Cô thư ký của ông Sam Liebman, chồng bà Ruth, được dặn là trong giờ làm việc của ông ta không cho bất cứ ai vào gặp ông, kể cả gia đình ông nữa. Chỉ trừ khi nào ông mời vào mới được cho vào.
Bà Ruth ít khi đến văn phòng của chồng ở Wall Street, trừ khi là có việc hết sức quan trọng như hôm nay.
Bà đã ngồi chờ hai tiếng đồng hồ; cô Rebecca Greenspan, cô thư ký ấy, nhìn bà vợ ông chủ, đầy ái ngại nói:
-- Có thể ông chủ còn bận cả vài tiếng đồng hồ nữa, bà ạ.
-- Trưa nay ông không về nhà ăn trưa, thì lát nữa ông phải ra nhà hàng. Tôi sẽ đón ông để nói chuyện vậy.
-- Không để tối được sao bà chủ?
-- Nếu để tối được thì tôi đã không đến đây!
Ông Samuel Julius Liebman là một người cao lớn, khôn ngoan nhưng rất tử tế. Trong giới ngân hàng thương mại ông là một nhân vật khá quan trọng. Hãng Langendolf & Liebman của ông đã đứng vững qua cuộc khủng hoảng năm , làm giới đầu tư rất kính nể ông.
Khi ở nhà ông là người hoàn toàn của gia đình, nhưng khi ông làm việc thì công việc là thế giới thiêng liêng của ông, bất cứ ai cũng không được đến quấy rầy.
Khoảng ba giờ ông từ trong phòng bước ra, tay xách cặp, dặn cô thư ký:
-- Rebecca, tôi đi dự một cuộc họp. - Ông ngạc nhiên thấy bà Ruth ngồi ở ghế đằng xa. Trong tích tắc ông lo ngại có vấn đề gì đáng sợ. Nhưng bà đã mỉm cười nhìn ông, bà đứng dậy với ông. Cô thư ký nhanh chân biến đi đâu mất.
Ông hôn bà rồi cười hỏi:
-- Nào, bà Liebman, có việc gì, mười phút nữa thôi là tôi phải đi họp, kẻo trễ, cố gắng nói gọn trong mười phút nhé, được không? - Ông châm điếu xì gà và ngồi xuống.
Qua hai mươi chín năm chung sống, hai ông bà thường có nhiều vấn đề hay tranh cãi, nhưng cuối cùng thường đi đến kết thúc tốt đẹp cả hai bên. Bà Ruth mở màn:
-- Chuyện tùy ông thôi, Sam ạ.
-- Ô, lạy Chúa... Bà vẫn thường nói tùy ông thôi, để rồi tôi phát điên lên, như chuyện chiếc xe hơi cho Paul vừa qua! Thôi được, nào, chuyện gì?
-- Tôi muốn đỡ đầu cho một cô gái mà Hội vừa chở bằng tàu thủy về đây cách mấy hôm nay. Cô ta hiện đang nằm ở bệnh viện Beth David. Gia đình mà Hội nhờ đỡ đầu cô ta thì bây giờ không muốn bảo lãnh nữa.
Bà ta vộ lẻ đắng cay nói tiếp:
-- Họ chỉ đòi cho được một người Pháp! Lạy Chúa, muốn một cô gái Pháp kiểu Hollywood, hoặc làm đĩ mới chịu!
-- Ruth! - Ông có ý phản đối. Ít khi bà dùng lời lẽ như vậy, - Thế cô ấy người gì?
-- Người Đức.
-- Sao phải vào bệnh viện? Đau nặng à?
-- Không hẳn vậy. Có lẽ bị mất sức. Các bác sĩ không tìm thấy bệnh gì cả. Sam ạ, cô ấy hình như thất vọng quá mức. Mới hai mươi tuổi mà mất cả gia đình.
Bà nhìn chồng như dò hỏi. Ông bảo:
-- Ruth, nhưng không lẽ bà đem tất cả về nhà? - Hơn một tháng nay hàng ngày họ gặp bao nhiêu người tuyệt vọng như thế từ các trại tập trung di tản qua Mỹ.
-- Sam ạ...
-- Thế Julia và Debbie thì sao?
-- Thế sao nghĩa là sao?
-- Chúng sẽ nghĩ thế nào nếu bà đem một người hoàn toàn xa lạ về nhà?
-- Sam ạ, nếu chúng nó mất cả gia đình chúng sẽ cảm thấy thế nào? Nếu chúng không nghĩ đến hoàn cảnh khổ đau của người khác, thì tôi nghĩ là lỗi ở chúng ta làm cha mẹ. Chúng phải hiểu là một cuộc chiến tranh vừa xảy ra. Tất cả chúng ta phải chia sẻ hậu quả chứ.
-- Thì chúng ta đã chia sẻ! - Ông nghĩ đến những đứa con đã chết của ông. Ông tiếp:
-- Bà đòi hỏi gia đình chúng ta hơi nhiều đấy, Ruth.
Bà ta mỉm cười nhìn chồng, và nói:
-- Điểm chính là vấn đề cô gái này. Nhà chúng ta còn rộng. Tôi chỉ muốn biết là ông có cho tôi đem cô này về nhà, cho cô ta tạm trú ít lâu. Còn vấn đề các con nghĩ thế nào thì chuyện đó tôi có thể nói được.
-- Ít lâu là bao lâu?
-- Tôi chưa biết, Sam ạ. Có thể là sáu tháng, hoặc một năm. Cô ta không có gia đình, không tài sản, không gì cả. Nhưng cô ta là con nhà tử tế, có học, nói tiếng Anh giỏi. Khi nào cô ấy trở lại bình thường, thì tôi chắc là cô ta tìm được việc làm khả dĩ, và có thể tự lo...
-- Còn nếu cô ta không làm gì được thì chúng ta làm thế nào? Nuôi suốt đời à?
-- Dĩ nhiên là nuôi thế nào được. Chúng ta sẽ bàn với cô ấy chứ, chúng ta nói trước rõ ràng là sau một năm cô ấy phải tự lo liệu chứ.
Ông Sam biết là bà vợ ông lúc nào cũng có cách để thuyết phục ông. Ông nói:
-- Bà Liebman, bà thì lúc nào cũng tìm cách nói cho được. Tôi cũng mừng là bà không làm việc cho hãng nào đang cạnh tranh với hãng tôi!
-- Thế nghĩa là ông đồng ý rồi chứ gì?
-- Để tôi nghĩ lại. Cô ấy bây giờ ở đâu?
-- Bệnh viện Beth Davis. Chừng nào ông ghé thăm được? - Bà nhe răng cười. Ông chồng bà thở dài, rồi bảo:
-- Tối nay trên đường về nhà tôi sẽ ghé thăm. Tôi xưng tên thì cô ta có biết tôi là ai không?
-- Biết chứ. Sáng nay tôi ngồi với cô ta cả buổi. Ông chỉ nói ông là chồng bà Ruth.
Bà thấy hình như ông đang lo lắng gì, bà hỏi:
-- Có chuyện gì thế?
-- Cô ta có bị tật nguyền gì không?
Bà đến gần ông, sờ lên má ông và nói:
-- Dĩ nhiên là không! - Rồi bà cười và nháy mắt nói:
-- Thực tình, cô ấy còn rất đẹp là đằng khác. Tuy nhiên lúc này thì tội nghiệp, cô ta tuyệt vọng quá... và cô đơn quá... Ông sẽ thấy. Tuồng như cô ta không còn một chút hy vọng để sống!
-- Nếu như thế, cô ta còn tin ai nữa? Thật là nạn nhân của những kẻ... - Ông bỗng như căm giận những tên chó đẻ đã gây ra lắm điều khổ cho kẻ khác. Hồi ông đọc những tường thuật về các trại tập trung như Auschwitz, ông đã cầu nguyện Chúa, và nói khi đã khóc suốt đêm.
Ông nhìn bà vợ ông và hỏi:
-- Cô ấy có tin tưởng gì bà không?
Bà ta nghĩ ngợi một chút rồi nói:
-- Tôi nghĩ là có đấy. Cô ta còn niềm tin ở người khác đấy!
-- Thôi được. Tôi sẽ ghé thăm cô ta. - Ông cầm chiếc cặp lên rồi nói vớt vát với bà:
-- Ruth ạ, bà là người tốt đấy. Tôi yêu bà ở điểm đó.
Bà hôn ông để đáp lại câu nói đó, rồi nói:
-- Tôi cũng yêu ông như vậy. Thế chừng nào ông trả lời?
Ông đảo mắt, và lúc bước vào thang máy ông nói:
-- Tối nay, về nhà tôi sẽ trả lời bà. Như vậy được chưa?
Ông mỉm cười. Bà thì gật đầu vui vẻ. Rồi ông đi họp, và bà lên xe trở về nhà.