Ăn xong bữa sáng thì đã gần giờ trưa, nhưng đến hai giờ mới gặp Sally nên tôi quyết định đi dạo. Hình ảnh hai cô tu sĩ vẫn ám ảnh. Tôi nhớ hoài cái giỏ đan cũ kỹ mà họ dùng để quyên tiền, khi họ không kiếm được việc làm. Tôi cố hình dung mẹ tôi hoặc một ai đó trong số người quen, cô tôi hay như cái bà khinh khỉnh, mẹ của Sally Hayes đứng gần cửa hàng bách hóa tổng hợp quyên tiền cho người nghèo khổ rồi nhét vào những cái giỏ mây đan đã sờn kia. Thậm chí ngay cả hình dung cũng khó. Mẹ tôi còn tưởng tượng ra nổi, chứ hai bà kia thì đừng hòng. Mặc dù, cô tôi cũng làm nhiều việc từ thiện ra phết, tỉ như cho Hội chữ thập đỏ, nhưng bao giờ cô cũng mặc rất chỉnh tề, tô môi và trang điểm cẩn thận. Tôi sẽ không thể tượng tượng nổi cô tôi làm việc từ thiện mà lại khoác áo choàng tu sĩ và không tô môi. Còn mẹ của Sally, bà ta có thể đồng ý đi quyên tiền lắm chứ, nhưng chỉ với điều kiện người nào đưa tiền cũng phải xun xoe bợ đỡ mình. Còn nếu như mọi người chỉ im lặng thả tiền vào giỏ rồi đi ngay, không nói câu nào, không để ý gì đến bà, thì có lẽ chỉ sau một giờ bà cũng biến luôn. Bà ta sẽ chán ngay lập tức. Sẽ trả lại giỏ rồi đi ăn sáng ngay tức thì ở một nhà hàng nào đó. Chính vì thế mà tôi thấy thích hai cô tu sĩ kia. Có thể nói ngay là họ chả bao giờ ăn sáng ở những nơi sang trọng. Và tôi chợt thấy buồn khi nghĩ họ sẽ không bao giờ đủ điều kiện vào một nhà hàng sang trọng nào. Tôi hiểu chuyện đó chả có gì quan trọng, nhưng dẫu sao cũng thấy buồn.
Tôi đến Broadway chỉ để giải sầu, dường như cả trăm năm rồi tôi chưa đến đó. Ngoài ra, tôi còn muốn tìm một hiệu bán đĩa hát mở cửa vào chủ nhật vì muốn mua cho Phoebe đĩa Cô bé Chirley Beans. Cái đĩa này rất khó kiếm. Đĩa hát về một cô bé ngượng không muốn ra khỏi nhà vì bị sún răng. Tôi đã nghe bài hát này ở Pencey, của một thằng nhóc sống ở tầng trên. Tôi rất muốn mua lại vì biết Phoebe sẽ sướng điên người, nhưng thằng nhóc đó không chịu bán. Đĩa hát ấy gây xúc động mãnh liệt, dù đã cách đây hai chục năm, do ca sĩ da đến Estelle Fletcher hát. Cô hát theo kiểu miền Nam, thậm chí pha trộn cả phong cách hát rong nữa, thế mà chẳng sướt mướt, sầu thảm chút nào. Nếu một cô ca sĩ da trắng tầm thường nào hát, có lẽ đã nhổ đầu dãi ra rồi, còn Estelle Fletcher này lại biết rõ việc của mình. Trong đời tôi chưa từng nghe một đĩa hát nào tuyệt đến thế. Tôi quyết định sẽ mua cho được tại một cửa hàng nào đó bán cả vào chủ nhật, sau đó sẽ đem vào công viên. Chủ nhật Phoebe rất hay đến đó trượt băng.
Trời ấm hơn hôm qua, nhưng vẫn không có nắng, đi dạo thật chả thú chút nào, tôi chỉ khoái mỗi một điểm. Phía trước tôi, có một gia đình - bố, mẹ, một thằng bé chứng sáu tuổi, trông như vừa ở nhà thờ ra. Nhìn họ cũng biết là khá nghèo túng. Ông bố đội một chiếc mũ màu xám nhạt, như bất cứ người nghèo nào khi muốn trưng diện. Anh ta đi bên vợ, trò chuyện với chị ta và chả để ý gì đến thằng con. Còn thằng bé thật ngoan. Nó không đi trên vỉa hè mà đi trên mặt đường nhựa dọc sát lề đường. Nó cố đi thật thẳng, chính xác, tụi con nít thường vậy. Nó đi và hát thầm bằng giọng mũi suốt. Tôi cố ý tiến lại gần hơn để nghe nó hát gì. "Nếu bạn tóm được con gì đó trong đồng lúa mạch đen buổi chiều..." Giọng nó thật nực cười. Nó hát chỉ để vui riêng mình, cái đó thì rõ ngay từ phút đầu. Xe cộ qua lại nườm nượp, phanh lại ken két, bố mẹ chả bận tâm gì đến thằng con, còn nó vẫn đi riêng một mình sát lề đường và hát "Buổi chiều trong đồng mạch đen...", tôi thấy vui lây. Tâm trạng chán chường biến mất.
Ở Broadway, ai cũng xô đẩy, gào thét. Chủ nhật, giờ trưa nhưng vẫn cứ ồn ào. Mọi người vào các rạp xi nê: Paramnount hay Astor và Strand Capitol, tóm lại, lao tới bất cứ một đám đông chen chúc nào. Ai cũng mặc diện, chủ nhật mà! Thật kinh tởm. Nhưng khó chịu nhất là họ rất nóng ruột chui vào rạp. Nhìn họ mà phát lộn mửa. Tôi hiểu họ đi xem phim khi chả có việc gì để làm, nhưng đơn giản là tôi thấy tởm khi nhớ đến cảnh họ chạy, vội vã cuống cuồng đi xem phim, rằng họ thực sự muốn chui được vào rạp. Nhất là đứng sau cả tỉ người xếp hàng dài bằng cả dãy phố để mua vé, cần phải kiên nhẫn nhường nào! Tôi thì không thể chờ nổi, chỉ muốn mau chóng tếch khỏi Broadway chết tiệt này.
Nhưng tôi gặp may, ngay ở hiệu đĩa hát đầu tiên tôi đã tìm được Cô bé Chirley Beans. Họ lột của tôi năm đô, đĩa hát hiếm nên tôi cũng chẳng tiếc. Tôi bỗng sung sướng đến mức không thể chờ đợi được nữa, phải nhanh chóng đến ngay công viên, tặng đĩa hát này cho bé Phoebe của tôi.
Tôi ra khỏi hiệu, thấy ngay một quán cà phê và rẽ luôn vào đó. Tôi nghĩ, có tiện gọi cho Jane không nhỉ, có thể nàng đã về nhà nghỉ đông. Tôi chui vào trạm điện thoại tự động và gọi. Thật hẩm hiu, mẹ nàng cầm máy. Tôi buộc lòng phải treo ống nghe lên. Tôi chẳng muốn rơi vào những cuộc nói chuyện dài lòng thòng. Nói chung, tôi không ưa trò chuyện với mẹ của bọn con gái. Lẽ ra cũng nên hỏi Jane có nhà không. Tôi sẽ chẳng chết vì câu hỏi ấy. Nhưng chả hiểu sao lại không muốn. Cần phải có hứng mới nói được những câu chuyện loại này.
Dẫu sao cũng phải cố mà mua được hai cái vé chết tiệt vào nhà hát, trước tiên là phải mua một tờ báo xem hôm nay diễn vở gì. Vì là chủ nhật nên chỉ diễn có ba vở. Tôi mua hai vé ở tầng dưới cùng, xem Tôi biết tình yêu. Vở kịch này khá từ thiện, có ích ở mặt nào đó. Tôi thì chả có ham muốn đặc biệt đối với vở này, nhưng tôi biết, Sally không sống nổi nếu thiếu những thói rởm - nó sẽ sướng phát cuồng lên khi tôi có vợ chồng Lunt diễn trong vở này. Sally sùng bái những vở kịch được coi là thanh tao, nghiêm chỉnh, có sự tham gia của hai vợ chồng Lunt và đại loại như vậy. Còn tôi thì không. Tóm lại, tôi không khoái đi nhà hát lắm. Dĩ nhiên, phim ảnh còn tồi tệ hơn, nhưng trong nhà hát cũng chả có gì hay hớm cả. Thứ nhất, tôi căm ghét bọn nghệ sĩ. Họ cư xử trên sân khấu chả ra mẽ người. Chỉ tượng tượng là giống. Những nghệ sĩ khá thỉnh thoảng cũng diễn đạt giống hơn, nhưng không đến mức gây thú vị. Ngoài ra nếu có người nào khá một chút, lập tức rõ ngay là anh ta tự nhận thức được điều ấy, mà cái đó sẽ làm hỏng bét mọi sự tức thì. Tỉ dụ như ngài Laurence Olivier chẳng hạn. Tôi thấy ông ta trong phim Hămlét mà anh D.B dẫn tôi và Phoebe đi xem hồi năm ngoái. Thoạt đầu anh ấy dẫn tụi tôi đi ăn sáng, sau đó đi xem phim. Anh ấy đã xem Hamlet rồi và kể về nó trong bữa sáng hay đến mức tôi cuồng phát lên vì muốn xem phim. Nhưng, nói chung tôi lại không ưa lắm. Chả hiểu ngài Laurence Olivier này đặc biệt ở chỗ nào. Giọng ông ta gây xúc động và ông ta đẹp trai ghê gớm, nhìn ông ta đi lại hoặc đấu súng cũng khá thú vị, nhưng hoàn toàn khác Hamlet, theo lời anh D.B. Có vẻ giống một lão tướng nào đó hơn là một gã kỳ dị hơi điên điên. Trong phim này, tôi thích hơn cả là lúc anh trai của Ophelia, người đấu kiếm với Hamlet ở đoạn kết, ra đi, còn ông bố khuyên anh đủ mọi điều. Trong lúc ấy, Ophelia cứ nũng nịu suốt. Lúc thì tuốt dao của anh khỏi bao, lúc lại chọc tức anh, còn người anh thì cố tỏ ra vẻ lắng nghe những lời khuyên ngu xuẩn kia. Cảnh đó thật tuyệt. Nhưng những cảnh như vậy thật hiếm. Còn con em gái Phoebe của tôi chỉ thích mỗi cảnh Hamlet xoa đầu chó, chắc nó nói thật. Dẫu sao tôi cũng phải đọc Hamlet. Đáng ghét ở chỗ tôi nhất định phải đọc kịch đó, đọc thầm. Khi nghệ sĩ diễn xuất, tôi hầu như không nghe nổi. Lúc nào tôi cũng lo hắn ta bắt đầu làm bộ và nói chung, làm mọi cử chỉ để khoa trương.
Tôi mua vé xem vở kịch có vợ chồng Lunt diễn rồi ngồi taxi đến công viên. Lẽ ra, phải đi tàu điện ngầm, tiền còn ít quá, nhưng tôi lại rất muốn cuốn xéo khỏi Broadway chết dẫm này càng nhanh càng tốt.
Trong công viên khó chịu ghê người. Không lạnh lắm nhưng cũng chẳng có nắng, và chẳng có ai xung quanh hết, chỉ toàn phân chó, đờm và những mẩu xì gà hút dở bên cái ghế băng, nơi các cụ già vẫn ngồi. Dường như tất cả ghế đều ẩm ướt, nếu bạn ngồi xuống đó thì sẽ bị ướt sũng. Tôi bỗng thấy buồn, đôi lúc còn run cả người lên, chả biết vì đâu. Không có gì gợi nhớ lễ Giáng sinh sắp đến. Tóm lại, dường như sẽ chẳng bao giờ có cái gì cả. Nhưng dù sao tôi cũng đến gần con đường chạy đua nho nhỏ. Phoebe luôn đến đấy, cô bé thích trượt băng gần dàn nhạc. Thật nực cười, chúng tôi cùng đã thích trượt băng ở đó hồi còn nhỏ.
Nhưng khi tôi đến con đường đua nhỏ, em tôi không có đó. Một lũ nhóc con nào đó đang trượt băng, còn mấy thằng nhóc chơi bóng, nhưng chả thấy Phoebe đâu cả. Bỗng tôi thấy một con bé trạc tuổi em tôi, nó ngồi bên ghế băng một mình kẹp giày trượt. Tôi nghĩ có lẽ nó biết Phoebe và sẽ bảo tôi tìm cô bé ở đâu. Tôi lại gần ngồi xuống bên cạnh, hỏi:
- Em có biết Phoebe Caulfield không?
- Ai cơ?- Con bé hỏi. Nó mặc quần và có lẽ đến hai chục cái áo len. Rõ ràng là nó được người nhà đan áo cho, nhưng chiếc áo thô kệch, to xù.
- Phoebe Caulfield ấy. Sống ở đường Bảy mươi mốt. Nó học lớp .
- Thế anh biết Phoebe ư?
- Đúng thế. Anh là anh nó mà. Em có biết nó đang ở đâu không?
- Bạn ấy học lớp cô Callon à?- Con bé hỏi.
- Anh không biết, có lẽ đúng vậy.
- Vậy thì bây giờ họ đang ở viện bảo tàng. Lớp em đến đó thứ bảy tuần trước.
- Bảo tàng nào?- Tôi hỏi.
Con bé nhún vai.
- Em không biết,- nó nói.- Đơn giản là ở viện bảo tàng.
- Anh hiểu, nhưng đó là viện bảo tàng treo tranh hay viện bảo tàng có người da đỏ?
- Có người da đỏ.
- Cám ơn em nhiều.
Tôi đứng dậy, muốn đi, nhưng chợt nhớ hôm nay là chủ nhật.
- Nhưng hôm nay là chủ nhật cơ mà!- Tôi nói với con bé.
- À. Thế thì họ không có ở đó.
Nó không sao kẹp đựơc giày trượt. Tôi giúp nó kẹp chặt giày. Thật quái đản, đến cả trăm năm rồi tôi không động đến khóa. Nhưng cái đó chẳng có nghĩa l ý gì. Có thể năm mươi năm sau, đặt khóa kéo vào tay tôi, dù vào ban đêm, trong bóng tối, tôi cũng nhận ra ngay rằng đó là khóa giày trượt băng. Con bé cảm ơn tôi, khi tôi vặn chặt giày. Một đứa lịch sự, niềm nở đấy chứ. Thật thú vị khi bạn giúp một con bé và nó nói với bạn câu cảm ơn lịch sự, đáng yêu đến vậy. Bọn nhóc, nói chung, rất khá. Tôi hỏi con bé có muốn uống chút đỉnh sôcôla nóng không nhưng nó đáp: "Cám ơn, em không muốn". Nó nói một cô bạn gái đang đợi nó. Cái lũ nhóc con này tứ thời có ai đó chờ đợi. Thật nực cười.
Dù là chủ nhật, Phoebe với lớp học của nó không đến viện bảo tàng và dù thời tiết xấu tồi tệ, ướt át, tôi vẫn cứ cuốc bộ qua suốt công viên đến Viện bảo tàng dân tộc học. Con bé với cái khóa giày trượt băng đã nói về chính nơi này. Tôi chả lạ lẫm gì với các cuộc viếng thăm kiểu đó. Phoebe đang theo học ở trường tiểu học, nơi tôi cũng từng chạy đến đó hồi nhỏ. Cô giáo của chúng tôi, cô Aigletinger hầu như thứ bẩy nào cũng lôi học sinh đến đó. Lúc thì tụi tôi ngắm những con vật, lúc thì xem tất tật sản phẩm của người da đỏ cổ đại: chén, bát, giỏ đan và nhiều đồ khác. Đến giờ tôi vẫn khoái nơi này. Tôi nhớ, sau mỗi lần thăm các đồ vật của người da đỏ, tụi tôi lại được xem phim trong hội trường lớn. Gần như lần nào người ta cũng cho chúng tôi xem Columb, người khám phá ra châu Mỹ, đau khổ dằn vặt vì không vòi được tiền của Ferdinand và Isabella để đòng tàu, rồi sau đó thủy thủ còn nổi loạn chống lại ông ta. Cái ông Columb này chả có gì thú vị đặc biệt cả, nhưng bọn tôi thường đem kẹo caramen và kẹo gôm nên trong hội trường có mùi rất dễ chịu. Dễ chịu như đang mưa ngoài phố, còn bạn thì ngồi đấy, ngồi tại một nơi ấm áp khô ráo duy nhất trên đời. Tôi rất thích viện bảo tàng đó, thật đấy. Tôi nhớ, thoạt đầu tụi tôi đi ngang qua gian da đỏ, rồi từ đó vào hội trường. Đó là một gian phòng dài kinh khủng, nói chuyện ở đó cứ phải thì thầm. Cô giáo đi trước, cả lớp theo sau. Đi từng đôi, tôi cũng có đôi. Thường người ta xếp tôi đi với con bé Gertrude Levine. Tứ thời nó túm tay tôi, mà tay nó thì nhớp nháp đầy mồ hôi. Sàn ở đó lát gạch hoa, nếu bạn có những quả cầu thủy tinh trong tay và bạn đánh rơi chúng, thì tiếng động sẽ rất chúa, rồi cô giáo bắt cả lớp đứng lại và đến gần xem có chuyện gì xảy ra. Nhưng cô chả bao giờ nổi giận cả, cô Aigletinger của bọn tôi ấy. Sau đó, bọn tôi lại đi ngang qua một cái thuyền dài phát khiếp của dân da đỏ - bằng cả ba chiếc Cadillac nối đuôi nhau. Trong thuyền có đến hai chục người da đỏ, người cầm mái chèo, người chỉ đứng không, dáng vẻ thật hung tợn. Ở đuôi thuyền có một người rất khiếp đảm trong chiếc mặt nạ. Đó là thầy phù thủy của họ. Nhìn lão, tôi sợ lạnh sống lưng, nhưng dẫu sao cũng thích lão. Và còn nữa, nếu bạn đi ngang qua gian này mà đụng vào bất cứ vật gì, mái chèo hay cái gì đó đại loại, ngay lập tức người trông coi sẽ cất giọng: "Các cháu, không được động vào!", nhưng giọng của ông ta hiền lành chứ không ghê gớm như bất cứ một gã cảnh sát nào. Bọn tôi tiếp tục đi qua những tủ kính khổng lồ, trong có những người da đỏ đang cọ sát gậy để lấy lửa, có cả một người đàn bà dệt thảm nữa. Đúng, người đang dệt thảm là đàn bà, vì bà ta cúi xuống, ngực lộ rõ. Tất tất tụi tôi đều ngó bà ấy, cả bọn con gái - dù chúng còn bé xíu và chưa có ngực, phẳng lì như bọn con trai. Ngay dưới cửa vào hội trường, tụi tôi đi ngang qua một người Eskimo. Hắn ta ngồi trên mặt hồ, cạnh một lỗ đục xuyên mặt băng, câu cá. Ngay cạnh lỗ đục ấy có hai chú cá hắn đã câu được. Viện bảo tàng có nhiều vô kể những tủ kính như vậy! Ở tầng trên còn nhiều hơn, có cả những con hươu uống nước bên suối, cả chim chóc bay về miền Nam trú đông. Những con gần hơn là chim nhồi treo trên dây thép mảnh, còn lũ chim phía sau chỉ là những hình vẽ trên tường nhưng có cảm giác như tất cả chúng đang thực sự bay về miền Nam, còn nếu nhìn chúng từ dưới lên thì tưởng như chúng đang lao vụt về phía Nam vậy. Nhưng cái hay nhất của viện bảo tàng là tất cả lúc nào cũng ở nguyên chỗ cũ. Không xê dịch gì cả. Nếu có đến đó cả trăm ngàn lần đi chăng nữa thì vẫn thấy cái gã người Eskimo câu cá, chim chóc vẫn suốt đời bay về phía Nam, hươu uống nước bên suối, sừng vẫn đẹp, chân vẫn thanh mảnh và cả mụ đàn bà da đỏ với bộ ngực trần vẫn triền miên đan mãi tấm thảm. Chả có gì thay đổi hết. Chỉ có bạn là thay đổi. Và chẳng phải vì bạn già đi rất nhiều. Bạn thay đổi, chỉ vậy thôi. Lúc thì mặc áo bành tô mới, lúc thì cặp kè với một đứa khác vì thằng bạn cũ của bạn bị sốt phát ban. Mà cũng có lúc, một bà giáo khác thế chỗ vào chỗ cô Aigletinger dẫn lớp đến viện bảo tàng. Hoặc là buổi sáng bạn thấy ngoài phố có một vũng nước với những vết xăng loang loáng đủ sắc màu như cầu vồng. Tóm lại, bạn đã khác trước, vì cái gì đó, tôi không biết đường cắt nghĩa. Mà có lẽ tôi biết đấy, nhưng chả hiểu sao lại không muốn giải thích.
Trên đường đi, tôi lôi cái mũ săn trong túi ra rồi đội nó lên. Tôi biết sẽ chẳng gặp ai quen biết đâu, và trời thì ẩm ướt quá. Tôi cứ đi và nghĩ triền miên rằng em gái tôi thứ bảy nào cũng đến chính cái viện bảo tàng này, giống tôi thuở bé. Tôi nghĩ, nó cũng nhìn đúng những gì tôi đã từng nhìn và bản thân nó sau mỗi lần ấy cũng trở nên khác đi. Vì những ý nghĩ ấy, tâm trạng tôi không đến nỗi tồi tệ nhưng cũng chả có chút niềm vui nào. Giá như có một số vật đừng thay đổi. Nếu có thể đặt chúng vào tủ kính và không động đến thì tốt hơn. Tôi biết, không thể thế được, nhưng chính điều đó mới tồi tệ. Tôi cứ nghĩ mãi điều này khi đi trong công viên.
Ngang qua sân chơi nhỏ, tôi dừng lại nhìn hai đứa bé bập bênh trên tấm ván. Một đứa béo phị, tôi đặt tay vào đầu ván, chỗ thằng gầy ngồi để chúng được cân bằng, nhưng ngay lập tức hiểu rằng đang quấy rầy chúng, tôi bỏ đi.
Rồi sau đó xảy ra một chuyện ngu xuẩn nhất trần đời. Tôi lại gần viện bảo tàng và cảm thấy ngay tức thì: các vàng tôi cũng sẽ không vào đó. Không muốn vào đó, chỉ thế thôi. Vậy mà tôi đã đi qua suốt công viên và đã nóng lòng chờ đợi! Dĩ nhiên, nếu Phoebe ở đó, có lẽ tôi sẽ rẽ vào, nhưng chắc chắn nó không có đó. Tôi gọi taxi ở lối vào viện bảo tàng đến khách sạn "Biltmore". Chả muốn đi chút nào, nhưng tôi đã hẹn gặp Sally ở đó.