Kostet ngồi trên tấm ván thượng với gia đình Zhivago và cứ mút chùn chụt cái chân thỏ mà gia đình khoản đãi ông ta. Ông ta rất sợ gió lùa và cảm lạnh. "Gió quá! Gió thổi từ phía nào thế nhỉ?" - Ông ta hỏi và luôn luôn đổi chỗ ngồi để tìm nơi kín gió. Cuối cùng ông ta chọn được một chỗ hoàn toàn khuất gió, miệng nói: "Bây giờ tốt rồi", ông ta nuốt miếng cuối cùng, liếm láp các ngón tay, lấy khăn ra lau, cảm ơn chủ nhân và nhận xét:
- Chắc gió từ cửa sổ lọt vào? Thế nào cũng phải bít kín lại. Nhưng ta hãy trở lại đề tài tranh luận. Bác sĩ lầm đấy nhé. Thỏ rán là món ăn tuyệt diệu. Nhưng từ đó rút ra kết luận rằng nông thôn đang sống sung túc, thì xin lỗi bác sĩ, cái đó ít nhất là quá táo bạo, nếu không nói là vô cùng liều lĩnh.
- Ồ ai bảo ông thế? - bác sĩ Zhivago phản đối. - Ông hãy nhìn về các nhà ga đi. Cây chưa bị chặt. Các hàng rào vẫn nguyên vẹn. Rồi còn các thứ chợ đen! Các bà nhà nhà quê kia! Hay biết mấy đi chứ! Ở đâu đó vẫn còn sống được. Vẫn có người sung sướng. Chẳng phải ai cũng rên rỉ. Điều đó biện minh cho hết thảy những điều khác.
- Giá được thế thì tốt quá. Đằng này đâu phải như vậy.
- Căn cứ vào đâu mà bác sĩ nói như thế đã nào? Bác sĩ thử đi tới bất cứ nơi nào cách xa đường tàu một trăm dặm sẽ thấy. Đâu đâu dân quê cũng nổi dậy. Bác sĩ sẽ hỏi họ chống ai? Chống bạch vệ và chống cả Hồng quân, tuy địa phương ấy nằm dưới chính quyền nào. Chắc bác sĩ sắp bảo tôi, à, vậy ra dân quê thù địch với mọi chính quyền, tự họ không biết họ muốn gì. Xin lỗi bác sĩ, nhưng cái họ muốn hoàn toàn không giống cái tôi và bác sĩ muốn đâu. Khi cách mạng đã thức tỉnh họ, họ tin tưởng rằng họ đang thực hiện giấc mơ muôn thuở của họ về cuộc sống riêng tư cuộc sống vô chính phủ ở trại ấp bằng sức lao động của hai bàn tay họ, chẳng luỵ thuộc vào ai và có bổn phận với bất cứ ai. Nhưng sau khi thoát khỏi nanh vuốt của bộ máy thống trị cũ đã bị lật đổ, họ lại sa vào thứ kìm kẹp còn xiết chặt hơn nữa của siêu nhà nước cách mạng mới. Bởi thế dân quê mới điêu đứng và không tìm sự yên ổn ở bất kỳ đâu. Vậy mà bác sĩ bảo nông dân đang sống sung túc. Ông bạn quý của tôi ơi, ông chưa biết gì hết, và, theo chỗ tôi thấy, ông cũng chẳng muốn biết.
- Thì đã sao, đúng là tôi không muốn biết đấy. Hoàn toàn đúng. Ấy, hượm đã nào! Nhưng tôi biết tất cả, tôi khổ tâm lo lắng về tất cả mọi cái để làm gì nào? Thời đại chẳng buồn đếm xỉa đến tôi và cứ áp đặt cho những gì nó muốn. Thì hãy cho phép tôi coi thường các sự thực. Ông bảo lời tôi nói không ăn khớp với thực tế Nhưng ở nước Nga bây giờ có thực tế hay không? Theo tôi, người ta doạ dẫm thực tế đến nỗi nó phải lẩn trốn. Tôi muốn tin rằng thôn quê đã thắng cuộc và đang phồn vinh. Nếu điều đó cũng sai, thì tôi biết làm gì được nữa? Tôi còn biết sống bằng gì, biết nghe theo ai? Mà tôi lại phải sống, tôi còn có gia đình.
Bác sĩ Zhivago phẩy tay, nhường lời cho nhạc phụ tranh luận nốt với Kostet, chàng nhích ra mép ván dùng làm chỗ nằm, nghiêng đầu mà nhìn những gì xảy ra bên dưới.
Ở bên dưới, Pritulev, Voroniuc, Chiagunova và Vasia đang nói chuyện với nhau. Vì tàu sắp chạy qua vùng quê của Pritulev, nên anh ta nhắc đến cách đi về làng; tàu đỗ ở ga nào thì xuống, rồi đi tiếp ra sao, cuốc bộ hay leo lên xe ngựa. Khi nghe nhắc đến các tên làng, tên xã quen thuộc, Vasia lại nhảy cẫng lên, mắt sáng rực, say sưa nhắc lại các địa danh ấy, bởi vì chỉ riêng việc kể tên chúng ra cũng đã đem lại thích thú cho cậu như một chuyện cổ tích thần kỳ.
- Chú xuống ga Suối Cạn à? - cậu nghẹn ngào hỏi lại.
- Đúng rồi! Ga Suối Cạn! Xuống ga ấy là về làng cháu đấy! Sau đó chắc chú sẽ đi qua làng Buiski chứ?
- Ừ qua làng Buiski.
- Cháu đã bảo mà, làng Buiski, ai chả biết! Đến đấy là phải quẹo. Từ đấy cứ đi theo tay phải là về đến làng cháu, làng Veretenich ấy. Còn về làng chú, thì tới con sông là rẽ tay trái. Chú Pritulev biết sông Penga chứ? Ôi, tất nhiên là chú biết. Dòng sông quê cháu đấy, cứ men sông, cứ theo đường bờ sông mà đi sẽ đến làng cháụ. Làng cháu nằm ngay trên bờ sông Penga, làng Veretenich ấy! Ở chỗ bờ sông dốc nhất ấy! Dốc ơi là dốc! Đứng trên cao không dám nhìn xuống, chóng mặt lắm? Chỉ sợ lăn tròn xuống thôi. Cháu chả bịa đâu. Chỗ ấy nhiều đá, dân làng đem về đẽo làm cối xay. Mẹ cháu ở đó, ở làng Vereterích. Cả hai đứa em gái của cháu nữa. Em Alenca và em Aria. Mẹ cháu tên là Palasa, cũng trẻ và trắng như cô Pelaghea Milovna đây này. Chú Voroniuc ơi, cháu lạy chúr Cháu xin cầu Chúa phù hộ cho chú! Chú Voroniuc ơi!
- Mi hiểu cái chi? Mần răng () mà mi cứ luôn miệng kêu "Chú Voroniuc ơi, chú Voroniuc hỡi" mãi thế? Mi tưởng tao hổng biết tao là chú Voroniuc, chứ hổng có phải là ả Voroniuc hả? Mi cần cái chi, mi ưng cái chi? Muốn tao thả mi ra, phải hôn? Biểu ta coi! Cho mi chuồn, để tao thế mạng à, đồ cù lần?
Chiagunova lơ đãng nhìn về phía xa, lẳng lặng không nói gì Chị ta xoa đầu Vasia và cứ vuốt vuốt mái tóc của cậu thiếu niên với dáng điệu nghĩ ngợi, trù tính điều gì đó. Thỉnh thoảng chị ta cúi xuống, bằng cử chỉ lắc đầu, bằng ánh mắt, hoặc nụ cười, chị ta ra hiệu cho Vasia, ngụ ý bảo cậu đừng xin xỏ Voroniuc trước mặt mọi người nữa. Hãy chịu khó chờ vài bữa, rồi mọi sự đâu sẽ vào đó, đừng lo.
Chú thích:
() Trong nguyên văn, anh lính Voroniuc nói bằng thổ ngữ của một vùng của Ucraina, không thuộc nước Nga.