Ngày đầu tiên của năm học nên được nghỉ sớm, khoảng 10 giờ trưa thì tôi hào hứng đạp xe sang nhà anh Thịnh.
Gọi là đối diện với cổng trường cũng không đúng, đất trường ở quê rất rộng nên từ cổng nhìn xéo xéo chếch chếch sang bên trái là tiệm net, cách một mảnh đất trống rộng lớn kế đó nữa mới tới quán bida, nên lúc tan học đi ra, tôi không nhìn thấy cảnh tượng không nên thấy. Nếu biết trước thì tôi đã ngồi đợi khi nào tới giờ hoàng đạo thì mới đạp sang đường rồi.
Còn chưa đặt được cái bánh xe sang đất nhà anh Thịnh thì thấy dép từ trong đó bay lả tả ra ngoài, còn văng ra cả đường quốc lộ. Sau đó là mấy âm thanh tác động vật lý 'Rầm Rầm, Bụp Bụp, Bốp Bốp' xen lẫn với tiếng chửi thề, rất nhiều người cùng nói tục, nhưng tôi nhận ra có cả giọng của anh Thịnh.
Tôi còn phân vân tính lùi xe về quán net thì một gã thanh niên mặc áo thun xám rách tả tơi một bên tay, mặt mũi đỏ ngầu, khoé môi tướm máu chạy xồng xộc ra xô tôi ngã lăn quay ra đất. Gã đó giằng lấy xe đạp của tôi rồi ném balo xuống dưới. Tôi vội vội vàng vàng lồm cồm bò dậy túm chặt lấy yên sau, rất sợ bị mất xe đạp châu báu của Tuấn Anh.
"Bước xuống! Trả xe cho tao!" Tôi không quan tâm người lớn tuổi hơn mình mà nóng mặt hét lên.
Gã ngoái đầu lại, hằm hằm trợn mắt trắng dã, rống lên: "Buông ra! ***..."
'RẦM!'
Nhưng còn chưa chửi xong thì bị anh Thịnh nhảy tới đạp một cước lăn xuống đường, anh ấy dùng mu bàn tay quẹt ngang khoé miệng, nghiến răng gằn giọng: "Mày *** ai? *** con mẹ! Hôm nay mày tới số với bố mày rồi!"
Dứt lời thì sấn tới đạp, đấm, đá...
Tôi không nhìn sang bên đó vì mải giữ xe cho khỏi ngả, bây giờ thì lo ngó xung quanh xem xe xịn xò của Tuấn Anh có trầy chỗ nào hay không.
Đến khi ngẩng đầu lên, đã thấy cảnh bốn người đánh hai người bò dưới đất.
Anh Thịnh quay lại kéo bắp tay tôi xoay một vòng, nạt lên: "Có bị thương chỗ nào không?"
Tôi lắc đầu: "Dạ không."
Anh ấy thở hồng hộc đi chân đất vào trong, tôi đi theo rồi ngồi đợi anh ấy đứng trên cầu thang bấm điện thoại liên tục. Anh ấy nhìn xuống tôi chằm chằm, khuôn mặt vừa nổi giận xong trông còn hung dữ hơn hôm qua, nhưng tôi không sợ mà cứ nhìn lên rồi lại nhìn đến sáu người bên kia. Bên ngoài ồn ào mà xung quanh chẳng ai can ngăn, cứ như chuyện thường xảy ra ở phường vậy.
Tôi thấy hai kẻ ôm đầu la oai oái rên lên vì đau kia mà vô thức nuốt nước miếng, mong rằng mẹ sẽ không bao giờ thấy được cảnh tượng này.
Đang mải nghĩ thì một anh nhân viên khác từ bên trong đi ra đưa nước cho tôi uống. Chắc hôm qua đưa nước đá tôi không chạm qua nên hôm nay mới đổi thành nước ấm, trời cũng dần se lạnh rồi mà. Tôi nhìn anh Thịnh phía xa xa đang nói chuyện điện thoại mà cảm kích trong lòng.
Anh ấy gọi điện xong thì nhảy bay qua lan can cầu thang, đi ra trước mặt tôi, dặn dò: "Lần sau thấy đánh nhau thì chạy vào tiệm net."
"Tiệm net bên cạnh ấy ạ?" Tôi hỏi lại.
Anh Thịnh gật đầu, "Ừ. Sau này làm ở đây rồi cũng thế, cứ thấy ồn ào gây gổ thì việc đầu tiên mày phải làm là chạy trốn. Gây lộn bên ngoài thì mày chạy lên lầu, còn ẩu đả bên trong thì chuồn sang tiệm net. Thấy đánh nhau cũng không được can thiệp, có ai đập phá đồ cũng mặc kệ cho anh. Mày lo cho thân mày trước đi, để có mệnh hệ gì, anh mày đền không nổi."
"Dạ vâng. Nhưng có sợ... phiền đến bên đó không ạ?"
"Phiền con ***!"
"..."
Anh Thịnh nhắm mắt giây lát rồi thở dài thườn thườn, mãi sau đợi bốn anh nhân viên quán đi vào rồi mới hạ giọng sửa lời: "Không phiền! Bên đấy với bên này là một... một..." Anh ấy ngưng một chút, lông mày rậm xoáy lại như cực kì đăm chiêu suy nghĩ, "Mày cứ coi bên đấy cũng như bên này là được."
"..."
Sao mà coi được? Lỡ bên đấy không coi bên này cũng như bên đấy thì sao?
Ước gì có Tuấn Anh ở đây! Cậu ấy nói chuyện dễ hiểu hơn gấp tỉ lần. Đặc biệt hơi thô bỉ nhưng sẽ không chửi tục trước mặt tôi như này đâu.
Mãi sau, lúc tôi đang ngồi ăn phở thì hai người ngoài kia mới lồm cồm bò dậy nhặt dép khập khiễng đi về. Không có một ai quan tâm, mấy anh đang đánh bida trong này cũng mặc kệ. Vậy là đúng chuyện xô xát thường xảy ra như cơm bữa ở đây thật rồi.
Nhân viên toàn cao to lực lưỡng xăm trổ chắc để làm bảo vệ, bảo kê chứ tính tiền, châm cơ, lên bi thì một, hai người là đủ.
Tôi ngồi ăn một mình còn anh Thịnh đứng tít bên ngoài hút thuốc, mãi sau mới đi vào dựa lên cửa nói chuyện.
Kiên và tôi đều được nhận, lương của chúng tôi khác nhau một cách kì lạ, tôi bốn triệu còn nó hai triệu trong khi nó mới là người làm cả ngày, sau thử việc thì tính tiếp vì anh ấy nói phải xem thằng Kiên làm việc như thế nào thì mới xét lại lương. Tôi đang nung nấu ý định bí mật đưa tiền lương phụ thằng Kiên một thời gian thì anh Thịnh cứ như đi guốc trong bụng.
"Mày đừng tưởng mày nghĩ gì mà anh không rõ. Đừng để anh biết được mày đưa phần của mày cho thằng kia thì sau này sẽ đòi lại bằng sạch từ tháng đầu tiên xem thằng kia có trả nổi không."
Tay tôi run lên, rớt cả miếng thịt bò xuống tô. Thôi, hai triệu đối với một đứa trẻ đã là quá nhiều. Gấp bao nhiêu lần tiền đi làm công nhân mía đường chui lủi nữa.
Anh nói, nó làm toàn thời gian còn tôi lo mà học, khi nào rảnh thì sang bên này ngồi học bài, mệt thì nghỉ ngơi, buổi chiều có đi học võ thì lên lầu ngủ trưa, có phòng riêng tư thoải mái.
Tôi ngẩn ra, đây đâu có giống mình xin được việc mà y như mình có thêm một ngôi nhà trên thị trấn gần trường để tá túc vậy. Vừa sung sướng mà vừa được cho tiền? Nhưng..., tôi hỏi: "Sao anh biết em có đi học võ?"
Anh Thịnh nhìn tôi giây lát rồi đi mở tủ lạnh lấy chai nước lọc súc miệng, phải súc ba bốn lượt nhổ vào bồn cây thì mới đi vào, nói: "Suốt mấy tháng nay, ngày đéo nào mày cũng đứng bên kia đường mặc đồng phục võ thuật nhìn vào đây chằm chằm. Tao quen mặt mày luôn rồi. Mày nói xem, tại sao tao lại biết?"
"..."
Tôi tưởng mình che giấu bản thân kỹ lắm mà? Rõ ràng đã đứng sau cây cột điện. À... còn lòi ra cái xe đạp nhỉ?
Sẵn tiện nói về chuyện quen mặt, tôi muốn hỏi thử xem anh ấy có nhớ Tuấn Anh hay không? Tuy cậu ấy không thường lên đây chơi nhưng lại là vị khách cực kì đẹp trai sáng láng, gặp một lần là ấn tượng khó phai, không thể nào quên.
Miệng tôi khép mở: "Hồi Tết em với bạn em từng đến đây chơi bida một lần..."
"Mẹ mày có biết không?" Anh Thịnh đánh gãy lời tôi.
"..."
Dĩ nhiên là mẹ tôi không biết rồi, khi đó mẹ vẫn nghĩ rằng tôi đi đến nhà cô chủ nhiệm chúc Tết mà. Là Tuấn Anh dụ dỗ tôi đi hẹn hò một ngày và tôi cũng sướng như điên đi theo tên bắt cóc, còn được cậu ấy tặng chiếc nhẫn mắc tiền lấp la lấp lánh đang nằm trên ngón tay đây này.
Tôi bỏ qua lời anh ấy, tiếp tục: "Sau đó, sau Tết em với bạn em... đông lắm... cũng đến tiệm anh thêm một lần nữa..."
Anh ấy gác chân bắt chéo lên bàn, nhàn nhạt hỏi lại: "Cả lũ nhóc tự ý trốn gia đình đi oánh bida?"
"..."
"Sao lại im lặng? Nói tiếp đi chứ!"
Anh nói xem, tại sao em lại lặng im?
Tôi vẫn kiên trì: "Ý em là anh có nhớ..."
"Tao đéo nhớ gì hết!" Còn chưa để tôi nói hết câu nữa, "Mày cũng là mới đây anh mới biết chứ hằng ngày cả trăm lượt người ra vào. Bố ai mà nhớ nổi!"
Thấy cũng có lý!
Nhưng tôi vẫn ngoan cố, lại sợ anh ấy ngắt lời nên nói một lèo: "Nhưng bạn ấy có ngoại hình rất đẹp mắt, dáng cao hơn hẳn lứa tụi em, da rất trắng, nhìn xán lạn, tuấn tú, nổi bật khác hẳn mặt bằng chung, còn từng nói chuyện xã giao với anh nữa, hai lần tới đây đều cùng nhau nói cười. Anh thực sự không nhớ gì sao?" Tuy hồi xưa tôi nhát hít không dám lại gần nghe xem họ nói gì để nhắc lại nội dung, nhưng rõ ràng là đã cười khá vui vẻ mà.
Anh Thịnh chỉ tay một vòng vào bên trong, "Mày đến đây hai lần, có lần nào thấy tao không nói cười với khách chưa? Làm cái nghề này mà mặt mày xụ ra một đống không biết xã giao thì đớp cứt mà ăn à?"
"..."
Anh ấy thả chân xuống đất, khom người đan tay đặt trên đầu gối, cười cười, hỏi: "Thằng đó đẹp lắm à?"
Tôi gật đầu.
"Đẹp bằng anh mày không?"
Đầu tôi cứng đơ.
Anh ấy ngửa mặt lên trời cười ha ha ha, trong tích tắc đối diện phần xương hàm góc cạnh mà tim tôi hẫng đi một nhịp.
Khoảnh khắc vừa rồi... có nét nhang nhác giống người mà tôi thương.
Anh Thịnh cười xong thì nghiêm túc lên tiếng: "Thứ nhất, chuyện xa lắc xa lơ làm sao mà anh nhớ nổi. Thứ hai, anh rất ghét ai đặt câu hỏi nên mày bớt bớt lại đi."
"..."
Nghe đến vậy thì tôi nín thinh, mới hỏi có một câu thôi mà. Nếu biết anh ấy không thích nghe câu nghi vấn thì đã hỏi "tại sao lại thiên vị trả lương cho em gấp đôi" trước rồi.
Tôi đang định đổi sang câu khẳng định thì anh ấy hất hàm, "Đem cặp lên lầu ngủ đi. Tầng một, lên cầu thang rẽ phải, phòng đầu tiên, đã thay tất cả chăn gối mới tinh không chung đụng với ai. Yên tâm!"
Ở đây sướng quá! Còn bao ăn ở cho nhân viên, chẳng lẽ mỗi người một phòng?
Tôi sửng sốt xua tay, "Không cần đâu ạ. Em chỉ ngồi một lát rồi đi học võ luôn."
Nói rồi thì đứng dậy bưng tô, hỏi: "Nhà bếp ở phía sau phải không ạ? Em đi rửa chén." Hồi xưa Tuấn Anh từng đưa tôi đi vệ sinh ở đây rồi nhưng thấy nơi này giàu có, tiện nghi chắc hẳn phải rửa chén bát ở phòng ăn riêng mới sạch sẽ.
Anh ấy đứng dậy dắt tôi đi một vòng tầng trệt, khu bên dưới rất dài xếp cả hơn chục bàn bida, đấy là còn chưa kể mấy phòng đóng kín y như phòng VIP mà Tuấn Anh dẫn tôi đi ăn trên thị xã. Anh ấy giới thiệu hết một lượt mọi phòng xung quanh, cả nơi đi vệ sinh cũng chỉ bảo cặn kẽ, bày cách sử dụng nước nóng lạnh, nhưng lại lấy tô của tôi đặt vào bồn có lẫn la liệt chén đũa chưa rửa khác rồi đẩy tôi ra ngoài.
"Tí có dì giúp việc xuống dẹp." Vòng ra ngoài cầu thang thì lại đẩy tiếp, "Mày đi lên lầu!"
"Thôi, em đi về."
Nhưng chân vừa bước xuống một bậc thì anh ấy quát lên: "Về thì dẹp mẹ luôn! Nghỉ làm mẹ luôn đi! Mày không lên lầu nghỉ ngơi rồi chiều đi học xỉu ra đấy thì ai lo hả? Mẹ kiếp! Bước lên cho bố!"
"..."
Cách nói chuyện này...
Tôi rón rén nói thử: "Anh không cần phải lo đâu ạ."
"... Tao là ông chủ, tao có trách nhiệm với nhân viên. Bước lên!"
Hình như tôi và anh ấy mới giao tiếp với nhau lần thứ hai thôi mà? Không phải bây giờ lên lầu sẽ bị giết người diệt khẩu vì chứng kiến cảnh các anh ấy vừa đánh hội đồng khách hàng đấy chứ?
Mặt mày tôi tái mét.
Anh Thịnh quay lại ném balo vào người tôi, đang định nói gì đó thì phòng kín bên cạnh mở cửa, bên trong ùa ra một đoàn người mặc cảnh phục xanh vàng xen lẫn.
Khuôn mặt tôi chuyển sang xanh chành vì tưởng hang ổ của anh Thịnh bị tóm.
Thấy mọi người cười đùa cực kì vui vẻ thì mới thở phào một hơi.
Thậm chí có chú hất hàm về phía tôi rồi hỏi anh Thịnh: "Lính mới hả Bi?"
Anh ấy cười cười, đáp: "Thằng em ở dưới quê mới lên."
"..."
Như vậy là tôi chưa kịp làm ngày nào đã được thăng chức thành đàn em thân cận à?
Họ nói chuyện xã giao mấy câu rồi ra ngoài tính tiền, tôi mới hỏi: "Công an cũng đi đánh bida luôn cơ à? Đang giờ làm việc thì có vi phạm pháp luật không anh?"
Anh Thịnh trợn mắt, "Mày xem bây giờ là mấy giờ? Hết giờ hành chính thì cũng phải cho người ta thư giãn chứ. Công an thì cũng là người. Mấy khu VIP kia cũng toàn là cán bộ bao phòng rồi thôi. Mà người ta vào ăn trưa, nghỉ ngơi chứ không phải cứ vào quán bida là phải quýnh bida."
Ồ~ Một chân trời kiến thức mới. Thì ra còn có thể vô quán bida để không cần đánh bida.
┉•✧༝*˚*❋ ❀ ❋*˚*༝✧•┉
✿Nếu bạn đang đọc truyện trên bất kì một nền tảng nào khác ngoài wattpad C-S-T-T tức là bạn đang trực tiếp ủng hộ cho người ăn cắp công sức và chất xám của tui. Làm ơn đừng tiếp tay cho những vấn nạn xấu xa nữa ạ chứ tui nản kèo dữ lắm rồi á, mà không viết nữa thì có lỗi với mấy tình iu của tui trên này (⋟﹏⋞)
┉•✧༝*˚*❋ ❀ ❋*˚*༝✧•┉
Tôi ngó vào bên trong, quả thực có mấy dãy ghế sofa chạy dài bao bọc xung quanh bàn, cây cơ trong phòng thoạt nhìn cũng xịn hơn, còn có cả bàn kiếng và ghế xếp đặt bên cạnh, trên mặt bàn bày la liệt đồ ăn gọi sẵn đã dùng qua.
Tôi vui vẻ nói: "Để em dọn phòng cho!"
Nhưng anh Thịnh túm gáy áo khoác, "Mày đi lên lầu rẽ phải giùm anh! Thích dọn dẹp thì bắt đầu từ mai! Dời ơi sao mà ông nhõi này lì thế nhỉ? Mày biến lên lầu ngủ ngay lập tức cho tao cái!
Cuối cùng tôi phải vâng lời, nhưng cũng không hoàn toàn tin tưởng nên khoá chặt cửa phòng. Tôi vừa làm bài vừa suy nghĩ, thứ nhất nơi này có các anh, các chú cán bộ lui tới thì cũng uy tín. Chắc không ai dám manh động đâu nhỉ? Mà nếu có giết người thì chắc sớm sẽ tìm ra xác thôi. Nghĩ xong thì tôi tự ngồi chửi bản thân, rồi xin lỗi Tuấn Anh vì cái tật chuyên gia nghĩ xui xẻo mà đến tận nay vẫn chưa chịu sửa. Nhưng cũng hết cách. Ai bảo cậu ấy không chịu ở đây mà quản lý tôi cơ chứ! Tiếp đến là tôi sợ anh Thịnh sẽ đổi ý mà không thu nhận thật. Tôi thì không sao nhưng thằng Kiên sẽ mất đi cơ hội cực kì tốt cho tương lai. Tôi muốn nó có tiền tiết kiệm rồi tham gia kì thi tốt nghiệp sau đó cũng dễ dàng học nghề hơn.
Sau khi nghe tôi bàn bạc, bố mẹ thằng Kiên đều xúc động, còn nó thì ngồi lau nước mắt nước mũi suốt cả buổi.
Tôi tiếp tục mở lời: "Cháu xin phép cô chú cho Kiên đi học bổ túc, ở trung tâm giáo dục thường xuyên có dạy chương trình cấp ba cho công dân vào buổi tối nữa, như vậy có thể kết hợp vừa học vừa làm. Dù Kiên học không giỏi nhưng cũng phải đi học cho biết chữ với người ta. Thời đại bây giờ nếu không có bằng tốt nghiệp cấp ba thì sau này ra đời làm ăn khó khăn lắm. Chẳng lẽ cứ đi làm công nhân lương bèo bọt cả đời sao ạ?"
Đến khuya muộn, Kiên tiễn tôi ra sân mà cứ đứng cảm ơn rồi khóc huhu nhìn tội nghiệp không thể tả. Tôi phải dỗ mãi mới chịu vào trong ngủ. Lúc về nhà, mẹ và An Bình đều đang nóng ruột hồi hộp chờ đợi, sau khi nghe kết quả thì ai cũng thở phào mừng thay cho Kiên.
Mẹ vỗ bắp tay tôi, khen: "Con trai mẹ trưởng thành thật rồi!"
Đến khi làm chính thức, tôi mới nhận ra mình được thiên vị rõ ràng. Trước đó tôi cũng mơ hồ thấy anh Thịnh tốt bụng nhưng không dám đặt câu hỏi "tại sao anh lại đối xử với em tốt đến như thế?" nữa. Anh ấy không thích tôi hỏi, chắc là không ưa kiểu người tò mò, sợ nhiều chuyện sẽ ảnh hưởng việc kinh doanh của dân giang hồ. Nhưng khi tôi nằng nặc trả lại phân nửa tiền lương, qua lời anh ấy thì tôi có thể hiểu được, anh ấy trân trọng học sinh có thành tích tốt.
"Anh mày đâu có dư tiền, anh chỉ tạo chút động lực cho học sinh giỏi có chí cầu tiến thôi. Hôm khai giảng cũng nghe đồn rần rần trước cửa mày được điểm thi cao nhất rồi, nên là cứ giữ vững thành tích đi. Mày mà học hành giảm sút thì cuốn xéo!"
"..."
Ai đồn thất thiệt vậy?
Tôi xấu hổ trong lòng, vội vàng phân bua: "Không phải em đạt điểm cao nhất đâu, em chỉ là một trong số đó thôi, còn có mấy bạn nữa cũng được điểm tuyệt đối."
Anh Thịnh cao giọng hẳn: "Đệch nữa! Thế có đứa nào đến nhà tao xin việc nữa không? Hả? Trong lũ học giỏi tụi mày còn thằng nào, con nào vác xác đến nữa không?"
Mỗi lần cọc lên thì sẽ thay đổi xưng hô thành tao luôn.
Sau đó giựt lấy xấp tiền trong tay tôi, cũng không đếm mà tách đại phân nửa ném lên quầy thu ngân, "Anh mày nghe nói mấy đứa trí thức rất lắm mồm, bây giờ mới tận mắt tận tai chứng kiến. Má! Đéo hiểu sao tao lại có kiên nhẫn đến mức này! Mai mốt mày nhớ phải báo đáp công ơn đấy! Anh cảm thấy nói chuyện với mày mà anh phải già đi mười tuổi, tóc bạc trắng cả đi!"
"..."
Chuyện gì vậy? Rõ ràng anh ấy mới là người nói nhiều mà? Thôi. Tôi không thèm chấp! Tuy anh ấy bên ngoài hung hãn nhưng con người tốt bụng cực.
Tôi mỉm cười, "Tóc anh bạc là do anh nhuộm màu bạch kim đó."
Anh Thịnh: "..."
"Mày thích cãi không?" Anh ấy thảy lại cho tôi phân nửa tiền, toàn là tờ một trăm ngàn, trước đó có nói rằng tôi còn nhỏ, lấy từng tờ tiền giá trị thấp ra sử dụng cho đỡ bị nhòm ngó.
"Mày thích thì từ giờ trở đi lương tháng hai triệu, tháng nào học tốt anh sẽ thưởng thêm. Nhưng có điều kiện, trước khi nói điều kiện thì phải nói quy định của tiệm trước."
Hình như anh ấy nói nhầm, phải là "tháng nào làm tốt" mới đúng. Nhưng sợ bị chê lắm mồm hay cãi nên tôi im lặng cho qua.
"Mỗi người mỗi việc khác nhau, mày chỉ cần làm những việc mà anh giao là được, không cần xen vào chuyện của người khác, không bàn tán trao đổi về lương lậu. Ai có ý kiến thì trực tiếp gặp mặt anh. Nhất là về thằng trong kia." Anh ấy hất hàm, tôi hiểu đang ám chỉ về Kiên, "Tụi mày là bạn nhưng việc ai nấy làm. Nghe chưa? Thân mày lo chưa xong thì đừng có đèo bòng. Việc của mày là học, về đây đông khách thì phụ, thấy vắng thì lên lầu học bài, đến giờ trưa thì lên ngủ, gần kì thi phải báo anh một tiếng." Anh ấy nhíu mày một lúc, "Còn cái đéo gì nữa nhỉ? Tạm thời thế đã, chừng nào nhớ ra gì thì nói sau. À, còn nữa. Mày vào gọi thằng Kiên ra đây."
Sau khi Kiên ra thì anh ấy hỏi thẳng: "Trong hai thằng mày, tao thiên vị thằng An hơn, mày có ý kiến gì không?"
Kiên cười cười, lắc đầu: "Dạ không. Mấy bữa nay em nhìn là biết mà. Em không có ý kiến gì hết. Trong nhóm ở xóm, bọn em cũng ưu tiên thằng An nhất xưa giờ tại nó nhỏ con, hay bệnh vặt với học giỏi nhất."
Anh Thịnh cũng cười, vỗ vai Kiên, "Tốt. Tao thích mấy thằng thẳng thắn như mày. Chính vì thằng An học giỏi nên tao mới ưu ái, tránh mai một nhân tài. Nó làm bán thời gian sẽ khác với mày làm cả ngày. Nhưng mày cũng còn nhỏ, tao không bắt làm như mấy thằng kia, cũng tạo điều kiện cho mày thời gian rảnh thì lo mà ôn bài, tối còn vào trường. Tụi mày ăn ngoài hết, chỉ có thằng An là ăn tại đây tiện thể coi tiệm luôn. Mày nghỉ phòng bao cùng các anh, còn thằng An nghỉ ngơi phòng riêng trên lầu để tiện ôn bài, ở dưới này ồn nó học không được. Mày có ý kiến ý cò gì không? Hỏi trực tiếp, tao sẽ trả lời."
Kiên nghiêm túc giơ bàn tay lên ngang mặt, "Em thề! Em hoàn toàn không có ý kiến gì hết! Không tin anh hỏi thằng An xem, về nhà em cũng có thắc mắc gì đâu, toàn khen làm ở đây sướng."
Tôi gật đầu như giã tỏi để phụ hoạ.
Kiên nói tiếp: "Nó là người xin việc đầu tiên, anh ưu ái nó là đúng. Anh nhận em vào làm với mức lương cao như vậy mà toàn là việc nhẹ nhàng làm em mừng hết lớn luôn thì ngu gì mà hỏi ba cái không đâu nữa. Em cũng đâu có khùng!"
Anh Thịnh cười ha hả, "Mày cứ học giỏi nhất lớp, nhất trường như thằng An đi. Tự khắc tao ưu ái."
"Dạ thôi. Nói tới học là em thua."
Sau khi Kiên đi vào thì anh Thịnh nói rằng ở đây tôi chỉ là người học giỏi thứ hai thôi, anh ấy mới là thứ nhất. Thì ra người bề ngoài trông lấc cấc như vậy mà lại từng được học bổng toàn phần du học bên Canada, cũng được bên đó giữ lại nhưng anh làm thời gian ngắn rồi chán. Anh ấy thích cuộc sống phóng khoáng ở quê vùng vẫy như hiện tại hơn nên trở về nhà.
"Ở bên trời Tây anh như con tép, chi bằng về quê tự do tự tại chẳng sợ bố con thằng nào. Nhà có tiền chẳng việc gì phải bôn ba vất vả."
Tôi bật cười.
"Mày tưởng anh là dân học dốt hả?"
Tôi lắc đầu, "Không có. Em tưởng anh là dân du côn."
Anh ấy cười sảng khoái, "Tưởng đúng rồi đấy! Anh là dân du côn thật!"
"..."
"Du côn nhưng học tốt. Đủ biết luật để tránh vào..." Anh ấy tặc lưỡi một cái.
Tiếng 'chậc' đó chắc là điền "tù" vào chỗ trống.
Anh Thịnh kém hơn Tuấn Anh rồi. Cậu ấy ít tí tuổi nhưng nói thẳng từ "tù" vừa to vừa vang kia.
Sau đó anh ấy nghiêm túc nói rõ điều kiện.
"Mày làm ở đây thì anh coi như anh em trong nhà, nhưng mày với thằng Kiên khác mấy thằng kia. Tụi mày còn nhỏ, môi trường ở đây phức tạp nên mày phải biết điều, anh mày từng dặn gì thì phải ghi nhớ mà nghe lời. Hiểu chưa? Đặc biệt là mày, hiện tại phải đặt việc học lên hàng đầu. Anh nhìn bề ngoài mất dạy nhưng không đến nỗi bóc lột con nít vắt mũi chưa sạch. Nên cứ yên tâm, lúc mày không ở đây thì bạn mày cũng được bọn anh đối xử tử tế."
Tôi mỉm cười, "Dạ tụi em cảm ơn các anh nhiều lắm!"
"Cái đéo gì? Các anh? Mình tao thôi! Anh mày mới là chủ." Anh Thịnh ngoáy lỗ tai.
Tôi nhịn cười, vội vàng sửa lời: "Vâng, tụi em cảm ơn anh nhiều lắm!"
"À~" Anh Thịnh liếc tôi rồi cười cười, "Các anh mới đúng."
"..."
Rốt cuộc anh muốn thế nào? Lúc thế này, lúc thế kia!
"Ha ha ha... Nói chuyện với mày giải trí phết!" Anh ấy hắng giọng, vào vấn đề chính: "Quan hệ giữa anh với mày là ông chủ và nhân viên, mày lại còn đang tuổi vị thành niên nên anh có vài yêu cầu. Thứ nhất, về xin mẹ rõ ràng rồi mới được tới làm."
Tôi nhanh chóng gật đầu, "Em đã xin rồi. Em nói thật với mẹ hết rồi, mẹ em đồng ý, nói rằng thành tích không sa sút thì được."
Anh Thịnh gật đầu, "Tốt. Vậy thì cố mà học cho giỏi. Thứ hai, bất kể trên trường hay ở nhà xảy ra chuyện gì thì cũng phải thông báo với anh một tiếng."
"Dạ?" Tôi không hiểu lắm.
Anh ấy hắng giọng một tiếng, "Thì lỡ nhà mày xảy ra chuyện gì hay trên trường tổ chức cái đéo gì rồi không sang làm được thì sao?"
À, ra là sợ tôi nghỉ việc không báo trước.
"Vâng ạ, có chuyện gì thì em sẽ báo cho anh."
"Thứ ba, cái gì nhỉ để tao nhớ đã..." Anh ấy nghĩ mãi đến tận ngày hôm sau mới ra, "Trên trường hay về nhà, à không phải, trong một ngày có chuyện gì vui buồn thì viết vào giấy nộp lên cho anh."
Tôi lập tức lắc đầu, "Không được. Như vậy là xâm phạm quyền riêng tư."
"Anh cũng cảm thấy vậy." Anh ấy lẩm bẩm.
"..."
Anh biết là xâm phạm mà còn bắt em viết?
Anh Thịnh xua tay đuổi tôi, "Thôi biến vào trong đi. Để ngày mai anh đổi điều kiện thứ ba."
Cuối cùng, qua vài ngày đổi đi đổi lại thì điều thứ ba là tôi phải ghi lại sự kiện hoạt động trong ngày. Lý do là để anh ấy làm cơ sở xem xét tăng hoặc giảm lương cho tôi. Thấy tôi phân vân thì anh ấy nói ghi đại khái là được, ví dụ như hôm nay thi môn gì, được mấy điểm, tham gia phong trào nào, gặp gỡ ai, thích hay ghét, muốn làm bạn hay muốn tẩn cho nó một trận, muốn nó gãy răng hay què tay...
"..."
Càng nghe càng thấy...
Một anh làm tại đó cũng gật đầu, nói rằng "Bọn anh báo cáo cho đại ca xưa giờ. Anh Bi quan tâm đàn em thôi. Như anh, bố ốm cũng ghi vào còn được đại ca đem quà sữa đến tận nhà thăm, tặng máy mát-xa chân rồi hỗ trợ cho nghỉ có lương mấy ngày nữa."
Tốt thực sự. Hi vọng sau này tôi học Đại học xong cũng tìm được công việc có sếp tốt như anh Thịnh.
Nghĩ lại thì điều thứ ba này không khác điều thứ hai bao nhiêu nên đồng ý. Chỉ là ghi chép lại thôi mà. Tôi dự định sẽ gạch xuống vài gạch đầu dòng viết thời gian biểu của mình như học môn gì, bài nào, ai dạy... cũng được. Như vậy càng có thể ôn lại những gì mình vừa học trong một ngày. Chứ tôi không ngu gì mà ghi lại vui buồn của mình đâu.
Bao nhiêu cảm xúc trong lòng tôi, buồn vui đều dành hết cho một người, ở nhà số sổ viết lại nỗi nhung nhớ ấy ngày càng chất chồng rồi.
Bữa sau, Thằng Kiên nói, "Mày có để ý không? Anh Bi xưng với tất cả là mày tao, còn riêng mày thì anh ấy xưng là anh."
Điều này thì bây giờ tôi mới để ý, giọng điệu của anh Thịnh luôn cộc cằn thô lỗ nhưng đúng là chỉ có mình tôi anh ấy mới xưng anh, dĩ nhiên là phải trừ mấy lúc anh quạu lên sẽ đổi thành tao. Hồi mới đến đây tôi còn tưởng với ai anh ấy cũng xưng hô như vậy.
"Lúc trước tụi tao sợ mày đi học một mình trên này bị bắt nạt, nhưng bây giờ tao ở gần trường mày rồi, có gì thì cứ chạy sang đây kêu tao. Tao đánh phụ cho!"
Anh Thịnh ngồi quầy đeo tai nghe to đùng mà vẫn nghe thấy chúng tôi nói chuyện, hét sang phía này: "Thằng nào chán sống dám bắt nạt thằng An thì cứ nói với tao. Tao cho chai bia vào đầu. Mẹ kiếp!"
Không phải riêng anh Thịnh mà tất cả mọi người ở đây đều nói, đã cùng nhau làm ở đây thì đều coi nhau như anh em.
Điều này tự tôi chứng thực qua mỗi ngày được mọi người đối xử tử tế.
Anh ấy ném cây kẹo cao su về phía này, tôi buông mấy hộp phấn trong tay rồi nhanh chóng chụp lấy, chia cho Kiên một cái, tôi một cái và cho cả anh bên cạnh đang lau cơ một cái. Mấy anh còn lại đang đứng bên ngoài hút thuốc nên không cần nhai kẹo.
Từ khi chúng tôi tới đây thì anh Thịnh đặt làm bảng nhựa "Cấm Hút Thuốc" đóng rải rác lên tường. Ai thèm thuốc cũng phải đi ra ngoài.
Nhớ hôm đó, anh ấy rít vội một hơi rồi nói: "*** mẹ chúng mày! Bây giờ trong này có học sinh cấp ba, không được hút hít chửi thề nữa! Phải làm gương cho mầm non đất nước. Muốn hút thuốc thì lăn ra ngoài sân."
"..."
Hình như anh ấy tự trừ bản thân mình ra?
Mấy anh khách hỏi, "Tụi tao thì sao?"
"Tụi mày cũng phải ra sân! Không ra thì biến sang huyện khác mà đánh!"
Tôi mới biết được một chuyện, huyện tôi có bốn tiệm bida thì đều là cơ sở của nhà anh Thịnh cả. Anh ấy tự tin khoe "còn nhiều chi nhánh nữa nhưng có nói mày cũng không biết vị trí."
"Sao mày lại mướn trẻ vị thành niên? Thuê mấy đứa nít nhít này thì được cái việc gì?" Vị khách này tạch cơ không ăn điểm nên trông mặt cau có.
Tôi không phục, "Việc gì tụi em cũng biết làm hết. Chưa biết thì từ từ học hỏi cũng biết mà."
Vị khách đối diện đang xoay phấn lơ vào đầu cơ, nghe thấy vậy thì cười ha hả, nói vọng sang: "Vậy mày biết rửa chân không? Rửa chân cho anh đê!"
Mặt tôi nóng bừng vì tức giận, Kiên nhảy bổ tới muốn chửi tục nhưng tôi kéo khuỷu tay nó, sợ mất công lời qua tiếng lại rồi ảnh hưởng tiệm người ta.
Nhưng người ta không hề sợ ảnh hưởng, thậm chí còn sợ chuyện chưa đủ to.
Tôi còn chưa kịp lên tiếng đáp trả thì anh Thịnh ném tai nghe rầm xuống mặt bàn rồi cầm cây cơ gãy phân nửa dựng ngay góc nhà phóng vụt tới.
"Con mẹ mày, may mà tao chưa lắp cam đấy! *** cụ mày đưa chân cho bố!" Anh Thịnh nhảy phóng qua quầy thanh toán rồi đạp lên hàng dài bàn bida mà lao thẳng về phía này.
Tất cả những vị khách khác chẳng một ai tỏ thái độ gì cả, vẫn nhàn nhã lo ngắm bi của mình.
Anh ấy đưa hai ngón tay lên miệng huýt sáo một tiếng y hệt Tuấn Anh rồi gào lên: "Mang cho tao con dao! Thằng chó này hôm nay tao đích thân rửa chân mày! Mày muốn rửa tới khúc nào bố lóc tới khúc đấy cho mày vừa lòng!"
Hai gã trong này tái mét mặt mày, chạy bán sống bán chết. Một anh gạt chân được gã khiêu khích tôi, anh Thịnh xông tới túm tóc gã lôi dậy rồi dộng mạnh xuống bàn. Tên còn lại cũng bị mấy anh nhân viên bên ngoài nghe tiếng huýt sáo chạy vào chặn lại.
Anh Thịnh hét vào mặt tôi: "Nhìn cái đéo gì! Đi lên lầu!"
Tôi vội vội vàng vàng lôi kéo Kiên vào đại một phòng bao trống. Trước khi khuất khỏi góc cầu thang còn nghe được mấy tiếng 'Bốp Bốp' cực kì vang dội.
Tim tôi nảy lên tới nóc nhà thế mà thằng Kiên còn hăm hở kéo ống tay áo muốn xông ra, "Mày cản tao làm gì? Tránh ra để tao cho tụi nó biết mùi đời."
"..."
Đây là câu mà thằng nhóc tí tuổi nên nói sao? Hình như tôi gián tiếp đưa nó vào con đường hư hỏng rồi. Ngày nào cũng khen mấy anh ấy ngầu rồi lấy bút vẽ hình lên cánh tay cho... có cảm giác mạnh mẽ.
Tôi nhìn ra ngoài cánh cửa đóng kín mít mà cảm thấy ấm áp. Tuấn Anh cứ như thần tiên giáng thế vậy, cậu ấy đoán về tương lai đúng y chóc rồi. Có phải hiện tại ở nơi xa ấy, Tuấn Anh ngày nào cũng chúc cho tôi những điều an lành tốt đẹp nhất hay không? Tiếng lòng của cậu ấy theo cơn gió xuôi về phương Nam quẩn quanh mong tôi bình an có đúng không?
Tuấn Anh có thấy không? Mặt An nhìn không có cảm tình nên bắt chước biểu cảm của Tuấn Anh, kiểu tóc cũng cắt giống Tuấn Anh nhưng nhìn không đẹp trai mà trông còn giống du côn. Có lẽ vì thế mà mấy anh ấy thấy An hợp với phong cách của giới giang hồ nên mới ưu ái, bênh vực. Là nhờ công của Tuấn Anh hết đó. Nhưng mà, An cũng có băng nhóm bảo kê của riêng mình rồi, mai mốt Tuấn Anh mà chọc ghẹo là An múc luôn, không sợ gì đâu.