Bác Sĩ Zhivago

chương 206

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Một buổi sáng cuối tháng tám, Zhivago từ dưới bến xe điện ở góc phố Gazetnyi bước lên chuyến xe điện chạy ngược đường Nikitsaia từ Đại học Tổng hợp đến phố Kudrinskaia.

Đây là lần đầu tiên chàng tới làm vệc ở bệnh viện Botkin, hồi ấy gọi là bệnh viện Soldatelko. Có lẽ đây cũng là lần thứ nhất chàng đến bệnh viện ấy vì lý do công vụ.

Zhivago không gặp may. Chàng đi phải chiếc xe đã hư, cứ gặp hết tai hoạ này đến trục trặc khác. Khi thì một chiếc xe ngựa trật bánh xuống đường rày, chắn ngay phía trước, khiến tàu điện phải ngừng lại. Khi thì bên dưới sàn xe hoặc trên nóc toa hỏng bộ phận cách điện, điện bị chập mạch và có cái gì cháy nổ lách tách. Bác tài chốc chốc lại cầm cờlê bước xuống tàu, đi vòng quanh toa, chui vào gầm xe hoặc ngồi xổm lúi húi chữa chỗ bị hư hỏng ở giữa bánh xe và bậc lên xuống cuối toa.

Chuyến xe không may ấy cản trở giao thông trên toàn chuyến đường. Nhiều chuyến chạy sau đó đã bị nó chắn đường, cứ nối đuôi nhau mỗi lúc một dài. Đuôi đoàn xe đã ở quá sân Quần Ngựa và đang tiếp tục dài thêm. Những hành khách từ các chuyến xe đằng sau kéo lên chuyến xe đầu là thủ phạm gây ra cảnh tắc nghẽn, họ tưởng như thế sẽ tranh thủ được thời gian. Giữa buổi sáng nóng bức hôm đó, đứng trong toa tàu chật lèn thật là ngột ngạt. Phía trên đầu đám đông hành khách đang dồn từ các chuyến xe đằng sau lên, một đám mây đen tím bầm từ phía cổng Nikita đang đùn mỗi lúc một cao lên trời. Sắp có giông.

Zhivago ngồi trên một cái ghế cá nhân ở bên trái, bị ép sát vào cửa sổ. Vỉa hè bên trái đường Nikitskaia, chỗ có Nhạc viện, luôn luôn ở trước mặt chàng. Dù muốn hay không, tuy đang mải nghĩ đến chuyện khác song những người đi bộ và đi xe phía đường bên này đều lọt vào tầm mắt của chàng.

Chàng để ý đến một bà già tóc bạc phơ, đội mũ rơm màu sáng có đính mấy bông hoa cúc và hoa thủy sa bằng vải, mặc chiếc áo váy kiểu cổ màu tím nhạt, bó sát lấy người, tay vung vẩy một cái gói nhỏ dèn dẹt, đang chậm chạp lê bước. Bà lão có vẻ mệt lử vì nóng bức, chốc chốc lại dùng tấm khăn viền ren lau mồ hôi trên lông mày và trên môi, trên mặt.

Con đường bà lão đi song song với chuyến xe điện. Đã mấy lần Zhivago mất hút bóng bà, khi tàu được sửa xong lại chạy và vượt qua bà. Và mấy lần bà lại hiện ra trong tầm mắt chàng, khi xe điện lại bị hỏng, phải đỗ để sửa, bà lại đuổi kịp xe.

Zhivago nhớ đến các bài toán đố của học trò về cách tính thời gian và thứ tự của những chuyến xe lửa khởi hành vào các giờ khác nhau, chạy với vận tốc khác nhau; chàng muốn nhớ lại cách giải chung nhất các bài toán đó, nhưng không kết quả, chàng đành bỏ dở và chuyển sang những suy tưởng còn rắc rối hơn.

Chàng nghĩ về một số cuộc đời đang tiếp diễn bên nhau, đang vận động với tốc độ khác nhau, cuộc đời người này bên cạnh cuộc đời người kia, đến một ngày nào đó thì số phận người này vượt qua số phận người kia và ai là kẻ sống lâu hơn.

Chàng thấy một cái gì như nguyên lý tương đối được áp dụng vào trường đời nhưng cuối cùng chàng bị lẫn lộn lung tung, nên lại thôi không nghĩ đến sự giống nhau ấy nữa.

Một lằn chớp lóe sáng, kế đó sấm nổ vang. Chuyến tàu điện bất hạnh một lần nữa lại trục trặc ở đoạn dốc từ phố Kudrinskaia xuống Sở thú. Một lát sau, bà lão mặc áo tím hiện ra trong khung cửa sổ, vượt chiếc tàu và đi xa dần. Những giọt mưa nặng hạt đầu tiên đã rơi xuống đường, xuống người bà lão Một cơn gió cuốn đầy bụi, thổi rạp cả cây lá, tìm cách giật bay chiếc mũ của bà lão, lùa dưới váy bà rồi đột nhiên tắt hẳn.

Zhivago cảm thấy người nôn nao, mất sức, chân tay rã rời. Chàng gượng đứng dậy khỏi ghế, giật lên giật xuống hai cái dây đai giữ cửa sổ để mở nó ra. Nhưng chàng không mở nổi.

Người ta quát to với chàng rằng cánh cửa sổ đã bị đóng chết vào khung, nhưng chàng đang cố thắng cơn buồn nôn, cơn lo sợ nào đó, nên chàng không biết là người ta đang quát bảo chàng và chàng không để ý xem họ nói gì. Chàng tiếp tục giật lên giật xuống cái khuôn cửa về phía mình và đột nhiên cảm thấy một cơn đau chưa từng thấy và khó bề cứu vãn ở trong ngực. Chàng hiểu rằng chàng đã làm đứt tung một cái gì đó trong người mình, đã gây ra một hành động chết người và thế là hết. Ngay lúc ấy, chuyến tàu điện bắt đầu chuyển bánh, nhưng chạy được vài chục mét trên đường Presna, nó lại phải đỗ

Bằng một nỗ lực phi thường của ý chí, chàng lảo đảo cố len qua đám đông hành khách đứng chật ních cả lối đi giữa các hàng ghế, lần ra được bậc lên xuống cuối toa. Mọi người không chịu cho chàng len qua, cứ hậm hà hậm hực với chàng. Chàng cảm thấy luồng không khí mát làm cho chàng hồi sinh, có lẽ tất cả chưa phải là hết, có lẽ đã dễ chịu hơn.

Chàng lại bắt đầu len qua đám người bu chật bậc lên xuống, chàng bị họ chửi rủa, xô đẩy huých vào người. Chẳng thèm để ý đến tiếng chửi bới, chàng chen qua, từ trên bậc toa của chuyến tàu đang đỗ bước xuống đường, bước một bước, hai bước, ba bước, rồi ngã vật xuống mặt đường lát đá để không bao giờ dậy nữa.

Tiếng xôn xao nổi lên cùng với những câu tranh cãi, những lời khuyên. Mấy người đứng trên bậc toa bước xuống, vây quanh người bị ngã. Chẳng mấy chốc họ đã xác định rằng chàng đã tắt thở và tim ngừng đập. Từ hai bên vỉa hè, người ta kéo tới chỗ đám đông vây quanh nạn nhân, kẻ thì yên tâm, kẻ lại thất vọng trước việc người chết nằm đó không phải bị tàu cán, nên chẳng liên can gì đến chuyến tàu. Đám người mỗi lúc một đông thêm. Bà lão mặc áo tím cũng đến gần, đứng một lát, nhìn mặt người chết, nghe mọi người bàn tán, rồi lại tiếp tục đi. Bà lão là một ngoại kiều, nhưng cũng hiểu là một số người khuyên nên khiêng xác nạn nhân lên tàu điện chở tới bệnh viện, một số khác bảo rằng phải gọi công an. Bà lão bỏ đi, chứ không chờ xem người ta quyết định ra sao.

Bà lão mặc áo tím là người Pháp, quốc tịch Thụy Sĩ, chính là Mazmoaden Flori ở Meliuzev, giờ đã già lụ khụ. Suốt mười hai năm nay bà làm đơn xin phép hồi hương. Mãi gần đây, đơn từ của bà mới được giải quyết xong xuôi. Bà lên Moskva để nhận thị thực xuất cảnh. Hôm ấy bà tới toà đại sứ nước bà để nhận nó, vừa đi vừa phe phẩy quạt bằng các thứ hồ sơ giấy tờ được bọc trong một tờ bìa và buộc một dải băng. Bà đi vượt chuyến tàu điện lần thứ mười, hoàn toàn không biết rằng bà đã vượt Zhivago và sống lâu hơn hẳn chàng.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio