Có ý gì?
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Tỉnh Tụ: Đây không phải một vụ giết người ngẫu nhiên của kẻ cuồng sát, mình bị gọi tới đây là có nguyên nhân.
Cô cắn răng, nơm nớp lo sợ mở mắt ra.
Dưới mặt nước, đối diện với cô, đó là…Tông Hàng?
Người phụ nữ buông tay.
Chân Tỉnh Tụ mềm nhũn, tê dại ngồi xuống cạnh bồn tắm, thực sự không đứng dậy nổi, cô chống tay dịch người vào trong góc, run rẩy hỏi chị ta: “Chị…chị muốn gì?”
Vòi nước vẫn chưa đóng, tiếng nước chảy ào ào, Tỉnh Tụ cảm thấy dòng nước như dội thẳng lên mặt, lên đầu mình, xối cho cô lạnh ngắt từng tấc xương.
Người phụ nữ không nhìn cô, ánh mắt bay vào trong làn nước, lời nói cũng kỳ quái, ấy vậy mà lại mang theo vài phần khen ngợi: “Có phải rất hoàn mỹ không?”
Cơn buồn nôn xộc lên, Tỉnh Tụ muốn ói.
Không phải là giống ngâm xác chết bằng formaldehyd để chống phân hủy sao? Người phụ nữ biến thái này đã đem Tông Hàng làm thành tiêu bản trong nước, còn hỏi cô có hoàn mỹ hay không.
Tuy nhiên, nói chuyện với biến thái không thể quá khích, phải thật bình tĩnh, ôn hòa, kẻo người kế tiếp bị ngâm vào trong đó sẽ chính là cô.
Tỉnh Tụ co rúm, hỏi lại: “Chị muốn gì?”
Người phụ nữ lúc này mới cụp mắt nhìn cô: “Cũng chẳng muốn gì cả, chỉ là nhờ cô chăm sóc cho cậu ta thôi.”
Cơn buồn nôn lại dâng lên, lần này Tỉnh Tụ chịu hết nổi, bịt miệng vọt tới cạnh bồn cầu, nôn mửa.
Cô thực sự không thể chịu được nữa: Còn muốn cô chăm sóc xác chết, thay nước như nuôi cá ấy hả? Hay là cắt tóc, tỉa móng tay?
Cô có vô tư đến vậy đâu, sống mà phải chịu đựng những chuyện này thà chết đi cho xong.
Người phụ nữ như biết cô đang nghĩ gì: “Cô chưa nhìn rõ rồi, suy xét cho kỹ rồi hẵng ra ngoài nói chuyện với tôi.”
Dứt lời, đóng cửa đi ra.
Tỉnh Tụ nôn xong, đưa tay lau miệng, nghe thấy tiếng nước ào ào, máy móc đi qua rửa tay, súc miệng, sau đó vặn vòi nước.
Tiếng nước ngừng bặt, chung quanh dần yên ắng lại, cô bất giác rùng mình, gai ốc nổi lên gần như với tốc độ mắt thường có thể thấy được.
Rèm bồn tắm đã bị giật xuống, trong gương, bồn tắm nằm ngang sau lưng cô chẳng khác gì một cỗ quan tài mở nắp.
Lời người phụ nữ kia nói có hàm ý.
Cô chưa nhìn rõ rồi.
Là muốn bảo cô nàng nhìn lại, suy xét lại.
Ra ngoài nói chuyện với tôi.
Điều đó chứng tỏ chị ta vẫn còn lời muốn nói với cô, sẽ không giết cô ngay.
Nhưng một người đã chết thì còn gì để mà nhìn rõ chứ?
Tỉnh Tụ đưa tay vuốt vuốt ngực, ngập ngừng đi tới cạnh bồn tắm lần nữa, đi một bước lùi nửa bước, ánh mắt vừa chạm tới mặt nước đã vội vàng ngoảnh đầu sang chỗ khác.
Người chết, còn ngâm trong nước, cảnh tượng này nghĩ thôi đã thấy đáng sợ rồi, song, không thể rề rà nữa, cô sợ người phụ nữ kia hết kiên nhẫn – Tỉnh Tụ nín thở, hạ quyết tâm, lại cúi người về phía bồn tắm…
Đúng là Tông Hàng, hắn chỉ mặc độc một cái quần lót, gương mặt vẫn bình thản, mũi Tỉnh Tụ dâng lên cảm giác chua xót: Cũng đỡ! Xem ra lúc chết, hắn không phải chịu quá nhiều giày vò.
Nỗi chua xót ấy lên được đến một nửa, đột nhiên ầm một tiếng tan biến,Tỉnh Tụ chỉ cảm thấy máu huyết toàn thân xông hết lên đầu, lồng ngực hết nóng lại lạnh, chốc đóng thành băng, chốc lại nấu thành nước canh sôi sùng sục.
Cô không có kiến thức chuyên ngành nên chẳng biết xem xác thế nào, tuy nhiên, thường thức thì cô vẫn biết: người chết ngâm lâu trong nước sẽ trắng bợt trương phình lên mới phải, dù thế nào đi nữa thì sắc mặt cũng phải tái nhớt, môi tím ngắt…
Nhưng Tông Hàng hoàn toàn không như vậy.
Hơn nữa…
Cô dụi mắt: Không nhìn lầm, ngực hắn vừa lên xuống.
Tỉnh Tụ loạng choạng lao ra khỏi phòng tắm.
Người phụ nữ kia đang ngồi trên sofa sau bàn trà, giấy bút bày trước mặt.
Cổ họng Tỉnh Tụ khô khốc, lúc nói chuyện đầu lưỡi cũng líu hết cả lại: “Tông Hàng làm sao vậy? Cậu ấy còn sống hay đã chết? Tại sao cậu ấy lại ở trong nước? Cậu ấy…còn là người chứ?”
Người phụ nữ đẩy giấy bút về phía cô: “Viết thu nhập một năm của cô vào đây.”
Chủ đề này nhảy ra quá đột ngột, Tỉnh Tụ tưởng mình nghe nhầm: “Gì cơ?”
Chị ta không lặp lại, mặt trơ ra, đợi cô viết xuống.
Tỉnh Tụ bừng tỉnh: Tình thế vẫn nằm trong tay người ta, mình sống chết sao còn chưa rõ, không có tư cách đặt câu hỏi, chỉ có thể nghe theo.
Cô nửa quỳ xuống bên cạnh bàn trà, thoáng chần chừ rồi viết lên giấy một dãy chữ số Ả Rập.
.
Thêm ký hiệu “$” vào cuối.
Hai mươi ngàn đô la, tương đương với hơn một trăm hai mươi ngàn nhân dân tệ, chia đều ra là mỗi tháng được mười ngàn, ở trong nước có lẽ cũng chẳng là gì, chỉ là mức lương cán bộ viên chức bình thường, nhưng với trình độ học vấn và nghề nghiệp của cô, lại ở trên đất Cam này, cũng coi như không tệ.
Người phụ nữ kia ừ một tiếng, dịch tờ giấy về mình, xem một lát rồi nhấc bút thêm vào sau một chữ số “”.
“Tôi cho cô từng này.”
Cái đệch! Mẹ nó chứ, rốt cuộc là muốn chơi trò gì?
Ngực Tỉnh Tụ phập phồng dữ dội, hết nhìn người phụ nữ lại nhìn sang dãy số.
Người phụ nữ đặt bút xuống, một lần nữa dựa vào ghế sofa, mặt vẫn không chút biểu cảm, như đang cố ý dành thời gian cho cô cân nhắc.
Tâm trí Tỉnh Tụ dần dần bị hai trăm ngàn đô này chiếm giữ.
Cô từ trong nước chạy đến Đông Nam Á, ngày qua ngày chạy ngược chạy xuôi là vì cái gì chứ? Vì miệng, vì bụng, vì miếng ăn, chẳng riêng gì cô, trên đời này hầu hết con người có ai mà không thế.
Có hai trăm ngàn đô này, cô có thể về nước, có thể mở một tiệm mát xa chính quy, cho nên, đây không chỉ là tiền mà còn là một sự đảm bảo, là cuộc sống ổn định trong tương lai, là hy vọng.
Tỉnh Tụ hoài nghi mình đang nằm mơ: Nhìn thấy, nghe thấy, cảnh tượng biến hóa ly kỳ từng màn từng màn, thay đổi nhanh chóng.
Cô đưa tay nhéo đùi mình.
Đau.
Tỉnh Tụ ngẩng đầu: “Chị nói thật chứ?”
Người phụ nữ chẳng buồn nhấc mí: “Tôi nhúc nhích một ngón tay thôi cũng đủ giết được cô, còn phải lừa cô sao?”
Cũng đúng.
Tỉnh Tụ ngẫm nghĩ: “Chuyện giết người phạm pháp tôi không làm đâu.”
Người phụ nữ nói với giọng điệu mỉa mai: “Cô? Có thể giết người?”
Tỉnh Tụ nghẹn họng.
“Cho nhiều tiền như vậy là muốn tôi làm gì?”
“Có mang điện thoại theo không? Đưa tôi trước đã.”
Tỉnh Tụ lấy di động trong túi xách ra đưa qua.
Người phụ nữ cầm lấy, lật xem một chốc, đột nhiên bàn tay dùng sức bóp chặt, tiếng bẻ vỡ vang lên răng rắc, xác nhựa vụn bắn tung tóe, Tỉnh Tụ hốt hoảng rụt người về phía sau.
Còn chưa hết, người phụ nữ tiếp tục bóp mạnh, bóp mạnh nữa, chiếc điện thoại vốn nguyên vẹn giờ méo mó thê thảm vô cùng – Bấy giờ, người phụ nữ mới ném xuống, sau đó tỉ mỉ gẩy sạch những mảnh xác máy vụn găm trong lòng bàn tay.
“Thứ nhất, không được tiếp tục liên lạc với bên ngoài.”
Tỉnh Tụ lắc đầu theo phản xạ: “Không được, tôi có công việc…”
Nói được một nửa thì sực tỉnh: đứng trước hai trăm ngàn đô, công việc kia đừng nói là gân gà, đến lông gà cũng chẳng bằng, tuy cô vẫn còn tiền thế chấp đặt bên ông chủ, nhưng chút tiền ấy không cần cũng được.
Cô sửa lời: “Ông chủ và đồng nghiệp sẽ lo lắng cho tôi.”
Người phụ nữ bĩu môi, hất mặt về phía phòng tắm: “Bố mẹ cậu ta có lo lắng không?”
Tỉnh Tụ á khẩu, cô ở Campuchia căn bản cũng không có bạn bè thân thích, trái lại đồng nghiệp thì khá nhiều, nhưng tình đồng nghiệp cũng chẳng đâu vào với đâu.
Cô chợt cảm thấy người phụ này rất lợi hại, không nhiều lời nhưng câu nào câu nấy đều như dao cứa.
Cô cố gắng lựa lời khéo léo hơn: “Tôi đột ngột mất liên lạc như vậy, họ sẽ báo công an tìm tôi.”
“Tìm không thấy khắc không tìm nữa, dù có tìm được, cô đã là người lớn rồi, cô muốn chơi trò mất tích cũng chẳng có gì là phạm pháp.”
Tỉnh Tụ nghiến răng: “Một năm?”
“Tối đa một năm, có khi còn không đến nửa năm.”
Vậy được, một năm, bốn mùa, áo đơn áo kép thay một lượt là qua thôi.
Tỉnh Tụ gật đầu.
“Thứ hai, trong một năm này, làm gì, đi đâu là do tôi quyết định.”
Điều này cũng hợp lý, làm việc cho người ta vốn là chủ chỉ đâu đánh đó mà.
“Thứ ba, thấy gì kỳ quái, tôi không nói cô cũng đừng hỏi, chuyện cô không hiểu trên thế giới này còn nhiều lắm.”
Tỉnh Tụ im re, ánh mắt lướt qua lòng bàn tay của người phụ nữ.
Chị ta bị thương mà không thấy chảy máu, Tông Hàng ngủ dưới nước một thời gian dài mà vẫn sống.
Còn rất nhiều chuyện mình không biết, có điều chấp nhận cũng chẳng có gì khó: Đông Nam Á vốn tin thần phật, tin ma quỷ, tin bùa ngải, cô sống ở đây đã lâu, mưa dầm thấm đất, cảm thấy hết thảy đều có khả năng.
“Cuối cùng là chăm sóc Tông Hàng. Sức khỏe tôi không tốt, không có hơi sức ấy, cần cô không ngại cực khổ, dốc lòng dốc sức, có thể sẽ phải thức đêm, tóm lại, cô chịu được khổ là được… Còn chăm sóc thế nào thì đến tối cậu ta tỉnh dậy, tôi sẽ cho cô biết.”
Đã hiểu, tương đương với hộ lý, tình trạng của Tông Hàng thế này cũng chẳng biết là mắc phải bệnh lạ gì, có lẽ hành động bất tiện, cần cô ở bên chăm nom.
Cho nhiều tiền như vậy, chịu khổ hơn cũng đáng, vả lại, Tông Hàng là bạn cô, chăm sóc hắn, trong lòng cô cũng vui vẻ.
Từ lúc vào cửa tới giờ, tinh thần cứ lúc lên lúc xuống, từ cho rằng sắp bị giết đến bỗng nhiên được hứa hẹn lương cao, chênh lệch thực sự quá lớn, Tỉnh Tụ gần như không biết nên dùng biểu cảm gì để đối mặt với người phụ nữ này.
Cô hơi bối rối: “Kỳ thực, chị có thể nói với tôi ngay từ đầu, như thế sẽ không có hiểu lầm gì.”
Người phụ nữ hờ hững đáp: “Đánh một gậy, lại cho một quả táo, không có một gậy này sao cô biết táo ngọt ra sao.”
Tỉnh Tụ ngượng ngùng: “Với số tiền chị bỏ ra, sẽ có rất nhiều người tranh tới làm…”
Người phụ nữ phớt lờ Tỉnh Tụ.
Cô nhớ đến câu “Tôi không nói, cô cũng đừng hỏi” của chị ta, vội vàng ngậm miệng. Tuy nhiên có một số chuyện vẫn phải hỏi: “Vậy… tôi gọi chị là gì?”
“Tôi họ Dịch, Dịch Tiêu.”
Tỉnh Tụ nói: “Tên đẹp thật, người đặt hẳn rất dụng tâm.”
Chỉ là một câu thuận miệng khen đãi bôi thôi nhưng lại thu hút sự chú ý của Dịch Tiêu: “Tại sao?”
Tỉnh Tụ đáp: “Bởi vì, chị tuổi này…”
Cô thoáng ngập ngừng, cảm thấy lời mình hơi thiếu tế nhị, phụ nữ hẳn đều rất kiêng kỵ chuyện tuổi tác, người phụ nữ này chí ít cũng đã ngoài bốn mươi, hơn nữa, sức khỏe không tốt nên trông càng thêm già cấc, ước chừng còn nhạy cảm hơn.
Cô qua quýt đáp: “Thời trước các cụ đặt tên toàn mang sắc thái thời đại, nào Hồng nào Quyên nào Mẫn, cái tên Dịch Tiêu này rất đặc biệt, hẳn là cha mẹ đặt rất dụng tâm.”
Người phụ nữ ấy vậy lại nở nụ cười, ánh mắt tản mạn, có vẻ hơi thất thần, lúc cất tiếng trở lại, cũng chẳng biết là nói cho Tỉnh Tụ hay cho mình nghe.
“Bố tôi thích đọc ‘Cửu Ca’ của Khuất Nguyên, trong đó có một câu, ‘Phong táp táp hề mộc tiêu tiêu’ (), ông bèn lấy tên Dịch Tiêu đặt cho tôi.”
() Câu thơ này nằm trong bài “Sơn quỷ” thuộc chùm thơ “Cửu ca” của Khuất Nguyên, có nghĩa là: “Gió rì rào, lá cây xào xạc”.
“Có điều về sau ông lại nói, tên này đặt sai rồi, sớm biết sau khi tôi trưởng thành sẽ có thêm một đứa em gái thì hẳn nên phải theo thứ tự, lấy chữ ‘Táp’ cho tôi, chữ ‘Tiêu’ cho em mới đúng.”
Tỉnh Tụ mỉm cười: “Chị còn có em gái à, chắc cũng đã là…một cô gái rồi nhỉ.”
Nụ cười nhàn nhạt của Dịch Tiêu vụt tắt, gương mặt đanh lại như thạch cao, ánh mắt vừa lạnh lùng vừa cứng rắn.
Da đầu Tỉnh Tụ tê rần, nghĩ chắc mình nói sai rồi, nhưng lại không biết sai ở đâu.
Qua hồi lâu, Dịch Tiêu mới nói: “Chết rồi, chết lúc hơn ba tuổi.”
Sau lưng Tỉnh Tụ ướt đẫm mồ hôi.
Dịch Tiêu lại chẳng nhìn cô. Chị ta giơ tay, ra dấu một độ cao ngang bằng tay vịn sô pha, do dự chốc lát, lại hạ xuống thấp hơn chút đỉnh.
“Lần cuối cùng nhìn thấy con bé, nó cao khoảng chừng này, rất bướng, cũng chẳng đáng yêu tẹo nào.”
Im lặng một lúc, Dịch Tiêu chậm rãi thu tay về, da tay hơi nhão, dính trên xương chẳng khác gì tay bà già.
Sau nữa lại mỉm cười.
“Tôi nói bố tôi, đi làm việc đừng dẫn con bé theo làm gì. Đáng tiếc, bố tôi không nghe…”
Cô gục đầu, giọng nhỏ lại như thì thầm.
“Nếu chịu nghe tôi, có lẽ bây giờ…đã là một cô gái lớn rồi.”
Mười giờ hơn, xe máy của Dịch Táp đến cửa nhà nghỉ.
Mặt cô sa sầm, đi tới trước cửa kính, lúc đưa tay đẩy ra, phía sau ầm một tiếng, xe máy chân chống không vững nên bị đổ.
Mũ bảo hiểm lăn lông lốc. Dịch Táp coi như không trông thấy, dù sao sẽ có người tới nhặt và dựng xe lên, cũng sẽ có người đem hành lý của cô vào.
Mở cửa, đi thẳng đến quầy lễ tân, chỉ một quãng đường ngắn mà hết nhân viên phục vụ, nhân viên hành lý lại đến nhân viên tiếp khác, người nào người nấy đều chào cô.
Isa!
Isa tới rồi.
Mấy hôm không gặp, đi đâu làm giàu thế?
Cô ngó lơ hết thảy.
Nhà nghỉ này là nơi nghỉ chân cố định của Dịch Táp tại Xiêm Riệp, quy mô tuy nhỏ, thậm chí còn chẳng xứng được gọi là khách sạn, khách đến khách đi cũng hỗn tạp, song, cô thích môi trường này, cảm thấy rất khớp với khí chất của mình, quen thân rồi còn góp cổ phần, coi như bà chủ nhỏ.
Đi tới quầy lễ tân, không kìm nổi nữa, Dịch Táp đập bộp một phát lên mặt quầy, gục đầu xuống chửi thề: “Mẹ kiếp!”
Hai ngày một đêm, cô hệt như một đứa ngốc, chạy không ngừng nghỉ, từ Xiêm Riệp đến xóm nổi, đón đầu là tin dữ, lại từ xóm nổi chạy về Xiêm Rệp, khách sạn cấp sao cũng đặt rồi, thế mà cô ả nhân viên mát xa kia lại thất hẹn, nhắn tin không trả lời, gọi điện không nghe máy.
Dựa theo tin tức trong đoạn nhạc chờ, Dịch Táp tìm được tiệm mát xa kia, trong đó đủ loại gái, Hoa, Thái, Cam đều có cả, thấy cô là người Trung Quốc, bèn đẩy một vị đồng bào ra ứng phó với cô, cô ả đó đánh mắt màu xanh, hút xì gà, móng tay sơn đỏ còn đính hoa, vừa mở miệng đã như đấm vào mặt người ta:
“Thất hẹn à, ai mà chẳng có việc gấp, đổi hôm khác đi, không thì cô đổi người khác vậy?”
“Chân mọc trên người cô ta, sao tôi biết được cô ta đi đâu? Có phải bỏ bom mỗi mình cô đâu, khách trước cô cũng bị bom kìa…”
Lúc rời đi, cô ả đó còn nói kháy sau lưng Dịch Táp: “Chao, còn tìm đến tận cửa nữa chứ, yêu cô ta rồi chắc? Cô les à?”
…
Chắc chắn là trúng ngải rồi, gần đây làm gì cũng không thuận lợi.
Dịch Táp chống tay lên quầy lễ tân, cúi đầu nhìn xuống chân, bên dưới là sàn đá cẩm thạch bị giẫm mài đến độ bóng loáng, lờ mờ có thể trông thấy mặt mình.
Trên đỉnh đầu, nhân viên lễ tân dè dặt hỏi: “Isa, sao vậy?”
Không, không được tức giận, tức giận hại thân, phải cười, cười càng ngọt ngào càng tốt.
Dịch Táp thở dài một hơi, lúc ngẩng đầu lên cười đến là xinh xẻo: “Không có gì, đùa anh đấy.”
Nhân viên phục vụ lườm cô một cái.
Dịch Táp nói: “Như cũ, cho tôi một phòng sạch sẽ, đồ dùng chăn ga gối phải đổi mới hết, dám đem thứ chưa giặt ra lòe tôi, tôi lấy mạng anh…”
Chưa nói hết lời, bỗng “ớ” một tiếng: “Gì đây? Nhìn đẹp trai đấy, đây là…”
Chếch bên quầy lễ tân là một giá để tạp chí, bên trong nhét một đống tờ rơi dày cộp, từ góc cô nhìn sang chỉ thấy được phần ảnh chụp.
Cô với tay xoay cái giá báo qua.
Nhân viên phục vụ nói: “Còn không phải là ông con trai nhà giàu kia sao, phòng quan hệ xã hội bên khách sạn Angkor tới nói, trả một khoản tiền đặt giá bày sách báo trước quầy lễ tân của chúng ta, xem như thuê một vị trí quảng cáo, đặt thông báo tìm người, nghe nói các khách sạn lớn ở Xiêm Rệp, đặc biệt là dành cho người Hoa, đều đặt cả….”
Anh ta chợt dừng lời, tò mò nhìn Dịch Táp, lại nhìn xấp thông báo tìm người kia: “Isa, cô biết cậu ta hả?”
Dịch Táp đáp: “Không biết.”
Ngừng một chốc, lại thêm câu: “Món tiền thưởng này hấp dẫn tôi thôi.”
Cô rút một tờ trên giá ra.
Thì ra trông cậu ta như vậy.