- Tất cả những điều tôi sắp nói với ông đây, ông không hiểu nổi đâu. Ông đã sống theo lối khác. Có một thế giới của các vùng ngoại ô, thế giới các đường xe lửa và xóm thợ. Rác rưởi, chật chội, nghèo đói, nhân cách của người lao động bị lăng mạ, người phụ nữ bị khinh khi rẻ rúng. Có sự trâng tráo không hề bị trừng phạt của sa đoạ và trác táng, của các gã công tử bột, của đám sinh viên con nhà giàu. Người ta pha trò hoặc nổi giận khinh bỉ trước những giọt nước mắt và lời thở than của những kẻ bị ăn cướp, bị sỉ nhục, bị lăng mạ. Quyền thống trị thuộc về những kẻ ăn bám lười biếng, những kẻ chỉ nổi bật ở chỗ chúng không bận tâm gì hết, không tìm gì hết, không đem tới hoặc để lại một cái gì tốt đẹp cho cuộc sống?
Còn chúng tôi, chúng tôi chấp nhận cuộc đời như một cuộc hành quân, chúng tôi dời non lấp biển vì lợi ích của những người chúng tôi yêu. Và mặc dù chúng tôi không đem lại cho họ được điều gì, ngoài sự đau khổ, chúng tôi không mảy may xúc phạm họ, bởi vì chúng tôi còn chịu hy sinh cực khổ hơn họ nhiều.
Nhưng trước khi tôi nói tiếp, tôi thấy mình có bổn phận báo với ông điều này. Sự thể như sau. Ông nên đi khỏi nơi đây, chớ nên trì hoãn, nếu ông còn ham sống. Vòng vây quanh tôi đang siết chặt, và dù nó kết thúc ra sao đi nữa, thì ông cũng bị liên lụy, ông đã dính đến hồ sơ về tôi chỉ bởi nguyên cái việc là ông ngồi nói chuyện với tôi. Ngoài ra, ở đây có nhiều chó sói, mới rồi tôi đã phải bắn chúng để tự vệ.
- À, thì ra là ông bắn?
- Vâng. Chắc ông đã nghe thấy. Lúc ấy tôi đang đi tới một chỗ ẩn náu khác, nhưng gần đến nơi, căn cứ vào các dấu hiệu khác nhau, tôi hiểu chỗ ấy đã bị lộ, và chắc rằng những người ở đó hẳn đã bị giết. Tôi sẽ lưu lại ở nhà ông chóng thôi, chỉ qua đêm nay, sáng mai tôi sẽ đi liền. Vậy xin phép ông, tôi kể tiếp:
Nhưng phải chăng những khu phố mờ ám, những cỗ xe sang trọng chở gái của bọn công tử ăn diện phóng như bay chỉ có ở Moskva, chỉ có ở nước Nga? Phố phường, phố phường ban đêm, phố phường ban đêm của thế kỷ, những con ngựa béo tốt thì ở đâu mà chả có. Cái gì đã thâu gộp thời đại này, cái gì đã gộp thế kỷ thành một chương mục trong lịch sử. Đó là sự phát sinh tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Những cuộc cách mạng đã nổ ra, những thanh niên giàu lòng hy sinh đã leo lên các chiến lũy. Các nhà chính luận cố vắt óc nghĩ cách kiềm chế sự trâng tráo hèn hạ của đồng tiền, đề cao và bảo vệ nhân phẩm của người nghèo. Chủ nghĩa Marx xuất hiện. Nó tìm ra căn nguyên của cái ác và phương thuốc chữa trị. Nó đã trở thành sức mạnh hùng hậu của thế kỷ. Nào rác rưởi, nào ánh hào quang thánh thiện, nào sự truỵ lạc, nào các khu thợ thuyền, những bản tuyên ngôn và những chiến luỹ, tất cả đều phát sinh từ các khu phố mờ ám của thế kỷ.
Chà, nàng xinh đẹp biết mấy khi còn là một thiếu nữ, một nữ sinh trung học? Ông chẳng biết gì đâu. Nàng thường đến chơi với cô bạn gái của nàng sống trong khu nhà của nhân viên đường xe lửa Brest. Hồi đó tuyến đường ấy mang tên như vậy, sau này đã bị đổi tên mấy lần. Cha tôi, hiện là thẩm phán toà án quân sự Yuratin, bấy giờ làm thợ cả ở khu vực nhà ga.
Tôi hay lui tới khu nhà kia và thường gặp nàng ở đó. Nàng còn là một thiếu nữ, một cô bé, nhưng đã có thể đọc thấy trên vẻ mặt và ánh mắt nàng tư tưởng căng thẳng, nỗi lo âu của thời đại Tất cả các đề tài của thời đại, toàn bộ nước mắt và sự hờn giận của thế kỷ, tất cả những thôi thúc, toàn bộ nỗi thù hằn chồng chất và niềm kiêu hãnh của thời đại đều được ghi trên khuôn mặt và trong dáng điệu của nàng, trong sự pha trộn giữa tính ngượng ngùng thanh tân và sự cân đối táo bạo của nàng. Có thể nhân danh nàng, qua đôi môi nàng mà đưa ra lời buộc tội thế kỷ. Ông phải đồng ý với tôi rằng đó không phải là chuyện tầm thường. Đó là thứ giống như một thiên chức, một phẩn thưởng quý giá. Phải có cái đó từ lúc bẩm sinh, phải có quyền mới được hưởng cái đó.
- Ông nói về nàng rất tài tình. Hồi ấy tôi đã được thấy nàng đúng như ông vừa tả. Cô nữ sinh trung học hoà hợp trong nàng với một nhân vật đang nắm giữ một bí mật không phải của trẻ con. Bóng nàng trải dài trên tường là sự vận động đầy lo âu để tự vệ Tôi đã thấy nàng như thế. Và tôi đang nhớ nàng đúng như thế. Ông vừa diễn tả điều đó rất tuyệt.
- Ông đã thấy nàng và đang nhớ nàng ư? Thế ông đã làm gì để được như vậy?
- Đó là một chuyện hoàn toàn khác.
- Thôi được. Không biết ông có thấy không, toàn bộ cái thế kỷ hai mươi này với tất cả các cuộc cách mạng của Paris, mấy thế hệ kiều dân Nga, bắt đầu từ Gersen (), tất cả những mưu tính thủ tiêu Sa hoàng, không được thực hiện hoặc đã được thực hiện, toàn bộ phong trào công nhân thế giới, toàn bộ chủ nghĩa Marx trong các nghị viện và đại học đường châu âu, toàn bộ hệ thống tư tưởng mới, với tính cách tân kỳ và mau lẹ của những kết luận, sự giễu cợt, toàn bộ sự tàn nhẫn mang tính chất phụ trợ được đưa ra nhân danh tình thương, tất cả những cái đó điều được Lenin hấp thụ và thể hiện dưới dạng khái quát bởi con người mình, để đả phá mọi tội lỗi của cái cũ như một hiện thân của hình phạt.
Bên cạnh Lenin nổi lên hình ảnh cực kỳ lớn lao của nước Nga, một đất nước trước mặt toàn thế giới, đột nhiên bừng sáng ngọn nến chuộc tội cho mọi tai ương bất hạnh của loài người. Nhưng tôi nói tất cả những điều đó với ông để làm gì nhỉ? Bởi đối với ông, đó chỉ là tiếng não bạt chập cheng, chỉ là các âm thanh trống rỗng.
Vì cô thiếu nữ ấy, tôi đã vào đại học, vì nàng tôi đã trở thành nhà giáo và đến dạy học ở cái thành phố Yuratin mà hồi ấy tôi chưa hề biết đến nay. Tôi đã ngốn hàng đống sách và tích luỹ vô vàn kiến thức để có ích cho nàng và có thể giúp được nàng ngay khi nàng cần tới tôi. Tôi đã ra mặt trận, để sau ba năm thành hôn lại chinh phục được nàng, rồi sau khi chiến tranh kết thúc và từ trại tù binh trở về, tôi đã nhân cơ hội bị người ta coi như đã chết, đội một cái tên giả để hoàn toàn hiến mình cho cách mạng, để đền bù cho nàng tất cả những thiệt thòi nàng đã chịu đựng, để xoá sạch những kỷ niệm đáng buồn ấy để không còn phải quay lại quá khứ, để không còn những khu phố mờ ám nữa. Và trong khi ấy hai mẹ con nàng, nàng và con gái tôi, ở ngay bên cạnh, ngay trong thành phố thôi? Tôi đã tốn bao sức lực để kìm hãm ước muốn lao tới tấp tới gặp mẹ con nàng! Nhưng tôi muốn hoàn thành sự nghiệp của đời mình trước đã. Ôi, lúc này tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được nhìn mẹ con nàng dù chỉ một lần thôi. Mỗi khi nàng bước vào phòng, thì hệt như cửa sổ tự mở ra; căn phòng tràn ngập ánh sáng và khí trời.
- Tôi biết trước đây ông yêu quý nàng đến mức nào. Nhưng xin lỗi ông, ông có ý niệm gì về tình yêu của nàng đối với ông không?
- Xin lỗi, ông vừa nói gì?
- Tôi nói, ông có biết nàng yêu ông đến mức nào, nàng yêu ông hơn hết thảy mọi người trên đời, hay không?
- Ông căn cứ vào đâu mà nói như vậy?
- Chính nàng đã nói với tôi như vậy.
- Nàng nói với ông?
- Vâng…
- Xin lỗi. Tôi hiểu, lời cầu xin của tôi là quá quắt, nhưng nếu điều này nằm trong phạm vi sự khiêm nhường và nếu ông đủ sức xin ông vui lòng nhớ lại thật chính xác, đúng từng lời mà nàng đã nói với ông.
- Tôi sẵn sàng. Nàng đã gọi ông là mẫu mực về một con người mà nàng chưa thấy ai có thể sánh nổi, là người duy nhất vươn tới tầm cao thành thực, nàng nói rằng giả dụ nàng trông thấy ở góc ở góc biển chân trời một lần nữa hiện ra ánh đèn ngôi nhà mà nàng với ông từng chung sống, thì nàng sẽ quỳ xuống, lết bằng đầu gối đến ngưỡng cửa ngôi nhà đó, dù nàng đang ở bất cứ đâu đi nữa.
- Xin lỗi ông. Nếu điều này không động chạm tới một cái gì bất khả xâm phạm của ông, xin ông vui lòng nhớ lại, nàng đã nói câu ấy khi nào, trong hoàn cảnh nào?
- Lúc nàng đang dọn dẹp căn phòng này. Kế đó nàng mang tấm thảm ra rũ ngoài sân.
- Xin lỗi, tấm thảm nào ạ? Ở đây có hai tấm.
- Tấm lớn ấy.
- Một mình nàng không mang nổi nó. Ông đã giúp nàng chứ?
- Vâng.
- Mỗi người, ông và nàng, cầm một đầu tấm thảm. Nàng ngửa mặt ra phía sau, vung cao hai tay như trên một cây đu, nàng quay đầu để tránh bụi bay mù, nàng nheo mắt và cười ha hả phải không? Phải vậy không ông? Tôi biết thói quen của nàng quá mà? Sau đó hai người đi lại phía nhau, gấp tấm thảm lại thoạt đầu gập đôi, sau đó gập tư, và trong lúc làm việc đó, nàng luôn miệng nói đùa và nô giỡn chứ gì? Phải vậy không ông? Phải vậy không ông?
Họ đứng dậy, mỗi người đi ra một cửa sổ và nhìn về một hướng khác nhau. Sau vài phút im lặng, Strelnikov lại gần Zhivago. Anh ta cầm hai bàn tay bác sĩ áp lên ngực mình và nói tiếp nói bằng giọng vội vã như cũ:
- Xin lỗi ông, tôi hiểu rằng tôi động chạm đến một cái gì quý báu và thầm kín. Nhưng nếu có thể, tôi còn muốn được hỏi thêm ông. Chỉ xin ông chớ bỏ đi. Đừng để tôi lại một mình.
Chính tôi sắp ra đi rồi. Ông thử nghĩ, sau sáu năm xa cách, sáu năm chịu đựng ghê gớm. Nhưng tôi cứ tưởng vẫn chưa giành hoàn toàn tự do. Tôi cứ tự nhủ phải giành lấy tự do trước đã bấy giờ tôi sẽ hoàn toàn thuộc về hai mẹ con nàng, hai bàn tay tôi sẽ thảnh thơi hoàn toàn. Ai ngờ mọi công lao xây đắp của tôi đã tan thành mây khói. Ngày mai người ta sẽ bắt tôi. Ông là người thân thiết và gần gũi của nàng. Có lẽ một ngày kia ông sẽ gặp nàng. Nhưng thôi, tôi cầu xin làm gì kia chứ?
Thật là điên rồ. Người ta sẽ bắt tôi và không để cho tôi được biện minh. Họ sẽ lập tức vồ lấy tôi, họ sẽ la ó chửi bới mà bịt miệng tôi lại. Tôi lại không biết cái trò ấy diễn ra như thế nào hay sao?
Chú thích:() Gersen A. I. ( - ), nhà cách mạng nhà văn nhà triết học Nga.