Bạch Cốt Đạo Cung

quyển 1 chương 6: truyền thụ đạo pháp

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Dịch: Hoa Gia Thất Đồng

Thanh Dương Tử đưa Ô Phượng Công Chúa trở về Ô Phượng Vương Thành, khẽ khàng không một tiếng động.

Ô Phượng Công Chúa tỉnh giấc giữa không trung. Nàng không bị làm sao, đối với nàng chẳng qua chỉ như ngủ thiếp đi một đỗi mà thôi. Chỉ có điều, sự xa cách của nàng đối với Thanh Dương Tử vẫn còn đó. Khóe thu ba trên khuôn diện đoan trang thanh tú vốn dĩ long lanh sóng tình, nay đã thôi không còn nữa, cái còn lại trong ánh mắt nàng chỉ là sự tôn trọng và xa cách giữa một vị công chúa với bậc quốc sư.

Kết quả này là do chính Thanh Dương Tử an bài, y muốn đoạn tuyệt trần duyên.

Ô Phượng Vương ấn vẫn còn ở bên mình Thanh Dương Tử, nhưng y lại đem trả một cái vương ấn khác trông giống hệt như thế. Cái vương ấn được đem trả ấy là một món pháp khí được Thanh Dương Tử dùng Hắc Diệu Thạch chế luyện mà thành. Ở nơi sâu nhất trong lòng món pháp khí này có một đạo ấn phù của Thanh Dương Tử, bên trong ấn phù lưu giữ một sợi thần niệm của chính y.

Đây là vương ấn nhân gian, mỗi một lần dùng đến đều là một câu mệnh lệnh. Thanh Dương Tử cho rằng bên trong quy luật này ngầm chứa luật lệnh pháp ý, thế nên y mới ký thác lại trong lòng vương ấn một sợi thần niệm: y muốn cảm ngộ luật lệnh pháp ý. Việc này có thể phải trải hàng trăm năm, hoặc vĩnh viễn cũng không thể có pháp ý ngưng tụ trong lòng vương ấn. Song, chung quy vẫn là có khả năng.

Ô Phượng Quốc Vương chẳng thể nào phát hiện ra vương ấn đã bị hoán đổi. Ông ta bất quá chỉ cảm thấy kỳ lạ, không hiểu tại sao thái độ của con gái mình đối với quốc sư dường như đã trở nên lạnh nhạt đi không ít. Điều này khiến ông cực kỳ vui mừng, bởi theo ông, một vị quốc vương tương lai không nên có lòng ái mộ và sùng bái kẻ khác, mà chỉ nên một dạ bao dung, chở che bách tính, chịu đựng cô tịch...

oooOoOoOooo

Thanh Dương Tử về lại Thanh Dương Đạo Quán.

Y vẫy Ô Phượng Lan Thạch đến trước mặt, nói: “Lan Thạch, con ở Thanh Dương Cung đã được ba năm, phẩm tính của con ta rất thích. Ta muốn thu nhận con làm đệ tử, chẳng hay con có chấp nhận chăng?”

Một tia mừng vui chợt lóe lên trong mắt Ô Phượng Lan Thạch. Nó lập tức quỳ phục xuống đất, đáp: “Con xin nhận.”

Thanh Dương Tử ngồi đấy, y nói: “Ta sẽ phải rời khỏi nơi này ngay, con có đồng ý ở lại Ô Phượng Quốc?”

Nếu Thanh Dương Tử rời đi rồi, nó ở lại Ô Phượng Quốc, đương nhiên sẽ phải lâm vào không ít phiền phức. Thế nhưng, Ô Phượng Lan Thạch chỉ trầm tư một lát rồi nói: “Con xin nguyện.”

Giữ sống lưng thật thẳng, Ô Phượng Lan Thạch hướng về phía Thanh Dương Tử đáp một tiếng như thế rồi cúi người bái lạy.

“Ta muốn đem chức vị quốc sư của Ô Phượng Quốc truyền lại cho con, con có dám nhận?”

Lần này, Ô Phượng Lan Thạch thậm chí còn chẳng trầm tư, nó đáp lời ngay: “Con nhận.” Nói xong lại bái lạy.

Dường như nó đã đoán được, Thanh Dương Tử sẽ đem chức vị quốc sư truyền lại cho nó.

Một thân một mình lưu lại Thanh Dương Quán này tu hành, Ô Phượng Lan Thạch ắt sẽ gặp đôi chút phiền phức, thế thì một khi đã làm đến chức quốc sư, tính mạng của nó bất cứ lúc nào cũng có thể bị nguy hiểm. Tuy mấy năm nay Ô Phượng Quốc đã không còn yêu quái, nhưng đấy là bởi có Thanh Dương Tử ở đây. Vả chăng, hiện tại nó chẳng có lấy dù chỉ nửa điểm pháp thuật.

Thanh Dương Tử không cho rằng Ô Phượng Lan Thạch vô tri, chẳng biết sợ hãi gì; mà y biết, tấm lòng truy cầu đối với chuyện tu hành của thằng bé đã áp chế tất thảy.

Ba năm nay, Thanh Dương Tử chưa hề truyền thụ pháp thuật cho Ô Phượng Lan Thạch, song đã dạy cho nó cách gọt giũa tinh thần cùng tâm thái của chính mình.

Trai giới, tu lương, thái khí, thiền định, bất ngữ, tồn tưởng, trì tịnh, tức tâm (), những thứ này Ô Phượng Lan Thạch đều rất nghiêm túc tu tập.

Không phải bất kỳ ai cũng thích hợp để truyền thụ pháp thuật. Nếu chẳng thể làm được những việc này, thì nhiều nhất cũng chỉ có thể làm một đệ tử ngoại môn, đến cuối cùng vẫn bị tống cổ xuống núi.

“Con phải biết, nếu con tiếp quản Thanh Dương Quán cùng chức vị quốc sư, mà tin tức ta rời đi lọt ra ngoài, thì yêu quái ắt sẽ dấy lên.”

“Con biết.”

“Đã biết mà vẫn dám kế thừa đạo pháp?”

“Dám.”

“Vậy con sẽ làm thế nào?”

“Nếu đệ tử được truyền đạo pháp, mà sư phụ một sớm một chiều đã phải rời đi, thế thì đệ tử nhất định sẽ từ chức quốc sư, rời khỏi Thanh Dương Quán, đi đến nước khác.”

Thanh Dương Tử trầm tư một lúc, sau đó nói: “Dâng trà đi.”

Lời của y khiến Ô Phượng Lan Thạch ngẩn người. Nó vui mừng, rót lấy một chung trà dâng lên Thanh Dương Tử. Trà hơi nguội, Thanh Dương Tử đón lấy, nhấp uống một ngụm, sau đó nói: “Vi sư sẽ sắp xếp cho con một nơi để tịnh tu trong mười năm.”

Chẳng đợi Ô Phượng Lan Thạch đáp, y đã nói tiếp: “Con đã vào sư môn của ta, vậy ta sẽ truyền đạo pháp cho con.” Y chẳng hề nói cho Ô Phượng Lan Thạch biết mình thuộc môn nào phái nào, cũng không nói về lai lịch của mình.

Kỳ thực, trong lòng Thanh Dương Tử, Ô Phượng Lan Thạch không phải một truyền nhân lý tưởng. Ô Phượng Lan Thạch trông có vẻ như đã tiêu trừ được nỗi thống hận đối với yêu ma, nhưng tận sâu trong lòng nó vẫn chưa diệt sạch được. Hạt mầm hận thù chưa được tiêu trừ đó sẽ sinh căn bám rễ trong tâm địa nó, ảnh hưởng đến tính cách cùng phong phạm hành sự của nó về sau.

Nỗi căm thù đối với một giống sinh linh khác vốn chẳng đáng là gì, song đó lại là điều kiêng kỵ đối với người tu hành. Thứ mà người tu hành để tâm đến là một linh đài thanh tịnh, thứ mà họ truy cầu là một cảnh giới tiêu dao tự tại, vô câu vô thúc, vạn sự chẳng thể kinh động bản tâm.

Thế nhưng, chưa một ai có thể đạt đến tâm cảnh ấy. Dù các môn các phái đều có những pháp môn tu hành khác nhau, song cũng không thể giúp kẻ tu hành đạt đến cảnh giới linh đài như gương. Thanh Dương Tử cũng không thể, thế nên y cũng không hy vọng Ô Phượng Lan Thạch có thể làm được.

Thanh Dương Tử nói tiếp: “‘Thiên Diễn Tẩy Tâm Quyết’ mà vi sư truyền thụ, con tu tập đã được ba năm, đại khái cũng đã có chút thành tựu. Hôm nay, vi sư sẽ truyền dạy cho con đại đạo yếu quyết và pháp ý của Thiên Diễn Đạo Phái. Đến một ngày, khi con đã có thể đạt đến chỗ thần thức sinh anh, thì có thể đi tìm Thiên Diễn Đạo Phái.”

Lời vừa dứt, khoảng hư không trước mắt Ô Phượng Lan Thạch bỗng nhiên nổi dậy từng gợn sóng lăn tăn.

Sóng nước lại hóa ra một con quái thú hư huyễn. Quái thú há to cái miệng đỏ ngầu như máu xông về phía Ô Phượng Lan Thạch.

Ô Phượng Lan Thạch cả kinh trong lòng, đầu óc bất chợt trống rỗng. Cũng chính trong sát na đầu óc thằng bé trở nên đờ đẫn đó, từ trong cái miệng lớn của con quái thú bỗng xuất hiện một cái ngón tay trắng tựa như ngọc.

Ngón tay điểm vào mi tâm của Ô Phượng Lan Thạch.

Trong nháy mắt, Ô Phượng Lan Thạch cảm giác như thiên linh cái của mình bị sấm sét đánh trúng, lại tựa như trời sập.

Một dòng nước trong vắt ào ra từ vết nứt trên nền trời, hóa ra đủ thứ hình thù trong cái thế giới tâm linh trống rỗng mênh mang của Ô Phượng Lan Thạch. Sự huyền diệu đó khiến tâm tưởng thằng bé đắm chìm ở bên trong. Cũng chính lúc đó, thần hồn của nó bắt đầu có sự chuyển hóa.

Ở Thiên Diễn Đạo Phái, tất cả đệ tử nếu muốn có được pháp thuật đều phải thực hiện trai giới, tu lương, thái khí, thiền định, bất ngữ, tồn tưởng, trì tịnh, tức tâm ngay từ lúc nhập môn. Nhanh thì một năm, lâu thì mười năm, phải tu tập đến khi có thể quan sát được bên trong tâm mình, đối cảnh vô tâm, lòng sáng tỏ, thì mới có thể bắt đầu tiếp xúc với đạo pháp. Việc tiếp xúc đạo pháp này lại phải thông qua quá trình thần niệm của chính mình quấn lấy pháp trụ, có người chỉ mất một ngày, thần hồn đã chạm đến bên trong pháp trụ, lại có những người, mất mấy mươi năm cũng chưa thể làm được.

Tu đạo, phải coi chuyện tiến triển từng bước một là trọng. Cách làm này của Thanh Dương Tử không được phái nào áp dụng, song y không còn thời gian.

Ô Phượng Lan Thạch bấy giờ vẫn còn đương đắm chìm trong pháp ý. Thanh Dương Tử nhìn nó, y đứng dậy, một bước bước qua khung cửa sổ. Chân y chạm phải chiếc bàn gỗ, nhưng tựa như cái bóng lướt xuyên qua, lại xuyên qua bệ cửa sổ, qua mái hiên, qua một khoảng hư vô vời vợi, cuối cùng, y hiện lên giữa bầu trời.

Chân y đạp trên một đóa mây vàng, phiêu diêu mà rời đi. Gió vù vù thổi, luồn qua đạo bào ánh sắc tía trên người y, đánh lên những tiếng phần phật. Gương mặt y vẫn trẻ trung như khi mới rời khỏi Thiên Diễn Đạo Phái hai mươi năm trước đây, chỉ có tâm y đã không còn như trước.

Trong Thanh Dương Quán, Ô Phượng Lan Thạch vẫn chưa dậy được, cứ thế bất động trên nền đất: nó hãy còn đang đắm chìm trong cõi giới tâm linh mênh mang pháp ý. Đây cũng là lý do vì sao các phái không dùng đến cách làm này, bởi người được truyền thụ pháp ý rất có thể sẽ bị pháp ý đánh chìm mất ý thức, vĩnh viễn không thể tỉnh lại.

Sở dĩ Thanh Dương Tử truyền thụ đạo pháp cho Ô Phượng Lan Thạch là vì muốn để lại người truyền thừa cuối cùng cho Thiên Diễn Đạo Phái. Y sợ Thiên Diễn Đạo Phái từ nay diệt vong, dẫu y có quay về cũng không thể giúp được gì.

oooOoOoOooo

Ba ngày sau, Thanh Dương Tử trở về đạo quán. Ô Phượng Lan Thạch vừa khéo cũng tỉnh lại. Thằng bé đã không bị biển sóng pháp ý vùi dập mất trong vô thức, từ đấy có thể thấy ý chí của nó rất kiên định. Lại nói, pháp ý mà Thanh Dương Tử truyền thụ chủ về mê ảo, nó có thể không bị đắm chìm trong cơn mê để rồi đánh mất ý thức, quả thực vô cùng hiếm có.

Thấy trong đôi mắt Ô Phượng Lan Thạch thi thoảng lại ánh lên vẻ mê ảo, Thanh Dương Tử biết rõ đấy là bởi nó vẫn chưa thể thực sự khống chế được pháp ý.

“Theo vi sư vào vương cung diện kiến đại vương.” Thanh Dương Tử nói.

“Dạ, sư tôn.”

Thanh Dương Tử cất bước phía trước. Ô Phượng Quốc cũng có quy định riêng của Ô Phượng Quốc, lúc đến trước mặt đại vương không thể thi triển pháp thuật, bắt buộc phải cử bộ. Đấy cũng là sự tôn kính đối với bậc vương giả nhân gian.

Đến cửa đạo quán, Thanh Dương Tử đột ngột dừng bước. Không hề quay đầu lại, y đứng đấy, nói:

“Các đời đệ tử của Thiên Diễn Đạo Phái đều y theo thứ tự Pháp, Không, Huyễn, Thanh, Đạo, Linh, Dương, Thạch, Ngộ, Phong mà đặt đạo hiệu. Như con là đời chữ Thạch, vừa vặn trong tên con cũng có một chữ Thạch, vậy cứ gọi con bằng đạo danh Lan Thạch vậy.”

“Dạ, sư tôn.”

Hai người, một trước một sau, đi qua Ô Phượng Thành. Tòa thành này là thành trì duy nhất của Ô Phượng Quốc, đặt tên Ô Phượng. Ở đầu thành có chạm khắc một con phượng hoàng đang bay lượn.

Phần đông người trong thành đều dùng khăn vải quấn đầu, bởi vùng trời trên Ô Phượng Thành thường nổi gió cát; lại thêm buổi tối rất lạnh, mà nơi đây lại thiếu nước, thế nên bọn họ dùng khăn vải quấn đầu cũng là để giảm số lần gội đầu, từ đấy hình thành nên tập quán ăn mặc này.

Thời tiết nơi đây hanh khô, nhà cửa của đại bộ phận người dân đều làm từ đất chứ không phải từ gạch nung, có điều đất ấy cũng không thuần chất, mà được trộn với rất nhiều thứ khác. Cách làm này giúp tường đất trở nên rất kiên cố, không phải quá lo ngại bị mưa xối giội.

Nhà cửa trên đường đi có cao có thấp, có những căn nhà vừa nhìn đã biết bên trong chắc chắn khá rộng rãi, lại có những căn vừa nhìn đã thấy rõ sự rách nát. Khoảng cách phú quý và cùng khổ của nhân gian là chuyện mà Ô Phượng Quốc Vương phải lo nghĩ đến, còn với Thanh Dương Tử chẳng qua chỉ như suối trong chảy trên đá, chẳng hề lưu lại dấu tích trong lòng y.

Trên đường đi liên tục có người chạm mặt Thanh Dương Tử bèn ngừng bước thi lễ với y. Mười năm nay tại Ô Phượng Thành, Thanh Dương Tử đã nhiều lần hiển lộ thần thông, ngăn chặn được không ít họa yêu quái, nên có được sự tôn kính của người dân thành Ô Phượng.

Vào đến vương cung, cũng bởi thân phận đặc biệt của mình, Thanh Dương Tử rất nhanh đã có thể gặp mặt Ô Phượng Quốc Vương. Ô Phượng Quốc chỉ là tiểu quốc, quy định kỳ thực cũng không nhiều.

Diện mạo của quốc vương Ô Phượng Quốc trông cũng như những người dân khác của Ô Phượng Quốc, thô ráp lại ửng sắc đen, quá lắm cũng chỉ trông khá khẩm hơn một chút. Nôm lão cao lớn phi thường, song cốt cách cao lớn ấy lại không giấu nổi sự già cỗi về tinh thần và khí lực: lão đã đến tuổi xế chiều.

Dẫu có là bách thú chi vương, hay hùng ưng chao liệng trên chín tầng trời, cũng không thể đào thoát được vòng luân hồi sinh tử. Bậc đế vương của nhân gian cũng thế chẳng khác.

Đôi mắt đã thoáng lộ vẻ mờ đục của lão nhìn Thanh Dương Tử - lão đương lóng tai nghe lời nói của Thanh Dương Tử.

Ô Phượng Lan Thạch đứng về một bên lắng nghe. Kể từ lúc tỉnh lại sau khi được truyền thụ đạo pháp, cả tinh, khí, thần của nó đều biến đổi, dù phải diện kiến vương giả nhân gian vẫn có thể điềm tĩnh như thường...

- -------------------------------

Chú thích của người dịch:

()"Trai giới" (hay “Bát quan trai giới”): là một phương pháp tu hành của cư sỹ tại gia phải thọ trì giới, áp dụng trong một ngày một đêm.

“Bát” là tám, "quan" là cửa, “Bát quan” là cánh cửa ngăn chặn những điều tội lỗi. Vậy "Bát quan trai giới" là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong giờ bằng cách tuân thủ điều sau: ) Không sát sinh; ) Không trộm cướp; ) Không dâm dục; ) Không nói dối; ) Không uống rượu; ) Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát; ) Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp; ) Không ăn quá giờ ngọ. (Nguồn: phatgiao.org.vn)

"Tu lương": hay còn gọi “đoạn cốc”, “tuyệt cốc”, “tị cốc thuật”, “tị cốc trường sinh thuật”, là một trong những mật pháp trường sinh của Đạo giáo. Lí luận của phương thuật này được xây dựng trên cơ sở của “Tam thi”.

Đại khái, các đạo gia cho rằng, tam tài cùng với đạo âm dương là nguyên lý căn bản của “Dịch Kinh”, cũng là nguyên lý căn bản của thuật dưỡng sinh trường thọ. Mỗi con người như thế được coi là một tiểu vũ trụ, cũng là một thành tố trong tam tài - bao gồm Thiên, Địa, Nhân. Trên cơ thể người lại có ba bộ vị trọng yếu gọi là đan điền, phân thành Thượng, Trung, Hạ đan điền. Tam đan điền là nơi khí, thần, tinh tụ hội, là nguồn sống của sinh mệnh. Ngoài ra, trên cơ thể người còn có “Tam thi”, là nơi phát khởi dục vọng và tà ma làm tổn hại đến nhục thân. “Tam thi” phân ra ngụ tại tam đan điền, đối địch với tam đan điền, và được nuôi dưỡng bởi ngũ cốc, thế nên cũng gọi là “Cốc Thần”.

Người ta nếu ít ăn ngũ cốc, vậy tam thi sẽ khó mà sinh tồn được, con người sẽ có thể trường sinh bất tử. (Lược dịch từ bài viết “Đạo gia và trường sinh bất lão” của Tiên Hành Giả, đăng tải trên trang zhuanlan.zhihu.com)

"Thái khí": hấp thu lấy khí tức và những dòng năng lượng khác nhau từ trong không gian thiên địa vũ trụ, nhật nguyệt tinh tú cùng với vạn vật vào trong thân thể. (Lược dịch từ bài viết “Thức luận khái niệm thái khí của Đạo gia, bài học đầu tiên mà người tu đạo tị cốc phải hiểu rõ” của tác giả Nhân Thích Dịch Đạo, đăng tải trên trang zhuanlan.zhihu.com)

“Thiền định”, “bất ngữ”, “tồn tưởng”, “trì tịnh”, “tức tâm”: một số khái niệm căn bản khác của Đạo gia và Phật gia, tạm dịch: "thiền định", "không nói năng", "tồn dưỡng tâm", "duy trì sự thanh tịnh", "nghỉ ngơi cái tâm".

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio