Trong thời gian đầu ở Petersburg công tước Andrey đều cảm thấy tất cả những ý tưởng chàng đã hun đúc nên trong thời gian sống cô độc đã hoàn toàn bị lu mờ đi trước những lo âu vụn vặt của cuộc sống ở kinh đô.
Tối tối khi trở về nhà, chàng ghi vào sổ tay bốn năm cuộc gặp gỡ hay thăm viếng cần thiết đúng vào giờ này giờ nọ. Phải theo cho đúng nhịp sống, phải bố trí thời gian thế nào cho kịp đi đây đi đó đúng giờ đã định: việc ấy đã chiếm một phần lớn tinh lực của chàng. Chàng không làm gì, thậm chí cũng chẳng nghĩ gì, chàng không có thì giờ để nghĩ, mà chỉ nói, và chàng đã nói có kết quả tốt những điều mà chàng đã suy nghĩ khi còn ở thôn quê.
Thỉnh thoảng chàng lại khó chịu nhận thấy rằng cùng trong một ngày chàng đã nói đi nói lại y nguyên một câu ở hai ba nơi khác nhau. Nhưng suốt ngày chàng bận rộn đến nỗi không có thì giờ nghĩ đến chỗ mình chẳng nghĩ gì cả.
Xperanxki hôm gặp chàng lần đầu ở nhà Kochubey, cũng như hôm thứ tư sau tiếp riêng chàng ở nhà và nói chuyện lâu với chàng một cách tin cậy, đã gây cho công tước Andrey một ấn tượng mạnh mẽ.
Công tước Andrey vốn đã cho rằng quá nhiều người là những kẻ vô tài bất lực đáng khinh, nên muốn tìm một con người xứng đáng là hiện thân của cái lý tương hoàn hảo mà chàng vươn tới, vì vậy chàng dễ dàng tin rằng Xperanxki chính là cái lý tưởng của một con người thông tụê và có đạo đức. Giả sử Xperanxki cũng xuất thân từ cái xã hội của công tước Andrey, cũng cùng chịu một lối giáò dục và cũng có những tập quán đạo đức như chàng, thì Bolkonxki sẽ chóng thấy ông ta có những khía cạnh yếu đuối, thường tình, không có gì siêu việt. Nhưng bây giờ thì cái đầu óc logic kia, rất xa lạ đối với chàng, lại càng khiến chàng thêm kính nể.
Hoặc vì quý trọng năng lực của công tước Andrey, hoặc cần thấy phải lôi kéo chàng theo mình, Xperanxki đã đem cái lý trí vô tư và bình thản của mình, và đem dùng lối nịnh tinh vi thu hút công tước Andrey, đồng thời kết hợp với thái độ tự tin tự hào là mặc nhiện khẳng định rằng người tiếp chuyện mình cùng với mình nữa là hai người duy nhất có năng lực thấy hết được sự ngu ngốc của tất cả những người khác, cũng như sự sáng suốt và sâu sắc trong những ý nghĩ của mình.
Tối hôm thứ tư, trong buổi hội kiến với công tước Andrey, Xperanxki đã mấy lần nói: "Còn như chúng ta thì chúng ta chú ý đến tất cả những cái gì vượt ra khỏi khuôn khổ của những tập quán đã ăn sâu", hay vừa mỉm cười vừa nói: "Nhưng chúng ta thì lại muốn rằng sói cũng no mà cừu cũng nguyên vẹn", hay " Họ không hiểu được điều đó đâu…" - và tất cả những điều đó, Xperanxki đều nói với cái vẻ như muốn ngụ ý: "Ông với tôi, chỉ có hai người. Chúng ta hiểu được họ là những người như thế nào và chúng ta là những người như thế nào".
Lần nói chuyện lâu đầu tiên với Xperanxki hôm ấy chỉ làm cho công tước Andrey càng củng cố thêm cái cảm giác mà chàng đã thế nghiệm khi trông thấy Xpcranxki lần đầu. Chàng thấy ông ta là một người có trí tuệ phi thường, lý luận sắc bén, biết tư duy chặt chẽ, đã nhờ nghị lực và kiên nhẫn mà đạt đến quyền lực và chỉ vận dụng quyền lực để phục vụ nước Nga. Dưới mắt công tước Andrey, Xperanxki chính là con người biết giảí thích một cách hợp lý mọi hiện tượng trong cuộc sống, chỉ có cái gì hợp lý mới thừa nhận là hiện thực, và trong mọi việc gì đều biết dùng lý trí làm cái thước đo: chính chàng vẫn ước ao làm một con người như thế. Khi Xperanxki trình bày sự việc, tất cả đều có vẻ đơn giản và minh bạch đến nỗi công tước Andrey việc gì cũng bất giác đồng tình với ông ta. Chàng có phản bác và tranh cãi chăng cũng là vì cố ý muốn giữ độc lập tư tưởng và cố sao dừng khuất phục hẳn trước những ý kiến của Xperanxki. Mọi việc đều ổn thoả như thế cả, nhưng chỉ có một điều khiến công tước Andrey bối rối: đó là cái nhìn lạnh lùng, lạnh nhạt của Xperanxki, cái nhìn không cho người ta đi vào tâm hồn mình, và bàn tay trắng, mềm của ông ta mà công tước Andrey thường bất giác đưa mắt nhìn, như người ia vẫn thường nhìn tay những người có quyền lực. Cái nhìn lạnh nhạt và bàn tay mềm nhũn ấy không biết tại sao cứ làm cho công tước Andrey bứt rứt khó chịu. Còn một điều nữa khiến chàng khó chịu, là nhận thấy Xperanxki khinh người quá sức, và trong khi đưa luận chứng ra để xác minh cho ý kiến của mình, ông ta sử dụng quá nhiều thủ đoạn khác nhau. Xperanxki dùng phương pháp suy luận, trừ lối tỷ dụ ra, và công tước Andrey có cảm tưởng là ông ta chuyển từ phương pháp này sang phương pháp khác một cách quá táo bạo. Khi thì ông ta đứng trên lập trường của một người hành động thực tiễn mà công kích những người mơ ước viển vông, khi thì ông ta lại đứng trên quan điểm châm biếm và mỉa mai giễu cợt những người đối lập với mình, khi thì ông ta lý luận một cách chặt chẽ, khi thì ông ta lại đột nhiên bay bổng lên lĩnh vực siêu hình. (Đó là phương tiện chứng minh mà ông đặc biệt hay dùng). Ông chuyển vấn đề lên những đỉnh cao chót vót của siêu hình học, quay ra định nghĩa không gian, thời gian, tư tưởng, và rút ra những điều phản bác: rồi lại hước xuống lĩnh vực tranh luận như cũ.
Nói chung, nét chủ yếu trong trí tuệ của Xperanxki khiến công tước Andrey kinh ngạc là lòng tin chắc chắn không gì lay chuyển nổi vào sức mạnh và quyền hạn của lý trí. Có thể thấy rõ rằng không bao giờ Xperanxki thoảng có cái ý nghĩ mà công tước Andrey vẫn thường có là dù sao cũng không thể diễn đạt được tất cả những điều mình nghĩ, và không bao giờ
Xperanxki có ý nghi ngờ tự hỏi xem phải chăng tất cả những gì mà mình tin tưởng có thể là những điều nhảm nhí không đâu? Và chính cái phong thái trí tuệ đặc biệt này của Xperanxki đã hấp dẫn công tước Andrey nhiều nhất.
Trong khoảng thời gian đầu làm quen với Xperanxki, công tước Andrey thấy khâm phục ông ta một cách nhiệt thành say sưa, giống như cảm giác khâm phục trước đây của chàng đối với Bonaparte. Xperanxki là con một ông linh mục: những người ngu ngốc có thể vì thế mà khinh miệt những người thầy tu và con thầy tu như vậy, - và điều này khiến công tước Andrey càng thêm trân trọng cái cảm giác khâm phục của mình đối với Xperanxki và vô hình trung tăng cường thêm cái cảm giác đó trong lòng chàng.
Trong buổi tối đầu tiên mà công tước Andrey ngồi tiếp chuyện Xperanxki, trong khi nói về Uỷ ban soạn luật, Xperanxki đã mỉa mai kể lại cho công tước Andrey nghe rằng Uỷ ban soạn luật này tồn tại đã năm mươi năm nay, tốn của công quỹ hàng triệu bạc nhưng chẳng làm gì cả, rằng Rozenkampf đã dán nhãn hiệu lên tất cả các điều khoản của khoa lập pháp so sánh. Xperanxki nói:
- Nhà nước trả cho họ hàng triệu bạc chỉ để họ làm công việc ấy thôi đấy. Chúng ta muốn cấp cho Thượng viện một quyền tư pháp mới, nhưng chúng ta không có luật. Cho nên ngày nay những người như công tước mà không ra cáng đáng việc nước thì thật là có lỗi.
Công tước Andrey nói rằng muốn thế phải qua một quá trình học đào tạo về tư pháp, mà chàng thì không được đào tạo như vậy nhưng có ai được đào tạo gì về tư pháp đâu, cho nên còn biết làm thế nào được? Đó là một cái circulus viciosus () mà chúng ta phải cố sức vùng ra khỏi.
Một tuần sau công tước Andrey được cử làm uỷ viên trong Uỷ ban soạn thảo quy chế quân đội, ngoài ra - một điều mà chàng không thể nào ngờ được - còn làm trưởng ban soạn luật trong Uỷ ban nữa. Theo lời yêu cầu của Xperanxki, chàng nhận trách nhiệm nghiên cứu phần đầu của bộ luật hộ và tham khảo bộ luật Napoléon(), và bộ luật Justiniani để soạn ra chương "Nhân quyền".
Chú thích:
() Vòng luẩn quẩn (tiếng La-tinh trong nguyên văn)
() Code Napoléon