Công tước Andrey vừa đi được một hôm thì hôm sau lão công tước Nilolai Andreyevich cho gọi tiểu thư Maria đến.
- Đấy bây giờ cô đã bằng lòng chưa? - Lão công tước nói - Cô đã làm cho cha con tôi xích mích với nhau thế đã vừa ý chưa? Cô chỉ cần có thế thôi mà. Bây giờ thì hả rồi chứ? Chuyện này làm tôi khổ tâm. Tôi thì già yếu rồi, thế mà cô lại muốn thế, thôi, tha hồ mà mừng.
Và sau đó, suốt cả tuần lễ nữ công tước Maria không thấy mặt cha. Lão công tước ốm và không ra khỏi phòng làm việc.
Có một điều làm công tước Maria ngạc nhiên là trong thời gian ốm, ngay cả cô Burien lão công tước cũng không cho đến thăm. Chỉ một mình Tikhon được phép săn sóc ông cụ thôi.
Một tuần sau, công tước lại ra khỏi phòng, lại tiếp tục sinh hoạt theo nếp cũ, tỏ ra đặc biệt hăng hái trong việc xây dựng, làm vườn và chấm dứt tất cả các quan hệ trước kia với cô Burien. Vẻ mặt cũng như giọng nói lạnh lùng của ông mỗi khi tiếp xúc với nữ công tước Maria hình như muốn nói với nàng: "Đấy cô đã bịa đặt đủ điều, cô đã nói xấu tôi với công tước Andrey về thái độ của tôi đối với cô gái Pháp kia, và cô đã làm cho chúng tôi xích mích với nhau, nhưng cô thấy đấy, tôi chẳng cần gì đến cô, cũng như chẳng cần gì đến cái cô gái Pháp ấy!"
Nữ công tước Maria sống nửa ngày với cậu bé Nikolusa, trông coi cậu bé học, thân hành dạy tiếng Nga và âm nhạc cho cậu, và nói chuyện với Dexal, còn một nửa ngày thì nàng sống với mấy quyển sách, người u già và với những con người nhà trời thỉnh thoảng đánh bạo đi cửa sau vào thăm nàng.
Còn về chiến tranh, nữ công tước Maria cũng nghĩ như phụ nữ vẫn thường nghĩ đến chiến tranh. Nàng lo cho anh nàng hiện nay đang ở ngoài mặt trận, nàng không hiểu vì sao lại có chiến tranh, nàng kinh hãi trước sự tàn ác của loài người đã khiến cho họ chém giết lẫn nhau; nhưng nàng không hiểu tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này mặc dầu Dexal, người vẫn thường ngày nói chuyện với nàng và rất thiết tha chú ý đến tình hình diễn biến của chiến sự, vẫn tìm mọi cách cắt nghĩa cho nàng biết quan điểm của mình, mặc dầu những con người nhà trời đến thăm nàng đều kinh hãi kể lại mỗi người một cách những tin đồn đại của nhân dân về cuộc xâm lăng của tên Ma vương Cơ đốc và mặc dầu Juyly, hiện nay là công tước phu nhân Drubeskaya, lại thư từ với nàng và gửi từ Moskva đến những bức thư đầy tinh thần yêu nước. Juyly viết:
"Tôi viết thư cho bạn bằng tiếng Nga, bạn ạ, vì tôi căm thù tất cả bọn Pháp cũng như ngôn ngữ của chúng, và hễ nghe ai nói tiếng Pháp là tôi không sao chịu nổi. Ở Moskva, chúng tôi đều say sưa ngưỡng mộ vị hoàng đế mà chúng ta hằng sùng bái. Ông chồng tội nghiệp của tôi đang chịu cảnh nhọc nhằn đói khổ ở trong những lữ điếm Do Thái, nhưng những tin tức tôi nhận được lại càng làm cho tôi nức lòng. Chắc thế nào bạn cũng nói đến hành động anh hùng của Raievxki đã ôm hôn hai đứa con trai của mình mà nói: "Tôi sẽ cùng chết với hai con tôi, chứ chúng tôi quyết không nao núng". Và thực vậy mặc dầu quân địch mạnh gấp đôi, quân ta vẫn không hề nao núng. Chúng tôi cũng tìm cách tiêu khiển nhì nhằng cho qua ngày tháng, nhưng thời buổi chiến tranh vẫn là thời buổi chiến tranh! Hai công tước tiểu thư Alina và Sophia cùng ngồi với tôi suốt ngày, và chúng tôi, những người quả phụ bất hạnh của những người chồng đang sống, chúng tôi vừa làm xơ vải băng vừa nói những câu chuyện thú vị; bạn ạ, tôi chỉ thiếu có bạn thôi…".
Nguyên nhân chính khiến nữ công tước Maria không hiểu hết tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này là lão công tước không bao giờ nói đến nó, không thừa nhận nó, và trong bữa ăn vẫn thường chế nhạo Dexal mỗi khi ông này nói đến nó. Giọng nói của công tước điềm nhiên và tự tin đến nỗi nữ công tước Maria cứ một mực tin cha, không cần suy nghĩ gì nữa.
Suốt cả tháng Bảy năm ấy, lão công tước hoạt động rất hăng hái và thậm chí còn rất phấn chấn nữa. Ông sai dọn một khu vườn cây mới và khởi công xây một ngôi nhà mới cho gia nô ở.
Chỉ có một điều làm nữ công tước Maria lo lắng: độ này ông ít ngủ và đã bỏ cái thói quen ngủ trong phòng làm việc: mỗi đêm ông ngủ ở một chỗ khác nhau, khi thì ông bảo đặt giường ở hành lang, khi thì ông nằm trên đi-văng hay trên chiếc ghế bành kiểu Volte trong phòng khách, và cứ mặc cả áo mà ngủ, trong khi cậu bé Petruska thay cô Burien đọc sách cho ông nghe; có khi ông lại nằm ngủ trong phòng ăn.
Ngày mồng một tháng Tám, nhận được bức thư thứ hai của công tước Andrey. Trong bức thư thứ nhất nhận được ít hôm sau khi ra đi, công tước Andrey kính cẩn xin cha tha lỗi về những điều chàng đã cả gan nói và xin cha vẫn yêu thương chàng như trước. Lão công tước đã viết một bước thư thân ái trả lời bức thư này, và từ đó không gần gũi với cô gái Pháp nữa. Bức thư thứ hai công tước viết ở gần Vitebxk, sau khi quân Pháp đã chiếm thành phố này, trong thư sơ lược miêu tả lại chiến dịch vừa qua, có kèm theo cả một bản đồ, và có những dự đoán về những diễn biến sau nay của chiến dịch. Trong bức thư này công tước Andrey trình bầy cho cha chàng thấy rằng ở lại Lưxye Gorư thật là bất tiện vì gần chiến trường, lại ngay trên con đường hành quân của quân đội và khuyên cha nên đi Moskva.
Hôm ấy, trong bữa ăn chiều, nhân lúc Dexal nói rằng nghe đâu quân Pháp đã vào Vitebxk, lão công tước bỗng sực nhớ đến bức thư của công tước Andrey. Ông nói với nữ công tước Maria.
- Hôm nay vừa nhận được thư của công tước Andrey, con đã xem chưa?
- Thưa cha chưa ạ. - Nữ công tước Maria hoảng hốt đáp. Nàng làm sao có thể đọc một bức thư mà nàng chưa hề nghe nói đến.
- Ô ! Anh ấy viết về cuộc chiến tranh này - lão công tước nói với nụ cười khinh bỉ vẫn thường có mỗi khi nói đến chiến tranh hiện tại.
- Chắc phải thú lắm - Dexal nói - Công tước có thể biết được…
- Ồ thú vị lắm! - cô Burien nói.
- Cô đi lấy bức thư ấy ra đây cho tôi, - lão công tước nói với cô Burien. - Nó ở trên bàn con dưới cái chặn giấy ấy.
Cô Burien vui vẻ nhổm dậy.
- A thôi, - Ông cau mày gọi - Mikhail Ivanyts, anh đi lấy cho ta.
Mikhail Ivanyts đứng dậy và đi vào phòng làm việc. Nhưng ông ta vừa ra khỏi phòng ăn thì lão công tước đưa mắt nhìn quanh có vẻ lo lắng, vứt cái khăn ăn xuống và thân hành đi lấy.
- Chúng chẳng biết làm gì hết, chỉ độc làm xáo lộn lên cả.
Trong khi ông đi, nữ công tước Maria, Dexal, cô Burien và cả cậu bé Niloluska nữa đều im lặng đưa mắt nhìn nhau. Một lát sau, lão công tước trở lại, chân bước vội vàng, tay cầm bức thư và tấm bản đồ, theo sau là Mikhail. Lão công tước đặt cả hai thứ đó bên cạnh mình, không cho ai xem trong bữa ăn.
Sau khi mọi người vào phòng khách, ông trao bức thư cho nữ công tước Maria và trong khi trải bàn thiết kế ngôi nhà mới ở trước mặt và nhìn chăm chú vào đấy, ông bảo nàng đọc to bức thư lên.
Đọc xong, nữ công tước Maria đưa mắt nhìn cha có ý dò hỏi. Ông nhìn vào bản thiết kế, rõ ràng là ông đang suy nghĩ miên man.
- Thưa công tước, ngài thấy việc ấy thế nào ạ? - Dexal đánh bạo hỏi.
- Tôi, tôi ấy à… - Lão công tước đáp, vẻ như vừa tỉnh đậy một cách khó chịu, mắt không rời khỏi bản thiết kế.
- Rất có thể chiến trường lan đến gần chúng ta…
- Ha, ha, ha!… Chiến trường - công tước nói. Tôi đã bảo và tôi vẫn bảo ràng chiến trường là ở Ba Lan là không bao giờ quân địch tiến qua sông Neman.
Dexal sửng sốt nhìn công tước đang nói đến sông Neman trong khi quân địch đã ở trên sông Dniepr, nhưng nữ công tước Maria không biết vị trí địa lý của sông Dniepr nên cứ đinh ninh là cha nàng nói đúng sự thực.
Khi nào tuyết bắt đầu tan là chúng sẽ chết đuối trong những dầm lầy ở Ba Lan. Chỉ có chúng mới không thấy điều đó, lão công tước nói hẳn là ông nghĩ đến chiến dịch năm mà ông cảm thấy rất gần đây. - Đáng lý Benrigxen phải tiến vào nước Phổ sớm hơn, nếu thế thì công việc đã có thể chuyển biến khác rồi.
- Nhưng thưa công tước, - Dexel nói dè dặt, - trong thư nói đến Vitebxk.
- A! Bức thư à! Phải rồi! - công tước nói, có vẻ bực mình. - Phải rồi, phải rồi… - vẻ mặt ông ta bỗng sa sầm lại. Ông im bặt một lát. - Phải rồi, anh ấy nói rằng quân Pháp đã bị đánh bại ở gần sông nào thế nhỉ?
Dexel cúi mặt, hạ thấp giọng đáp:
- Công tước không nói gì về việc ấy cả.
- Chả nhẽ công tước Andrey lại không nói gì? Có phải ta bịa ra đâu?
Mọi người im lặng hồi lâu.
- Phải rồi, phải rồi… Này Mikhail Ivanyts, - đột nhiên ông ngẩng đầu lên nói và đưa tay chỉ bản thiết kế, - Ông thử bảo tôi xem ông muốn sửa đổi lại như thế nào nào…
Mikhail Ivanyts đến bên cạnh bản thiết kế. Sau khi nói với ông ta kế hoạch xây dựng, lão công tước đưa mắt nhìn nữ công tước Maria và Dexal có vẻ giận dữ rồi lui về phòng riêng.
Nữ công tước Maria đã trông thấy cái nhìn lúng túng và kinh hãi của Dexal hướng về phía cha mình, nàng nhận thấy lão công tước im lặng, và ngạc nhiên khi thấy ông để quên bức thư của con trai trong phòng khách; nhưng nàng sợ, không những không dám nói chuyện và hỏi Dexal xem tại sao cha mình lại im lặng và lúng túng, mà thậm chí nàng còn sợ không dám nghĩ đến điều đó nữa.
Buổi tối, lão công tước sai Mikhail Ivanyts đến phòng tiểu thư Maria lấy bức thư công tước Andrey mà ông bỏ quên ở phòng khách.
Nữ công tước Maria trao bức thư cho Mikhail Ivanyts. Mặc dầu cảm thấy ngường ngượng nàng vẫn đánh bạo hỏi Mikhail Ivanyts xem cha nàng đang làm gì.
- Cụ vẫn bận bịu - Ông ta mỉm một nụ cười vừa kính cẩn vừa châm chọc làm cho nữ công tước Maria tái xanh mặt. - Cụ rất băn khoăn về việc xây toà nhà mới. Cụ vừa đọc sách một lát và bây giờ - Mikhail Ivanyts hạ thấp giọng nói - cụ đang ngồi ở bàn giấy, chắc là đang bận viết chúc thư. (Trong thời gian gần đây, một trong những công việc công tước thích nhất là sắp xếp những giấy tờ mà ông sẽ để lại sau khi chết, mà ông gọi là chúc thư).
- Cha tôi định phái Alpaytys đến Smolensk phải không? - nữ công tước Maria hỏi.
- Vâng. Alpaytys đợi lệnh cụ đã lâu.