Lúc ba người Kim Sân về đến nhà thì chân trời xuất hiện ráng chiều đỏ rực. Anh vội gọi con gái dậy: “Bé cưng, bé cưng à…”
Bà cụ Hồ vừa mở mắt ra bèn nhìn thấy những áng mây ngũ sắc bồng bềnh trên bầu trời, giống như là sắp đáp xuống mặt đất vậy, đẹp đến nao lòng.
Bà ngơ ngẩn ngắm nhìn, sau đó ngu ngơ nói: “Đẹp… đẹp quá đi à!”
Kim Sân biết ngay là con gái sẽ có phản ứng thế này mà. Con gái anh luôn không thể kìm lòng trước những thứ đẹp đẽ.
Bà xoay người mở cặp ra, sau đó ngồi trên chiếc ghế nhỏ trong vườn hoa, đặt bản vẽ lên đùi, bắt đầu vẽ tranh.
“Đẹp quá là đẹp, con phải vẽ lại mới được.”
Ánh chiều tà tắt dần, những áng mây rực rỡ cũng bị màn đêm lấn át. Bà cụ Hồ nhìn những chòm mây mình vẽ, cảm thấy nó không đẹp bằng cảnh thật.
Kim Sân ngồi bên cạnh bà, nói: “Bé cưng vẽ đẹp quá.” Trước kia bà từng học vẽ nên bây giờ, dù không có ký ức thì bà vẫn nhớ phải vẽ thế nào. Những áng mây màu đỏ hồng dần xuất hiện trên trang giấy.
Bà cụ cúi đầu ủ rũ. “Nhưng không đẹp bằng cảnh thật khi nãy. Lúc nãy bầu trời thật là đẹp, con vốn muốn vẽ lại để khi nào muốn thì mang ra ngắm.”
Bà cũng biết những đám mây rực rỡ ấy lâu lắm mới có một lần.
Kim Sân ngần người, không biết phải an ủi con gái thế nào. Đến nỗi đau trong lòng anh còn không biết phải làm sao để chữa lành kia mà.
Bà cụ Hồ đột nhiên ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại. “Con nghĩ ra rồi, nhắm mắt lại là nhìn thấy được.”
Trước mắt bà như lại hiện lên cảnh chiều tà say đắm lòng người khi nãy. Bà nhắm mắt lại, trong đầu cũng hiện lên hình ảnh đó nên vui vẻ nói: “Thật là đẹp quá đi!”
Tối đến, trước khi đi ngủ, bà cụ Hồ quấn lấy ba mình đòi kể chuyện công chúa Kẹo Bông.
Kim Sân đắp lại chăn cho con gái, tiếp tục kể chuyện: “Lần trước công chúa Kẹo Bông đã cứu được hoàng tử cho nên nàng và hoàng tử cùng có một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ.”
Bà cụ Hồ mở to mắt, ngạc nhiên hỏi: “Sau đó thì sao ạ?”
Kim Sân nói: “Sau đó… hết rồi. Thôi để ba kể cho con nghe chuyện về nàng công chúa khác nha. Cô ấy cũng có mái tóc trắng.” Những chuyện sau này khi lớn lên, có quá nhiều gian khổ, Kim Sân không muốn kể cho con gái nghe. Anh luôn hy vọng trong thế giới của con không có những gian khổ ấy.
Bà cụ Hồ nghĩ ngợi rồi đáp: “Vậy cũng được. Con còn muốn nghe chuyện về công chúa.”
“Lần này ba kể cho con nghe câu chuyện về nàng câu chúa ước nguyện. Ngày xửa ngày xưa có một nàng công chúa, chỉ cần cô ấy ước nguyện điều gì thì nguyện vọng đó sẽ thành hiện thực.”
Bà cụ Hồ: “Lợi hại ghê.”
Ông cụ Hồ ở bên cạnh lập tức nhớ đến câu chuyện về hoàng tử ước nguyện mà vợ ông kể trước kia. Nội dung của câu chuyện đại khái là có một hoàng tử, chỉ cần chàng ước nguyện điều gì thì đạt được thứ mình muốn. Nhưng sau này, chàng dần nhận ra phải dùng đôi bàn tay chăm chỉ của mình để đạt được những thứ ấy thì mới cảm thấy hạnh phúc vui vẻ.
Hai cha con nhà này có một tủ những câu chuyện “gia truyền” sao?
Ai ngờ ông bèn nghe cha vợ mình kể đến đoạn: “Có một ngày, công chúa ước nguyện phát hiện những nguyện vọng của mình đều trở thành hiện thực là vì mình có mái tóc trắng. Thì ra nguyện vọng của tất cả những người có mái tóc trắng đều sẽ trở thành hiện thực, họ chỉ cần đặt tay lên tóc mình, nhắm mắt lại, nói ra nguyện vọng là được.”
Bà cụ Hồ mở to mắt, sờ lên mái tóc trắng của mình. “Ba ơi, tóc của con cũng màu trắng này!” Bà nghĩ là ba không để ý đến.
Kim Sân vờ như mới phát hiện ra, nói: “Đúng ha, bé cưng cũng có mái tóc trắng.”
Bà vui vẻ nói: “Nói không chừng con cũng là công chúa ước nguyện đó.”
Kim Sân nhìn đồng hồ, đeo đồ bịt mắt lên cho con gái: “Công chúa ước nguyện cũng phải ngủ trước giờ đêm.”
Bà cụ Hồ ngáp một cái, ngoan ngoãn đeo bịt mắt vào, nói: “Ba ngủ ngon, anh Thừa Khiếu ngủ ngon!”
Kim Sân và ông cụ Hồ đi ra ngoài. Họ vừa đi, bà cụ Hồ lập tức tháo bịt mắt ra, sờ lên mái tóc trắng của mình, nói với vẻ mặt thành kính:
“Mình hy vọng ba không còn buồn nữa, chân của anh Thừa Khiếu không còn đau nữa. Mình muốn… ừm, gì nữa nhỉ…”
“À, mình hy vọng ngày mai vẫn được nhìn thấy những đám mây xinh đẹp kia.”
Ngoài cửa, Kim Sân nhắm mắt lại.
——
Ngày hôm sau, khi bà cụ Hồ thức giấc, tháo bịt mắt ra bèn nhìn thấy một bức tranh sơn dầu được treo đối diện giường, cách đó hơn một mét. Trong bức tranh, bầu trời tràn ngập những áng mây ngũ sắc sặc sỡ, trông nặng nề lại rung động lòng người. Ở phía dưới là mặt đất với hoa cỏ xanh tươi, một cô bé có mái tóc trắng đang đứng trên đồng cỏ, ngửa đầu nhìn lên bầu trời. Cô bé được vẽ rất nhỏ, chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trong bức tranh nhưng cả bức tranh lại trở nên êm đềm, tươi đẹp hơn nhờ cô bé ấy.
Mắt bà sáng lên, vội vã xuống giường mà không kịp mang giày, đi đến trước bức tranh. “Đẹp quá đi à!”
Bà vốn định ôm bức tranh sang cho ba xem nhưng phát hiện ra mình không ôm được, chỉ có thể chạy ra và gọi: “Ba ơi ba, anh Thừa Khiếu ơi, mọi người mau đến xem này!”
Kim Sân và ông cụ Hồ vừa đi ra bèn bị bà kéo ngay vào phòng mình. “Ba ơi, anh Thừa Khiếu ơi, bức tranh này đẹp chưa kìa!”
Bức tranh này được Kim Sân vẽ suốt cả đêm. Anh nhìn con gái, nhẹ nhàng bảo: “Lạ thật, sao tự nhiên lại có bức tranh đẹp thế này ở đây nhỉ?”
Bà cụ Hồ bất ngờ vui vẻ nhảy vòng vòng. “Ba ơi, hôm qua con đã ước nguyện đó. Con nói hôm nay muốn nhìn thấy những đám mây xinh đẹp, chắc chắn là công chúa ước nguyện vẽ cho con rồi.”
Sực nhớ ra điều gì, bà vội che miệng cười, vô cùng vui vẻ.
Ông cụ Hồ nhìn cha vợ. Thế có ổn không đây?
Ông lo bây giờ vợ mình đang như trẻ con, phát hiện điều ước của mình có thể trở thành hiện thực bèn ước nguyện lung tung.
Nhưng khi đến trường, ông mới phát hiện mình đã lo xa quá rồi. Bà cụ Hồ hoàn toàn quên mất chuyện nguyện vọng của mình có thể trở thành hiện thực, bà ngoan ngoãn nghe giảng, đi cho gà ăn, còn chạy bộ nữa nên bận đến quên cả đất trời.
Tới trưa, ông cụ Hồ dắt tay bà đi đến nhà ăn. Ông hỏi nhỏ: “Bé cưng, sao em không ước nguyện nữa?” Chẳng phải trẻ con thường thấy thứ gì thú vị thì sẽ chơi không chán sao.
Bà cụ Hồ nhìn ông như nhìn đứa trẻ không hiểu chuyện, khẽ trả lời: “Anh Thừa Khiếu, không được như thế nhé. Chúng ta không được ước nguyện nhiều, nếu ước nhiều quá thì sẽ không còn linh nghiệm nữa đâu.”
Ông cụ Hồ: “…” Hình như cũng có lý.
Bà bưng khay cơm đầy dưỡng chất đặt xuống bàn, ông thì đi lấy canh cho hai người.
Bà đỏ mặt nói với bà lão bác sĩ thẩm mỹ: “Tùng Tùng, bạn trông giúp mình khay cơm một lát nhé, mình sẽ ngay lại ngay.”
Bà lão bác sĩ lấy làm lạ, hỏi: “Bạn đi đâu đó? Có cần mình đi cùng không?”
Mặt bà cụ Hồ càng đỏ hơn, mắt thì đảo lung tung, lắp ba lắp bắp nói: “Không có gì… Mình… đi một mình được rồi.”
Bà lão bác sĩ thấy hơi lạ, sau đó bèn nhìn thấy bà cụ Hồ đến khu để trái cây sau đó nhanh chóng bưng một đĩa cherry tươi ngon mọng nước đến bàn của mình.
Bà lão bác sĩ cảm thấy hơi ngạc nhiên, lấy trái cây thôi mà, làm gì căng thẳng thế?
Bà hỏi: “Em Chúc Chúc, hôm nay em không được khỏe à?” Bà vừa hỏi vừa đưa tay ra, hiền lành sờ lên trán bà cụ Hồ.
Trán không nóng nhưng mặt lại nóng.
Bà cụ Hồ nhìn chằm chằm vào đĩa cherry, nói: “Không sao cả.”
Bà lão bác sĩ xác định bà không bị sốt thì thở phào, bảo: “Vậy ăn cơm thôi.”
Lúc này ông cụ Hồ cũng đã bưng canh đến, muỗng thì đặt sẵn trong chén canh.
Bà cụ Hồ bắt đầu ăn thật nhanh. Ông bảo: “Ăn chậm thôi nào.”
Bà ừm một tiếng.
Bà lão bác sĩ cảm thấy hơi kỳ lạ, em Chúc Chúc có vẻ khác thường lắm. Vì thế bà vừa ăn cơm vừa lén quan sát bà cụ Hồ.
Bà thấy bà cụ Hồ vội vàng ăn xong canh rồi chậm rãi ăn cơm với thức ăn, sau đó ăn vài quả cherry. Tiếp đó nữa, bà cầm vài trái cherry thật to trong tay, đưa mắt nhìn dáo dác, cuối cùng từ từ rụt tay lại.
Tay lén đưa xuống dưới bàn, sau đó cho vào túi áo.
Một giây sau, bà lại đưa tay lên bàn, cả người trông nhẹ nhõm hẳn.
Bà lão bác sĩ cảm thấy rất kỳ lạ.
Hôm nay em Chúc Chúc có vẻ khác thường thế là vì lén lấy trộm vài quả cherry bỏ vào túi sao?
Bà cụ Hồ quay qua thì bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên không thôi của bà lão bác sĩ.
Mặt bà đỏ ửng lên, nhoài tới gần, thì thầm vào tai bà lão bác sĩ. “Tùng Tùng, bạn nhìn thấy rồi phải không? Bạn đừng nói với người khác nha.”
Nhất thời, bà lão bác sĩ không biết phải nói gì. Tạm chưa nói đến việc trái cây bày ra là để họ ăn, dù không phải, bà có dọn sạch cả nhà ăn này thì cũng không ai dám nói gì, sao mấy trái cherry mà quý như vàng vậy?
“Có phải tới chiều em bị đói không?” Nếu là thế, bà sẽ cân nhắc để nói chuyện với hiệu trưởng.
Bà cụ Hồ nói nhỏ: “Quả cherry này đắt lắm, đắt lắm luôn. Em muốn mang về cho ba ăn, ba em thích ăn cái này.”
Bà nghe những người khác nói cherry rất đắt cho nên họ rất muốn mang về cho người nhà ăn, bởi vì trong nhà không nỡ bỏ tiền mua.
Bà lão bác sĩ: “…” Nếu kết hôn nhà nước có phát cho đứa con gái đáng yêu thế này không? Bây giờ nhận nuôi có phải muộn rồi không?
Bà nói với bà cụ Hồ. “Tất cả những thứ ở đây đều do ba em mua đó. Chỉ cần em không vứt lung tung thôi, muốn lấy thứ gì cũng sẽ không ai nói tiếng nào.”
“À không, dù em có vứt xuống đất rồi giẫm lên thì cũng sẽ không ai nói gì.” Bà lão bác sĩ đính chính lại.
Bà cụ Hồ cau mày. “Thứ ngon lành thế này sao có thể vứt xuống đất được. Vậy thì lãng phí quá.”
Ngay sau đó, bà lập tức phản ứng lại. “Đây là do ba em mua ư? Nhưng mọi người nói không được mang trái cây đi, chỉ được ăn ở đây mà.”
Bà lão bác sĩ đáp: “Cũng không hẳn là vậy.”
Nếu những người khác chỉ mang vài quả cherry đi thì cũng không ai nói gì.