Trong bữa ăn tối, họ không bàn về chính trị và về những hội kín nữa, trái lại câu chuyện chuyển sang cái đề tài mà Nikolai thích thú nhất, tức là những kỷ niệm về năm mà Denixov đã lên tiếng nhắc nhở. Trong khi nói chuyện Piotr đặc biệt dễ thương và vui nhộn. Rồi mọi người giải tán với một thái độ hết sức thân mật.
Sau bữa ăn tối, Nikolai vào thư phòng, cởi áo ngoài và sau khi đã căn dặn người quản lý vẫn đứng đợi từ nãy, chàng mặc nội tẩm vào buồng ngủ. Chàng thấy vợ đang ngồi bên bàn viết hí hoáy cái gì không rõ.
- Em viết gì thế, Maria? - Nikolai hỏi. Bá tước phu nhân Maria đỏ mặt, nàng sợ những điều nàng viết không được chồng hiểu và tán thành.
Nàng có vẻ giấu không cho chồng biết mình đang viết gì, nhưng cũng lấy làm mừng rằng đã bị chồng bắt gặp và mình ở vào cái thế buộc lòng phải nói rõ với chồng.
- Em viết nhật ký anh Nikolai ạ! - Nàng nói, và đưa cho chàng quyển vở bìa lam viết đầy những nét chữ to và rắn rỏi của nàng.
- Nhật kí à? - Nikolai nói, giọng có pha chút châm biếm, đoạn cầm lấy quyển vở. Trong vở thấy viết bằng tiếng Pháp.
"Ngày tháng . Hôm nay Andriusa (đứa con đầu lòng của nàng) thức dậy, nó không chịu mặc áo nên cô Louise cho gọi tôi đến. Nó đang lúc quấy, không sao bảo được. Tôi thử doạ nó, nhưng nó lại càng dỗi già. Tôi bèn quyết định bỏ mặc nó đấy và cùng u già săn sóc những đứa khác. Tôi bảo nó tôi không yêu nó nữa. Nó im lặng một hồi lâu như thể ngạc nhiên, rồi mình mặc mỗi chiếc áo sơ mi nó nhảy đến ôm lấy tôi, mà khóc nức nở, đến nôi tôi phải dỗ mãi nó mới nín. Có thể thấy rõ rằng nó đau khổ nhất là đã làm tôi buồn phiền; rồi đến tối tôi đưa phiếu hạnh kiểm cho nó thì nó lại khóc thảm thiết và hôn tôi. Nên dùng tình cảm dịu dàng đối xở với nó thì dạy gì cũng được".
- Phiếu hạnh kiểm là cái gì? - Nikolai hỏi.
- Tối nào em cũng cho hai đứa lớn những tấm phiếu nhận xét về hạnh kiểm của chúng.
Nikolai nhìn vào đôi mắt trong sáng đang đăm đăm nhìn chàng, đoạn giở quyển vở đọc tiếp. Trong nhật ký có ghi tất cả những gì Maria cho là đáng chú ý trong sinh hoạt của các con vì biểu hiện rõ tính cách của chúng hay gợi ra những ý nghĩa khái quát về phương pháp giáo dục. Phần lớn đó là những chuyện vụn vặt, không đáng kể, nhưng lại có vẻ quan trọng đối với người mẹ, cũng như người cha, lần đầu được đọc quyển nhật ký nói về các con.
Ngày mồng năm tháng mười hai trong nhật ký viết:
"Michia nghịch trong lúc đang ngồi ăn. Ba ra lệnh không cho nó ăn bánh ngọt. Nó không được ăn. Nó nhìn những người khác ăn, có vẻ tủi thân và thèm thuồng. Tôi nghĩ rằng phạt bằng cách không cho ăn tráng miệng chỉ làm phát triển tính tham ăn. Cần nói với Nikolai".
Nikolai đặt quyển vở xuống bàn và nhìn vợ. Đôi mắt trong sáng nhìn chàng có ý dò hỏi (chàng tán thành hay không tán thành quyển nhật ký?). Không thể nào nghi ngờ nữa. Không những Nikolai tán thành mà còn say sưa thán phục vợ.
"Có lẽ không cần phải làm cầu kỳ như vậy, có lẽ hoàn toàn không cấn thiết nữa là khác" - Nikolai thầm nghĩ, nhưng sức căng thẳng tinh thần dai dẳng, không biết mệt mỏi, tập trung vào một mục đích duy nhất là việc trau dồi đạo đức của con cái khiến chàng phải khâm phục. Nếu Nikolai có thể nhận thức được tình cảm của mình thì chàng sẽ thấy rằng cơ sở chính của cái tình yêu bền chặt, thắm thiết và đầy tự hào của chàng đối với vợ chính là nỗi ngạc nhiên trước sức sống tâm hồn của nàng, trước cái thế giới tinh thần cao cả mà chàng hầu như không thể nào đạt được, trong đó vợ chàng vẫn sống xưa nay.
Chàng tự hào về trí thông minh của nàng và nhận thức rõ ràng sự kém cỏi của mình so với nàng về tinh thần, chàng càng sung sướng khi nghĩ rằng nàng với tâm hồn của nàng không những thuộc về chàng mà còn là một bộ phận của bản thân chàng nữa.
- Anh rất tán thành, hoàn toàn tán thành, em ạ, - chàng nói, vẻ trang trọng. Đoạn chàng im lặng một lát và nói tiếp - Hôm nay anh hỏng quá. Lúc ấy em không ở trong phòng, anh với Piotr cãi nhau, và anh nổi nóng. Nhưng không thể nào khác được. Cậu ta dại dột ngây thơ quá. Anh không biết cậu ta sẽ ra sao nếu Natasa không cầm chắc dây cương. Em có thể tưởng tượng tại sao cậu ta đi Petersburg không? Ở đấy họ đã lập…
- Vâng em biết - bá tước phu nhân Maria nói - Natasa đã kể cho em nghe.
- Đấy em biết đấy - Nikolai nói tiếp, chỉ cần nhớ đến cuộc tranh cãi chàng đã phát cáu lên rồi - Cậu ta muốn thuyết phục anh rằng nhiệm vụ của mọi người chính trực là phải chống lại chính phủ, còn lời thề và nghĩa vụ thì… Anh tiếc rằng em không ở đấy. Và thế là mọi người xúm nhau vào tấn công anh, cả Denixov, cả Natasa. Natasa thật rõ buồn cười. Cô ta xỏ mũi cậu ấy thực đấy nhưng hễ động có tranh luận một cái gì là cô ta không nói được câu gì của mình, cô ta chỉ lặp lại những điều cậu ấy nói, - Nikolai nói thêm, bị lôi cuốn theo cái xu hướng không sao khắc phục nổi, nó thúc đẩy chàng phê phán những người thân yêu gần gũi nhất. Nikolai đã quên rằng những điều chàng nói về Natasa cũng đều có thể dùng để nói về những quan hệ giữa chàng và vợ chàng không sai một chút.
- Phải, em cũng nhận thấy thế - bá tước phu nhân Maria nói.
- Khi anh nói với cậu ấy rằng lời thề và bổn phận là quan trọng hơn hết; thì cậu ấy bắt đầu chứng minh một thôi một hồi. Rất tiếc là không có em ở đấy, giả sử có em thì em sẽ nói gì?
- Theo ý em, anh hoàn toàn có lý. Em cũng nói như vậy với Natasa. Piotr nói rằng mọi người đang khổ sở, đau đớn, hư hỏng, và nhiệm vụ của chúng ta là phải giúp đỡ đồng loại. Đã đành cậu ấy có lý - bá tước phu nhân Maria nói - nhưng cậu ấy quên rằng ta có nhiệm vụ khác gần ta hơn là chính Thượng đế đã truyền bảo, và chúng ta có thể hy sinh bản thân nhưng không thể hy sinh con cái ta được.
- Ấy đấy đúng thế, anh cũng nói với cậu ấy như vậy - Nikolai nói xen, quả nhiên tưởng rằng mình đã nói như vậy thật - Nhưng họ có ý kiến của họ, đó là tình yêu đồng loại và chủ nghĩa cơ đốc mà họ lại nói tất cả những thứ đó trước mặt thằng Nikolenka nữa chứ, lúc ấy thằng bé đã lẻn vào thư phòng phá phách lung tung ra cả.
- Anh Nikolai ạ, anh có biết không, thằng Nikolenka cứ làm em lo lắng luôn - bá tước phu nhân Maria nói - Nó là một đứa trẻ khác thường. Nó sợ rằng em bỏ rơi nó mà chỉ săn sóc đến các con. Chúng ta có con cái, có gia đình, còn cháu nó chẳng có ai hết. Nó bao giờ cũng cô độc một mình với những ý nghĩ của nó.
- Nhưng anh thấy đối với nó em chẳng có gì phải tự trách mình cả. Tất cả những điều mà người mẹ âu yếm nhất có thể làm cho con mình thì em đã làm và đang làm cho nó. Nó là một đứa trẻ rất ngoan, rất ngoan. Hôm nay nó nghe Piotr mà ngây cả người ra. Em có thể tưởng tượng thế này không: khi bọn anh đứng dậy đi ăn tối thì anh thấy nó đã bẻ gãy hết những đồ đạc để trên bàn làm việc của anh, và ngay lúc đó nó xin lỗi. Không bao giờ anh thấy nó nói dối. Thật là một đứa trẻ tốt - Nikolai nhắc lại, tuy trong thâm tâm chàng không thích Nikolenka, nhưng bao giờ cũng muốn thừa nhận nó là một đứa bé rất tốt.
- Nhưng cũng vẫn không bằng có một người mẹ - bá tước phu nhân Maria nói, - Em cảm thấy thế nên rất khổ tâm. Thằng bé thật tuyệt diệu, nhưng em sợ cho nó lắm. Đời sống giữa bạn bè sẽ có ích cho nó.
- Cái đó thì chẳng phải lâu la gì, mùa hạ năm nay anh sẽ đem nó đến Petersburg, - Nikolai nói. - Phải, xưa nay Piotr vẫn là một anh chàng mơ mộng và sau này rồi cũng vẫn thế - chàng nói tiếp, quay trở về câu chuyện ở thư phòng, hẳn là câu chuyện này vẫn làm chàng xúc động. - Đấy, những việc như Arakseyev là một người tồi… thì có quan hệ gì đến ta kia chứ" Quan hệ gì đến anh, khi anh lấy vợ, nợ lút đầu lút cổ đến nỗi suýt bị bỏ tù, còn mẹ thì chẳng thấy gì, chẳng hiểu gì cả! Rồi sau đó lại có em, có các con, có công việc. Có phải vì sở thích mà anh làm việc từ sáng đến tối ở ngoài đồng hay ở trong phòng giấy đâu? Không, nhưng anh biết anh phải làm việc để cho mẹ anh sống an nhàn, để đến đáp lại cho em và đừng để cho các con nghèo đói như anh ngày xưa.
Bá tước phu nhân Maria muốn nói với chồng rằng con người không phải chỉ sống bằng bánh mì và có lẽ chàng gán cho những công việc này một tầm quan trọng quá đáng, nhưng nàng nhận thấy nói thế không cần thiết và chẳng có ích gì. Nàng chỉ nắm tay chồng mà hôn. Chàng xem cử chỉ ấy như một lời tán thành và xác nhận những ý nghĩ của mình, rồi sau khi im lặng suy nghĩ một lát, chàng tiếp tục nói to những ý nghĩ của mình lên.
- Này Maria ạ, - chàng nói - Hôm nay Ilya Mitrofanyts (tên người quản lý) ở làng Tanov đến nói rằng người ta đã mặc cả khu rừng tới tám mươi vạn rúp - Rồi vẻ mặt phấn chấn, Nikolai bắt đầu kể rằng chỉ ít lâu nữa chàng sẽ có thể chuộc lại điền trang Otradnoye - chỉ mười năm nữa là cơ nghiệp anh để lại cho các con sẽ hoàn toàn đâu vào đấy.
Bá tước phu nhân Maria lắng nghe và hiểu hết những điều chồng nói với mình. Nàng biết rằng những khi chàng nói to những điều đang nghĩ lên như vậy, đôi lúc chàng lại hỏi nàng xem chàng đã nói gì, và nổi giận khi thấy nàng đang nghĩ đến việc khác.
Nhưng bá tước phu nhân Maria phải cố gắng lắm mới có thể nghe chồng vì nàng không mảy may quan tâm đến những điều chàng nói.
Nàng nhìn chồng, và tuy nàng không nghĩ đến việc khác, tình cảm của nàng cũng ở chỗ khác. Nàng cảm thấy một tình yêu đằm thắm và phục tùng con người này, con người không bao giờ hiểu hết những điều nàng hiểu và hình như điều đó lại cũng khiến nàng yêu chàng mãnh liệt hơn, với một mối tình được màu trắc ẩn tha thiết.
Ngoài cái tình cảm ấy đã thu hút tâm trí nàng và ngăn cản không cho nàng đi sâu vào từng chi tiết trong các kế hoạch của chồng, trong óc nàng lại thoáng hiện ra những ý nghĩ khác không liên quan gì đến những điều chàng đang nói cả. Nàng nghĩ đến đứa cháu trai (câu chuyện chồng nàng kể lại về nỗi xúc động của Nikolenka khi nghe Piotr đã gây nên trong lòng nàng một ấn tượng rất mạnh). Thế rồi, những nét này nét khác trong cái tính cách dịu dàng, dễ cảm của nó lại hiện lên trong tâm trí nàng, và trong khi nghĩ đến cháu, nàng lại nghĩ đến các con. Nàng không so sánh cháu với các con, nhưng nàng so sánh tình cảm của mình đối với chúng và buồn rầu nhận thấy tình cảm của nàng đối với Nikolenka vẫn thiếu một cái gì.
Đôi khi nàng nghĩ rằng sở dĩ có sự khác nhau như vậy là vì lứa tuổi của chúng, nhưng nàng vẫn cảm thấy mình có lỗi với nó và trong thâm tâm nàng tự hứa với mình là sẽ chữa và làm cái điều làm được - tức là yêu chồng, cả con, cả Nikolenka và tất cả đồng loại trong cuộc sống này, cũng như chúa Cơ-đốc đã yêu nhân loại.
Tâm hồn bá tước phu nhân Maria bao giờ cũng vươn tới cái vô cùng, cái vĩnh viễn và cái chí thiện, cho nên nó không lúc nào có thể yên tĩnh, gương mặt nàng trở nên nghiêm nghị, để lộ một niềm đau khổ cao cả, thầm kín của một linh hồn bị xác thịt trói buộc.
Nikolai nhìn nàng.
"Trời ơi! Nếu nàng chết đi thì chúng ta sẽ ra sao? Mỗi khi gương mặt nàng lại như vậy, ta không khỏi nghĩ đến điều đó".
Chàng nghĩ thầm. Và đứng trườc tượng thánh, chàng bắt đầu đọc kinh buổi tối.