Anna Karenina

quyển 5 chương 9

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Toà biệt thự, hoang phế cũ kĩ với trần nhà cao chạy đường chỉ, với những bích hoạ, sàn đá khảm, những rèm gấm vàng dày trước cửa sổ cao, những chậu hoa trên chân quỳ lan can và lò sưởi, những cửa ra vào chạm trổ và những hành lang tối trang trí tranh ảnh, khi họ đến ở, nuôi dưỡng trong Vronxki một ảo tưởng khoan khoái rằng mình không phải chỉ là một lãnh chúa Nga, một đại tá hồi hưu, mà chính là một người có học thức say mê và bảo vệ nghệ thuật, một hoạ sĩ khiêm tốn vì yêu một người đàn bà mà từ bỏ xã hội thượng lưu, từ bỏ mọi giao du cùng tham vọng.

Vai trò Vronxki tự chọn cho mình sau khi đến ở biệt thự, làm chàng hoàn toàn mãn nguyện, và khi, do Golenichsev, giới thiệu chàng làm quen được với vài nhân vật lí thú, chàng đã yên tâm khoảng thời gian đầu. Nhờ một giáo sư người ý hướng dẫn, chàng tập vẽ, kí hoạ theo tự nhiên và nghiên cứu thời Trung cổ ý. Thời đại đó làm chàng say mê đến nỗi gần đây chàng đội mũ khoác áo choàng theo thời trang Trung cổ, rất hợp với chàng.

- Chúng ta sống mà chẳng biết gì quanh ta cả, - một buổi sáng Vronxki nói với Golenichsev, khi ông đến chơi. - Anh đã xem tranh của Mikhailov chưa? - chàng nói và đưa cho ông một tờ báo Nga vừa nhận được và chỉ cho xem bài báo nói về một hoạ sĩ Nga ở cùng thành phố vừa vẽ xong một bức tranh được bàn tán rất nhiều và đã có người đặt mua trước. Bài báo trách chính phủ và Viện hàn lâm đã không giúp đỡ gì nhà nghệ sĩ xuất sắc đó.

- Phải, tôi gặp ông ta rồi, - Golenichsev trả lời.

- Tất nhiên không phải ông ta bất tài, nhưng khuynh hướng của ông ta sai về căn bản. Vẫn là quan niệm về Chúa Cứu Thế và đời sống tôn giáo mà người ta thấy ở Ivanov, Xtraux và Renang .

- Bức tranh đó vẽ gì? - Anna hỏi.

- Chúa Cứu Thế trước mặt Pilat , Đấng Cứu Thế được vẽ theo mẫu người Do Thái, được thể hiện hoàn toàn theo chủ nghĩa tả thực của trường phái mới. Và vì vấn đề đã đưa ông tới một trong những luận đề ưa thích. Golenichsev nói tiếp:

- Tôi không hiểu sao họ lại có thể nhầm lẫn một cách kệch cỡm như vậy. Chúa Cứu Thế đã có khuôn mẫu được xác định dứt khoát trong nghệ thuật các bậc thầy xưa kia rồi. Nếu họ không định thể hiện Chúa mà là một nhà cách mạng hoặc hiền triết, thì cứ việc chọn Socrate, Franklin, Saclot Cordei chứ đừng có chọn Jesu. Họ đã chọn nhân vật duy nhất mà nghệ thuật không nên đụng chạm tới, và sau đó…

- Có thực là ông Mikhailov đó nghèo túng đến thế không? - Vronxki hỏi, thầm nghĩ với tư cách là Mạnh thường quân Nga, chàng cần giúp người đó, bất kể tranh ông ta đẹp hay xấu.

- Cũng chưa chắc. Ông ta là một hoạ sĩ chân dung xuất sắc. Anh đã thấy bức chân dung bà Vaxintsicova của ông ta chưa? Nhưng hình như ông ta không muốn vẽ chân dung nữa; có lẽ vì thế mà túng quẫn. Tôi nói là…

- Liệu có thể nhờ ông ta vẽ chân dung Anna Arcadievna được không? - Vronxki hỏi.

- Tại sao lại vẽ chân dung em? Sau bức chân dung anh vẽ thì em không muốn bức nào khác nữa. Có vẽ chân dung Ani thì vẽ (nàng đặt tên con gái như vậy). Con nó kia kìa, - nàng nói thêm khi nhìn qua cửa sổ thấy chị vú nuôi xinh đẹp người ý đang cho đứa trẻ dạo chơi trong vườn và liền đó liếc trộm Vronxki. Người đàn bà đẹp đó mà Vronxki đã vẽ cái đầu vào tranh, là nỗi buồn phiền thầm kín duy nhất trong cuộc sống của Anna.

Vronxki thán phục nhan sắc và phong thái Trung cổ của chị ta và Anna, chính vì không dám thú nhận rằng mình sợ đâm ghen cả với vú nuôi, lại càng hết sức chăm sóc và nuông chiều chị ta cùng đứa con trai nhỏ của chị.

Vronxki cũng nhìn qua cửa sổ và, bắt gặp cái nhìn của Anna, liền quay ngay lại phía Golenichsev:

- Anh có quen ông Mikhailov đó không?

- Tôi đã gặp ông ta. Đó là một gã lập dị, không có chút giáo dục nào cả. Anh ạ, ông ta thuộc vào cái loại người man rợ mà ngày nay ta vẫn thường gặp thuộc các loại người tự do tư tưởng mà ngay từ đầu đã tự nuôi dưỡng bằng những nguyên lí của chủ nghĩa vô thần, của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa phủ định. Ngày xưa, - Golenichsev nói tiếp, không để cho cả Anna lẫn Vronxki xen vào câu nào, - ngày xưa một người tự do tư tưởng là người được giáo dục trong sự tôn trọng tôn giáo, pháp luật, đạo đức, và do đấu tranh và lao động mà anh ta đạt tới tự do tư tưởng; nhưng ngày nay lại xuất hiện một kiểu người tự do tưởng tưởng mới, tự nhiên nẩy nòi ra từng bầy, thậm chí họ chưa hề nghe nói đến những quy tắc đạo đức và tôn giáo cùng uy quyền, tự mình tiến tới phủ nhận hết thảy, tóm lại, đó là bọn người man rợ. Ông ta thuộc loại đó. Nếu tôi nhớ đúng thì ông ta là con một viên thị vệ ở Moskva và không được học hành gì cả. Sau khi vào Hàn lâm viện Mỹ thuật và tiếng tăm lừng lẫy rồi, ông ta muốn học tập thêm vì ông ta đâu phải đồ ngốc. Và ông ta nhớ đến cái ông tưởng là nguồn gốc của văn hoá: các tạp chí. Ở thời buổi tốt đẹp xưa kia, một người muốn học tập, một người Pháp chẳng hạn, hẳn sẽ bắt đầu nghiên cứu tất cả những nhà kinh điển: các nhà thần học, bi kịch, sử học, triết học, anh cũng thừa biết cái khối lượng lao động trí óc to lớn chờ đợi họ là như vậy. Nhưng thời buổi này, ông ta chỉ việc nhảy vào đám sách báo tiêu cực, rất nhanh chóng hấp thụ ngay lấy một ít chất gạn lọc từ khoa học phủ định đó và thế là xong. Nếu là hai mươi năm trước đây, hẳn ông ta còn tìm thấy được trong thứ văn chương đó những dấu vết của sự đấu tranh chống uy quyền, chống lại những tập quán nghìn đời, qua đó ông ta có thể hiểu còn có cái gì khác nữa, nhưng ngày nay thậm chí người ta cũng không thèm tranh luận về những quan niệm thời trước, người ta chỉ nói gọn lỏn: không có gì cả; tiến hoá , tự nhiên đào thải, đấu tranh sinh tồn đã thay thế tất cả. Trong bài viết của tôi…

- Này, - Anna nói, từ nãy vẫn đưa mắt kín đáo trao đổi với Vronxki và hiểu là chàng không cần biết hoạ sĩ đó được đào tạo như thế nào mà chỉ bận tâm suy nghĩ đến việc giúp đỡ ông ta và đặt vẽ chân dung. - Này, - nàng nói, quả quyết cắt đứt những lời thao thao bất tuyệt của Golenichsev, - hay là ta đến nhà ông ta đi?

Golenichsev bình tĩnh lại và vui lòng nhận lời. Vì hoạ sĩ ở tận một khu phố xa nên họ phải thuê xe.

Một giờ sau, Anna, Golenichsev và Vronxki đi xe ngựa tới một căn nhà mới xấu xí ở một khu phố xa. Được vợ người gác cổng cho biết Mikhailov thường tiếp khách trong xưởng vẽ, nhưng ông ta hiện đang ở nhà cách đấy mấy bước, họ liền nhờ bà cầm danh thiếp đưa đến và xin phép được xem tranh.

--- ------ ------ ------ -------

D.F. Strauss (-) nhà thần học người Đức, E. Renan (-) nhà văn và là nhà sử học người Pháp.

Ponce Pilate, quan cai trị xứ Suyđê cúa La-mã, người đã giao Chúa Jêxu cho các thẩm phán tôn giáo xử.

Socrate (- trước Thiên chúa giáng sinh) nhà triết học Hy Lạp.

B. Franklin (-) nhà chính trị và vật lý người Mỹ.

Charlotte Corday (-) người đã ám sát nhà cách mạng Pháp Marat.

D' emblée (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Evolution (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio