Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

chương 50: chương 01(part 02)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Vào một buổi chiều tháng Hai lạnh cắt da cắt thịt, tôi ghé vào văn phòng địa ốc gần nhà ga tên là công ty địa ốc Setagaya Dai-ichi mà ông cậu tôi từng nói với tôi. Khi vào trong, người đầu tiên tôi gặp là một nữ tiếp tân đã đứng tuổi. Mấy chiếc bàn làm việc kê thành hàng gần lối vào, nhưng các ghế ngồi đều trống, như thể tất cả nhân viên môi giới đều đi gặp khách hàng. Chính giữa phòng là một cái máy sưởi lớn chạy gas toả ánh đỏ rực. Trên chiếc đi-văng trong gian tiếp khách nhỏ ở mé trong có một ông già bé nhỏ ngồi mê mải đọc báo. Tôi hỏi người tiếp tân xem ông Ichikawa có ở đây không. "Tôi đây", ông lão vừa quay về phía tôi vừa nói. "Tôi có thể giúp gì cho ông đây?".

Tôi tự giới thiệu là cháu của cậu tôi, hiện đang sống ở một trong các căn nhà thuộc sở hữu của ông cậu.

- À, tôi hiểu rồi, - ông già vừa nói vừa đặt tờ báo xuống. - Vậy ông là cháu của ông Tsuruta! - Ông gấp cặp kính đọc sách lại rồi nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi không biết mình gây ra ấn tượng thế nào với ông ta. - Vào đây, vào đây. Ông dùng trà nhé?

Tôi bảo ông xin đừng bận tâm, nhưng ông hoặc không nghe thấy hoặc không thèm đếm xỉa đến lời từ chối của tôi. Ông bảo người tiếp tân pha trà. Chẳng mấy chốc bà ta đã mang trà tới, nhưng khi hai chúng tôi ngồi đối diện nhau uống trà, lò sưởi tắt, căn phòng đâm ra mát lạnh. Trên tường treo một tấm bản đồ chi tiết tất cả các căn nhà trong khu vực, đây đó được đánh dầu bằng bút chì hay bút dạ. Gần tấm bản đồ là tấm lịch của ngân hàng nào đó, có in bức tranh nổi tiếng của Van Gogh vẽ cây cầu.

- Đã khá lâu tôi không gặp cậu của anh. Ông ấy dạo này thế nào? - ông già hỏi sau khi nhấp một ngụm trà.

- Cậu tôi chắc vẫn khoẻ, lúc nào cũng bận rộn. Bản thân tôi cũng chẳng mấy khi gặp cậu, - tôi nói.

- Được thế thì tôi mừng. Từ lần cuối tôi gặp ông ấy đến giờ đã mấy năm rồi nhỉ? Thấy như đã hàng bao nhiêu năm trời không gặp lại nhau. - Ông lấy một điếu thuốc từ trong túi áo khoác, cẩn thận ướm thử rồi quẹt diêm châm thuốc bằng một cử chỉ đầy quyết đoán. - Tôi chính là người đã khuyên cậu anh mua căn nhà đó, sau đó cũng lại là tôi quản lý nó cho ông ấy suốt một thời gian dài. Dù sao, được biết ông ấy vẫn bận rộn thì tôi cũng vui.

Bản thân ông Ichikawa xem ra chẳng lấy gì làm bận rộn. Tôi đoán ông ta hẳn đã về hưu một nửa, chỉ thi thoảng tạt vào cơ quan để trông nom các khách hàng lâu năm thôi.

- Vậy anh có thích căn nhà không? Không có vấn đề gì chứ?

- Không, hoàn toàn không có gì ạ, - tôi đáp.

Ông lão gật đầu.

- Vậy thì tốt. Chỗ đó đẹp lắm. Có thể nhà hơi nhỏ, nhưng sống ở đó rất tốt. Ai sống ở đó thì mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái. Anh cũng vậy phải không?

- Tàm tạm ạ, - tôi nói. Ít nhất là mình vẫn còn sống, tôi tự nhủ. - Tuy nhiên, tôi có đôi điều muốn hỏi ông. Cậu tôi nói ông rành khu này hơn bất cứ ai.

Ông già tủm tỉm cười.

- Nếu bảo là rành thì khu này tôi hơi bị rành đấy. Tôi kinh doanh nhà đất ở khu này đã gần bốn mươi năm rồi còn gì.

- Tôi muốn hỏi ông là hỏi về nhà của gia đình Miyawaki, phía sau nhà chúng tôi. Nhà ấy bị san phẳng rồi, như ông biết đấy.

- Phải, tôi biết, - ông lão nói, môi mím lại như thể đang lục qua các ngăn kéo trong trí nhớ. - Nhà ấy người ta bán hồi cuối tháng Tám. Rốt cuộc họ cũng trả được hết nợ, lo liệu xong quyền sở hữu và các vấn đề pháp lý để đưa nhà ra bán. Một nhà đầu cơ mua lại, phá nhà đi để bán đất. Một căn nhà dù tốt đến mấy mà để trống lâu như vậy thì cũng sẽ khó bán. Dĩ nhiên, những người mua căn nhà đó không phải người ở đây. Nếu là dân khu này thì chẳng ai đụng tới chỗ đó. Anh có nghe vài chuyện về căn nhà ấy chưa?

- Có, tôi có nghe cậu tôi kể.

- Thế thì anh hiểu ý tôi nói gì rồi. Nếu là người biết sự tình thì đã không mua. Lẽ ra chúng tôi cũng có thể cứ mua rồi tìm một ai đó chẳng biết gì để bán lại, nhưng chúng tôi không làm vậy. Thối lắm. Chúng tôi không làm ăn kiểu đó.

Tôi gật đầu đồng tình.

- Vậy thì ai đã mua?

Ông lão nhíu mày lắc đầu, rồi cho tôi biết tên của một công ty bất động sản có tiếng.

- Chắc là họ chẳng nghiên cứu gì hết, vừa thấy vị trí căn nhà và giá bán là chộp ngay, chắc mẩm phen này lãi nhanh. Nhưng đâu có dễ.

- Đến giờ họ vẫn chưa bán được sao?

- Mấy lần cũng suýt bán được rồi, - ông lão vừa nói vừa khoanh tay lại. - Mua một mảnh đất đâu có rẻ. Đầu tư cả đời chứ có ít gì. Ai người ta cũng cẩn thận lắm. Trước khi quyết định mua, người ta bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn, thế là mới biết hàng bao nhiêu chuyện xung quanh cái nhà ấy, mà chẳng chuyện nào tốt lành cả. Anh đã nghe mấy chuyện như vậy rồi, người bình thường mà nghe thấy thì đời nào dám mua. Hầu hết những ai sống quanh đây đều biết mấy chuyện đồn đại về nơi đó.

- Họ đòi bao nhiêu?

- Đòi gì kia?

- Giá mảnh đất nơi nhà của Miyawaki trước kia ấy.

Ông Ichikawa nhìn tôi, xét theo cách ông nhìn, tôi đã gây sự tò mò ở ông.

- Để xem nào. Khu ấy rộng hơn ba ngàn năm trăm bộ vuông một chút. Chưa tới một trăm tsubo. Giá thị trường là một triệu rưỡi Yên một tsubo. Ý tôi là khu đất ấy thuộc hạng nhất đấy - vị trí tuyệt vời, hướng Nam. Tuy thị trường hiện đang eo sèo nhưng giá một triệu rưỡi là chắc. Dĩ nhiên có thể đợi thêm ít lâu, rồi giá cũng sẽ lên khoảng đó. Nhưng đấy là nói về đất bình thường. Nhưng đất của nhà Miyawaki thì đâu có thường. Có đợi lâu đến mấy giá cũng không tăng nữa đâu. Giảm thì có. Hiện nay đã giảm còn một triệu mốt Yên một tsubo, nhưng nếu mặc cả chút ít thì có thể mua trọn khu đất với giá một triệu Yên tròn.

- Ông có cho rằng giá sẽ tiếp tục hạ nữa không?

Ông lão gật đầu cả quyết.

- Dĩ nhiên còn hạ nữa. Xuống còn chín trăm ngàn một tsubo, dễ không. Đó chính là cái giá mà họ đã trả để mua. Giờ thì họ đang lo sốt vó lên. Chỉ cần hoà vốn là họ vui lắm rồi. Tôi không biết liệu họ có giảm xuống nữa không. Nếu cần tiền quá thì có khi họ cũng đành chịu lỗ. Nếu không thì họ có thể đợi. Tôi chẳng biết tình hình công ty ấy thế nào. Nhưng tôi biết chắc rằng họ hối tiếc đã mua chỗ đó. Tốt nhất là chớ dây vào mảnh đất đó, chỉ rách việc.

Ông gạt tro vào tàn thuốc.

- Mảnh đất ấy có một cái giếng phải không ạ? - tôi hỏi. - Ông có biết gì về cái giếng ấy không?

- Hừm, đúng là có một cái giếng. Giếng sâu. Nhưng chắc họ lấp rồi. Đằng nào cũng là giếng cạn mà. Đâu có dùng được.

- Ông có biết vì sao nó bị cạn không?

Ông lão khoanh tay nhìn lên trần một lát.

- Từ lâu lắm rồi. Thực tình tôi không nhớ, nhưng nghe nói hồi trước chiến tranh thì nó từng có nước. Chắc nó đã bị cạn sau chiến tranh. Chính xác khi nào thì tôi không biết. Nhưng tôi biết khi bà diễn viên dọn vào ở thì nó đã cạn rồi. Lúc đó người ta bàn cãi nhau rất ghê xem có nên lấp giếng lại không. Nhưng rồi chẳng ai làm gì cả. Chắc là vì nhiêu khê quá.

- Tôi nghe nói giếng ở sân nhà Kasahara phía bên kia ngõ thì lại nhiều nước, mà nước rất ngon là khác.

- Có thể, có thể. Tất cả giếng ở khu này luôn luôn có nước, ngon, ngọt. Chuyện này chắc có liên quan đến đất. Anh biết đó, chuyện mạch nước này nọ thì phức tạp lắm. Một chỗ có nước mà ngay bên cạnh lại không thì chẳng bình thường đâu. Nhưng có gì khiến anh quan tâm tới cái giếng ấy vậy?

- Thú thật với ông, tôi muốn mua mảnh đất đó.

Ông lão ngước lên chăm chú nhìn vào tôi. Đoạn ông nâng tách trà lên lặng lẽ nhấp một ngụm.

- Anh muốn mua mảnh đất ấy?

Tôi chỉ im lặng gật đầu.

Ông lão rút từ trong bao ra một điếu thuốc nữa rồi bập bập lên mặt bàn. Nhưng rồi, thay vì châm lửa, ông lại kẹp nó giữa mấy ngón tay, tặc tặc lưỡi giữa hai môi.

- Hay để tôi nói thêm lần nữa rằng chỗ đất đó có lắm chuyện không ổn. Không ai - tôi xin nói rõ là không một ai - sống ở đó mà gặp điều lành cả. Anh có hiểu không? Dù có rẻ cách mấy thì cũng chớ mừng là được món hời. Biết vậy mà anh vẫn muốn mua sao?

- Vâng, tôi vẫn muốn mua. Nhưng cho tôi nói rõ điều này: hiện tôi không có đủ tiền để mua chỗ đó dù giá có hạ đến mấy so với giá thị trường đi nữa. Nhưng tôi định sẽ lo chạy tiền, dù phải mất một thời gian. Vì vậy tôi muốn rằng trong thời gian đó vẫn theo dõi được tình hình mảnh đất, giá cả lên xuống thế nào, có người nào muốn mua không. Ông có thể giúp tôi chuyện đó không?

Ông lão nhìn đăm đăm điếu thuốc chưa châm lửa, đắm mình suy nghĩ. Rồi ông khẽ ho để hắng giọng và nói:

- Đừng lo, anh còn thời gian; chỗ ấy không bán nhanh được đâu, đảm bảo với anh thế. Chỉ khi nào họ bán với giá gần như cho không thì may ra mới có nhúc nhích gì, mà chuyện đó thì còn lâu. Thành thử anh cứ thủng thẳng gom góp tiền, cần bao nhiêu thời gian cũng được. Nếu anh thực sự muốn mua.

Tôi cho ông ta số điện thoại. Ông lão ghi vào một cuốn sổ bìa đen ố mồ hôi. Nhét cuốn sổ vào túi áo khoác xong, ông nhìn thẳng vào mắt tôi một lát rồi nhìn vết bầm trên má tôi.

° ° °

Tháng Hai đã qua, đến giữa tháng ba thì cái lạnh tê tái có phần giảm bớt. Gió ấm thổi từ phương Nam lại. Cây cối đâm chồi, trong vườn xuất hiện những đàn chim mới. Những hôm trời ấm, tôi hay ngồi ngoài hiên ngắm khu vườn. Một chiều nọ tôi nhận được điện thoại của ông Ichikawa. Ông cho biết mảnh đất của nhà Miyawaki vẫn chưa bán được, giá thì đã hạ.

- Tôi đã bảo anh rằng chẳng một sớm một chiều mà được đâu, - ông nói thêm, giọng nhuốm vẻ tự hào. - Đừng lo, từ giờ trở đi sẽ càng ngày càng rẻ hơn thôi. Mà này, công việc của anh thế nào rồi? Tiền gom góp được chứ?

° ° °

Lúc giờ tối hôm đó tôi đang rửa mặt thì nhận ra vết bầm của của mình đang hơi sốt. Đặt ngón tay lên nghe âm ấm, trước đây không vậy. Mầu sắc dường như cũng đậm hơn, gần như tía. Nín thở, tôi nhìn trân trân vào gương một hồi, đủ lâu để bắt đầu thấy gương mặt mình thành cái gì đó chứ không phải mặt mình nữa. Vết bầm bắt đầu bảo tôi điều gì đó: nó cần một cái gì đó ở tôi. Tôi không rời mắt khỏi cái tôi của chính mình trong gương, và cái tôi đó nhìn chằm chằm lại tôi từ phía bên kia gương, không nói một lời.

Ta phải có cái giếng đó. Dẫu có chuyện gì đi nữa, ta phải có cái giếng đó.

Tôi đã kết luận như vậy.

- -------------------------------

Tsubo: đơn vị đo diện tích đất, ruộng... của Nhật, tương đương với khoảng mét vuông - ND

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio