Cái bẫy sắt chúng tôi đặt trên đường tóm được một con sói đực to lớn. Chiếc thanh sắt nặng trịch kẹp chặt đầu của con thú và khi chúng tôi nhìn thấy thì nó đã chết.
Chúng tôi lôi nó về trạm kiểm soát động vật hoang dã, lột bộ da treo lên.
Đêm xuống, tôi và Cường Ba ngồi trong chiếc lều làm bằng da bò yak [], thắp đèn từ mỡ lợn rừng, uống rượu Thanh Khoa [] thơm nồng và nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.
[] Bò yak là giống bò lông dài sống hoang dã trên cao nguyên Thanh Tạng và một số vùng cao khác thuộc dãy Himalaya ở Trung Á.
[] Rượu Thanh Khoa là loại rượu làm từ lúa mạch đặc biệt trên cao nguyên Thanh Tạng, được người Tây Tạng ưa dùng trong mọi cuộc hội hè hay lễ tết.
Tôi làm việc ở sở nghiên cứu động vật của tỉnh [], chuyên nghiên cứu về hành vi của động vật. Lần này đến Cao Lê Cống Sơn cũng là muốn thu thập những tư liệu đầu tay về lĩnh vực này, chuẩn bị để viết luận văn tiến sỹ. Cường Ba là thợ săn người Tây Tạng bản địa mà tôi thuê làm người dẫn đường.
[] Ở đây là tỉnh Thanh Hải, phía Tây Trung Quốc.
Đang lúc nói chuyện cao hứng, đột nhiên có tiếng sói hú “âu…âu…” từ bên ngoài vọng lại. Tiếng kêu thảm thương ai oán khiến tôi sởn cả da gà.
“Sói đến kìa!” Tôi vội kêu lên.
“Còn xa lắm, nó đang ở con suối cách đây nửa cây số, tại xuôi gió nên tiếng mới truyền xa thôi.” Cường Ba nói tỉnh bơ.
Tiếng hú liên tiếp dội lại từng tràng inh tai nhức óc, thống thiết như ma khóc quỷ hờn. Đó đúng là âm thanh khó nghe nhất trên đời.
“Sói hú bình thường không inh ỏi thế đâu”, Cường Ba giải thích, “đây là con sói cái sắp đẻ, không có sói đực ở bên nên tiếng kêu càng thê thảm.” Vừa nói, anh ta vừa liếc mắt sang tấm da sói treo trên lều, ngậm ngùi bảo, “Nó không biết chồng mình đã chết. Con sói cái này sắp xui xẻo rồi, sinh con xong không có chồng bên cạnh, nó với sói con khó lòng sống nổi…”
Cường Ba không hổ danh là thợ săn có kinh nghiệm hơn ba chục năm xông pha trong rừng, không những nghe ra ý nghĩa của từng tiếng hú mà còn hiểu rõ tập quán sống của loài sói.
Rất nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, sói cái trong thời kỳ sinh nở và cho con bú không thể tự mình lo liệu như các loài thuộc họ Mèo. Nguyên nhân chính là: Động vật họ Mèo có phương thức săn mồi chủ yếu là ẩn nấp, mai phục, trong khi động vật họ Chó quen đuổi bắt mồi trên đường dài. Con sói cái vừa sinh con, cơ thể còn yếu mệt, không đủ sức để chạy xa săn mồi. Vì thế, xã hội loài sói thường tổ chức theo chế độ gia đình nhỏ, sói cái và sói đực cùng gánh vác trách nhiệm nuôi con.
Tôi uống thêm một bát rượu Thanh Khoa đầy, đang lúc mặt mũi tưng bừng bèn sực nghĩ: Nếu tôi khoác tấm da của con sói đực lên người, chạy tới chỗ con sói cái sắp sinh thì sẽ thế nào nhỉ? Nếu thành công, tôi có thể vào trong hang, khám phá bí mật cuộc sống nhà sói và tìm được những tư liệu khoa học cực kỳ quý báu!
Tôi kể cho Cường Ba ý nghĩ đó. Anh ta giật nảy mình, lắp bắp: “Chuyện… chuyện này có được không? Con sói đó có mù đâu, nó… nó nhìn qua là có thể nhận ra sói chồng thật hay giả mà.”
“Không sao đâu.” Tôi nói chắc nịch: “Sói chủ yếu dựa vào khứu giác để phân biệt sự vật. Ngành nghiên cứu hành vi động vật có một câu nói nổi tiếng: Động vật có vú nghĩ bằng mũi. Đối với loài sói, ngửi bằng mũi còn quan trọng và chính xác hơn là nhìn bằng mắt. Người tôi nhỏ gọn, cũng chẳng hơn kém mấy so với kích cỡ của một con sói đực, tôi khoác tấm da con sói đực, mùi của nó dính vào người, chắc con sói cái sẽ không nhận ra đâu.”
“Nhỡ nó vồ lấy anh thì sao?”
“Thì tôi có cái này.” Tôi vỗ vỗ vào khẩu súng lục phòng thân dắt bên hông. “Đối phó với một con sói cái bụng bầu, cái này quá đủ còn gì?”
Từ nhỏ tôi đã ưa mạo hiểm, lúc nào cũng thích làm những việc người khác chưa từng làm. Lại thêm chút men của rượu Thanh Khoa, cái ý nghĩ hoang đường ấy của tôi nhanh chóng biến thành nỗi khao khát và sự kích động không thể kiềm chế nổi.
Tôi cởi bỏ quần áo bên ngoài, lược qua vài đường chỉ trên tấm da sói vẫn còn chưa khô, rồi khoác lên người như kiểu áo liền quần. Bây giờ mới đầu mùa thu, mặc tấm áo da sói này vẫn cảm thấy khá dễ chịu.