Một
Đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư hành quân trên thảo nguyên Ca Mã Nhĩ trong gió tuyết mịt mù. Bảy, tám mươi con chó rừng đủ cả lớn bé già trẻ, con nào con nấy bơ phờ ủ rũ, trong vành tai, trên đỉnh đầu và chỗ lõm trên sống lưng đều bám đầy hoa tuyết, trông như một đoàn tang ma. Con chó rừng nào bụng cũng lép kẹp như sắp dính vào cột sống, thõng đuôi trên mặt đất, ánh mắt xa xăm rực lên những tia sáng thèm thuồng đói khát. Chúng cứ thế thất thểu lê bước được chừng một cây số.
“U…”
Chó đầu đàn Sách Đà tung mình nhảy lên một vách đá dựng đứng bên đường, đứng từ trên cao nhìn xuống lớn tiếng hú gọi cả đàn. Nó muốn gọi những con chó rừng còn ở phía sau tập trung lại. Đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư xưa nay luôn dùng thế trận hình vuông hoặc hình tròn tiến lên phía trước trong khi đi săn. Đó là sự thích nghi đối với môi trường nơi đây và vì thế mà sinh ra lựa chọn sinh tồn phù hợp nhất.
Chó rừng tuy có sức sống mãnh liệt nhưng thân thể gầy nhỏ, chẳng những không địch nổi sói, mà so với những con chó bình thường cũng nhỏ hơn hẳn, nếu một mình đọ sức với các loài mãnh thú ăn thịt khác thì rất khó chiếm được ưu thế, cũng không thể đưa các loài động vật ăn cỏ cỡ vừa và cỡ lớn vào thực đơn của mình, chỉ có dựa vào sức mạnh của cả đàn mới có thể xưng hùng bá vương, chiếm cứ một phương trong thế giới rừng rậm nơi mà kẻ mạnh nuốt kẻ yếu này; thế trận vuông hoặc tròn vừa tượng trưng cho đàn chó rừng không thể chia tách, khiến những loài mãnh thú ăn thịt khác nhìn vào mà e sợ, vừa giúp chó đầu đàn có thể kịp thời ra lệnh chỉ huy một cách có hiệu quả khi gặp phải chuyện bất ngờ hoặc tình cờ bắt gặp con mồi.
Đáng tiếc là, Sách Đà gọi liền mấy tiếng, nhưng đàn chó rừng chẳng buồn phản ứng lại, đội ngũ vẫn rời rạc như con rắn không xương. Đúng là phí cả nước bọt. Sách Đà rất đau lòng, uy tín lâu nay của chó đầu đàn đang đứng trước thách thức của cái đói.
Tuyết lông ngỗng đã rơi mấy ngày liền, chân núi Nhật Khúc Ca trở thành một vùng trắng xóa mịt mù, thảo nguyên Ca Mã Nhĩ như được phủ lên một tấm thảm dày màu trắng, sông Cổ Giáp Nạp cũng đã đóng băng. Đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư tuy được coi là đàn thú săn mồi hạng nhất trên thảo nguyên núi tuyết, nhưng dưới điều kiện khí hậu giá rét khắc nghiệt này, chúng cũng phải đối diện với nguy cơ sinh tồn. Những đàn động vật ăn cỏ đông đúc nếu không lũ lượt di cư xuống phương nam tránh rét thì cũng đều trốn trong hang đá để ngủ đông, còn những loài số lượng ít ỏi, không di cư cũng không ngủ đông như thỏ tuyết, chồn, bò Tây Tạng, thì cũng đều vì tiết trời lạnh giá mà ẩn mình trong các hang hốc hoặc một động đá kín đáo nào đó trong rừng, không dám tự tiện ra ngoài. Cho dù có con vật nào đó không chịu nổi cái đói mà mạo hiểm ra khỏi hang thì khói lạnh ẩm ướt nặng nề cũng che đi mùi của chúng, tiếng gió ù ù cũng át tiếng kêu của chúng, tuyết rơi dày đặc cũng nhanh chóng xóa đi dấu vết của chúng.
Khứu giác, thị giác và thính giác của chó rừng trong điều kiện khí hậu dưới độ C này dường như đều giảm tác dụng. Cách săn mồi chắc ăn duy nhất, chính là tìm đến tận hang ổ ngủ đông hoặc ẩn náu của các động vật ăn cỏ. Cách này mặc dù khá hay nhưng núi tuyết mênh mông, thảo nguyên bao la, muốn tìm được một cái hang có thứ gì bên trong, hoặc có thể nói là một bữa tối thịnh soạn, thực chẳng khác gì mò kim đáy bể, hoàn toàn chỉ dựa vào vận may, thời cơ và trông vào sự ngẫu nhiên không thể đoán trước. Đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư không biết đã đắc tội với sơn thần ở chỗ nào, mấy ngày nay liên tiếp gặp chuyện xui xẻo, tìm kiếm gần trăm cái hang hốc khe động mà vẫn chẳng thu hoạch được chút gì bỏ bụng.
Nếu như con người coi cái ăn là trời, thì chó rừng coi cái ăn là cả vũ trụ.
Cái đói như một bóng đen cứ lởn vởn quanh đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư.
Nửa đêm hôm qua, một con chó rừng nhỏ trong đàn tên là Lãng Lãng đã bị chết cóng. Đàn chó rừng sớm đã quen với cảnh chết chóc, không đưa tang cũng không cử hành tang lễ, chó rừng mẹ chỉ đứng trước đứa con chết yểu của mình hú lên vài tiếng rồi rầu rĩ bỏ đi. Đàn chó rừng cũng không có thói quen túc trực bên linh cữu, thi thể của Lãng Lãng được bỏ lại trong một cái khe tối tăm cạnh nơi dừng chân của cả đàn. Sáng nay, sau khi trời sáng, Sách Đà vô tình đi ngang qua khe, đã thấy Lãng Lãng chỉ còn là một bộ xương trắng, đến cả con mắt và cái đuôi cũng đều bị gặm sạch sẽ. Trên nền tuyết trắng phau bên cạnh bộ xương còn lưu lại những dấu chân chó rừng hỗn loạn.
Sách Đà suýt thì tức đến ngất đi.
Mặc dù chó rừng và sói đều thuộc loại động vật có vú, bộ ăn thịt, họ chó, mặc dù trong từ điển của con người, chó rừng và sói thường xuyên đi liền với nhau, nhưng chúng vẫn là hai loài thú dữ khác nhau, mỗi loại đều có những phẩm chất riêng biệt. Vào mùa đông thiếu thốn thức ăn, ở trong tình trạng đói khát, sói có tập tính ăn thịt những đồng loại bị thương nặng hoặc đã chết, trong quan niệm của loài sói, nếu để thịt của đồng loại chó các loài chim, thú ăn thịt khác hoặc lũ kiến ăn mất, thì chẳng thà tự mình ăn lấy còn thực dụng hơn, càng phù hợp hơn với đạo làm sói. Có thể gọi đây là tập tính “thực táng” (chôn cất bằng cách ăn thịt) độc đáo của loài sói.
Nhưng quan niệm của chó rừng không giống sói, chó rừng coi việc ăn xác đồng loại là một hành vi xấu xa, là một tội ác không thể tha thứ được, là một điều cấm kị vô hình. Tuy không giống như con người, dùng nghi lễ phức tạp tiến hành thổ táng, hỏa táng, thiên táng cho đồng loại đã chết, nhưng chó rừng chẳng thà để thi thể đồng loại thối rữa trong rừng, để kền kền, kiến hoặc các loài mãnh thú khác đến xử lí còn hơn.
Không rõ quan niệm của sói hiện đại hơn, hay cách làm của chó rừng hợp lý hơn, nhưng ít ra thì đó là hai tập tính hoàn toàn khác nhau.
Nhưng cảnh tượng sáng nay trong khe núi đã khiến Sách Đà không thể né tránh được một sự thực: Một vài con chó rừng đang phá vỡ điều cấm kị của cộng đồng – ăn cả thi thể của đồng loại.
Trong số động vật hoang dã, nhất là giữa các loài thú ăn thịt có móng sắc răng nhọn, những điều cấm kị trong cộng đồng là vô cùng quan trọng, có thể xem đó là những chuẩn mực và quy tắc mà cả cộng đồng dựa vào để sinh tồn. Ví dụ như chim đại bàng thực hiện chế độ một vợ một chồng nghiêm ngặt, có một điều kị quan trọng là kẻ thứ ba không được phép xen vào. Điều cấm kị này bắt nguồn từ một sự thực: Hai con đại bàng đực hung dữ một khi vì chuyện tranh giành bạn tình mà đánh nhau thì kết cục duy nhất sẽ là cả hai cùng chết. Hổ Bengal cũng có một điều cấm kị, đó là hổ đực không được phép ở cạnh hổ cái có con nhỏ, để ngăn ngừa việc trong một trạng thái nhất định nào đó, hổ đực thô bạo và tham lam sẽ gây tổn thương cho những con hổ con không hề có khả năng tự vệ. Động vật ăn cỏ như linh dương Saiga cũng có điều cấm kị. Trong khi tranh giành địa vị linh dương đầu đàn, linh dương đực chỉ được dùng cách khoe khoang cặp sừng trên đầu và bốn chân to khỏe để thi thố một cách tượng trưng, tranh giành một cách nghi thức hóa, giống như đang múa hoặc diễn kịch, chứ không được dùng những chiếc sừng nhọn hoắt của mình để tấn công đối phương. Nếu không có điều cấm kị quan trọng trên, e rằng tất cả linh dương Saiga trên thế giới đều đã chết hết trong những trận đấu tranh giành địa vị liên tục nảy sinh và không thể khống chế được này.
Phá vỡ điều cấm kị là chuyện vô cùng nguy hiểm.
Sáng nay Sách Đà đứng lặng hồi lâu trước thi hài của Lãng Lãng mà lòng như lửa đốt. Hôm nay chúng đã dám ăn thi thể của đồng loại, ngày mai biết đâu lại chẳng cắn giết cả những con già yếu bệnh tật trong đàn; hôm nay mới chỉ dám lén lút nhân lúc trời tối, giở thủ đoạn vụng trộm, ngày mai biết đâu lại chẳng ngang nhiên cắn giết lẫn nhau giữa ban ngày ban mặt. Rồi đây sẽ là nạn dịch hủy diệt.
Chẳng phải Sách Đà lo nghĩ quá nhiều, trên thảo nguyên Ca Mã Nhĩ quả thực đã từng xảy ra bi kịch đó. Đàn chó rừng láng giềng Cổ Giáp Nạp Tông có một con chó rừng đực, không hiểu bị điên hay làm sao, đói khát đến mất hết cả lí trí, giữa lúc cả trăm con mắt nhìn vào mà dám cắn cổ một đồng loại bị ốm còn chưa tắt hơi rồi uống máu ăn thịt, mười mấy con chó rừng đực đứng cạnh đó thấy vậy, một phần vì muốn trừng phạt kẻ điên, một phần vì thèm khát con mồi, liền rủ nhau xông lên tấn công, cắn chết con chó rừng đực to gan dám phá vỡ điều cấm kị kia rồi ăn thịt nó. Từ đó, đàn chó rừng Cổ Giáp Nạp Tông không phút nào được yên, cứ dăm ba ngày lại xảy ra một vụ án ăn thịt lẫn nhau, chỉ một mùa đông ngắn ngủi mà tất cả chó rừng đực trong đàn gần như đều chết oan uổng, một đại gia đình chó rừng đang yên đang lành bỗng gặp phải nạn hủy diệt.
Bài học xương máu thảm khốc còn đó, Sách Đà quyết không thể để đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư của mình đi theo vết xe đổ của đàn chó rừng Cổ Giáp Nạp Tông được.
Là chó rừng đầu đàn, Sách Đà hiểu rõ các thần dân của mình như lòng bàn tay. Đứng trước thi hài của Lãng Lãng, chẳng cần phải đánh hơi, chỉ nhìn những dấu chân hỗn loạn trên tuyết, Sách Đà cũng có thể nhận ra chuyện bại hoại này là do bảy con chó rừng đực, bao gồm Chột Mắt, Đầu Trắng, Đa Đa Miệng Thỏ, La La Đuôi Ngắn,… gây ra. Nhưng Sách Đà không thể trừng phạt chúng. Phép vua thua lệ làng, điều đó không chỉ đúng với xã hội loài người, mà cũng đúng với thế giới động vật. Hơn nữa, những kẻ xúc phạm đến điều cấm kị này đều là những phần tử trung kiên và tài năng của đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư, trên một phương diện nào đó, trừng phạt chúng chẳng khác nào tự phá hủy cả đàn.
Muốn ngăn chặn không cho thói xấu ăn thịt đồng loại của sói này lan rộng, cách duy nhất có hiệu quả là nhanh chóng săn được những con mồi như hươu, nai để có cái lót dạ.
Gió càng thổi càng mạnh, tuyết càng rơi càng dày, bầu trời đen kịp như bị che bởi tấm da cá sấu xù xì. Đưa mắt nhìn quanh thảo nguyên núi tuyết bao la, đến một cái bóng chuyển động cũng không thấy; rung cánh mũi đánh hơi trong gió, ngoài luồng khí lạnh buốt ra, chẳng ngửi thấy bất kì hơi ấm của động vật sống nào. Con mồi đang ở đâu? Thức ăn đang ở đâu?
Đàn chó rừng càng ủ rũ chán nản, đội ngũ càng trở nên rối loạn.
Trong lòng Sách Đà nặng nề như bị đè bởi một tảng đá ngàn cân.