Nhưng ngoài việc luôn bao che thì Tuấn Anh cũng thường xuyên kiếm chuyện gây sự. Bởi vậy nên tôi luôn mâu thuẫn, tại sao cậu ấy ghét mình mà có chuyện gì thì lại bênh vực mình?
Có một thời gian tôi nghĩ, hay Tuấn Anh không khắt khe để tôi chểnh mảng việc học, cứ thế tụt xuống thành học sinh dốt? Nhưng chính bản thân tôi còn phải lắc đầu phủ nhận. Vì Tuấn Anh là người luôn thúc ép tôi phải học bài, bài nào sai thì cậu ấy chỉ ngay rồi bắt tôi ngồi sửa bằng đúng mới thôi. Mặc dù trong lúc dạy tôi học sẽ luôn nổi nóng, quát nạt nhưng chung quy mục đích cuối cùng cũng là muốn tốt cho tôi mà.
Đã chiếm vị trí ngồi cạnh cửa sổ rồi mà cứ khi nào tôi lơ đãng nhìn chim chóc hoa lá bên ngoài là Tuấn Anh lại cốc đầu tôi một cái đau điếng. Biết là cậu ấy theo trường phái học tập, muốn tôi phải học thật tốt rồi nhưng nhắc nhở theo cách này chẳng ưa chút nào. Gõ đầu tôi nhiều tới mức mỗi lần thấy Tuấn Anh giơ tay làm gì đó là tôi vô thức rụt đầu lại.
Tại sao luôn mua đồ ăn sáng bắt tôi ăn rồi còn hay chọc ghẹo, bắt nạt, còn hù doạ cho tôi sợ rồi bắt tôi phải khóc cho cậu ấy xem? Đương nhiên là tôi lì đòn không khóc trừ một lần cậu ấy cầm lắc lư con sâu bơ to đùng uy hiếp làm tôi không nhịn được. Tôi khóc còn Tuấn Anh đứng cười nghiêng ngả.
Khốn nạn!
Đỉnh điểm có lần Tuấn Anh bất ngờ dí con sâu đó gần ngay trước mắt làm tôi đứng tim ngất xỉu. Cảm giác sợ hãi tụt xuống vực sâu trong tích tắc. Đến khi tỉnh lại đã thấy mình đang nằm ở nhà rồi. Ai cũng nghĩ bệnh của tôi tái phát. Chỉ có tôi và Tuấn Anh mới biết chuyện gì đã xảy ra. Tuấn Anh không xin lỗi, tôi cũng không nhắc đến. Chỉ là giữa hai chúng tôi tiếp tục dựng lên một vách ngăn vô hình, Tuấn Anh không cố ý tiến tới phá vỡ nó nữa.
Trước đó bạn nữ bên cạnh muốn đổi chỗ với tôi. Bạn ấy thích Tuấn Anh, từ trong học kì 1 đã nhiều lần nói với tôi rồi. Ban đầu tôi không đồng ý nhưng không dám nói thẳng, chỉ nói bạn hỏi ý Tuấn Anh xem. Dù gì thì tụi tôi cũng đâu được tự ý đổi chỗ. Lớp trưởng thì mọi chuyện cũng thông qua Tuấn Anh hoặc cô chủ nhiệm nên nói với cậu ấy cũng đúng tình hợp lý. Đương nhiên Tuấn Anh không chịu, còn cầm thước khẽ tay bạn nữ kia. Nhưng đó là chuyện của học kì đầu, sang học kì mới tôi không muốn tiếp tục cảm giác khó thở khi ngồi cạnh Tuấn Anh nữa. Tôi quyết định xin cô đổi chỗ xuống dưới cạnh cửa sổ để nhìn trời mây, sau lưng Tuấn Anh, tôi thì bé cỏn con nên cô lại dời tôi lên bàn trên, trước mặt cậu ấy.
Tưởng được sống yên lành nhưng không hề. Tuấn Anh bắt đầu chuỗi ngày bắt nạt tôi còn ác hơn. Ở phía sau giựt tóc tôi, gõ vai tôi, kéo cổ áo tôi, cài hoa hoặc nhánh cỏ vớ vẩn lên đầu tôi, dính mấy tờ giấy viết ngu xuẩn phía sau tôi, đá chân đá dép tôi, lấy ngón tay viết linh tinh lên lưng áo, đôi khi đang giờ kiểm tra mà Tuấn Anh còn ngọ nguậy ngón tay, viết chậm rãi trên lưng tôi là:"An.còn.đái.dầm.không?" Vì đang giờ thi nên tôi không làm gì được, nhưng vẫn tức run còn Tuấn Anh thì trơ ra thậm chí còn cười khẽ phía sau.
Mẹ nó chứ!
Từ lúc chuyển lên bàn trên tôi mới để ý tới bạn cùng bàn. Bạn ấy còn nhỏ con hơn cả tôi, chữ viết nắn nót đẹp như học sinh tiểu học vậy. Ngồi bên cạnh rồi tôi mới thấy bạn ấy dễ gần, không có vấn đề gì cả, không hiểu sao lại tách biệt ra khỏi với lớp, không chơi cùng với bất kì ai. Hỏi bạn bè thì tụi nó nói "tự thằng Hiếu khinh thường tụi mình chứ lớp mình có tẩy chay nó đâu. Nó dân phố nên chê tụi mình dân quê đó."
Tôi nghe vậy thì không tán đồng. Đúng là Hiếu nhà ở thị trấn, trên đó hết chỉ tiêu mới bị xuống trường tôi học, nhà duy nhất trong trường đưa đón con đi học bằng xe hơi, khá giả hơn hẳn tụi tôi là cái chắc rồi. Nhưng khinh thường thì tôi nghĩ không có, bạn ấy chỉ nhát thôi, vì tới tận đây học thì làm gì có bạn bè cũ, thấy lạc lõng là bình thường. Từ ngày tôi ngồi cạnh thì Hiếu vui vẻ hẳn, không còn lủi thủi một mình nữa. Tôi thường dắt bạn đi khắp trường chơi, dần dần từ nói chuyện ấp úng thành lưu loát, sau còn nói nhiều hơn cả tôi nữa.
Có lần chúng tôi ngồi ở bồn hoa xem đá banh, bị tụi trong lớp vô tình đá trái bóng trúng vào người, Hiếu sợ hãi oà khóc lên làm tôi phải ôm ôm dỗ mãi. Tụi con trai trong lớp lúc nhỏ vô ý thức, không chịu xin lỗi Hiếu gì cả, chỉ có Tuấn Anh là chạy tới kéo tôi ra hỏi có sao không, còn chạy một vòng xung quanh xem xét xong rồi mới đi đá banh tiếp. Chắc cậu ấy tưởng tôi là người bị đá trúng. Tôi trình bày rõ thì Tuấn Anh cũng bỏ đi một nước luôn. Thật tồi quá đi!
Hiếu hít hít mũi nói: "An thật là tốt. Ai cũng thích chơi với cậu cả."
Tôi lắc đầu: "không phải đâu. Đấy toàn là bạn cũ học chung lớp tiểu học với tớ đó. Hồi xưa cái vết này trên mặt tớ đậm lè, tóc cũng dài hơn giờ, xấu xí nên đi học toàn bị trêu thôi. Giờ lớn mới đỡ đó." Tôi lôi kéo bạn ấy: "đi đi theo tớ. Tớ dẫn Hiếu chơi với nhóm con gái trước. Tụi nó dễ mến lắm. Đợi mai mốt tụi con trai không đá banh thì tớ dẫn Hiếu đi làm quen luôn." Tôi biết Hiếu cũng không thích đá banh chứ không thì đã kêu tụi thằng Cường dẫn Hiếu vào chơi cùng rồi. Sau đó tôi lôi kéo bạn ấy chơi chung với mọi người. Nhưng bạn ấy cực kì khép kín, ngoài tôi ra thì không chơi với bất kì ai nên phần lớn thời gian cứ ra chơi là tôi với bạn ra ghế đá gốc cây ngồi, chia cho nhau đủ thứ, bạn còn tặng tôi vỏ sò, tôi cho bạn kẹo.
Chơi thân với em bé Hiếu ngoan ngoãn tôi mới nhận ra Tuấn Anh càng ngày càng đáng ghét.
Từ lúc chuyển lên trên tôi không cùng tổ với Tuấn Anh nữa, nói chuyện cũng ít lại nên đôi khi cả tuần nói một hai câu thì xưng cậu tớ cũng bình thường. Không nghĩ là Tuấn Anh giận đâu. Với lại làm gì có ai giận ấu trĩ bằng cách chọc điên tôi như thế. Nếu giận thì cứ làm mặt lạnh, không đoái hoài gì nhau thì tôi mới biết chứ. Việc thay đổi xưng hô tôi chỉ nghĩ đơn thuần là xưng như ngày cấp 1 mà thôi.
Theo luật thì bài vở của tôi người khác sẽ kiểm, vậy là khi tôi thiếu bài, bị ghi sổ phạt lau bảng mấy lần. Mỗi lần quay về chỗ ngồi đều thấy Tuấn Anh ngồi dựa lưng nhàn nhã khoanh tay, hai cái chân thừa thãi thì gác hẳn lên chỗ của tôi, vắt chéo rung rung. Phải lấy sách Tuấn Anh đập mấy cái mới chịu bỏ xuống.
Nhớ có lần đứng lên phát biểu, lúc ngồi xuống lại ngồi phải chân cậu ấy, vừa ngại vừa tức mà không làm gì được, lại phải nhón mông cho cậu ấy rút chân về.
Nhưng Tuấn Anh rất lì, có khi gác chân lên ghế tôi suốt nhiều tiết học, thỉnh thoảng còn cọ bên hông tôi mấy lần, phải cầm thước khẽ mới chịu để yên.
Rồi còn chồm người lên nói vào tai tôi khoe khoang cậu ấy cũng có ô tô, chẳng qua nhà gần trường nên mới đi bộ thôi. Tôi lườm Tuấn Anh, chẳng thèm quan tâm. Ai chẳng biết nhà cậu ấy giàu nứt đố đổ vách, đi thành phố về là học đòi tính khoe mẽ rồi. Chẳng đáng yêu giống hồi nhỏ tẹo nào!
Sau lần tôi bị phạt lau bảng, Tuấn Anh giằng lại vở của tôi từ tổ trưởng tổ 1 và đòi tự mình kiểm cả bàn của tôi nữa. Từ đó tôi không bị phạt thêm lần nào, nhưng chúng tôi vẫn không nói chuyện nhiều với nhau.
Cho đến một ngày Tuấn Anh lại bỗng dưng nổi điên cầm balo đạp bàn rầm rầm, nói với tôi từ giờ đừng bao giờ nói chuyện nữa. Sau khi Tuấn Anh tự ý xuống tận bàn cuối ngồi tôi mới biết lâu nay cậu ấy giận mình.
Tuấn Anh nói với Diệu Hiền là tôi có mới nới cũ, nhưng cậu ấy không chịu nhìn lại bản thân xem tính khí thất thường hay kiếm chuyện như vậy ai mà muốn lại gần chứ. Huống hồ Hiếu cũng chỉ học cùng chúng tôi nửa năm thôi, bạn ấy nói bố xin được vào học trường trên huyện rồi. Nên nghe Hiền truyền lời lại như vậy tôi cũng mặc kệ. Tôi là kiểu người không bao giờ chủ động sấn tới người không ưa mình.
Tuy tách nhau ra nhưng sáng nào trên bàn tôi cũng có phần ăn sáng.
Rồi đến kì lao động thì Tuấn Anh phân cho các bạn khác cuốc, xẻng, chổi...còn tôi, cậu ấy phân mang bao. Một lớp cũng có tầm 5-6 người mang bao lận nhưng toàn là con gái, mà mỗi kì đều luân phiên thay đổi, duy chỉ có tôi chưa từng phải mang dụng cụ nặng hay cồng kềnh lần nào.
Tôi nhận ra mình vẫn được thiên vị.
Thậm chí rõ ràng đến mức cứ khi tôi hốt cỏ đầy bao thì Tuấn Anh sẽ lù lù xuất hiện như một vị Thần rồi đùng đùng cùng người khác khênh bao cỏ đi mất. Tôi còn không biết bao cỏ sẽ nặng như thế nào hay bãi rác nằm ở đâu nữa.
Các bạn mới thắc mắc thì mấy bạn cũ hồi tiểu học sẽ giải đáp là do tôi bị ốm nên Tuấn Anh sẽ làm giúp, "hai người đó là bạn thân của nhau."
"Thân á? Nhìn không giống thân lắm."
"Thân đấy! Hồi tiểu học toàn dính nhau như hình với bóng. Do Tuấn Anh đi thành phố học trao đổi thực nghiệm nên thằng An nó giận."
Tôi nghe mà tức hộc máu. Chuyện không phải như các bạn nghĩ đâu!!!
Chúng tôi ngừng giao tiếp gần mãi đến đầu năm lớp 7.
Tôi nghe tổ dưới xôn xao cười ầm ĩ lên, quay xuống hóng chuyện mới biết bao nilon tập của Tuấn Anh bị quắn quéo hết lại, mọi người hỏi ra thì cậu ấy nói là dùng bàn là ủi sách nên bị. Tôi cũng bật cười. Không ngờ học giỏi mà mấy kỹ năng sống lại ngu như vậy. Bàn ủi nóng mà đòi đi ủi phẳng nilon mới chịu.
Cả lớp cười không sao nhưng đúng lúc tôi cười thì Tuấn Anh lại nhìn thẳng vào mắt tôi chằm chằm rồi đi lên xách cổ áo khoác tôi kéo ra ngoài.
Cậu ấy giơ nắm đấm lên hỏi tôi tại sao lại cười, tôi bịt miệng lại nói "đâu có cười", bấy giờ sợ muốn chết, ai dám cười nữa chứ.
Sau đó Tuấn Anh lấy hai tay vỗ vào nhau cái "BÉP!" ngay mặt khiến tôi hết hồn, thấy tôi giật nảy người Tuấn Anh mới cười ha hả rồi nói tôi "đồ nhát chết!"
Tôi muốn đạp vào chân Tuấn Anh lắm nhưng không dám nên cúi xuống định lách ra đi về lớp. Lúc này thằng bạn lớp bên cạnh đi học trễ nhìn thấy tôi bị kìm kẹp nên xông tới đánh Tuấn Anh, hai người đấm qua đấm lại can không kịp. Mãi mới kéo được thằng trong xóm ra ngoài, tưởng hai người xích mích chuyện gì thì ra là do nó tưởng Tuấn Anh đánh tôi nên xông tới bênh vực. Bạn tôi mặt sưng như đầu heo còn Tuấn Anh thì đứt một cúc áo. Tôi còn bị Tuấn Anh bắt đền khâu cho cậu ấy nữa chứ.
Vốn vẫn nghĩ sẽ ngồi y như cũ nhưng năm nay Đoàn tỉnh lại về hướng dẫn cái gì mà "giáo dục giới tính".
Mọi người mới vào tuổi ễnh ương, tầm này mới mông lung biết nam nữ khác nhau chỗ nào nên mấy bạn nam nhiều người đỏ mặt còn hơn cả bạn nữ. Tôi thì bình thường, tôi chơi với tụi con gái rất thoải mái, tụi nó cũng thích chơi với tôi, ngồi gần thì gần thôi, càng dễ nói chuyện, sao phải xấu hổ chứ? So với ngồi cùng tụi con gái thì nghĩ lại hồi đầu năm lớp 6 ngồi cạnh Tuấn Anh tôi còn ngại hơn.
Học xong đi vào lớp là cả đám tự động chia ra hai dãy, một nam một nữ chứ không dám ngồi chung nữa. Tôi không hiểu nhưng cũng làm theo mọi người.
Nhưng đây hoàn toàn không phải mục đích của mấy cô chú bên Đoàn.
Sau khi thầy cô họp với Đoàn tỉnh xong thì vào lớp phổ biến lại, lúc này mọi người mới hiểu ra không phải học giáo dục giới tính là ngăn không cho hươu chạy mà là chỉ đường cho hươu chạy một cách đúng đắn nhất. Vì thế nam nữ không phải ngồi tách ra như vậy mà là bắt buộc ngồi xen kẽ. Nam x nữ x nam x nữ. Một bàn tiêu chuẩn 4 người như thế chứ không được như năm ngoái có bàn chỉ toàn nam, bàn thì toàn nữ nữa.
Cô kêu các bạn nữ lên bục giảng, bạn nam ngồi tại chỗ sau đó cô phát cho con trai tụi tôi mỗi thằng một mảnh giấy nhỏ hình chữ nhật, yêu cầu viết tên mình vào rồi gấp lại.
Tôi ngồi trong cùng, sát cửa sổ, đang tận hưởng cảm giác ngắm nhìn đất trời thì bị bóng tối bao phủ, Tuấn Anh chồm tới giựt lấy mảnh giấy của tôi, nói "đưa đây viết cho." Tôi cũng mặc kệ, có cái tên thôi mà, thích viết thì viết đi.
Sau đó cô gom giấy lại để trên bàn giáo viên, bạn nữ bốc thăm được tên ai sẽ ngồi với người đó. Tôi đợi mãi, mòn mỏi vẫn không thấy ai bốc trúng tên mình, cô nói sĩ số nam nhiều hơn nữ nên bạn nào chưa nghe gọi tên thì ngồi chung đi.
Sau đó tôi thấy Tuấn Anh đeo balo lệch một bên vai, một tay đút túi quần nghênh ngang bước tới, còn cười nham hiểm ném balo lên mặt bàn mình, lúc này tôi mới biết cậu ấy tính toán cả rồi. Dù đã đoán được nhưng tôi vẫn chạy lên bục giảng mở mấy mảnh giấy còn lại ra xem, quả nhiên có hai tờ trắng trơn, là tờ có bạn khi nãy cũng bốc trúng rồi cô nói bốc lại.
Tuấn Anh không ghi tên của cậu ấy và tôi lên giấy!
Không hiểu sao khi biết được tôi lại không tức giận mà còn cảm thấy ấm áp trong lòng. Không phải hồi lớp 6 Tuấn Anh rất phiền, tôi và cậu ấy còn cạch mặt nhau không nói chuyện sao? Tại sao bây giờ "bị" ngồi cạnh cậu ấy tôi lại thấy vui vẻ?
Có lẽ từ lúc quay xuống cười trộm Tuấn Anh vụ ủi bìa bao sách là tôi lại bị mê rồi. Cậu ấy anh tuấn sáng ngời giữa đám đông, dáng dong dỏng cao, da trắng nõn, lúc nói cười lại có răng khểnh cực duyên nữa. Dù nụ cười đó không dành cho mình nhưng tôi vẫn thấy đẹp vô cùng. Tính ra phải 7 8 tháng không nói chuyện, cứ ngỡ sẽ mãi mãi chỉ có thể nhìn bóng lưng cậu ấy từ xa. Không ngờ...
Tôi bóp chặt mấy mảnh giấy, cầm về chỗ rồi lẳng lặng chui vào bên trong. Chừa chỗ bên ngoài cho Tuấn Anh.
Xin chào bạn cùng bàn!
Tôi đối với Tuấn Anh không còn tự nhiên, luôn không dám nhìn thẳng mặt, nói chuyện cũng ít hơn, lí nha lí nhí luôn để Tuấn Anh phải hỏi lại, còn để cả cặp sách trên ghế giữa hai người vì sợ đụng chạm cậu ấy. Lúc này tôi ngồi còn khép nép hơn cả năm ngoái, vì bạn ngồi cạnh phía còn lại là nữ, cũng không thể ngồi dán vào người ta được.
Tôi còn đang nghĩ đủ thứ trong đầu thì Tuấn Anh đập lên bàn tôi tờ 20 ngàn. Tôi bây giờ nhát rồi, không dám hỏi nữa cứ coi như cậu ấy lấn chỗ để nhờ tiền sang bên mình thôi. Sau đó Tuấn Anh lại để cuốn tập bị ủi quăn queo lên tay tôi, nhìn xuống còn thấy giấy bao tập xanh dương in hình siêu nhân bên trong rất đẹp nhưng bị đen một vệt nhỏ, chắc do cháy. Tuấn Anh cúi xuống nói bên tai tôi là do lỗi của tôi mà bao tập bị hư, tôi phải chịu trách nhiệm đi mua đền bù.
Tại sao lại là lỗi của tôi? Tôi cười sau khi tập đã hư chứ có phải do nụ cười của tôi mà tập mới bốc cháy đâu? Nghĩ vậy nhưng tôi cũng không nói gì, chỉ lẳng lặng cất tập vào cặp, đương nhiên là cầm luôn tờ tiền kia.
Đến lúc ra về, Tuấn Anh luôn đi theo sau tôi. Mọi năm cũng là như vậy, chúng tôi chung đường một đoạn từ lớp ra, sau đó ở ngã tư mới rẽ, nhà tôi xóm trên, Tuấn Anh xóm dưới. Nhưng hôm đó cảm giác kì quái lắm. Có lẽ do tôi để ý Tuấn Anh hơn người khác nên cậu ấy đi đâu làm gì tôi cũng đặc biệt chú ý. Nhưng thực tế không phải tôi nghĩ nhiều đâu, hôm ấy đúng là Tuấn Anh đi theo tôi thật, vì tới ngã ba khi tôi rẽ lên trên thì cậu ấy túm cổ áo khoác lôi tôi về, bắt tôi phải rẽ xuống hiệu sách.
Tôi thấy Tuấn Anh khùng nặng, có tiền mà hiệu sách lại thuận đường về nhà thì tự đi vào mà mua cho đúng ý đi, còn giở chứng sai khiến tôi nữa chứ. Suốt ngày nghĩ cách bắt nạt tôi như năm ngoái rồi đấy. Thôi, cậu ấy thích bắt nạt thì cứ để bạn bắt nạt đi, bạn vui là được.
Vào hiệu sách thì bác chủ quán đều biết tụi tôi cả, cứ thoải mái mà lựa. Tôi đi hết dãy giấy bao tập mà không thấy mẫu siêu nhân đó nữa mới hỏi Tuấn Anh nãy giờ vẫn lẽo đẽo theo sau là có chắc chắn bố mẹ cậu ấy mua ở đây không hay là mua trên trấn? Nhận được câu khẳng định rồi tôi lại tìm kỹ thêm một hồi nữa nhưng không hề thấy. Hiệu sách ở quê thì có bao nhiêu mẫu đâu, sợ mẫu này hết hàng rồi tôi mới lấy tập của Tuấn Anh ra hỏi bác chủ cho chắc, ai ngờ đâu bác nói bác không bán mẫu này mà.
Tôi thì tức hộc máu còn Tuấn Anh ôm bụng cười lăn lộn. Thật muốn đạp một cái.
Sau đó tôi cố ý lựa cho cậu ấy một tờ bao vở màu hồng, nhưng nó đẹp thiệt, có in hình hoa anh đào, sờ lên thấy vân hoa nổi ráp ráp tay đã lắm. Thời đó chỗ tôi còn chưa thịnh hành loại bao đó đâu. Ban đầu là muốn chọc tức Tuấn Anh, sau đó là thấy bao đẹp thật sự. Nhưng Tuấn Anh cũng chẳng tức giận gì, còn vui vẻ đồng ý, vì vậy tôi mua luôn cho cậu ấy cả bao nilon mới. Thanh toán tiền xong trả lại tiền thừa cho Tuấn Anh, cậu ấy đi ra chờ còn tôi ngồi trên ghế hí hoáy thay luôn bao tập cho người ta. Lúc tách nhau ra ai về nhà nấy thì trả cho Tuấn Anh tập mới luôn. Tập màu hồng nam tính. Rất là đẹp ha ha. Bữa sau Tuấn Anh bị cả lớp chọc, cậu ấy mặt dày cũng không ngại, còn đem đi khoe khoang khắp nơi.
Đến khuya tôi ngồi học bài mới phát hiện trong cặp mình có một hộp bút màu dạ mới tinh, là loại 36 màu mà tôi chưa bao giờ được sở hữu. Cầm nó mà tim tôi đập thình thịch, tay chân bủn rủn. Tôi không dám nhìn lâu mà cất nhanh vào cặp, chỉ sợ mẹ phát hiện sẽ tra hỏi ở đâu mà có. Đêm đến tôi còn ôm nó ngủ nữa, tuy chưa tô thử nhưng thích vô cùng. Thích mà không ngủ được luôn.
Tuy luyến tiếc nhưng vẫn phải đem trả.
Hôm sau tôi nhét vào ngăn bàn Tuấn Anh, đến tối về vẫn thấy nó trong cặp mình. Hôm sau nữa tôi nhét hẳn vào balo Tuấn Anh, tối về nó vẫn nằm gọn trong cặp tôi. Quá tam ba bận, ngày kế tiếp tôi để hộp màu trong ngăn bàn Tuấn Anh, sau đó viết giấy đẩy qua hỏi sao lại mua cho tôi, tôi còn trình bày rất dài rằng không thể nhận được, đó là món quà đắt tiền, còn bày cậu ấy cách sống tiết kiệm không được phung phí tiền của cha mẹ nữa. Sau đó tôi mới biết cái ngữ "dạy người giàu cách tiêu tiền" như tôi cực kì sai lầm, vô cùng thiển cận.
Tuấn Anh đạp bàn đứng dậy, đang tiết học mà cậu ấy quạu lên nói: "không lấy thì vứt đi!"
Thầy bộ môn còn chưa kịp đuổi Tuấn Anh ra ngoài thì cậu ấy đã đùng đùng chạy ra khỏi lớp. Lại giận rồi...
Thầy hỏi tôi là có chuyện gì vậy, tôi chỉ hèn hèn lắc đầu nói không biết thôi. Tôi không nhớ rõ chúng tôi đã làm hoà với nhau như thế nào. Có lẽ là do tôi cất màu vào cặp mình, Tuấn Anh lại tiếp tục sáp tới. Trong mối quan hệ giữa chúng tôi, Tuấn Anh luôn luôn là người chủ động. Chủ động giận dỗi, cũng chủ động làm lành.
Mặc dù tôi vẫn cảm nhận được Tuấn Anh bênh vực mình như trước nhưng cách nói chuyện của chúng tôi vẫn luôn không được tự nhiên. Đúng hơn là vấn đề nằm ở chỗ tôi. Phải mãi tới đợt lễ 20/11, đi vẽ báo tường chung thì tôi mới mở lòng hơn với Tuấn Anh một chút.
Tôi không nằm trong đội văn nghệ nhưng Tuấn Anh thì chắc chắn có. Cậu ấy cao ráo, đẹp trai sao mà thoát được nhưng Tuấn Anh nằng nặc từ chối, còn nằm bò ra bàn giãy lên nói "nếu cô còn ép thì em về em méc mẹ." Lớn ngần này rồi mà còn chơi trò méc mẹ như em bé ba tuổi thế? Rồi bày đặt ho nói "em bị viêm họng cấp tính không thể hát được." Cô bảo chuyển sang nhảy múa thì lại diễn tới què tay thọt chân làm cả lớp cười bò. Tuấn Anh là học trò cưng mà nên cô dễ dàng bị thuyết phục mà tha cho cậu ấy. Tưởng Tuấn Anh không quan tâm gì tới phong trào của trường lớp nên mới lắm lý do thế, ai ngờ cậu ấy xung phong đi vẽ báo tường.
Cô chủ nhiệm nói: "báo tường đã có An và Hà vẽ rồi. Em có vẽ đẹp đâu mà đòi theo. Cả chữ nữa. Xấu như mèo cào."
"Ai nói cô em vẽ xấu. Cầm kì thi hoạ. Cái gì em cũng thành thạo hết. Em biết làm thơ nha. An vẽ xong em làm thơ cho An viết lên là được."
Cô cười nói: "thôi đi ông tướng! Thơ thì mỗi bạn nộp một bài rồi chọn lọc ra, đâu mượn em phải vắt óc. Thôi thích thì đi theo phụ các bạn đi."
Vậy là Tuấn Anh thành cái đuôi cười hề hề đi theo sau lưng tôi. Chính xác là cái đuôi thật vì cậu ấy chẳng chịu làm gì cả. Ban đầu chỉ có mình tôi là người vẽ phác thảo sơ bố cục vì Hà bận nói chuyện với Tuấn Anh, may mà cậu ấy đuổi mãi Hà mới chịu về bàn ngồi vẽ. Nhưng cứ được vài nét là lại cắn bút nhìn Tuấn Anh. Tôi thấy khó chịu nên hỏi Hà xem muốn vẽ chì hay tô màu, hoặc phân chia mảng mỗi người phụ trách một bên. Vốn dĩ phân chia công việc sẽ tốt hơn khi làm nhóm nhưng Hà lại nói "không muốn vẽ giống Tuấn Anh. An vẽ đi, hôm nào xong thì Hà viết thơ lên cho."
Sao không nói vậy từ đầu luôn đi? Không muốn vẽ thì đi theo làm gì?
Tôi hậm hực trong lòng mà quên béng đi mất có một người còn tệ hơn mà tôi còn dung túng không hề trách chút nào kìa.
Thực ra Hà nói thế thì cũng được nhưng tôi không thích có người ngả tới ngả lui, lôi kéo Tuấn Anh nói chuyện, con gái mới lớn mà nhìn con trai chằm chằm vậy không tốt lắm đâu. Phải nhìn lén lút giống tôi nè!
Tôi nói: "vậy Hà về lớp đi. Khi nào vẽ xong An sẽ gọi." Tôi cầm cổ tay Tuấn Anh, dập tắt ý định của Hà từ trong trứng nước: "Tuấn Anh ở đây vẽ phụ An."
"Tuấn Anh có vẽ đâu." Hà nói: "đi về lớp chơi u đi Tuấn Anh, khi nào viết thơ thì quay lại."
Tuấn Anh cầm bút chì, đồ theo nét của tôi, lắc đầu nói: "tao không về. Mày về lớp đi. Tao bận vẽ rồi."
Hà nói: "An vẽ đẹp để nó vẽ đi. Coi chừng Tuấn Anh làm hư hết."
Tuấn Anh quát lên: "biến đi! Phiền quá!" Làm Hà giậm chân rời đi trong bực bội.
Cửa phòng Đội đóng rầm một cái, tôi giật nảy người, đã thế Tuấn Anh còn đung đưa tay tôi mới nhận ra mình cầm tay cậu ấy in dấu đỏ chói rồi. Tôi rụt tay lại. Tuấn Anh cười hớn hở chồm qua ôm chầm lấy vai tôi lắc qua lắc lại.
"Mừng quá đi mất! Cứ tưởng An ghét Tuấn Anh chứ."
Tôi gạt tay cậu ấy xuống: "tớ chẳng ghét ai cả."
"Thôi đừng xưng cậu tớ nữa. Như con nít vậy."
"Tụi mình vẫn là con nít đó thôi."
"Ai nói! Cấp 2 là lớn rồi nha." Tuấn Anh thở dài: "may quá con Hà đi rồi. Cuối cùng cũng còn lại mỗi tụi mình."
Tôi cúi xuống vẽ, làm bộ hỏi: "sao vậy? Nói chuyện với Hà không thích à?"
"Không thích không thích." Tuấn Anh lắc đầu nguầy nguậy: "thôi đừng nói chuyện người khác. Hỏi An này, sao An hay tránh mặt Tuấn Anh dữ vậy? Bộ không thể chơi như hồi cấp 1 được sao?"
"Đâu có. An có nghỉ học ngày nào đâu. Tuấn Anh ngồi sát bên cạnh như thế tránh làm sao được?"
"Vậy là muốn tránh còn gì. Thôi An đừng có chối. Tránh hay không Tuấn Anh tự biết. Năm ngoái cũng không thèm chơi với Tuấn Anh."
Vốn dĩ tôi định nói tại cậu ấy hay chọc điên mình, nhưng nghĩ đến những việc tốt mà cậu ấy từng làm, tôi lại uốn lưỡi đổi thành: "tại tớ ít nói thôi."
"Tuấn Anh cũng từng nghĩ như thế?"
Từng?
Có lẽ thấy mặt tôi nghệt ra khó hiểu, Tuấn Anh cười cười, giải thích: "hồi bé tí ấy. Lúc An không chịu chơi với Tuấn Anh, hỏi gì cũng im re, Tuấn Anh cũng tưởng An ít nói lắm. Nhưng không phải vậy. Sau này chơi với nhau rồi, An nói rất nhiều, toàn là chuyện thú vị."
Tôi cãi lại: "lúc nhỏ chưa hiểu chuyện, toàn nói xàm không, Tuấn Anh đừng để ý."
Cậu ấy vẫn cười nhe hàm răng duyên trắng bóc nhưng giọng điệu lại tỏ ra già dặn: "lúc nhỏ mới tốt, chưa hiểu chuyện mới tốt, thích gì thì nói đó. Càng lớn càng phải suy nghĩ tới lui xem có nên nói ra hay không. Cuối cùng lời nói ra lại không giống như trong lòng."
Tôi đùa rằng: "sao nói chuyện như ông cụ non thế. Tuấn Anh nghe ai nói rồi bắt chước theo chứ gì. Tớ thấy Tuấn Anh toàn thích gì thì nói đó. Có ngán ai đâu."
Tuấn Anh nghiêng người qua, bẹo má tôi một cái đau điếng: "Tuấn Anh có nói mình đâu. Nói An đó. Chuyên gia nghĩ một đằng nói một nẻo. Tuấn Anh biết hết."
"Làm gì có!" Tôi gạt tay cậu ấy ra, gân cổ lên cãi lại.
"Đấy! Bây giờ đang như vậy nè!" Tuấn Anh cố ý ghẹo tôi rồi nằm bò ra cười hả hê.
Vậy là lại trúng kế rồi. Tôi mà cãi lại nữa thì không phải càng vô tròng sao? Nhưng im lặng có khác gì đồng ý? Tôi tức nóng mặt, nhào qua đấm Tuấn Anh mấy cú. Cậu ấy không tránh không né mà để yên cho tôi quậy. Lăn lộn một hồi cuối cùng tôi nằm lên người cậu ấy lúc nào không hay.
Tôi vùng dậy nhưng bị cậu ấy giữ chặt vai, nói: "chúng ta mãi mãi chơi thân như thế này nhé? Giống hồi nhỏ vậy? An phải đồng ý Tuấn Anh mới tha."
Thấy tôi im lặng, cậu ấy tiếp tục: "lớn rồi buồn quá! Bây giờ học có một buổi, An lại không đi học thêm, chẳng có thời gian mà nói chuyện gì cả. Chán chết đi được!" Tuấn Anh nằm dưới sàn thở dài thườn thượt.
Tôi cười, hỏi: "chán chuyện gì? Tuấn Anh đầy bạn mà."
Tuấn Anh chạm ngón tay lên má tôi: "cười rồi nè cười rồi nè. Cười đẹp như thế mà lúc nào cũng làm mặt lạnh. Tuấn Anh nói nhiều lần rồi mà, chỉ thích chơi với An thôi."
Tôi tránh khỏi tay cậu ấy, từ từ hạ khoé miệng xuống.
"An rất giống con chó nhà Tuấn Anh." Cậu ấy vừa nói đến đó thì dang tay ôm ghì lấy tôi xuống dẹp lép như cái bánh rồi cười ha ha: "bây giờ An không có đánh được đâu. Cũng không giận được. Tuấn Anh có cách hết rồi."
"Thả ra!" Tôi không phải tức giận mà là xấu hổ. Tự nhiên hai thằng con trai lớn tồng ngồng còn ôm nhau như em bé thế này.
"Từ từ nghe Tuấn Anh nói hết đã. Hồi đó cũng thế, chưa bao giờ nghe hết câu đã đánh đuổi người ta đi rồi." Sau đó Tuấn Anh kể cho tôi nghe hồi nhỏ cậu ấy được tặng con chó cưng trắng muốt xinh xắn tên là Bông, trên mặt nó có một đốm nâu bên mắt trái y hệt như tôi vậy. Nuôi như em bé trong nhà, còn ăn ngủ cùng cậu ấy. Sau này bị ăn phải bả mà mất. Cậu ấy rất thương tâm thì đi mẫu giáo gặp được tôi nên ngày nào cũng chạy ra ngắm.
"Hồi nhỏ ngốc lắm. Còn tưởng An là chuyển sinh của em Bông chứ. Nhưng nghĩ lại An không giống chó mà giống mèo hơn. Chó sẽ chủ động vẫy đuôi chạy lại chỗ Tuấn Anh còn mèo thì khinh Tuấn Anh ra mặt, lúc sợ hãi sẽ xoè móng vuốt cào Tuấn Anh để tự bảo vệ mình. Tuấn Anh phải ân cần lấy lòng mèo cho tốt, phải cẩn thận cho mèo biết mình không có ý xấu, phải nuông chiều không thì mèo sẽ sợ hãi bực bội mà chạy mất. Mèo chỉ khó tính xù lông lúc đầu vì nghĩ Tuấn Anh là người xấu thôi, sau này thể hiện mình là người tốt rồi thì mèo cũng sẽ an tâm mà ỷ lại cho mình vuốt lông mềm mại đáng yêu."
Tôi trừng Tuấn Anh, cãi: "An có khinh Tuấn Anh bao giờ đâu!!!"
"Hahaha vậy An nhận mình là mèo rồi à?" Cậu ấy tiếp tục siết vòng tay, còn dùng chân móc lấy chân tôi đè lại.
"Không!" Tôi xấu hổ. Lại bị Tuấn Anh cho vào tròng rồi.
"Mèo con! Mèo con! Mèo con!" Mỗi lần nói cậu ấy lại siết tôi một cái, hơi đau nhưng cực kì ấm áp. "Mèo con ơi đừng cào anh, cho anh sờ sờ lông mềm mềm một chút nhé~" Còn nhại giọng em bé mà trêu tôi nữa chứ. Thật là đáng yêu quá đi!
Tôi cười. Tôi và cậu ấy cùng nằm ôm nhau cười sảng khoái.
Cuối cùng chúng tôi thoải mái nói chuyện cởi mở hơn. Dường như trở lại là những bé con nằm bò ở bãi cỏ mà vô tư nói cười năm nào.