Công tước tiểu thư Maria không ở Moskva và cũng không được an toàn như công tước Andrey vẫn tưởng.
Sau khi Alpatyts ở Smolensk về, lão công tước như vừa sực tỉnh một giấc mơ. Công tước ra lệnh trưng tập dân binh trong làng, các làng, vũ trang cho họ và viết thư báo cho tướng tổng tư lệnh biết ý định của công tước là ở lại Lưxye Gor kháng cự cho đến cùng, và phó thác cho tổng tư lệnh tuỳ ý quyết định, hoặc thi hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ điền trang, hoặc để mặc cho một trong những lão tướng Nga kỳ cựu nhất bị bắt hay bị giết ở đấy. Thế rồi công tước tuyên bố với người nhà rằng mình sẽ không đi đâu cả.
Nhưng, tuy ở Lưxye Gorư, lão công tước vẫn sửa soạn cho con gái cùng Dexal với tiểu công tước (con trai công tước Andrey) đi Bogutsarovo rồi từ đấy đi Moskva. Thấy cha bỗng quay ra hoạt động sôi nổi, mất ăn mất ngủ sau cơn hôn mê vừa qua, công tước tiểu thư Maria lấy làm lo sợ và cho rằng không thể để cha ở lại một mình; lần đầu tiên trong đời, nàng dám quyết ý không vâng lời cha. Nàng không chịu đi, và một cơn giông tố giận dữ khủng khiếp của công tước đã trút lên đầu nàng. Ông cụ nhắc lại tất cả những nỗi oán hận bất công đối với nàng. Ông cụ buộc tội nàng, nói rằng mình không thể nào chịu đựng được nàng nữa, rằng nàng đã sinh sự làm cho hai cha con ông giận nhau, rằng nàng nghi ngờ cha một cách đáng ghét rằng nàng cố đầu độc cuộc đời của ông, coi việc đó như mục đích của đời mình, đoạn ông đuổi nàng ra khỏi phòng làm việc và bảo rằng nàng có đi hay không ông cũng chẳng cần. Ông lại báo là ông không thèm biết có nàng tồn tại trên đời này nữa, nhưng lại báo trước cho nàng biết là nàng không bao giờ được đến trước mặt mình. Việc lão công tước không cưỡng bức nàng phải đi như nàng vẫn ngại mà chỉ cấm nàng không được lởn vởn trước mặt mình khiến cho nữ công tước Maria thấy nhẹ lòng. Nàng biết rằng như vậy tức là trong thâm tâm, công tước cũng thấy mừng khi thấy nàng ở lại.
Cậu bé Nikolai đi được một hôm từ sáng sớm, lão công tước đã mặc đại quân phục và sửa soạn đến gặp tướng tổng tư lệnh.
Xe đã đánh ra. Tiểu thư Maria thấy cha bước ra khỏi nhà, có bao nhiêu huân chương đeo hết lên ngực, đi theo con đường ra vườn để duyệt đội ngũ nông dân và gia nhân vũ trang. Ngồi cạnh một khung cửa sổ nàng lắng nghe tiếng cha từ ngoài vườn vọng vào. Bỗng có mấy người từ con đường đi qua vườn tất tả chạy về, vẻ mặt hoảng hốt.
Công tước tiểu thư Maria chạy ra thềm, bước xuống lối đi lên giữa các khóm hoa, rồi chạy ra con đường lớn trồng cây hai bên.
Một đám dân binh và gia nhân chạy ngược vào, và giữa đám ấy người ta đang xốc nách dìu ông lão bé nhỏ mặc bộ quân pilực lóng lánh những huân chương. Tiểu thư Maria chạy đến, và trong ánh nắng loang loáng lọt qua bóng những cây bồ đề thành từng đám tròn nho nhỏ, thoạt nhìn nàng không thấy là mặt cha đã biến sắc.
Điều duy nhất mà nàng trông thấy là vẻ mặt xưa kia nghiêm khắc và cương quyết đã nhường chỗ cho một vẻ mặt sợ sệt và khiêm nhường. Trông thấy con gái, công tước mấp máy đôi môi bất lực và phát ra mấy tiếng khàn khàn. Không sao hiểu được công tước muốn gì Người ta ôm ngang giữa mình công tước đưa vào phòng làm việc và đặt trên chiếc đi-văng mà bấy lâu nay ông ta vẫn sợ.
Người ta mời thầy thuốc đến ngay đêm hôm ấy, ông ta chích bớt cho công tước một ít máu và cho biết là công tước bị liệt nửa mình bên phải.
Ở lại Lưxye Gorư càng ngày càng nguy hiểm, nên ngày hôm sau người ta chở công tước đến Bogutsarovo. Ông thầy thuốc cũng đi theo.
Khi đến Bogutsarovo thì Dexal và tiểu công tước đã đi Moskva rồi.
Vẫn trong tình trạng ấy không thuyên giảm mà cũng không trầm trọng thêm, lão công tước năm tê liệt ba tuần ở Bogutsarovo, trong toà nhà mà công tước Andrey vừa mới xây xong. Công tước mê man bất tỉnh nằm như một cái xác đã biến dạng, mồm lẩm bẩm không ngớt, đôi môi mấp máy và đôi lông mày giần giật, không ai có thể biết là công tước có hay biết những gì ở chung quanh mình không. Chỉ có thể thấy rõ là công tước rất đau đớn và thổ lộ một điều gì. Nhưng đó là điều gì thì không ai hiểu được: có phải là một sự ngang bưởng của người ốm đang mê sảng không? Điều đó liên quan đến tình hình công việc chung, hay lại là đến công việc gia đình?
Ông thầy thuốc nói rằng vẻ bứt rứt của công tước không có nghĩa gì, mà chỉ là do những nguyên nhân về thể chất gây lên; nhưng công tước tiểu thư Maria thì lại nghĩ rằng công tước muốn nói điều gì với nàng: hễ có nàng ở đấy là nỗi băn khoăn của công tước lại tăng lên, điều đó càng làm cho nàng tin như vậy. Nhưng chắc chắn là công tước rất đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chẳng còn hy vọng gì nữa được. Cũng không thể chở công tước đi nơi khác được. Nếu công tước chết dọc đường thì biết làm thế nào? Đôi khi tiểu thư Maria nghĩ: "Thôi thì cho xong đi, xong hẳn đi cũng còn hơn". Nàng theo dõi bệnh tình của cha suốt ngày đêm, gần như chẳng lúc nào ngủ nữa, và điều này mà nói ra thì thật ghê gớm: Nhiều khi nàng theo dõi không phải để hy vọng thấy cha đã đỡ mà với niềm mong mỏi mới nhận thấy những triệu chứng của cái chết sắp đến.
Một tâm trạng như vậy mà có thể có được trong nàng, điều đó nàng thấy là hết sức kì quái nhưng nó vẫn là sự thật. Và có một điều đối với nàng còn khủng khiếp hơn nữa là tử khi cha nàng bị ốm (và có lẽ trước nữa, không biết lúc nào, phải chăng là nàng ở lại với cha để đợi chờ một cái gì?) tất cả những ước mong, những hy vọng riêng tư của nàng, đã thiếp đi, đã bị quên lãng đi, thì nay lại trở lại trong lòng nàng. Những ý nghĩ đã từ bao năm không trở lại trong tâm trí nàng, - ý nghĩ được sống tự do, khỏi khiếp sợ người cha già, cá ý nghĩ có thể tìm thấy tình yêu và hạnh phúc gia đình… - tất cả lại quay về ám ảnh tâm trí nàng như những cám dỗ của ma quỷ. Dù nàng có làm gì để xua đuổi nó đi, trong óc nàng vẫn lẩn quất cái ý nghĩ rồi đây sẽ tồ chức một cuộc đời như thế nào, sau khi điều đó ảy ra. Đó là những cám dỗ ma quỷ, và công tước tiểu thư Maria cũng biết thế. Nàng cũng biết vũ khí duy nhất để chống lại nó là cầu nguyện, nên nàng cố gắng cầu nguyện. Nàng quỳ xuống, ngước nhìn lên tượng thánh, cầu kinh, nhưng không sao cầu nguyện được.
Nàng cảm thấy giờ đây một thế giới khác đã thu hút nàng, thế giới của hoạt động vất vả và tự do, hoàn toàn trái ngược cái thế giới tinh thần đã giam hãm nàng tử trước đến nay và đã cho nàng niềm an ủi cao nhất là sự cầu nguyện. Nhưng nàng cũng không thể khóc, vì những nỗi lo âu của cuộc sống thực tế đã tràn vào tâm hồn nàng.
Ở lại Bogutsarovo đã trở nên nguy hiểm. Đâu đâu cũng nghe tin quân Pháp tiến đến gần, và ở một làng cách Bogutsarovo mười lăm dặm, một điền trang đã bị những tốp lính loạn ngũ đến cướp bóc.
Ông thầy thuốc nhắc đi nhắc lại là phải chuyển công tước đi xa hơn; viên đô thống quý tộc() phái người đến giục tiểu thư Maria lên đường ngay, càng sớm càng tốt; viên cảnh sát trưởng cũng thân hành đến giục, nói rằng quân Pháp chỉ còn cách có bốn mươi dặm, những bản tuyên cáo của chúng ta được truyền vào các làng, và nếu nàng không đưa công tước đi trước ngày mười lăm thì ông ta không chịu trách nhiệm gì hết.
Công tước tiểu thư quyết định đi ngày mười lăm. Việc sửa soạn, hành trang, sai phái tôi tớ làm cho nàng bận rộn suốt ngày, vì người nào cũng đều cứ nàng mà xin mệnh lénh. Cũng như thường lệ, đêm mười bốn rạng mười lăm, nàng không bỏ áo ngoài, ngủ ngay trong gian phòng bên cạnh buồng lão công tước. Nhiều lần chợt thức giấc, nàng nghe tiếng rên rỉ, nói lẩm nhẩm, nàng nghe tiếng chiếc giường ông cụ nằm kêu cót két, tiếng chân thầy thuốc đến trở mình cho ông cụ. Mấy lần nàng đến nghe ngóng ở cửa, và thấy hình như đêm nay công tước rên to hơn và trở mình nhiều hơn thường lệ.
Nàng không thể ngủ được và đã mấy lần nàng đến cạnh cửa lắng tai nghe, chỉ muốn vào buồng cha nhưng không dám. Tuy công tước không nói, nhưng tiểu thư Maria cũng thấy rõ, cũng biết chắc rằng mọi dấu hiệu tỏ ra lo sợ cho ông đều làm ông bực mình, nàng nhận thấy ông tước ngoảnh mặt đi, vẻ rất khó chịu, nhưng khi bắt gặp mắt nàng đang bất giác nhìn ông đăm đăm. Nàng biết rằng đang đêm mà đường đột vào phòng thì công tước sẽ nổi giận.
Nhưng chưa bao giờ nàng thấy xót xa, lo sợ vì phải mất cha như bây giờ. Nàng hồi tưởng cả cuộc đời nàng sống với cha, và trong mỗi một lời nối, mỗi một cử chỉ của cha, nàng đều tìm thấy những dấu hiệu của tình thương yêu đối với nàng. Thỉnh thoảng, giữa những kỷ niệm ấy, lại len vào những cám dỗ của ma quỷ, nàng nghĩ đến những việc sẽ xảy ra sau khi cha chết và đến cách sẽ tổ chức cuộc đời mới, cuộc đời tự do của nàng. Nhưng nàng lại ghê tởm xua đuổi ngay những ý nghĩ ấy. Gần sáng, không thấy công tước trằn trọc nữa, nàng ngủ thiếp đi.
Nàng muốn dậy. Cái tâm trạng chân thành mà người ta thường có khi mới ngủ dậy khiến nàng bỗng nhận thấy rõ ý nghĩ vì đã khiến nàng bận tâm nhất trong khi cha ốm. Nàng dậy, đến nghe ngóng ở cửa buồng công tước, và thấy cha vẫn rên, nàng thở dài lự nhủ rằng chưa có gì xảy ra cả.
- Nhưng mà cái gì xảy ra mới được chứ? Mình muốn cái gì mới được chứ? Mình muốn cha chết ư? - nàng kêu lên, tự mình ghê tởm mình.
Nàng mặc áo, rửa mặt cầu nguyện rồi đi ra thềm. Xe đã đỗ ở đấy mấy chiếc, nhưng ngựa chưa thắng, người nhà đang chất hành lý lên xe.
Sáng hôm ấy trời ẩm và đầy mây xám. Công tước tiểu thư Maria tần ngần một lúc trên thềm, tự mình kinh tởm sự hèn hạ của tâm hồn mình và cố sắp xếp các ý nghĩ trong đầu óc lại cho có thứ tự trước khi vào thăm cha.
Ông thầy thuốc từ thang gác xuống, đến gặp nàng.
- Hôm nay cụ lớn có đỡ - Ông ta nói - Tôi đang tìm tiểu thư. Cụ lớn tỉnh hơn, có thể hiểu được ít nhiều những điều cụ dạy. Mời tiểu thư vào. Cụ lớn đang hỏi tiểu thư…
Nghe xong, tim nàng đập mạnh đến nỗi tái mặt đi và phải vịn vào cánh cửa cho khỏi ngã. Vào gặp cha, nói chuyện với cha, chịu đựng cái nhìn của cha, lúc này đây là lúc lính hồn nàng còn đầy những cám dỗ tội lỗi ghê gớm, điều đó làm cho nàng có một cảm giác đau đớn, vừa khiếp sợ vừa vui mừng.
- Mời tiểu thư vào! - ông thầy thuốc nhắc lại.
Công tước tiểu thư Maria vào buồng cha và đến cạnh giường.
Lão công tước đang nằm ngửa, đầu và ngực kê cao lên, hai bàn tay nhỏ bé xương xẩu để ra ngoài chăn nổi rõ những đường gân tim ngoằn nghèo; mắt trái nhìn ra phía trước, mắt phải nhìn lệch sang một bên, đôi mày và đôi môi bất động.
Người công tước thật gầy gò, thật nhỏ bé, thật tội nghiệp. Khuôn mặt trông như khô đét lại hoặc như muốn rữa ra, nét mặt như co quắp lại. Maria đến hôn tay cha. Tay trái công tước nắm lấy tay tiểu thư Maria, và cái tay của công tước cho nàng biết là công tước chờ nàng đã lâu. Công tước kéo tay con, đôi mày và đôi môi động đậy một cách tức tối. Nàng sợ hãi nhìn cha, cố đoán xem cha muốn bảo nàng điều gì.
Khi nàng đổi chỗ đứng để cho mắt trái của công tước nhìn thấy rõ mặt nàng, công tước bình tĩnh lại trong một lát không rời mắt khỏi con gái, rồi đôi môi và lưỡi công tước thì thào phát ra, công tước bắt đầu nói, mắt nhìn một cách rụt rè và khẩn khoán, rõ ràng là sợ con không hiểu lời mình.
Công tước tiểu thư Mary nhìn cha, tập trung tất cả sức chú ý. Thấy cha cố gắng cử động cái lưỡi một cách khó nhọc đến buồn cười nàng cúi mặt nhìn xuống: cố hết sức nén những tiếng nức nở đã dâng đến tận cổ. Công tước nói lắp bắp, nhắc đi nhắc lại mãi mấy tiếng gì không rõ. Tiểu thư Maria không thể hiểu được, nàng cố đoán xem cha muốn nói gì và nhắc lại những tiếng mà nàng tưởng là đã hiểu để hỏi lại.
- Ch… đã đã… đã… làm - Công tước nói đi nói lại mấy lần.
Không tài nào hiểu được mấy tiếng này. Người thầy thuốc tưởng là đoán được ý công tước hỏi: "Đã làm gì ạ?", Công tước lắc đầu và nhắc lại một lần nữa những tiếng lúc nãy…
"Cha đau lòng lắm phải không ạ?" - tiểu thư Maria nói. Công tước phát ra một tiếng khàn khàn tỏ ý khẳng định, rồi cầm tay con gái áp chặt lên mấy chỗ trên ngực như để tìm một nơi thật hợp với nó.
- Tất cả ý nghĩ của cha! Vì con… ý nghĩ… - công tước phát âm tiếp rõ ràng hơn trước, vì bây giờ đã biết chắc là con gái có thể hiểu được.
Tiểu thư Maria gục đầu vào bàn tay cha, cố cầm nước mắt và nén những tiếng nức nở.
Công tước vuốt tóc con.
- Cha gọi con cả đêm qua… - Ông nói.
- Thế mà con không biết… Con không dám vào… - Nàng vừa khóc vừa nói.
Ông lão nắm chặt tay con.
- Con không ngủ?
- Không con không ngủ. - Công tước tiểu thư Maria lắc đầu.
Vô tình nàng cũng bắt chước cha, cố nói toàn băng dấu hiệu, tựa hồ chính lưỡi nàng cũng cử động một cách khó khăn.
"Linh hồn thân yêu của cha…" hay là "con gái thân yêu của cha…". Tiểu thư Maria không phân biệt được, nhưng đôi mắt công tước nhìn nàng biết chắc chắn là ông cụ vừa nói với nàng một lời dịu dàng. âu yếm mà xưa nay ông chưa từng nói bao giờ. Công tước lại tiếp:
- Sao con không vào?
"Thế mà mình thì lại mong, phải, mình mong cho cha chết". - nàng thầm nghĩ. Công tước im lặng một lúc.
- Cám ơn, con gái của cha, con… về tất cả, tất cả… xin con tha… cảm ơn con, con tha thứ, cảm ơn!
Và hai dòng lệ từ đôi mắt công tước chảy xưống. Bỗng công tước kêu lên: "Gọi Andrusa lại đây" - rồi một vẻ ngây thơ, rụt rè và hồ nghi hiện lên trên mặt ông. Dường như ông cũng hiểu rằng lời yêu cầu đó chẳng có ý nghĩa gì: hay ít ra đó cũng là cảm giác của công tước tiểu thư Maria.
- Con có nhận được thư của anh con - nàng đáp.
Công tước nhìn nàng, vẻ bỡ ngỡ và rụt rè.
- Bây giờ nó ở đâu?
- Thưa cha, ở trong quân đội, ở Smolensk.
Công tước lặng thinh một hồi lâu, đôi mắt nhắm nghiền; rồi gật đầu và mở mắt ra như đề trả lời cho những hoài nghi của mình và để xác nhận rằng bây giờ mình đã hiểu hết, đã nhớ lại hết.
- Ừ, - công tước nói khẽ nhưng rõ ràng - Nước Nga nguy rồi! Chúng nó làm mất nước Nga! - Rồi công tước lại nức nở, nước mắt dàn dụa. Công tước tiểu thư Maria không cầm lòng được, cũng nhìn mặt cha mà khóc theo.
Ông lão lại nhắm mắt. Tiếng nức nở lặng dần. Ông ta lấy tay chỉ vào mặt; Tikhon hiểu ý liền lau nước mắt cho công tước.
Rồi công tước lại mở mắt ra và nói gì không rõ: mãi hồi lâu chẳng ai hiểu được, sau cùng chỉ có Tikhon hiểu ra và nhác lại mà thôi. Công tước tiểu thư Maria cố hiểu theo những lời của công tước nói phút trước. Có khi nàng nghĩ ràng ông cụ nói đến nước Nga, có khi lại nghĩ là nói đến công tước Andrey hay đến nàng, hay đến đứa cháu nội, hay đến cái chết của mình. Cho nên nàng không đoán được cha muốn nói gì cả.
- Con mặc chiếc áo dài trắng của con vào đi: cha ưa cái áo ấy lắm - công tước nói.
Khi đã nghe ra hai câu này, nàng lại càng nức nở, và ông thầy thuốc phải khoác tay đưa nàng ra ngoài hiên, khẩn khoản khuyên nàng bình tâm lại để sửa soạn lên đường. Tiểu thư Maria ra khỏi phòng thì công tước lại cất cao giọng nói đã khản nói đến con trai, đến chiến tranh, đến nhà vua, cau mày tức tối, và lại lên một cơn thứ hai và cuối cùng.
Công tước tiểu thư Maria dừng lại ngoài hiên. Tiết trời đã thay đổi trời nắng lên và nóng bức. Nàng không còn biết gì nữa, không nghĩ gì nữa, không cảm thấy gì nữa ngoài tình thương cha tha thiết, một tình thương yêu mà hình như từ trước đến nay chưa hề biết đến.
Nàng chạy ra vườn, vừa khóc nức nở vừa đi xuống phía bờ ao, dọc theo hai con đường hai bên có hai dãy bồ đề non do công tước Andrey trồng.
- Phải… mình… mình đã mong cha mất! Mình đã mong cho chóng xong… Mình muốn được yên tĩnh… Nhưng rồi mình sẽ ra sao đây? Yên tĩnh mà làm gì khi cha đã mất! - Nàng vừa bước đi thoăn thoắt vừa lẩm nhẩm, tay ôm chặt lấy lồng ngực đang bật ra những tiếng nấc nghẹn ngào. Đi một vòng quanh vườn, nàng trở lại thềm nhà và thấy cô Burien đi ngược về phía nàng vớt một người lạ mặt (Cô Burien vẫn ở lại Bogutsarovo không chịu đi). Người lạ mặt và viên đô thống quý tộc ở quận này thân hành đến trình bày cho công tước tiểu thư thấy rõ là nhất thiết phải đi ngay. Công tước tiểu thư Maria nghe mà chẳng hiểu gì hết, nàng đưa viên đô thống vào nhà, bảo dọn bàn mời ăn và ngồi tiếp ông ta. Rồi nàng xin lỗi và đến cửa buồng lão công tước. Người thầy thuốc hốt hoảng, bước ra và bảo nàng không thể vào được.
- Tiểu thư ra đi, ra đi!
Công tước tiểu thư Maria quay ra vườn, đến bên bờ ao. Ở một nơi không ai trông thấy, nàng ngồi thụp xuống cỏ. Nàng không biết là nàng đã ngồi đấy bao lâu. Mãi đến khi nghe tiếng chân đàn bà chạy nhanh trên con đường nhỏ nàng mới giật mình đứng dậy và thấy Dunyasa, người nữ tỳ, chạy đi tìm nàng, và trông thấy nàng thì dừng lại như hoảng hốt, và vừa thở vừa nói, giọng lại hắn đi:
- Mời tiểu thư về, công tước.
- Tôi vào, tôi vào đây. - Tiểu thư Maria đáp vội vàng không để cho Dunyasa nói hết lời, và tránh khỏi đôi mắt người nữ tỳ, nàng chạy về nhà.
Viên đô thống quý tộc đón nàng trên cửa chính, nói:
- Thưa tiểu thư, ý muốn của Chúa đang được hoàn thành, tiểu thư phải sẵn sàng đón lấy tất cả.
- Mặc tôi, không phải thế - Nàng hét lên.
Ông thầy thuốc muốn giữ nàng lại. Nàng xô ông ta và đâm bổ vào cửa, kêu lên:
- Tại sao tất cả những người mặt mày hoảng hốt kia muốn giữ tôi lại? Tôi không cần ai cả! Mà họ đứng đây làm gì? - Nàng mở cửa, và ánh sáng ban ngày chói lọi tràn ngập gian phòng trước đây vẫn để tối mờ mờ khiến nàng kinh hoảng. Mấy người đàn bà và cả u già của nàng đang đứng đấy. Họ dịch ra xa giường để lối cho nàng đi vào. Lão công tước vẫn nằm như ban nãy; nhưng vẻ nghiêm nghị trên gương mặt bình tĩnh của ông cụ làm cho tiểu thư Maria phải dừng lại trên ngưỡng cửa.
"Không, cha chưa chết, không thể như thế được" - nàng tự nhủ. Nàng đến cạnh giường và trấn áp nỗi kinh hoàng hôn lên má cha. Nhưng nàng vội lùi lại ngay. Phút chốc, tất cả tình thương yêu dịu dàng của nàng đối với cha tiêu tan hết, nhường chỗ cho nỗi khiếp sợ trước cái vật đang ở trước mặt nàng. "Cha mất rồi! Cha mất rồi, và ngay đây ở chỗ cha nằm lúc nãy, là một cái gì lạ lùng, thù địch, một bí quyết ghê gớm làm cho người ta khiếp sợ và xa lánh!" Rồi úp mặt vào đôi bàn tay, công tước tiểu thư Maria ngã gục xuống: ông thầy thuốc vội vàng dang tay đỡ lấy nàng.
Trước mặt Tikhon và ông thầy thuốc: mấy người đàn bà rửa ráy thi hài, buộc ông công tước một cái khăn dưới cằm để giữ cho mồm khỏi há hốc, và lấy một cái khăn khác buộc hai chân lại với nhau cho nó khỏi dạng ra. Rồi người ta mặc cho công tước bộ quân phục lóng lánh những huân chương và đặt cái thi hài bé nhỏ khô đét nằm lên bàn. Chỉ có trời biết ai đã lo liệu mọi việc và lo liệu vào lúc nào, nhưng mọi việc dường như tự làm lấy tất cả. Đến tối người ta thắp nến quanh lính cữu phủ lên nó một tấm dạ đen, rải những cành đỗ tùng xuống sàn nhà; người ta lại lót một bài kinh bằng chữ in xuống dưới cái đầu khô đét, của người chết, và người giúp việc lễ đọc những bài thánh thi trong góc buồng.
Cũng như một bầy ngựa tụ tập nhau lại, chồm lên và phì hơi trước một con ngựa chết, một đám đông người chen chúc nhau trong phòng khách, quanh cỗ quan tài, người nhà cũng như người lạ; viên đô thống quý tộc, viên trưởng thôn, những người đàn bà trong làng, và ai nấy, mắt đờ đẫn và khiếp sợ, đến làm dấu Thánh và cúi xuống hôn bàn tay giá lạnh, cứng đờ của lão công tước.
Chú thích:() Chức quan trông coi việc riêng của giai cấp quý tộc (cũng gọi là đại biểu quý tộc)