Kim Sân và thần im lặng đứng ngoài cửa, những hình ảnh không ngừng xuất hiện trước mắt. Bỗng, điện thoại của Kim Sân reo lên.
Cúi đầu nhìn thì thấy là điện thoại con gái gọi đến, có lẽ là nửa đêm thức dậy không thấy ba đâu.
Kim Sân và thần rời khỏi không gian đó, để Hồ Đào ở lại.
Sau khi ra ngoài, Kim Sân nghe máy. “Ba ở ngoài, lát nữa sẽ về ngay.”
Đầu bên kia, con gái anh thở phào một cái, nói: “Dạ được, ba về sớm nhé.”
Kim Sân trò chuyện thêm vài câu rồi ngắt máy.
Thần nhìn Hồ Đào ở bên kia, lấy làm lạ. “Rõ ràng nhận lỗi là xong. Chúng ta nể tình Chúc Chúc, sẽ không làm gì nó.”
Kim Sân không hề quay đầu lại, hờ hững nói: “Nó là con mà.”
Anh dần ý thức được rằng trong suy nghĩ của Hồ Đào, nó mãi mãi là một đứa trẻ cần được cha mẹ yêu thương, cha mẹ mãi mãi là những người che chở vững vàng nhất.
Kim Sân làm tử thần đã nhiều năm, đã chứng kiến nhiều tình huống còn khó tin hơn. Đúng vậy, tuy Hồ Đào không xấu xa như những kẻ gian ác khác nhưng Kim Sân vẫn không thể chịu đựng được việc nó bạo hành lạnh đứa con gái cưng của anh. Chỉ nhìn Hồ Đào bực bội gắt gỏng quát con gái thôi là anh đã không kìm được, muốn đập cho một trận.
Gió đêm nhẹ nhàng thôi. Hai chàng trai trẻ mặc đồ đen cất bước đi trong bóng đêm.
Kim Sân quay đầu qua, nói: “Cảm ơn ba.”
Kim Sân có thể xem lại vết tích của thời không, thần lại có thể tái hiện lại những ký ức đó. Tất cả những gì họ nhìn thấy lúc nãy đều là do thần tạo ra.
Thần ngẩn ra, hơi xấu hổ. “Không cần khách sáo thế.” Cha con họ không thích hợp nói những câu ôn hòa tình cảm như vậy. Ông cứ cảm thấy không khí là lạ thế nào, vì thế tằng hắng mấy tiếng, cuối cùng lảng sang chuyện khác. “Hồ Đào vẫn khăng khăng không nhận sai. Chắc là nó cảm thấy bạo hành lạnh một người già cũng không ai nói gì.”
Thần cảm thấy khá thú vị. Xã hội loài người luôn hô hào cha mẹ không được bạo hành lạnh con cái, phải quan tâm đến đời sống tinh thần của những đứa trẻ nhưng lại có rất ít người kêu gọi những người trưởng thành đừng bạo hành lạnh cha mẹ già nua của mình, phải quan tâm đến đời sống tinh thần của các cụ.
Một số người kêu gọi các bậc cha mẹ đừng xem con cái là tài sản sở hữu của mình, hãy cho đứa trẻ tự do; một số khác thì lại xem tài sản của cha mẹ là tài sản của mình.
Thần ngẫm nghĩ một lát rồi cảm thán: “Làm con người đúng là khổ.” Thảo nào anh của ông bảo ông nên tránh xa con người ra.
Kim Sân nhớ đến con gái, lòng cảm thấy vô cùng bất lực. Nhưng ba đã nói đến chuyện này nên anh cũng tiếp lời: “Thì đúng là sẽ không ai nói gì.”
Nếu không có anh, con gái anh chỉ là một bà già bình thường không có chỗ dựa, con bé sẽ phải sống những ngày tháng sợ hãi trước thế giới này, thậm chí những người khác cũng sẽ chỉ nhẹ nhàng nói một câu: “Người già mắc bệnh này, lâu dài ai mà chịu nổi.”
——
Khi về đến nhà, Kim Sân thấy con gái con rể đang ngồi trên thảm. Con gái đang vẽ gì đó, con rể thì ngồi bên cạnh nói chuyện.
Kim Sân đi đến gần thì thấy con gái anh đang vẽ những đóa hoa rực rỡ lên trang giấy.
Bà cụ Hồ quay đầu lại bèn nhìn thấy ba và ông nội: “Ba, ông nội, hai người đi đâu chơi vậy ạ?”
“Ba và ông nội ra ngoài đi dạo, sao con lại thức dậy rồi?” Kim Sân hỏi.
Bà cụ Hồ nhe răng ra. “Lúc đi ngủ con lại bị rụng mất một cái răng nữa. Ba ơi, cái răng này có thể trồng lại không?”
“Được chứ. Mai ba dẫn con đến bệnh viện trồng răng.”
Bà cụ Hồ nghe nói cái răng này cũng trồng lại được thì lập tức thở phào.
Kim Sân nhìn dáng vẻ vui vẻ thở phào của con gái, lòng cảm thấy xót xa. Nếu không có anh, phải chăng con gái sẽ phải một mình đối mặt với việc rụng răng?
Kim Sân dắt con gái về phòng, thầm nghĩ: mình ghét Hồ Đào như thế một nửa là vì Hồ Đào không xứng với tình thương mà Chúc Chúc đã bỏ ra, một nửa là vì chỉ nghĩ đến việc nếu anh không quay về, những ngày tháng còn lại con gái sẽ phải sống trong nơm nớp lo sợ – nỗi sơ vì xung quanh không có lấy một nụ cười.
——
Sáng sớm hôm sau, Kim Sân dẫn con gái đến bệnh viện. Bà cụ Hồ trồng răng, ông cụ Hồ cũng kiểm tra răng miệng. Dù ông cảm thấy răng mình không có vấn đề gì nhưng Kim Sân vẫn bắt ông kiểm tra.
Bác sĩ nghe bà cụ Hồ muốn trồng răng thì hơi bất ngờ vì tuổi của bà cũng khá cao rồi. Vì thế anh đề nghị: “Muốn trồng răng thì phải gây tê, tiêm thuốc tê hơi đau, đôi khi còn có phản ứng với thuốc gây tê nữa.” Bác sĩ nói không chắc chắn lắm.
Bà cụ Hồ nghĩ ngợi rồi nói: “Cháu… không sợ đau.”
Vừa nói xong, bà đột nhiên nhớ ra một chuyện, lập tức nuốt nước miếng, hỏi: “Tiêm chuốc tê là tiêm thuốc phải không?”
Bác sĩ nghe thế bèn hiểu được tư duy của bà. Anh gật đầu.
Bà cụ Hồ lập tức quay đầu lại, nói với ba mình: “Ba ơi ba, hay là để con đợi nó tự mọc lên đi.”
Kim Sân vẫn biết con gái mình có nỗi sợ hãi với kim tiêm.
Ra khỏi phòng nha, bà cụ Hồ kéo tay ba mình, nói: “Ba ơi, con có thể đi thăm Tùng Tùng được không? Bạn ấy bị bệnh rồi.”
Kim Sân chưa bao giờ ngăn cản con gái kết giao bạn bè.
Bà lão bác sĩ thẩm mỹ đã nằm viện hai ngày rồi. Bà là người ít khi bị bệnh nhất trong số các ông bà lão, lần này bệnh ập tới nhanh, cả người không còn chút sức lực nào, chỉ có thể nằm trên giường bệnh, nhìn ra ngoài cửa sổ.
“Tùng Tùng.” bà cụ Hồ gõ cửa phòng bệnh. Bà lão bác sĩ nằm phòng đơn, bên trong chỉ có mình bà.
Bà lão bác sĩ không có con cái, họ hàng thân thích vì chuyện tranh gia sản của bà mà cũng đã trở mặt nên khi nằm viện chẳng có ai đến thăm bà cả.
Bà lão bác sĩ nghe tiếng bèn quay đầu qua, nhìn thấy Kim Sân và hai ông bà bạn của mình đi vào. Bà cụ Hồ tay xách một túi hoa quả, tay ôm một bó hoa.
Bà lão bác sĩ ngẩn ra, khuôn mặt tái nhợt cố gắng nở nụ cười. “Sao bạn lại đến đây? Bài vở ở trường căng lắm, đừng để lỡ việc học.”
“Mình nghe cô giáo nói bạn bị bệnh nên đến thăm.” Bà cụ Hồ vừa nói vừa đặt túi cherry xuống, sau đó lại đặt bó hoa xuống bên cạnh.
Ba nói đi thăm bạn thân bị bệnh thì nên mang theo trái cây và hoa tươi.
Bà lão bác sĩ ngồi dậy một chút, nhìn ông cụ Hồ và Kim Sân ở phía sau, nói: “Mình có chuyện muốn nói riêng với cậu.”
Bà cụ Hồ quay đầu qua nói với ba mình: “Ba ơi, hay là ba và anh Thừa Khiếu ra ngoài chơi chút nha.”
Kim Sân do dự một chút. Anh có thể nhận ra bà lão này đang phát bệnh, ký ức hỗn loạn.
Ông cụ Hồ cũng nhận ra. Hai người đều do dự nhưng vẫn ra khỏi phòng. Chúc Chúc không phải là trẻ con, nó có khả năng phán đoán của mình.
Sau khi ra ngoài, ông cụ Hồ ngượng nghịu hỏi: “Ba, Hồ Đào nó…”
Đương nhiên ông cũng biết chuyện tối qua ba và ông nội đi tìm Hồ Đào. Ông không biết hai người lớn trong nhà muốn làm gì, bây giờ nhịn được phải hỏi.
Kim Sân lên tiếng đáp: “Ta để nó đi kiểm điểm lại mình rồi. Đợi khi nào nó hiểu ra thì sẽ cho nó về làm việc lại.”
Ông cụ Hồ cảm thấy đi kiểm điểm lại mình chắc chắn là đến nơi không hay ho gì. Ông do dự một chút rồi nghiêm túc nói: “Con không dạy dỗ nó đàng hoàng. Thằng bé Hồ Đào này làm ba ba phải nhọc lòng rồi.”
Kim Sân nhìn con rể, vỗ vai ông. “Con cứ gọi ba thôi, nghe quen hơn.”
Kim Sân bị đứa con rể già cả này gọi ba ba, thật sự không quen cho lắm.
Ông cụ Hồ bị ghét bỏ: “…”
——
Trong phòng bệnh, bà lão bác sĩ thấy hai người đã ra ngoài bèn nhẹ nhàng ôm lấy bà cụ Hồ, đau đớn nói: “Tuyết Tuyết, mình.. mất con rồi.”
Bà cụ Hồ ngẩn ra. “Tùng Tùng, bạn…”
“Mình không biết phải tâm sự với ai. Cậu đừng nói với người khác nhé.”
Bà cụ Hồ ôm lấy bạn mình, gật đầu. “Mình sẽ không nói với người khác.”
Bà không biết nên an ủi bạn như thế nào, chỉ có thể ôm chặt.
Một lát sau, bà lão bác sĩ tỉnh táo lại, lấy làm lạ hỏi: “Chúc Chúc, sao bạn lại ở đây?”
Bà cụ Hồ nói: “Mình nghe cô giáo nói bạn bị bệnh nên mình đến thăm.”
Bà lão bác sĩ xoa đầu bà. “Cảm ơn Chúc Chúc, vài ngày nữa mình sẽ về trường.”
“Vậy bạn phải mau về đó nha. Hôm qua mình giúp bạn cho gà con ăn, nó lớn thêm một chút rồi, chắc chắn nó rất nhớ bạn.”
Bà lão bác sĩ nở nụ cười. “Mình cũng hơi nhớ nó.”
“Cherry và dâu tây ở trường mình hết rồi, đổi thành đào và nho nhưng bây giờ mình bị rụng răng, không thể ăn đào và nho được.”
“Mấy người Trương Khai cũng rất nhớ bạn.” Trương Khai là ông lão bác sĩ tâm lý.
Bà cụ Hồ kể cho bạn nghe rất nhiều chuyện ở trường. Bà lão bác sĩ cũng chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại chêm vài câu.
Bà nghĩ, có lẽ đây là nguyên nhân người già thích có cháu trai cháu gái bên mình, thật náo nhiệt.
Sau khi tiễn bà cụ Hồ về, bà lão bác sĩ tự rút kim truyền dịch ra, ngồi dậy. Bây giờ bà không có mục tiêu, không có phương hướng, không có gì cả.
Một mình bà chậm rãi đi lang thang trên hành lang. Lúc xếp hàng chờ thang máy, có một nhân viên giao hàng trẻ đặc biệt nhường chỗ cho bà nữa. Bà xua tay bảo: “Bà không vội.” Đúng vậy, so với anh bạn giao hàng, thời gian của bà thong thả, không vội chút nào.
Bà nhàn nhã xếp hàng, đi vào thang máy. Cuộc đời này, bà đã từng vẻ vang kiêu hãnh, cũng từng suy sụp chán nản, cuối cùng tuy chỉ còn một mình nhưng nghĩ lại cũng chẳng có gì phải nuối tiếc.
Trên người bà mặc chiếc áo khoác, mu bàn tay chỗ truyền dịch vẫn còn rỉ máu. Bà ngồi trên băng ghế ngoài bệnh viện, nhìn dòng người qua lại.
Bà thật sự không thích bệnh viện. Chuyện đau đớn nhất cuộc đời bà xảy ra trong bệnh viện, mùi thuốc sát trùng cứ kéo bà về với những ký ức xưa cũ ấy.
Bây giờ hít thở không khí bên ngoài có lẫn mùi khói xe, bà bình tĩnh trở lại.
Bà thở dài một tiếng. Bà vẫn không thể nhớ ra tên của người đó.
Thật là lạ. Từ khi người đó ra đi, tên của anh ta dường như cũng bị xóa khỏi ký ức của bà, làm thế nào cũng không nhớ ra được cái tên ấy.
Rõ ràng câu nói ngọt ngào cảm động nhất mà người đó nói là: “Chỉ cần em gọi, anh sẽ xuất hiện bên cạnh em ngay.”
Vì chuyện này, bà cũng từng tìm đến bác sĩ tâm lý. Bác sĩ nói với bà có lẽ vì bị tổn thương quá sâu nên bà đã vô thức đã lựa chọn quên nó đi.
Bà ngồi hóng gió lạnh, thở dài một hơi. Con người ấy à, lúc còn trẻ đừng có mà mềm lòng, nếu không về già sẽ hối hận.
Chẳng hạn như bà đây, hiện giờ bà vô cùng hối hận. Năm đó không chịu báo cảnh sát, bây giờ hối hận thì có ích gì chứ?
Chân tay không lanh lẹ, đầu óc không minh mẫn, ngay cả tên của kẻ thù cũng không nhớ được.
Đúng là trừ tiền ra thì không có gì hết.