Khi tình là đích thực, nó ngấm vào xương tủy, đến khi biển cạn đá mòn, đến chết mới thôi. Có phải kẻ đa tình là kẻ giết người khác?
Khi tình là đích thực, nó không dừng không hết, đôi lúc làm đau lòng người, nhưng cũng đau lòng mình. Đa phần nó làm đau chính ta.
Cổ Long, Đa tình kiếm khách Vô tình kiếm
Tôi nhận được một cú điện thoại từ biên tập viên phần giải trí của tạp chí Gen X, muốn tôi đi phỏng vấn một nhóm chơi rock dưới đường ngầm. Anh ta còn nói thêm rằng hài lòng về những gì tôi đã viết cho số gần đây nhất, tôi đồng ý suy nghĩ về đề nghị của anh ta, dù việc đưa tin giải trí thì đã từ lâu rồi tôi không còn hứng thú.
Tôi luyện cho mình thói quen làm việc với máy tính vào ban đêm, nhưng khi bố tôi vắng nhà thì không được, vì máy tính để trong phòng em tôi và nó phải đến trường vào buổi sáng. Thứ nữa, viết những gì riêng tư trong phòng ai đó thì chẳng tự nhiên cũng như an tòan. Nhiều lần tôi đòi mang máy tính vào phòng tôi, nhưng họ luôn từ chối, chẳng cần lý do, đơn giản là không được. Tôi bế tắc. Tôi cần máy tính để làm việc, em tôi chỉ dùng nó để chơi game, tôi không thể hiểu sao họ không thấy sự khác nhau về nhu cầu đó. Giải thích duy nhất là họ chẳng còn quan tâm mấy đến tôi, không thể ít hơn nữa. Và tôi chẳng làm gì được. Những gì xảy ra với họ vẫn còn lẩn quất trong đầu tôi, một đống những thứ hỗn độn không thể gỡ cho ra.
“Sắp tới Giáng sinh rồi,” G ủ rũ nói.
Cây thông Giáng sinh đã được dựng lên trước cửa ra vào Siêu thị Bách Thịnh, những dãy đèn nhấp nháy nhưng cái nhìn của chúng tôi cứ phiêu diêu ra phía nền trời xanh bên kia đám cây với những ánh đèn mờ dần đi. Giáng sinh, một kỳ nghỉ lạnh giá, trên thực tế lại được người Trung Quốc yêu thích, bởi nó cho họ cái cớ để hội hè hoan lạc. G và tôi ngồi trước những cái cây, chẳng có tương lai nào để trò chuyện, chẳng phấn khích, cũng chẳng mục tiêu để cùng chia sẻ… cô đơn, trống rỗng.
Một kỳ nghỉ cuối tuần khác.
Từ trong giường, tôi nghe thấy tiếng điện thoại, nếu là của tôi thì chắc là Bạc Hà, vì G thường gọi muộn hơn. Ai đó trả lời trong phòng khách, nhưng rồi không thấy gì. “Của con phải không?” Tôi kêu lên. Lát sau có tiếng: “Điện thoại này!” Nếu tôi không kêu, ai đó nghe điện thoại sẽ bảo tôi không có nhà. Trước họ đã làm thế. Tôi bước ra trong bộ đồ ngủ, và họ đang ngồi trên ghế sofa xem tivi, chỉ cách điện thoại vài tấc. Khốn kiếp, có còn tí riêng tư nào ở đây? Tôi cầm ống nghe, cảm thấy hơi lúng túng, quả đúng là Bạc Hà. Anh bảo anh đang ở Chợ Sách, vừa mới mua một quyển của Trương Đông Húc. “Có lẽ chiều nay em sẽ tới Chợ Sách một mình,” tôi nói. Tôi chưa bao giờ thực sự mặt đối mặt với Bạc Hà cả.
Một lúc sau G gọi. Tôi hỏi cậu chiều hôm đó mấy giờ gặp nhau, nhưng cậu bảo còn phải đến chỗ mẹ lấy tiền, nên không hẹn giờ được. Câu trả lời lảng tránh của cậu khiến tôi u ám. Chắc chắn tôi không muốn giam mình cả ngày trong nhà, gần đây viết nhiều quá tôi đã thấy chóng mặt. Thế là tôi gọi cho Mã Lệ và hẹn gặp cô ở ngoài Chợ Sách.
Tôi lại đến muộn, lúc nào cũng vậy, Tây Đơn đang nhộn nhịp. “Giờ ai là Bạc Hà đây?” Tôi tự hỏi. Có phải kia không? Tôi có cái cảm giác kỳ dị là anh đang ở chỗ tối còn tôi ở ngoài ánh sáng, và anh đang cười vào sự non nớt và yếu ớt của tôi. Ấn tượng đó lập tức được bổ sung bằng cái cảm giác rằng Bạc Hà có thể là bất kỳ người nào trong số những người xung quanh tôi, dù chẳng biết là ai.
Chợ Sách chật cứng, và tôi tự nhủ không biết những người đó có thực sự thích đọc, hay chỉ vào để tránh rét? Bình thường, tôi luôn tránh những nơi tầm thường như Chợ Sách, và vừa bước vào tôi đã thấy muốn quay mình trở ra. Mã Lệ cũng thấy thế.
Tôi lại nhắn tin cho G. Lúc đó là ba giờ, và tôi đứng đó, đôi mắt mở to trong khi thời gian trôi qua. Khí hậu khiến cho giọng nói của chúng tôi trở nên lạnh lẽo, chậm chạp, và tôi cười rời rạc. Trong khi chờ điện thoại của G, tôi cứ ngắm cái lưng của một cậu thanh niên. Mái tóc dài đẹp đẽ và cái quần jean bó sát của cậu trông rất tuyệt, nhưng so với Nhật Bản và Triều Tiên thì tôi thích phong cách Âu Mỹ hơn, nhất là những người Anh – sạch sẽ, tươi mát, sành điệu.
Đột nhiên tôi cảm thấy trái tim mình trở nên vô cùng mỏng manh, yếu ớt. Tôi thực sự muốn tôi và G trở lại quan hệ như xưa. Tôi không muốn tiền tài danh vọng, tôi nghĩ tôi có thể từ bỏ tất cả những thứ đó. Nhưng vì những lý do lạ lùng nào đó, chúng cứ tắc lại trong đầu tôi, không chịu bỏ đi.
Cuối cùng G gọi. “Mình đang ở Siêu thị Trung Hữu, khi nào cậu đến?” Tôi hỏi.
“Bảy rưỡi.”
“Tại sao?” Tôi kinh ngạc. “Sao lại muộn vậy? Em không đợi được, anh yêu, bây giờ hãy đến đi.” Tôi gần như van xin.
“Cậu đi cùng Mã Lệ phải không? Vậy cậu có khối thì giờ mua sắm.”
“Anh có coi thời gian bên nhau có nghĩa lý gì không? Thời gian là vàng, và nếu giờ anh không đến thì đừng đến nữa.”
“Được.”
Sau khi gác máy, tôi đứng đó như vừa đánh mất cái gì. Có chuyện gì vậy? Như kẻ chết đuối vớ lấy cái cọc, tôi gọi điện cho Bạc Hà, và bảo rằng tôi chán nản ra sao, anh nói gì đó, nhưng tất cả nghe nghèn nghẹt, mơ hồ, như thể anh nói từ lòng đất. Cuối cùng, tôi gọi số nhắn tin của G. Bảy rưỡi, ở Trung Hữu, tầng trệt, KFC.
Cái hình biểu tượng của hư vô mà chúng tôi vẽ trên cửa sổ của KFC Trung Hữu vẫn còn thấy rõ.
Trong khi đợi, tôi và Mã Lệ viết gì đó vào phần còn trống của cái thông báo trong thang máy tầng một. Tôi không mang theo bút, dù đã có lần nói: Một nhà văn ra khỏi nhà không bút thì có khác gì cô gái ra khỏi nhà không áo quần. Chúng tôi đành dùng bút kẻ lông mày. Mã Lệ viết, “Hãy lấy nhau đi, Bồng Bồng.” Bồng Bồng là bạn cùng lớp phổ thông của cô. Tôi viết: “Yêu và Bạc Hà.” Khi tôi viết xong, đột nhiên thấy trong tim đau nhói. “Mọi thứ đã khác.”
“Ai khác?” Mã Lệ hỏi.
“Mình,” tôi đáp. “Thật mai mỉa, khốn kiếp. Nhưng mình tiếc cho mọi thứ, thấy buồn quá!”
Sự đam mê từng bùng lên trong tôi đã lụi tàn, thành ra nhạo báng và phá hoại, và tôi không làm gì được. Tôi cảm thấy như không bao giờ tìm lại được những tình cảm thầm lặng, được sẻ chia. Ngọn gió đã bỏ tôi lại phía sau. Tôi vẫn bước về phía trước, nhưng không thể không ngoái đầu nhìn lại, nhỏ những giọt nước mắt lặng lẽ, ôm ấp ký ức của những gì đã qua. Tôi nhớ đến bài hát “Nhìn lại” của Bàn Cổ:
Tôi có một trái tim không đáy
Con thuyền tôi bị rò
Thuyền tôi sắp chìm
Ai còn sức mạnh vươn lên
Còn bao năm ta sống trong tuổi trẻ
Tôi bước tới
Còn quay lại nhìn.
G đến đúng bảy rưỡi. Cậu giải thích rằng chiều hôm đó gọi cho tôi từ chỗ của mẹ nên phải giữ miệng, rằng bảy rưỡi mới đến được vì đã hứa ghé cửa hàng mua một cái đĩa CD cho người bạn.
Tôi không nói gì, nhưng tha thứ cho cậu.
“Sao chiều nay em không đi được?” Bạc Hà hỏi. Đó là lần đầu tiên anh rủ tôi đi chơi, nhưng tôi đã đồng ý đi mua sắm với G. Dù biết rằng sẽ lại qua một ngày buồn chán, phí phạm thời gian, nhưng tôi còn nói gì được?
Tôi bảo anh rằng tôi phải gác máy. Vào một ngày khác, chắc chắn tôi sẽ nói “Chào”, chứ không gì khác. Đó là một từ tình cảm nhất, thiết thực nhất trong từ vựng của tôi. Nó có thể là lịch lãm, cương quyết, lạnh lùng hay tuyệt vọng. Khi tôi dùng nó với Bạc Hà, nó có nghĩa là sự từ chối, một thái độ quý tộc, một cái kết đầy ý nghĩa. Có lẽ tôi biết thời khắc duy nhất tôi kiểm soát được tình hình là khi nói lời chào tạm biệt.
G gọi vào thứ Hai hỏi xem tôi có tới được không, vì cha mẹ cậu đi vắng. Đó là một đêm thứ Hai trăng sáng, mát mẻ, ẩm ướt.
Căn phòng của cậu mới thân thiết làm sao, vẫn cái mùi tươi mát mà đã bao lâu tôi khám phá ra trên cơ thể cậu. Làm thế nào mà tôi lại chịu mất nó? Chúng tôi ôm nhau thật chặt, hai thân mình thanh mảnh, trẻ trung, và tôi nghĩ tới việc sẽ nhớ cậu xiết bao. Tôi cảm nhận được những xúc cảm sâu sắc trong vòng tay cậu xiết chặt, và muốn hét lên: Vì cơ thể này, vì làn da này, tôi vui lòng từ bỏ tất cả! Có Trời biết rằng tôi muốn qua đêm cùng cậu, không chỉ là một giờ, cũng như tôi khao khát sự thấu hiểu tận cùng của đôi bên, không chỉ là tình dục.
Chủ nghĩa duy vật đã bảo: Vật chất có trước, tinh thần có sau.
Vật chất là nền tảng.
Hình thức là cốt tủy.
Tôi mười bảy tuổi khi cuối cùng hiểu ra điều đó. Giờ tôi hồi tưởng lại và có thể dùng nó để chế nhạo hay làm vơi bớt nỗi buồn của riêng tôi. Và, biết được cái lý rồi nhưng tôi lại không thể bảo được lòng mình, vì khi ở với G, tôi hạnh phúc đến độ trong túi chỉ ít tiền hoặc không có gì cả, tôi vẫn giàu có không tưởng được.
Bạn có giữ lấy khoảnh khắc hiện tại và vứt mọi e dè vào trong gió, hay dựa vào sức mạnh của mình mà giành lấy thành công, là thứ thắng lợi duy nhất mà bạn có thể hãnh diện? Làm thế nào một người bình thường biết được đâu là con đường đúng?
Phải có điều gì trên đời này còn quan trọng hơn chân lý; quan trọng hơn cảm xúc; quan trọng hơn tiền bạc; quan trọng hơn chính cuộc đời.
Điều đó là gì vậy?