Chúc Nghiễn Thu xách theo vali da, trên người cầm theo toàn bộ số tiền mà mẹ Chúc đưa cho, bước lên thuyền để đến Thượng Hải.
Chúc Nghiễn Thu đi học chưa được bao lâu, Chúc Tố Nương phát hiện mình có thai, nhưng tình cảnh trong nhà khốn khó, Chúc Tố Nương bỏ ra chút tiền để tìm học cách làm đậu phụ, bụng mang thai rất to nhưng vẫn cặm cụi sớm tối làm đậu phụ.
Làm đậu phụ là một công việc vô cùng vất vả, phải ngâm đậu nành, rồi nghiền đậu, dùng cối xay lớn để xay đậu, rồi lọc nước đậu và nấu lên, vớt váng đậu rồi đóng thành khuôn, tất cả những việc này đều do một tay Chúc Tố Nương làm, Chúc Tố Nương làm quần quật cả ngày không lúc nào nghỉ ngơi.
Nửa đêm lại phải dậy nấu đậu, sáng sớm ngày hôm sau lại phải mang đậu phụ ra đầu đường để rao bán, bán xong lại về nhà và làm mẻ đậu phụ mới, 9 tháng sau Chúc Tố Nương sinh một đứa con trai, cũng gọi là có người nối dõi cho Chúc gia.
Chúc Tố Nương vất vả nuôi sống cả gia đình, còn phải lo bán đậu phụ lấy tiền nuôi Chúc Nghiễn Thu ăn học, Chúc Nghiễn Thu mỗi lần gửi thư hoặc điện báo về đều nhắc Chúc Tố Nương gửi tiền cho mình, lý do là để mua sách hoặc mua bút.
Từ khi Chúc gia lâm vào cảnh khó khăn như vậy, Chúc Nghiễn Thu chưa bao giờ phải chịu khổ, dùng thứ gì cũng đều phải dùng đồ tốt nhất, đến đôi tất cũng phải là đôi tất nilon thời thượng nhất của người Tây, tất cả đồ đạc của Chúc Nghiễn Thu đều là hàng xa xỉ phẩm.
Mỗi lần Chúc Nghiễn Thu đòi tiền, Chúc Tố Nương đều phải gửi cho hắn, cả nhà đều phải nhịn ăn nhịn uống, thắt lưng buộc bụng, cuộc sống vô cùng khổ cực, nhất là Chúc Tố Nương vừa sinh con được 5 ngày đã phải xuống giường đi làm.
Chúc Tố Nương không hề biết rằng, Chúc Nghiễn Thu có bạn gái, lại là người cùng trường, trong trường học đã tiếp thu tư tưởng mới, cho phép học sinh tự do yêu đương, vì vậy tất cả các nam nữ trong trường đều thành đôi.
Muốn kết bạn muốn yêu đương thì phải tham gia vào những hoạt động vui chơi tiêu tốn rất nhiều tiền, Chúc Nghiễn Thu chỉ có thể viết thư về nhà liên tục đòi tiền, Chúc Tố Nương chỉ biết cắn răng đưa hết cho hắn.
Chúc Nghiễn Thu và bạn gái của hắn – Phương Phỉ Phỉ cứ thế hạnh phúc bên nhau, 18 tháng 9 năm 1931, sau khi sự kiện Nhật Bản xâm lược Trung Quốc nổ ra, hai người nắm tay nhau xông pha ra chiến trường, trở thành người nổi tiếng, Chúc Nghiễn Thu giờ đây đã là sĩ quan cao cấp, còn Phương Phỉ Phỉ là phóng viên chiến trường, mọi người ai cũng khen là một đôi anh hùng mỹ nhân.
Còn Chúc Tố Nương lưu lạc khắp chốn, làm việc quần quật nhiều năm, cơ thể kiệt sức không ăn được gì, chưa đến 40 tuổi đã chết.
Chúc Tố Nương chết rồi nhưng vẫn không cam tâm, Chúc Nghiễn Thu nói rằng hắn là lớp người mới đi khai hóa văn minh, chỉ một vợ một chồng, cô sinh con cho Chúc Nghiễn Thu, nuôi con khôn lớn, đó không phải là vợ chồng thì là gì?
Chúc Nghiễn Thu nói rằng hắn không thể hòa hợp được với cô, nhưng hai người rất ít khi trò chuyện, mỗi lần trò chuyện hắn đều chỉ nói đến tiền.
Tâm nguyện của Chúc Tố Nương: Không muốn mệt mỏi vì Chúc gia nữa, mang con đến một nơi khác sống bình yên.
Chúc Tố Nương không được vào trường học như Phương Phỉ Phỉ, không được mặc những chiếc váy dài đi giày da đen, không phải là lỗi của cô, nhưng Chúc Nghiễn Thu lại cứ ghét bỏ cô.
Nói gì thì nói, Chúc Tố Nương cũng là vật hi sinh trong trận đụng độ giữa tư tưởng phong kiến truyền thống và tân tiến, nhưng có trách thì trách Chúc Nghiễn Thu bội bạc, vô trách nhiệm, đối xử với vợ của mình không chút thương xót.
Ninh Thư đọc xong kịch bản, lắc đầu, cho nên mới nói Chúc Tố Nương quá lương thiện, đến tâm nguyện cuối cùng của cô cũng thấp hèn thế này, Chúc Nghiễn Thu là loại người vong ân bội nghĩa, không giết chết hắn mà còn giữ lại làm gì?
Ninh Thư có thể cảm nhận được uất hận trong lòng Chúc Tố Nương đối với Chúc Nghiễn Thu, nhưng từ bé đã sống trong môi trường như vậy, khiến cô không dám nói ra những yêu cầu quá đáng.
Chúc Tố Nương chính là tuýp người điển hình của xã hội phong kiến, lương thiện, hi sinh tất cả vì gia đình, dốc toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, thậm chí còn có chút tội nghiệp, còn Phương Phỉ Phỉ lại là người tiếp nhận tư tưởng tân tiến, quả quyết nhanh nhẹn, dũng cảm theo đuổi lý tưởng, mặc áo Tây ưỡn ngực bước trên đường, có mê lực rất khác biệt.
Một người mặc chiếc quần đen áo xám, một người mặc váy sườn xám ngắn, tay cầm tập thơ, chỉ có kẻ mù mới không biết phải chọn ai.
Ninh Thư chỉ có thể cười lên một tiếng.
Ninh Thư khẽ dụi đôi mắt mệt mỏi, cho thêm củi vào đáy lò, vừa cầm muôi khuấy đậu nành đang sôi trong nồi, cô hoàn toàn không biết nấu đậu phụ, đều dựa vào kí ức của nguyên chủ, cứ thế này cô sẽ làm được 365 nghề mất.
Ninh Thư luống cuống tay chân bận rộn làm đậu phụ, đến tận khi trời sáng, Ninh Thư vẫn chưa làm xong.
“Tố Nương, con vẫn còn ở nhà ư, vẫn chưa nấu xong đậu phụ của hôm nay sao?” Mẹ Chúc tiến vào trong bếp hỏi Ninh Thư.
Ninh Thư đang cố gắng khiến cho đậu phụ thành hình, nghe Chúc mẫu nói vậy, đáp: “Sắp xong rồi ạ.”
Bình thường trời chưa sáng Tố Nương đã làm xong rồi, bây giờ trời đã sáng chưng mà vẫn chưa ra khỏi bếp, mẹ Chúc tỉnh dậy thấy Tố Nương vẫn còn đang cắm cúi làm, liền đến xem, cùng trợ giúp cho Tố Nương.
Mẹ Chúc thỉnh thoảng cũng đến giúp, nhưng mẹ Chúc là con nhà giàu, bây giờ lâm vào cảnh khốn cùng, hơi không quen với công việc này.
Tuy vậy, mẹ Chúc là người thông minh, là người đàn bà cai quản cả một căn nhà nhiều người như vậy, nô bộc trong gia đình cũng không ít, đều bị bà trấn áp hết, thỉnh thoảng họ cũng hay kể khổ với Tố Nương, khen Tố Nương hiền lành đảm đang, có thể lấy được Tố Nương về nhà là phúc phận của Chúc gia.
Thân phận của Chúc Tố Nương trong Chúc gia thấp hèn, ăn cơm cũng không được ngồi vào bàn, bây giờ mẹ Chúc công nhận cô rồi, trong lòng Chúc Tố Nương rất vui mừng, con người Chúc Tố Nương vốn hiền lành, dù gì cô cũng là người của Chúc gia, cũng không còn nơi nào để đi.
“Tố Nương, Nghiễn Thu dạo này có viết thư về không?” Mẹ Chúc hỏi Ninh Thư.
Ninh Thư thuận miệng nói: “Không ạ, chắc cũng sắp có rồi.” Chúc Nghiễn Thu lúc nào cũng chỉ đòi tiền.
Vất vả lắm mới làm được mẻ đậu phụ, đặt đậu phụ vào trong gánh, Ninh Thư khiêng chiếc gánh lên vai, nhưng không thể dùng sức đặt lên vai được, chỉ có thể vận khí vào đan điền, thử lại một lần nữa.
Lần này cuối cùng cô cũng gánh được, nhưng cơ thể NInh Thư cứ lảo đảo, đi thêm vài bước mới đi thẳng được, chiếc gánh trên vai đè xuống rất đau.
Từ khi Chúc Nghiễn Thư rời đến Thượng Hải học, Chúc Tố Nương ngày ngày đều làm công việc này, Chúc Nghiễn Thu không hề hay biết đến sự vất vả của Chúc Tố Nương, ngược lại còn chèn ép Chúc Tố Nương để lấy tiền.
Chúc Nghiễn Thu tiếp nhận tư tưởng mới, tự do, bình đẳng, bác ái, mỗi con người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, nhưng trong lòng hắn lại coi thường Chúc Tố Nương, Chúc Tố Nương không biết chữ, quê mùa.
“Mẹ, nếu Tư Viễn dậy thì mẹ chăm sóc cho nó nhé.” Ninh Thu quay người lại nói với mẹ Chúc, Chúc Tư Viễn là con trai của hai người, cũng sắp ba tuổi rồi.
Mẹ Chúc gật đầu, Ninh Thư cũng yên tâm phần nào.
Ninh Thư gánh đậu phụ rời đi, đi men theo con đường mà Chúc Tố Nương vẫn hay đi, sẽ có vài người quen mua đậu phụ.
Bán đậu phụ không phải là chuyện dễ, lại thêm gánh hàng trên vai khiến cho Ninh Thư thấy không thoải mái, đậu phụ toàn là nước, gánh hai bình nước đi đi lại lại như vậy, mệt muốn chết.
Cũng không hiểu tại sao Chúc Tố Nương lại kiên trì được đến vậy, mỗi ngày cũng chỉ bán được số tiền ít ỏi, ngày nào tốt thì cũng chỉ được 1/5 đồng tiền đại dương, thời bấy giờ 5 đồng tiền đại dương có thể mua được một con trâu, 20 đồng tiền đại dương có thể nuôi được cả gia đình ba miệng ăn trong một năm trời.
Tuy là vất vả, nhưng có thể kiếm được chút tiền thì Chúc Tố Nương vẫn ngày đêm kiên trì, tất cả vì để Chúc Nghiễn Thu được sống cuộc sống no đủ.
Khốn nạn, Ninh Thư thật muốn vứt bỏ cái công việc này, nhưng vì nghĩ tới con của Chúc Tố Nương, mọi người đều phụ thuộc vào việc bán đậu phụ.