Anna Karenina

quyển 8 chương 16

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Vốn sành môn biện chứng, Xergei Ivanovich không đối đáp lại mà đặt vấn đề tranh luận sang một lĩnh vực khác.

- Nếu chú muốn dùng số học để đo tinh thần nhân dân thì tất nhiên rất khó đấy. Ngay cả phổ thông đầu phiếu, vốn không thể áp dụng ở nước ta, cũng không nói lên được ý chí nhân dân; nhưng vẫn có những phương pháp đánh giá khác. Người ta cảm thấy cái đó trong không khí, bằng trái tim. Tôi chưa cần nói đến những đợt sóng ngầm làm chuyển động lớp nước tù váng trong biển cả nhân dân và sờ sờ trước mắt con người thiển cận nhất. Chú thử nhìn vào cái "xã hội" theo nghĩa hẹp nhất mà xem. Những bè phái khác nhau nhất của giới trí thức đã hoà hợp với nhau. Tất cả sự bất đồng ý kiến đều biến mất, mọi báo chí đều nói giống nhau, mọi người đều ý thức được cái lực lượng cơ bản chi phối và lôi cuốn họ cùng đi về một hướng.

- Cái ấy thì đúng đấy, tất cả báo chí đều nói giống nhau, - lão quận công nói. - Quả đúng thế thật. Giống hệt như cóc nhái trước cơn dông ấy. Chúng khiến người ta không còn nghe thấy gì được nữa.

- Cóc nhái hay không thì tôi cũng không phải là chủ nhiệm báo và cũng không có ý định bào chữa cho họ. Tôi muốn nói đến sự thống nhất ý kiến trong giới trí thức, - Xergei Ivanovich quay lại nói với em trai. Levin định đáp lại nhưng lão quận công đã cướp lời.

- Về sự thống nhất đó thì còn nhiều cái phải bàn lắm, - lão quận công nói. - Ông biết con rể tôi là Stepan Ackađich đấy. Anh ta vừa mới nhận chức uỷ viên của một cái uỷ ban gì đó tôi không biết. Thực sự, anh ta không phải làm gì cả (Đôly ạ, cái đó chẳng phải là điều bí mật gì đâu)mà vẫn được lĩnh tám nghìn rúp tiền lương. Ông cứ thử xem, ông cứ đi hỏi xem hoạt động của anh ta có lợi ích gì không, anh ta sẽ chứng minh cho ông thấy hoạt động đó vô cùng ích lợi. Mà anh ta vốn là người lương thiện, nhưng làm sao mà lại không tin ở sự ích lợi của tám nghìn rúp kia chứ?

- Phải, anh ấy có nhờ tôi nhắn Đarya Alecxandrovna là đã nhận chức vụ đó rồi, - Xergei Ivanovich nói, giọng bất bình, ông thấy câu lí sự lan man của lão quận công thật lạc đề.

- Sự nhất trí của báo chí cũng vậy thôi. Tôi đã được giải thích về điều đó: mỗi khi có chiến tranh, lợi nhuận của họ đều tăng gấp đôi. Làm sao lại không đề cao vận mệnh nhân dân, tình huynh đệ Xlav và… trăm thứ bà rằn khác nữa?

- Có rất nhiều tờ báo tôi không ưa, nhưng nói vậy là bất công, Xergei Ivanovich nói.

- Chỉ cần đưa ra một điều kiện duy nhất thôi, - lão quận công tiếp tục nói. Hồi chiến tranh với Phổ, Anfôngxơ Kar đã nói rất chí lí: "Các ngài cho chiến tranh là không thể tránh được à? Tốt lắm. Vậy tất cả những ai ủng hộ chiến tranh hãy họp lại thành một binh đoàn đặc biệt ở tiền duyên và hãy dẫn đầu xung phong lên xem".

- Thế thì các nhà báo sẽ đẹp mặt nhỉ! - Katavaxov nói và phá lên cười ầm ĩ. Ông hình dung một vài biên tập viên ông quen biết, trong cái binh đoàn ưu tú đó.

- Thế thì họ sẽ tháo chạy và làm vướng chân người khác, - Đôly nói.

- Nếu tháo chạy thì đằng sau đã có sẵn súng liên thanh hoặc lính cô dắc cầm roi để dẫn họ trở về vị trí, - lão quận công nói.

- Xin lỗi quận công, câu nói đùa đó thật không hay ho gì, - Xergei Ivanovich nói.

- Đó không phải là nói đùa… - Levin định nói, nhưng ông anh đã ngắt lời.

- Mỗi thành viên của xã hội đều có bổn phận riêng phải làm tròn, - ông nói. - Những người làm việc trí óc hoàn thành nhiệm vụ bằng cách biểu đạt dư luận quần chúng. Sự phản ánh toàn vẹn và nhất trí dư luận quần chúng là hiện tượng đáng mừng và phải thừa nhận đó là công lao của giới báo chí. Giá trước đây hai mươi năm, hẳn chúng ta phải im lặng đấy, còn bây giờ thì khác, người ta nghe thấy tiếng nói nhân dân Nga sẵn sàng vùng lên muôn người như một và sẵn sàng hi sinh cho những người anh em bị áp bức; đó là một bước tiến lớn và một sự biểu dương lực lượng.

- Xin lỗi, nhưng đây không phải chỉ là vấn đề hi sinh, là là việc giết những người Thổ, Levin rụt rè nói. Nhân dân tự quên mình và vui lòng hi sinh cho những người anh em bị áp bức; đó là một bước tiến lớn và một sự biểu dương lực lượng.

- Xin lỗi, nhưng đây không phải chỉ là vấn đề hi sinh, mà là việc giết những người Thổ, - Levin rụt rè nói. Nhân dân tự quên mình và vui lòng hi sinh mọi thứ khi linh hồn mình bị đe doạ nhưng không phải nhằm mục đích sát nhân, - chàng nói thêm, bất giác gắn cuộc nói chuyện với những tư tưởng đang làm chàng bận tâm.

- Cho linh hồn à? Anh cũng biết đó thực là một danh từ khó hiểu đối với một nhà khoa học tự nhiên. Linh hồn là cái gì kia chứ? - Katavaxov mỉm cười nói.

- Cứ làm như anh không biết ấy!

- Xin thề là tôi không hề có ý niệm gì về cái đó! - Katavaxov nói và cười vang.

- "Ta đến đây không phải để đem lại hoà bình, mà là mang gươm tới!”, Chúa Jesu nói vậy, - đến lượt Xergei Ivanovich đối đáp, dẫn đúng đoạn kinh Phúc âm xưa nay thường làm Levin bối rối hơn mọi đoạn khác, mà lại coi như dẫn ra câu dễ hiểu nhất đời.

- Đúng thế, - ông lão gác vườn ong đứng bên cạnh nhắc lại, để trả lời một cái nhìn tình cờ hướng vào lão.

- Thế là anh thua rồi, bố trẻ ạ, đại bại rồi nhé, - Katavaxov vui vẻ kêu lên.

Levin đỏ mặt tức tối, không phải vì thua mà vì đã để bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận.

"Mình tranh cãi với họ làm gì cho mất thì giờ, chàng thầm nghĩ: họ có bộ áo giáp không sao đâm thủng được, còn mình thì lại ở trần".

Chàng thấy không tài nào thuyết phục nổi ông anh và Katavaxov, chàng không thể nào cùng chung quan điểm với họ được. Điều họ chủ trương lại chính là sự kiêu ngạo trí tuệ đã suýt làm hỏng chàng. Chàng không thừa nhận một dúm người, trong số đó có ông anh chàng, chỉ dựa vào những lời của vài trăm tình nguyện quân ba hoa đã tới thủ đô, xưng xưng tự cho mình có quyền cùng với báo chí nhận là đại biểu cho ý chí và tư tưởng của nhân dân, mà họ khẳng định là phải biểu lộ bằng sự phục thù và sát nhân. Chàng không thể thừa nhận điều đó, vì chưa bao giờ chàng thấy những tư tưởng đó bộc lộ trong nhân dân là lớp người chàng đang chung sống, cũng như trong bản thân chàng (mà chàng thì không thể không tự coi mình là bộ phận khăng khít của nhân dân Nga) và nhất là vì, chẳng khác gì nhân dân, chàng không hiểu và không thể hiểu lợi ích công cộng là cái gì; trái lại, chàng đinh ninh rằng người ta chỉ có thể đạt tới lợi ích công cộng đó bằng cách nghiêm chỉnh tuân theo quy luật điều thiện đã bày ra trước mắt mọi người; cho nên chàng không có tâm địa nào mong muốn hoặc tuyên truyền chiến tranh dù mục đích của nó có tính chất đại diện đến đâu chăng nữa. Chàng hoà chung tiếng nói với ông lão Mikhailich và nhân dân, biểu đạt tư tưởng mình trong câu chuyện truyền thuyết về việc những bộ lạc Xlav kêu gọi người Varegơ(): "Các người hãy là quốc vương của chúng tôi và cai trị chúng tôi. Chúng tôi vui sướng hứa sẽ hoàn toàn tuân theo các người. Mọi công việc, mọi nhục nhằn, mọi hi sinh, chúng tôi xin gánh hết: nhưng chúng tôi sẽ không phải là người phán xét và quyết định". Và bây giờ, theo Xergei Ivanovich, nhân dân lại chịu từ bỏ một quyền lợi đã đánh đổi bằng cái giá đắt như vậy hay sao?

Chàng còn muốn nói thêm rằng nếu dư luận quần chúng là vị quan toà không thể sai lầm thì Cách mạng và Công xã cũng sẽ hợp pháp như phong trào ủng hộ người Xlav. Nhưng đó chỉ là loại ý kiến không giải quyết được gì cả. Điểm duy nhất chàng biết chắc chắn là lúc này cuộc tranh luận đang làm Xergei Ivanovich bực tức: vậy tốt hơn hết là không tranh luận nữa. Cho nên Levin thấy im đi là hơn: chàng nhắc các vị khách đề phòng đám mây đang kéo lại và khuyên họ nên trở về trước cơn mưa.

Chú thích:

() Varèguer: một bộ lạc ở vùng biển Xcăngđinavơ Bắc Âu đã cai trị các bộ lạc Xlavơ ở Nga và kiến lập trật tự từ trước thời kì dựng nước Nga.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio