Thời gian trôi đi, tôi đã quên mất không nhớ được chính xác những gì Lý Kỳ viết trong bức thư cuối cùng gửi cho tôi. Tất cả những gì tôi nhớ chỉ là tay chân tôi đã tê dại thế nào khi nhận được bức thư. Tôi không thể tin nổi rằng anh đã vứt bỏ mình đột ngột đến thế. Anh nói đến Quảng Châu thăm “bạn gái”, và sẽ qua tết luôn ở đó. Thế mà đồ đểu đó thậm chí còn khuyên tôi nên “chăm chỉ học tập”. Điên giận khôn cùng. Tôi đã bị nghiền nát. Tôi thật sự không phải là yêu anh, tôi thậm chí đã nghĩ đến việc cắt đứt quan hệ với anh, bởi ở cùng với anh chỉ đem đến cho tôi những dằn vặt và sự bất hạnh. Nhưng tôi lại không thể chịu đựng nhưngổi ý nghĩ là không có được anh. Thật khó chịu là anh đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Giờ thì chẳng cần nói một lời với tôi, anh đã đi Quảng Châu để đến với một người đàn bà khác, chỉ để lại một bức thư, bỏ rơi tôi ở Bắc Kinh. Tôi không thể chịu được điều đó. Một cảm giác lo lắng, bất an đè nặng lên tôi, và tôi khóc suốt ngày, bơ phờ đến nỗi chẳng làm nổi việc gì. Trong bức thư anh nói để những đĩa CD anh mượn ở chỗ bà chủ nhà, và tôi có thể đến lấy vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Tính tóan một lúc thì thấy lúc này Lý đã có mặt ở Quảng Châu.
Thứ Bảy tôi đến để lấy đĩa CD. Nếu không phải và mượn đĩa của bạn thì tôi đã chẳng còn bụng dạ nào mà đến nữa. Tôi gõ cửa nhà bà chủ nhà; bà ta mở cửa và đưa cho tôi một túi ni lông trắng. Sắc mặt bà ta chẳng biểu lộ điều gì, nhưng tôi chắc chắn rằng bà ta đã biết rằng Lý đã bỏ tôi trước khi đến Quảng Châu với bạn gái của anh. Bà ta nhất định biết. Và bà ta nhất định là đang cười thầm tôi trong bụng vì cái điều mà bà ta nghĩ đã biết tỏng từ lâu rồi, rằng không đời nào mà Lý có thể lại đi yêu tôi. Làm sao mà anh lại màng đến tôi được? Nhục nhã, tôi cầm lấy cái túi ni lông, rồi bước ra ngòai cổng, lòng nghĩ đến những ca từ của ban nhạc PK –
Mới trẻ trung làm sao, một trái tim nhỏ lệ, mới trẻ trung làm sao, một trái tim trống rỗng, một mùa đông dằng dặc chẳng dừng, một mùa đông khắc nghiệt, mới trẻ trung làm sao, một trái tim nhỏ lệ, tôi ngồi bên song cửa và nhìn anh tiều tụy, tôi là thân vô vọng, tim tôi lệ ứ đầy, tôi vẫn chờ anh đến, chờ anh đến ôm tôi, tôi vẫn chờ anh đến, tim tôi lệ ứ đầy, tôi là thân vô vọng, mới trẻ trung làm sao.
Tôi cùn bơ phờ như thế ở trường, và tôi tiếp tục trượt môn thi về tin học. Cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi càng ngày càng không hài lòng, nhưng tôi không biết phải giải thích với cô thế nào.
Tôi lại đi gặp Quả Đống. Bất cứ lúc nào tôi chán chường, anh lại nghe tôi chê bai và phàn nàn về chuyện bản thân chẳng được dứt khóat. Anh nói tôi là một cô gái có vấn đề, một người tự làm mình bị thương tổn vì quá nhạy cảm và bấp bênh. Chúng tôi đến trường Bắc Đại, nơi mặt đất được phủ đầy là rơi từ những cây ngân hạnh, một tấm thảm vàng chuyển mình đẹp đẽ trong gió. Hạnh phúc biết mấy. Chúng tôi dạo bước bên bờ hồ Vị Danh. Hồ trong xanh tuyệt đẹp. Những người sống ở gần nơi có bóng chùa lung linh đáy nước kia mới hạnh phúc làm sao. “Người ta câu cá ở đằng kia,” Quả Đống thốt lên.
“Có thật không?” Ban nãy tôi vừa nhìn thấy một tấm biển ghi rõ ràng “Hồ nhân tạo, cấm câu cá, bơi lội.” Tôi vội ngậm miệng vì nhìn thấy đúng là phía trước có mấy người đang ngồi chồm hỗm trên bờ câu cá. Một người vừa câu được một con cá nhỏ đang vui mừng hớn hở. Vào lúc ấy, vẻ đẹp lộng lẫy của mái chùa nơi đáy hồ nước bỗng có vẻ nhạt nhòa đi. Quả Đống bảo tôi luôn có một cái nhìn tuyệt đối về mọi vật.
Chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế dài, và tôi nói với Quả Đống rằng quan hệ giữa Lý và tôi đã tan vỡ.
“Tan vỡ? Xưa nay hai người đã bao giờ gắn bó với nhau đâu mà nói là tan vỡ?” anh nói với một vẻ chế nhạo. Anh nói rằng tôi chưa bao giờ hiểu được vị trí của mình, nhất là càng không có chỗ trong lòng của Lý.
Tôi ngồi há hốc mồm. Lý và tôi chưa bao giờ là một đôi cả, nên tôi chưa đủ tư cách để nói đến “tan vỡ”. Nhưng đã thế thì tại sao tôi lại khổ sở đến vậy? Trời ạ, sao tôi lại ngu ngốc đến mức này. Tôi lắc lắc đầu, nhưng nín lặng.
Chúng tôi lại bắt đầu nói chuyện về cái chết. Quả Đống nói ước mong lớn nhất của anh ta là có ai đó cho một phát súng vào đầu chết luôn. Nhảy từ một ngôi nhà lầu xuống thì đau lắm, anh nói, và điều đó ngay lập tức đã xua đi cái ý niệm rằng nếu một khi tôi tự tử, tôi cũng sẽ nhảy xuống từ một cái cửa sổ. Tôi chỉ muốn biết làm cách nào đạt được một cái chết ít đau đớn nhất và được tôn trọng nhất. Một câu hỏi hóc búa, rõ ràng là chẳng có lời giải. Chúng tôi lại nói tới Lam Thảo. Anh nói có phải tôi vẫn còn tình cảm với anh ta, bởi vì có vẻ như anh ta vẫn còn hiện diện trong tâm trí của tôi.
“Dĩ nhiên!” tôi nói. “Em nghĩ em vẫn còn nhớ được số điện thọai của anh ấy: XXXX, nhưng không biết có đúng không. Có thể em sẽ gọi thử sau khi chúng mình đi khỏi Bắc Đại.”
Ngay khi nghe đến đó, Quả Đống đã lấy máy cầm tay ra. “Thử gọi luôn bây giờ đi,” anh nói. Tôi ngẩn người ra giây lát. Tôi lui lại vào một góc. Thì cứ thử xem sao. Đã có người nhấc máy. Bố anh ấy nói Lam Thảo không có nhà, rằng anh ấy đã đi học rồi. Điều đó như một nỗi khuây khỏa. Rời máy điện thọai ra, tôi có một cảm giác rất lạ: Lam Thảo gần giống như câu chuyện cổ tích có từ một thế kỷ trước, ấy thế mà tôi vẫn nhớ được tên, được số máy điện thọai của anh ấy. Chẳng khác nào bỗng đột nhiên được mang trở lại vào trong quá khứ xa xôi – thật kỳ lạ! Nhưng tôi không muốn gọi cho anh ấy nữa. Trở lại cái thời Lớp Chín ấy tôi chẳng có chút tự tin nào về mặt trí tuệ tôi ngang hàng được với anh, và tôi nhận thấy cho tới bây giờ điều đó vẫn chẳng có gì thay đổi.
Quả Đống nói với tôi rằng anh ở cùng với mẹ.
Anh có một chiếc máy vi tính ở trong phòng, một điều làm người ta phải ngạc nhiên vào lúc ấy. Anh ngủ trên một cái giường kê rất thấp, anh nói mình dị ứng với độ cao. Tường phòng anh treo đầy kín ảnh, có hai bức rất lớn: một bức chụp anh lúc hai mươi tư tuổi, một bức chụp cô em gái anh lúc mười chín tuổi. Trên giá sách của anh có nhiều tập thơ của Cố Thành, Bắc Đảo, Tây Xuyên và rất nhiều cuốn sách mà tôi thèm muốn.
Tôi đi gặp anh vào một buổi chiều, và một người bạn khác của anh cũng có mặt ở đó. Người đó thấp, gầy, và đen. Quả Đống gọi anh ta là Vương Đồng chí. Ba chúng tôi đang trò chuyện ở bên cổng thì một thanh niên dắt xe đạp đến trước Vương Đồng chí và thì thầm, “Có tí trắng nào không?” Vương Đồng chí ớ người không hiểu anh ta nói cái gì.
“Cái gì?”
“Bột ấy!”
“Không…” Súyt nữa thì Vương Đồng chí chết ngất đi vì sợ! Và quả là vậy, một tay công an đã xuất hiện ngay khi gã thanh niên vừa đi khỏi.
“Cứt! Trông tôi có giống một thằng hít heroin thật không?” Quả Đống và tôi cùng cười nhạo anh ta.
Trở vào trong phòng, Vương Đồng chí bắt đầu nói nhăng cuội về “bọn punk”, rằng bọn đó là một nhóm những kẻ hư vô chủ nghĩa, và quá thể là vênh váo. Quả Đống và tôi đã điên tiết đến nỗi chúng tôi chẳng thể làm gì khác ngòai cười trừ. Thế rồi anh ta lại gọi tôi là “cô bé punk” của anh ta. Cái giọng dạy đời của anh ta làm tôi cáu tiết.
Một lúc sau, một cô gái gọi điện cho Quả Đống và hẹn anh đến quảng trường Thiên An Môn. Quả Đống muốn từ chối, nhưng chẳng biết làm cách nào. Sau khi anh gác máy, Vương Đồng chí hỏi anh rằng ai đó. “Một cô bạn ở Viện Điện ảnh Bắc Kinh,” anh nói. “Khỉ thật, ta cùng đi Thiên An Môn vậy.”
Vậy là chúng tôi đi. Quảng trường ninh ních người. Vô sỉ Vương Đồng chí tiếp tục lải nhải rằng sao tất cả lũ thối tha này lại không ở nhà của chúng nó. Rồi anh ta bắt đầu chọc giận cả tôi. Bất cứ tôi nói cái gì thì Vương Đồng chí phản đối cái đó. Ví dụ tôi nói tôi định mua một cái điện thọai di động, thì anh ta nói, “Cô bé punk à, thứ đó không hợp với bọn punk chúng ta. Bọn ta có máy nhắn tin là tốt lắm rồi.”
Cuối cùng chúng tôi vào một quán bar, nơi bọn họ uống bia, còn tôi uống nước cam. Tôi không nhớ rằng chúng tôi đã ở trong quán rượu bao lâu bởi tôi không để họ nói mấy giờ mấy giờ với tôi. Tôi không nghĩ đến chuyện về nhà. Họ hát karaoke; tôi không hát. Quả Đống hỏi vì sao. Tôi nói tôi ngượng không quen, có thể là sau này.
“Khi nào vậy?” anh hỏi dồn.
“Sau này.”
Vương Đồng chí luôn luôn hát lạc một nhịp tất cả các bài anh ta gào. Và Quả Đống làm một bài lạc hết cả điệu là “Hoa phòng cô nương”. Bọn họ uống rất nhiều. Chắc phải quá hai giờ sáng chúng tôi mới rời khỏi chỗ đó, nhưng tôi cũng không chắc lắm.
Ở bên ngòai gió lạnh, Quả Đống đã hỏi một câu làm tôi muốn điên tiết, “Bao giờ thì em về nhà?”. Tôi lờ anh đi, nhưng tôi cảm thấy bị tổn thương. Có thể anh cũng phát hiện thấy điều đó. Chúng tôi túm lấy một cái taxi và chạy xuống cái đại lộ gần như không một bóng người. Tôi gục đầu vào vai Quả Đống và ôm chặt cánh tay anh. Hai tay tôi giá lạnh. Những ý nghĩ như đang chao đảo trong đầu.
“Có những chuyện em chẳng muốn nói ra một chút nào,” tôi nói.
“Vậy thì đừng nói gì cả,” anh nói để vỗ về tôi.
Cuối cùng, taxi dừng bánh. Thời gian trôi qua vun vút nhưng cũng lại chậm lê thê. Lúc ấy ý nghĩ quay về nhà khiến tôi hãi hùng, bởi vì bố mẹ tôi chắc sẽ giết chết tôi mất. Không nói một lời nào, Quả Đống vòng tay ôm lấy người tôi. Cuối cùng anh nói, “Việc ngày mai thì đợi đến ngày mai hẵng lo.”
Tôi đi được mấy bước, rồi dừng lại và nói, “Nhìn trên kia kìa. Có một ngôi sao.”
“Làm gì còn ngôi sao nào,” Quả Đống nói, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời. Bầu trời giống như một bức tranh. Xung quanh chúng tôi, không có bất cứ gì hết ngòai sự tĩnh mịch, một chốn yên lặng. Chúng tôi như một chú bé và cô em gái nhỏ của chú ta đang cùng nhau chầm chậm cất bước.
Lên gác anh mang cho tôi một chậu nước ấm. “Em rửa mặt đi,” anh nói. Rồi anh lại ra ngòai và trở vào với một chậu nước khác. “Để em rửa chân.” Anh nhường cho tôi ngủ trên giường; anh nằm trên ghế sofa.
Dậy sớm tinh mơ vào sáng ngày hôm sau, tôi đọc sách một lúc lâu, rồi ra ngòai và thấy anh nằm ngủ trong phòng lớn. Cái chăn đắp trượt quá nửa ra khỏi giường. Tôi cẩn thận nhấc nó lên và đắp lại cho anh. Anh mở mắt ra. “Dậy sớm thế sao?”. Tôi bê một chiếc ghế đẩu lại bên giường và ngồi xuống. Chúng tôi trò chuyện một chút, hơi dấm dẳn. Tôi nói tôi có thể nhìn thấy con hẻm từ cửa sổ phòng của anh, và rằng điều đó làm tôi nhớ lại cái nơi mà lần đầu tiên tôi đi phỏng vấn một ban nhạc.
Lúc ấy tôi mười bốn tuổi, và tôi mới bắt đầu thích nhạc rock’n’roll. Họ cũng chẳng quá được mười bảy, mười tám tuổi. Đó là vào mùa đông. Hai tay chơi guitar gặp tôi ở nhà ga tàu điện và giới thiệu tôi với cái thế giới ngầm của nhạc rock ở trong căn phòng nhỏ, nhớp nháp, tăm tối của họ. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được nghe nhạc sống. Tôi cảm thấy yêu đến điên cuồng cái không khí bất cần, bần cùng và hơi có phần lãng mạn ở nơi này. Tôi cũng bắt đầu thích anh chàng chơi guitar chính, và sao mỗi buổi biểu diễn, tôi đều tưởng không dứt ra được để về.
Có thể là do chỗ tôi vụng về hoặc tại vì họ còn trẻ và nông cạn, nhưng một vụ cãi nhau đã nhanh chóng nổ ra khi một buổi tối tôi cứ đòi rằng anh guitarist phải đưa tôi ra ga tàu điện. “Lần nào em cũng như thế. Em luôn ỷ lại vào người khác,” anh ta cằn nhằn.
“Thế thì quên đi, em sẽ đi một mình,” tôi nói, mặc dù tôi rất sợ điều đó. Nhưng rồi anh ta nhất quyết phải tiễn tôi ra ga. Trên đường đi anh ta tiếp tục phun ra hàng đống những lời bình luận ấu trĩ, so sánh tôi với những phóng viên khác. Cuối cùng khi anh ta hết chuyện để nói, tôi đã phóng đi rất nhanh. Tôi chưa bao giờ thăm lại họ kể từ đó.
“Về sau thì sao?” Quả Đống hỏi.
Làm gì có về sau. Trừ phi vặn ngược được thời gian về khi tôi mười bốn tuổi. Khi tôi mười bốn tuổi…tôi hình dung ra mình khi đó: tóc cắt ngắn, đồng phục học sinh màu xanh, mỗi ngày mất chừng một tiếng ngồi tàu điện để đi phỏng vấn.
Mẹ Quả Đống dọn bữa sáng cho chúng tôi. Bà là một phụ nữ tốt và hiền, cứ muốn tôi ăn thêm nữa. Tôi rất thích cái không khí như ở nhà thế này và nghĩ đến những gì Quả Đống đã kể về thị trấn quê anh ở Tứ Xuyên. Sau khi đã ních căng bụng, chúng tôi về phòng anh, và Quả Đống đưa cho tôi mượn một đĩa Sao đỏ I, đĩa trong đó có bài “Hai ngày” của Hứa Ngụy. Chúng tôi cùng nghe những ca khúc của Hứa Ngụy và Hồ Ma Cá. “Trời ơi, chúng ta thế nào rồi? Trời ơi, trong con mắt họ, chúng ta là thế nào?”. Chúng tôi cười phá lên những chỗ ca từ sướt mướt. Rồi sau đó là Hứa Ngụy: “Tôi cúi đầu tôi xuống. Tuyệt vọng chảy tràn qua tôi như nước dội.” Tôi sợ phải về nhà. Không hiểu mẹ sẽ coi tôi như thế nào đây?
Đến mười giờ tôi cáo từ. Tôi cần phải đến một trường học đàn. “Đợi đến chiều hẵng đi được không? Ăn trưa xong đã!” Quả Đống đề nghị. Tôi biết anh nói thực lòng, và quả thật cũng rất lưỡng lự, nhưng tôi phải đi. Anh tiễn tôi đến tận nơi gửi xe đạp, và còn dặn đi dặn lại tôi đường đi thế nào.
Lúc tôi tới trường âm nhạc “Hòanh Hòa”, nhạc sĩ Hòang Ánh đang ngồi luyện guitar ở trên tầng thượng. Anh bảo tôi ngồi xuống và thử đàn. Tôi gảy một đọan một cách ngượng nghịu.
“Em đã tập chưa?”
“Rồi.”
Nhưng sự thực thì tôi đàn chưa được một phần của anh. Anh hướng dẫn cho tôi một vài cách, và tôi quyết tâm phải luyện tập thật tốt khi về nhà, để bản thân tôi khỏi phải xấu hổ nữa. Tôi hỏi quê anh ở đâu. “Phúc Kiến,” anh nói, và chất giọng nặng của anh chứng tỏ điều đó. Chúng tôi nói chuyện một hồi lâu. Anh nói rằng khi anh luyện tập ở nhà, tất cả mọi người đều than phiền vì tiếng ồn.
“Anh không mặc kệ họ được sao?”
“Không được,” anh nói với một nụ cười gượng gạo. “Không thể mặc kệ được, bởi đó là bố anh, các anh em anh, mực kệ thì chết.” Anh nói bố anh đến làm ăn ở Bắc Kinh, và rằng anh dự định lập một ban nhạc rock cùng với em trai. Bây giờ tất cả những gì anh phải làm là thuyết phục người em trai.
Đến chiều thì chúng tôi đói muốn chết, nên chúng tôi ra ngòai mua bánh. Tôi tỏ ý sẽ mua vài cái bánh bao. “Cứt,” anh nói. “Thế thì anh còn ra cái gì nữa. Anh mua.” Cũng được lắm.
“Với em anh có vẻ nhút nhát không?” anh hỏi tôi. “Hay rụt rè?”
“Có,” tôi nói.
“Em biết không, khi ở quê, anh không bao giờ như thế này. Mọi người thậm chí còn nói anh là thằng điên, không bình thường. Nhưng anh đã thay đổi ngay khi anh đến đây, thay đổi nhiều đến nỗi chính anh cũng không nhận ra mình nữa. Rụt rè. Ở Phúc Kiến thì anh có đủ mọi lọai bạn bè, ở đây anh chỉ chơi được với một hai người…”
Anh nói rằng lúc đầu tiên đến đây, anh không thể nào nói được tiếng Bắc Kinh, mỗi lần muốn nói phải nghĩ mãi nói từ nào mới đúng. Tôi bảo anh thử nói gì đó bằng âm Phúc Kiến, và anh phun ra cái âm thanh mà tôi nghe nhưng không biết viết như thế nào. Anh bảo tôi rằng đó là từ “chơi” theo đúng khẩu ngữ quê anh. Khi anh thấy tôi cười lăn lộn mãi, anh nói, “Thỉnh thỏang em dường như trẻ hơn tuổi em rất nhiều. Có phải em thật già như lúc em nói hay không? Anh nghĩ em chỉ là một đứa trẻ!” Tôi nhìn anh chằm chằm, tự hỏi không hiểu đây là lời khen hay là lăng mạ. Có thể trước mặt anh tôi đã hành động như là một đứa trẻ con.
“Anh thấy ngạc nhiên rằng ít nhất vẫn còn có một cô bé thú vị, hấp dẫn ở trên đời này,” anh nói.
Tôi đỏ mặt vì phấn chấn.
_________________