! à phải, nhưng thế không tốt cho cháu, cho con gái tôi! Thôi đành, cứ kiếm cho nó người vú nuôi. Phải, tôi bằng lòng thế, có khi thế lại tốt hơn. Nếu nhà tôi về, trông thấy nó, ông ấy hẳn khổ tâm lắm! Hãy mang nó đi!

- Anna Arcadievna, ông nhà tới rồi. Ông đây, - bà hộ sinh nói, cố lưu ý nàng đến Alecxei Alecxandrovitr.

- Chao! Ngốc thật! - Anna nói tiếp, vẫn Carenin trông thấy chồng.

Phải, đưa cháu cho tôi, đưa con gái tôi cho tôi nào! Nhà tôi chưa có đây. Các người bảo nhà tôi sẽ không tha thứ cho tôi là vì các người không hiểu ông ấy. Chẳng ai hiểu nhà tôi cả. Trừ có tôi, vì vậy mà tôi càng khổ tâm. Các người nên biết mắt Xerioja giống hệt mắt nhà tôi và chính vì thế mà tôi không thể nhìn vào mắt nó được nữa. Họ đã cho Xerioja ăn cơm chưa? Chắc mọi người lại bỏ quên nó rồi. Phải xếp cho Xerioja ở phòng đầu góc và bảo Mariet ngủ với nó.

Đột nhiên, nàng co quắp người, nín bặt và đưa cánh tay lên ngang mặt như để đỡ đòn, vẻ khiếp sợ. Nàng đã trông thấy chồng.

- Không, không! - nàng nói tiếp, - tôi không sợ nhà tôi đâu, chính là tôi sợ chết đấy. Alecxei, mình lại đây. Em vội lắm vì thời gian gấp rồi, em chẳng còn sống được bao lâu, cơn sốt sắp trở lại và em sẽ chẳng biết gì nữa đâu. Lúc này thì em biết: em biết tất cả và em trông thấy tất cả.

Bộ mặt nhăn nheo của Alecxei Alecxandrovitr lộ vẻ đau đớn dữ dội; ông cầm tay nàng và định nói, nhưng không thốt nên lời, môi dưới ông run lên; ông vẫn cố nén xúc động và thỉnh thoảng lại nhìn nàng. Mỗi lần thế, ông lại thấy mắt nàng đăm đăm nhìn mình với một vẻ dịu dàng, hồ hởi mà ông chưa từng thấy ở nàng bao giờ.

- Khoan đã, mình không biết... Các người hãy khoan, hãy khoan đã...

- nàng dừng lại như để tập trung ý nghĩ. - Phải, - nàng bắt đầu nói... - Phải, phải, phải. Em muốn nói thế này đây. Mình đừng ngạc nhiên nhé. Em vẫn như xưa thôi... Nhưng trong em, có một con đàn bà khác và em sợ ả ta. Chính ả đã phải lòng anh ta. Em muốn thù ghét mình, nhưng em không tài nào quên nổi cái người đàn bà trước kia là em. ả kia, không phải là em. Bây giờ, em mới đúng là em toàn vẹn. Em đang hấp hối, em biết em sắp chết, mình chỉ việc hỏi anh ta thì rõ.

Em lại thấy nằng nặng ở bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân đấy.

Mình nhìn xem ngón tay em to biết chừng nào! Nhưng tất cả cái đó đều sắp kết thúc... Em chỉ cần mỗi một điều là mình tha thứ cho em, tha thứ hoàn toàn! Em là một con đàn bà ghê tởm, nhưng chị bảo mẫu của Xergei đã kể cho em nghe chuyện một bà thánh tử vì đạo, bà ta tên là gì nhỉ? Hình như bà ta còn tệ hơn em. Em sẽ đến thành Rôm, ở nơi ấy có một bãi sa mạc, tại đó em sẽ không làm rầy ai, em chỉ mang theo Xerioja và con gái nhỏ thôi... Không! Mình không thể tha thứ cho em được! Em biết, người ta không thể tha thứ chuyện ấy được! Không, không mình đi đi, mình hoàn hảo quá! - nàng cầm tay chồng trong bàn tay nóng bỏng, còn tay kia thì đẩy ông ta ra.

Nỗi bối rối của Alecxei Alecxandrovitr cứ tăng mãi và cuối cùng lên đến mức ông thôi không tự đấu tranh nữa; ông bỗng cảm thấy điều ông tưởng là bối rối, trái lại, chính là một tâm trạng đầy diễm phúc, nó đột nhiên mang đến một niềm sung sướng mới lạ ông chưa từng thấy bao giờ. Ông không hề nghĩ luật lệ đạo Gia tô mà suốt đời ông không muốn theo, đã ra lệnh cho ông phải tha thứ và yêu kẻ thù địch; nhưng một tình cảm yêu thương và khoan dung xán lạn tràn ngập tâm hồn ông. Ông quỳ xuống cạnh giường, áp đầu vào chỗ khoeo tay Anna, cảm thấy cơn sốt hầm hập qua lần áo ngủ và nức nở như một đứa con nít. Nàng đưa tay ôm cái đầu hói của chồng, ghé lại gần và ngước mắt lên với một vẻ tự hào khiêu khích.

- Nhà tôi đây, tôi biết mà! Bây giờ thì vĩnh biệt tất cả, vĩnh biệt...

Họ trở lại, tại sao họ lại không đi hẳn đi?... Cởi những cái áo lông này cho tôi!

Bác sĩ gỡ tay nàng ra, nhẹ nhàng đặt lên gối và đắp chăn kín vai nàng. Nàng ngoan ngoãn nằm ngửa và giương đôi mắt long lanh nhìn trân trân về phía trước.

- Mình nhớ rằng em chỉ cần mình tha thứ thôi, em chẳng ước ao gì khác nữa. .. Tại sao anh ta không lại đây? - nàng nói tiếp và quay về phía cả căn buồng Vronxki đang ngồi. - Lại đây anh, lại đây! Đưa tay cho nhà tôi!

Vronxki đến tận chân giường và khi thấy Anna, chàng lại lấy tay che mặt.

- Buông tay ra anh, hãy nhìn nhà tôi đây. Đó là một vị thánh, - nàng nói. - Buông tay che mặt ra nào! - nàng nói tiếp, giọng bực tức. - Alecxei Alecxandrovitr, mình gỡ tay anh ta ra. Em muốn nhìn anh ta.

Alecxei Alecxandrovitr cầm lấy tay Vronxki và nhấc ra khỏi bộ mặt biến sắc vì đau đớn và tủi nhục.

- Mình đưa tay cho anh ta. Hãy tha thứ cho anh ấy.

Alecxei Alecxandrovitr chìa tay cho chàng, để mặc cho những giọt lệ từ khoé mắt lăn xuống.

- Đội ơn Chúa! Đội ơn Chúa! - nàng nói. - Bây giờ, mọi sự đã sẵn sàng. Tôi chỉ còn phải duỗi chân ra một chút. Đây này, thế, tốt lắm.

Những bông hoa kia vẽ thật chẳng nhã tí nào, chẳng giống hao viôlet tí nào, - nàng vừa nói vừa chỉ những màn cửa. - Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi! Bao giờ cho nó xong đi! Tiêm moócphin cho tôi đi, bác sĩ! Tiêm moócphin cho tôi đi nào. Ôi! Lạy Chúa tôi, lạy chúa tôi!

Và nàng bắt đầu quằn quại trên giường.

Các thầy thuốc đã chẩn đoán là bệnh sốt sản hậu mà trăm người mắc họa may mới có một người thoát khỏi. Cả ngày hôm đó, nàng mê man bất tỉnh. Đến nửa đêm, bệnh nhân nằm sóng sượt gần như mất hết tri giác, mạch đập rất yếu, gần như không thấy.

Người ta đợi lúc lâm chung từng phút.

Vronxki trở về nhà nhưng sáng sau lại đến nghe ngóng tin tức.

Alecxei Alecxandrovitr ra đón chàng ở phòng chờ và bảo: "Ông hãy ở lại, có thể nhà tôi sẽ hỏi ông đấy" và ông thân hành dẫn chàng vào phòng riêng Anna. Buổi sáng, nàng lại bắt đầu bị khích động, nói huyên thuyên hết chuyện này sang chuyện nọ, rồi lại thiếp đi bất tỉnh. Ngày hôm sau nữa, cũng như thế và các thầy thuốc bảo là có chút hy vọng.

Hôm đó, Alecxei Alecxandrovitr đến phòng riêng Anna lúc Vronxki đang ở đấy và sau khi khóa trái cửa, ông ngồi xuống trước mặt chàng.

- Alecxei Alecxandrovitr, - Vronxki nói, cảm thấy sắp đến lúc phải phân giải sự tình, - tôi đang ở tình trạng không nói gì được, không hiểu gì được. Xin ông miễn cho tôi! Dù ông đau khổ đến đâu, xin ông tin rằng, đối với tôi, còn khủng khiếp hơn nữa kia.

Chàng định đứng dậy. Nhưng Alecxei Alecxandrovitr nắm lấy cánh tay chàng nói:

- Xin ông hãy nghe tôi nói cho hết đã, đó là điều cần thiết. Tôi phải cắt nghĩa cho ông rõ những tình cảm đã dẫn dắt tôi cho đến nay và sẽ quyết định thái độ đối xử của tôi sau này, để ông khỏi hiểu lầm tôi.

Ông biết rằng tôi đã quyết định ly dị và thậm chí tôi đã tiến hành những thủ tục bước đầu. Tôi không giấu ông là khi đi vào con đường ấy, tôi đã do dự, tôi đã đau khổ; xin thú thật với ông, tôi đã bị ám ảnh bởi mong muốn trả thù nàng và trả thù ông. Khi nhận được điện, tôi đã tới đây, vẫn với tình cảm ấy. Hơn thế nữa: tôi mong nàng chết.

Nhưng... - ông ta im lặng, do dự không muốn phơi bày hết ý nghĩ với Vronxki. - Nhưng tôi đã gặp lại nàng, tôi đã tha thứ cho nàng, và niềm hạnh phúc trong sự khoan dung vạch cho tôi thấy bổn phận mình. Tôi đã tha thứ cho nàng không chút dè dặt. Tôi muốn chìa má bên kia, cho nốt chiếc sơ mi khi người ta lấy mất áo choàng của tôi. Tôi chỉ cầu Chúa để Người đừng tước đi của tôi cái hạnh phúc nằm trong sự khoan dung.

Ông rơm rớm nước mắt và cái nhìn rạng rỡ, bình thản của ông làm Vronxki sững sờ.

- Hoàn cảnh của tôi là thế đó. Ông có thể giày xéo tôi xuống bùn, biến tôi thành trò cười cho thiên hạ, tôi cũng sẽ không bỏ nàng và không trách ông lời nào, - Alecxei Alecxandrovitr nói tiếp. - Bổn phận tôi đã được vạch ra rõ ràng: tôi phải ở lại với nàng. Nếu nàng muốn gặp ông, tôi sẽ cho người báo, nhưng tôi nghĩ, giờ đây, tốt hơn hết là ông nên lánh xa đi.

Ông đứng dậy và tiếng nức nở ngắt lời ông, Vronxki cũng đứng dậy nhưng không dướn thẳng người lên mà hơi lom khom, chàng ngước nhìn ông: chàng không hiểu nổi những tình cảm của Alecxei Alecxandrovitr. Nhưng chàng cảm thấy trong đó có cái gì cao thượng, không thể dung hòa với nhân sinh quan của mình.

--- ------ ------ ------ -------

Thành ngữ La tinh có nghĩa là: "Thần Jupite định hại ai thì trước hết làm kẻ đó mất trí". Thường áp dụng vào trường hợp những cá nhân hoặc chính phủ do hành động lầm lẫn, thiếu chín chắn mà làm hỏng việc lớn. Cả câu là: "Quos vult perdere jupiter dementat prius" khi dùng người ta thường bỏ chữ prius đi.

Prestige (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio