Ngay tối ngày hôm sau, Tuấn Anh chở tôi về nhà bằng xe máy.
Tôi rầu rĩ, hỏi: "Hôm nay Tuấn Anh không ở lại ư?" Phải đi bộ mới ngủ lại được!
Tuấn Anh cười rực rỡ, gật đầu: "Có chứ! Cứ vào nhà trước đi! Tuấn Anh lên trấn mua đồ ăn về cho."
Tôi vui mừng lắc lắc như trống bỏi: "An không đói." Muốn cậu ấy vào phòng tôi nằm lên giường ngay bây giờ cơ!
"Không đói cũng phải đói!"
"..."
Cậu ấy nhéo mặt tôi, bật cười, "Vào nhà tắm rửa nhanh đi, để tắm trễ không tốt đâu. Tuấn Anh đi nhanh rồi về."
Tôi ngoan ngoãn chạy vào nhà, vẫn là mở chốt cửa sổ ra trước rồi mới đi tắm. Từ ngày học thêm thì ăn tối ở ngoài chứ cả nhà không đợi cơm nữa.
Tắm xong rồi mà người kia vẫn chưa về, tôi lại lôi que đan với len ra lọ mọ mày mò.
Rất lâu, rất lâu sau Tuấn Anh mới về, nhưng lần này không thấy người mà thấy một thùng giấy to đùng đặt lên bệ cửa sổ.
Tôi hoảng hốt, vội vàng đỡ phụ cậu ấy, tôi khiêng vào đến bàn học có một mét thôi mà đã thấy nặng trịch rồi. Sao cậu ấy vác lên cao như vậy được nhỉ? Mà Tuấn Anh đây là mua gạo về thổi cơm à? Vừa to vừa nặng!
Sau đó tiếp tục đón lấy một bọc đồ ăn. Tuấn Anh bám vào thành cửa, thở dốc nói: "Ăn trước đi! Tuấn Anh về cất xe đã."
Tôi đổ mì quảng ra tô trước, vẫn là một tô có hành, một tô không hành. Tôi vớt bớt sợi mì và hai cục sườn non từ tô không hành sang tô bên kia cho Tuấn Anh. Làm xong thì ngồi đan khăn, đợi cậu ấy chứ không ăn trước.
Lúc Tuấn Anh tới, nhìn tô là biết ngay, ngày nào cũng làm vậy cậu ấy quen rồi, chỉ hỏi: "Ăn ít thế thôi à?"
Tôi gật đầu: "Mới ăn tối đây mà. An cũng chưa đói lắm."
Cậu ấy bê tô, lùa vội vàng, gật đầu nói: "Ừ. Còn bánh ngọt với sữa. Đêm đói thì ăn."
Tôi nhe răng cười, gật đầu.
Cuối cùng tôi ăn vẫn không hết, còn dư lại bao nhiêu thì Tuấn Anh bưng qua, húp rột rẹt mấy đũa là sạch bách.
Ăn xong thì đặt đũa xuống tô 'cạch' một cái, nhìn tôi chằm chằm rồi liếm liếm môi.
Tôi buồn cười, cuối cùng che miệng lại, cười nghiêng ngả.
Cậu ấy cũng cười, còn hỏi lại tôi: "Cười gì?"
Tôi ôm bụng, nãy giờ có chút đau vì cười quá rồi, "Nhìn Tuấn Anh gian lắm!"
Cậu ấy xoa bụng tôi nhẹ nhàng, nói lời đe doạ dịu dàng: "An nên cẩn thận chút đi! Đề phòng một ngày nào đó Tuấn Anh hoá cầm thú ăn thịt An đó!"
Tôi lại phì cười, gạt tay cậu ấy ra.
Tuấn Anh bê thùng "lương thực" đặt lại lên bàn học, móc dao bấm từ túi sau ra, vừa dùng dao rạch khui miệng thùng vừa nói: "Sao em bé nhà mình ngoan thế nhỉ! Chẳng bao giờ thấy lục đồ xem trước gì cả. Không háo hức à?"
Tôi đứng dậy ghé đầu tới, "Có chứ! Nhưng phải đợi Tuấn Anh nói là cho An đã. Chưa gì đã tự tiện lục lọi thì không tốt lắm đâu!"
Tuấn Anh phì cười: "Ra là nhiều năm nay Tuấn Anh toàn làm việc xấu. Đồ gì của An cũng tự nhiên lục như của mình."
Tôi cười hì hì, nhìn lên cậu ấy, nói: "Tuấn Anh là ngoại lệ! Tuấn Anh làm việc gì cũng tốt!"
Cậu ấy vui vẻ búng nhẹ trán tôi một cái.
Lúc thùng carton mở ra, tôi nhìn xuống mà choáng váng đầu óc, xây xẩm mặt mày.
Tuấn Anh đem từng bộ sách giáo khoa 10-11-12 mới cứng xếp chồng chồng, lớp lớp ra bàn. Sau đó là mấy lốc vở mới, vài lốc sổ tay, hàng chục loại giấy ghi nhớ hình thù dễ thương, cả bao bọc nilon, năm hộp bút chì, mười hộp bút bi, mười hộp bút kim, năm bộ thước kẻ compa gôm tẩy các thứ lỉnh kỉnh... Cứ có cảm giác ngay sáng sớm mai tôi có thể đốt pháo ăn mừng khai trương tiệm văn phòng phẩm được rồi.
Tôi há hốc miệng, ngồi phịch xuống ghế, phải dùng cả hai tay để đỡ lấy trán. Hết ngu ngốc nhìn Tuấn Anh moi từng món ra xếp tràn lên bàn lên giường, rồi lại nhìn lên khuôn mặt vui vẻ, hứng khởi như mới nhặt được vàng của cậu ấy.
Tuấn Anh hành động nhanh thật! Mới tối hôm qua còn xéo sắc nói tôi đi lên nhà Hiếu mà nhận đồ miễn phí. Hôm nay đã hừng hực khí thế "ta đây là đại gia" mua trọn gói ba năm cho tôi rồi.
Nhưng lần này tôi thừa hiểu, mình mà đưa đẩy tiếp thì Tuấn Anh lại gọi tên bạn Hiếu ngàn lần nữa ngay.
Tuấn Anh nhét vào tay tôi một cái máy tính siêu xịn, vốc một đống sticker dày cộm thả lả tả xuống lòng tôi, sau đó cười toe toét dang rộng tay chỉ lên bàn, hỏi: "Thích không?"
Vì sợ rớt nên tôi co hết hai chân lên ghế, ôm chặt chúng vào lòng, gật đầu lia lịa: "Thích thích thích thích... Vô cùng thích!"
Tôi với lấy cái thước có viên bi sắt chạy trong mê cung, còn cả cây thước có thể xếp hình, rồi thêm một cây chứa dung dịch lỏng ở trong có thể ấn nút bắn ra kim tuyến hoặc điều chỉnh cho cá nhựa bơi lội xung quanh nữa. Đẹp quá đi mất!
Chơi đến mải mê rồi, tôi mới nói: "Tuấn Anh cứ làm như An là học sinh tiểu học không bằng."
Cậu ấy xoa đầu tôi, "Ừ. Trong mắt Tuấn Anh thì An luôn bé con con như vậy thôi."
Tôi bĩu môi, vừa chơi vừa liếc lên cậu ấy một chút.
Cậu ấy nhẹ nhàng nói tiếp: "Bù cho An năm lớp 1 không được chơi đó."
Tôi sửng sốt nhìn Tuấn Anh.
"Hồi đó Tuấn Anh thấy An đi qua đi lại liếc nhìn đám con gái chơi mấy thứ này." Cậu ấy mỉm cười.
Trong lòng tôi bồi hồi khó tả. Đúng là hồi xưa tôi rất thích, nhìn người ta chơi mà phát thèm, nhưng ngày đó nếu muốn chơi chung thì phải mua quà vặt lên trao đổi. Nhà tôi nghèo, không có tiền là thứ nhất. Thứ hai là Diệu Hiền đã dặn dò trai gái phải chơi riêng, nên tôi chỉ dám làm bộ lượn lờ đi ngang qua rồi liếc xem mấy cái, cũng nhát cáy mà không dám phiền Diệu Hiền lấy cho mượn cầm thử một lần. Sau này lớn rồi thì bao nhiêu món thú vị năm xưa đều trôi tuột về dĩ vãng, không còn hợp tuổi để sử dụng chúng nữa nên cũng lặng lẽ bỏ qua. Vậy mà... vậy mà...
Tuấn Anh của tôi nhớ hết! Cậu ấy luôn ghi nhớ hết mọi thứ về tôi!
Tôi nắm chặt món quà quý giá trong tay, tim đập loạn lên hỏi: "Năm đó Tuấn Anh để ý ư?"
Cậu ấy mỉm cười, gật đầu: "Ừ. Vẫn luôn để ý An."
Bàn tay tôi nắm thước đồ chơi chặt đến mức có chút đau nhưng không nỡ buông ra, vẫn là Tuấn Anh nhẹ nhàng gỡ từng ngón rồi lấy để hết lên bàn.
Tôi nhìn lại một núi văn phòng phẩm, cười lên rạng rỡ, nói: "Cảm ơn Tuấn Anh nhé!"
Cậu ấy thản nhiên phất tay, "Ơn huệ cái gì! Gọi một tiếng ông xã nghe chơi là được rồi!"
"..."
Tôi sốc đứng hình, há mồm trợn mắt, ngã ngửa ra sau.
May mà Tuấn Anh đỡ kịp.
Da mặt tôi nóng hổi, muốn bốc khói xì xì tới nơi, mà cậu ấy vẫn mặt dày vô liêm sỉ, còn cười nham nhở.
Cậu ấy vuốt vuốt ngực tôi, "Tuấn Anh nói giỡn thôi. Đừng có trực tiếp đứng tim đấy nhá!"
Tôi cúi đầu xấu hổ, đẩy cậu ấy ra rồi ngồi nghiên cứu máy tính.
Tuấn Anh dặn dò tôi cách nói dối, "Sau này, đến đầu năm cứ nói là lấy tiền nhuận bút mua sách. Còn máy tính, tạm thời nhất định phải giấu kín đi. Đầu lớp 10 đi thi tỉnh xong thì nói đó là một trong số phần thưởng. Nghe chưa?"
Tôi mỉm cười gật đầu. Nhờ công Tuấn Anh mà tôi sắp thành giang hồ xóm chợ, biết bốc phét như hát hay rồi.
Đang vui vẻ thì Tuấn Anh lại nói: "Mua cho An trước để An đỡ phải lấy của thằng Hiếu."
"..."
Lại là Hiếu. Kể cả Tuấn Anh không mua thì tôi cũng tự mua chứ đi lấy của người khác làm gì? Chưa kể là người ta chỉ nói xã giao thôi. Tuấn Anh cố chấp quá đi mất!
Định giải thích thì cậu ấy tuyên bố: "Mai mốt Tuấn Anh cũng mở tiệm đối diện nhà thằng Hiếu. Xây bảy tầng luôn! Đặt tên là Tuấn Anh Học!"
"..."
Tôi nằm gục xuống bàn mà cười.
Vẫn ấu trĩ y như ngày bé, chả khác tẹo nào. Nhớ hồi đó mỗi lần ra chơi xong, thấy tôi cùng Hiếu đi vào lớp là Tuấn Anh đều chồm người lên ghé vào tai tôi, nói rằng nhà cậu ấy CŨNG có ô tô. Thì ra đâu phải khoe khoang đơn thuần, cậu ấy là đang nghĩ rằng tôi chơi với Hiếu vì nhà bạn ấy có xe nên mới cho tôi biết rằng nhà cậu ấy cũng có xe xịn, chẳng thua kém gì đâu mà sao tôi lại làm lơ!
Vốn dĩ muốn giải thích một chút, nhưng nghĩ đến đây tôi liền không muốn nói gì nữa. Cứ để người này thoải mái bày ra tính trẻ con đúng độ tuổi đi. Tuấn Anh vốn dĩ phải vô tư như thế này chứ không nên lo nghĩ trước sau, cẩn thận chu toàn từng chút một vì tôi như bấy lâu nay.
Tôi hùa theo, đùa cùng Tuấn Anh, "Phải xây nhà cao gấp đôi chứ!"
Cậu ấy bật cười, gật đầu thật mạnh: "Ừ. Mười tầng luôn. Lúc đó năm tầng bán sách, năm tầng cho bọn mình ở."
Tôi bĩu môi: "Thế thì lau dọn nhà mệt lắm! Gãy tay mất!"
Tuấn Anh vênh mặt lên trời: "Lúc đó thuê người làm chứ ai bắt An làm!"
"Tiền đâu mà thuê?"
"Tuấn Anh sẽ làm việc chăm chỉ kiếm tiền."
"An không cần làm gì hết à?"
"An thích làm gì thì làm. Đi đâu thì đi. Đừng chạy qua nhà thằng Hiếu là được."
"..."
Nói cái quái gì thì đề tài cũng quay về bạn học Hiếu vậy nhỉ? Tôi không đùa giỡn nữa, bắt Tuấn Anh phải dọn dẹp hết trên bàn học, còn mình ngồi tiếp tục đan.
Rất lâu sau, Tuấn Anh bất chợt phá tan bầu không khí yên tĩnh: "An thích mấy thằng này lắm à?"
Tôi giật mình, bò người tới nhìn ngó mới biết Tuấn Anh lật sổ ghi chép lời bài hát của tôi ra xem. Cuốn này tôi giấu rất kỹ mà cậu ấy vẫn tìm được. Bên trong đó tôi thường vẽ vời hoặc cắt dán đầy hình để trang trí, có cả hình diễn viên và ca sĩ. Nam nữ đủ cả nhưng cậu ấy lại cố ý chỉ hỏi về "thằng".
Tôi giải thích: "Không thích mấy đâu. Thích sơ sơ thôi. Ai đẹp trai đẹp gái, phim nổi, hát hay, nhảy giỏi thì An đều thích hết. Kiểu như là thần tượng ấy mà. Thấy họ xuất sắc nên có cảm tình."
Tuấn Anh hỏi lại: "Tóm lại là thích chứ gì?"
Tôi cúi đầu, gãi nhẹ lên chóp mũi, ngầm thừa nhận.
Cậu ấy nói: "Biết An thích lâu rồi. Lần nào đọc báo mà có tặng kèm hình mấy thằng này cũng nhìn chằm chằm như muốn rớt luôn con mắt ra ngoài."
"..."
Cậu ấy nhướng mày nhìn tôi, nói huỵch toẹt: "Thiếu điều rớt nước miếng lộp bộp xuống thôi."
"..."
Tôi vô thức sờ lên khoé miệng.
Tuấn Anh bật cười. "Ánh Dương ở nhà cũng thế. Nó dán đầy hình trai khắp nơi. Bữa giờ thấy An không dán trong phòng, cũng không gắn trên bàn học, còn tưởng là không đến nỗi mê mẩn. Ai ngờ đâu dán đầy trong này."
Tôi gãi đầu, cười trừ: "Trang trí cho đẹp thôi mà... Với lại An dán cả nam cả nữ, cả hoạt hình và chó mèo nữa."
Cậu ấy gật gù: "Ừ. Tim An to nên thích được nhiều."
"..."
Cậu ấy liếc tôi, hỏi: "Thế hình Tuấn Anh dán chỗ nào? Sao lật mấy cuốn này đều không thấy?"
Tôi cúi đầu cười cười, sờ sờ lên trán mấy cái. Nghĩ đến hình của Tuấn Anh là lại nóng hết cả người, mặt cậu ấy rất dày, chụp nhiều tấm rất rất rất... không đàng hoàng.
"Hỏi An đấy! Hay là vứt hết rồi?" Cậu ấy nâng cao giọng một chút.
Tôi vội vàng xua tay, "Không có! An đều cất trong hộp bí mật rồi."
"Hộp bí mật?" Cậu ấy cười cười, hỏi: "Là cái hộp nhang muỗi hình con gấu ôm trái tim màu hồng đấy hả?"
"..."
Tuấn Anh ghim hơi lâu nha! Bữa trước nói xạo cậu ấy mà đến tận bây giờ vẫn còn hơi sức chọc ghẹo.
Tôi cắn răng đính chính lại: "Đó là hộp đựng tiền tiết kiệm. Không phải hộp nhang muỗi."
"Ồ~ Vậy sao? Thế mà ngày trước Tuấn Anh nghe người ta đồn đó là hộp nhang muỗi loại đời mới có mùi thơm dữ lắm."
"..."
Cậu ấy cười chán chê rồi thì yêu cầu: "Khi nào mua cho Tuấn Anh một hộp y như vậy nhưng màu xanh đi!" Cậu ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh mắt tràn đầy ý vị sâu xa.
Tôi không hiểu cậu ấy nhìn tôi đắm đuối như vậy là có ý gì, nên tránh tầm mắt mà đáp lời: "An mua lâu lắm rồi. Sợ là không còn bán loại như vậy nữa đâu."
"An mua ở đâu?"
"Ngay hiệu sách dưới kia. Gần nhà Tuấn Anh đó."
"Biết rồi."
"..."
Biết rồi là sao ta? Tự nhiên nói biết rồi?
Tôi thử hỏi: "Vậy, vậy Tuấn Anh tự mua hay An mua?"
Cậu ấy thản nhiên nói: "An mua."
Tôi gật đầu đáp ứng. Dù sao tiền của cậu ấy cũng toàn là tôi cầm. Nhưng do tôi không rõ cậu ấy có cố chấp bắt buộc phải muốn y hệt hay không, lại còn hỏi địa điểm mua, nên cứ tưởng là cậu ấy sẽ tự mình đi tìm mua cho bằng được.
Tôi lại hỏi thử tiếp: "Nếu hết loại giống vậy rồi thì sao? Mua hộp hình khác được không?"
Tuấn Anh lắc đầu chậm chạp, giọng quyết đoán: "Không. Phải mua giống y như của An."
"..."
Chết rồi... Phải làm sao đây?
Tôi xoắn xuýt nửa ngày, suy nghĩ mãi, cuối cùng nói: "Hay Tuấn Anh dùng tạm hộp của An đi? Trong thời gian đó An sẽ kiếm... kiếm hộp giống như vậy màu xanh rồi đổi lại." Thời gian lâu như thế sợ là không còn loại này nữa đâu, cứ đưa đại cho cậu ấy trước đã rồi tính sau.
Nhưng nói xong thì vẻ mặt Tuấn Anh không đúng lắm, tôi nheo mắt nhìn kỹ mới biết hoá ra cậu ấy đang nhịn cười. Tôi hiểu rồi. Nãy giờ người này đang chọc ghẹo mình.
Tuấn Anh bật cười thành tiếng nhỏ, nói: "Ghẹo An vui thật!"
Tôi làm mặt cau có, không vui gì hết!
Tôi đổi ý rồi! Rút hết lại ý muốn hồi nãy. Tôi không cần một Tuấn Anh vô tư, ấu trĩ đúng tuổi nữa! Tôi muốn một Tuấn Anh tâm lý, dịu dàng như nước kia!
Cậu ấy nặn nặn hai má tôi: "Giỡn chút thôi mà. Để đó Tuấn Anh tự tìm mua."
Tôi hậm hực gạt tay cậu ấy ra.
Tuấn Anh định nói gì đó nữa thì ngoài cửa phòng truyền tới tiếng mẹ tôi gọi: "An ơi!"
"Dạ." Tôi giật mình đáp lời.
Chưa kịp đứng dậy thì thấy thùng đồ dùng học tập mới toanh bị đạp ngang qua chân tôi, 'xoạch' một tiếng lăn vào trong gầm giường. Tôi định nói Tuấn Anh trốn tạm vào tủ quần áo đi, ai ngờ quay lại chỉ còn thấy cánh cửa sổ hơi rung lắc nhẹ nhàng.
Tôi bật cười. Người này chân tay nhanh nhẹn thực sự!
Tôi nhét len đan móc vào dưới chăn. Mấy thứ này cũng có thể nói dối mẹ đây là bài tập môn Hướng nghiệp cũng được, nhưng tôi ngại, sợ Tuấn Anh còn ngoài kia sẽ nghe thấy.
Mẹ tôi vào kiểm tra bài vở, xem xét điểm thi. Đây là thói quen từ ngày bé tí rồi. Chẳng qua hồi nhỏ kiểm tra hằng ngày, lớn rồi thì thỉnh thoảng, bây giờ có khi cả tháng mới xem sơ qua một lần.
Xem xong rồi thì mẹ dò thời khoá biểu để biết môn sáng mai học là những gì, sau đó sẽ lấy sách đối chiếu xem tôi đọc thuộc lòng có đúng hay không.
Mẹ hài lòng gật đầu, gấp sách lại, sau đó với lấy con gấu mà Tuấn Anh tặng hôm sinh nhật.
Con gấu này thì tôi không sợ, vì đó là dịp đặc biệt, tôi cũng nói thật với mẹ là cậu ấy tặng rồi. Bạn học tặng quà sinh nhật cho nhau rất là bình thường.
Mẹ ấn ấn, lắc lắc một chút rồi cười hỏi: "Con gấu này hết kêu được rồi à?"
Thực ra là nó nói "I Miss You" nhưng do mẹ tôi không biết tiếng Anh nên cứ gọi đại là kêu.
"Dạ. Chắc là nó hết pin rồi."
Lý do nó hết pin đương nhiên là do tôi suốt ngày ôm ôm ấp ấp bắt nó nói quá sức rồi. Nhưng tôi không biết Tuấn Anh có còn đứng bên ngoài kia hay không, sợ cậu ấy biết được thì ngại lắm.
Nhưng mẹ tôi lại nói trắng hết sạch ra: "Từ sáng đến tối cả ngày ngồi ấn cho nó kêu thì chả nhanh hết pin."
"..."
Cầu mong là Tuấn Anh đừng nghe thấy.
Mẹ tôi cầm con gấu đứng dậy, tôi vội vàng hỏi: "Mẹ đem nó đi đâu vậy?"
Mẹ cười vui vẻ, nói: "Đi kêu thằng Bình ngày mai thay pin cho chứ đi đâu. Quà Tuấn Anh tặng con không lẽ mẹ lại vứt sao? Cái thằng này!"
Tôi gãi đầu, cười đáp: "Đâu có! Con tưởng mẹ đem ra để trưng tủ kính bên ngoài kia."
Phòng khách nhà tôi cũng có tủ kính, nhưng toàn là chứa đồ chơi, gấu bông với mấy thứ linh tinh lỉnh kỉnh chủ yếu là của em trai tôi, không được trang hoàng long trọng như nhà người khác. Bởi vậy nên tôi cứ nghĩ mẹ thấy em gấu này xinh xắn sẽ muốn nhét luôn vào đấy cho đẹp đội hình.
Đợi mẹ ra khỏi phòng rồi tôi mới khoá kỹ cửa lại, vừa chạy tới cửa sổ thì thấy Tuấn Anh nhảy lên. Cậu ấy đá lông nheo với tôi một cái, thơm lên má tôi rồi bắt chước giọng gấu bông, nói: "I Miss You."
"..."
Thì ra Tuấn Anh đã nghe được hết.
Thật mất mặt!
Tôi điều chỉnh cơ mặt, cố coi như không hiểu gì rồi tới giường lôi găng tay ra móc tiếp.
May là cậu ấy cũng không tiếp tục trêu chọc.
Chỉ hỏi: "Lớn thế này rồi mà vẫn bị mẹ kiểm tra bài tập à?"
Tôi mím môi gật đầu, nhưng móc được mấy mũi lại cảm thấy nên giải thích một chút: "Bây giờ mẹ bận rộn, lâu lâu mới kiểm tra thôi, có khi cả tháng lận. Tại sợ An chểnh mảng bài vở chứ không phải khắt khe như ngày nhỏ đâu."
Tuấn Anh gật đầu, cười cười.
Cậu ấy lấy sách Vật Lý 12 nâng cao rồi khoanh tròn mấy câu, nói tôi quay lại bàn học làm xong hết rồi hẵng móc tiếp. Tôi ngoan ngoãn đáp ứng, nhưng lật mỏi tay vẫn không thấy hết dấu mực đỏ.
Đây mà là mấy câu à? Rõ ràng là trăm câu có thừa!
Tôi đắn đo mãi, làm đến câu thứ hai mươi lăm thì quay sang xin phép: "Cho An làm phân nửa rồi mai làm tiếp được không?"
"Không được." Tuấn Anh cũng đang làm đề, chẳng thèm ngẩng đầu nhìn lấy một cái mà đã dứt khoát cự tuyệt.
Tôi mím môi, tiếp tục làm đến câu thứ ba mươi bảy thì vẫn là không nhịn được, xuống giọng năn nỉ: "Đi mà... Nếu làm hết nhiêu đây thì khuya mất rồi. Làm sao mà ngồi móc được nữa."
Tuấn Anh ngồi trên giường, cũng ngưng bút lại nhìn tôi trìu mến rồi vươn tay vuốt tóc tôi mấy cái, nói: "Ngoan đi, Tuấn Anh thương."
"..."
Tự nhiên nói gì kì cục quá vậy! Không liên quan gì đến vấn đề của tôi hết!
Nếu tôi ngoan ngoãn học tập thì Tuấn Anh sẽ thương tôi? Tim tôi đập dồn dập, nhanh chóng cúi xuống cặm cụi chăm chú làm bài. Vừa đặt bút liền có khí thế hừng hực, cảm thấy nhiêu đây có nhằm nhò gì đâu, làm cả ngàn câu đến sáng mai, sáng kia cũng còn được.
Tôi làm chậm hơn Tuấn Anh, cậu ấy làm xong đề thì không làm nữa mà ngồi chống tay lên thành giường nhìn tôi chằm chằm.
Cả người tôi tê dại râm ran, cắn răng nói: "Tuấn Anh làm vậy An không tập trung được."
Cậu ấy khẽ cười trầm thấp trong cổ họng, nói: "Tuấn Anh có làm gì đâu."
Tôi cúi mặt, đề nghị: "Tuấn Anh đừng nhìn nữa."
Cậu ấy lắc đầu cười cười, nhưng cũng đồng ý mà quay mặt đi hướng khác. "Làm nhanh lên rồi đi ngủ."
"An còn muốn móc nữa."
"Hôm nay không móc."
Tôi buồn bã, nói: "Lỡ không kịp thì sao?"
"Kịp." Giọng cậu ấy chắc chắn cứ như chính mình là người móc vậy, "Còn biết bao nhiêu lâu mà. An đan như cái máy ấy. Vèo vèo đã xong hết ba cái khăn, một cái mũ rồi. Thời gian còn lại thư giãn đi cho đỡ đau mắt mỏi cổ."
Tôi lặng lẽ nhìn xuống đống bài tập trước mặt, đây mà là thư giãn à?
Nhưng không dám nói ra. Vậy mà Tuấn Anh vẫn bật cười nằm lăn xuống nệm được.
Cậu ấy nhổm dậy, gõ gõ thành giường, nói: "An vừa nhìn đề như hận không thể ăn tươi nuốt sống nó vậy. Có phải ánh mắt vừa rồi An muốn dành cho Tuấn Anh không?"
Tôi đứng bật dậy, xua tay lia lịa: "Không có. Không phải đâu." Đúng là tôi vừa đem ánh mắt dao găm bắn lên bài vở là thật nhưng không hề tức giận Tuấn Anh chút nào.
Cậu ấy cười rồi nhảy lên thành giường ngồi, kéo tôi ôm vào lòng: "Sao mà đáng yêu quá đi mất! Thôi đừng làm bài nữa, đi lên giường làm này làm nọ đi!"
"..."
Làm này làm nọ là làm gì?
Tôi chưa hiểu nhưng làm trên giường chắc chắn sẽ không đàng hoàng gì rồi, nhất là lại còn qua miệng lưỡi của người đang cười gian xảo trước mắt nữa. Tôi hoảng hốt, nhanh chóng đẩy cậu ấy ra rồi ngồi xuống ghế, nghiêm túc làm bài.
Mặc kệ đi. Hôm nay không cho móc thì ngày mai móc, miễn cho lại đòi kéo mình lên giường làm này làm nọ.