Bạch Cốt Đạo Cung

quyển 2 chương 11: truyền đạo

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Dịch: Hoa Gia Thất Đồng

Thanh Dương Tử đương nhiên hiểu rõ bản lĩnh cao thâm của tộc Cửu Lê. Cũng như pháp thú sinh ra từ trong thiên địa, chú thuật của họ kỳ dị khôn lường. Thần thông của tộc Cửu Lê đã khiến Thanh Dương Tử của hai mươi năm về trước cảm thấy áp lực nặng nề; ngay cả trong hiện tại, y vẫn khó có thể nhìn thấu được Cửu Thiên.

Thanh Dương Tử buột miệng nói:

“Từ tộc Cửu Lê các huynh có thể thấy, Vu tộc chắc chắn đã từng là một tộc nhân lớn mạnh trong trời đất. Cớ sao lại chẳng có lấy một truyền thuyết nào về Vu tộc lan truyền trong cõi thiên địa này?”

“Đó là bởi khoảnh trời đất này chẳng phải cõi thiên địa đã thai nghén nên Vu tộc ta.” Cửu Thiên lạnh lùng đáp - mỗi một câu nói của gã đều ngầm chứa sát khí.

Thanh Dương Tử hiểu gã đang tu luyện một môn công pháp của tộc Cửu Lê gọi là “Hàm Sát Luyện Thần Chú”. Người tu luyện công pháp này nhất thiết phải duy trì thường trực một niệm sát ý trong lòng. Dùng sát ý này để luyện thần, đợi đến khi đạt tới cảnh giới cao thâm, thì chỉ trong một niệm đã có thể giết người trong vô hình. Thế nên, bất luận gã nói chuyện cùng ai, trong lời nói của gã đều có sát khí lẩn khuất như thế.

Cho đến nay, Thanh Dương Tử hãy còn nhớ rõ, hai người lần đầu gặp nhau là tại một pháp hội nhỏ. Bấy giờ, cả hai đều đang ở bên dưới lóng tai nghe mấy vị cao nhân xuất thế luận đạo diễn pháp nơi đấy.

Trên đài bấy giờ là một vị đại tu sĩ dáng vẻ ngạo mạn đến từ Thanh Phong Môn, xa gần đều biết tiếng. Chỉ thấy đại tu sĩ kia cầm trên tay một ngọn lửa, lại dùng lửa ấy mà viết nên một đoạn kinh văn giữa hư không. Kinh văn viết nên từ lửa, song lại ngưng kết chứ không tản mác. Lại nghe vị đại tu sĩ dáng vẻ kiêu ngạo ấy cất lời cao thâm:

“Kinh văn lửa này một khi đã sinh ra, thì sẽ có uy lực đốt sông nấu bể.”

Lời hắn vừa dứt, tay áo liền phất. Đoạn kinh văn từ lửa kia bị tay áo của hắn phất bay đi, rồi rơi xuống một ngọn núi ở cách đó khá xa. Chỉ trong khoảnh khắc, đỉnh núi đã hừng hực lửa. Mặt hồ dưới chân núi cũng có lửa bùng dậy.

Cái hay của chiêu thức này nằm ở sự tinh diệu: Chỉ dùng một chiêu thức nho nhỏ đã có thể phát huy được uy lực mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong đám đông bỗng có kẻ lạnh lùng cất tiếng:

“Thứ như thế mà cũng đem ra lòe được?!”

Kẻ vừa cất lời ấy đương nhiên là Cửu Thiên.

Đám đông nhanh chóng dạt ra, để lộ một Cửu Thiên đang sừng sững đứng đấy. Chỉ thấy gã vung tay, điểm một chỉ về khoảnh non nước bấy giờ đang chìm trong bể lửa kia, miệng quát khẽ một tiếng:

“Diệt.”

Một lỗ hổng khổng lồ bỗng xuất hiện từ trong hư vô, nôm như một ngõ thông vào huyết hải nay đã bị mở toang. Một luồng huyết thủy đổ ập xuống, nhanh chóng dập tan bể lửa đang cháy hừng hực kia. Song, ngay sau khi dập tắt ngọn lửa, dòng huyết thủy ào ạt trút xuống tựa nước biển dào dạt kia cũng vụt biến mất.

Những người có mặt tại đó đều không sao nhìn thấu được chiêu thức ấy. Kể cả Thanh Dương Tử bấy giờ mới xuất môn vân du cũng không hiểu được sự tinh diệu trong đó.

Thế nhưng, hành động của Cửu Thiên đã chọc giận vị tu sĩ vừa diễn pháp kia. Hắn lên tiếng đề nghị diễn pháp với Cửu Thiên một trận. “Diễn pháp” mà tu sĩ ấy nói đến cũng tựa từa như tỉ võ của nhân gian, song lại có đôi chỗ khác biệt.

Diễn pháp cũng phân thành nhiều loại:

Có khi một người thi triển trước một loại pháp thuật nào đó, đối phương sẽ thi triển pháp thuật tương tự, song lại có thể chiếm được thượng phong; lại có khi người tham gia cuộc diễn pháp phải sử dụng đến một loại pháp thuật hoàn toàn tương phản với đối phương để áp chế pháp thuật của người kia. Cũng có khi, tu sĩ phải dùng đến một loại pháp thuật khác để phá pháp của đối phương.

Tuy nhiên, diễn pháp khác với đấu pháp ở chỗ: Phần nhiều những cuộc diễn pháp đều buộc người tham gia phải thi triển pháp thuật ở một nơi đặc thù, ví như, trên một cái chậu nước; uy lực từ pháp thuật của kẻ tham gia cuộc diễn pháp không được làm vỡ chậu nước ấy. Nhược bằng diễn pháp trên mặt hồ, thì tuyệt không được tổn hại đến sinh linh trong lòng hồ.

Còn có một loại diễn pháp khác không hạn định phạm vi của cuộc diễn pháp: Toàn cõi thiên địa đều là pháp đàn diễn pháp. Lần này, bọn họ lựa chọn không trung hư vô làm nơi diễn pháp. Tuy nhiên, vị tu sĩ thuộc Thanh Phong Môn kia rốt cuộc vẫn thua Cửu Thiên; bất kể hắn thi triển pháp thuật gì, Cửu Thiên đều có thể đánh tan chỉ bằng một câu chú ngữ.

Thanh Dương Tử thấy sắc mặt vị tu sĩ Thanh Phong Môn kia mỗi lúc một khó coi. Cuối cùng, sau một lần pháp thuật của mình lại bị phá, hắn há miệng phun ra một làn gió mát nhẹ, sáng rỡ. Chỉ trong nháy mắt, cơn gió nhẹ đã cuồn cuộn thành một trận cuồng phong.

Làn gió nhẹ ấy kỳ thực chẳng phải gió, mà là một món pháp bảo của hắn, gọi là “Toàn Phong Kiếm Chú”. Chỉ trong chớp mắt, làn kiếm quang sáng rực kia đã chôn vùi mất Cửu Thiên. Thanh Dương vừa nhíu mày, thì cơn cuồng phong đã đột ngột tản mác ngay sau khi một tia huyết quang vừa lóe lên. Cuồng phong hóa thành chín thanh kiếm tựa như trong suốt vô hình, thu về trong tay tu sĩ Thanh Phong Môn.

Ngay sau đó, các sư huynh sư đệ cùng những hảo bằng hữu của tu sĩ Thanh Phong Môn kia đều vây lấy, tấn công Cửu Thiên. Tuy Cửu Thiên có thể phá pháp thuật của tu sĩ Thanh Phong Môn kia dễ như trở bàn tay; song lúc này lại phải đối đầu với ngần ấy tu sĩ, gã chỉ còn nước chạy. (Người dịch: Quả nhiên ba mươi sáu kế, “chuồn” là thượng kế:)))

Tuy cảm thấy cách hành sự của Cửu Thiên quá đỗi nóng nảy, song mấy tu sĩ Thanh Phong Môn kia đã thua mà không nhận thua, nên sau cùng Thanh Dương Tử vẫn chọn ra tay tương trợ Cửu Thiên. Hai người quen biết nhau từ đó.

Mảng ký ức ấy vụt lóe lên trong tâm Thanh Dương Tử. Chuyện như chỉ vừa mới xảy ra trong một khắc trước mà nay đã trôi qua hai mươi năm.

Cửu Lê nói:

“Hai mươi năm qua, ta lại có thể chứng kiến huynh trở về, thật tốt. Cho dù ngày sau cõi thiên địa này không còn tồn tại, thì chúng ta cũng chẳng có chi phải sợ hãi, bình thản đón nhận là xong.”

Thanh Dương Tử đột nhiên sực nhớ lại, đã rất lâu trước đây, Cửu Thiên cũng từng nói một lời tương tự như thế.

Dứt câu, Cửu Thiên quay người bước từng bước khỏi đạo quán. Tuy nhiên, những nơi gã đi qua lại để lại từng vệt máu. Những vệt máu ấy dường như có thể ăn mòn mặt nền của đạo quán, hình thành nên những cái hố tựa như máu đọng thành vũng trên đất. Những cái hố đó nhanh chóng lan rộng ra, trong nháy mắt đã hóa thành vực sâu.

Sự nghi hoặc phảng phất trong mắt Linh Dương – thằng bé không biết có phải nó nên rời đi cùng với Cửu Thiên ngay lúc này hay chăng.

Thanh Dương Tử khẽ nhắm mắt. Y huơ huơ tay, nói:

“Đi đi. Bất luận nghe được bất cứ chuyện gì về Thiên Diễn, không có lời triệu hồi của ta thì tuyệt đối không được trở lại.”

Hoàng Linh đâm ra khó xử. Nó giương mắt nhìn Thanh Dương, song y lại chẳng mở mắt ra thêm lần nào nữa. Nó bèn quay người bước đi. Nhưng vừa bước được mấy bước, thằng bé đột nhiên quay đầu lại nói với y:

“Sư huynh, huynh bảo đệ chỉ được tu Đạo, không được tu pháp. Nhưng chẳng hay cái gì mới là Đạo?”

Đang nhắm nghiền hai mắt, Thanh Dương Tử đột ngột mở mắt nhìn Linh Dương. Y đáp:

“Đệ có thể hỏi một câu như thế thì rất tốt. Ta nghĩ đệ đã đọc qua không ít Đạo kinh, cũng đã thuộc lòng Đạo giới (giới luật). Vậy đệ có thể rút ra được đạo là gì chăng?”

Linh Dương ngây ngô giương mắt nhìn Thanh Dương. Thằng bé lắc đầu – nó hoàn toàn chẳng hiểu cái chi là Đạo. Nếu nói đến pháp ý, pháp thuật, đạo quyết, Linh Dương còn có thể hiểu được; nhưng nói đến cái “Đạo” hư vô diệu vợi ấy, thằng bé chẳng thể hiểu dù chỉ một chút. Những chỗ lý giải về Đạo trong những quyển đạo kinh đã đọc qua chỉ khiến nó càng thêm mờ mịt.

“Đệ hãy còn nhớ câu hỏi mà sư phụ đã từng nói lúc ta còn ở Thông Thiên Quán chăng?” Thanh Dương Tử hỏi Linh Dương.

Linh Dương lập tức nhớ lại câu hỏi mà sư phụ hai người – Bất Chấp Chân Nhân – đã hỏi trước lúc lâm chung:

“Thanh Dương, con đắc Đạo chưa?”

Linh Dương cũng còn nhớ lời đáp của Thanh Dương khi đó:

“Sư phụ, con đắc Đạo rồi.”

Sau đó, vẫn đang đợi trước cửa tịnh thất của sư phụ, Phong Lăng bấy giờ lại không ngừng truy vấn Thanh Dương Tử, rằng rốt cuộc cái gì là Đạo, rằng Thanh Dương Tử thực sự đã đắc Đạo hay chỉ là giả…

Linh Dương gật gật đầu. Thanh Dương lại hỏi tiếp:

“Đệ có tin sư huynh đã đắc Đạo?”

Linh Dương gật đầu ngay. Trong nhận định của thằng bé, nếu Thanh Dương còn chưa thể đắc Đạo, thế thì những người tu hành khác làm sao có thể đắc Đạo được.

“Cái gọi là Đạo ấy, chẳng thể dùng lời mà nói, cũng chẳng thể giải thích cho rõ, chỉ có thể tự mình lĩnh ngộ mà thôi. Song, vì bây giờ đệ đã mở miệng hỏi, chứng tỏ đệ có cơ duyên, vậy sư huynh sẽ truyền cho đệ một tia đạo ý, giúp đệ thắp sáng nẻo Đạo. Đệ phải tiếp tục tự mình tu hành, đến cuối cùng có thể tu luyện được gì, thì còn phải xem chính bản thân đệ.”

Dứt lời, Thanh Dương Tử vươn tay trái, ngón tay điểm ra tựa kiếm, nơi đầu ngón cái cùng ngón giữa xuất hiện linh quang.

Trong sát na, Linh Dương cảm thấy như thể đốm sáng linh quang ấy hóa thành một khoảnh thiên địa, từ trong thiên địa lại có sơn hà hiển hóa thành hình. Chỉ trong một khoảnh khắc ấy, dường như thời không đã trải qua hàng triệu năm. Sau khi hết thảy những cảnh tượng đó biến mất, Linh Dương chỉ thấy đầu óc mình thực u ám; toàn bộ cảm xúc, tư tưởng đều đã bị một thứ gì đó chiếm giữ lấy.

Thanh Dương cất lời:

“Tất cả những gì đệ vừa cảm nhận được chính là Đạo.”

Nói rồi, y huơ tay: “Đi đi.”

Linh Dương đáp lời, rồi rời đi, không giấu được vẻ ngơ ngác. Thanh Dương đã truyền cho Linh Dương thứ mà y lĩnh hội được từ trong oán ma pháp châu. Pháp châu có thể tự hình thành nên không gian: Y đã đem chính quy luật ấy truyền lại cho Linh Dương. Còn “Đạo” mà Linh Dương nói đến thì chỉ có thể tự mình ngộ lấy chứ làm sao có thể truyền được? Đắc Đạo thì chính là đắc Đạo, chưa thể đắc Đạo thì chính là chưa thể.

Linh Dương vừa quay người rời đi, vực sâu màu máu hiển hóa bên trong đạo quán nhanh chóng biến mất. Từ bên bờ mép bước thẳng qua khe vực, thằng bé dường như đã hoàn toàn quên đi sự tồn tại của khe vực hun hút ấy, cứ thế rảo bước bên trên lồng vực. Song trong sát na, dưới chân Hoàng Linh bỗng xuất hiện một đóa mây vàng. Mây vàng trở thành nền tảng kiên cố, trải đường Linh Dương đi. Vực sâu lại đã biến mất chẳng biết tự lúc nào, không để lại vết tích. Cái còn lại trên nền đất có chăng chỉ là một vệt máu.

Linh Dương đâu biết vừa nãy Thanh Dương và Cửu Thiên đã đấu pháp với nhau. Cửu Thiên định bụng đâm thủng tòa đạo cung do Thanh Dương huyễn hóa thành. Tuy nhiên pháp ấy đã bị Thanh Dương Tử thản nhiên phá được, chẳng những thế còn đồng thời truyền Đạo cho Linh Dương.

Tuy hai người là bằng hữu, song đã hai mươi năm không gặp gỡ, Cửu Thiên sao có thể dằn được ý muốn thăm dò xem bản lĩnh của Thanh Dương hiện giờ nông sâu thế nào.

“Chúng ta rời khỏi đây.” Thanh Dương Tử hờ hững cất lời.

Vừa dứt câu, y đột ngột dứng dậy. Chính trong sát na đó, đạo cung bỗng như mặt gương chẳng khác, vỡ vụn thành từng mảnh. Chỉ thấy y ấn một tay lên trên pháp trụ. Ánh sáng trên pháp trụ bừng dậy. Khóe miệng Thanh Dương run run; đương khi môi y mấp máy, thì ánh sáng vàng rực tỏa ra từ oán linh pháp châu trên đỉnh pháp trụ chấn động thành từng vòng tròn.

Trong tiếng chú ngữ của Thanh Dương Tử, pháp trụ kia thu lại, nhỏ dần, lại ngắn dần từng chút. Chẳng mấy chốc, pháp trụ đã hóa thành một cây pháp trượng nho nhỏ bị y nắm trong tay. Trên đầu pháp trượng là một viên minh châu tỏa ánh hào quang vàng rực. Pháp trượng cao ngang tầm vai, bề ngang vừa bằng một nắm tay.

Thứ duy nhất còn có thể tượng trưng cho sự tồn tại của Thiên Diễn Đạo Phái chính là pháp trụ này, bấy giờ đã hóa thành pháp trượng trong tay Thanh Dương Tử. Trầm Dương và Tung Dương bị trọng thương, lúc này vẫn chưa tỉnh lại. Được một đóa linh quang đỡ lấy, hai người trôi lơ lửng giữa hư không.

Chỉ thấy Thanh Dương Tử vung pháp trượng trong tay điểm về phía Trầm Dương và Tung Dương. Ánh hào quang vàng rực vừa lóe, hai người đã biến mất ngay.

Duy còn lại Dung Dương, Mộc Dương và Phong Lăng ở bên cạnh y.

Lại thấy Thanh Dương Tử vung pháp trượng trong tay vạch thành một đường trong hư không. Một tia chớp xẹt lên, liền đó ánh chớp hóa thành một dòng sông chớp. Dòng sông huyễn hóa trào dâng tứ bề, nhận chìm Thanh Dương Tử cùng với Dung Dương, Mộc Dương và Phong Lăng.

“Đùng!”

Một tiếng sầm rền vang dữ dội như xé toạc không gian.

Thanh Dương Tử cùng Dung Dương, Mộc Dương, Phong Lăng bốn người mất hút, không để lại dấu tích.

Đứng từ xa quan sát, có kẻ lên tiếng, trong giọng nói phảng phất ý cười:

“Muốn rời đi như thế sao? Đâu có dễ dàng vậy.”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio